TIN THẾ GIỚI.
Tổng thống Zelensky: Nga, Triều Tiên hành quyết thương binh Triều Tiên để xóa dấu vết, hai tù binh Triều tiên bị bắt (BBC).
Hai thương binh Triều Tiên đã bị quân đội Ukraine bắt ở tỉnh Kursk của Nga, theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Hai người này đang nhận “sự trợ giúp y tế cần thiết” và hiện đang bị Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) giam giữ tại Kyiv, theo lời ông Zelensky.
Vị tổng thống đã gửi lời cảm ơn đến các lính dù Ukraine và binh sĩ thuộc Lực lượng Tác chiến Đặc biệt vì đã bắt giữ được binh sĩ Triều Tiên.
Ông nói thêm rằng “đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng”, đồng thời cho rằng binh lính Nga và Triều Tiên thường hành quyết những thương binh Triều Tiên “để xóa mọi dấu vết về sự liên quan của Triều Tiên vào cuộc chiến ở Ukraine“.
Cơ quan tình báo Ukraine cho biết các tù binh này đã bị bắt giữ vào hôm 9/1 và ngay sau đó đã “được cung cấp tất cả các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết theo quy định của Công ước Geneva” và đưa đến Kyiv.
“Họ bị giam giữ trong điều kiện phù hợp đáp ứng các yêu cầu của luật pháp quốc tế,” cơ quan này thông báo.
Cơ quan tình báo cho hay các tù binh không nói được tiếng Ukraine, tiếng Anh hoặc tiếng Nga, “do đó việc giao tiếp với họ được thực hiện thông qua thông dịch viên tiếng Hàn, phối hợp với NIS (Cục tình báo quốc gia) của Nam Hàn”.
Trong bài viết trên mạng xã hội Telegram và X, ông Zelensky cho hay các binh sĩ đang “nói chuyện với các điều tra viên của SBU” và ông đã chỉ thị SBU cho phép các nhà báo tiếp cận họ.
“Thế giới cần biết sự thật về những gì đang xảy ra,” ông viết.
Ông Zelensky cũng đăng bốn bức ảnh cùng bài viết của mình. Hai bức hiển thị những người đàn ông bị thương. Một bức là hình thẻ quân nhân màu đỏ của Nga.
Nơi sinh trên giấy tờ là thị trấn Turan, Cộng hòa Tuva (thuộc Nga) gần Mông Cổ.
Cơ quan tình báo cho biết khi bắt giữ các tù binh, một người có thẻ quân nhân Nga được cấp dưới tên của một người khác với địa chỉ đăng ký tại Cộng hòa Tuva. Người kia hoàn toàn không có giấy tờ gì.
Cơ quan tình báo thông tin rằng trong quá trình thẩm vấn, người lính có thẻ căn cước đã nói với nhân viên an ninh rằng anh ta đã được cấp giấy tờ ở Nga vào mùa thu năm 2024.
Anh ta được cho là đã nói rằng vào thời điểm đó, một số đơn vị chiến đấu của Triều Tiên đã có khóa huấn luyện tương tác trong một tuần.
“Điểm đáng chú ý là tù binh… nhấn mạnh rằng anh ta được thông báo là đi huấn luyện, chứ không phải đi chiến đấu chống lại Ukraine,” SBU thông tin.
Cơ quan tình báo nói thêm rằng anh ta sinh năm 2005 và đã phục vụ Triều Tiên với vai trò xạ thủ súng trường từ năm 2021.
Theo SBU, tù nhân thứ hai được cho là đã trả lời bằng văn bản vì anh ta bị thương ở hàm. Cơ quan tình báo Ukraine tin rằng anh ta sinh năm 1999 và đã phục vụ tại Triều Tiên với vai trò lính trinh sát bắn tỉa từ năm 2016.
Công ước Geneva quy định rằng việc thẩm vấn tù binh phải được tiến hành bằng ngôn ngữ mà họ hiểu và tù binh phải được bảo vệ khỏi sự tò mò của công chúng.
Văn phòng ông Zelensky nhấn mạnh Nga “đang cố gắng che giấu thực tế rằng đây là những binh sĩ Triều Tiên bằng cách cấp cho họ giấy tờ nói rằng họ đến từ Tuva hoặc các lãnh thổ khác thuộc quyền kiểm soát của Moscow“.”Nhưng những người này thực sự là người Triều Tiên, họ đến từ Triều Tiên,” Văn phòng Tổng thống Zelensky khẳng định.
Năm 2014, lực lượng Nga hoạt động tại Ukraine – mặc dù Điện Kremlin phủ nhận điều này – đã được cử đi mà không có dấu hiệu nhận dạng trên quân phục.
Năm ngoái, khi được hỏi liệu Nga có sử dụng lính Triều Tiên trong cuộc chiến ở Ukraine hay không, Tổng thống Vladimir Putin đã không phủ nhận điều đó. Ông nói rằng đó là “quyết định chủ quyền” của Nga.
Tháng 12/2024, cơ quan tình báo của Nam Hàn báo cáo rằng một binh sĩ Triều Tiên – được cho là người đầu tiên bị bắt khi hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine – đã chết sau khi bị lực lượng Ukraine bắt sống.
Nhà Trắng thì cho rằng quân đội Triều Tiên đang chịu thương vong hàng loạt.
SBU nói họ “đang tiến hành các biện pháp điều tra cần thiết để xác định mọi tình tiết về sự tham gia của quân đội CHDCND Triều Tiên vào cuộc xâm lược Ukraine của Nga“.
“Cuộc điều tra đang được tiến hành dưới sự hướng dẫn thủ tục của Văn phòng Công tố viên theo Điều 437 của Bộ luật Hình sự Ukraine (lập kế hoạch, chuẩn bị, phát động và tiến hành chiến tranh xâm lược).”
Thỏa thuận ngừng bắn Gaza xuất hiện sau 96 giờ căng thẳng (VOA)
Một thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza để đổi lấy con tin đã xuất hiện sau 96 giờ đàm phán căng thẳng tại Doha do các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, Ai Cập và Qatar làm trung gian, những người đã thuyết phục Israel và Hamas cuối cùng ký kết thỏa thuận.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho rằng sự hiện diện của đặc phái viên sắp tới về Trung Đông của Tổng thống đắc cử Donald Trump là ông Steve Witkoff đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận công bố vào ngày 15/1 sau 15 tháng chiến tranh tàn phá vùng đất Palestine và lan rộng xung đột trên khắp Trung Đông.
Dẫn đầu phía Hoa Kỳ là đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Joe Biden, Brett McGurk, người đã có mặt tại khu vực này từ ngày 5 tháng 1 để làm việc chặt chẽ về những gì mà quan chức này gọi là “một thỏa thuận rất phức tạp”.
Thỏa thuận giữa Israel và Hamas đã có một bước tiến lớn khi ông Trump liên tục cảnh báo rằng sẽ có “một cái giá rất đắt phải trả” ở Trung Đông nếu các con tin do nhóm hiếu chiến Hamas bắt giữ không được phóng thích trước lễ nhậm chức của ông vào ngày 20 tháng 1, theo các nguồn tin thân cận với vấn đề này.
Thỏa thuận, sau nhiều tháng đàm phán không liên tục, đã đạt được đà tiến sau khi Israel và lực lượng dân quân Hezbollah của Li Băng đồng ý ngừng bắn vào tháng 11 và các cuộc đàm phán đã đạt đến đỉnh điểm trong 96 giờ qua, một quan chức chính quyền cho biết.
Một trở ngại chính là Hamas từ chối thừa nhận có bao nhiêu con tin mà họ đang giam giữ hoặc ai trong số những con tin sẽ được thả trong giai đoạn đầu của thỏa thuận.
Các con tin đó nằm trong nhóm bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công của Hamas vào miền nam Israel hôm 7 tháng 10 năm 2023, khi những tay súng này giết chết 1.200 người, theo số liệu của Israel.
“Đó là vấn đề chính ngay trước thời điểm Giáng sinh và chúng tôi tiếp tục gây sức ép với Hamas và làm rõ rằng sẽ không có thỏa thuận nào trong bất kỳ trường hợp nào trừ khi Hamas đưa ra và đồng ý với danh sách đầy đủ các con tin sẽ được đưa ra trong thỏa thuận”, quan chức Hoa Kỳ cho biết.
Vào cuối tháng 12, Hamas đã đồng ý với danh sách các con tin, điều này đã đẩy nhanh giai đoạn cuối cùng hướng tới việc đạt được thỏa thuận giải thoát các con tin để đổi lấy việc thả một số tù nhân Palestine do Israel giam giữ, quan chức này cho biết.
Ông McGurk, người đang ở khu vực này dẫn đầu nhóm Hoa Kỳ làm việc để xác định các chi tiết, sau đó đã tham gia cùng ông Witkoff.
Các điểm chính bao gồm các điều khoản ngừng bắn, trình tự thả con tin, số lượng tù nhân Palestine mà Israel sẽ thả để đổi lấy và viện trợ nhân đạo trong tương lai cho Gaza, quan chức này cho biết.
Giai đoạn đàm phán đó trở nên rất căng thẳng.
Sự tham gia của ông Witkoff với ông McGurk trong giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán là một “mối quan hệ đối tác hiệu quả giữa hai bên nhằm giúp xác định một số thỏa thuận cuối cùng và đưa chúng đến hồi kết”, quan chức này nói.
Ông Witkoff, một nhà đầu tư bất động sản thân cận với ông Trump, cũng đã đến thăm Israel để gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu, và một nguồn tin cho biết ông Witkoff “đã có thể gây sức ép buộc ông Netanyahu chấp nhận thỏa thuận và hành động nhanh chóng”.
Quan chức Hoa Kỳ cho biết cho đến 3 giờ sáng giờ địa phương vào ngày 15/1, ông McGurk và các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar đã họp với nhóm Israel trên tầng hai của địa điểm đàm phán trong khi các đại diện của Hamas ở tầng dưới.
Hoa Kỳ hiện hy vọng việc thực hiện có thể bắt đầu sớm nhất là vào ngày 17/1, quan chức này cho biết.
Thỏa thuận nêu rõ giai đoạn ngừng bắn ban đầu kéo dài sáu tuần và bao gồm việc rút dần lực lượng Israel khỏi Gaza và thả các con tin do Hamas bắt để đổi lấy những người Palestine bị Israel giam giữ, một quan chức khác được thuyết trình về các cuộc đàm phán nói với Reuters.
Quan chức này cho biết thỏa thuận cũng yêu cầu 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo được phép vào Gaza mỗi ngày trong thời gian ngừng bắn. Theo số liệu của Bộ Y tế Gaza, cuộc chiến trên không và trên bộ của Israel tại Gaza đã giết chết hơn 46.000 người, hàng trăm nghìn người phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Chiến tranh Ukraina: 300 lính Bắc Triều Tiên thiệt mạng, theo tình báo Nam Hàn (RFI).
Hôm 13/01/2025, một nghị sĩ Nam Hàn dẫn nguồn tin cơ quan tình báo của nước này cho biết khoảng 300 binh sĩ Bắc Triều Tiên đã tham chiến cùng với Nga chống Ukraina đã bị thiệt mạng.
Sau một cuộc họp với cơ quan tình báo Nam Hàn, hôm nay, 13/01/2025, nghị sĩ Lee Seong-keweun thông tin với các nhà báo rằng « theo các thẩm định, số thương vong của quân Bắc Triều Tiên đã vượt quá 3000 người, trong đó khoảng 300 binh sĩ đã chết ».
