Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi signals softer approach to Japan amid double whammy,” Nikkei Asia, 21/11/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Quan hệ căng thẳng với Mỹ và nền kinh tế suy yếu đã khiến Tập chấp nhận gặp Ishiba ngay sau khi ông nhậm chức.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã trông rất nghiêm nghị khi bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước quốc kỳ của hai nước trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai người. Ishiba quả thật không hề giao tiếp bằng mắt với Tập và cũng không hề mỉm cười.
Nhưng điều bất ngờ là biểu cảm của Tập lại có phần nhẹ nhàng. Điều này ngược hẳn với vẻ mặt cau có của ông khi bắt tay một cách ngượng ngùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong cuộc gặp đầu tiên của họ cách đây 10 năm.
Ishiba và Tập đã trò chuyện khoảng 35 phút vào ngày 15/11, bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Lima, thủ đô Peru. Các nguồn tin ngoại giao nhận định rằng Ishiba đã gặp may mắn về mặt ngoại giao với Trung Quốc.
Các nguồn tin giải thích rằng dù Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Ishiba vừa hứng chịu thất bại nghiêm trọng trong cuộc bầu cử Hạ viện gần đây, ông vẫn có thể sắp xếp cuộc gặp đầu tiên với Tập chỉ sau hơn một tháng nhậm chức.
Hồi tháng 12/2012, LDP, khi đó do Abe lãnh đạo, đã trở lại nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra cùng tháng, giúp Abe quay lại đảm nhiệm chức vụ thủ tướng lần thứ hai.
Tập mới nhậm chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ một tháng trước đó, tức tháng 11/2012. Nhưng cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo phải mãi đến hai năm sau mới diễn ra, tại thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh vào tháng 11/2014, vì trước đó Tập đã nhiều lần từ chối gặp mặt.
Vào năm 2012, quan hệ giữa hai nước láng giềng châu Á đã rơi xuống đáy khi các cuộc biểu tình chống Nhật Bản lan rộng khắp Trung Quốc vào tháng 9 năm đó. Làn sóng biểu tình nổ ra để phản ứng lại việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông, nơi mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư. Đảng Dân chủ Nhật Bản (hiện không còn tồn tại) đã nắm quyền vào thời điểm đó.
Ishiba từng đến thăm Đài Loan nhiều lần. Vào tháng 8, ngay trước khi trở thành chủ tịch của LDP, ông đã đến hòn đảo này và gặp Tổng thống Lại Thanh Đức, người bị Trung Quốc xem là một nhân vật ly khai nguy hiểm. Tuy nhiên, “Tập vẫn đồng ý chính thức gặp Ishiba sớm như vậy, và không hề tỏ ra buồn rầu trên khuôn mặt. Điều đó thật bất ngờ,” một nguồn tin ngoại giao cho biết.
Tại sao Tập lại thay đổi thái độ đối với Nhật Bản?
Theo các chuyên gia nước ngoài theo dõi sát sao quan hệ giữa Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc, có ba lý thuyết chính giải thích tại sao Trung Quốc lại có lập trường cứng rắn với Nhật Bản.
Lý thuyết thứ nhất cho rằng Trung Quốc sẽ không quan tâm đến một chính quyền Nhật Bản mà họ cho là yếu và có lẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Theo lý thuyết này, Trung Quốc sẽ thay đổi thái độ và bắt đầu đối xử đúng mực với một chính quyền Nhật Bản nếu họ cho rằng chính quyền đó sẽ tồn tại ổn định.
Một lý thuyết khác cho rằng Trung Quốc sẽ trở nên cứng rắn hoặc phớt lờ Nhật Bản nếu quan hệ song phương quan trọng nhất của Bắc Kinh, nghĩa là quan hệ với Mỹ, diễn ra thuận lợi.
Còn theo lý thuyết thứ ba, Trung Quốc sẽ không coi trọng chính phủ, giới doanh nhân và các công ty Nhật Bản nếu Trung Quốc tự tin về kinh tế và khả năng duy trì đà phát triển của mình.
Cả ba lý thuyết trên đều đúng trong thời kỳ đầu của chính quyền Abe thứ hai. Không gì có thể khiến chính quyền Tập đối xử tử tế với Abe vào thời điểm đó.
Chính quyền Abe đầu tiên chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Abe lần đầu tiên trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2006, nhưng đã từ chức chỉ sau một năm tại nhiệm. Có thể Trung Quốc ban đầu đã nghĩ rằng chính quyền Abe thứ hai cũng sẽ không ổn định và không tồn tại lâu.
Cũng không có vấn đề lớn nào trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vào năm 2012, dưới thời Tổng thống Dân chủ Barack Obama, và nền kinh tế Trung Quốc khi đó vẫn đang phát triển mạnh. Nhờ thành công của Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008, nền kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng, ngay cả khi phần còn lại của thế giới đang phải chật vật do khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ vào năm 2010.
Nhưng hóa ra, chính quyền Abe thứ hai lại không tồn tại trong thời gian ngắn, vì LDP đã giành chiến thắng trong nhiều kỳ tổng tuyển cử liên tiếp. Và cuộc họp đầu tiên giữa Abe và Tập cuối cùng đã diễn ra vào năm 2014.
Trung Quốc tiếp tục duy trì lập trường thận trọng trong việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Điều khiến thái độ của Trung Quốc thay đổi đáng kể là lễ nhậm chức của chính quyền đầu tiên của Tổng thống Cộng hòa Donald Trump vào tháng 1/2017.
Trong giai đoạn 2017-2018, việc sắp xếp các cuộc họp thượng đỉnh Nhật-Trung đã diễn ra suôn sẻ hơn trước. Lý do là vì cuộc thương chiến Mỹ-Trung nổ ra dưới thời chính quyền Trump đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc.
Điều đó có nghĩa là ngoài tình hình chính trị của Nhật Bản, hai yếu tố quan trọng khác được nhắc đến trong lý thuyết thứ hai và thứ ba về lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với Nhật Bản – quan hệ Mỹ-Trung và nền kinh tế Trung Quốc – cũng đã thay đổi.
Nền tảng quyền lực của chính quyền Ishiba khá yếu, vì ông lãnh đạo một chính phủ thiểu số. Theo lý thuyết đầu tiên, điều kiện này không phù hợp để Tập gặp Ishiba sớm. Tuy nhiên, quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và tình hình kinh tế của chính Trung Quốc đã rất khác so với những ngày đầu của chính quyền Abe thứ hai.
Khi Trump trở lại với tư cách là tổng thống, Trung Quốc không thể mong đợi quan hệ của mình với Mỹ sẽ thuận lợi trở lại. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những vấn đề lớn, bao gồm sự suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng chậm lại, và đầu tư nước ngoài nhỏ giọt. Họ có thể phải chịu thêm một đòn giáng nữa nếu chính quyền Trump thứ hai áp đặt mức thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa Trung Quốc.
Cảm giác khủng hoảng của chính quyền Tập đang gia tăng khi họ phải đối mặt với một đòn giáng kép: căng thẳng trong quan hệ với Mỹ, dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng dưới chính quyền Trump thứ hai, và nền kinh tế trong nước đang suy yếu. Hai lực cản lớn này có liên quan với nhau.
Trong hoàn cảnh này, Tập đã quyết định gặp Ishiba từ sớm, bất chấp tình hình chính trị bất ổn của Nhật Bản.
Ishiba hầu như không nhìn vào mắt Tập khi họ bắt tay nhau ở Lima. Nhưng nhà lãnh đạo Nhật Bản có lẽ đã truyền đạt cảm xúc của mình theo một hình thức khác. Khi Tập đưa tay phải ra để bắt tay, Ishiba đã nắm chặt tay nhà lãnh đạo Trung Quốc bằng cả hai tay, điều mà ông đã không làm khi gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại cuộc họp của họ ở Lào hồi tháng 10.
Việc Ishiba dùng cả hai tay để bắt tay Tập có thể bị hiểu lầm về mặt ngoại giao, vì nó có thể được cho là dấu hiệu của một quan hệ phân cấp. Nhưng Ishiba dường như đã cố tình làm vậy. Rõ ràng là cuộc họp thượng đỉnh Nhật-Trung sẽ là cuộc họp song phương cấp cao nhất do Ishiba tổ chức trong chuyến công du Peru và Brazil của ông. Vậy nên ông chắc chắn đã suy nghĩ kỹ về cách hành xử của mình trong cuộc họp đó.
Phải mất hai năm Abe mới có cuộc gặp đầu tiên với Tập. Nhưng sau cuộc gặp đó, quan hệ của họ đã phát triển đến mức Abe có thể thoải mái kể chuyện cười cho Tập nghe. Tình bạn này diễn ra sau khi chính quyền Abe trở thành chính quyền ổn định lâu dài và nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump bắt đầu.
Một tình tiết thú vị đã xảy ra ở một trong những cuộc họp với bầu không khí thoải mái giữa Abe và Tập. Vương Nghị, lúc đó là Ngoại trưởng Trung Quốc, cũng có mặt. Sở thích của Tập và Abe đã trở thành chủ đề trò chuyện.
Tập nói với Abe, “Tôi nghe nói ông là một người chơi golf giỏi.” Quay sang Vương, Abe trả lời đầy tinh tế, “Không, tôi không giỏi bằng ông Vương đâu. Tôi nghe nói rằng ông ấy thường chơi golf khi ở Nhật Bản” lúc còn là đại sứ Trung Quốc.
Đó là một câu nói đùa về một lệnh cấm thực tế – chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt của Tập đã cấm quan chức cấp cao của Trung Quốc chơi golf. Theo như những gì được đưa tin, khi đó Vương chỉ có thể vớt vát rằng “Tôi chưa bao giờ chơi golf kể từ khi trở về nước.” Ví dụ này minh họa cho bầu không khí tự do giữa Tập và Abe.
Nhật Bản và Trung Quốc đang phải đối mặt với một núi vấn đề trên cả mặt trận an ninh và kinh tế. Cái bắt tay bằng cả hai tay của Ishiba với Tập ở Lima sẽ mang lại lợi ích hay phản tác dụng? Dù đã có một số tiến triển trong việc khiến Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu các sản phẩm hải sản từ Nhật Bản, nhưng vẫn chưa có giải pháp nào cho vấn đề công dân Nhật Bản bị giam giữ tại Trung Quốc, bao gồm cả một nhân viên của Astellas Pharma, hãng dược phẩm lớn của Nhật Bản.
Trước tiên, cần chú ý chặt chẽ đến việc liệu hai nước có thể tiếp tục đối thoại cấp cao trong tương lai hay không. Sự trở lại của chính quyền Trump sẽ có lợi cho Ishiba về mặt ngoại giao với Trung Quốc.
Trong cuộc hội đàm với Ishiba tại Lima, Tập tuyên bố “Quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản đang trong giai đoạn cải thiện và phát triển quan trọng.” Nếu Ishiba và Tập phát triển quan hệ đến mức có thể gặp nhau trong bầu không khí tự do, thì sự cải thiện đó sẽ không phải là chuyện viển vông.
Katsuji Nakazawa
Nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Nguồn Trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2024/11/25/tap-ra-tin-hieu-mem-mong-hon-voi-nhat-ban-trong-boi-canh-kho-khan/
Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới