TIN THẾ GIỚI.

Ukraine nói sẽ làm mọi cách có thể để duy trì quan hệ với Hoa Kỳ sau khi Trump tạm dừng viện trợ (VOA)

Ukraine hôm 4/3 nói sẽ làm mọi cách có thể để duy trì quan hệ với Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Donald Trump tạm dừng viện trợ quân sự cho Kyiv trong bước đi mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trong quá trình chuyển hướng sang quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

Ông Trump đã đảo ngược chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine và Nga, lên đến đỉnh điểm là cuộc tranh cãi tại Nhà Trắng hôm 28/2, khi ông Trump chỉ trích Tổng thống Volodymyr Zelenskyy vì không biết ơn sự ủng hộ của Washington.

Tổng thống Trump đã nói rõ rằng ông ấy tập trung vào hòa bình. Chúng tôi cần các đối tác của mình cũng cam kết với mục tiêu đó. Chúng tôi đang tạm dừng và xem xét lại viện trợ của mình để đảm bảo rằng nó đang góp phần vào giải pháp“, một quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm 3/3.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết Kyiv vẫn có đủ phương tiện để cung cấp cho lực lượng tiền tuyến của mình. Ông cho biết viện trợ quân sự của Hoa Kỳ rất quý giá và cứu được hàng nghìn sinh mạng, và Kyiv sẽ làm mọi cách có thể để duy trì quan hệ với Washington.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Hoa Kỳ thông qua mọi kênh có thể một cách bình tĩnh“, ông Shmyhal phát biểu tại một cuộc họp báo. “Chúng tôi chỉ có một kế hoạch – giành chiến thắng và sống sót. Hoặc là chúng tôi giành chiến thắng, nếu không kế hoạch B sẽ được người khác viết ra”.

Các chuyên gia quân sự cho rằng có thể mất thời gian để tác động của việc thiếu viện trợ của Hoa Kỳ được cảm nhận trên chiến trường.

Khi viện trợ của Hoa Kỳ bị đảng Cộng hòa tại Quốc hội trì hoãn trong nhiều tháng vào năm ngoái, tác động ban đầu đáng chú ý nhất là tình trạng thiếu thiết bị phòng không để bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Sau đó, lực lượng Ukraine ở phía đông phàn nàn về tình trạng thiếu đạn dược, bao gồm cả đạn pháo.

Việc tạm dừng này gây thêm áp lực cho các đồng minh châu Âu, dẫn đầu là Anh và Pháp, những nhà lãnh đạo của cả hai nước đều đã đến thăm Nhà Trắng vào tuần trước và đã công khai ủng hộ ông Zelenskyy kể từ vụ tranh cãi tại Phòng Bầu dục.

Người châu Âu đang chạy đua để tăng chi tiêu quân sự của riêng họ và cung cấp hỗ trợ thay thế cho Kyiv, bao gồm cả kế hoạch đưa quân vào thực địa để hỗ trợ bất kỳ lệnh ngừng bắn nào, mặc dù họ nói rằng họ vẫn cần một số hình thức hỗ trợ của Hoa Kỳ.

Pháp lên án lệnh đóng băng viện trợ. Việc đình chỉ vũ khí cho Ukraine khiến hòa bình “xa vời hơn, vì nó chỉ củng cố thêm bàn tay của kẻ xâm lược trên thực địa, đó là Nga”, Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Pháp, ông Benjamin Haddad nói.

Anh thận trọng hơn. Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết London vẫn cam kết đảm bảo hòa bình ở Ukraine.

Người dân Ukraine, những người đã chịu đựng ba năm chiến tranh chống lại một kẻ thù mạnh hơn, đã bị choáng váng trước một động thái mà nhiều người mô tả là sự phản bội. Ông Oleksandr Merezhko, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của quốc hội Ukraine, cho biết có vẻ như ông Trump đang “đẩy chúng tôi đến bờ vực đầu hàng”.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố các đề xuất tăng chi tiêu cho quốc phòng tại EU, mà bà cho biết có thể huy động tới 800 tỷ euro (840 tỷ đô la). EU sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào ngày 6/3.


Trước Quốc Hội, TT Trump thông báo Ukraina sẵn sàng đàm phán với Nga, ký thỏa thuận khoáng sản với Mỹ (RFI)

Ngày 04/03/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc Hội kể từ khi trở lại Nhà Trắng. Trong bầu không khí khá căng thẳng, ông Trump tuyên bố « Không gì có thể ngăn cản giấc mơ Mỹ », đồng thời thông báo tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky chấp nhận ký kết thỏa thuận về khoáng sản với Hoa Kỳ.

Từ Miami, thông tín viên David Thomson tường thuật :

« Ông Donald Trump hãnh diện nói, xin trích, “hôm nay tôi đã nhận được một thư quan trọng từ tổng thống Zelensky”. Nguyên thủ Mỹ đọc nội dung bức thư trước các nghị sĩ Mỹ tụ họp tại Quốc Hội ở thủ đô Washington.

Trong bức thư này, ông Trump nói, tổng thống Ukraina cho biết sẵn sàng trở lại bàn đàm phán ngay khi có thể, sẵn sàng làm việc dưới sự chỉ đạo nhiệt tình của tổng thống Trump nhằm tìm kiếm một nền hòa bình bền vững bởi vì không ai mong mỏi có hòa bình bằng người Ukraina. Và nhất là theo ông Trump, tổng thống Zelensky còn nói sẵn sàng ký kết thỏa thuận về khoáng sản rất được chủ nhân Nhà Trắng trông đợi để có thể bắt đầu khai thác các tài nguyên thiên nhiên của Ukraina.

Ông Trump nói tiếp : “Tôi hài lòng là ông ấy đã gởi lá thư mà tôi vừa nhận được“. Tổng thống Mỹ có vẻ sẵn sàng bỏ qua cuộc đấu khẩu dữ dội hôm thứ Sáu (28/02/2025) tại phòng Bầu Dục với đồng nhiệm Ukraina. Sau sự cố ngoạn mục này, ông Trump đã tạm đình chỉ chi viện quân sự Mỹ cho Ukraina và ra điều kiện là tổng thống Ukraina phải thay đổi thái độ để nối lại đàm phán.

Cũng theo nguyên thủ Mỹ, “cùng lúc, chúng ta đã có những cuộc thương thảo nghiêm túc với phía Nga”. Trước các nghị sĩ, Donald Trump chất vấn, “điều đó chẳng phải là tuyệt vời ư ? Đã đến lúc phải chấm dứt những màn giết chóc điên rồ và để đạt được điều đó, chúng ta nên nói chuyện với cả hai phe !”

Đây còn là một thông điệp mà ông Trump gởi đến các nghị sĩ đảng Dân Chủ, có nét mặt cứng rắn trong suốt hai giờ nghe diễn văn. Nhiều người trong số họ khoác trên vai cờ Ukraina và cáo buộc ông Trump đã trở thành người phát ngôn cho Vladimir Putin ».


TT Mỹ muốn tái khởi động dự án ống dẫn khí đốt từ Alaska đến châu Á (RFI)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 04/03/2025 cho biết sắp tới ông có ý định hoàn tất dự án đường ống dẫn khí đốt tại Alaska cho phép cung cấp khí đốt đến « Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác ».

Trong bài diễn văn đầu tiên ở Quốc Hội, tổng thống Mỹ thông báo dự án quy mô lớn đang được nghiên cứu, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cùng nhiều quốc gia khác « có thể sẽ là đối tác » của Mỹ. Theo ông, mọi việc đã « sẵn sàng » để có thể khởi động dự án.

Dự án đường ống dẫn khí đốt này đã được Donald Trump đề cập với thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hồi đầu tháng Hai và đã được lãnh đạo chính phủ Nhật Bản ủng hộ, cam kết mua với « số lượng kỷ lục » khí tự nhiên của Mỹ.

Cũng theo ông Trump, các nước có liên quan đã cam kết thực hiện « những khoản đầu tư hàng ngàn tỷ đô la mỗi nước » trong dự án này. Nhưng hiện tại chưa có một chính phủ nước ngoài nào có những thông báo cụ thể về hồ sơ này, ngoài việc bày tỏ sự quan tâm đến dự án như Đài Loan, Hàn Quốc hay Philippines.

AFP nhắc lại, là người ủng hộ nhiệt tình năng lượng hóa thạch, tổng thống Trump ngay ngày đầu nhiệm kỳ đã công bố tình trạng « khẩn cấp năng lượng » để thúc đẩy ngành sản xuất khí đốt của Mỹ, đồng thời ký sắc lệnh hủy lệnh cấm do người tiền nhiệm ban hành liên quan đến các cuộc thăm dò mới tại một vùng biển rộng lớn.


Kênh đào Panama: Công ty Hồng Kông nhượng quyền khai thác cảng cho đối tác Mỹ (RFI)

Tập đoàn Hồng Kông Hutchison đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để chuyển nhượng quyền khai thác các cảng mà họ đang quản lý gần kênh đào Panama, cho một liên doanh của Mỹ do công ty BlackRock đứng đầu.

Công ty Hutchison khẳng định đây chỉ đơn thuần là một thương vụ, còn chính quyền Panama nhấn mạnh đến khía cạnh giao dịch giữa các công ty tư nhân.

Hai cảng CristobalBalboa sẽ được chuyển giao cho Cty Blackrock của Mỹ khai thác.

Thông tin chuyển nhượng được đưa ra hôm 03/03/2025, trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo là việc khai thác kênh đào Panama chịu ảnh hưởng của Trung Cộng và dọa thu hồi lại quyền kiểm soát kênh đào từ Panama.

Từ Panama, thông tín viên Grégoire Pourtier cho biết thêm :

« Chính quyền Panama chỉ thông báo ghi nhận việc công ty Hutchison của Hồng Kông sắp nhượng lại quyền khai thác 2 cảng nằm ở hai phía đầu kênh đào Panama. Tổng thống đất nước nhỏ bé ở Trung Mỹ phát biểu : « Đây là giao dịch tổng thể giữa hai công ty tư nhân, xuất phát từ lợi ích chung của họ ».

Thông cáo cho biết, « chính phủ sẽ bảo đảm là các quy định và luật pháp địa phương được tuân thủ ». Nhưng văn bản đặc biệt nêu rõ là trong mọi trường hợp, việc thẩm định hoạt động của hai cơ sở hạ tầng này vẫn sẽ được hoàn tất.

Cuộc thanh tra này được ra lệnh tiến hành cách nay vài tuần, khi Donald Trump gây sức ép, tố cáo kênh đào Panama chịu ảnh hưởng của Trung Cộng. Lời cáo buộc này đã gây kinh ngạc, bởi vì Panama có toàn quyền quản lý kênh đào, và công ty Hutchison của Hồng Kông chỉ quản lý 2 cảng trong khu vực, 1 trong 3 cảng khác thậm chí còn do một công ty của Mỹ khai thác.

Tập đoàn Hồng Kông khổng lồ khẳng định việc rút khỏi Panama không liên quan gì đến lời đe dọa của Donald Trump.

Từ nay, cần chờ xem dự án của công ty BlackRock mua lại các cảng Balboa và Cristobal có đủ để làm hài lòng ông Donald Trump hay không ».

Tổng thống Mỹ dường như chưa có dấu hiệu ngừng gia tăng sức ép với Panama. Sau thông báo của Panama, trong bài diễn văn trước Quốc Hội, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ « giành lại kênh đào Panama » để « củng cố, tăng cường an ninh quốc gia » của Mỹ.


Thượng đỉnh Luân Đôn: Kiev được an ủi nhưng vẫn không hết lo lắng (RFI)

Thượng đỉnh Luân Đôn có thể đem lại cho Kiev nguồn động viên không nhỏ vào  thời điểm khó khăn sau khi bị Mỹ đổi thái độ. Những nỗ lực của các đồng minh “tình nguyện” ở Luân Đôn ngày 02/03/2025, chưa thể đủ để giúp Ukraina trên con đường tìm kiếm một nền hòa bình bền vững.

Thông tín viên Emmanuelle Chaze tại Kiev tường trình;

Người dân Ukraina có thể vui mừng trước những thông báo cụ thể mà Keir Starmer đưa ra, chẳng hạn như việc sắp tới chuyển một phần khoản vay 2,8 tỷ đô la của Anh từ lợi nhuận các tài sản bị đóng băng của Nga hay Luân Đôn cấp  bổ sung 2 tỷ đô la để mua tên lửa cho hệ thống phòng không cho Ukraina. Điều đó cũng  đủ để Ukraina yên tâm về hành động bộc phát của các đồng minh châu Âu.

Liên minh tự nguyện này, như tên gọi của Keir Starmer, là sự tương phản đáng ghi nhận với thảm họa ngoại giao mà Washington thể hiện. Nhưng nếu Keir Starmer bảo đảm rằng các đồng minh đang làm việc vì chủ quyền và an ninh của Ukraina và muốn có một nền hòa bình lâu dài được đàm phán bởi một Ukraina mạnh nhất có thể, thì vẫn còn nhiều câu hỏi về phía Ukraina: Các đồng minh không còn đề cập đến toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina và ngay cả khi đạt được ngừng hay hưu chiến, thì những thỏa thuận đã được ký trong quá khứ vẫn thường xuyên bị Nga vi phạm, trong khi đó Washington đồng điệu với các phát ngôn của Điện Kremlin đối với Ukraina và hạ nhục tổng thống Zelensky trong chuyến thăm của ông.

Nhiều người ở đây tự hỏi liệu Kiev có thể còn trông cậy vào sự ủng hộ của Mