Sau khi áp dụng chiến thuật đánh phủ đầu lần lượt từ “xoa bóp” đến “chỉ trich nặng lời” đối với chủ trương áp thuế toàn cầu của Tổng Thống Donald Trump, csVN cảm thấy bất an, đã vội công bố sẽ mua thêm nhiều loại hàng hóa, sản phẩm của Hoa Kỳ nhằm giảm áp lực “đòi cân bằng thương mại” trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump khởi đầu cuối tháng Giêng 2025.

Ông Trump quan niệm rằng, thuế nhập cảng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho các công ty ở Mỹ, thu hẹp thâm hụt liên bang, đưa giá thực phẩm xuống, để chính phủ Mỹ có thêm tiền trợ cấp cho việc chăm sóc trẻ em của Hoa Kỳ. Do vậy, hôm 27 tháng 11 ông Trump loan báo, một trong những sắc lệnh đầu tiên của Mỹ vào sau ngày ông tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống sẽ là áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm nhập cảng vào Mỹ từ Canada và Mexico, đồng thời áp dụng thuế quan bổ sung 10% đối với hàng hóa từ Hoa lục. Mức thuế quan mới sẽ được áp dụng “cho đến khi ma túy, đặc biệt là Fentanyl và người di dân bất hợp pháp từ nước ngoài ngưng vào Mỹ!”  [1]

Phản ứng rất mau chóng, tối thứ Sáu, 29 tháng 11, Thủ Tướng Canada, Justin Trudeau đã đến Florida ăn tối với Tổng Thống Trump. Trong bản tin loan đi hôm mùng 01 tháng 12, chưa được phía Canada xác nhận, đài VOA dẫn tin từ dinh thự Mar-a-Lago cho hay: Thủ Tướng Trudeau đã cam kết hợp tác với ông Trump để chấm dứt sự tàn phá khủng khiếp nêu trên đối với các Gia đình Hoa Kỳ.

Chủ trương áp thuế toàn cầu của Tổng Thống Donald Trump là một trong những nỗi bất an lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam. Tính theo tỷ lệ, Việt Nam phụ thuộc vào vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài (Foreign Direct Investment, FDI) để xuất cảng trên 80% trên GDP, cao nhất trong khối các nước ASEAN. Đồng thời Việt Nam cũng xuất cảng sang Hoa Kỳ chiếm trên 20% nền kinh tế. Vì vậy, bất kỳ đợt tăng thuế nào do chính quyền Trump áp đặt từ năm tới cũng sẽ ảnh hưởng “rất lớn” đến kinh tế Việt Nam.

Việt Nam thặng dư thương mại với Hoa Kỳ

Năm ngoái, Việt Nam nhập cảng hàng hóa từ Hoa Kỳ chỉ có 9,8 tỷ Mỹ kim, trong khi lượng hàng xuất cảng của Việt Nam sang Mỹ cao hơn 12 lần, tới 118,9 tỷ Mỹ kim, dẫn đến thặng dư thương mại lớn có lợi cho csVN.

Năm nay 2024, mới hết tháng 10, Việt Nam đã xuất cảng sang Mỹ đến 98,4 tỷ Mỹ kim, trong khi nhập cảng từ Mỹ chỉ có 12,3 tỷ Mỹ kim, thành ra thặng dư thương mại lớn với Mỹ tới 86,1 tỷ Mỹ kim, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. [2]  (https://vanhoimoi.org/?p=23247)

Số liệu thặng dư thương mại chỉ (2) năm gần đây đã có lợi quá lớn về phía đảng csVN. Đây chính là lý do thúc đẩy ông Trump đòi cân bằng thương mại.

Qua hội nghị thượng đỉnh ngoại thương Việt – Mỹ hôm 27 tháng 11 tại Hanoi, có đại diện Chính Phủ và doanh nghiệp hai nước, Bloomberg, dẫn tin từ phía csVN cho biết: “Nhằm thúc đẩy thương mại hài hoà và bền vững với Mỹ trong những năm nhiệm kỳ 2 Nội Các Donald Trump, csVN có kế hoạch mua thêm các sản phẩm từ Mỹ, bao gồm máy bay, khí hóa lỏng Liquefied Natural Gas (LNG), trang thiết bị an ninh và chip AI. . .

Lên tiếng trong hội nghị thượng đỉnh ngoại thương Việt – Mỹ thượng dẫn, Thủ Tướng Phạm Minh Chính thúc giục Hoa Kỳ dỡ bỏ các hạn chế xuất cảng đối với một số công nghệ và bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Trước năm tổng tuyển cử ở Mỹ, csVN đã đem hết năng lực vận động hy vọng Mỹ cấp cho kinh tế thị trường. Hỗ trợ cho mục tiêu này, Ba-Đình đã thuê công ty Steptoe có trụ sở tại Washington để làm “lobby”. Cuối cùng “tiền mất họa mang” vì gặp sức chống đối từ các vị dân cử của cả hai Viện Quốc Hội, cũng như nhiều nghiệp đoàn sản xuất ở Mỹ. Ngày mùng 02 tháng 8 năm 2023, Bộ Thương Mại Mỹ tuyên bố, Việt Nam vẫn tiếp tục được xếp hạng là nước có nền kinh tế phi thị trường!

Vì muốn giữ quyền lãnh đạo, csVN lo ngại hoạt động doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của đảng, nên Bộ Công an đưa ra dự án Luật Dữ Liệu, được phía doanh phát hiện ra nhiều điểm gây hại cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Dự luật Dữ Liệu đang được Quốc Hội Việt Nam xem xét.

Nhiều doanh nghiệp và tổ chức quốc tế  hoạt động tại Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về dự thảo luật này. Khái niệm về “dữ liệu quan trọng” và “dữ liệu cốt lõi” được định nghĩa trong dự thảo luật quá rộng và “không rõ ràng và khá nặng nề”. Điều này cản trở một số nhà đầu tư nước ngoài vì nó khiến môi trường hoạt động khó khăn hơn nhiều. “Vì vậy, Khối FDI đề nghị hoãn thông qua Luật Dữ Liệu để tham vấn thêm nhằm giải quyết mối quan ngại của các doanh nghiệp. [3]

Chưa hết, “bản án” khác còn treo lơ lửng, làm những nhà độc tài ngồi ở quận Ba-Đình không yên, do giới quan sát thời sự kinh tế nhận ra rằng, trong khi quan hệ quân sự và ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ được duy trì ổn định, thì ông Trump vẫn có thể sẽ lật ngược quyết định mới đây của chính quyền Biden là không dán nhãn Việt Nam là “nước thao túng tiền tệ”. Nếu sự việc này diễn ra, thì “không có quốc gia nào ở Đông Nam Á phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn Việt Nam trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.

Hoàn cảnh trên nếu xẩy ra, sẽ khiến nội bộ của csVN kẻ cười người khóc, do nội bộ Ba-Đình vẫn còn nhiều “đợt sóng ngầm” từ các trận đấu đá thư hùng, gây ra biến động nhất từ trước đến nay. Trung ương Đảng khóa 13 (2021-2026) đã có 28 người bị “mất chức”, trong đó có 7 ủy viên Bộ Chính trị, gồm (2) Chủ Tịch Nước, (1) Chủ Tịch Quốc Hội là những nhân vật chủ chốt thuộc nhóm Tứ Trụ.

Bảy UV BCT “ngã ngựa”: Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Trương Thị Mai, Trần Tuấn Anh, Đinh Tiến Dũng. Ảnh: BBC

Nhằm sắp xếp lại nhân sự chuẩn bị Đại hội 14 dự kiến diễn ra tháng 1 năm 2026 có lợi cho nhóm quyền lực của TBT Tô Lâm, nhiều lãnh đạo cấp cao và chủ chốt được thăng tiến gần đây chưa thực sự hội đủ điều kiện theo Quy định 214 được ban hành năm 2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh.

Vì vậy lộ ra xào xáo trong nội bộ giữa hàng ngũ quyền lực và phe thất thế, khi cựu Chủ Tịch Quốc Hội Vương đinh Huệ bất ngờ bị cảnh cáo kỷ luật, Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường về vườn, Võ Văn Thưởng thì được “hoãn” trừng phạt do đang điều trị bệnh. Cùng dịp lại phục hồi danh dự cho các ông Đinh Thế Huynh, Trần quốc Vượng và cựu Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng lại được người quyền lực nhất Việt Nam đem lòng “sùng mộ” . . .  Từ các diễn biến này, đã có những câu hỏi đặt ra về số phận của cựu Chủ Tịch Nước, Nguyễn Xuân Phúc và cựu Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai. Như thế, tiền lệ “các cựu cán bộ cao cấp, kể cả ‘Tứ trụ’ được cho ‘hạ cánh an toàn’ không bị kỷ luật” sẽ không còn yên ổn hưởng lợi quyền như cũ (?)

Giữa tháng 11, cả thế giới bất ngờ về phong cách của tân Chủ Tịch Nước, Tướng Lương Cường đã chỉ trích nặng lời chủ trương thuế quan của Mỹ tại Hội Nghị APEC. Trong khi trước đó có mấy ngày, Tổng Bí Thư Tô Lâm lại lần lượt gởi điện thư (mùng 7 tháng 11) và trực tiếp gọi điện thoại (11 tháng 11) chúc mừng ông Trump thắng cử. (https://vanhoimoi.org/?p=23247)

Hiện csVN ra sức thúc đẩy thương mại bền vững với Mỹ nhằm giữ cho được thị trường xuất cảng beo bở, trong khi hàng ngũ Ba-Đình vẫn còn âm ỷ những mưu mô tiềm ẩn trong từng phe nhóm đưa đến cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” . . . Sự thể này khiến Ba-Đình “mất sức” trong thương chiến cận kề.

Trần nguyên Thao
Dec 02, 2024

[1]https://www.voatiengviet.com/a/ke-hoach-thue-quan-moi-nhat-cua-ong-trump-nham-vao-nhieu-quoc-gia-dieu-nay-co-y-nghia-gi-doi-voi-nuoc-my/7878040.html

[2]https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2024/11/xuat-nhap-khau-hang-hoa-duy-tri-muc-tang-cao-diem-sang-khu-vuc-kinh-te-trong-nuoc/

 [3] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c206796pv7ro

Bài liên quan:
  • Chiến thuật biển người của Putin ở Ukraine không thể tồn tại mãi
    Alexey Kovalev
  • Châu Âu đã hết thời gian để điều chỉnh chính sách quốc phòng
    Norbert Röttgen
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 1/12/2024. Người Việt ở Mỹ tích cực tham gia chính trị dòng chính! Tô Lâm củng cố quyền lực: Đưa thêm củi vào lò?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trump 2.0 có thể khiến Trung Quốc đau đầu ở Đông Nam Á
    Derek Grossman
  • Biển Đông dưới thời chính quyền Trump 2.0: Cần một chiến lược đa chiều
    SD Pradhan