Nguồn: James Palmer, “As the U.S. Votes, China Is Watching,” Foreign Policy, 5/11/2024
Biên dịch: Tạ Kiều Trang
Trung Quốc theo dõi sát sao cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dù không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả.
Góc nhìn từ Bắc Kinh
Trung Quốc đang hướng sự chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra hôm 6/11 – dù không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn giữ lập trường trung lập về cuộc bầu cử, xem các diễn biến như việc Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua là “vấn đề nội bộ” của Mỹ.
Dù mạng xã hội Trung Quốc có thiên hướng ủng hộ ông Trump, nhưng giới lãnh đạo chính trị ở Bắc Kinh không nghiêng về bất cứ ai, cả ông Trump lẫn Phó tổng thống Kamala Harris – thậm chí cũng không có một dấu hiệu nào cho thấy sự lo lắng nếu một trong hai người đắc cử.
Nói chung, truyền thông Trung Quốc thường xem nhẹ các cuộc bầu cử Mỹ, mô tả chúng là những sự kiện lộn xộn và lố bịch, và truyền thông cũng chỉ thường nhắm đến chính quyền đương nhiệm. Bắc Kinh rõ ràng quan tâm đến việc làm giảm uy tín của nền dân chủ cũng như quan tâm đến việc nhấn mạnh sự chia rẽ trong hệ thống chính trị đa đảng.
Thông thường, truyền thông nhà nước Trung Quốc sẽ lên tiếng đáp trả những chỉ trích được cho là công kích Trung Quốc trong mùa tranh cử; nhưng năm nay chủ đề Trung Quốc hầu như vắng bóng trong các cuộc thảo luận ở Mỹ, ngoại trừ khi các chính trị gia tìm cách bôi xấu đối thủ.
Có rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thực sự tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, điều này hé lộ những ưu tiên của Bắc Kinh. Tin tặc Trung Quốc nghe lén điện thoại trong chiến dịch tranh cử của cả hai ứng viên và nhắm vào hàng chục cá nhân khác đang làm việc trong lĩnh vực an ninh, nhưng đây chỉ là hoạt động thu thập thông tin thông thường.
Những nỗ lực can thiệp thực sự hiện đang tập trung vào các cuộc bầu cử cấp tiểu bang và địa phương, nhắm vào những ứng cử viên công khai chỉ trích Bắc Kinh. Điều này trái ngược với những nỗ lực của Trung Quốc trong việc can thiệp vào bầu cử tại Canada, nơi Trung Quốc không chỉ nhắm vào các chính trị gia cụ thể mà còn gắng mở rộng phạm vi của các nỗ lực phá hoại nhằm làm suy yếu Đảng Bảo thủ.
Mạng lưới “máy tính ma” (botnet) của Trung Quốc đã hoạt động trong một thời gian dài, được biết đến với tên gọi Spamouflage, dù đúng là có một số thời điểm đã ủng hộ Trump và tấn công Biden nhưng chúng có vẻ tập trung vào mục đích khiêu khích nói chung hơn là mục đích chính trị. Mạng xã hội X (trước đây là Twitter) dưới quyền sở hữu của Elon Musk đã chuyển sang ưu tiên nội dung thiên hữu, do đó những người vận hành mạng lưới máy tính ma muốn mở rộng phạm vi người tiếp cận nội dung có khả năng sẽ đi theo hướng này.
Có một số lập luận khá nhất quán cho rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ Trump vì Trump có thể sẽ làm suy yếu các liên minh của Mỹ, cũng như Trump được cho là có thái độ không đáng tin cậy và thực dụng đối với Đài Loan. (Công chúng Đài Loan phần đông ủng hộ Harris.) Tuy nhiên quan điểm đó có thể đã đánh giá quá cao khả năng nhận định về chính trị Mỹ của Trung Quốc. Theo kinh nghiệm của tác giả, thái độ tin vào thuyết âm mưu (conspiratorialism) đang chi phối giới quan chức Trung Quốc, và họ tin rằng nền dân chủ Mỹ chỉ là một vỏ bọc để che đậy những thế lực quyền lực thực sự.
Dưới thời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày càng có nhiều nhà quan sát chính trị sắc sảo và am hiểu bị loại bỏ vì bị xem là quá “thân Mỹ” hoặc thậm chí là mối đe doạ an ninh tiềm tàng sau một thời gian họ sống ở nước ngoài. Nhưng ngay cả những chuyên gia được tôn trọng, những người vẫn còn có tiếng nói, cũng tin rằng chính sách cứng rắn với Trung Quốc là một trong những vấn đề hiếm hoi nhận được sự đồng thuận từ cả hai đảng tại Washington, nên quan hệ Mỹ – Trung sẽ không thay đổi nhiều, bất kể ai là người thắng cử.
Ở mức độ cá nhân, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ thấy thoải mái hơn với Trump so với Harris. Một lý do là Trump là một nhân vật quen thuộc – dù chỉ trích Trung Quốc nhưng Trump lại thường xuyên khen ngợi Tập. Không chỉ vì bốn năm quan hệ với Trung Quốc khiến Trump trở thành một nhân vật quen thuộc, mà còn bởi vì Trump đại diện cho một kiểu người mà lãnh đạo Trung Quốc đã có sẵn chiến lược đối đãi: những doanh nhân già dặn với cái tôi dễ vuốt ve và có lợi ích gia đình tại Trung Quốc.
Lãnh đạo Trung Quốc, hầu hết là nam giới, cảm thấy ít thoải mái hơn nếu phải làm việc với phụ nữ; họ dùng những ngôn từ ác ý đối với các nữ lãnh đạo, trong đó nổi bật nhất là lời lẽ nhắm đến cựu Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen). Cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton không được ưa thích ở Trung Quốc, phần lớn do các hoạt động của bà trong thập niên 1990 nhằm thúc đẩy quyền phụ nữ như một phần của quyền con người. Với những sự kiện trước đó, cộng với tình trạng phân biệt chủng tộc chống người da đen phổ biến có thể khiến Bắc Kinh khó lòng coi Harris là một nhân tố địa chính trị quan trọng.
James Palmer
Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/11/08/thai-do-cua-trung-quoc-doi-voi-bau-cu-tong-thong-my/#more-59291
Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới