Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China’s new 2029 reform goal shows Xi Jinping is worried,” Nikkei Asia, 18/07/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Mục tiêu mới cũng có thể là canh bạc sẽ giúp Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ sau khi phân tách kinh tế khỏi Mỹ.
Hồi tuần trước, cuộc họp quan trọng kéo dài 4 ngày của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm thất vọng phần lớn khán giả toàn cầu, những người đang mong đợi các sáng kiến chính sách lớn được thiết kế để vực dậy nền kinh tế ốm yếu nói chung và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nói riêng.
Hội nghị trung ương ba của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 20 đã kết thúc với rất ít thông báo kinh tế đáng chú ý. Tuy nhiên, đã có một động thái quan trọng về mặt chính trị.
Một thông cáo đã được ban hành hôm thứ Năm, 15/08/2024, và toàn văn nghị quyết về “tiếp tục cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc” đã được công bố sau đó vào Chủ nhật. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình đứng đầu đã bất ngờ tuyên bố đặt ra mục tiêu mới là hoàn thành nỗ lực cải cách vào năm 2029.
Tuy nhiên, lộ trình 5 năm này lại cho phép hai cách hiểu hoàn toàn khác nhau. Một số chuyên gia xem đây là chiến thuật được Tập sử dụng để kéo dài thời kỳ nắm quyền của mình đến sau năm 2027, trong khi những người khác xem nó là một canh bạc sẽ giúp nâng cao vị thế của Trung Quốc nếu phân tách Mỹ-Trung tăng tốc trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump.
Năm 2029 sẽ đánh dấu kỷ niệm 80 năm thành lập “một Trung Quốc mới” hay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong năm đó, Trung Quốc dự kiến sẽ kỷ niệm Quốc khánh ngày 1/10 bằng cách tổ chức một cuộc duyệt binh và lễ kỷ niệm hoành tránh.
Ngoài việc đề cập đến cột mốc 2029 và thông báo rằng hội nghị trung ương ba đã trình bày hơn 300 đề xuất cải cách, không có lời giải thích nào khác được đưa ra, rằng việc đạt được mục tiêu đó sẽ có ý nghĩa gì.
Trước tiên, thế nào là “hiện đại hóa Trung Quốc”?
Sự mơ hồ cuối cùng sẽ mang lại cho Tập sự tự do. Nếu tổng bí thư kéo dài quyền cai trị của mình sau đại hội đảng toàn quốc tiếp theo vào năm 2027, chính quyền của ông sẽ có thể tuyên bố “hoàn tất cải cách” vào năm 2029, bất kể tình hình kinh tế và chính trị Trung Quốc có ra sao.
Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ kỷ niệm 80 năm thành lập nước Trung Quốc mới vào năm 2029 trong bầu không khí hoàn toàn khác với bầu không khí lạc quan lan rộng khắp cả nước hồi năm 2019. Năm năm trước, lễ kỷ niệm 70 năm đã diễn ra khi người Trung Quốc đang tràn đầy tự tin vào khả năng họ đuổi kịp và vượt qua Mỹ cả về kinh tế lẫn quân sự trong thời gian không xa.
Sau năm năm, tình hình đã thay đổi đáng kể. Bong bóng bất động sản vốn là trụ cột nền kinh tế và tài chính Trung Quốc nay đã vỡ tan tành. Nền kinh tế khập khiễng sau đó còn hứng chịu một đòn giáng nặng nề từ những hạn chế hà khắc trong đại dịch COVID-19.
Nội dung bản thông cáo còn tiết lộ một vài điểm cần được phân tích sâu hơn, chẳng hạn như việc tên đầy đủ của lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình chỉ được nhắc đến sáu lần trong bản gốc tiếng Trung của thông cáo, trong khi “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội Đặc sắc Trung Quốc trong Thời đại Mới,” tên gọi chính thức của hệ tư tưởng mang tên ông, chỉ được nhắc đến một lần duy nhất.
Trong bản gốc tiếng Trung của thông cáo được công bố sau hội nghị trung ương hai hồi tháng 2/2023, tên đầy đủ của Tập được nhắc đến 9 lần và tên đầy đủ của hệ tư tưởng của ông được nhắc đến 4 lần.
Quay trở lại tháng 11/2021, số lần tên đầy đủ của Tập được nhắc đến trong thông cáo ban hành sau hội nghị trung ương sáu của Ban chấp hành Trung ương khóa 19 cao hơn bất kỳ tài liệu chính thức nào khác. Vào thời điểm đó, Tập vừa chủ trì buổi lễ kỷ niệm 100 năm thành lập đảng và quyền lực của ông đang ở đỉnh cao.
Sự sụt giảm số lần nhắc đến tên đầy đủ của Tập trong thông cáo toàn thể của Ban chấp hành Trung ương phản ánh một tinh thần mới, vốn bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế tồi tệ hiện nay của Trung Quốc.
Một số chuyên gia tin rằng mục tiêu mới cho thấy Tập thực sự đã có một bước đi chiến lược, dù theo một cách hoàn toàn mới, để tiếp tục thời gian nắm quyền vốn đã rất dài của mình đến sau đại hội toàn quốc năm 2027.
Một trong những chuyên gia, một nhà quan sát nội bộ lâu năm về chính trị Trung Quốc, nhận xét mục tiêu cải cách năm 2029 là một biện pháp phòng ngừa, một chiến thuật khôn ngoan. Theo đó, ông cho rằng nếu tình hình hiện tại tiếp tục, Tập sẽ không có đủ thành tích để trình bày tại đại hội toàn quốc năm 2027, tạo điều kiện cho những lời chỉ trích thành tích của ông đến được nội bộ. Chuyên gia này tin rằng những chỉ trích như vậy có thể giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của Tập, nhằm tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Do đó, Tổng Bí thư đã quyết định đánh cược với năm 2029. Nếu những nghi ngờ về việc ông tiếp tục nắm quyền xuất hiện trong các cuộc thảo luận của đại hội, Tập có thể lập luận rằng với mục tiêu cải cách đang trong tầm tay, ông phải tiếp tục giữ vị trí của mình.
Một nhà nghiên cứu Trung Quốc am hiểu các vấn đề quốc tế lại có cách giải thích hoàn toàn khác. Ông chỉ ra rằng chính quyền Tập đã đặt mục tiêu 2029 với niềm tin rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục phân tách khỏi nhau, và như vậy họ đã “đặt ra thời hạn năm 2029 để xây dựng một nền kinh tế Trung Quốc tự chủ và tự hoàn thiện nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.”
Hiện tại, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức từ bỏ nỗ lực tranh cử nhiệm kỳ hai, và vì thế, chính quyền Tập cần chuẩn bị cho khả năng trở lại của cựu Tổng thống Trump.
Trump luôn chủ trương cứng rắn với Trung Quốc. Cuộc đối đầu và cuộc thương chiến khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu ngay sau khi chính quyền Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, nên Tập đã có những ký ức cay đắng về nhiệm kỳ tổng thống của Trump.
Nếu Trump, một đảng viên Cộng hòa, chiếm lại Nhà Trắng từ tay Biden của Đảng Dân chủ, nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ kéo dài đến tháng 1/2029. Chính quyền Tập đã nhấn mạnh chính sách tự lực cánh sinh của mình và tăng cường nỗ lực cải cách cho đến thời điểm đó. Mục đích là làm cho Trung Quốc không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện bên ngoài.
Trên thực tế, toàn văn nghị quyết của hội nghị trung ương ba, được công bố hôm Chủ nhật, cho biết Trung Quốc “sẽ xúc tiến xây dựng chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng có khả năng tự cung tự cấp và kiểm soát rủi ro.”
Văn bản cũng khẳng định Trung Quốc sẽ đặc biệt “cải thiện các thể chế và cơ chế để củng cố các chuỗi công nghiệp quan trọng như mạch tích hợp, máy công cụ công nghiệp, thiết bị y tế, dụng cụ, phần mềm cơ bản, phần mềm công nghiệp, và vật liệu tiên tiến.”
“Chúng ta sẽ phát triển vùng nội địa chiến lược của Trung Quốc và đảm bảo có kế hoạch dự phòng cho các ngành công nghiệp chủ chốt. Các động thái tăng tốc sẽ được thực hiện để cải thiện hệ thống dự trữ quốc gia,” nghị quyết nói thêm.
Văn bản còn gợi ý rằng Trung Quốc đang chuẩn bị để đối phó với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump cho đến năm 2029 khi tìm cách tự nuôi sống mình, tự tạo ra năng lượng và chế tạo tất cả các chất bán dẫn hiệu suất cao mà nước này cần.
Bắc Kinh tin rằng việc đạt được mức độ tự cung tự cấp này sẽ tạo điều kiện cho giấc mơ của chính quyền Tập là thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục.
Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn của phương Tây nếu nước này phong tỏa vùng biển xung quanh Đài Loan hoặc thực hiện các biện pháp gây hấn khác. Nhưng chính quyền Tập tin rằng họ có thể đối phó với bất kỳ áp lực nào do phương Tây áp đặt – và giảm tác động đến cuộc sống của người dân Trung Quốc – bằng cách hoàn thành nỗ lực tự cung tự cấp.
Nếu Tập tiếp tục nắm quyền tại đại hội năm 2027 – và nếu Trung Quốc thành công củng cố sức mạnh trong bối cảnh phân tách – thì liệu Tập có cân nhắc việc nghỉ hưu tại đại hội năm 2032 không? Có lẽ là không, bởi ông đã cẩn trọng để không dấn thân vào con đường này. Toàn văn của nghị quyết mới nhất cũng bao gồm năm “2035,” mục tiêu ban đầu của việc “cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.”
Giống như nhà lập quốc Mao Trạch Đông, Tập không bao giờ có thể thừa nhận rằng mình đã phạm bất kỳ sai lầm nào trong chính sách kinh tế, dù Mao đã nhường chức chủ tịch Trung Quốc cho Lưu Thiếu Kỳ để chịu trách nhiệm về Đại Nhảy vọt (1958-1962) thảm khốc. Thừa nhận sai lầm sẽ khiến Tập phải hứng chịu chỉ trích, đủ để khiến ông phải chịu áp lực khổng lồ.
Chính quyền Tập hiện đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có ở cả trong và ngoài nước. Cụ thể, trong nước, áp lực chính trị đang gia tăng do những khó khăn kinh tế, còn ở nước ngoài là động lực phân tách và vô số rủi ro an ninh khác.
Việc vượt qua cột mốc năm 2027 có lẽ phụ thuộc vào khả năng Tập thể hiện khả năng quản lý chặt chẽ – với những thành tích vượt trội – tại đại hội toàn quốc năm đó.
Mục tiêu năm 2029 đó có thể mang lại cho Tập một cứu cánh khác khi ông cố gắng duy trì vị trí lãnh đạo Trung Quốc và cho phép ông theo dõi thêm một vài cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ chiếc ghế lãnh đạo của mình.
Katsuji Nakazawa
Nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/07/29/muc-tieu-cai-cach-nam-2029-cua-trung-quoc-cho-thay-tap-dang-lo-lang/#more-57575
Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới