Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Elders stay faithful to Deng over ‘reformer Xi Jinping’,” Nikkei Asia, 29/08/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Cuộc nổi loạn mùa hè đã buộc Tân Hoa Xã phải xóa một bài bình luận viết lại lịch sử đảng.
Mùa hè vừa qua, một sự kiện có thể được gọi là “cuộc nổi loạn chống lại nhà cải cách Tập Cận Bình” đã diễn ra sau những cánh cửa đóng kín, dẫn đến một bước lùi cho nhà lãnh đạo tối cao và các đồng minh của ông.
Diễn biến chính trị cực kỳ bất thường này đã diễn ra trong hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20. Hội nghị được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 7.
Vào thời điểm đó, sự chú ý của thế giới đang tập trung vào các chính sách kinh tế trung và dài hạn mà Tổng bí thư Tập và đội ngũ của ông sẽ công bố trong cuộc họp quan trọng.
Tuy nhiên, trọng tâm chính trị ở Trung Quốc lại nằm ở một điều hoàn toàn khác, đó là cách mà chính sách “cải cách và mở cửa” – chính sách đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – ra đời. Cụ thể hơn, trọng tâm là vai trò của Tập và người cha quá cố của ông, Tập Trọng Huân, người từng giữ chức phó thủ tướng, trong việc định hình chính sách được công nhận rộng rãi là của Đặng Tiểu Bình.
Ngày 15/07, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã cho xuất bản một bài bình luận dài với tựa đề “Tập Cận Bình – nhà cải cách” trùng với thời điểm diễn ra lễ khai mạc hội nghị trung ương ba. Bài viết ca ngợi Tập là một nhà cải cách xuất chúng và dường như được thiết kế để củng cố quyền lực của ông tại cuộc họp quan trọng này.
Nhưng, ở đằng sau hậu trường, bài bình luận đã ngay lập tức vấp phải một loạt chỉ trích từ những thế lực chính trị không thân cận với Tập. Một số thành viên trong đảng gọi bài viết này là kỳ lạ và không đúng sự thật, trong khi những người khác nói rằng nó không phù hợp với lịch sử chính thức của đảng và đặt câu hỏi ai đã bật đèn xanh cho việc xuất bản bài viết.
Các nhà quan sát cho biết phản ứng dữ dội này giống như một cơn sóng thần bất ngờ. Nó được thúc đẩy bởi những lời chỉ trích đặc biệt gay gắt đến từ những đảng viên lão thành đã nghỉ hưu, cũng như “thế hệ đỏ thứ hai,” tức con cái của các nhà lãnh đạo đảng thời cách mạng, và đã dần trở nên không thể kiểm soát được. Nhiều nhân vật khác trong đảng cũng lợi dụng làn sóng chỉ trích này như một cơ hội để trút bỏ nỗi thất vọng bị dồn nén của họ đối với tình hình kinh tế tệ hại của Trung Quốc.
Bài viết gây tranh cãi này tập trung vào lịch sử “cải cách” dưới thời Tập, nghĩa là nó dám xem nhẹ lịch sử và kết quả của “cải cách và mở cửa” thời Đặng. Một số đoạn trong bài viết còn dùng các thuật ngữ “cải cách” và “cải cách và mở cửa” để thay thế cho nhau, cố tình gây nhầm lẫn cho người đọc.
Những mô tả về thập niên 1970, bao gồm lời khẳng định rằng cải cách là “truyền thống gia đình” Tập, đã bị chỉ trích đặc biệt dữ dội.
Năm 1978, khi Đặng bắt đầu triển khai chính sách của mình, cha của Tập Cận Bình đã được cử đến miền nam Trung Quốc. Theo bài bình luận, Tập Trọng Huân đã trở thành lãnh đạo chính trị ở tỉnh Quảng Đông và thành lập các đặc khu kinh tế ở Thâm Quyến cùng nhiều nơi khác.
Bài báo cũng cho biết vào năm 1978, Tập Trọng Huân đã đưa Tập Cận Bình, lúc đó đang theo học tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, đến tỉnh An Huy ở miền đông Trung Quốc để tiến hành nghiên cứu thực địa về hệ thống khoán sản xuất theo hộ gia đình. Tập Cận Bình đã ghi chép rất nhiều trong thời gian ở An Huy và đã giữ cuốn sổ tay đó suốt hơn 40 năm qua, bài báo nói thêm.
Hệ thống khoán sản xuất theo hộ gia đình, còn được gọi là hệ thống trách nhiệm hợp đồng, được giới thiệu như một biện pháp cải cách nông nghiệp nhằm khuyến khích nông dân. Nó cho phép các hộ nông dân đã đạt hạn ngạch sản xuất được tự do bán bất kỳ khoản thặng dư nào.
Bài bình luận của Tân Hoa Xã để lại ấn tượng rằng cha con Tập, chứ không phải Đặng Tiểu Bình, mới là những người đã lãnh đạo phong trào cải cách của Trung Quốc nhờ công lao của Tập Trọng Huân ở miền nam và ghi chép của Tập Cận Bình ở An Huy.
Về vai trò của Tập Cận Bình ở An Huy, thực ra Vạn Lý mới là người đã thúc đẩy hệ thống khoán sản xuất theo hộ gia đình ở tỉnh này. Là người ủng hộ trung thành của chính sách cải cách và mở cửa của Đặng, Vạn sau này đã giữ chức phó thủ tướng và tiếp đến là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc.
Hơn nữa, chính sách kinh tế hiện tại của Tập cũng có sự khác biệt đáng kể so với chính sách cải cách và mở cửa của Đặng.
Những đảng viên lão thành chỉ trích bài bình luận của Tân Hoa Xã có lẽ đã cảm thấy rằng Tập đang nhận công lao cho thành tựu to lớn của Đặng.
Bài viết mô tả Tập Cận Bình là một “nhà cải cách” xuất chúng cũng trở thành mục tiêu của những lời chỉ trích ngầm. Trong khi Đặng Tiểu Bình được mệnh danh là “kiến trúc sư chung của cải cách và mở cửa,” bài bình luận nhấn mạnh rằng Tập Cận Bình, chứ không phải Đặng Tiểu Bình, hiện là người có thẩm quyền cao nhất về cải cách trong lịch sử đảng.
Khi phản ứng dữ dội nổi lên, Tập Cận Bình có lẽ đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình. Ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra lệnh cho các bộ phận liên quan xóa toàn bộ bài bài bình luận. Nó đã không được đăng trên bản báo giấy của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng, và cũng bị xóa hoàn toàn khỏi mạng internet của Trung Quốc trước ngày cuối cùng của hội nghị trung ương ba.
Và đó chính là cách mà “nhà cải cách Tập Cận Bình” bị lật đổ.
Không khó để hình dung bầu không khí tại hội nghị trung ương ba sau sự sụp đổ của “nhà cải cách Tập Cận Bình.” Bầu không khí chính trị khắc nghiệt mà bài bình luận gây ra có thể khiến cho bất kỳ quyết định có ý nghĩa hay thay đổi nhân sự nào cũng trở nên khó khăn.
Tân Hoa Xã nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Quốc vụ viện, tức chính phủ trung ương Trung Quốc, và chịu sự giám sát của Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng. Ngoài ra, những bài viết có tầm quan trọng như bài bình luận này sẽ không được phép xuất bản nếu không có sự chấp thuận của Văn phòng Trung ương Đảng, đơn vị quản lý công tác hành chính tại khu vực Trung Nam Hải của Bắc Kinh, nơi đặt văn phòng làm việc của Tập và các nhà lãnh đạo khác.
Dù sao đi nữa, việc bài bình luận bị xóa đột ngột là điều rất bất thường. Và người phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này là các trợ lý thân cận của Tập.
Những trợ lý này đã phán đoán sai, một phần vì họ không cẩn trọng cân nhắc ý nghĩa của năm nay trong lịch sử đảng: Năm nay là kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Đặng Tiểu Bình.
Năm nay, sinh nhật của Đặng, ngày 22/08, đã diễn ra vào thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị, ngay sau mật nghị Bắc Đới Hà thường niên được tổ chức tại khu nghỉ mát ven biển cùng tên ở tỉnh Hà Bắc, nơi các nhà lãnh đạo đương nhiệm và lão thành của đảng có những cuộc thảo luận không chính thức về các vấn đề quan trọng.
Mười năm trước, ngay sau cuộc họp căng thẳng ở Bắc Đới Hà năm đó, Tập Cận Bình đã chủ trì một sự kiện kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đặng Tiểu Bình. Quay trở lại năm 2014, các đảng viên lão thành đã tập trung ở Bắc Đới Hà để thảo luận về chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của Tập.
Sự bất mãn của nhóm đảng viên lão thành là rất lớn, ngay cả cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân cũng cảm thấy vậy, khi chứng kiến cấp dưới cũ và các sĩ quan quân đội thân cận bị nhóm chống tham nhũng của Tập nhắm tới.
Nhưng Tập chỉ đơn giản phớt lờ sự bất mãn của họ trong lúc tiếp tục củng cố quyền lực cá nhân dưới ngọn cờ chống tham nhũng. Cuối cùng, các đảng viên lão thành không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cam kết trung thành với Tập.
Vậy tâm trạng tại mật nghị Bắc Đới Hà năm nay ra sao? Dù tháng 8 đã sắp kết thúc nhưng nội dung các cuộc thảo luận vẫn được giữ bí mật. Người ta thậm chí còn không biết liệu Tập có đến khu nghỉ mát ven biển để tham gia mật nghị hay không. Thông tin đang được giữ kín hơn bao giờ hết.
Vì Tập đã đột ngột biến mất khỏi tầm mắt công chúng, nhiều đồn đoán khác nhau liên quan đến ông đã lan truyền từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, thay cho những thông tin về nội dung của mật nghị Bắc Đới Hà.
Giữa cảnh hỗn loạn, một điều chắc chắn đã xuất hiện, và nó bắt nguồn từ một sự biến mất khác, sự biến mất của bài bình luận của Tân Hoa Xã. Trong chừng mực nào đó, chính trị Trung Quốc đang bắt đầu thay đổi và mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Không thể biết được liệu sự kiện lần này có dẫn đến một cuộc chiến hậu trường khác trong những tháng tới hay không.
Katsuji Nakazawa
Nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/09/03/hinh-tuong-nha-cai-cach-tap-can-binh-bi-lat-do-ngay-trong-hoi-nghi-trung-uong-3/#more-58162
Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới