Bạo loạn ở Tân Cương năm 2013 (Minh hoạ)

Nguồn: James Palmer, “Mass Attacks in China Spark Concern, Censorship,”  Foreign Policy, 19/11/2024

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Một loạt các vụ bạo lực gần đây có thể khơi mào một vòng xoáy, bắt đầu từ sự phẫn nộ và kết thúc bằng việc bị đàn áp.

Thông tin về các vụ tấn công bạo lực gây lo ngại cho công chúng và bị kiểm duyệt.

Các vụ tấn công làm dấy lên nỗi sợ ở Trung Quốc

Ba vụ tấn công chỉ trong một tuần ở Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại lan rộng trong công chúng và khiến các nỗ lực nhằm che đậy các cuộc thảo luận về các vụ việc này gia tăng.

Vụ tấn công đầu tiên xảy ra vào ngày 11 tháng 11 tại thành phố Chu Hải, nơi tổ chức một triển lãm hàng không lớn hàng năm; ít nhất 35 người thiệt mạng khi một người đàn ông lái chiếc SUV lao vào nhóm người đi bộ ở sân vận động. Đây là vụ bạo lực nơi công cộng nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Sau đó, vào thứ Bảy tuần trước, một cựu sinh viên đã thực hiện một vụ tấn công bằng dao tại một trường dạy nghề ở Vô Tích khiến 8 người thiệt mạng. Vụ việc thứ ba xảy ra vào thứ Ba, khi một tài xế khác lái chiếc SUV nhắm vào đám đông bên ngoài một trường tiểu học ở Thường Đức. Vẫn chưa rõ số người thương vong và thông tin này có thể sẽ bị kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn do tính chất nhạy cảm ngày càng tăng của các tin tức.

Các kiểm duyệt viên trên mạng nhanh chóng cố gắng xoá mọi dấu vết của vụ tấn công tại Chu Hải, xoá các bài thảo luận và video; cảnh sát cũng tháo dỡ hoa tưởng niệm tại hiện trường và một phóng viên của BBC Trung Quốc tại hiện trường đã bị đe doạ. Phản ứng này có thể một phần là do tính nhạy cảm của triển lãm hàng không, nơi trưng bày một số công nghệ quân sự tiên tiến nhất của Trung Quốc, cũng như một phần do tính nghiêm trọng của vụ việc. Vụ đâm xe hôm thứ Ba cũng gây nên nỗi lo rằng sẽ có những vụ giết người theo kiểu tương tự.

Một yếu tố khác là nhu cầu tìm một “bia đỡ đạn” chịu trách nhiệm. Như các bí thư đảng ở địa phương đã mô tả trong các cuộc phỏng vấn vào năm 2005, “Giống như những con chim luôn hoảng sợ, chúng tôi luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ mỗi ngày – lo lắng về an toàn lao động, các sự kiện bất ngờ, các kiến nghị tập thể và các vụ việc quy mô lớn khác – những điều có thể dẫn chúng tôi đến việc bị trừng phạt.

Khi một sự cố của chính phủ bị phơi bày ra trước công chúng, như trong đợt bùng phát COVID-19 ban đầu ở Vũ Hán vào năm 2020, một “cuộc chiến đổ lỗi” đã xảy ra khi các quan chức cố gắng đổ trách nhiệm cho nhau. Tuy nhiên, bản năng đầu tiên của các quan chức gần như luôn là che đậy sự việc và ngăn không cho sự phẫn nộ của công chúng lan rộng.

Tuy nhiên, những yêu cầu toàn diện của một nhà nước độc đảng, trong đó nhiệm vụ chính của các lãnh đạo địa phương là ngăn chặn những cái gọi là “bất ổn xã hội,” khiến những sự kiện ngoài tầm kiểm soát lại bị coi là trách nhiệm của họ – không chỉ cấp trên mà có thể công chúng cũng nghĩ như vậy. Các cán bộ đảng có một phạm vi công việc rất rộng, điều này có nghĩa là họ cũng có thể bị đổ lỗi cho rất nhiều vấn đề khác nhau.

Không có bằng chứng nào cho thấy các vụ tấn công gần đây là sự cố chính trị – nếu không thì chính quyền đã có thể ngăn chặn được vụ việc xảy ra. Kẻ tấn công ở Chu Hải, một người đàn ông 62 tuổi, dường như tức giận vì các điều khoản trong vụ ly hôn của mình. Kẻ tấn công ở Vô Tích phẫn uất vì một kỳ thực tập lương thấp và một kì thi trượt. Giống như nhiều kẻ xả súng hàng loạt ở Mỹ, những kẻ tấn công ở Trung Quốc dùng những công cụ có sẵn để trút cơn thịnh nộ của mình lên xã hội.

Nhưng các quan chức sẽ bị giáng chức, phạt tiền hoặc sa thải vì những vụ tấn công – mà thông tin về chúng vẫn sẽ tiếp tục bị kiểm duyệt. Tất cả những điều này tạo ra một vòng xoáy luẩn quẩn của sự phẫn nộ và đàn áp. Khi tôi đến Thạch Gia Trang vào năm 2002, phải mất vài tháng sau mới nghe ai đó nhắc đến nỗi kinh hoàng đã bao trùm thành phố vào năm trước, khi một loạt vụ nổ bom khiến ít nhất 108 người thiệt mạng. Những vụ tấn công này bị quy cho một công nhân bất mãn có tiền sử bạo lực, người này nhanh chóng bị tử hình cùng hai đồng phạm.

Tuy vậy, có rất nhiều tin đồn về vụ tấn công ở Thạch Gia Trang, nhất là khi ở thành phố này từng xảy ra loạt vụ nổ bom trên xe buýt vào năm 2000. Tin đồn cho rằng những vụ tấn công này là do các băng nhóm giang hồ và cựu binh gây ra. Mỗi vụ việc đều có những lời tuyên bố cho rằng số người thiệt mạng thực tế cao hơn rất nhiều so với con số mà chính quyền đưa ra, cũng như cho rằng, những kẻ thủ phạm của vụ việc đã bị đưa ra làm “bia đỡ đạn” để chịu trách nhiệm.

Những tin đồn tương tự đang lan truyền về các vụ tấn công gần đây. Vụ nổ bom năm 2001 đã dẫn đến việc thắt chặt các quy định nhằm hạn chế việc mua bán chất nổ. Có lẽ chính quyền sẽ không có câu trả lời nào cho những vụ tấn công này ngoài biện pháp quen thuộc: tăng cường an ninh và kiểm duyệt nhiều hơn.

James Palmer

Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/11/23/cac-vu-tan-cong-hang-loat-o-trung-quoc-gay-lo-ngai-va-bi-kiem-duyet/#more-59507

Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới

Bài liên quan:
  • “Tinh Gọn” đưa đến “Ba Đào”, “Mập mờ thương chiến” lẽ nào lại ngưng (?)
    Trần nguyên Thao
  • Tập không có câu trả lời cho vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc
    Lizzi C. Lee
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 8/12/2024. Khủng hoảng chính trị tại Nam Hàn: Những thách đố của một nền dân chủ non trẻ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Tham vọng Trung Đông của Nga đối diện thách thức lớn
    Hanna Notte
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 7/12/2024. Nội chiến Syria: Cuộc nổi dậy như vũ bão, TT Assad tuyệt vọng! Nga và Iran bất lực!
    BS Nguyễn Trọng Việt