Dân biểu thuộc Ủy ban Tình báo của Quốc Hội này cho biết thêm là những ghi chép tìm thấy trên các binh sĩ tử trận cho thấy họ còn bị chính quyền Bình Nhưỡng gây áp lực phải tự sát để tránh bị bắt làm tù binh.
Hôm thứ Bảy (11/01), Kiev thông báo hai lính Bắc Triều Tiên đã bị bắt làm tù binh trong vùng Kursk của Nga, nơi quân đội Ukraina đang chiếm hàng trăm cây số vuông từ sau cuộc đột kích hồi tháng 8 năm ngoái. Hai binh sĩ trên đã được đưa về Kiev để cơ quan tình báo thẩm vấn.
Hôm qua (12/01), tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết Kiev sẵn sàng trao đổi các tù binh Bắc Triều Tiên với tù binh Ukraina bị Nga bắt giữ.
Ông Zelensky tuyên bố trên mạng X : « Ukraina sẵn sàng trao trả binh sĩ cho Kim Jong-un, nếu ông ấy có thể sắp xếp việc trao đổi với các chiến sĩ của chúng ta bị giam giữ ở Nga ». Tổng thống Ukraina cũng cho biết thêm là những binh sĩ Bắc Triều Tiên nào không muốn trở về nhà thì có thể sẽ có lựa chọn khác cho họ và cơ hội này chỉ giành cho những ai nói ra « sự thật về cuộc chiến tranh này bằng tiếng Triều Tiên ».
Kiev, Washington và Seoul vẫn tố cáo Bắc Triều Tiên đã đưa 10 ngàn quân đến chiến đấu hỗ trợ Nga trên các mặt trận chống Ukraina. Matxcơva cũng như Bình Nhưỡng đều không xác nhận hay phủ nhận thông tin trên.
Nam Hàn: Tổng thống Yoon Suk Yeol bị bắt tạm giam vì cáo buộc “nổi loạn” (RFI)
Ngày hôm nay, 15/01/2025, Văn phòng điều tra các quan chức cao cấp tham nhũng ( CIO) đã bắt tạm giam tổng thống Yoon Suk Yeol, đang bị đình chỉ chức vụ vì các buộc phạm tội nổi dậy trong vụ ban hành thiết quân luật đêm 03/12 vừa qua. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Nam Hàn, một tổng thống đương nhiệm, bị bắt sau quyết định phế truất của Quốc Hội.
Sau nỗ lực bắt giữ tổng thống Yoon Suk Yeol không thành hồi đầu tháng này, các nhân viên CIO với sự hỗ trợ của rất đông cảnh sát đã có mặt tại dinh tổng thống ở Seoul, nơi ông Yoon Suk Yeol cố thủ từ nhiều tuần qua.
Việc bắt giữ không gặp sự kháng cự đáng kể nào của lực lượng bảo vệ tổng thống. Trong một video đăng trên mạng, tổng thống đương nhiệm Nam Hàn tuyên bố tuân thủ lệnh bắt để « tránh đổ máu đáng tiếc » có thể xảy ra, nhưng ông không công nhận tính hợp pháp của cuộc điều tra.
Theo lệnh bắt giữ, ông Yoon bị tạm giam 48 giờ nhưng có thể được gia hạn tủy theo yêu cầu thẩm vấn của tư pháp và cơ quan điều tra. Theo một quan chức của CIO, ông Yoon từ chối ghi hình thẩm vấn.
Sau khi bị Quốc Hội đình chỉ chức vụ, tổng thống Yoon Suk Yeol bị điều tra vì tội « nổi loạn », một tội danh có mức án cao nhất là tử hình. Ông Yoon đã không tuân thủ lệnh triệu tập thẩm vấn của cơ quan điều tra, buộc các công tố viên phải ra lệnh bắt giữ.
Lần thi hành lệnh bắt thứ 2 hôm nay diễn ra trong không khí khá căng thẳng. 3500 cảnh sát, trong đó có cả lực lượng đặc nhiệm được điều động hỗ trợ các nhân viên CIO. Trong khi đó bên ngoài dinh tổng thống, người ủng hộ và chống tổng thống vẫn tiếp tục biểu tình.
Thông tín viên RFI tại Seoul, Celio Fioretti tường trình :
Năm giờ sáng, trong giá lạnh, gần 3500 cảnh sát một lần nữa có mặt trước dinh tổng thống, quyết tâm bắt nguyên thủ quốc gia. Lực lượng giữ gìn trật tự đã vấp phải những người ủng hộ đến hỗ trợ đội cận vệ của tổng thống nhằm đẩy lùi cuộc tấn công của cảnh sát.
Phải dùng thang, sau hơn ba giờ các nhân viên điều tra mới vượt qua ba hàng rào bảo vệ dinh tổng thống. Đến 10 giờ 40 phút, đoàn xe cảnh sát cuối cùng đã ra khỏi khu dinh cùng với tổng thống. Nam Jae-hyeon, nước mắt lưng tròng cho biết bà tới để tỏ sự ủng hộ tổng thống.
Bà cho biết : « Chúng tôi tiếp tục bảo vệ Yoon Suk-yeol, chúng tôi yêu quý ông Yoon Suk-yeol. Tôi lo lắng cho ông. Ông không muốn làm điều xấu cho mọi người. »
Về phía phe chống tổng thống, với hai người biểu tình này thì đó là niềm vui vỡ òa. Một người phụ nữ nói : « Tôi quá hài lòng, quá hài lòng ! »
Một người đàn ông hét lớn : « Người ta đã bắt Yoon Suk-yeol, tôi quá hài lòng, chúng ta đã tóm được ông ta ! »
Tổng thống hiện bị tạm giam. Đồng thời ông cũng đang chờ phát quyết của tư pháp về quyết định phế truất ông sau phiên xét xử của Tòa Bảo Hiến.
Philippines trong tình trạng “báo động” do tầu Trung Cộng tiến gần đến bờ biển (RFI)
Chính quyền Manila hôm 14/01/2025, báo động về việc đội tầu hải cảnh Trung Cộng ngày càng tiến đến gần các vùng bờ biển của Philippines, đặc biệt với sự hiện diện của tầu tuần duyên « quái vật » của Trung Cộng.
Ông Jonathan Malaya, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia, cho báo giới biết, « tầu tuần tra của Trung Cộng ngày càng tiến gần đến các vùng biển của Philippines và điều này là đáng báo động ». Cũng theo quan chức này, sự hiện diện của « tầu quái vật » dài 165 mét cách 143 km bờ tây của tỉnh Zambales (tây bắc Philippines) cho thấy rõ « hành động hung hăng ngày càng lớn » của Bắc Kinh tại những vùng biển Philippines. Một « chiến thuật hăm dọa » mà Manila khẳng định « sẽ không bao giờ chấp nhận, không dao động và sẽ không lùi bước ».
Còn theo ông Jay Tarriela, phát ngôn viên đội tuần duyên Philippines, tầu hải cảnh khổng lồ của Trung Cộng, mang số hiệu CCG5901, « tuy chưa thực hiện những hành động hung hăng nào nhưng sự hiện diện của chiếc tầu này đã là đáng lo ngại ». Lực lượng tuần duyên Philippines đã điều nhiều tầu chiến đến khu vực bờ tây tỉnh Zambales nhằm gây áp lực buộc tầu Trung Cộng « tránh xa vùng biển Zambales ».
AFP dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng, Quách Gia Côn (Guo Jiakun) hôm nay khẳng định rằng tuần duyên Trung Cộng hoạt động « tuân theo luật » và kêu gọi Manila « ngừng mọi hành động có thể làm tổn hại cho hòa bình và sự bình yên » tại Biển Đông.
Armenia ký thỏa thuận an ninh với Mỹ (RFI)
Hôm 14/01/2025, Armenia và Mỹ đã ký một thỏa thuận quan trọng về an ninh, đánh dấu một bước xích lại gần nhau giữa Erevan và Washington từ sau cuộc xung đột thất bại trước Azerbaijan tại Karabakh hồi năm 2023.
Trong lễ ký kết thỏa thuận tại Erevan với đồng nhiệm Armenia, ông Ararat Mirzoïan, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận đối với “độc lập và chủ quyền lãnh thổ” của Armenia.
Lãnh đạo Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố hai nước “là những đối tác mạnh mẽ hơn, điều này có lợi cho đôi bên, cho khu vực và hơn thế nữa”, đồng thời cam kết rằng Washington cung cấp cho Erevan kinh nghiệm chuyên môn về bảo vệ an ninh biên giới.
Hoa Kỳ cũng sẽ khởi động hợp tác với Armenia trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân dân sự. Armenia ở nam vùng Kavkaz sẽ tham gia liên minh quốc tế lớn chống lại tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo.
Hè năm ngoái, Armenia đã có cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ và thành lập một “uỷ ban đối tác chiến lược” nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng, kinh tế giữa hai nước.
Giới quan sát ghi nhận những dấu hiệu cho thấy Armenia đang rời xa dần Nga, từng là đồng minh. Erevan đã chỉ trích Matxcơva không tích cực ủng hộ họ trong cuộc xung đột tranh chấp lãnh thổ ở Thượng Karabakh với nước láng giềng Azerbaijan.
Nga vẫn có một căn cứ quân sự thường trực trên lãnh thổ Armenia và Erevan vẫn là thành viên trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (OTSC), do Nga lãnh đạo. Nhưng hồi tháng Hai năm ngoái, thủ tướng Armenia Nikol Pachinian đã tuyên bố, trên thực tế, nước ông đã dừng tham gia vào liên minh này.
Kiev thảo luận với Paris về khả năng triển khai quân đội nước ngoài tại Ukraina (RFI)
Ngày 13/01/2025, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết đã có cuộc trao đổi với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron về việc hỗ trợ Ukraina và khả năng « triển khai các đội quân » nước ngoài tại Ukraina. Ý tưởng này đã được nhiều đồng minh Kiev những tháng gần đây đề cập đến.
Trong thông điệp thường nhật được phát trên các trang mạng xã hội, tổng thống Zelensky nêu rõ, cuộc trao đổi dài và khá chi tiết liên quan đến khả năng « hỗ trợ phòng thủ, các hình thức phòng thủ khác nhau, và các gói vũ khí cho Ukraina ». Hai bên còn đề cập đến những « khoản đầu tư trong việc mua đạn pháo cho Ukraina », và nhất là khả năng « triển khai các đội quân đối tác và đào tạo binh sĩ » cho Ukraina.
Theo AFP, ý tưởng triển khai các đội quân châu Âu tại Ukraina đã được nhắc đến nhiều lần trong những tháng gần đây trên cơ sở các phỏng đoán về những cuộc đàm phán hòa bình sắp tới có thể diễn ra giữa Nga và Ukraina. Đội quân này rất có thể sẽ được điều đến Ukraina nhằm bảo đảm cho việc duy trì một lệnh ngừng bắn, theo như lời kêu gọi từ tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, chuẩn bị nhậm chức vào ngày 20/01/2025.
Trong tuần rồi, tổng thống Ukraina đánh giá một đội quân như thế « có thể sẽ là một những công cụ tốt nhất » để « buộc Nga đi đến một nền hòa bình ». Giả thuyết này, từng được tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói đến hồi trung tuần tháng 12/2024, nhưng đã bị Nga bác bỏ khi cho rằng điều này là còn « quá sớm ».
Joe Biden kêu gọi tiếp tục hậu thuẫn Ukraina
Cũng theo AFP, trong bài phát biểu chia tay với thế giới ngày hôm qua tại bộ Ngoại Giao, tổng thống Mỹ mãn nhiệm Joe Biden khẳng định rằng tổng thống Nga đã thất bại trong việc hoàn thành các mục tiêu quân sự kể từ khi phát động cuộc chiến xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022, đồng thời kêu gọi chính quyền kế nhiệm cũng như các đồng minh « không nên bỏ rơi Ukraina ».
Joe Biden tuyên bố : « Các đối thủ của chúng ta yếu hơn rất nhiều khi chúng tôi bắt đầu lên cầm quyền cách nay bốn năm. Quý vị cứ lấy Nga làm ví dụ. Khi xâm lược Ukraina, ông Putin nghĩ rằng có thể chiếm được Kiev trong vài ngày. Trên thực tế, từ đầu cuộc chiến đến nay, tôi là nguyên thủ quốc gia duy nhất có thể đứng giữa lòng thủ đô Kiev chứ không phải là ông ta. Putin chưa bao giờ làm được điều đó. Chúng ta đã hỗ trợ người dân Ukraina chặn đường ông Putin. Và giờ đây, gần ba năm sau, ông Putin vẫn chưa đạt được bất kỳ mục chiến lược nào. Ông ấy chưa quy phục được Ukraina, chưa bẻ gãy được sự đoàn kết của NATO và chưa chiếm được đáng kể nhiều vùng lãnh thổ. Vẫn còn nhiều việc phải làm, chúng ta không thể lẩn tránh được ! »
Hoa Kỳ tăng cường kiểm soát xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (RFI)
Hôm 13/01/2025, chính quyền Joe Biden đã công bố các quy định mới về xuất khẩu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để ngăn chặn các đối thủ tiếp cận những cải tiến mới nhất, một quyết định bị Trung Cộng và các nhà công nghiệp Mỹ chỉ trích.
Theo hãng tin AFP, trong một cuộc họp báo, bộ trưởng Thương Mại Gina Raimondo khẳng định: “Hoa Kỳ hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI), cả về phát triển AI và thiết kế chip chuyên dụng cho AI, và phải bằng mọi giá duy trì được vị thế này”.
Vào tháng 10/2023, Washington đã công bố những hạn chế đối với xuất khẩu các loại chip tốt nhất sang Trung Cộng, bao gồm cả các linh kiện dùng cho AI, nhằm ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng các sản phẩm này vào mục đích quân sự.
Nay chính quyền Biden muốn áp đặt các giấy phép mới cho việc xuất khẩu và chuyển giao các chip tinh vi tới nhiều quốc gia hơn và tăng cường kiểm soát việc phổ biến những thông số của các mô hình AI tiên tiến nhất. Ngoài ra, các trung tâm dữ liệu AI, nơi chứa các máy chủ cần thiết để chạy các mô hình tiên tiến nhất, sẽ phải đáp ứng những yêu cầu bảo mật cao hơn nếu muốn nhập các linh kiện tiên tiến.
Theo bộ trưởng Thương Mại Raimondo, quy định mới sẽ chỉ có hiệu lực trong 120 ngày nữa “để chính quyền mới có thời gian” thực hiện những thay đổi nếu muốn.
Hôm qua, bộ Thương Mại Trung Cộng đã chỉ trích Washington “mở rộng khái niệm an ninh quốc gia” và lên án các quy định mới của Hoa Kỳ là “vi phạm trắng trợn” các quy tắc thương mại quốc tế. Nhưng ngay cả các nhà công nghiệp Mỹ cũng tỏ vẻ bất bình.
Theo hãng tin AFP, ông John Neuffer, lãnh đạo một hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp bán dẫn, hôm qua cho rằng các biện pháp nói trên có thể gây “thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế Hoa Kỳ và là suy giảm khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ trên toàn cầu” qua việc nhường các thị trường quan trọng cho các đối thủ. Về phần mình, đại diện Nvidia tuyên bố “những quy định này sẽ không giúp tăng cường an ninh cho Hoa Kỳ”.
Iran tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Mỹ trước lễ nhậm chức của tổng thống Trump (RFI)
Vài ngày trước khi lễ nhậm chức tổng thống của Donald Trump diễn ra, hôm 14/01/2024, tổng thống Iran đã trả lời phỏng vấn của một đài truyền hình Hoa Kỳ, khẳng định rằng Teheran không tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân, cũng không có ý định ám sát tổng thống Hoa Kỳ mà thay vào đó tìm kiếm hòa bình với cường quốc lớn nhất thế giới.
Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho biết thêm thông tin :
« Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Hoa Kỳ NBC, tổng thống ôn hòa Massoud Pezeshkian trước tiên đã khẳng định rằng Iran không bao giờ có ý định ám sát nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump.
Vào tháng 11 năm ngoái, tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc một người đàn ông có liên quan với Lực Lượng Vệ Binh Cách mạng, lực lượng tinh nhuệ của quân đội Iran, có ý định ám sát tân tổng thống Hoa Kỳ.
Những năm vừa qua, nhiều lãnh đạo quân sự Iran cũng đã khẳng định rằng tổng thống Trump phải trả giá cho vụ tướng Ghassem Soleimani, cựu chỉ huy lực lượng Qods, thuộc Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo, bị sát hại trong một cuộc tấn công của Hoa Kỳ cách nay 5 năm.
Tổng thống Pezshkian cũng đã gửi đi thông điệp hòa bình, khẳng định rằng Iran sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ về hồ sơ hạt nhân, xin trích : « Chúng tôi không sợ chiến tranh, nhưng chúng tôi tìm kiếm hòa bình ».
Thông điệp mà tổng thống Iran gửi đi rất rõ ràng, vào lúc mà những thành viên của chính quyền mới của Hoa Kỳ sẽ lên nắm quyền trong vài ngày nữa, có lập trường rất thù nghịch với Iran. »
Washington và Teheran không có quan hệ ngoại giao chính thức từ 45 năm qua. Việc Israel tăng cường phát triển các cơ sở làm giàu uranium (lên đến 90%), gần đủ điều kiện để sản xuất vũ khí hạt nhân, khiến Hoa Kỳ lo ngại. Nhiều cuộc đàm phán về hồ sơ hạt nhân giữa phương Tây và Teheran đã diễn ra nhưng không đạt được kết quả đáng chú ý nào. Trong chương trình tranh cử của mình, Donald Trump đã nhiều lần gợi ý Israel có thể tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Hôm nay, theo AFP, quân đội Iran đã tiết lộ một mẫu tàu trinh sát « tiên tiến », đặt tên là Zagros, được trang bị cảm biến điện tử và có khả năng đánh chặn cũng như trinh sát. Lãnh đạo Hải quân Iran, đô đốc Shahram Irani khẳng định rằng tàu này sẽ « là con mắt giám sát của Hải quân Iran ở những vùng biển sâu và đại dương ».
Thông tin này được đưa ra vài ngày sau khi Iran tiến hành thao dượt quân sự lớn gần các cơ sở hạt nhân chính của nước này (Natanz, Fordow and Khondab).
Mỹ, Nhật Bản và Philippines cam kết thắt chặt hợp tác đối phó Trung Cộng (RFI)
Lãnh đạo ba nước Nhật Bản, Hoa Kỳ và Philippines trong cuộc trao đổi điện đàm hôm 13/01/2025, tuyên bố thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận ba bên trước tình hình căng thẳng gia tăng tại nhiều vùng biển châu Á có tranh chấp.
Theo Reuters, thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và tổng thống Mỹ mãn nhiệm Joe Biden, đã có cuộc họp từ xa vào sáng hôm nay, theo giờ châu Á. Cuộc họp này diễn ra sau lần họp thượng đỉnh đầu tiên giữa thủ tướng Marcos, tổng thống Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington hồi tháng 4/2024 nhằm bảo vệ luật lệ quốc tế và ổn định khu vực.
Thông cáo của phủ tổng thống Philippines cho biết, các nhà lãnh đạo « thống nhất tăng cường và siết chặt hơn nữa hợp tác kinh tế, hàng hải và công nghệ » giữa ba nước. Và tổng thống Joe Biden tỏ ra lạc quan về khả năng người kế nhiệm Donald Trump sẽ thấy được lợi ích của việc tiếp tục mối quan hệ hợp tác này.
Phía Nhà Trắng trong thông cáo, nêu rõ lãnh đạo ba nước đã thảo luận về « hành vi nguy hiểm và phi pháp của Trung Cộng ở Biển Đông » và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp tục phối hợp ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại Giao Nhật Bản ra thông cáo riêng tuyên bố cả ba nhà lãnh đạo phản đối « bất kỳ ý đồ đơn phương làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực » tại các vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông nhưng không nêu đích danh Bắc Kinh.
Vài giờ sau cuộc họp ba bên, Philippines đã phản đối Trung Cộng có « hành động leo thang » khi cho điều hai tầu hải cảnh cùng một trực thăng đến bãi cạn trong hai ngày 05 và 10/01/2025. Trong hai tầu này, có một tầu hải cảnh dài 165 mét mà Philippines ví là « quái vật ».
Philippines luôn khẳng định bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Trung Cộng đưa ra yêu sách chủ quyền.
TIN VIỆT NAM.
Kỷ niệm vụ sát hại ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm: Sau năm năm gia đình vẫn bị chính quyền trấn áp (RFA)
Năm năm sau ngày chính quyền đưa khoảng ba nghìn cảnh sát cơ động tấn công vào xã Đồng Tâm và bắn chết ông Lê Đình Kình, gia đình bà quả phụ Dư Thị Thành nói họ vẫn tiếp tục bị công an địa phương sách nhiễu và đàn áp.
Vào ngày thứ Ba, 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn, tức ngày 14/1 Dương lịch, gia đình tổ chức lễ giỗ lần thứ năm của ông Lê Đình Kình, người có 57 năm tuổi đảng.
Cách đây năm năm, vào rạng sáng 15 tháng chạp năm Kỷ Hợi, tức ngày 09/01/2020, chính quyền Việt Nam đã điều động cảnh sát chống bạo động tấn công vào tư gia của ông Kình, bắn chết ông và bắt giữ, đánh đập gần 30 người khác trong vụ giải quyết tranh chấp đất đai rộng 59 ha ở cánh đồng Sênh.
Bà quả phụ Dư Thị Thành, người chứng kiến công an bắn chết chồng mình và cũng bị công an bắt giữ, đánh đập, sỉ nhục hôm đó, chia sẻ với RFA trong phỏng vấn đầu tuần này:
“Bọn nó (công an- PV) vẫn chì chiết gia đình đấy, coi mình là con người kiểu ‘phản động’. Mình đi đâu nó vẫn gây khó khăn tất cả các thứ đấy.”
Bà nhắc lại trong lúc tấn công vào nhà của ông bà, công an đã bắn bừa bãi khiến ngôi nhà lỗ chỗ vết đạn, hiện vẫn còn những chứng tích đó. Ngôi nhà từ đó tới nay vẫn chưa được sửa lại do ông bị bắn chết, còn các con trai, cháu trai bị bắt dẫn tới cảnh nhà chỉ còn toàn phụ nữ.
“Để nguyên tất cả, nhà cửa chỉ chỗ nào bị dột thì che lại thôi. Bây giờ làm thế nào mà sửa được. Nhà dột nát, nó bắn lên thủng hết mà.” Bà nói thêm một lý do khác khiến gia đình không thể sửa nhà được là điều kiện kinh tế khó khăn.
Trong vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” ở Đồng Tâm, hai người con trai Công và Chức bị kết án tử hình về tội giết người. Hiện họ đang bị giam ở Trại tạm giam số 2 của Công an thành phố Hà Nội ở huyện Thường Tín.
Bà Thành cho biết trong lúc bị công an tấn công, người con thứ, anh Chức, bị thương ở đầu bên trái, cộng thêm việc bị đánh đập, tra tấn trong lúc tạm giam và cùm chân trong buồng giam của tử tù nên ông đã bị tê liệt nửa người, không thể tự đi mà phải có hai công an xốc nách mỗi khi gặp gia đình trong các buổi thăm gặp.
Sức khoẻ của người con trưởng Công cũng rất yếu do bị tra tấn và điều kiện giam giữ hà khắc. Bà Thành nói:
“Hai con yếu lắm rồi, Chức thì bị tê liệt một bên người, còn Công thì nó nói chỉ nằm được sấp, không bao giờ nằm ngửa được do bị đánh đập nhiều và bị ghẻ lở. Khi nào gặp cũng thấy máu đầy tất cả từ đầu đến chân.”
Do tình cảnh bệnh tật không được chữa trị và giam giữ khắc nghiệt nên hai con bà có thái độ tiêu cực, “chỉ muốn chết thôi mà không làm thế nào chết được,” bà Thành cho hay.
Chính quyền địa phương vẫn từ chối cấp giấy chứng tử, sổ đỏ
Trong cuộc tấn công vào Đồng Tâm, công an bắn chết ông Lê Đình Kình đồng thời thu giữ nhiều giấy tờ của gia đình, trong đó có cả sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu mảnh đất mà ngôi nhà của gia đình hiện đang toạ lạc.
Bà trình báo về việc mất sổ đỏ lên Uỷ ban Nhân dân xã, ban đầu công an nói sẽ trả lại nhưng sau đó không trả. Gia đình đề nghị cấp lại sổ đỏ cho gia đình nhưng phía công an không cho, bà nói với RFA.
Phóng viên gọi điện cho Uỷ ban Nhân dân huyện Mỹ Đức để hỏi về việc cấp lại sổ đỏ cho gia đình bà quả phụ Dư Thị Thành nhưng không có ai nghe máy. Phóng viên cũng không thể kết nối được với Công an huyện Mỹ Đức bằng số điện thoại đăng công khai.
Tô Lâm và Tập Cận Bình điện đàm, cam kết ưu tiên ‘cao độ’ quan hệ chiến lược toàn diện
Tổng bí thư Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình hôm 15/1 có cuộc điện đàm chỉ vài ngày trước khi hai quốc gia Cộng sản láng giềng kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó hai lãnh đạo tái khẳng định ưu tiên “cao độ” cho mối quan hệ hai Đảng, hai nước cũng như cam kết tiếp tục “trao đổi chiến lược” cho quan hệ tổng thể, theo truyền thông trong nước.
Bản tin của TTXVN được Báo Chính phủ đăng tải cho biết ông Lâm điện đàm với ông Tập từ Trụ sở Trung ương Đảng khi Việt Nam và Trung cộng sắp kỷ niệm 3/4 thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18/1 cũng như trong “không khí phấn khởi hai dân tộc đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025.”
Tại cuộc điện đàm, ông Lâm và ông Tập nhất trí rằng Việt Nam và Trung cộng tiếp tục tăng cường trao đổi chiến lược để định hướng cho tổng thể quan hệ và thúc đẩy quan hệ quốc phòng-an ninh tương xứng với vai trò là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước.
Vẫn theo bản tin trên Báo Chính phủ, hai nhà lãnh đạo thống nhất ưu tiên đẩy nhanh kết nối 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn cũng như mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi giữa hai nước.
Việt Nam và Trung cộng đã thỏa thuận hợp tác phát triển đường sắt kết nối hai nước, trong đó Việt Nam xin tài trợ và công nghệ của Trung cộng cho các dự án lớn gồm 3 tuyến đường sắt nối thủ đô Hà Nội với Trung cộng và một tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội đến Saigon.
Ông Lâm và ông Tập đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của cuộc điện đàm, coi đây là “sự khởi đầu quan trọng và rất tốt đẹp” cho một năm mới giữa Việt Nam và Trung cộng cũng như “thể hiện sự coi trọng cao độ và ưu tiên hàng đầu của mỗi bên đối với quan hệ hai Đảng, hai nước.”
Việt Nam và Trung cộng nhất trí tham gia “Cộng đồng chia sẻ tương lai” khi ông Tập thăm Việt Nam vào tháng 12/2023. Trung cộng là nước đầu tiên mà Việt Nam thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện, mà sau này có thêm Nga và Mỹ trong số 8 đối tác ở tầm cao nhất của Hà Nội.
Tại cuộc điện đàm hôm 15/1, cũng được Tuổi Trẻ ghi nhận trong bản tin tương tự như TTXVN, ông Lâm và ông Tập chia sẻ thông tin về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước và nhất trí phối hợp trên các vấn đề quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.
Dù là 2 nước láng giềng hữu nghị và có sự gắn kết giữa 2 Đảng Cộng sản cầm quyền nhưng Việt Nam và Trung cộng thường xuyên xung đột về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Trung cộng tuyên bố chủ quyền hầu hết trên vùng biển đầy tranh chấp và Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng phản đối những vi phạm của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Theo Tuổi Trẻ, ông Lâm đề nghị hai bên chỉ đạo các ngành, các cấp “tích cực tìm các phương thức, biện pháp hiệu quả để kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng, tăng cường hợp tác phù hợp với tầm mức quan hệ song phương trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.”
Phóng viên và nhân viên VTC hụt hẫng khi kênh truyền hình bị đóng cửa
Hơn 1.000 phóng viên, biên tập viên và các nhân viên hành chính của VTC và các kênh truyền hình khác sẽ nghỉ việc từ ngày 15/1, trong khi Đài truyền hình Việt Nam chỉ tiếp nhận chức năng và nhiệm vụ của các đài này chứ không tiếp nhận người lao động.
Mạng báo VnExpress đưa tin từ 0 giờ ngày 15/1, 13 kênh truyền hình VTC cùng các kênh VOV TV, Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn… ngừng hoạt động, kênh truyền hình Quốc Hội TV cũng đã dừng hoạt động từ ngày đầu năm mới.
Đây được xem là một phần trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống nhằm giảm trùng lắp chức năng, nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí theo Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị.
Một nữ nhân viên hành chính của VTC có thâm niên làm việc trong 20 năm qua, cho biết bà cùng các đồng nghiệp rất sốc và hoang mang về việc ngừng hoạt động của cơ quan này, “không biết đi đâu về đâu” khi Tết Nguyên đán cận kề “trong khi chưa hề có chính sách nào được thông báo đến người lao động”.
Bà này hôm 15/1 nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Làm gì cũng phải nghĩ đến cho người lao động. Bao năm cống hiến, hiện tại chúng tôi làm cũng tự thu tự chi, không ăn lương ngân sách nhà nước, tại sao bắt các kênh của chúng tôi dừng đột ngột không có lộ trình?”
Đài truyền hình kỹ thuật số VTC được thành lập từ năm 2004, sau chuyển thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông. Đến năm 2015, VTC được sáp nhập vào Đài tiếng nói Việt Nam VOV.
Tuy không phải là đài quốc gia nhưng VTC lại được phủ sóng cả nước và thực hiện chức năng nhiệm vụ tuyên truyền như một đài truyền hình quốc gia.
Nữ nhân viên này khẳng định việc đóng cửa VTC là “sự phá hoại” gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng về máy móc, trang thiết bị- là tài sản của quốc gia, khi không có bên nào sử dụng.
Từ Sài Gòn, nhà báo độc lập Nam Việt nêu quan điểm cho hay, sự cắt giảm các kênh tuyên truyền được ví như “mạch máu của chính quyền” cho thấy gánh nặng tài chính mà ngân sách Việt Nam đang phải chịu. Ông viết trong tin nhắn gửi RFA:
“Đã có không ít phóng viên của nhà nước lên trên mạng xã hội thở than, tiếc nuối và nói rằng đã cống hiến trong bao nhiêu năm, nhưng bây giờ buộc phải ra đi.
Nhưng đó là lời chia sẻ mỉa mai hơn là đáng thương, vì (họ) phục vụ cho một hệ thống tuyên truyền tay sai không có gì để đáng mà tự hào. Thậm chí khi nhắc về quá khứ đó, người ta chỉ thấy một hình dáng nô bộc cúc cung tận tụy chứ không thấy một nhà báo công dân dám lên tiếng cho công lý, nỗi đau của con người trong đất nước.”
Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân với Rosatom của Nga đang bị Mỹ trừng phạt (RFA)
Việt Nam và tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Nga, Rosatom, đã ký kết thỏa thuận hợp tác về năng lượng hạt nhân, bất chấp các lệnh trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt lên Rosatom.
Hãng tin Reuters ngày 14/1 cho biết Rosatom, tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước của Nga và công ty điện lực nhà nước EVN của Việt Nam đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân, theo một văn bản chung liệt kê các thỏa thuận hợp tác đã ký của họ.
Thỏa thuận được thông qua trong chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, tuy nhiên, nội dung của thỏa thuận không được công khai.
Hoa Kỳ đã áp đặt hàng chục lệnh trừng phạt đối với các công ty con và quan chức cấp cao của Rosatom hồi tuần rồi.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố vòng trừng phạt mới nhất, Rosatom đã mô tả lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức cấp cao của mình là “vô căn cứ và bất hợp pháp” và là “một hình thức cạnh tranh không lành mạnh từ các quốc gia không thân thiện”.
Không rõ việc hợp tác này có ảnh hưởng gì đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ, hay quan hệ Việt – Mỹ vốn đang nồng ấm, hai nước vừa kỷ niệm một năm nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi tháng 9 năm ngoái.
Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, Việt Nam đang tìm kiếm điện hạt nhân để giải quyết bài toán năng lượng và không loại trừ cả mục tiêu quân sự trong dài hạn.
Do quan hệ với Mỹ chưa đến mức đủ tin cậy để được chuyển giao công nghệ hạt nhân từ Hoa Kỳ thì Nga là đối tác để Việt Nam lựa chọn. Ông nói với RFA:
“Nga hiện nay là một kênh mà giới lãnh đạo Việt Nam tin là họ có khả năng để nhận được sự chuyển giao (công nghệ hạt nhân- PV), vì vậy mà họ bất chấp sự đe dọa từ phía Mỹ trong việc cấm vận Rosatom.
Việt Nam cũng tự tin trong trong khả năng ngoại giao của mình, là họ có thể thỏa hiệp với Mỹ để bằng cách nào đó không nhận sự trừng phạt (của Mỹ- PV) khi làm đối tác trong các hoạt động thương mại với Rosatom.”
Giáo sư Carl Thayer, ở Đại học New South Wales Canberra, một chuyên gia về Việt Nam trong cùng ngày cho biết, đã không có thỏa thuận mua sắm vũ khí lớn nào được ký kết vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã ảnh hưởng đến các giao dịch tiền tệ quốc tế thông qua hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu).
Ông Carl Thayer dẫn lại Tuyên bố chung Việt-Nga đưa ra khi kết thúc chuyến thăm của Putin nêu rõ, hợp tác quốc phòng-an ninh chỉ giới hạn ở các vấn đề an ninh phi truyền thống. Ông cho rằng “Việt Nam muốn tránh mọi hình phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.”
Theo Giáo sư Carl Thayer, ngoài việc hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, một thỏa thuận không gây tranh cãi khác đã đạt được giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Khoa học Nga để chuyển giao một tàu nghiên cứu hàng hải cho Việt Nam.