Tàu vận tải biển bị phiến quân Houthi tấn công ở vịnh Eden

Nguồn: Elisabeth Braw, “Russia Is Running an Undeclared War on Western Shipping,” Foreign Policy, 07/11/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Việc cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu cho Houthi đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ của luật hàng hải.

Nga – và Trung Quốc – dường như đã được hưởng lợi từ các cuộc tấn công của Houthi vào tàu thuyền ở Biển Đỏ vì lực lượng dân quân đã tha cho tàu của hai nước này. Nhưng hóa ra Moscow không chỉ là bên hưởng lợi thụ động. Như tờ Wall Street Journal đưa tin gần đây, Nga đã cung cấp cho Houthi dữ liệu nhắm mục tiêu cho các cuộc tấn công của nhóm phiến quân. Giờ đây, khi Nga đã vượt qua lằn ranh đỏ bằng việc tích cực hỗ trợ các cuộc tấn công vào tàu thuyền phương Tây, các quốc gia thù địch khác có thể bắt đầu chia sẻ dữ liệu cấp quân sự với các bên ủy nhiệm mà họ lựa chọn.

Houthis tấn công tanker Marlin Luanda ở vịnh Eden

Một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang tích cực ủng hộ các cuộc tấn công vào hoạt động vận tải toàn cầu. Đây là sự vi phạm trắng trợn các quy tắc hàng hải, vốn trao cho các tàu buôn quyền tự do đi lại không chỉ trên biển cả (high seas) mà còn qua vùng biển của các quốc gia khác và qua các eo biển được quốc tế công nhận mà không phải sợ hãi, chứ chưa nói đến việc trải nghiệm các hành động gây hấn.

Houthi đã bắt đầu chiến dịch chống lại các tàu buôn ở Biển Đỏ vào tháng 11 năm ngoái, khi họ tấn công một loạt tàu có liên quan đến Israel, được cho là đang trên đường đến hỗ trợ người dân Gaza. Khi Mỹ và Anh, và kế đến là Liên minh châu Âu, can thiệp để hỗ trợ vận tải ở Biển Đỏ bằng cách gửi tàu hải quân đến bảo vệ tàu buôn (thuộc mọi quốc tịch), Houthi cũng bắt đầu tấn công các tàu có liên quan đến ba chủ thể này.

Và chuyện cứ thế tiếp diễn. Mỗi tháng, Houthi lại phát động một số cuộc tấn công vào các tàu ở Biển Đỏ. Các tàu hải quân phương Tây đã ngăn chặn được hầu hết các cuộc tấn công, nhưng một số tàu buôn vẫn bị đánh trúng và hai trong số đó đã chìm. Nhưng ngoại trừ một tàu ngầm của Nga bị tấn công – nhiều khả năng là vô tình – vào tháng 5 vừa qua, các tàu của Nga và Trung Quốc đều bình an vô sự.

Houthi đã thành công như vậy là nhờ tên lửa và máy bay không người lái tinh vi do Iran cung cấp. Tuy nhiên, việc sở hữu vũ khí hiệu suất cao sẽ không mang lại nhiều lợi ích nếu tấn công nhầm mục tiêu, và Houthi thiếu công nghệ cho phép họ phân biệt tọa độ của tàu. Đó chính là lĩnh vực mà người Nga đã trở thành đồng minh hữu ích nhất.

Lực lượng tấn công nhanh của phiến quân Houthi

Theo đó, dữ liệu tọa độ của Nga đã giúp Houthi tiếp tục các cuộc tấn công của họ ngay cả khi các tàu hải quân phương Tây đã cố gắng ngăn chặn việc này. “Việc nhắm mục tiêu bao gồm nhiều mức độ phức tạp,” Duncan Potts, một phó đô đốc đã nghỉ hưu của Hải quân Hoàng gia Anh, cho biết. “Tấn công một mục tiêu tĩnh trên đất liền có thể được thực hiện dễ dàng chỉ bằng việc sử dụng thông tin trên Google Maps. Nhưng ở thái cực ngược lại, bạn có các thực thể di động như tàu trên biển. Việc tấn công chúng đòi hỏi dữ liệu nhắm mục tiêu ở cấp độ cao hơn nhiều, chính xác hơn, theo thời gian thực, sử dụng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Việc nhắm mục tiêu như vậy khá phức tạp ngay cả đối với hải quân phương Tây.”

Vì tàu thuyền luôn di động, nên dữ liệu nhắm mục tiêu buộc phải có thông tin thời gian thực. Dù không thể xác định chi tiết các loại dữ liệu do người Nga cung cấp, nhưng rất có khả năng dữ liệu thời gian thực đã được đưa vào. Dù thế nào đi nữa, Potts nhận xét, “sự phát triển này chắc chắn là đáng kể và đáng chú ý, nhưng tôi không ngạc nhiên.”

Việc Nga cung cấp cho Houthi thông tin cụ thể về sự hiện diện chính xác của các tàu ở Biển Đỏ đang khiến tuyến đường thủy chiến lược này ngày càng trở nên nguy hiểm hơn đối với các tàu có liên kết với phương Tây. “Nếu bạn là một tàu buôn có liên kết với phương Tây đi qua Biển Đỏ với bất kỳ lực lượng hộ tống hải quân nào có sẵn, bạn sẽ không báo hiệu vị trí của mình bằng cách sử dụng AIS [hệ thống nhận dạng tự động, hay GPS hàng hải],” Nils Christian Wang, một chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu và cựu chỉ huy Hải quân Đan Mạch cho biết. “Điều đó có nghĩa là Houthi phải chật vật để xác định những con tàu nào đang đến và chúng ở đâu, vì vậy dữ liệu [từ Nga] sẽ cực kỳ hữu ích.” (Lực lượng hải quân phương Tây trên Biển Đỏ hộ tống mọi tàu bất kể cờ treo và quốc gia sở hữu chúng.)

Phiến quân Houthi ở Yemen

Không rõ chính xác phía Nga đã cung cấp loại dữ liệu nhắm mục tiêu nào. “Người Nga có thể giúp Houthi có được bức tranh hàng hải toàn cảnh phù hợp để đảm bảo họ không tấn công tàu của Nga, nhưng họ cũng có thể cung cấp dữ liệu để giúp Houthi tấn công các mục tiêu phương Tây,” Wang nói. “Cung cấp dữ liệu để giúp bảo vệ tàu của chính bạn là một chuyện, cung cấp dữ liệu giúp họ tấn công tàu phương Tây lại là chuyện khác.”

Dù thế nào đi nữa, các cuộc tấn công của nhóm phiến quân đã khiến lượng tàu đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez ở phía bắc giảm mạnh. Tờ báo Ai Cập Al-Mal đưa tin: từ tháng 5/2023 đến tháng 5 năm nay, lưu lượng giao thông qua Kênh đào Suez đã giảm tận 64,3%. Lượng tàu đi qua kênh đào hàng tháng đã giảm từ 2.396 tàu vào tháng 5/2023 xuống còn 1.111 tàu vào tháng 5 năm nay.

Thay vào đó, hầu hết các tàu liên kết với phương Tây đã chọn đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng, nhưng việc này đòi hỏi thêm 10-12 ngày đi đường và làm tăng 50% chi phí. Chỉ một số ít các hãng tàu và công ty bảo hiểm phương Tây vẫn dám đưa tàu của họ qua Kênh đào Suez và Biển Đỏ – nhưng các tàu hải quân phương Tây phải ở lại đó để đảm bảo trật tự nhất định. Trong những tháng gần đây, Houthi cũng đã tấn công cả những con tàu này.

Việc Nga cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu có thể được tiếp nối bằng những hỗ trợ khác cho Houthi. Theo Disruptive Industries (DI), một công ty công nghệ của Anh chuyên về phát hiện rủi ro toàn cầu theo nguồn đóng, Nga hiện có hoạt động rộng rãi và chưa từng thấy ở các khu vực do Houthi kiểm soát tại Yemen, và việc này đã diễn ra trong một thời gian. (Xin tiết lộ đầy đủ: Tôi là thành viên ban cố vấn của DI.)

Chia sẻ dữ liệu nhắm mục tiêu là trực tiếp tham gia vào một cuộc xung đột. Đó là lý do tại sao các quốc gia phương Tây đã kiềm chế không chia sẻ dữ liệu nhắm mục tiêu với Ukraine, một quốc gia đang tự bảo vệ mình trước kẻ xâm lược. Hồi tháng 9, chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc đến vấn đề này. Việc chấp thuận để Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp có khả năng tấn công Nga đồng nghĩa với việc phương Tây đã tham gia vào cuộc xung đột, vì quân nhân phương Tây sẽ phải cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu. “Đây là vấn đề quyết định liệu các quốc gia NATO có trực tiếp tham gia vào một cuộc xung đột quân sự hay không,” Putin nói với đài truyền hình nhà nước Nga.

Nhưng vào thời điểm đó, Nga đã chia sẻ dữ liệu mục tiêu với Houthi rồi.

Hải quan Mỹ tuần tra, bảo vệ tàu vận tài ở vịnh Eden

“Các cuộc tấn công của Houthi chắc chắn phù hợp với mong muốn của Nga là chuyển sự tập trung của thế giới khỏi Ukraine,” Wang nhận định. “Người ta hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng đây là một phần trong kế hoạch. Việc các cuộc tấn công này xảy ra có lợi cho Nga rất nhiều.”

Giờ đây, khi Điện Kremlin đã vượt qua lằn ranh đỏ ở Biển Đỏ mà không bị trừng phạt, họ có thể quyết định chia sẻ dữ liệu mục tiêu với các tổ chức phi nhà nước khác. Và các chế độ khác cũng vậy. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng một nhóm chiến binh có liên hệ với Trung Quốc ở Myanmar hoặc Indonesia nhắm mục tiêu vào các tàu buôn ở vùng biển gần đó, với sự hỗ trợ của dữ liệu mục tiêu từ Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân. Các chính phủ phương Tây, các công ty vận chuyển, và các bên bảo lãnh sẽ buộc phải theo dõi sát sao.

Hiện tại, các cuộc tấn công liên tục vào tàu thuyền phương Tây gây ra rủi ro lớn cho các tàu buôn liên kết với phương Tây ở Biển Đỏ và các tàu hải quân phương Tây có mặt để bảo vệ tàu thuyền đi qua. Và việc phát hiện ra rằng Nga đang cung cấp dữ liệu nhắm mục tiêu có thể thuyết phục một số ít các hãng tàu phương Tây còn lại vẫn gửi tàu qua Biển Đỏ (và Kênh đào Suez) từ bỏ hoàn toàn. Một trong những tuyến đường vận chuyển lâu đời nhất của thời hiện đại có thể bị bỏ rơi – cho đến khi Nga và Houthi bị khuất phục.

Elisabeth Braw
Chuyên gia bình luận của Foreign Policy và nghiên cứu viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương. Bà cũng là tác giả cuốn sách “Goodbye Globalization.”

Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/11/19/cuoc-chien-cua-nga-chong-lai-nganh-van-tai-bien-phuong-tay/#more-59391

Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới

Bài liên quan:
  • “Tinh Gọn” đưa đến “Ba Đào”, “Mập mờ thương chiến” lẽ nào lại ngưng (?)
    Trần nguyên Thao
  • Tập không có câu trả lời cho vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc
    Lizzi C. Lee
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 8/12/2024. Khủng hoảng chính trị tại Nam Hàn: Những thách đố của một nền dân chủ non trẻ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Tham vọng Trung Đông của Nga đối diện thách thức lớn
    Hanna Notte
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 7/12/2024. Nội chiến Syria: Cuộc nổi dậy như vũ bão, TT Assad tuyệt vọng! Nga và Iran bất lực!
    BS Nguyễn Trọng Việt