Trong tư cách Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Đại Tướng Tô Lâm sẽ đến Nữu Ước tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9, và dự định gặp Tổng Thống Mỹ Joe Biden, theo tuyền thông quốc tế, là để xin Mỹ tái cứu xét đơn xin cấp quy chế kinh tế thị trường.

Sau 1 năm csVN dốc toàn lực xin xỏ, hôm mùng 2 tháng 8, Mỹ quyết định vẫn giữ Việt Nam trong danh sách 12 nước có nền kinh tế phi thị trường. Măc cho phải đối diện với tình cảnh thất bại, Ba-Đình vẫn nhận ra rằng kiếm ăn nơi thị trường trên 300 triêu dân tương đối đỡ vất vả hơn nhiều so với thị trường phương Bắc có trên 1 tỷ con người đang vật vã trong “hồi kết không thể nào cứu vãn”. Do vậy, TBT Tô Lâm chủ trương: (i) tăng cường ngoại thương với Mỹ và EU nhằm tạo ra thế đòn bẩy với các thỏa thuận kinh tế hiện có với Bắc Kinh. Và (ii) xin Mỹ tái cứu xét việc cấp quy chế kinh tế thị trường, hoặc ân giảm phần nào thuế suất trên nhiều mặt hàng xuất cảng của Việt Nam đang bị Bộ Thương Mại Mỹ xem xét trong hàng chục vụ kiện. . . Cả hai việc đều quy hướng vào mục tiêu kiếm thêm đồng bạc xanh.

Chuyến sang Mỹ của TBT Tô Lâm lần đầu còn được hỗ trợ mạnh mẽ bằng việc csVN cử Bộ Trưởng Quốc Phòng, Đại Tướng Phan văn Giang lần lượt thăm hai nước Phi Luât Tân hôm 30 tháng 8, là để tạo “một động lực mới” rồi sau đó thăm Mỹ. Sự hiện diện của Bộ Trưởng Phan văn Giang được thực hiện trong bối cảnh cả Phi và Mỹ đều đang có những bất đồng sâu sắc với Bắc Kinh.

Ngay sau khi thâu tóm quyền lực, hôm 18 tháng 8, Đai Tướng Tô Lâm đã đến Bắc Kinh gặp người đồng cấp trong chuyến đi 3 ngày, để ký kết 14 văn bản tái khẳng định tầm quan trọng của đối tác thương mại lớn nhất. Trong đó, Ba-Đình xin Bắc Kinh viện trợ xây hệ thống đường sắt khổ tiêu chuẩn (*) nối nước Tầu với các thành phố chính của Miền Bắc Việt Nam.

Từ lâu, Bắc Kinh theo đuổi mục tiêu “khóa cứng tương lai kinh tế” Việt Nam qua việc dùng “cơ bắp” đẩy csVN vào thế “gọng kìm” (https://vanhoimoi.org/?p=22118). Mới 7 tháng đầu năm nay, hơn 6.800 container đã được vận chuyển qua đường sắt Trung -Việt, tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nay, TBT Tô Lâm mượn nợ Bắc Kinh để lập quy hoạch tuyến đường sắt lớn hơn, như đã dẫn, thì càng dễ dàng cho hàng hóa Trung cộng tràn sang Việt Nam nhanh hơn, đồng nghĩa với tình cảnh Việt Nam phải cam chịu tiếp tục “cống nạp thêm Đôla” cho người Tầu. Bước đi này của TBT Tô Lâm được mô tả như hành vi “gánh vàng đi đổ sông Ngô” (https://vanhoimoi.org/?p=22232)

Rốt cuộc, Ba-Dình vẫn phải hướng sang thị trường Mỹ, bởi “đồng Đôla vạn năng” trên hoàn vũ: Tính đến hết tháng 6 năm 2024, Hoa Kỳ còn liên tiếp là nơi Việt Nam bán được nhiều hàng nhất, tới 54,3 tỷ Mỹ kim. Trong khi Trung cộng lại là nơi Việt Nam phải bỏ ra tới 67 tỷ Mỹ kim để chuốc lấy cả chổi cùn, giẻ rách. Đồng thời hàng hóa Việt Nam bán sang Tầu chỉ thu về được 27,8 tỷ Mỹ kim, khiến Việt Nam phải nhập siêu từ Tầu trong 6 tháng đã trên 40 tỷ Mỹ kim. Năm 2023, Việt Nam chỉ nhập siêu từ Tầu có 49,4 tỷ Mỹ kim thôi. [1]

Trước chuyến thăm Bắc Kinh vào hạ tuần tháng 8, tân Tổng Bí Thư Tô Lâm đưa ra chủ trương mới “phòng chống tham nhũng phải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”. Dù chưa có văn bản nào xác nhận đường lối mới. Nhưng người đầu đảng vẫn phải đưa ra chỉ dấu an dân, tăng trưởng kinh tế luôn là chủ điểm sống còn của bất cứ thế lực cầm quyền nào trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn trong cộng đồng quốc tế.

Mặc cho phía Bắc Kinh đang nỗ lực tạo sức mạnh kinh tế qua hệ thống BRICS được mô tả là khối kinh tế “mới nổi”. BRICS bao gồm các nước: Brazil, Russia, India và China, sau đó tiếp tục kết nạp thêm South Africa, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập. BRICS thành lập từ năm 2009, chiếm 30% diện tích và 45% dân số trên toàn thế giới. Cho đến giữa tháng 6 vừa qua, Việt Nam dường như cảm thấy Bắc Kinh đang “hụt hơi” trong tình thế đã thay đổi, nên csVN nói năng kiểu “nhập nhằng” là đang “quan tâm”, nhưng chưa chính thức gia nhập khối BRICS. 

Mới đây Ngân hàng Shinhan Việt Nam và Hong Kong and Shanghai Banking Corporation (HSBC) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 có thể đạt lần lượt là 6% và 6,5%. Như thế, sang năm 2025 GDP Việt Nam phải tăng trưởng đến mức chưa từng có trong lịch sử khoảng 10% mới tới được mức trung bình của mục tiêu đảng csVN đề ra cho 5 năm (2021-2025). Như thế, nhiệm khóa XIII không đạt được tăng trưởng kinh tế trung bình, và người dân cũng chẳng có thu nhập cao năm 2020.

Về phần Wodld Bank (WB) còn xác định rằng, chất lượng tài chánh Việt Nam đang trở thành mối quan tâm đáng kể của ngành ngân hàng, bởi nợ xấu và phạm vi bảo hiểm mất vốn vay ngày càng tăng, vì mức nợ xấu đã tăng đáng từ 1,9% vào năm 2022 lên 4,6% tổng dư nợ vào năm 2023. Tổng số nợ có vấn đề có thể lên tới 7,9% nếu bao gồm các khoản vay được tái cấu trúc và nợ của công ty quản lý tài sản Việt Nam. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng – Purchasing Managers’ Index (PMI) ngành Sản xuất Việt Nam do S&P Global theo dõi trong tháng 8 là 52.4%, giảm 2,3% so với mức 54.7 điểm của tháng 7. Trong khi tỷ lệ lạm phát chung của Việt Nam là 4,5% trong năm nay, so với mức lạm phát là 3,2% vào năm ngoái, xô đẩy dân chúng vào cảnh tất bật kiếm sống do giá lương thực liên tục leo thang hơn dự đoán. 

Số liệu kinh tế cho thấy, thực tế đầy thách đố cho đảng csVN khó đưa ra được tầm nhìn kinh tế vĩ mô lâu dài. Mà thực trạng này có thể “bít hẳn” lối ra, ít nhất là cho đến hết nhiệm khóa XIII (cuối năm 2025). Bởi vì toàn thể 15 Ủy Viên Bộ Chính Trị, cơ chế quyền lực cao nhất; quyết định mọi việc trên đời sống 100 triệu dân, lại chỉ chuyên ngành an ninh, giỏi trấn áp . . . Mà đại học Fulbright Việt Nam, do Mỹ tài trợ; bị vu cáo tạo ra “cách mạng màu” trong chiến dịch mang tính “đấu tố” với khí thế nhuốm bạo lực – hành vi có “đạo diễn” kéo dài cả tháng đang muốn, nhưng hơi khó để lập lại chủ trương “vỗ béo để xẻ thịt”.

Đế chế Hưng Yên nắm hồ sơ “nhám nhúa” của 175 Ủy Viên Trung Ương khóa XIII, rồi dùng hệ thống “con thoi” tuyệt mật “dẫn” thành công 100% Ủy Viên Trung Ương tham dự hội nghị bất thường hôm mùng 03 tháng 8 để “suy tôn” Đại Tướng Tô Lâm, Chủ Tịch Nước lên ngôi cửu trùng – Tổng Bí Thư, lãnh đạo Bộ Chính Trị, cơ chế quyền lực nhất Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Bin

Cho đến lúc này, nếu nhìn vào động thái của Đại Tướng Tô Lâm, từ khi còn là Bộ Trưởng Công an đến viếng mộ Karl Marx tại London trước khi ăn miếng thịt bò dát vàng hôm mùng 03 tháng 11 năm 2021; so sánh với những “bước” và chủ trương của người có quyền lực nhất ở Ba-Đình thì có vẻ TBT đương nhiệm đang có những bước thực tế hơn cố TBT Nguyễn phú Trọng.

Với tài năng làm an ninh chuyên nghiệp, có thể Tô Đại Tướng từng nghe đầy tai rằng, “hệ thống chính trị hiện hành của đảng csVN đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng”. Mà biểu hiện công khai là tâm thư đầu tháng 9, của Cựu Ủy Viên Trung Ương, cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn đình Bin, kêu gọi TBT Tô Lâm phải  thực hiện “đổi mới chính trị thực sự toàn diện và triệt để”. [2]

Với hành trang “old Fashion” trong lịch sử chuyển mình của nhân loại, Tô Đại Tướng hăm hở vác trên vai nền kinh tế đang loay hoay với độ mở lớn của môi trường kinh tế thế giới, ông tập tễnh gia nhập “làng” ngoại giao Nguyên Thủ các quốc gia, gặp gỡ hàng loạt chính khách quốc tế có bề dầy điều hành đất nước. Trong lúc soi mình vào gương, đôi khi TBT Tô Lâm có chút “bâng khuâng”. Nhưng mối “bận lòng” hơn cả của vị TBT tân cử vẫn là phải củng cố quyền lực, “vây cánh” bằng cách tiếp tục sử dụng hệ thống công an vào “võ cũ”, giúp Tô Đại Tướng đạt danh hiệu vô địch về lãnh vực đắp lũy xây thành cho đế chế Hưng Yên. Nhưng hệ quả lại đẩy cả hệ thống tham quan “xiêu hồn lạc phách”, ù lì trong thủ tục giải ngân đầu tư công (ĐTC) trên toàn quốc, đến độ năm 2023 có trên một chục đơn vị giải ngân ĐTC bằng 0%. Và đẩy khối doanh nghiệp nước ngoài (Foreign Direct Investment – FDI) vào cảnh nhiều doanh nghiệp ôm tiền sang đầu tư nơi nước láng giềng.

Sang tháng 10, có thể Đại Tướng Tô Lâm không còn ngồi hai ghế nữa; chức Chủ Tịch Nước ít quyền hơn sẽ đưa sang vị khác để làm dịu xung đột nội bộ. Nếu vậy, đường công danh của Tô Đại Tướng chưa hẳn đã hanh thông. Bởi vì khi còn nắm chức Bộ Trưởng Công an, Tô Đại Tướng đã gây thù chuốc oán trong việc ra lệnh lập hồ sơ trừng phạt 200.000 kẻ “nhám nhúa”, 60.000 người từ nhiệm, trong đó có tới 26 Ủy Viên Trung ương Đảng, bao gồm 7 Ủy Viên Bộ Chính trị. Nếu tính trên 180 ủy viên vào đầu khóa 13 thì tỷ lệ hao hụt cho đến nay là đã 14,4%. 

Cho dù TBT Tô Lâm đã được “sắc phong” ở đỉnh cao quyền lực, nhưng Tô Đại Tướng vẫn phải loay hoay canh cánh bên lòng khi Bộ Công An sở hữu nhiều tập đoàn công nghệ và công ty Viễn Thông. Quan trọng hơn, vị TBT tân cử phải bảo vệ em mình là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Xuân Cầu Holdings, ông Tô Dũng – doanh nhân có lợi ích trong nhiều lãnh vực nhất là địa ốc, năng lượng, đất hiếm, và là đại lý của thương hiệu vespa Piaggio ở Việt Nam, mà hồ sơ Xuân Cầu Holdings từng là đích nhắm của các phe nhóm khác. [3]

Trần nguyên Thao
Sept 04, 2024

[1] https://baoxaydung.com.vn/viet-nam-nhap-sieu-tu-trung-quoc-cham-moc-40-ty-usd-trong-6-thang-dau-nam-378578.html

[2] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c5ykenx89plo

[3] https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20240824

(*) “khổ đường rầy Stephenson”, đặt tên theo George Stephenson. Kích thước này là 1.435 mm (4 ft 8½ in)

Bài liên quan:
  • Tại sao căng thẳng ở Biển Đông lại đang củng cố liên minh Mỹ – Philippines?
    Joshua Kurlantzick và Abigail McGowan
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 15/9/2024. Chiến tranh Ukraine, xung đột Biển Đông: Thực trạng và hướng giải quyết của Trump & Harris?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Hình tượng ‘nhà cải cách Tập Cận Bình’ bị lật đổ ngay trong Hội nghị Trung ương 3
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 14/9/2024. Tranh luận sôi nổi giữa Trump & Haris: Ai thắng, ai thua? Điều hợp viên thiên vị? Thông điệp gì cho cử tri?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • HỘI LUẬN ngày 14/9/2024. Tranh luận Trump & Haris: Ai thắng, ai thua? Thông điệp gì cho cử tri? Chiến tranh Ukraine đi vào khúc quanh: Giải pháp nào? Căng thẳng ở Biển Đông: Sách lược của mỗi ứng viên?
    BS Nguyễn Trọng Việt