TIN THẾ GIỚI.
Tổng thống Ukraina Zelensky sẵn sàng đàm phán trực tiếp với tổng thống Nga Putin (RFI)
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm 04/02/2025, tuyên bố ông sẵn sàng đàm phán trực tiếp với tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo khác để chấm dứt cuộc chiến mà điện Kremlin phát động cách đây gần 3 năm.
Theo hãng tin AFP, trong một bài trả lời phỏng vấn được phát trên kênh YouTube “Piers Morgan Uncensored” của Anh, khi được hỏi về khả năng đàm phán với Putin, ông Zelensky trả lời ông sẵn sàng, “nếu đó là giải pháp duy nhất có thể mang lại hòa bình cho người dân Ukraina và để không còn ai thiệt mạng”. Ông Zelensky nói tiếp: “Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ chấp nhận họp với 4 lãnh đạo”.
Nguyên thủ Ukraina không nói rõ đó sẽ là những lãnh đạo nào, ngoài tổng thống Nga, nhưng trước đó, người dẫn chương trình của kênh YouTube “Piers Morgan Uncensored” đã nêu giả thuyết đàm phán giữa Ukraina, Nga, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.
Trong một thời gian dài, ông Zelensky vẫn bác bỏ khả năng đàm phán, tuyên bố chỉ muốn đánh thắng trên chiến trường. Một sắc lệnh được Kiev ban hành vào tháng 10/2022 thậm chí cấm thương lượng với Matxcơva khi nào mà Putin còn cầm quyền.
Nhưng nay, quân đội Ukraina có vẻ không ngăn chặn được đà tiến của quân Nga ở miền đông và Kiev đang sợ chính quyền Donald Trump sẽ cắt giảm viện trợ của Mỹ.
Vào cuối tháng 1 vừa qua, tổng thống Putin cũng đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Ukraina để chấm dứt chiến tranh, nhưng không muốn thảo luận trực tiếp với đồng nhiệm Ukraina Zelensky, nhân vật mà ông cho là “không có tính chính đáng”.
Mặt khác, lập trường của hai bên hiện vẫn còn rất khác biệt nhau. Tổng thống Zelensky muốn là mọi hiệp định hòa bình phải bao gồm những bảo đảm vững chắc của các nước phương Tây cho an ninh của Ukraina.
Phía Nga thì đòi Ukraina phải đầu hàng và từ bỏ ý định gia nhập khối NATO, đồng thời Matxcơva được quyền giữ lại các vùng lãnh thổ Ukraina mà Nga đã tuyên bố sát nhập.
Điện Kremlin cho biết các cuộc tiếp xúc với nhóm của Trump đang gia tăng (VOA)
Hôm thứ Tư (5/2), Nga cho biết các cuộc tiếp xúc với nhóm của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang gia tăng và ca ngợi ông Trump về những phát biểu trước đó mà Moscow cho là thừa nhận rằng phương Tây đã sai lầm khi lôi kéo Ukraine vào NATO.
Ông Trump, người đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine nhưng vẫn chưa công khai nêu rõ cách thức thực hiện, vào thứ Ba nói rằng cuộc chiến là một cuộc tắm máu và nhóm của ông đã có “một số cuộc đàm phán rất tốt”.
Điện Kremlin cho biết đã có những cuộc tiếp xúc đang được tăng cường.
“Tôi có thể nói ở đây rằng thực sự có những cuộc tiếp xúc giữa các cơ quan riêng lẻ và chúng đã được tăng cường gần đây”, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết. “Tôi không thể cho bạn biết thêm bất kỳ chi tiết nào khác”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào cuối thứ Ba rằng ông sẽ sẵn sàng ngồi lại với ông Putin để đạt được hòa bình. Sau những phát biểu của ông, giá nợ của Ukraine đã tăng lên, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư coi đây là một dấu hiệu tiềm năng của các sáng kiến hòa bình.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov hoan nghênh những gì ông mô tả là sự thừa nhận từ ông Trump rằng việc lôi kéo Ukraine vào NATO là một sai lầm.
“Đột nhiên, lần đầu tiên, Tổng thống Trump, trong một trong những bài phát biểu đầu tiên của mình, chỉ trích lập trường của chính quyền Biden về cuộc khủng hoảng Ukraine, đã thẳng thắn nói rằng một trong những sai lầm chính là lôi kéo Ukraine vào NATO”, ông Lavrov nói.
“Lần đầu tiên, vấn đề NATO được xác định là điều mà Hoa Kỳ sẵn sàng thảo luận nghiêm túc”, ông Lavrov nói thêm.
NATO đã mở cửa cho tư cách thành viên của Ukraine tại một hội nghị thượng đỉnh năm 2008, mà không đưa ra ngày Kyiv gia nhập liên minh.
Nga từ lâu vẫn khẳng định rằng nguyện vọng gia nhập NATO của Kyiv là mối đe dọa đối với an ninh của nước này và là lý do chính khiến Putin đưa quân vào Ukraine vào tháng 2/2022. Ukraine cho biết họ cần tư cách thành viên NATO hoặc các đảm bảo an ninh tương đương của phương Tây để tự bảo vệ mình khỏi các âm mưu của Nga trên lãnh thổ của mình.
Tại một cuộc họp báo ở Mar-a-Lago vào ngày 7/1, ông Trump dường như ám chỉ rằng đã có sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine và NATO trong nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden, và rằng ông thông cảm với lập trường của Nga.
“Một phần lớn của vấn đề là, Nga – trong nhiều, nhiều năm, rất lâu trước Putin – đã nói, ‘Bạn không bao giờ có thể để NATO can dự vào Ukraine.’ Bây giờ, họ đã nói như vậy. Điều đó, giống như, đã được khắc trên đá”, ông Trump nói.
“Và ở đâu đó trên dòng thời gian, Biden đã nói, ‘Không. Họ nên được gia nhập NATO.’ Và rồi Nga có ai đó xuất hiện ngay trước cửa nhà họ, và tôi có thể hiểu cảm xúc của họ về điều đó”.
Trump: Mỹ đề xuất tiếp quản Gaza, ‘di chuyển’ người Palestine qua nước khác (BBC)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa tổ chức một cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào tối 4/2 giờ Mỹ (sáng 5/2 giờ Việt Nam).
Ông Trump nói có thể “tiếp quản” Gaza và “thực sự hành động” bằng cách rà phá bom chưa nổ và tái thiết kinh tế lãnh thổ Palestine thành “Riviera (vùng bờ biển ở Địa Trung Hải) của Trung Đông”.
Tổng thống Mỹ đề xuất rằng người Palestine có thể tái định cư bên ngoài Gaza trong khi nơi này được xây dựng lại dù các quốc gia khắp Trung Đông trước đó đã phản đối đề xuất này.
Thủ tướng Netanyahu – nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump – nói rằng kế hoạch của vị tổng thống là một ý tưởng “đáng lưu tâm”.
Phóng viên chuyên về ngoại giao của BBC – Paul Adam – viết rằng tổng thống Mỹ “tiếp tục khiến mọi người choáng váng với các đề xuất của mình cho Gaza”, gọi đó là “điều gây chấn động”.
Ông Trump cũng nói rằng Iran “không thể có vũ khí hạt nhân” và sẽ “thật không may” nếu Tehran nghĩ rằng họ có thể phát triển bom nguyên tử.
Ông Netanyahu nói với chủ Nhà Trắng rằng ông là “người bạn tuyệt vời nhất mà Israel từng có”. Hai nhà lãnh đạo là đồng minh thân thiết trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump khi ông chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem – động thái bị người Palestine lên án.
Kế hoạch bị xem là đi ngược lại công pháp quốc tế
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói cách đây 10 ngày rằng Gaza là một bãi hoang tàn, đề nghị “dọn sạch toàn bộ khu vực đó” thì không rõ những lời này có phải là phát biểu ngẫu hứng hay không.
Nhưng trước chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong các bình luận tại Phòng Bầu dục trước cuộc họp và trong chính cuộc họp báo, giờ đây rõ ràng là ông ấy thực sự nghiêm túc về các đề xuất của mình.
Những đề xuất này tương đương với sự đảo ngược triệt để nhất trong lập trường đã được thiết lập của Hoa Kỳ đối với Israel và người Palestine trong lịch sử gần đây của cuộc xung đột; và sẽ bị coi là đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Ngoài việc xem người dân ở Gaza sẽ phản ứng ra sao với thông báo, điều này cũng có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình ngừng bắn từng bước và thả con tin, vào thời điểm quan trọng này.
Theo luật pháp quốc tế, mọi nỗ lực nhằm cưỡng ép di dời dân số đều bị nghiêm cấm, và người Palestine cũng như các quốc gia Ả Rập sẽ coi đây không khác gì với một đề xuất rõ ràng nhằm trục xuất họ và thực hiện thanh trừng sắc tộc đối với người Palestine khỏi quê hương của họ.
Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo Ả Rập đã kiên quyết bác bỏ các ý tưởng của ông Trump – vốn được đề xuất ngày càng thường xuyên trong 10 ngày qua – khi ông nói Ai Cập và Jordan có thể “tiếp nhận” người Palestine từ Gaza.
Trong một tuyên bố vào thứ Bảy, Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar, Chính quyền Palestine và Liên đoàn Ả Rập cho rằng động thái như vậy có thể “đe dọa sự ổn định của khu vực, có nguy cơ mở rộng xung đột và làm suy yếu triển vọng hòa bình và khả năng chung sống giữa các dân tộc”.
Từ lâu, phe cực hữu theo chủ nghĩa dân tộc ở Israel đã mong muốn trục xuất người Palestine khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và mở rộng các khu định cư của người Do Thái tại nơi họ sinh sống.
Kể từ các cuộc tấn công ngày 7/10/2023 vào Israel, những nhóm cực hữu này – với những lãnh đạo trong số họ thuộc một phần liên minh của Thủ tướng Netanyahu – đã yêu cầu cuộc chiến chống lại Hamas tiếp tục vô thời hạn, tuyên bố sẽ tái lập các khu định cư của Israel ngay trong Dải Gaza.
Họ đã tiếp tục phản đối lệnh ngừng bắn hiện tại và thỏa thuận thả con tin.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng với thủ tướng Israel, ông Trump đã đi xa hơn cả những lời kêu gọi gần đây của ông về việc “di tản” người Palestine ở Gaza đến Ai Cập và Jordan, nói rằng Mỹ sau đó sẽ tiếp quản lãnh thổ này và tái thiết.
Khi được hỏi liệu người Palestine được phép trở về hay không, ông nói rằng “người dân toàn cầu” sẽ sống ở đó, nơi sẽ là “một khu vực quốc tế đáng kinh ngạc”, trước khi nói thêm “cũng có người Palestine nữa”.
Đặc phái viên Trung Đông của ông Trump, Steve Witkoff, trước đó trong ngày đã phần lớn thể hiện luận điệu xung quanh đề xuất này, nói rằng ông Trump “hiểu biết về bất động sản”.
Tổng thống Trump nói rằng Gaza sẽ là “Riviera của Trung Đông”.
Khi được hỏi liệu quân đội Mỹ có tham gia vào cuộc tiếp quản Gaza hay không, ông Trump trả lời “chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết”.
Các đề xuất của ông tương đương với sự chuyển đổi triệt để nhất trong lập trường của Mỹ về lãnh thổ này kể từ khi thành lập nhà nước Israel năm 1948 và cuộc chiến năm 1967 – thời điểm chứng kiến sự khởi đầu của cuộc chiếm đóng quân sự của Israel đối với các lãnh thổ bao gồm cả Dải Gaza.
Gaza vốn là nơi sinh sống của những người Palestine đã tháo chạy hoặc bị buộc phải rời bỏ nhà của mình trong các cuộc chiến tranh xung quanh việc thành lập Israel.
Cho đến nay, họ và con cháu vẫn chiếm phần lớn dân số ở Gaza.
Các đề xuất của Tổng thống Trump, nếu được ban hành, sẽ khiến số dân đó – hiện hơn hai triệu người – buộc phải chuyển đến khu vực các nước Ả Rập hoặc thậm chí xa hơn. Ông Trump nói rằng động thái này để “tái định cư… vĩnh viễn”.
Các đề xuất này sẽ xóa bỏ khả năng có một giải pháp hai nhà nước trong tương lai theo bất kỳ nghĩa thông thường nào. Người Palestine và thế giới Ả Rập từ chối tuyệt đối các đề xuất vì xem chúng như một kế hoạch trục xuất.
Phần lớn cơ sở chính trị của Thủ tướng Netanyahu và phong trào định cư theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Israel sẽ ủng hộ Tổng thống Trump, coi đó là sự hoàn thiện mục đích mà ông Netanyahu đưa ra để ngăn chặn “Gaza trở thành mối đe dọa đối với Israel”.
Đối với thường dân Palestine, đây sẽ là một hành động trừng phạt tập thể hàng loạt.
Ukraina: Trump muốn một “bảo đảm” về đất hiếm đổi lấy viện trợ của Mỹ (RFI)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 04/02/2025, cho biết ông muốn đàm phán một “thỏa thuận” với Ukraina theo đó Kiev đưa ra một “bảo đảm” về nguồn “đất hiếm” của mình, những kim loại được sử dụng rộng rãi trong thiết bị điện tử, để đổi lấy viện trợ của Mỹ.
Theo hãng tin AFP, trao đổi với các phóng viên tại Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng, ông Trump nói: “Chúng tôi đang tìm cách đạt được một thỏa thuận với Ukraina theo đó họ sẽ đưa ra những bảo đảm về đất hiếm và những thứ khác để đổi lấy những gì chúng tôi cung cấp cho họ”.
Vào tháng 10 năm ngoái, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã đề xuất đạt được thỏa thuận với các đối tác của Ukraina về việc khai thác một số kim loại chiến lược. Cụ thể, trong kế hoạch hòa bình được công bố vào thời điểm đó, tổng thống Zelensky đã đề xuất một “thỏa thuận đặc biệt” với các đối tác của Kiev để “cùng bảo vệ” và “cùng khai thác các nguồn tài nguyên chiến lược” của Ukraina, nhưng ông không đề cập cụ thể đến đất hiếm, mà chỉ đưa ra các ví dụ như “uranium, titan, lithium, than chì và các nguồn tài nguyên chiến lược có giá trị cao khác”.
Chính quyền Trump cũng đề nghị tổ chức các cuộc bầu cử ở Ukraina trước khi mở đàm phán hòa bình với Nga. Cụ thể, đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Ukraina và Nga, ông Keith Kellogg, đề nghị tổ chức bầu tổng thống và Quốc Hội Ukraina trong năm nay. Theo hãng tin Reuters, kịch bản mà Mỹ đưa ra là trước tiên Ukraina và Nga ngừng bắn, sau đó Ukraina tổ chức bầu cử tổng thống và Quốc Hội, rồi tiếp đến mới tiến hành đàm phán hòa bình. Đây cũng là đề nghị của nhiều lãnh đạo Nga.
Cho tới nay, tổng thống Vladimir Putin vẫn không muốn đàm phán trực tiếp với tổng thống Zelensky, nhân vật mà ông xem là “không có tính chính đáng”. Trên nguyên tắc, nhiệm kỳ của tổng thống Zelensky đã chấm dứt vào cuối năm 2024, nhưng do lệnh thiết quân luật vẫn có hiệu lực, Ukraina không thể tổ chức các cuộc bầu cử.
Hơn nữa, theo các nhà quan sát, rất khó mà tổ chức tổng tuyển cử trong bối cảnh mà 20% lãnh thổ bị quân đội Nga chiếm đóng, hàng chục ngàn người đang phục vụ trong quân đội và hàng triệu người đang tị nạn ở nước ngoài. Ấy là chưa kể nguy cơ xã hội Ukraina bị chia rẽ và Nga can thiệp vào bầu cử.
Reuters: Bộ Ngoại giao Mỹ ra lệnh đóng cửa các phái bộ USAID ở hải ngoại, triệu hồi nhân viên (VOA)
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra lệnh đóng cửa các phái bộ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ở nước ngoài và đang tiến hành triệu hồi hàng nghìn nhân viên trên toàn thế giới, hai nguồn tin nắm nội dung các cuộc bàn thảo cho biết hôm thứ Ba 4/2.
Động thái này diễn ra khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tiến hành sáp nhập USAID, cơ quan chính yếu của Washington về trợ giúp nhân đạo và phân phối hàng tỷ đô la viện trợ ở nước ngoài, với Bộ Ngoại giao và trên thực tế là giải thể cơ quan này, không còn là một cơ quan độc lập.
Các quan chức Bộ Ngoại giao đã được ông Peter Marocco, một người được ông Trump bổ nhiệm và vào ngày 3/2 được giao nhiệm vụ giám sát các hoạt động của USAID, thông báo hôm 4/2 rằng tất cả nhân viên USAID và gia đình của họ phải được triệu hồi vào ngày thứ Sáu 7/2, một trong hai nguồn tin cho biết. Nguồn thứ hai nói rằng thời hạn chót có thể được dời lại.
Trong một diễn biến khác, nhân viên USAID thuộc nhiều phòng ban tại trụ sở chính của cơ quan này ở Washington đã bị cho nghỉ hành chính vào tối 4/2, theo một công văn nội bộ mà Reuters xem được. Công văn này cũng do ông Marocco ký.
Hai nhân viên USAID đã bị cho nghỉ hành chính nói với Reuters rằng mỗi phòng ban đã được chỉ đạo giữ lại một “đội ngũ cốt cán” để giúp xác định các chương trình cần đóng cửa.
Hàng trăm chương trình của USAID bao gồm hàng tỷ đô la viện trợ cứu các sinh mạng trên toàn cầu đã đột ngột dừng hoạt động sau khi ông Trump ra lệnh án binh bất động hầu hết viện trợ của Hoa Kỳ dành cho nước ngoài vào ngày 20/1, ông nói rằng ông muốn đảm bảo là việc cấp viện trợ ăn nhập với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông.
Theo lệnh ngừng hoạt động của Bộ Ngoại giao, hàng chục nhân viên USAID đã được xếp vào diện nghỉ phép hồi tuần trước trong khi hàng trăm nhân viên hợp đồng nội bộ bị sa thải. Một số chương trình viện trợ khẩn cấp cứu các sinh mạng đã được miễn áp dụng lệnh tạm dừng.
Ông Trump đã giao nhiệm vụ cho tỷ phú Elon Musk thu hẹp quy mô của USAID.
Theo báo cáo của Vụ Nghiên cứu Quốc hội (CRS), lực lượng lao động của USAID lên tới hơn 10.000 người, khoảng 2/3 số nhân viên đó phục vụ ở nước ngoài. Cơ quan này có hơn 60 phái bộ ở các quốc gia và khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thông báo với Quốc hội trong một lá thư hôm 3/2 về việc sắp tái cơ cấu cơ quan này, ông nói rằng một số bộ phận của USAID có thể được Bộ Ngoại giao tiếp nhận và phần còn lại có thể bị xóa bỏ.
Trung Cộng kêu gọi đối thoại Trung-Mỹ khi thuế nhập khẩu có hiệu lực (VOA)
Bộ ngoại giao Trung Cộng hôm thứ Tư (5/2) kêu gọi đối thoại giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ khi mức thuế bổ sung 10% của Mỹ đối với tất cả các sản phẩm của Trung Cộng có hiệu lực.
Để đáp trả mức thuế mới nhất của Mỹ, Trung Cộng đã công bố mức thuế trả đũa lên tới 15% đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Mỹ bắt đầu từ ngày 10/2, giúp Washington và Bắc Kinh có thời gian để cố gắng đạt được thỏa thuận.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba nói rằng ông không vội nói chuyện với Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình để cố gắng xoa dịu cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Điều cần thiết bây giờ không phải là đơn phương, thuế quan bổ sung mà là đối thoại và tham vấn dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”, người phát ngôn Lâm Kiếm của Bộ ngoại giao Trung Cộng nói tại một cuộc họp báo thường kỳ.
Một vòng đàm phán mới giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, dựa trên cuộc điện đàm cuối cùng của họ cách đây hai tuần, được coi là chìa khóa cho khả năng nới lỏng hoặc trì hoãn thuế quan của Hoa Kỳ, giống như các cuộc nói chuyện của các nhà lãnh đạo Mexico và Canada đã làm vào thứ Hai trong nỗ lực nhằm ngăn chặn thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Mexico và Canada.
Ông Trump cũng đã hủy bỏ cái gọi là miễn trừ theo quy tắc “de minimis” (số lượng rất nhỏ) trong thuế quan của Hoa Kỳ đối với các lô hàng nhập khẩu, thắt chặt hơn nữa dòng hàng hóa Trung Cộng chảy vào.
Loại miễn trừ này đã cho phép hàng hóa có giá trị 800 đô la trở xuống được vận chuyển đến Hoa Kỳ mà không phải trả thuế nhập khẩu, nhiều hàng hoá trong số đó đến từ Trung Cộng đại lục và Hong Kong.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổ chức đã cảnh báo vào tháng trước rằng sự gia tăng các chính sách bảo hộ có thể ảnh hưởng đến đầu tư và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nói rằng “vì lợi ích của tất cả mọi người, hãy tìm ra những cách thức mang tính xây dựng để giải quyết bất đồng và tạo điều kiện cho thương mại”.
Liên Hiệp Quốc báo động tình trạng Nga đẩy mạnh hành quyết binh lính Ukraina (RFI)
Liên Hiệp Quốc hôm 03/02/2025 tố cáo Nga gia tăng các vụ hành quyết tù binh Ukraina bị bắt giữ trong những tháng gần đây. Danielle Bell, người đứng đầu nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc về giám sát tình hình nhân quyền ở Ukraina HRMMU, ghi nhận 79 vụ hành quyết từ tháng 08/2024 trở lại đây.
Sau thông cáo của nhóm công tác của Liên Hiệp Quốc giám sát tình hình nhân quyền ở Ukraina, theo AFP, ngoại trưởng Ukraina, Andriï Sybiga, hôm qua 03/02 khẳng định các vụ hành quyết nhắm vào tù binh Ukraina, có thể cấu thành « một trong những chiến dịch lớn nhất trong lịch sử hiện đại về các vụ giết hại có chủ ý các tù nhân chiến tranh ». Ngoại trưởng Ukraina cũng kêu gọi « quốc tế có hành động khẩn cấp » và cần có « những công cụ pháp lý quốc tế mới và hiệu quả, cũng như các biện pháp cụ thể để buộc những kẻ phạm tội các như vậy phải trả giá ».
Các thông báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh tại Ukraina đang lan truyền hình ảnh gây kinh hoàng về vụ một binh sĩ Ukraina bị chặt đầu. Kiev đang cho mở điều tra. Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze cho biết thêm :
« Thêm một bức ảnh mới làm cho xã hội Ukraina bị sốc. Artur Dobroserdov, ủy viên chuyên trách hồ sơ về người mất tích, thông báo là đã xác định được danh tính của người lính Ukraina bị hành quyết. Một cuộc điều tra đã được mở ra để xác định hoàn cảnh và xem xét hành vi nói trên, nếu đúng như vậy, thì có vi phạm hoàn toàn hay không các công ước và hiệp ước quốc tế về đối xử với tù nhân chiến tranh.
Liên quan đến vụ hành quyết rõ ràng do người Nga dàn cảnh, Kiev yêu cầu không làm lan truyền các thông tin chưa được xác minh. Cảnh tượng kinh hoàng mới nhất này là vụ tiếp nối hàng loạt vụ hành quyết tương tự nhắm vào binh sĩ Ukraina, nằm trong danh sách dài, với gần 180 vụ đang được điều tra.
Đây không phải là lần đầu tiên những hình ảnh chặt đầu lan truyền ở Ukraina. Hồi tháng 06 và tháng 08 năm 2024, nhiều nạn nhân khác cũng là người Ukraina đã chịu chung số phận bị hành quyết, trong khi nhiều binh sĩ Ukraina khác, dường như đã bị bắt làm tù binh, cũng bị tử hình riêng lẻ hoặc theo nhóm, mà không qua xét xử.
Điều đó đi ngược lại Công ước Geneve thứ ba về đối xử với tù nhân chiến tranh. Và Kiev cũng như Liên Hiệp Quốc đang lên tiếng báo động : Kể từ năm 2024, các vụ hành quyết binh sĩ Ukraina trong tay không có vũ khí và đang bị giam giữ đã tăng mạnh ».
Ủy viên nhân quyền Ukraina, Dmytro Loubinets thường xuyên kêu gọi Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) điều tra về các vụ hành quyết ngoài vòng pháp luật binh sĩ Ukraina bị bắt.
Thủ tướng Nhật Bản chuẩn bị công du Mỹ nhằm siết chặt quan hệ đồng minh (RFI)
Chính phủ Nhật Bản hôm 04/02/2025, cho biết, thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba trong tuần này sẽ công du Hoa Kỳ và gặp tổng thống Mỹ Donald Trump. Mục tiêu là « thiết lập một mối quan hệ tin cậy vững bền ».
Phát ngôn viên chính phủ Nhật, Yoshimasa Hayashi, được AFP trích dẫn, cho biết, « nếu hoàn cảnh cho phép, thủ tướng Nhật đến thăm Hoa Kỳ từ ngày 06 đến 08/02/2025 và sẽ có cuộc họp cấp cao trực diện đầu tiên giữa Nhật Bản và Mỹ với tổng thống Trump tại Washington ».
Nhân chuyến thăm này, Tokyo hy vọng « thiết lập một mối quan hệ tin cậy vững chắc với tân chính quyền Mỹ và nâng mối quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật lên một nấc cao hơn ».
Trí tuệ nhân tạo, thuế quan, Trung Cộng, Bắc Triều Tiên và an ninh quốc gia sẽ là trọng tâm các cuộc thảo luận.
Là đồng minh chủ chốt, Hoa Kỳ và Nhật Bản còn là những nhà đầu tư nước ngoài lớn của nhau.
Hiện có khoảng 54 ngàn binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nhật Bản, chủ yếu tại quần đảo Okinawa và các quần đảo phía nam Nhật Bản, gần với đảo Đài Loan.
AFP nhắc lại, hôm 24/01/2025, trước Nghị Viện, thủ tướng Nhật Bản từng tuyên bố : « Vào thời điểm mối tương quan lực lượng trong vùng đang đối mặt với một bước rẽ lịch sử, chúng ta phải thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác Mỹ – Nhật một cách cụ thể ».
Cũng theo thủ tướng Ishiba, Nhật Bản nên « tiếp tục bảo đảm sự tham gia của Mỹ trong vùng nhằm tránh mọi sự trống vắng sức mạnh có nguy cơ dẫn đến bất ổn khu vực ».
Những tuyên bố này của ông đưa ra vào lúc Tokyo ngày càng lo lắng trước đà gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Cộng tại vùng châu Á – Thái Bình Dương, sự hiện diện đông đảo của lực lượng Trung Cộng tại các vùng lãnh hải có tranh chấp cũng như là việc chế độ Bắc Triều Tiên tăng cường phát triển chương trình hạt nhân.
TT Trump tái tục chiến dịch ‘áp lực tối đa’ lên Iran (VOA)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khôi phục chiến dịch “áp lực tối đa” của mình đối với Iran, bao gồm các nỗ lực đưa xuất khẩu dầu của Iran xuống mức zero để ngăn Tehran có được vũ khí hạt nhân.
Trước cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Trump đã ký bản ghi nhớ của tổng thống tái áp đặt chính sách cứng rắn của Washington đối với Iran vốn được thực hiện trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Khi ký bản ghi nhớ, ông Trump mô tả hành động này là rất cứng rắn và cho biết Iran không thể có vũ khí hạt nhân và rằng ông hy vọng có thể đạt được thỏa thuận với Tehran.
Ông Trump cáo buộc cựu Tổng thống Joe Biden không thực thi nghiêm ngặt các chế tài xuất khẩu dầu mỏ, mà ông Trump cho rằng đã khuyến khích Tehran bằng cách cho phép nước này bán dầu để tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân và lực lượng dân quân vũ trang ở Trung Đông.
Iran đang “tăng tốc” đáng kể việc làm giàu uranium lên tới 60% độ tinh khiết, gần với mức độ vũ khí khoảng 90%, người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hiệp quốc nói với Reuters vào tháng 12 năm ngoái. Iran đã phủ nhận việc muốn phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong số những điều khác, bản ghi nhớ của ông Trump ra lệnh cho Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ áp đặt “áp lực kinh tế tối đa” đối với Iran, bao gồm các chế tài và cơ chế thực thi đối với những bên vi phạm các chế tài hiện hành.
Bản ghi nhớ cũng chỉ đạo Bộ Ngân khố và Bộ Ngoại giao thực hiện một chiến dịch nhằm “đẩy xuất khẩu dầu của Iran về mức zero”. Giá dầu của Hoa Kỳ đã giảm bớt thiệt hại vào ngày 4/2 sau thông tin ông Trump có kế hoạch ký bản ghi nhớ, điều này đã bù đắp một số điểm yếu từ cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh.
Phái đoàn Iran tại Liên hiệp quốc ở New York không trả lời ngay yêu cầu bình luận.
Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, xuất khẩu dầu của Tehran đã mang về 53 tỷ đô la vào năm 2023 và 54 tỷ đô la một năm trước đó. Sản lượng trong năm 2024 đang ở mức cao nhất kể từ năm 2018, dựa trên dữ liệu của OPEC.
Ông Trump đã đưa xuất khẩu dầu của Iran xuống gần bằng zero trong một phần nhiệm kỳ đầu tiên của mình sau khi áp đặt lại các chế tài. Chúng đã tăng lên dưới nhiệm kỳ của ông Biden khi Iran thành công trong việc trốn tránh các chế tài.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris tin rằng Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các thành viên OPEC khác có năng lực dự phòng để bù đắp cho bất kỳ lượng xuất khẩu nào bị mất từ Iran, cũng là một thành viên của OPEC.
Thúc đẩy lại các chế tài
Trung Cộng không công nhận các chế tài của Hoa Kỳ và các công ty Trung Cộng mua nhiều dầu Iran nhất. Trung Cộng và Iran cũng đã xây dựng một hệ thống giao dịch chủ yếu sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Cộng và một mạng lưới trung gian, tránh sử dụng đồng đô la và tiếp xúc với các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ.
Ông Kevin Book, một nhà phân tích tại ClearView Energy, cho biết chính quyền Trump có thể thực thi luật Ngừng Chứa Dầu mỏ Iran (SHIP) năm 2024 để hạn chế một số thùng dầu của Iran.
SHIP, mà chính quyền Biden không thực thi nghiêm ngặt, cho phép áp dụng các biện pháp đối với các cảng và nhà máy lọc dầu nước ngoài xử lý dầu mỏ xuất khẩu từ Iran vi phạm lệnh trừng phạt. Ông Book cho biết động thái vào tháng trước của Shandong Port Group nhằm cấm các tàu chở dầu bị Hoa Kỳ trừng phạt cập cảng của họ ở tỉnh miền đông Trung Cộng cho thấy tác động mà SHIP có thể gây ra.
Ông Trump cũng chỉ đạo đại sứ của mình tại Liên hiệp quốc làm việc với các đồng minh để “hoàn thành việc khôi phục các chế tài và hạn chế quốc tế đối với Iran”, theo thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới mà qua đó dỡ bỏ chế tài đối với Tehran, và ngược lại, Tehran phải hạn chế chương trình hạt nhân của mình.
Hoa Kỳ đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, và Iran bắt đầu từ bỏ các cam kết liên quan đến hạt nhân theo thỏa thuận. Chính quyền Trump cũng đã cố gắng kích hoạt các chế tài theo thỏa thuận vào năm 2020, nhưng động thái này đã bị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bác bỏ.
Anh, Pháp và Đức đã nói với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào tháng 12 năm ngoái rằng họ sẵn sàng – nếu cần thiết – kích hoạt các chế tài quốc tế đối với Iran để ngăn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.
Họ sẽ mất khả năng thực hiện hành động như vậy vào ngày 18 tháng 10 khi nghị quyết năm 2015 của Liên hiệp quốc hết hạn. Nghị quyết này ghi nhận thỏa thuận của Iran với Anh, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Nga và Trung Cộng, trong đó dỡ bỏ các chế tài đối với Tehran để đổi lấy các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này.
Đại sứ Iran tại Liên hiệp quốc, Amir Saeid Iravani, cho rằng việc “khôi phục” lệnh trừng phạt đối với Tehran sẽ là “phi pháp và phản tác dụng”.
Các nhà ngoại giao châu Âu và Iran đã họp vào tháng 11 năm ngoái và tháng 1 năm nay để thảo luận xem liệu họ có thể làm việc để xoa dịu căng thẳng trong khu vực, bao gồm cả về chương trình hạt nhân của Tehran, trước khi ông Trump trở lại hay không.
Tổng thống Mỹ tạm ngưng một tháng kế hoạch áp thuế quan đối với Canada và Mêhicô (RFI)
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 03/02/2025, đã tạm ngưng trong một tháng kế hoạch áp thuế quan đối với hàng hóa nhập từ Canada và Mêhicô, sau khi hai nước này thông báo tăng cường phòng chống buôn lậu ma túy fentanyl.
Trên mạng xã hội của ông Truth Social, tổng thống Trump cho biết “rất hài lòng” về kết quả thương lượng với Canada. Cụ thể là ông đã đạt được thỏa thuận với thủ tướng Justin Trudeau về việc thực hiện một kế hoạch mà thật ra đã được thông báo từ nhiều tuần qua. Canada sẽ chi ra 1,3 tỷ đôla để tăng cường giám sát biên giới với Hoa Kỳ.
Trước đó, tổng thống Trump cũng đã đạt được thỏa thuận tương tự với nữ tổng thống Mêhicô Claudia Sheinbaum. Mêhicô cam kết sẽ gởi thêm 10.000 quân đến biên giới với Hoa Kỳ để “ngăn chận luồng fentanyl và di dân bất hợp pháp” vào nước Mỹ, theo lời ông Trump.
Đổi lại những cam kết nói trên, tổng thống Mỹ tạm ngưng thực hiện kế hoạch áp thuế quan 25% đối với hàng hóa nhập từ Canada và Mêhicô trong một tháng.
Từ Quebec, thông tín viên Pascale Guericolas tường trình:
“Canada vừa thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất trong thời gian một tháng. Nhưng lý do khiến tổng thống Trump thay đổi quyết định có vẻ khá mơ hồ. Thực ra, động cơ khiến ông tấn công đối tác Canada không liên quan gì đến thực tế.
Để chiều lòng ông, thủ tướng Justin Trudeau đã cam kết bổ nhiệm một quan chức cấp cao đặc trách phòng chống fentanyl, loại ma túy đang gây ra thảm họa ở Hoa Kỳ. Thật ra thì chưa đến 1% loại thuốc này có nguồn gốc từ Canada. Lãnh đạo Canada cũng thông báo 10.000 nhân viên cửa khẩu sẽ giám sát biên giới, cho dù có rất ít người nhập cư bất hợp pháp đi qua ngõ này.
Ngược lại, tình trạng bất ổn mà Donald Trump gây ra cho nền kinh tế Canada rất là rõ. Nói chung, thái độ của tổng thống Mỹ đã khiến người dân Canada cảm thấy bị tổn thương. Đến mức họ xem đây là sự phản bội thực sự đối với một đồng minh lâu năm. Bằng chứng là một số phong trào tẩy chay sản phẩm Mỹ gần đây đã được phát động, điều không thể tưởng tượng được chỉ cách đây vài tuần.”
Panama không tham gia dự án “Con đường Tơ lụa Mới” của Trung Cộng kể từ năm 2026 do áp lực Mỹ (RFI)
Trọng tâm chuyến công du Panama của ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 02/02/2025, là kênh đào Panama, tuyến hàng hải huyết mạch với Mỹ, nơi trung chuyển đến 40% container của Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump ngay ngày đầu nhậm chức đã tuyên bố muốn chấm dứt ảnh hưởng của Trung Cộng tại kênh đào, và nếu cần sẽ « dùng sức mạnh ». Theo AFP, sau cuộc gặp với lãnh đạo ngoại giao Mỹ, tổng thống Panama, José Raul Mulino, thông báo Panama sẽ không triển hạn thỏa thuận tham gia vào « Sáng kiến Vành đai, Con đường » của Trung Cộng, thường gọi là « Con đường Tơ lụa Mới », được tự động triển hạn ba năm một lần, sẽ hết hạn vào năm 2026.
Thông tín viên Grégoire Pourtier tường trình từ Panama :
« Ngày Chủ Nhật này, ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio được hướng dẫn thăm Miraflores để xem kênh đào Panama vận hành ra sao. Tuy nhiên, khía cạnh kỹ thuật nói trên chỉ là thứ yếu, vấn đề thương mại và an ninh mới là tác nhân chính dẫn đến các phản ứng gây gổ của tổng thống Trump.
Sau cuộc gặp ngoại trưởng Mỹ, tổng thống José Raul Mulino muốn trấn an. Ông nói : ‘‘Tôi không cảm thấy có một bầu không khí tranh cãi, cũng không có sự thiếu tôn trọng. Ngược lại, hai bên đều có thái độ chủ động hợp tác, và đặc biệt là quan điểm sẵn sàng vượt qua các thắc mắc hoặc các hoài nghi có thể có về chủ đề này.’’
Ảnh hưởng của Trung Cộng là tâm điểm của các thảo luận, bởi hai cảng biển ở hai đầu kênh đào do một công ty Trung Cộng kiểm soát. Tổng thống Mulino hứa với ngoại trưởng Mỹ sẽ kiểm soát các hoạt động của các cơ sở hạ tầng này.
Ông nói: ‘‘Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997, tức từ khi Panama nhận lại quyền kiểm soát kênh đào, cả hai cảng đều thuộc về một công ty, nằm dưới sự kiểm toán của cơ quan chức năng của Cộng hòa Panama. Như vậy, cần phải đợi đến khi việc kiểm toán kết thúc thì chúng tôi mới có thể rút ra được các kết luận hợp pháp , và đưa ra các quyết định hành động trên cơ sở đó.’’
Về phần mình, ngoại trưởng Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận nguyên trạng, và sẽ có các biện pháp, nếu cần thiết, để bảo đảm là thỏa thuận về tính trung lập của kênh đào được tuân thủ. »
Panama chấp nhận làm điểm trung chuyển đưa di dân bị trục xuất khỏi Mỹ về nước
Ngoài quyết định không triển hạn tham gia dự án « Con đường Tơ lụa Mới » của Trung Cộng, Panama cũng đề xuất sẵn sàng làm địa điểm trung gian, tiếp nhận các di dân vượt biên không giấy tờ bị trục xuất khỏi Mỹ, để sau đó đưa họ về bản quán.
Theo AFP, đây là « phần mở rộng » của dự án trục xuất di dân từ Nam Mỹ vượt biên giới Colombia – Panama, vốn đã được chính quyền tiền nhiệm Joe Biden ký kết với Panama hồi tháng 7/2024. Mỹ chi 6 triệu đô la để tài trợ cho các chuyến bay đưa di dân từ Panama về nước.
Trong năm 2024, gần 300.000 người vượt biên từ Colombia sang Panama, thông qua khu rừng đại ngàn Darien. Đại đa số là người Venezuela, nhưng trong số họ cũng có nhiều người Colombia, Ecuador, Trung Cộng hay Haiti.
TIN VIỆT NAM.
CSW: Việt Nam cấm xuất cảnh 3 nhân chứng tham dự hội nghị tự do tôn giáo
Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) và ban tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF Summit) vừa chỉ trích mạnh mẽ việc chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh 3 nhà hoạt động, ngăn cản họ dự sự kiện này ở Mỹ.
Ông Mervyn Thomas, chủ tịch sáng lập CSW, người đang tham dự hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Washington, nêu rõ trong thông báo ngày 3/2: ‘Chính phủ Việt Nam đang cố gắng bịt miệng những nhân chứng đã dũng cảm làm chứng về những vi phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng mà họ phải đối mặt ở Việt Nam”.
Ngày 28/1, hai chức việc Cao Đài độc lập là bà Nguyễn Xuân Mai và ông Nguyễn Ngọc Diến bị cấm xuất cảnh khi họ sắp khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ, với lý do “quốc phòng, an ninh”.
Trước đó, hôm 26/1, Đại đức Thích Nhật Phước, thế danh Nguyễn Thanh Cường, một thành viên của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng bị cấm xuất cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, với cùng lý do “quốc phòng, an ninh”.
Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRF Summit) là sự kiện hàng năm được tổ chức ở thủ đô của Mỹ, nơi các giới chức chính phủ, các tổ chức tôn giáo quốc tế và giới hoạt động gặp gỡ để thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng trên toàn thế giới. Sự kiện năm nay được tổ chức từ ngày 4-5/2.
“Những vụ cấm xuất cảnh này chỉ làm nổi bật sự hoang tưởng của đảng cộng sản cầm quyền và sự cùng quẫn về việc bịt miệng và đàn áp những người lên tiếng chống lại họ”, ông Thomas bình luận, đồng thời kêu gọi Hà Nội cho phép 3 nhà hoạt động nêu trên được tự do tham dự hội nghị.
Ông Sam Brownback, đồng chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh IRF, đồng thời là cựu Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, nói trong một thông cáo: “Vụ việc này sẽ không thể được chính phủ Hoa Kỳ bỏ qua. Việt Nam ở trên một ranh giới mong manh về việc đối xử với những người có đạo. Đây có thể là tất cả những gì cần thiết để đưa họ trở lại danh sách Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC)”.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép những cá nhân này tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế, còn ngược lại, chúng tôi sẽ nhấn mạnh tại Hội nghị Thượng đỉnh này về hành động cấm đoán của Việt Nam”, vẫn lời ông Brownback.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ bình luận về các phát biểu trên của CSW và ban tổ chức IRF Summit.
Theo CSW, ban tổ chức mời 3 nhân chứng trên từ Việt Nam và cả 3 đều được cho là đã bị chính quyền Việt Nam tạm hoãn xuất cảnh.
Theo trang Mạch Sống của tổ chức phi chính phủ BPSOS hôm 3/2, cả 3 người bị cấm xuất cảnh nêu trên đều đã từng báo cáo với Liên Hiệp Quốc “về các vi phạm về quyền tự do tôn giáo” ở Việt Nam. Chẳng hạn, Đại đức Thích Nhật Phước, hồi tháng 8/2023, đã báo cáo các vi phạm với bà Nazila Ghanea, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Tự do Tôn giáo hay Đức tin.
Trao đổi với VOA, Đại đức Thích Nhật Phước cho biết rằng ông dự kiến sẽ trình bày về vấn đề “tự do tôn giáo” bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế tại Washington.
“Tôi sẽ trình bày những sự thật mà tôi gặp phải mà chính quyền Việt Nam đã áp đặt đối với tôi, cũng như việc tôi không đồng ý gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Đại đức Thích Nhật Phước cho biết.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance dự kiến sẽ có bài phát biểu vào ngày 5/2 nêu bật cam kết của chính quyền Trump trong việc chống đàn áp tôn giáo trên toàn cầu tại hội nghị này, theo một thông cáo từ ban truyền thông của hội nghị phát đi hôm 3/2 mà VOA nhận được. Nhà Trắng chưa xác nhận sự tham dự của ông Vance.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ vi phạm tự do tôn giáo, khăng khăng rằng các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân luôn được tôn trọng và đảm bảo.
Nhóm nhân quyền: Việt Nam đàn áp XHDS có hệ thống, vi phạm hiệp định EVFTA
Bốn tổ chức nhân quyền quốc tế vừa nộp đơn khiếu nại lên Vụ Thương mại của Ủy ban Châu Âu, cáo buộc rằng việc chính quyền Việt Nam đàn áp các nhà bảo vệ nhân quyền đã vi phạm Hiệp định Thương mại Tự do Liên hiệp châu Âu-Việt Nam (EVFTA).
Trong thông cáo chung hôm 4/2, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR), Đoàn kết Công giáo Toàn Cầu (CSW) và Nhân chứng Tòan cầu (Global Witness) đánh giá rằng việc chính phủ Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống các tổ chức và các nhà đấu tranh bảo vệ sự phát triển bền vững đã vi phạm trầm trọng hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020.
“Chính phủ Việt Nam đang giam cầm những cá nhân bày tỏ quan ngại chính đáng về việc bảo vệ môi trường, các vi phạm quyền lao động và quyền đất đai, cũng như tác động xã hội-kinh tế của các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư”, bà Gaëlle Dusepulchre, Phó Giám đốc Ban Kinh doanh, Nhân quyền và Môi trường của FIDH, nêu ý kiến trong thông cáo. “Cuộc đàn áp này không thể chấp nhận được và còn làm suy yếu việc giám sát hiệu quả các điều khoản phát triển bền vững của EVFTA”.
“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho tất cả những người bị giam giữ tùy tiện vì đã vận động ôn hòa đòi hỏi nhân quyền, và yêu cầu Hà nội tạo ra môi trường thuận lợi cho xã hội dân sự”, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch VCHR, nhấn mạnh.
Bà nói rằng Việt Nam đã cam kết duy trì các quyền này khi phê chuẩn EVFTA “nhưng không bao giờ tôn trọng lời hứa”.
“Đã đến lúc EU phải ràng buộc Việt Nam chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm trắng trợn hiệp định thương mại. Các nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam phải được an toàn và tự do khi họ yêu cầu chính quyền có trách nhiệm giải trình, và đứng lên bảo vệ cộng đồng mình”, vẫn lời bà Ỷ Lan.
Các tổ chức nộp đơn khiếu nại ước tính rằng có rất nhiều người bảo vệ quyền môi trường, đất đai và lao động hiện đang bị giam giữ một cách tùy tiện tại Việt Nam. Đơn khiếu nại ghi lại khoảng 40 trường hợp tiêu biểu đang phải chịu án tù từ 3 năm rưỡi đến 20 năm vì hành động ủng hộ sự phát triển bền vững, vẫn theo thông cáo chung.
Thông cáo nêu một số nhà hoạt động hiện vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả do công việc trực tiếp của họ liên quan đến EVFTA như nhà báo Phạm Chí Dũng, luật sư môi trường Đặng Đình Bách.
“Chúng tôi cực lực lên án việc bắt giữ và bỏ tù những người bảo vệ đất đai và môi trường ở Việt Nam, đây dường như là một phần của mô hình hình sự hóa đáng lo ngại được thiết kế để trừng phạt họ vì hoạt động bảo vệ môi trường và nhân quyền của họ”, bà Beate Beller, nhà vận động thuộc Global Witness, đưa ra quan điểm.
Các tổ chức này đồng thanh kêu gọi chính quyền Việt Nam “chấm dứt mọi hành vi quấy rối, đe dọa” những người bảo vệ này và trả tự do cho những người vẫn đang bị giam giữ ngay lập tức và vô điều kiện.
Nhóm kêu gọi rằng EU phải đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền và môi trường cao nhất trong giao dịch thương mại với Việt Nam.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và Liên hiệp châu Âu, đề nghị họ đưa ra bình luận về đơn khiếu nại nêu trên, nhưng chưa được phản hồi.
Hôm 8/1/2025, nghị viên EU Jonas Sjöstedt chất vấn vai trò giám sát của Uỷ ban châu Âu về việc thực thi EVFTA. Ông cho rằng EVFTA, có hiệu lực từ 4 năm trước, đã tạo ra các cơ hội kinh tế, nhưng những tiến bộ của Việt Nam về quyền lao động, điều kiện làm việc và tiêu chuẩn môi trường còn chậm, “đe dọa nền tảng đạo đức” của hiệp định thương mại EU-Việt Nam.
“Những người bảo vệ nhân quyền, các nhà báo và các nhà hoạt động ôn hòa vẫn đang phải đối mặt với sự kiểm duyệt, bắt bớ và đàn áp. Ngoài ra, xu hướng đàn áp xuyên quốc gia ngày càng tăng đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài đang khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn”, ông Sjöstedt nhận xét.
Nhà lập pháp người Thụy Sĩ đồng thời yêu cầu làm rõ vai trò giám sát ủy ban trong việc thực hiện các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam và những trở ngại của quốc gia này đối với quyền tự do lập hội.
Hồi tháng 5/2024, EU công bố phúc trình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cho rằng “không gian xã hội dân sự đang ngày càng bị thu hẹp” và Hà Nội “có rất ít bước phát triển tích cực đáng kể về lĩnh vực nhân quyền” trong năm 2023.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận xét rằng báo cáo nhân quyền của EU “đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam”.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ năm 2024 tới 123 tỷ Mỹ kim
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong năm 2024, dữ liệu của Hoa Kỳ công bố vào thứ Tư (5/2) cho thấy, có khả năng làm phức tạp thêm nỗ lực của Hà Nội nhằm ngăn chặn thuế quan thương mại từ tân chính quyền Trump.
Dữ liệu cho thấy quốc gia Đông Nam Á này chỉ đứng sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mexico về quy mô mất cân bằng thương mại với Washington, nhưng các nhà phân tích cho biết cam kết của Hà Nội về việc nhập khẩu nhiều hơn từ Hoa Kỳ cũng như các biện pháp bù đắp khác có thể giúp nước này tránh được các biện pháp trừng phạt.
Thuế quan toàn diện của Hoa Kỳ đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã có hiệu lực vào thứ Ba, khiến Bắc Kinh phản ứng ngay lập tức, trong khi ông Trump cũng đe dọa EU bằng các khoản thuế mới. Mexico và Canada hôm thứ Ba đã được hoãn áp dụng khoản thuế 25% mới sau khi họ hứa sẽ tăng cường bảo vệ biên giới.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về Việt Nam kể từ khi tái đắc cử, nhưng “ông ấy vẫn bị ám ảnh bởi thâm hụt thương mại”, khiến quốc gia này có khả năng trở thành mục tiêu áp thuế, Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich Foundation, có trụ sở tại châu Á, cho biết.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ tăng hàng năm gần 20% vào năm 2024 lên mức kỷ lục vượt quá 123 tỷ đô la, theo dữ liệu mới nhất từ chính phủ Hoa Kỳ.
Trong cùng kỳ, khoảng cách với Trung Quốc tăng chưa đến 6% lên 295,4 tỷ đô la, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm vào năm 2018. Thặng dư với EU tăng gần 13% lên mức cao 235,5 tỷ đô la và thâm hụt với Mexico tăng 12,5% lên gần 172 tỷ đô la, cũng là mức kỷ lục mọi thời đại.
Việt Nam và Mexico đều là những nước hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gần đây, khi các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài để tránh thuế quan áp dụng đối với Bắc Kinh từ năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
RỦI RO VỀ CHIP
Bất chấp thâm hụt thương mại ngày càng tăng, Việt Nam đang ở một vị thế khác so với các nước xuất khẩu hàng đầu khác, vì Việt Nam không gây ra mối đe dọa an ninh rõ ràng đối với Hoa Kỳ, bà Sayaka Shiba, một nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu BMI, nhận định.
Chính quyền Trump đã chuẩn bị thuế quan đối với Mexico và Trung Quốc theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), viện dẫn các rủi ro từ nhập cư và ma túy, bà Shiba nói, đồng thời lưu ý rằng “sẽ khó hơn để lập luận một cách thuyết phục rằng Việt Nam là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.
Bà Shiba cho rằng Việt Nam vẫn có thể phải đối mặt với thuế quan liên quan đến thương mại, đồng thời nói thêm rằng các biện pháp như vậy sẽ cần được duy trì thông qua các cuộc điều tra, điều này sẽ giúp Việt Nam có thời gian tìm ra cách để tránh chúng.
Theo bà Shiba, thuế quan theo ngành có thể mang lại rủi ro cao hơn cho Việt Nam, đặc biệt là đối với việc nhập khẩu chất bán dẫn, lưu ý rằng Việt Nam là nước xuất khẩu chất bán dẫn hàng đầu sang Hoa Kỳ.
Các quan chức Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố họ sẽ tìm cách thỏa hiệp với Washington về thương mại. Trước đó vào thứ Tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ thị cho các quan chức chuẩn bị cho tác động của một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu có thể xảy ra mà không đề cập đến viễn cảnh áp thuế đối với Việt Nam, theo một bài đăng trên cổng thông tin chính phủ.
Trong số các biện pháp có thể có là thúc đẩy nhập khẩu khí đốt LNG từ Hoa Kỳ và giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, chẳng hạn như đậu nành, bông và thịt, bà Shiba cho biết, lưu ý rằng xuất khẩu khó cắt giảm vì chúng chủ yếu đến từ các công ty đa quốc gia lớn hoạt động tại Việt Nam, chẳng hạn như Samsung Electronics và Intel.
“Hứa mua hàng là chiến lược tốt nhất cho Việt Nam, ngay cả khi không phải lúc nào cũng có thể đạt được kết quả hữu hình trong ngắn hạn”, bà Elms nói thêm.
Mỹ kết án một người Việt 44 năm tù vì định tấn công tự sát vào sân bay Heathrow, London
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo hôm thứ Ba 4/2 rằng một người đàn ông Việt Nam bị kết án 44 năm tù vì cố gắng thực hiện một vụ tấn công tự sát tại Sân bay Quốc tế Heathrow ở London, Vương quốc Anh.
Minh Quang Pham, 41 tuổi, bị cáo buộc đã đến Yemen để được al Qaeda ở Bán đảo A rập huấn luyện quân sự. Ông này đã nhận tội về các cáo buộc, bao gồm cả hành vi hỗ trợ vật chất cho nhóm này.
Công tố liên bang Mỹ chuyên trách Quận hạt phía Nam của New York, bà Danielle R. Sassoon, mô tả rằng hành động của ông ta không chỉ gây hại đến sự an toàn của Mỹ “mà còn cả các nguyên tắc về hòa bình và an ninh mà chúng ta trân trọng”.
“Bản án hôm nay nhấn mạnh quyết tâm chung của chúng ta nhằm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố trước khi nó xảy ra và đưa những kẻ khủng bố tiềm tàng vào tù”, bà Sassoon nêu rõ trong một tuyên bố.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết ông Pham đã đi từ Vương quốc Anh đến Yemen vào tháng 12/2010 và tuyên thệ trung thành với nhóm chiến binh mà Mỹ liệt vào hạng một tổ chức khủng bố.
Ông ta đã dành một năm ở Yemen, ở đó, ông ta được đào tạo “kiểu quân sự” và giúp biên soạn tạp chí Inspire của nhóm, làm việc trực tiếp với Samir Khan, một công dân Hoa Kỳ từng là biên tập viên và người này đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Hoa Kỳ vào năm 2011, vẫn theo Bộ Tư pháp.
Ông Pham đã bị nhà chức trách Anh bắt giữ vào năm 2011 và bị dẫn độ đến Hoa Kỳ sau đó 4 năm để đối mặt với các cáo buộc khủng bố, bộ cho biết thêm.
Việt Nam: Nguy cơ gián đoạn hoạt động cung ứng do quy định lái xe nghiêm ngặt
Tại Việt Nam, một khảo sát được công bố hôm nay 04/02/2025 cho biết, các doanh nghiệp vận tải và cung ứng trong nước quan ngại về nguy cơ gián đoạn hoạt động và tăng chi phí do các quy định giao thông nghiêm ngặt có hiệu lực kể từ đầu năm 2025.
Khảo sát do công ty tư vấn chuỗi cung ứng CEL thực hiện qua trao đổi với 460 giám đốc điều hành và các nhân viên làm việc chủ yếu trong lĩnh vực cung ứng và phân phối. Theo đó, « khoảng 80% doanh nghiệp cho biết về tình trạng gián đoạn ở mức độ trung bình đến nghiêm trọng, đặc biệt là trong vận tải đường dài. »
Nguyên nhân là từ đầu năm 2025, chính phủ áp đặt các quy định mới về an toàn giao thông, tăng mạnh mức tiền phạt đối với các vi phạm luật giao thông chẳng hạn như không tuân thủ đèn giao thông.
Ngoài ra, để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam cũng ban hành các quy định mới giới hạn giờ lái xe, yêu cầu tài xế đường dài phải nghỉ ít nhất 15 phút sau mỗi bốn giờ lái xe. Thời lượng này vẫn còn thấp hơn so với tại Liên Hiệp Châu Âu là ít nhất 45 phút sau mỗi 4,5 giờ lái xe.
Tuy nhiên, để tuân thủ các quy định mới, các doanh nghiệp dự kiến phải tuyển dụng thêm lao động, dẫn đến chi phí hoạt động tăng thêm 20%. Khảo sát lưu ý thêm rằng 70% các công ty được khảo sát cho biết chi phí đã tăng đáng kể do giờ lái xe giảm và mức tiền phạt cao hơn.
Văn phòng chính phủ Việt Nam hiện chưa trả lời đề nghị bình luận từ Reuters. Nhưng giới chức Việt Nam khẳng định các quy định mới này là cần thiết để giảm tai nạn giao thông.
Reuters lưu ý, Việt Nam là nơi tập trung nhiều hoạt động sản xuất gia công cho nhiều thương hiệu đa quốc gia lớn, bao gồm cả Sam Sung, Apple và Nike.