Nguồn: Sam Winter-Levy, “The Emerging Age of AI Diplomacy,” Foreign Affairs, 28/10/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Để cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ phải đi dây ở Vùng Vịnh.
Trong một căn phòng hội nghị lớn, bên dưới những chiếc đèn chùm và đèn chớp nhấp nháy, hàng chục vũ công vẫy những que phát sáng theo một điệu nhảy được biên đạo phức tạp. Mã Green Matrix đổ xuống trên một màn hình hiển thị những tòa nhà chọc trời vươn lên từ sa mạc. Thế giới đang chứng kiến sự xuất hiện của “một thực thể siêu việt tuyệt vời,” người dẫn chuyện tuyên bố: trí tuệ nhân tạo. Như thể để làm nổi bật tiềm năng biến đổi của AI, một hình đại diện kỹ thuật số – Artificial Superintelligence One – tiến đến gần một cậu bé, và cả hai song ca bài “Imagine” của John Lennon. Khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Và thế là ngày cuối cùng của sự kiện mà một bộ trưởng chính phủ tham dự mô tả là “sự kiện lãnh đạo tư tưởng AI lớn nhất thế giới” đã bắt đầu.
Màn trình diễn siêu thực này không diễn ra ở Palo Alto hay Menlo Park mà ở Riyadh, Ả Rập Saudi, tại Hội nghị thượng đỉnh AI toàn cầu lần thứ ba của thành phố, vào tháng 9 năm nay. Trong một trung tâm triển lãm rộng lớn bên cạnh Khách sạn Ritz Carlton, nơi Thái tử Mohammed bin Salman từng giam giữ hàng trăm người Ả Rập Saudi giàu có bị cáo buộc tham nhũng vào năm 2017, robot đã rót trà và pha đồ uống mời khách. Mặc áo choàng trắng dài đến mắt cá chân, các quan chức thi nhau ca ngợi tiến trình AI của Ả Rập Saudi. Các công ty công nghệ của Mỹ và Trung Quốc cũng giới thiệu sản phẩm của họ và công bố bản ghi nhớ với chính phủ. Những người tham dự đã phân phát những nhãn dán viết rằng, “Dữ liệu chính là dầu mỏ mới.”
Đối với Ả Rập Saudi và nước láng giềng, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), AI đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi nguồn tài sản dầu mỏ của họ thành các mô hình kinh tế mới trước khi thế giới chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Đối với các công ty AI của Mỹ, những người đang khao khát vốn và năng lượng, hai quốc gia Vùng Vịnh và các quỹ đầu tư quốc gia của họ là những đối tác hấp dẫn. Và một số nhà hoạch định chính sách ở Washington đã nhìn thấy cơ hội ngàn năm có một để hứa hẹn tiếp cận sức mạnh điện toán của Mỹ nhằm thu hút các quốc gia Vùng Vịnh rời xa Trung Quốc và củng cố liên minh chống Iran ở Trung Đông.
Tuy nhiên, họ nên tiết chế kỳ vọng của mình. Quan hệ kinh tế và chính trị của Ả Rập Saudi và UAE với Trung Quốc đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và điều đó khó có thể thay đổi. Dù các quốc gia Vùng Vịnh đang háo hức đón nhận các chip AI tiên tiến mà hiện tại chỉ có Mỹ mới có thể cung cấp, nhưng họ cũng có những động lực mạnh mẽ và lâu dài để phòng bị nước đôi, khiến các cường quốc chống lại nhau để có thể giành được nhượng bộ. Khi thích hợp, Mỹ và các công ty công nghệ của mình nên hợp tác với các quốc gia Vùng Vịnh về AI. Nhưng họ nên làm như vậy một cách có giới hạn và với các biện pháp bảo vệ – và không tự lừa dối mình rằng làm như vậy sẽ mang lại sự tái sắp xếp chiến lược lâu dài ở Vùng Vịnh.
CẦU NỐI VÙNG VỊNH
Sự quan tâm của hai quốc gia Vùng Vịnh đối với AI không phải là mới, nhưng đã gia tăng trong những tháng gần đây. Ả Rập Saudi có kế hoạch tạo ra một quỹ trị giá 40 tỷ đô la để đầu tư vào AI và đã thành lập các chương trình tăng tốc khởi nghiệp lấy cảm hứng từ Thung lũng Silicon để thu hút các lập trình viên đến Riyadh. Năm 2019, UAE đã thành lập trường đại học đầu tiên trên thế giới dành riêng cho AI, và kể từ năm 2021, số người làm việc trong lĩnh vực AI tại quốc gia này đã tăng gấp bốn lần, theo số liệu của chính phủ. UAE cũng đã phát hành một loạt các mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở mà họ tuyên bố là có thể cạnh tranh với Google và Meta, và đầu năm nay, họ đã thành lập một công ty đầu tư tập trung vào AI và chất bán dẫn quản lý khối tài sản vượt quá 100 tỷ đô la.
Các công ty công nghệ Mỹ đã háo hức đáp lại sự quan tâm này. Cơ sở hạ tầng cần thiết để đào tạo các mô hình thuộc thế hệ AI mới nhất đòi hỏi một lượng lớn năng lượng, vốn, và đất đai – ba thứ mà các quốc gia Vùng Vịnh có rất nhiều. Giám đốc điều hành của OpenAI, Sam Altman, đã trò chuyện với các nhà đầu tư tại UAE về khoản đầu tư hàng nghìn tỷ đô la vào chip và trung tâm dữ liệu, và các công ty UAE được nhà nước hậu thuẫn đã tham gia vào vòng gây quỹ gần đây của OpenAI. Các giám đốc điều hành tại các công ty bán dẫn khổng lồ Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) và Samsung đã đề xuất ý tưởng xây dựng các nhà máy tại UAE. Amazon đã công bố khoản đầu tư 5,3 tỷ đô la cho các trung tâm dữ liệu tại Ả Rập Saudi vào đầu năm nay và công ty khởi nghiệp AI Groq đã hợp tác với công ty dầu mỏ khổng lồ Aramco của Ả Rập Saudi để xây dựng một trung tâm dữ liệu AI khổng lồ tại quốc gia này. Trong khi đó, Microsoft đã đầu tư 1,5 tỷ đô la vào công ty công nghệ hàng đầu của UAE, G42, trong một thỏa thuận sẽ giúp Microsoft mở rộng hoạt động kinh doanh tại các nền kinh tế mới nổi và cung cấp cho G42 quyền truy cập vào sức mạnh điện toán của Microsoft.
Trong khi các công ty AI của Mỹ nhìn thấy cơ hội thương mại, một số nhà hoạch định chính sách ở Washington lại nhìn thấy cơ hội chiến lược: quyền tiếp cận sức mạnh điện toán của Mỹ có thể là một động thái quan trọng nhằm thu hút các quốc gia tránh xa hệ sinh thái công nghệ đang mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc. Mỹ muốn củng cố quan hệ của mình với các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và làm sâu sắc thêm liên minh chống Iran ở Trung Đông. Cả Ả Rập Saudi và UAE đều ngày càng có ảnh hưởng trong khu vực và xa hơn nữa – ví dụ, vào năm 2023, UAE đã công bố khoản đầu tư 45 tỷ đô la vào Châu Phi, vượt xa chi tiêu của Trung Quốc tại đó trong cùng năm. Washington sẽ thu lợi nếu các bên Vùng Vịnh đầu tư số vốn khổng lồ của họ vào các công ty công nghệ của Mỹ thay vì các công ty Trung Quốc.
Washington có rất nhiều đòn bẩy đối với các quan hệ đối tác công nghệ này vì việc xuất khẩu các chip tiên tiến được sử dụng trong các trung tâm dữ liệu AI đòi hỏi phải có giấy phép từ chính phủ Mỹ, những người đã chậm trễ trong việc phê duyệt các giao dịch bán hàng quy mô lớn suốt nhiều tháng trong khi vẫn đang tranh luận về các điều kiện kèm theo. Nếu chính phủ Mỹ không bật đèn xanh cho các giấy phép này, một số người lo ngại Trung Quốc có thể sớm đưa ra một giải pháp thay thế. Tại hội nghị thượng đỉnh AI ở Riyadh, kiểm soát xuất khẩu của Mỹ thường là chủ đề để mở đầu câu chuyện. Google và Microsoft có các gian hàng nổi bật nhất ở lối vào, nhưng các công ty Trung Quốc là Alibaba và Huawei cũng không nằm cách quá xa, các gian hàng của họ được bố trí trong một căn phòng liền kề – như một lời nhắc nhở hữu hình về các lựa chọn Trung Quốc có thể mang đến cho các quốc gia Vùng Vịnh nếu Washington quyết định áp dụng một cách tiếp cận hạn chế hơn.
BẢO VỆ KHOẢN ĐẦU TƯ
Dù Mỹ có cơ hội kinh tế và địa chính trị tại Vùng Vịnh, nhưng cũng có những rủi ro đáng kể khi chuyển các cụm sản xuất chip AI tiên tiến lớn sang các chế độ chuyên chế có hệ thống giám sát phức tạp, ham muốn phiêu lưu quân sự, và quan hệ đang mở rộng với Trung Quốc. Các nhà lập pháp và quan chức Lầu Năm Góc đã bày tỏ lo ngại rằng các công ty Trung Quốc có liên hệ với Quân Giải phóng Nhân dân có thể tiếp cận các chip kể trên thông qua các trung tâm dữ liệu ở Trung Đông như một phương tiện để lách luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, nước đang tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ AI tiên tiến.
Nói rộng hơn, nếu các hệ thống AI sớm đạt được khả năng thúc đẩy sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế, thiết kế các vũ khí sinh học tổng hợp mới, hoặc phát triển các khả năng mạng mới ấn tượng, chúng có thể phá vỡ sự cân bằng quyền lực toàn cầu. Nếu điều đó xảy ra, thì cơ sở hạ tầng hỗ trợ các hệ thống AI tiên tiến – đặc biệt là các trung tâm dữ liệu khổng lồ nơi các mô hình này sẽ được đào tạo và lưu trữ – không nên được chuyển ra nước ngoài một cách dễ dàng. Như cựu nghiên cứu viên của OpenAI, Leopold Aschenbrenner, đã nói trong một bản ghi nhớ được lưu hành rộng rãi: “Chúng ta có thực sự muốn cơ sở hạ tầng cho Dự án Manhattan [tiếp theo] bị kiểm soát bởi một chế độ chuyên chế thất thường nào đó ở Trung Đông hay không?”
Về phần mình, UAE dường như đã có những nỗ lực nghiêm túc để xoa dịu những lo ngại này, cố gắng tự thể hiện bản thân là người quản lý có trách nhiệm đối với công nghệ AI của Mỹ. Theo các báo cáo công khai, UAE đã cam kết sẽ khóa các trung tâm dữ liệu của mình, loại bỏ các phần cứng của Trung Quốc vốn có thể có cửa sau, sàng lọc danh sách khách hàng và nhân viên, đồng thời giám sát cách người mua sử dụng chip của họ. Dưới áp lực của Mỹ, G42, do Cố vấn An ninh Quốc gia UAE Sheikh Tahnoon bin Zayed làm chủ tịch, đã thoái vốn khỏi các công ty Trung Quốc và loại bỏ công nghệ của Huawei như một phần trong thỏa thuận với Microsoft. Tháng trước, một phần là để đáp lại những nỗ lực này, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố một quy định có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển chip AI đến Trung Đông.
UAE đã tuyên bố rằng họ muốn có một cuộc “hôn nhân” với Mỹ dựa trên AI. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên hiểu rằng bất kỳ cuộc hôn nhân nào như vậy cũng không có khả năng là một vợ một chồng. Ả Rập Saudi và UAE đều có động lực mạnh mẽ để phòng bị nước đôi, xét đến tình hình chính trị trong nước bất ổn và mong muốn “xoay trục” sang châu Á dai dẳng bất chấp những thất vọng liên tiếp của Mỹ. Trung Quốc là khách hàng và đối tác thương mại dầu mỏ lớn nhất của Ả Rập Saudi và là đối tác thương mại phi dầu mỏ hàng đầu của UAE. Và Trung Quốc cũng không dọa nạt hai nước này về các hành vi vi phạm nhân quyền hoặc các hoạt động trong khu vực của họ. Máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất là một trong những công cụ được UAE lựa chọn cho các chiến dịch bí mật của mình ở Sudan, và đầu năm nay, lực lượng không quân Trung Quốc và UAE đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Tân Cương. Và dù G42 có thể đã thoái vốn khỏi các công ty Trung Quốc, một công cụ đầu tư mới của Abu Dhabi đã thay họ quản lý quỹ tập trung vào Trung Quốc, và giống như G42, công cụ mới này do Cố vấn An ninh Quốc gia UAE giám sát. Tại một hội nghị khác ở Abu Dhabi vào tháng trước, các quan chức Trung Quốc và UAE đã mô tả vài năm gần đây là “thời kỳ hoàng kim” của hợp tác Trung Quốc-UAE.
THOẢI MÁI HƠN
Ngay cả khi phải đối mặt các động thái phòng bị như vậy, Mỹ không nên áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với mọi hoạt động bán chip AI tiên tiến cho Vùng Vịnh. Nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, các cường quốc mới nổi tin rằng họ có thể cân bằng thành công quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, và các nhà hoạch định chính sách Mỹ nói chung nên kiềm chế không gây sức ép, buộc các cường quốc trong khu vực đưa ra những lựa chọn có tổng bằng không. Đôi khi, các nhà hoạch định chính sách Mỹ còn phải thoải mái hoạt động ở các khu vực và lĩnh vực mà ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc có sự chồng lấn lên nhau. Và sẽ chẳng ích gì cho Mỹ nếu Washington khiến hàng tỷ đô la tiền quỹ của Vùng Vịnh chuyển hướng sang các dự án thúc đẩy tiến trình công nghệ của Trung Quốc.
Do đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên tiến hành đàm phán với các quốc gia Vùng Vịnh về xuất khẩu chip. Nhưng họ nên làm như vậy mà không có bất kỳ ảo tưởng nào về chế độ mà họ đang hợp tác, những rủi ro liên quan, hoặc khả năng hợp tác này sẽ giúp định hình lại trật tự chính trị của Trung Đông. Các quốc gia Vùng Vịnh sẽ không cắt đứt quan hệ với Trung Quốc ngoại trừ trong những lĩnh vực có phạm vi hẹp, và ngay cả khi đó, quyết định của họ vẫn luôn có thể được đàm phán lại. Nếu không có những nỗ lực nghiêm túc để giảm thiểu rủi ro dưới hình thức đầu tư bền vững vào cả vật chất và an ninh mạng, việc xây dựng các trung tâm dữ liệu khổng lồ ở các quốc gia không phải là đồng minh sẽ làm tăng nguy cơ đánh cắp và sử dụng sai mục đích sở hữu trí tuệ, đặc biệt nếu các trung tâm này lưu trữ thông số của các mô hình tiên tiến (các tham số mã hóa trí thông minh cốt lõi của một hệ thống AI). Mỹ sẽ cần đầu tư nguồn lực để giám sát và thực thi việc tuân thủ đối với bất kỳ thỏa thuận nào mà họ đạt được. Trong trường hợp không thể xác minh độc lập, Mỹ nên duy trì thái độ hoài nghi đối với các đảm bảo của UAE và Ả Rập Saudi về việc quản lý công nghệ của Mỹ. Và các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên mạnh mẽ khuyến khích các công ty công nghệ Mỹ xây dựng các cơ sở lớn nhất và tiên tiến nhất của họ ngay trên đất Mỹ.
Trong kỷ nguyên ngoại giao AI mới nổi này, Washington sẽ phải đối mặt với những thách thức tương tự trong nhiều bối cảnh khác nhau: họ sẽ phải kiểm soát sự phổ biến của các công nghệ có thể có tác động quan trọng đến an ninh quốc gia nhưng không làm suy yếu các tập đoàn Mỹ, hoặc đẩy các đối tác tiềm năng vào vòng tay của Trung Quốc. Trong các cuộc đàm phán với Vùng Vịnh, các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên đảm bảo rằng họ sẽ đặt ra những tiền lệ đúng đắn.
Sam Winter-Levy
Nghiên cứu viên về Công nghệ và Các vấn đề quốc tế tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.
Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/10/31/nong-bong-cuoc-dua-ngoai-giao-ai-o-trung-dong/#more-59174
Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới