Sơn Hà – (Nov 2024)

Bây giờ là lúc thế giới kỷ niệm 80 tuổi của tiểu thuyết Animal Farm, người ta sẽ hồi tưởng George Orwell, sao những tiên đoán của ông ứng nghiệm chính xác. Nó vẫn đúng với bối cảnh ngày nay của chế độ cộng sản Việt Nam.

Animal Farm đã được nhiều người dịch ra tiếng Việt với nhiều tựa khác nhau: Trại Súc Vật, Nông Trại Súc Vật, Chuyện Ở Nông Trại,… một tác phẩm tiểu thuyết tấn công vào chế độ Liên Bang Xô Viết của Stalin nói riêng, và chủ nghĩa toàn trị nói chung.

George Orwell tên thật là Eric Blair, văn sĩ người Anh chuyên viết tiểu thuyết. Animal Farm1984, là hai tác phẩm cổ điển của George Orwell, được xem là những lời cảnh báo về hậu quả nguy hiểm của chủ nghĩa cộng sản.

Animal Farm là câu chuyện ngụ ngôn như một thứ truyện cổ tích, xuất bản năm 1945. Bốn năm sau, tác phẩm 1984 được phát hành. Tác phẩm này gồm các nhân vật là con người chứ không phải thú vật; nó cũng diễn tả xã hội cộng sản man trá đáng kinh sợ. Trong Animal Farm, tác giả miêu tả các  súc vật và sinh hoạt của một nông trại ở đâu đó bên Anh Quốc. Những ai đọc bản tiếng Việt sẽ không khỏi cảm thấy nó rất giống xã hội Việt Nam ngày nay.

nhà văn George Orwell

Đã có lúc đảng cộng sản Việt Nam đã cấm lưu hành bản dịch tiếng Việt. Chính hành động cấm đoán càng làm truyện Trại Súc Vật được độc giả tìm đọc nhiều hơn. Ngày nay, Internet đã giúp cho độc giả dễ dàng tìm đọc những tác phẩm của thế giới và đảng cộng sản không thể ngăn cản.

Giống như câu chuyện ngắn Linh Nghiệm của Trần Huy Quang đăng trên tuần báo Văn Nghệ (của đảng), số 27 ra ngày 04.7.1992. Bốn ngày sau, số báo ấy được lệnh thu hồi một cách lặng lẽ. Trần Huy Quang và chủ nhiệm bị kỷ luật gắt gao. Trần Huy Quang bị bắt phải gác bút ba năm. Dù bị cấm, ai cũng có thể vào Google gõ hai chữ “Linh Nghiệm”, độc giả sẽ tìm thấy câu chuyện này, của Trần Huy Quang.

Chuyện “Linh Nghiệm”

Chuyện viết về một nhân vật tên Hinh, một thanh niên “đa mưu túc kế, lòng dạ thật không bao giờ lộ ra mặt. Bạn bè cùng lứa không ai dám kết làm bằng hữu”, không mong chuyện học hành mà chỉ chăm chăm “một dạ xuất ngoại”, mong tìm cách chiếm trái tim thiên hạ. Hinh miệt mài cầu xin các đấng ở Cõi Trên soi sáng cho tâm địa của Hinh được gặp Người… Người là nguồn ánh sáng dẫn dắt chúng con… Lũ chúng sinh con khao khát được gặp Người…”.

trang báo Văn Nghệ

Thế rồi lời cầu được ứng nghiệm. Một đêm giông tố, “Hinh đã đến chín tầng Thánh Địa gặp đấng Chí Linh”, gặp một sứ giả trao cho một Đạo Thư. Trong ấy võn vẹn mấy lời “vàng ngọc” ngắn ngủi. Hinh theo chỉ dẫn trong Đạo Thư ra vườn hoa Mùa Xuân đi “tìm cái này”. Ai hỏi chỉ trả lời “tìm cái này”. Ôi thôi, giới lao động, học sinh, bán hàng rong, già trẻ lớn bé,… đủ loại người của cái “xứ Nhọc Nhằn tăm tối…” đi theo Hinh để tìm mà không biết tìm cái gì. Cứ thế không bao lâu, Hinh đã có một đám đông thiên hạ… đi theo để “hy vọng có chút no ấm mờ mờ phía trước”.

Tác giả Trần Huy Quang đặt tên nhân vật trong truyện là Hinh, giống như Hồ Chí Minh được biết ngắn lại. Hành động cũng giống, mánh mung cũng giống, lừa đảo cũng giống, rất giống… Người. Bởi thế, báo Văn Nghệ số 27, có đăng câu chuyện Linh Nghiệm, bị nhanh chóng thu hồi và tiêu huỷ trong thầm lặng và Trần Huy Quang bị treo bút 3 năm. Bao nhiêu năm qua, vẫn còn đám đông xúm xít giữa vườn hoa Mùa Xuânnhư Trần Huy Quang đã viết hồi năm 1992, đến nay vẫn còn đúng.

Chuyện Ở Nông Trại

Ở bên Ta có Trần Huy Quang, ở trời Tây có George Orwell, viết truyện ở Trại Súc Vật cách đây 80 năm. Nó không như truyện Linh Nghiệm của Trần Huy Quang, kể về một giấc mơ là sự thật hiện ngay trước mắt.

Trại Súc Vật là câu chuyện ngụ ngôn, diễn ra ở một nông trại tên là Manor Farm bên Anh, vào thời điểm có nhiều quốc gia đang tiến hành cuộc cách mạng cướp chính quyền do giới thợ thuyền công nhân và nông dân nổi dậy, gọi là “cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Truyện ngụ ngôn này tấn công vào chế độ cộng sản Liên Bang Xô Viết. Hậu quả của nó được tiên đoán sẽ xảy ra trong vài mươi năm nữa.

Truyện “Trại Súc Vật”, bắt đầu tại trang trại Manor, nơi đó các loài súc vật đã nổi dậy lật đổ con người, ông Jones là ông chủ của chúng nó, bị xem là nhân vật đại gian đại ác, bóc lột sức lao động các loài súc vật. Súc vật được truyền cảm hứng từ lão heo nọc Old Major, một loại “cha già”, được các loài vật trong trang trại Manor tôn vinh là đỉnh cao trí tuệ của loài vật.

Cha già Old Major đưa ra một giòng tư tưởng xã hội, kêu gọi các súc vật trong trại hãy ý thức mình là giai cấp bị bóc lột; con người là giai cấp bóc lột. Giai cấp bị bóc lột hãy đoàn kết nổi dậy lật đổ cường hào ác bá.

Một hôm, chờ cho ông Jones ngủ say, súc vật trong trang trại kéo nhau về nhà kho rộng lớn để nghe Old Major nói chuyện, nhất là để nghe “cha già” kể về giấc mơ mà lão vừa trải qua. Trước khi kể về giấc mơ, lão kể khổ súc vật bị loài người bóc lột.

Lão Old Major gọi các súc vật là đồng chí và xem loài người là kẻ thù. Loài người không sản xuất mà chỉ hưởng những thành quả do các súc vật tạo ra. Trong khi súc vật thì làm việc khó nhọc mà ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Lão đưa thí dụ, các chị gà phải đẻ trứng để cho ông Jones đem đi bán. Khi hết đẻ thì bị làm thịt. Các chị bò, dê,… thì không đủ sữa để nuôi con, mà bị ông Jones vắt hết sữa đem ra chợ bán rồi mua rượu thịt cho hắn ta. Tất cả, ông Jones chỉ làm lợi cho ông ta mà không đếm xỉa gì đến số phận của súc vật chúng ta.

Các đồng chí heo của chúng ta, khi vừa lớn thì số phần của các đồng chí là nằm trên các thớt xẻ thịt. Các đồng chí chó, khi không còn làm lợi cho ông ta thì bị đeo vào cổ một hòn đá và bị ném xuống hồ nước. Các đồng chí phải nhìn cho rõ con người là kẻ thù, súc vật là đồng chí. 

Lão già Old Major kể lại giấc mơ. Trong mơ ông ta nhớ lại bài hát tưởng đã quên từ lâu. Bài hát kích động loài vật đoàn kết để nổi lên chống lại loài người gian ác. Rồi cả bọn cùng hát với cha già Old Major bài hát “Súc Vật Anh Quốc”, kêu gọi tình đoàn kết nổi lên chống lại kẻ thù giai cấp. Ba ngày sau, lão Old Major qua đời, hai đồng chí heo Napoleon và Snowball kế thừa, lãnh đạo cuộc cách mạng thành công và thiết lập “chủ nghĩa Súc Vật”, đổi tên Manor Farm thành “Animal FarmTrại Súc Vật”, với bảy điều răn.

Bảy Điều Răn – Hiến Pháp Đầu Tiên Của Trại Súc Vật

Bảy điều răn viết là:
1. Tất cả các loài hai chân đều là kẻ thù.
2. Tất cả các loài bốn chân hoặc có cánh đều là bạn.
3. Không súc vật nào được mặc quần áo.
4. Không súc vật nào được ngủ trên giường.
5. Không súc vật nào được uống rượu.
6. Không súc vật nào được giết con vật nào khác.
7. Tất cả súc vật đều bình đẳng.

Tuy nhiên, theo thời gian, Napoleon trở thành một bạo chúa, sử dụng nỗi sợ hãi và thao túng, cùng với sự tiếp tay của đồng chí heo Squealer rất giỏi tuyên truyền, để duy trì quyền lực. Các hiện tượng phản bội, thất bại, sai trái,… đều đổ lỗi cho đồng chí Snowball. Snowball bị cô lập và bị xua đuổi, phải chạy trốn ra khỏi trang trại.

Rồi, đồng chí lãnh đạo Napoleon và các đồng chí heo thao túng quyền lực nhiều hơn, tạo ra các đổ vỡ lớn hơn, gây tai hại cho kho lẫm của Animal Farm. Lãnh đạo trại súc vật bắt đầu cấu kết với các thế lực bên ngoài để tiếp tục duy trì quyền lực, trong khi đời sống của các súc vật ngày càng sa sút; ngoại trừ đồng chí lãnh đạo Napoleon cùng các đồng chí heo và bầy công an chó, thì có đời sống sung túc và tiếp tục bóc lột sức lực của bầy súc vật trong “Trại Súc Vật”.

Các điều răn được sửa lại cho phù hợp với tình thế. Điều 1 bị bỏ, vì các đồng chí heo bắt đầu đi bằng hai chân và cấu kết với loài người. Điều 2, bị bỏ, vì các loài đi bốn chân hoặc có cánh bị xem là giai cấp thấp, thấp hơn loài heo nay đi bằng hai chân, tiến bộ hơn. Điều 3 bị bỏ vì các đồng chí heo mặc áo quần như con người, mà trước đây bị súc vật lật đổ. Điều 4, sửa thành “Không súc vật nào được ngủ trên giường có trải chăn”. Điều 5, sửa lại là “Không súc vật nào được uống rượu quá mức”. Điều 6 sửa lại “Không súc vật nào được giết bất cứ con vật nào mà không có lý do”. Điều 7 được sửa lại “Tất cả súc vật đều bình đẳng, nhưng một số loài vật bình đẳng hơn loài khác”.

Những Nhân Vật Trong Trại Súc Vật

Trong truyện Animal Farm, George Orwell ám chỉ Old Major là biểu tượng của Mác-Lê và lý tưởng công bằng vào lúc mới khởi đầu cuộc “cách mạng”. Nhưng, sau khi “cha già” qua đời thì các đồng chí heo kế thừa là Napoleon, Snowball và Squealer bắt đầu cuộc cải tạo xã hội.  Orwell ám chỉ Napoleon là Joseph Stalin, lãnh tụ độc tài và tàn ác. Snowball là Leon Trotsky, chủ trương hiện đại hoá luôn nghĩ đến cách cải thiện đời sống súc vật và chủ trương giữ gìn lý tưởng nguyên thuỷ, là thủ lãnh Hồng Quân. Squealer là hình ảnh của Vyacheslav Molotov, rất giỏi về tuyên truyền, có tài bẽ cong và sửa đổi chữ nghĩa, để bào chữa cho lãnh tụ Napoleon.

Sau cuộc cách mạng, Napoleon luôn luôn dè chừng Snowball tranh giành ngôi vị lãnh đạo, rồi tìm cách loại bỏ Snowball. Từ đó, Napoleon càng trở nên độc đoán và chuyên quyền; ngang nhiên sửa đổi các điều luật để củng cố quyền lực bất kể đời sống của súc vật ngày càng cơ cực hơn. Đã vậy, Napoleon còn ra lệnh tất cả các loài súc vật phải lao động nhiều hơn và ăn ít hơn. Loài heo được xem là các đồng chí thuộc thành phần ưu tú và chó là các đồng chí công an bảo vệ chế độ, thì được ăn uống dư thừa và ngủ trên giường.

Không bao lâu, loài heo trở thành những con vật không khác chủ nhân ông mà chúng đã lật đổ trước đây. Câu chuyện kết thúc với nhận thức lạnh lùng rằng lý tưởng ban đầu của trang trại về bình đẳng và công lý đã bị bỏ rơi. Nó được gói gọn trong châm ngôn: “Tất cả súc vật đều bình đẳng, nhưng một số loài vật bình đẳng hơn loài khác”.

Súc vật trong trại nhìn vào giới lãnh đạo không thể phân biệt giữa heo với người. Một hình ảnh tượng trưng cho sự tha hóa của tập trung quyền lực vào tay Napoleon.

Trại Súc Vật Và Quan Điểm George Orwell

Đọc Trại Súc Vật, chúng ta thấy George Orwell diễn tả nước Nga trước khi bị cộng sản chiếm, chính là Manor Farm. Ông Jones, chủ của Manor Farm, đại diện cho giai cấp áp bức, và các súc vật đại diện cho giai cấp bị áp bức.

Nhiều quốc gia thời bấy giờ, kể cả một số người Mỹ, đồng tình với Stalin trong cuộc chiến chống Đức Quốc xã, nhưng Orwell dám đưa ra ý niệm thách thức qua câu chuyện Trại Súc Vật.

Súc vật trong truyện được truyền cảm hứng bởi con heo già, dựa vào lý thuyết phê phán của Marx, “Critical Theory”, cho rằng, tư bản định hình văn hoá, tư tưởng và cấu trúc xã hội, qua các cơ chế tiêu dùng và truyền thông, nhưng lại che giấu bản chất bóc lột. Lão heo già Old Major chính là Marx và Lenin, đưa ra các đường lối chính sách làm nền tảng cho lũ súc vật. Súc vật học tiếng nói và hành động của con người để nổi dậy cướp quyền cai trị, dưới sự điều động của Napoleon và Snowball.

Lãnh tụ heo Napoleon là hình ảnh của Stalin, là một người độc đoán và tàn ác. George Orwell tấn công vào Stalin lúc còn ở đỉnh cao quyền lực. Nhà bình luận Anirudh Parthasarathy đã nói, “George Orwell nắm bắt được sự trỗi dậy và sự tha hóa không thể tránh khỏi của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Người ta có thể hiểu điều đó trong câu chuyện dễ thương nhưng nghiêm túc… Orwell đưa ra quan điểm rằng, quyền lực tuyệt đối dưới bất cứ hình thức nào cũng tạo sự tha hóa”.

Giống như trường hợp của Stalin và Trotsky, Napoleon và Snowball đã tranh giành quyền lực, và cuối cùng Napoleon đã chiến thắng. Napoleon đã bí mật nuôi những chú chó con thành những con chó hung dữ, là lũ mật vụ Liên Xô, không tìm cách thuyết phục Snowball, không còn xem là đồng chí, mà sử dụng chó công an cô lập và truy đuổi Snowball. Snowball phải bỏ trốn biệt xứ.

-oOo-

Dần dần cường quyền kiểm soát tất cả cho đến khi Napoleon trở thành một kẻ chuyên quyền tuyệt đối hơn cả ông Jones. Bọn heo lên ngôi thống trị. Các loài khác trở lại kiếp bị trị khắc nghiệt hơn trước rất nhiều.

Loài heo quỷ quái thường xuyên thay đổi điều luật theo hướng có lợi cho tập đoàn lãnh đạo. Bảy điều căn bản ban đầu đã mang lại thành công cho cuộc cách mạng đã dần dần bị bỏ rơi hoặc biến đổi theo lệnh của cấp lãnh đạo. Các sửa đổi vì quyền lợi của bọn heo lãnh đạo, không phải vì các loài súc vật khác. Bọn lãnh đạo lại rước tư bản trở về và hợp tác.

Nếu chúng tuyên bố bỏ hết Bảy Điều Răn thì sẽ gặp phản đối dữ dội. Chúng đã áp dụng kỹ thuật “mềm nắn rắn buông”, mưa dầm thấm đất. Đến khi hệ thống cai trị đã vững chắc, tất cả bảy điều chỉ còn lại một: “Tất cả súc vật đều bình đẳng, nhưng một số loài vật bình đẳng hơn loài khác”. Cuộc chống đối nếu có xảy ra, sẽ gian nan hơn nhiều.

Đã 80 năm trôi qua, cuốn truyện Trại Súc Vật không chỉ chứa đựng ý nghĩa của những lời báo động. Hơn thế, nó đã trở thành sách giáo khoa hướng dẫn tư tưởng cho nhân loại về xã hội chủ nghĩa.

Sơn Hà (Nov.2024)