TIN THẾ GIỚI.

Lễ nhậm chức TT Mỹ: Trump hứa hẹn “kỷ nguyên vàng của nước Mỹ bắt đầu” (RFI)

Tại lễ nhậm chức trưa hôm 20/01/2025, ở điện Capitol, Washington, tổng thống thứ 47 của nước Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ngay khi bắt đầu bài diễn văn nhậm chức: « kỉ nguyên vàng của nước Mỹ bắt đầu ».

TT Trump tuyên thệ nhậm chức.

Ông Trump, 78 tuổi, tuyên bố sau khi tuyên thệ nhậm chức: « Chúa đã cứu tôi để tôi có thể mang lại sự vĩ đại của Người đến với nước Mỹ», « thời kỳ suy sụp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã chấm dứt ». Tổng thống Mỹ kêu gọi « tiến hành một cuộc cách mạng của lẽ phải », ngụ ý đến tác phẩm Common Sense của Thomas Paine, ra đời trong thời gian Cách mạng Mỹ, trước khi nước Mỹ giành được độc lập, và được coi là một trong những cha đẻ của nước Mỹ.

Giới quan sát chú ý đến sự hiện diện của lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ bên cạnh tân tổng thống trong dịp này, như chủ nhân Meta Mark Zuckerberg, lãnh đạo Amazon Jeff Bezos và dĩ nhiên là tỉ phú Elon Musk, chủ nhân SpaceX và mạng xã hội X, người được bổ nhiệm phụ trách bộ « Hiệu quả Chính phủ ».

PTT Vance tuyên thệ nhậm chức

Theo AFP, được mời tham dự lễ nhậm chức của Donald Trump, thủ tướng Ý Giorgia Meloni, lãnh đạo cực hữu Ý nhấn mạnh đến vai trò của nước Ý « trong việc tăng cường đối thoại giữa Mỹ và châu Âu ». Thủ tướng Hungary Viktor Orban, một trong các lãnh đạo châu Âu hiếm hoi có quan hệ gần gũi với ông Trump, hôm qua, chúc mừng tổng thống Trump và khẳng định « bây giờ đến lượt » các lực lượng dân tộc chủ nghĩa châu Âu « chiếm lĩnh Bruxelles », tức trung tâm quyền lực của Liên Âu.  

Hãng tin Pháp AFP hôm nay dẫn lại một báo cáo mới đây của Hội đồng Quan hệ Quốc tế (ECFR), dựa trên một điều tra với hơn 28.000 người thuộc 24 quốc gia, dân chúng các nước châu Âu lo ngại nhất về nhiệm kỳ thứ hai của Trump (Trump 2.0), và « cảm thấy gần như đơn độc » trong bối cảnh này.


TT Trump trở lại với một Washington đã thay đổi, cùng sự chào đón nồng nhiệt của đảng Cộng Hòa (VOA)

Khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào ngày thứ Hai 20/1 bên trong Điện Capitol Rotunda đông đúc, ông sẽ được bao quanh bởi một Washington rất khác so với tám năm trước.

Khi xưa, khi ông Trump có bài phát biểu về “cuộc tàn sát ở Mỹ” trên sân khấu nhậm chức trong mưa, nhiều đảng viên Cộng hòa trong quốc hội đã âm thầm chuẩn bị phản đối những yếu tố cực đoan nhất trong chương trình nghị sự của ông và điều tra lý lịch của ông.

Ngày nay, họ gần như nhất trí ủng hộ ông. Các nhà lãnh đạo thế giới và các Tổng giám đốc doanh nghiệp từng phản đối ông Trump dự kiến tham dự buổi lễ, chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với cái lạnh khắc nghiệt để công khai thể hiện sự ủng hộ của họ trước khi các sự kiện được chuyển vào bên trong.

Washington cũng rất khác so với bốn năm trước, khi sân khấu được xây dựng cho lễ nhậm chức của đảng viên Dân chủ Joe Biden phải được sửa chữa vội vàng sau cuộc nổi loạn của những người ủng hộ ông Trump chỉ hai tuần trước đó. Những kẻ bạo loạn đã phá nát giàn giáo để sử dụng làm vũ khí chống lại cảnh sát đã cố gắng ngăn họ đột nhập vào Điện Capitol và ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng ông của Biden.

Ông Trump từ chối tham dự lễ nhậm chức của ông Biden và nhiều đảng viên Cộng hòa nghĩ rằng sự nghiệp chính trị của ông đã kết thúc. Nhưng ông đã trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết — và mang Washington theo cùng.

“Đây là chiến thắng của đảng theo nghĩa là có một Đảng Cộng hòa dân túy mới”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kevin Cramer của North Dakota nói. “Không còn nghi ngờ gì nữa, mức độ nhiệt tình cao hơn nhiều so với tám năm trước”.

Buổi lễ nhậm chức được tổ chức tại đại sảnh đường Rotunda, toà nhà Quốc Hội

Lễ nhậm chức lần thứ hai của ông Trump cũng khác vì nó được tổ chức trong nhà, một sự thay đổi vào phút chót vì thời tiết giá lạnh và nhiều gió. Bục phát biểu ở Mặt tiền phía Tây của Điện Capitol, được xây dựng trong nhiều tháng, không được sử dụng và trống trải khi ông tuyên thệ bên trong.

Lễ nhậm chức của ông Biden vào năm 2020 cũng không bình thường, được tổ chức mà không có đám đông bình thường vì đại dịch COVID-19. Khách mời trên bục phát biểu được giãn cách thay vì chen chúc.

Ông có bao giờ nghĩ ông Trump, người hầu như bị Washington chính thức xa lánh sau vụ tấn công ngày 6 tháng 1, sẽ quay lại Điện Capitol để tuyên thệ nhậm chức không? “Đó là một khả năng rõ ràng luôn tồn tại”, ông Cramer nói.

Thượng nghị sĩ Mike Rounds của South Dakota cho biết mặc dù ông Trump là một ẩn số vào năm 2017, nhưng giờ đây, đảng Cộng hòa Washington đã hiểu cách ông hoạt động.

“Họ biết ông ấy sẽ đưa ra tuyên bố và sẽ thăm dò tình hình”, ông Rounds nói. “Nhưng họ cũng biết rằng khi mọi chuyện đã xong xuôi, ông ấy sẽ tham khảo ý kiến và sau đó sẽ đưa ra quyết định”.

Bất chấp sự ủng hộ rộng rãi và quyền lực thống nhất tại Washington, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump vẫn phải đối mặt với những trở ngại — bao gồm đa số sít sao tại Hạ viện và quan điểm khác nhau trong đảng khi ông và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa để mắt đến các dự luật lớn nhằm cắt giảm thuế, bảo vệ biên giới, trục xuất di dân và thúc đẩy sản xuất năng lượng.

Một cuộc khảo sát đầu tháng 12 đã cho thấy giới hạn của ông Trump sau khi Quốc hội bác bỏ nỗ lực của ông nhằm tăng giới hạn nợ vào luật chi tiêu cuối năm.

Đối với đảng Dân chủ, thời điểm này rất căng thẳng.

“Tôi nghĩ rằng lần này càng rõ ràng hơn rằng những thách thức mà chúng ta phải đối mặt và sự chia rẽ của quốc gia chúng ta, rằng nó đã ăn sâu”, ông Andy Kim, một thượng nghị sĩ mới của đảng Dân chủ đến từ New Jersey, nói. “Đây không chỉ là về một người trong Phòng Bầu dục. Đây không chỉ là về ông Trump. Nó không chỉ là về ông Biden.”

Ông Kim cho biết ông đã cân nhắc luật có thể giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng và giúp mọi người đoàn kết lại — có thể là đầu tư vào giáo dục công dân hoặc chương trình dịch vụ quốc gia khi đất nước chuẩn bị kỷ niệm 250 năm thành lập.


Mỹ: TT Trump ký nhiều sắc lệnh đảo ngược chính sách của Biden, ngay sau khi nhậm chức (RFI)

Hôm 20/01/2025, ít giờ sau khi nhậm chức, tổng thống thứ 47 của nước Mỹ Donald Trump đã ký kết hàng chục sắc lệnh, hủy bỏ tổng cộng 78 quyết định của chính quyền tiền nhiệm Joe Biden. Nhiều sắc lệnh đã được ông Trump ký ngay tại Capital One Arena, một sân vận động trong nhà, nơi tập hợp những người ủng hộ.

Một chiếc bàn làm việc, được bố trí trên sân khấu. Tân tổng thống ký các sắc lệnh và giương các văn bản đầu tiên với chữ ký của mình trong tiếng hoan hô của những người tham dự. Báo Le Monde nói đến cảnh tượng Donald Trump, sau khi ký, ném những chiếc bút về phía khán đài « giống như một nhà vô địch môn tennis ném trái bóng chiến thắng », « nhà lãnh đạo và dân chúng hòa làm một, không còn ai ở giữa, không còn quyền lực đối trọng ».

Rời sân vận động Capital One Arena, ông Trump ký tiếp nhiều sắc lệnh tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng và cùng lúc trả lời hàng loạt câu hỏi của các nhà báo. Ông Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris, rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, hủy bỏ lệnh cấm khai thác dầu khí ngoài khơi, hủy bỏ sắc lệnh bảo vệ những người đồng tính, chuyển giới, tha bổng cho hơn 1.000 người tham gia vụ tấn công Nhà Quốc Hội Mỹ ngày 06/01/2021, vụ án từng khiến Donal Trump bị tư pháp liên bang điều tra.

Nỗ lực của Donald Trump nhằm xóa tội cho các tội phạm vụ bạo loạn Capitol và âm mưu đảo chính rút cục đã hoàn tất. Những thủ phạm giờ đây được coi là « nạn nhân ». 

Thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington cho biết cụ thể:

« Hình ảnh thật ấn tượng. Tân tổng thống Donald Trump trong Phòng Bầu dục, trên bàn làm việc có rất nhiều sắc lệnh đang chờ chữ ký. Donald Trump liên tục đặt bút ký, rồi giải thích với các nhà báo có mặt tại chỗ về nội dung của các sắc lệnh, như việc rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, điều chính Trump đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên, trước khi tổng thống Joe Biden đưa Mỹ gia nhập trở lại. 

Như vậy là việc đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm vẫn tiếp tục. Trump hủy bỏ quyết định của Biden xóa Cuba khỏi danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố hai ngày trước đó, hoặc hủy bỏ hạn chế khoan dầu khí ngoài khơi. Tân tổng thống ban hành một sắc lệnh cho phép khai thác các nhiên liệu hóa thạch, khí đốt, than và dầu. 

Ngoài vấn đề năng lượng, di cư cũng là một trong những ưu tiên của tân chính quyền : Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại biên giới phía nam và các băng đảng đưa người được đưa vào danh sách tổ chức khủng bố. Tân tổng thống cũng muốn xét lại việc người sinh ra tại Mỹ tự động có quyền có quốc tịch, với tuyên bố sẽ chấm dứt quyền này, mặc dù đây là quyền được ghi trong Hiến pháp. Quyết định này báo hiệu những cuộc chiến pháp lý khốc liệt. 

Cuối cùng, như hứa hẹn từ nhiều tháng nay, Donald Trump đã ký lệnh ân xá quy mô lớn cho những kẻ tham gia vụ bạo loạn tấn công nhà Quốc Hội Mỹ ngày 06/01/2021, bị kết án tù. Theo mô tả của tân tổng thống buổi chiều hôm qua, những người này được coi là con tin và do vậy, với chữ ký của Trump, được chuyển từ quy chế tội phạm sang nạn nhân. »


Trump dọa ban hành trừng phạt mới nếu Nga không đàm phán chấm dứt chiến tranh Ukraina (RFI)

Tân tổng thống Donald Trump hôm 21/01/2025, tuyên bố Hoa Kỳ “rất có thể” sẽ ban hành các trừng phạt mới đối với Nga nếu Matxcơva không đàm phán để chấm dứt chiến tranh với Ukraina.

Theo hãng tin AFP, tân tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố như trên khi được hỏi về vấn đề này trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Đồng thời ông Trump tái khẳng định “cuộc chiến lẽ ra đã không bao giờ xảy ra nếu tôi là tổng thống” vào thời điểm đó. 

Ông cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ “xem xét” việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev, hiện đã lên tới hàng chục tỷ đô la kể từ khi tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina vào tháng 2/2022. 

Tổng thống Trump nói: “Chúng tôi đang nói chuyện với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Chúng tôi sẽ sớm nói chuyện với tổng thống Nga Vladimir Putin và chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra.” 

Ngay từ thứ Hai 20/01, ngày chính thức trở lại Nhà Trắng, tổng thống Trump đã gây sức ép đối với Nga, tuyên bố Matxcơva “sẽ phải gánh chịu thảm họa” nếu từ chối đàm phán và ký kết thỏa thuận ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình với Ukraina. Với tổng thống Ukraina, tổng thống Trump một lần nữa nói rằng ông muốn có “một thỏa thuận“, đồng thời nhấn mạnh rằng số nạn nhân của cuộc chiến Ukraina “đã bị đánh giá thấp đáng kể”.

Theo tờ Le Monde, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thụy Sĩ hôm qua, tổng thống Zelensky cho biết Ukraina đang dàn xếp một cuộc gặp với tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, ông Zelensky cũng đã kêu gọi châu Âu đoàn kết về mặt quốc phòng và an ninh để có khả năng tự bảo vệ mình mà không còn phụ thuộc vào Mỹ, trước mối đe dọa từ liên minh giữa Nga và Iran.

Cũng theo tờ Le Monde, giới lãnh đạo ở Kiev đang lo ngại Hoa Kỳ sẽ cắt viện trợ để giúp Ukraina tái thiết và hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng năng lượng, bởi vì trong các sắc lệnh mà tổng thống Trump ký ban hành hôm thứ Hai ngay sau khi nhậm chức, có một sắc lệnh đình chỉ mọi viện trợ phát triển trong “90 ngày”. Sắc lệnh này cũng có thể liên quan đến viện trợ quân sự mà Washington cấp cho Kiev.


Chiến tranh Ukraina: Donald Trump muốn đàm phán với Vladimir Putin trên thế mạnh

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, Donald Trump đã nhấn mạnh quyết tâm tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Ukraina với việc cao giọng hối thúc tổng thống Nga Vladimir Putin hành động theo hướng này, để không đẩy nước Nga vào cảnh suy tàn.

Sau khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump ký một loạt sắc lệnh chứng tỏ giữ lời hứa với cử tri, hôm qua, 20/01/2025, tổng thống Donald Trump đề cập đến hồ sơ quốc tế lớn : Cuộc chiến tranh Ukraina bằng giọng điệu gây áp lực, đòi đồng nhiệm Nga Vladimir Putin phải tìm được một thỏa thuận để « chấm dứt chiến tranh » tại Ukraina, nếu không nước Nga sẽ có nguy cơ bị « hủy diệt ».

Điều được dư luận chú ý nhiều nhất, đó là lần đầu tiên, ông Trump gây áp lực một cách rõ ràng đối với chủ nhân của điện Kremlin, đánh giá rằng nước Nga có thể rơi vào tai họa nếu từ chối thương lượng một thỏa thuận ngừng bắn hay rộng hơn là hòa bình với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.

Tổng thống Donald Trump còn mặc nhiên tuyên bố rằng « Zelensky muốn thỏa thuận. Tôi không biết Putin có muốn hay không. Nhưng ông ta sẽ phải làm điều đó. Tôi nghĩ là ông ta đang phá hủy nước Nga khi không tìm cách giải quyết » cuộc chiến với với Ukraina và rằng nước Nga đang đứng trước nhiều rủi ro về kinh tế.

Một cách tiếp cận vấn đề không có gì mới của vị tổng thống tỷ phú, luôn muốn tin vào khả năng đàm phán trên thế mạnh của mình.

Theo chuyên gia Adrian Karatnycky, thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), một tổ chức tư vấn của Mỹ nhận định với truyền thông Ukraina, việc ông Trump nhấn mạnh sức mạnh của Mỹ và khả năng sử dụng sức mạnh đó vì mục tiêu hòa bình là một dấu hiệu rõ ràng về cách tiếp cận của tân Tổng thống Mỹ trong các cuộc đàm phán tương lai với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Chuyên gia Karatnycky lưu ý rằng, các thông điệp của ông Trump chủ yếu nhắm vào cử tri Mỹ. Tuy nhiên, về mặt chính sách đối ngoại, tân Tổng thống Mỹ nhấn mạnh lập trường cố hữu của phe Cộng Hòa là hòa bình chỉ có được thông qua sức mạnh và an ninh dựa trên sự vững mạnh của nhà nước, nền kinh tế, và quân đội.

Trong bài diễn văn nhậm chức hôm qua, Ông Trump tuyên bố rằng muốn trở thành người kiến tạo hòa bình, mặc dù ông không đưa ra chi tiết cụ thể nào liên quan đến chính sách quốc tế, nhưng lại rất chú trọng đề cao vai trò của mình như trong trường hợp thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza giữa Israel và Hamas vừa đạt được trong tuần trước.

Bằng những tuyên bố trước báo giới hôm qua về hồ sơ Ukraina, Donald Trump chỉ muốn chứng minh rằng ngay từ ngày đầu làm tổng thống ông cam kết giải quyết những vấn đề này như đã hứa và nhất là ông muốn xử lý hồ sơ này trên một vị thế mạnh mẽ và không muốn tổng thống một cường quốc thế giới lại tỏ ra yếu đuối.

Về phía tổng thống Nga, từ khi ông Trump chưa chính thức nhậm chức, cách đây mười ngày, ông Vladimir Putin đã tỏ ý cho biết ông đánh giá cao Donald Trump có thiện chí giải quyết vấn đề bằng đối thoại và sẵn sàng tiếp xúc với ông Trump không cần « điều kiện tiên quyết » nào.

Không cần điều kiện để nói chuyện với tổng thống Mỹ, nhưng điều kiện để có thỏa thuận về cuộc chiến tranh Ukraina thì buộc phải có với ông chủ điện Kremlin. Đó là Kiev phải đầu hàng, từ bỏ phần lãnh thổ đã bị Nga chiếm giữ sáp nhập, phải từ bỏ ý định gia nhập NATO cũng như Liên Hiệp Châu Âu.

Theo điện Kremlin, « chiến dịch quân sự đặc biệt » được triển khai tại Ukraina cách đây gần ba năm về bản chất là cuộc đối đầu mang tính sống còn của Nga với Washington và các đồng minh châu Âu.

Trên mặt trận, Matxcơva vẫn tiến chậm và chắc chắn, tích lũy thêm phần lãnh thổ chiếm được của Ukraina. Trong khi đó, ở phía bên kia chiến tuyến, quân đội Ukraina đang trong tình trạng cạn kiệt nguồn lực.

Đến lúc này, các bên tham chiến cũng như liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraina đều đã nghĩ đến đàm phán và bên nào cũng muốn tìm cho mình thế mạnh.


Nga và Trung Cộng thắt chặt quan hệ, một tín hiệu gửi đến Washington (RFI)

Một ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, tổng thống Nga và chủ tịch Trung Cộng đã có một cuộc điện đàm hơn một tiếng rưỡi đồng hồ vào hôm 21/01/2025. Hãng tin Mỹ AP ghi nhận, lãnh đạo Nga và Trung Cộng đã nhấn mạnh đến quan hệ « bền chặt » giữa Matxcơva và Bắc Kinh vì một « trật tự quốc tế công bằng ». 

Theo lời cố vấn của tổng thống Putin về chính sách đối ngoại, Youri Ouchakov, cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nga và Trung Cộng đã được dự trù từ trước và không đặc biệt liên quan đến lễ nhậm chức của ông Trump tại Washington. Trong cuộc trao đổi hôm qua 21/01/2025 tổng thống Na Vladimir Putin và chủ tịch Tập Cận Bình không trực tiếp đề cập đến nguyên thủ Mỹ nhưng theo thông cáo của điện Kremlin, Matxcơva và Bắc Kinh đã đề cập đến khả năng mỗi bên liên lạc với chính quyền mới ở Washington. 

Trao đổi với chủ tịch Trung Cộng, tổng thống Nga nhấn mạnh quan hệ song phương dựa trên cơ sở Matxcơva và Bắc Kinh cùng « chia sẻ những lợi ích chung, đây là một mối quan hệ bình đẳng » và « không phụ thuộc vào những yếu tố chính trị nội bộ của mỗi bên cũng như vào bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay ». Vẫn theo thông cáo của điện Kremlin được AP trích dẫn, tổng thống Vladimir Putin khẳng định ủng « một trật tự thế giới đa phương và công bằng hơn (…), những nỗ lực chung của Nga và Trung Cộng là yếu tố quan trọng đem lại ổn định cho thế giới ».

Về phía Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã đề cao  mối « hợp tác chặt chẽ song phương » và mong muốn « nâng quan hệ Nga-Trung lên một tầm cao mới » vì lợi ích và « công bằng cho thế giới ». AP lưu ý trong cuộc điện đàm hôm qua với nguyên thủ Nga và vào lúc Trung Cộng trong tầm ngắm của một cuộc chiến thương mại mới mà tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khai mào, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh : « Nga và Trung Cộng cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chiến lược, hỗ trợ lẫn nhau và bảo vệ những quyền lợi chính đáng của hai nước ».


Bộ Tứ QUAD họp phiên đầu tiên dưới nhiệm kỳ Trump 2, với Trung Cộng trong tầm ngắm (RFI)

Các ngoại trưởng Bộ Tứ, liên minh chiến lược giữa bốn nền dân chủ trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương (QUAD), đã họp tại Washington hôm 21/01/2025. Đây là sự kiện ngoại giao chính thức đầu tiên của chính quyền Donald Trump và cũng là một thông điệp mạnh của Hoa Kỳ gửi đến Trung Cộng.

(Từ trái) Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya, Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, và Úc Penny Wong

Tân ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tiếp các đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, Nhật Bản Takeshi Iwaya và Úc Penny Wong chỉ vài giờ sau khi ông nhậm chức. Trong thông cáo chung, bốn thành viên Bộ Tứ QUAD nhấn mạnh đến « cam kết chung vì một vùng biển Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Đây là nơi mà « Nhà nước pháp quyền, các giá trị dân chủ, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ phải được tôn trọng và bảo vệ». Các ngoại trưởng Bộ Tứ « mạnh mẽ chống đối mọi hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng bằng áp lực hay sức mạnh ».

Lisa Curtis, giám đốc đặc trách về chương trình an ninh trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương của trung tâm nghiên cứu CNAS (Center for a New American Security) được báo tài chính Nhật Nikkei Asia trích dẫn, nhận định, sự kiện ngoại giao đầu tiên trong chính quyền mới ở Washington báo trước « Mỹ vẫn đẩy mạnh hợp tác với các đồng minh và đối tác để làm đối trọng với Trung Cộng trong mọi lĩnh vực (…). Hoa Kỳ muốn dẫn đầu cuộc chạy đua công nghệ với Trung Cộng, cần trông cậy vào các đồng minh ở Ấn Độ -Thái Bình Dương để bảo đảm các nguồn cung ứng và để ngăn chận các hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông ».

Hãng tin Anh Reuters cho biết thêm, sau cuộc họp chung, tân lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã có các cuộc hội đàm song phương với các thành viên khác trong QUAD. Đây là dịp để Tokyo kêu gọi Washington chú ý đến việc tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản vững tâm đầu tư vào Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Úc nhắc nhở tân chính quyền ở Washington chớ lơ là với liên minh quân sự ba bên Anh – Úc – Mỹ (AUKUS).


Mỹ xem xét tăng thêm 10% thuế nhập khẩu đối với hàng Trung Cộng và gây áp lực với Liên Âu (RFI)

Không để mất thời gian, một ngày sau khi trở lại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump thông báo đang xem xét việc tăng thêm 10% thuế hải quan đối với hàng Trung Cộng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và có thể biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2025. Liên Hiệp Châu Âu cũng trong tầm ngắm của chính quyền mới tại Washington.

Trả lời báo chí tại Nhà Trắng hôm qua 21/01/2025 tổng thống Donald Trump đòi tăng thêm 10 % thuế hải quan đối với hành nhập khẩu từ Trung Cộng và « biện pháp này có thể được áp dụng ngay từ ngày 01/02/2025 », tức cùng ngày với hàng của Canada và Mêhicô bán sang thị trường Mỹ có thể bị đánh thuế đến 25 %. Donald Trump giải thích thêm, ông trừng phạt hàng của Trung Cộng do nước này tiếp tục « đưa ma túy tổng hợp fentanyl vào thị trường Hoa Kỳ qua ngả Mêhicô và Canada ».

Hãng tin Mỹ AP nhắc lại Mêhicô, Canada và Trung Cộng là ba đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ.

Sáng nay Trung Cộng đã có phản ứng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng Mao Ninh tuyên bố Bắc Kinh sẽ « bảo vệ quyền lợi quốc gia » trước những đe dọa của chính quyền Trump. Bắc Kinh cam kết « duy trì liên lạc với Washington để giải quyết những bất đồng, mở rộng hợp tác có lợi cho cả đôi bên ».

Xuất khẩu vẫn là động lực chính của tăng trưởng Trung Cộng. Thặng dư thương mại của Trung Cộng với Hoa Kỳ năm 2024 vượt ngưỡng 700 tỷ đô la.

Ngoài ba nước Trung Cộng, Mêhicô và Canada, tân tổng thống Mỹ cũng đang nhắm tới Liên Hiệp Châu Âu.. Donald Trump khẳng định nhập siêu của Mỹ với các đối tác châu Âu hiện là 350 tỷ đô la (130 tỷ theo thống kê của Liên Âu).

Trong cuộc họp báo hôm qua, nguyên thủ Mỹ tuyên bố sẽ trừng phạt Bruxelles vì Liên Âu « không mua xe hơi và nông phẩm của Hoa Kỳ ».

Trước viễn cảnh xuất khẩu của châu Âu sang Hoa Kỳ bị đánh thuế hải quan, tại Diễn Đàn Kinh Tế Davos, Thụy Sĩ, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen gián tiếp chìa bàn tay thân thiện với Bắc Kinh. Lãnh đạo châu Âu tuyên bố Bruxelles chủ trương hợp tác « không chỉ với những người bạn thâm niên mà cả với tất cả các quốc gia cùng chia sẻ những lợi ích chung với Liên Hiệp Châu Âu » và sẵn sàng « đẩy mạnh » quan hệ giữa Bruxelles và Bắc Kinh.


Sắc lệnh hành pháp là gì? Nhìn vào công cụ của ông Trump để nhanh chóng tái định hình chính phủ (VOA)

Ông Donald Trump đang trở lại Tòa Bạch Ốc và sẵn sàng cải tổ chính phủ ngay lập tức bằng công cụ nhanh nhất mà ông có — sắc lệnh hành pháp.

Một tổng thống mới ký một loạt sắc lệnh là thông lệ. Sắc lệnh cho phép tổng thống cai trị mà không cần Quốc hội hành động. Nhưng cũng có những giới hạn đối với những gì các sắc lệnh có thể đạt được.

Những điều cần biết về cách thức hoạt động của quyền lực tổng thống và tác động của nó:

Sắc lệnh là gì?

Về cơ bản, sắc lệnh là các tuyên bố đã ký về cách tổng thống muốn chính phủ liên bang được quản lý. Chúng có thể là hướng dẫn cho các cơ quan liên bang hoặc yêu cầu phúc trình.

Nhiều sắc lệnh có thể không gây phản đối, chẳng hạn như cho nhân viên liên bang nghỉ một ngày sau lễ Giáng sinh. Chúng cũng có thể đưa ra các chính sách quan trọng. Ví dụ, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh để tạo ra một cấu trúc nhằm thiết lập các quy định về trí tuệ nhân tạo. Nhưng các sắc lệnh— và những sắc lệnh chính sách “anh chị em” của chúng, bản tuyên bố và bản ghi nhớ chính trị — cũng được các tổng thống sử dụng để theo đuổi các chương trình nghị sự mà họ không thể thông qua Quốc hội.

Các tổng thống mới có thể — và thường — ban hành các sắc lệnh hủy bỏ các sắc lệnh của người tiền nhiệm.

Như Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ lưu ý, các sắc lệnh này không yêu cầu sự chấp thuận của quốc hội và không thể bị các nhà lập pháp trực tiếp lật ngược. Tuy nhiên, Quốc hội có thể chặn một sắc lệnh được thực hiện bằng cách cắt nguồn tài trợ hoặc tạo ra các rào cản khác.

Các sắc lệnh thường được dùng như thế nào?

Trong suốt lịch sử Hoa Kỳ, đã có hàng nghìn sắc lệnh, theo dữ liệu do Dự án Tổng thống Hoa Kỳ tại Đại học California, Santa Barbara, thu thập. Tổng thống George Washington đã ký tám sắc lệnh, trong khi Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã ký 3.721 sắc lệnh.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump, một đảng viên Cộng hòa, đã ký 220 sắc lệnh.

Ông Biden, một đảng viên Dân chủ, đã ký 160 sắc lệnh tính đến ngày 20 tháng 12.

Các sắc lệnh thường liên quan đến thông điệp chính trị

Tổng thống Trump dự đoán sẽ ký tới 100 sắc lệnh vào ngày đầu tiên, có thể bao gồm trục xuất, biên giới Hoa Kỳ-Mexico, năng lượng trong nước, các quy tắc Biểu F dành cho nhân viên liên bang, chính sách giới tính trong trường học và bắt buộc tiêm vắc-xin, cùng với những lời hứa Ngày đầu tiên khác được đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông cũng đã hứa ban hành một sắc lệnh hành pháp để dành thêm thời gian cho việc bán TikTok.

Ông Trump đã yêu cầu Dân biểu Jeff Van Drew, Cộng hòa-New Jersey, viết một lệnh dừng phát triển các cột động cơ gió ngoài khơi để sản xuất điện.

Nhiều biện pháp của ông Trump có khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ.

Và trong một số trường hợp lớn, các lệnh này phần lớn sẽ là các tuyên bố về ý định dựa trên các lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Có những giới hạn đối với quyền lực của các lệnh hành pháp

Cả Quốc hội và tòa án đều có khả năng chặn các sắc lệnh.

Ví dụ, Quốc hội vào năm 1992 đã thu hồi một sắc lệnh của Tổng thống George H.W. Bush khi đó, lệnh này sẽ thành lập một ngân hàng mô thai nhi của con người để nghiên cứu khoa học bằng cách thông qua một biện pháp mà lệnh này “sẽ không có bất kỳ hiệu lực pháp lý nào”. Quốc hội cũng có thể từ chối tài trợ cho các cơ quan và cản trở việc thực thi lệnh.

Ngoài ra còn có những thách thức pháp lý dựa trên lập luận rằng một tổng thống đã vượt quá thẩm quyền hợp pháp của mình. Khi Tổng thống Harry Truman cố gắng tịch thu các nhà máy thép trong Chiến tranh Triều Tiên, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho biết ông không có thẩm quyền để lấy tài sản tư nhân mà không được Quốc hội cho phép.


TIN VIỆT NAM.

51 năm hải chiến Hoàng Sa: Tập Cận Bình nói về “cộng đồng chia sẻ tương lai”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 18 tháng 1 đã có bài phát biểu nhân dịp 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Đáng chú ý, bài phát biểu được công bố ngay trước dịp kỉ niệm 51 năm Việt Nam mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc, trong trận hải chiến diễn ra vào ngày 19 tháng 1 năm 1974.

Bản tin tiếng Anh do Tân Hoa Xã, một cơ quan truyền thông của chính phủ Trung Quốc, trích lời của ông Tập Cận Bình nói mối quan hệ giữa hai nước “vừa là anh em vừa là đồng chí”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng gọi mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là “ví dụ tiêu biểu về cộng đồng chia sẻ tương lai”, và khẳng định hai nước vẫn “kiên định” với con đường tiến lên Xã hội Chủ nghĩa.

Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm của Việt Nam cũng có cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình vào ngày 15 tháng 1, theo Tân Hoa Xã, ông Tô Lâm đã bày tỏ mong muốn để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, trong đó có Tư tưởng Tập Cận Bình.

“Cộng đồng chia sẻ tương lai” là khẩu hiệu được chính quyền Trung Quốc dùng để chỉ mối quan hệ với những nước mà nước này cho là đóng vai trò quan trọng về lợi ích, và tư tưởng.

Việt Nam chính thức tham gia vào “cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc vào tháng 12 năm 2023, nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Hà Nội.

Ngoài Việt Nam, sáu quốc gia Đông Nam Á khác cũng tham gia vào sáng kiến chính trị quốc tế này với Trung Quốc, gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, và Thái Lan.

Biển Đông vẫn được cho là vướng mắc lớn nhất đối với mối quan hệ Việt-Trung.

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình được công bố đúng dịp kỷ niệm 51 năm Việt Nam mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc.

Trong năm thập kỷ kể từ khi mất quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam đã liên tục phải đối đầu với sự bành trướng của nước láng giềng phía bắc trên khu vực Biển Đông. Thêm nhiều đảo và thực thể đã mất vào tay Trung Quốc. Bao gồm một phần của quần đảo Trường Sa.


Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng bị bắt theo cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước”

Mục sư Tin Lành Nguyễn Mạnh Hùng, một người chỉ trích chế độ mạnh mẽ trên mạng xã hội Facebook, vừa bị bắt giữ với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Con trai của vị mục sư 71 tuổi, ông Nguyễn Trần Hiền, cho RFA biết vào chiều 16/1 nhà riêng của bố con ông ở Chung cư Đức Khải, Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh đột nhiên bị cúp điện.

Sau đó 10 phút thì có người gọi mục sư ra mở cửa để kiểm tra báo cháy. Khi vị mục sư ra mở cửa thì công an xông vào còng tay ông.

Mục sư Tin Lành Nguyễn Mạnh Hùng

Ông Hiền nói với RFA trong tin nhắn ngày 20/1:

Công an gọi tôi lại gần và đọc lệnh bắt ba tôi theo cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, với thời gian tạm giam là bốn tháng.

Sau đó họ đọc lệnh khám nhà, lấy đi một số giấy tờ, hai điện thoại và một laptop của ba tôi. Họ cũng lấy một điện thoại và một laptop cùa tôi.”

Ông Hiền cho biết thêm công an cũng yêu cầu ông đi theo đến đồn công an (Viện Khoa học Hình sự của Bộ Công an- PV) ở đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 vào lúc 18 giờ ngày 16/1. Tại đây, người con trai bị thẩm vấn hàng giờ về các hoạt động, kể cả giao dịch qua ngân hàng của người cha.

Tuy nhiên, ông Hiền nói ông không quan tâm và không biết gì về các hoạt động của cha, và ông được cho về nhà vào lúc 12 giờ đêm cùng ngày.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng quê ở Hải Phòng, là cựu quân nhân của Quân đội Bắc Việt tham gia Chiến tranh Việt Nam, sau đó ông giải ngũ và làm cán bộ quản lý một thời gian ngắn rồi đi tu.

Ông trở thành mục sư năm 2011, từng làm quản nhiệm Hội thánh Tin Lành Chuồng Bò thuộc Giáo hội Mennonite độc lập, và hiện giờ là thành viên của Hội đồng Liên Tôn Việt Nam tranh đấu cho tự do tôn giáo. Ông bị chính quyền đàn áp nhiều lần, trong đó có lần công an xâm nhập tư gia và đánh đập ông trong năm 2014.

Năm 2015, ông tham gia điều trần trước Tiểu ban Nhân quyền, Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện của Quốc hội Hoa Kỳ về việc Việt Nam đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một số Hội Thánh Tin Lành độc lập, Cao Đài Chơn truyền và Phật Giáo Hòa Hảo Thuần tuý…

Trong dịp này, ông cũng vận động trả tự do cho các tù nhân lương tâm, trong đó có các lãnh đạo tôn giáo như linh mục Nguyễn Văn Lý, mục sư Dương Kim Khải và mục sư Nguyễn Công Chính. Hiện ba người này đã được tự do, người thứ ba bị buộc cùng gia đình đi tị nạn ở Hoa Kỳ năm 2017.

Ông cũng lên tiếng mạnh mẽ trên mạng xã hội Facebook, tố cáo chế độ độc tài vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tịch thu đất đai của người dân mà không bồi thường thoả đáng ở nhiều địa phương, cũng như ủng hộ giới bất đồng chính kiến và tù nhân lương tâm. (Trích RFA)


Việt Nam chúc mừng, mời tân ngoại trưởng Mỹ sang thăm

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn gửi thư chúc mừng tới ông Marco Rubio, Ngoại trưởng mới của Mỹ, vào ngày 21/1, chỉ ít giờ sau khi ông được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận và chính thức trở thành ngoại trưởng.

Theo các trang thông tin chính thống của Việt Nam gồm Thông Tin Chính Phủ và Nhân Dân, qua thư của mình, ông Sơn tái khẳng định Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu.

Ông Sơn bày tỏ niềm tin rằng với nền tảng quan hệ ngày càng bền chặt, được vun đắp trong 3 thập kỷ qua, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để “triển khai thực chất, hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, đáp ứng lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước cũng như góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio

Tin cho hay, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhân dịp này cũng mời Ngoại trưởng Marco Rubio thăm Việt Nam trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ, 1995-2025.

Trước khi trở thành ngoại trưởng Mỹ, ông Marco Rubio, 53 tuổi, có nhiều năm là thượng nghị sỹ ở cấp liên bang, đại diện cho bang Florida. Hôm 15/1, khi điều trần để được Quốc hội Mỹ phê chuẩn chức ngoại trưởng, ông nhấn mạnh cam kết sẽ thực thi tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.

Một bản tin của AP về phiên điều trần đưa ra nhận xét rằng cách tiếp cận của ông Rubio đối với các vấn đề đối ngoại dựa trên nhiều năm ông phục vụ trong Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tình báo Thượng viện.

Trong các bài phát biểu và bài viết của mình, ông đã đưa ra những cảnh báo ngày càng nghiêm khắc về các mối đe dọa quân sự và kinh tế ngày càng gia tăng đối với Hoa Kỳ, đặc biệt là từ Trung Quốc. Dưới con mắt của ông, Bắc Kinh đã hưởng lợi từ một “trật tự thế giới toàn cầu” mà ông mô tả là lỗi thời.

Riêng về Việt Nam, như VOA đã đưa tin, trong các năm 2015 từ 2020, ông Rubio nhiều lần tham gia cùng các thượng nghị sỹ Mỹ khác đưa ra một số dự luật hoặc viết thư gửi các ngoại trưởng hoặc tổng thống Mỹ với nội dung chỉ trích, thậm chí đề nghị trừng phạt về vấn đề nhân quyền của Việt Nam.

Hồi tháng 8/2020, trong một bức thư gửi đến một cuộc hội luận trực tuyến do tổ chức BPSOS thực hiện, ông Marco Rubio ở cương vị là một thượng nghị sỹ đã viết: “Chúng tôi biết rằng chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp tôn giáo và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Các quyền cơ bản của người dân Việt Nam về thực hành tín ngưỡng và tôn giáo, cũng như quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp phải được tôn trọng và bảo vệ”.

Vẫn ông Rubio khi đó đề nghị chính phủ Hoa Kỳ “phải minh bạch rằng mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam sẽ không thể đạt được tiềm năng đầy đủ nếu như những sự xâm hại này vẫn cứ tiếp diễn; chúng ta phải tiếp tục cam kết thúc giục chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị Việt Nam, nhiều người trong số họ đã bị giam giữ chỉ vì bảo vệ quyền của người dân Việt Nam”.

Trước đó 6 năm, hồi tháng 10/2014, ông Rubio đứng đầu một nhóm các thượng nghị sỹ lên tiếng đề nghị Tổng thống Obama cân nhắc lại quyết định nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam vốn đã được duy trì trong nhiều năm.


Lâm Đồng: phạt hơn 100 triệu đồng hai trường hợp vi phạm Nghị định 168

Công an Lâm Đồng đã xử phạt hơn 100 triệu đồng hai người dân sống tại thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương do vi phạm Nghị Định 168. Nghị định này có hiệu lực từ 1/1/2025 và đang gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ người dân do mức phạt quá cao.

Tờ Tiền Phong trong ngày 19/1 cho biết hai người bị phạt là ông N.T.T (36 tuổi, trú thành phố Đà Lạt) và ông Đ.H.N (41 tuổi, trú huyện Đơn Dương).

Cảnh sát giao thông hành sự

Theo nội dung chi tiết được tờ Tiền Phong đăng, ông T. bị phạt hành chính với số tiền 35 triệu đồng do có hành vi điều khiển xe ô tô trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ông này đồng thời bị áp dụng hình phạt bổ sung, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến hết ngày 20/10.

Còn ông N. bị phạt 70 triệu đồng, do có hành vi vi phạm giao phương tiện cho người làm công điều khiển chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%.

Hai mức phạt trên đều áp dụng theo mức phạt mới của Nghị Định 168 được ban hành ngày 26/12/2024 và có hiệu lực chỉ sau hơn năm ngày và được đại diện Cục Cảnh sát giao thông giải thích là theo quy trình rút gọn do “tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông”.

Tuy vậy, trong thực tế, sau hơn hai tuần áp dụng Nghị định 168, nhiều bình luận trên các diễn đàn mạng xã hội và cả những chia sẻ của người dân với RFA đều cho thấy cuộc sống của người dân đang bị đảo lộn, giao thông đang bị xáo trộn vì kẹt xe kéo dài hàng giờ đồng hồ.

Một người dân ở Hà Nội nói với RFA: “Đùng một cái chúng ta thấy cái Nghị định 168 được đưa ra một cách bất ngờ, như một cú sấm sét của nhà cai trị giáng xuống đầu người dân. Ở mức xử phạt quá cao, quá tàn nhẫn, vượt xa thu nhập của người dân thì nó không còn tí nào gọi là nhân văn nữa, mà đó là sự tàn bạo.

Mức phạt tăng cao cũng được nói là một hình thức làm giàu cho cảnh sát giao thông, khi ngay ngày đầu tiên thực hiện Nghị định mới, lực lượng cảnh sát giao thông cho biết đã xử phạt hơn 13.000 trường hợp vi phạm giao thông, thu về gần 28 tỷ đồng.

Tờ Công lý cho biết, chỉ riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, sau hai tuần áp dụng mức phạt theo Nghị định mới, Cảnh sát giao thông đã phạt gần bốn ngàn trường hợp, nộp Kho bạc hơn 87 tỷ đồng.


Việt Nam sắp mua 20 pháo tự hành K-9 của Hàn Quốc

Việt Nam và Hàn Quốc đang trong quá trình hoàn tất thương vụ mua 20 cỗ pháo tự hành K-9 Thunder hiện đại, theo hãng tin Yunap.

Thông tin trên được hãng thông tấn của Hàn Quốc đăng tải vào ngày 20 tháng 1 năm 2025, trích dẫn nguồn tin từ chính phủ và nhà sản xuất.

Cũng theo Yunap, sau khi hoàn thành thương vụ có trị giá 300 triệu USD, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sở hữu pháo tự hành K-9, và cũng là quốc gia Cộng sản duy nhất vận hành vũ khí hạng nặng sản xuất từ Hàn Quốc.

Việt Nam được cho là đã quan tâm đến các hệ thống vũ khí của Hàn Quốc trong những năm gần đây.

Tháng 3 năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã thăm chính thức Hàn Quốc và trực tiếp thị sát nhiều hệ thống vũ khí lục quân của nước này, bao gồm pháo K-9.

Đến tháng 4 năm 2024, tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã công khai bày tỏ ý định muốn mua pháo tự hành của Hàn Quốc, trong khuôn khổ hoạt động đối ngoại quốc phòng giữa hai nước.

Pháo tự hành K-9 gây chú ý trên thế giới sau khi Ba Lan ký hợp đồng mua 672 hệ thống pháo này từ Hàn Quốc vào năm 2022, ngay sau khi Nga mở màn cuộc xâm lược Ukraine. Quốc gia Đông Âu sau đó đã tiếp tục ký hợp đồng mua thêm 150 hệ thống nữa vào năm 2023.

K-9 Thunder được sản bởi hãng Hanwha Aerospace, có nòng pháo cỡ 155 ly tiêu chuẩn NATO, tầm bắn tối đa 40km với đạn pháo tăng tầm, tốc độ bắn 6 phát mỗi phút, và có thể mang theo 48 quả đạn pháo.

Lực lượng pháo binh của quân đội Việt Nam chủ yếu vận hành các hệ thống pháo có nguồn gốc Liên Xô, và Liên bang Nga, với cỡ nòng và loại đạn khác biệt. Tuy nhiên, nước này cũng có trong biên chế pháo 155 ly do thu được từ Việt Nam Cộng Hòa. Sự bổ sung của pháo tự hành K-9 được cho là sẽ nâng cấp đáng kể năng lực pháo binh của Việt Nam. (RFA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 13-14-15/1/2025
  • Nga, Triều Tiên hành quyết thương binh Triều Tiên để xóa dấu vết, hai tù binh Triều tiên bị bắt
  • Thỏa thuận ngừng bắn Gaza xuất hiện sau 96 giờ căng thẳng
  • Chiến tranh Ukraina: 300 lính Bắc Triều Tiên thiệt mạng, theo tình báo Nam Hàn
  • Tổng thống Yoon Suk Yeol bị bắt tạm giam vì cáo buộc “nổi loạn”
  • Philippines trong tình trạng “báo động” do tầu Trung Cộng tiến gần đến bờ biển
  • Armenia ký thỏa thuận an ninh với Mỹ
  • Kiev thảo luận với Paris về khả năng triển khai quân đội nước ngoài tại Ukraina
  • Hoa Kỳ tăng cường kiểm soát xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo
  • Iran tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Mỹ trước lễ nhậm chức của tổng thống Trump
  • Mỹ, Nhật Bản và Philippines cam kết thắt chặt hợp tác đối phó Trung Cộng
  • Kỷ niệm vụ sát hại ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm: Sau năm năm gia đình vẫn bị chính quyền trấn áp
  • Tô Lâm và Tập Cận Bình điện đàm, cam kết ưu tiên ‘cao độ’ quan hệ chiến lược toàn diện
  • Phóng viên và nhân viên VTC hụt hẫng khi kênh truyền hình bị đóng cửa
  • Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân với Rosatom của Nga đang bị Mỹ trừng phạt
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 6-7-8/1/2025
  • TT Ukraina muốn thống nhất với Trump về "kế hoạch hòa bình" trước khi đàm phán với Nga
  • Quốc hội Mỹ xác nhận chiến thắng bầu cử của ông Trump
  • Khủng hoảng chính trị Canada: Thủ tướng Justin Trudeau từ chức sau 9 năm cầm quyền
  • Liên Hiệp Châu Âu lên án chiến tranh hỗn hợp của Nga tại Moldova
  • Tàu Trung Cộng bị tình nghi làm hỏng cáp ngầm gần Đài Loan
  • Donald Trump muốn các thành viên NATO tăng ngân sách quốc phòng
  • Teheran lên án tổng thống Pháp Macron có những bình luận vô căn cứ về Iran
  • Mỹ coi tập đoàn Tencent là "công ty quân sự", Trung Cộng lên án "đàn áp phi lý"
  • Hamas giữ nguyên yêu sách khi thời hạn ông Trump đặt ra đang đến gần
  • Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng lên mức kỷ lục mới
  • Mỹ và Việt Nam tổ chức Đối thoại nhân quyền lần thứ 28
  • HRW: Việt Nam kết tội luật sư Trần Đình Triển vì chỉ trích ông Nguyễn Hòa Bình
  • Bộ Công an tinh gọn bộ máy, sẽ bỏ công an huyện?
  • Việt Nam ‘theo dõi chặt chẽ’ các đợt bùng phát bệnh viêm phổi ở Trung cộng
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 30-31/12, 1/1/2025.
  • Tổng thống Jimmy Carter: Đại ân nhân của thuyền nhân tị nạn Việt Nam
  • TT Zelensky: Năm 2025 Ukraina phải chiến đấu trên cả chiến trường và bàn đàm phán
  • Bộ Tài chính Mỹ nói bị tin tặc Trung Cộng đánh cắp tài liệu mật
  • Kiev và Matxcơva oanh kích lẫn nhau ngày giao thừa
  • Gruzia: Phong trào phản kháng chính quyền thân Nga tiếp tục, bất chấp các biện pháp đàn áp mới
  • Diễn văn năm mới: Tổng thống Đài Loan kêu gọi tăng cường phòng thủ trước mối đe dọa từ Trung Cộng
  • Ukraina - Syria tái lập quan hệ ngoại giao, mở ra giai đoạn hợp tác mới
  • Đại sứ Israel tại LHQ cảnh báo Houthi sẽ chịu chung số phận với Hamas, Hezbollah
  • Tòa án Nam Hàn ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon
  • Luật sư Trần Đình Triển sắp ra tòa vì ‘nói xấu’ ông Nguyễn Hòa Bình
  • Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Tuý bị ngăn cản kỷ niệm 105 năm Đản sanh của Đức Huỳnh Giáo chủ
  • Chính phủ dự chi 130.000 tỷ đồng để sắp xếp, tinh gọn hệ thống
  • Sư Minh Tuệ và đoàn bộ hành đã đến Thái Lan
  • Tỷ lệ sinh của Việt Nam giảm xuống mức thấp kỷ lục
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 16-17-18/12/2024.
  • Tổng thống Zelensky họp với nhiều lãnh đạo Liên Âu về tương lai của Ukraina
  • TT Trump sẽ cử đặc phái viên về Ukraina đi châu Âu vào đầu năm 2025
  • Ukraina thừa nhận thực hiện vụ ám sát một tướng Nga ở Matxcơva
  • Liên Hiệp Châu Âu mong muốn tương lai Syria “không có Nga và Iran”
  • Tập Cận Bình thanh trừng cả những người thân tín trong quân đội
  • Nam Hàn: Luật sư tổng thống Yoon phản bác mọi cáo buộc về “nổi loạn”
  • Syria: Nga vẫn chưa quyết định về tương lai của các căn cứ quân sự
  • Ám sát các tướng Nga tại Matxcơva: Màn phô trương thế mạnh của điệp viên Ukraina
  • Philippines gửi nhu yếu phẩm cho quân nhân đồn trú ở Biển Đông
  • Đài Loan tiếp nhận lô xe tăng Abrams đầu tiên của Mỹ
  • Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2024 tại TP Houston, Texas, Hoa Kỳ
  • WSJ: Việt Nam là mục tiêu của chính quyền Trump 2.0, khác với lần trước
  • CSVN tinh gọn: Giảm 5 bộ và 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ
  • Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi trả tự do cho Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang
  • USCIRF vô cùng quan ngại về sự đàn áp ‘leo thang’ ở Việt Nam
  • Dự án 88: csVN bóp nghẹt hơn quyền lập hội
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 9-10-11/12/2024.
  • Trump kêu gọi 'ngừng bắn ngay lập tức' ở Ukraine sau khi gặp ông Zelensky ở Paris
  • Hoa Kỳ công bố gần 1 tỷ đôla viện trợ quân sự cho Ukraine
  • Lý giải chiến thắng thần tốc của quân nổi dậy Syria
  • Syria: Thủ tướng lâm thời cam kết bảo đảm ổn định và yên bình cho đất nước
  • Tổng thống Biden kêu gọi đưa ra chiến lược mới nhắm vào Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran
  • Nga trả giá đắt với chiến thuật 'cối xay thịt' ở Ukraine
  • Israel và Mỹ oanh kích nhiều mục tiêu tại Syria sau khi chế độ Assad sụp đổ
  • Thủ tướng Ba Lan: Khả năng có các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine vào mùa đông này
  • Trung Cộng tăng cường sự hiện diện quân sự quanh Đài Loan
  • Quân đội Đài Loan “sẵn sàng chiến đấu” sau khi Trung Quốc áp đặt 7 “khu vực không phận hạn chế”
  • 2 quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục 2 nữ bồi bàn ở New Zealand
  • CSVN không giải thể Ban Kinh tế Trung ương
  • Việt Nam khẳng định ‘ưu tiên hàng đầu’ quan hệ với Trung cộng
  • CsVN lập thêm “Cục Phòng, chống lãng phí”
  • Bốn trong năm luật sư của Tịnh Thất Bồng Lai đã đến Mỹ tị nạn chính trị