Nguồn: SCMP
____________________________

Nguồn: James Palmer, “Chinese Tech Regulators Back Off,”  Foreign Policy, 29/10/2024

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Các hạn chế được âm thầm nới lỏng sau đợt quản lý nghiêm ngặt kéo dài hai năm khiến các công ty Trung Quốc thiệt hại 1,1 nghìn tỷ USD.

Trung Quốc đang nới lỏng gọng kìm công nghệ?

Giới chức Trung Quốc âm thầm nới lỏng lệnh cấm dạy thêm từ năm 2021, một lệnh cấm vốn làm bay hơi 100 tỷ USD của một mảng từng phát triển mạnh mẽ. Thay vì giúp giảm chi phí cho các gia đình, dịch vụ dạy kèm lại trở nên đắt đỏ hơn khi các doanh nghiệp phải hoạt động chui. (Đúng như dự đoán của chúng tôi vào thời điểm đó, mọi thứ diễn ra tương tự với mô hình của Hàn Quốc, khi lệnh cấm dạy thêm do chính phủ quân quản Hàn Quốc ban hành năm 1980 cũng trở nên phản tác dụng; chính sách này sau đó được hủy bỏ vào năm 2000.)

Sự điều chỉnh mới đây là một phần của một xu hướng lớn hơn: Trong năm qua, các cơ quan quản lý công nghệ Trung Quốc đã giảm bớt quy định trong nhiều lĩnh vực, bao gồm trò chơi điện tử, trí tuệ nhân tạo và chuyển giao dữ liệu xuyên biên giới. Sau đợt siết chặt quản lý từ cuối năm 2020 đến 2023 làm tiêu tốn của các công ty công nghệ Trung Quốc 1,1 nghìn tỷ USD, Bắc Kinh hiện đang muốn khôi phục nền kinh tế đang trì trệ. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vẫn ở mức cao – ngay cả sau khi chính phủ điều chỉnh phương pháp thống kê.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thể hiện dấu hiệu thay đổi đang bị cản trở do sự bất lực của các cơ quan quản lý trong việc công khai từ bỏ các chính sách trước đó, vì chúng liên quan quá trực tiếp đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường không thích phải thừa nhận sai lầm, trừ khi có những thay đổi chính trị lớn như sự chấm dứt của Cách mạng Văn hóa. Dù vậy, việc thừa nhận vấn đề vẫn có thể xảy ra – chẳng hạn như trường hợp Bắc Kinh phải thừa nhận và giải quyết tình trạng thiếu sưởi vào mùa đông 2017 – dù các tình huống như vậy thường chỉ diễn ra ở quy mô địa phương.

Nhưng kể từ khi Tập trở thành người được gọi là “Chủ tịch toàn năng” (chairman of everything), tự đặt mình vào vị trí kiểm soát hầu như mọi mặt của chính quyền Trung Quốc, mỗi một quyết định đều gắn chặt với hình ảnh của ông Tập. Do đó, việc một chính sách có phải ý tưởng của ông Tập hay không cũng không còn quan trọng nữa – và thông thường, cũng khó mà biết được điều này vì mức độ tiếp cận vào quá trình ra quyết định ở cấp cao tại Bắc Kinh là rất hạn chế.

Nguồn: SCMP

Nếu ông Tập không thừa nhận thất bại chính sách, không ai dám mạo hiểm chỉ trích những quyết định trước đó. Ông Tập chưa từng công khai nhận trách nhiệm về một sai sót nào, ngay cả sau khi chính sách zero-COVID của Trung Quốc rơi vào tình trạng thảm hoạ và bị đảo ngược vào cuối năm 2022. Thay vào đó, ĐCSTQ bất ngờ tuyên bố rằng COVID-19 không còn nguy hiểm nữa, ngay giữa làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng.

Điều này có nghĩa là, bất kỳ sự đảo ngược chính sách nào cũng phải được thực hiện trong âm thầm – thường là thông qua việc nới lỏng việc thực thi các quy định thay vì thực sự thay đổi chúng, hoặc thông qua những hành động mang tính tượng trưng. Trong trường hợp của việc dạy kèm gia sư, có thể thấy giáo dục hiện đã được đưa vào danh sách các ngành mà chính phủ muốn khuyến khích.

Mặc dù các lãnh đạo trong ngành sẽ nắm lấy bất kỳ cơ hội nào mà nhà nước Trung Quốc đưa ra trong giai đoạn này, nhưng các nhà đầu tư – đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài – không có vẻ sẽ phản ứng tích cực. Không có gì đảm bảo rằng chính phủ sẽ không thay đổi chính sách lần nữa, ngay cả đối với những quy định hiện hành. Sự lo ngại đó là một trong những lý do khiến rất ít công ty start-up công nghệ mới được thành lập ở Trung Quốc – chỉ có 260 công ty trong năm nay, so với hơn 51.000 công ty vào năm 2018.

Một yếu tố thể chế trong chiến dịch siết chặt quản lý công nghệ có thể trở thành bia đỡ đạn giúp Tập Cận Bình tránh được các chỉ trích, đó là: Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) thi hành phần lớn các quy định. CAC ban đầu là một phần của hệ thống tuyên giáo, nhưng vai trò của CAC đã mở rộng đáng kể kể từ khi được thành lập vào năm 2011 (tái tổ chức vào năm 2014). CAC hiện nay là một cơ quan “siêu quản lý” xử lý hầu hết các khía cạnh của chính sách công nghệ.

Đợt thắt chặt quản lý công nghệ đã mở rộng vai trò của CAC; hiện nay cơ quan này ban hành nhiều quy định gấp đôi so với năm 2019. Tuy nhiên, CAC không có các nguồn lực hành chính thông thường như các bộ phận khác. CAC trên thực tế vẫn duy trì tính không minh bạch đặc trưng của một tổ chức thuộc ĐCSTQ, thay vì thể hiện vai trò của một cơ quan chính phủ.

Nếu ban lãnh đạo ĐCSTQ muốn gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ hơn rằng họ đang nới lỏng thái độ với các công ty công nghệ, họ có thể giảm bớt quyền lực của CAC, chuyển giao một phần quyền lực cho các bộ phận khác và tăng cường tính minh bạch trong các quyết định.

James Palmer

Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/11/02/cac-co-quan-quan-ly-cong-nghe-trung-quoc-noi-long-kiem-soat/#more-59208

Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới

Bài liên quan:
  • Doanh nghiệp ở hai bờ Thái Bình Dương ứng phó trước tác động của thương chiến
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2025. Tháng Tư Đen: Những tuần lễ cuối của Miền Nam năm 1975! Đàm phán nguyên tử Mỹ-Iran đi về đâu?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Sổ Tay Thường Dân: TUẪN TIẾT
    Tưởng Năng Tiến
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 19/4/2025. Đối phó với ‘cú sốc’ thuế quan của Mỹ, Tập vội vã đi tìm đồng minh ở Đông Nam Á.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chiến lược ba lớp của Trung Quốc cho cuộc thương chiến kéo dài
    Lizzi C. Lee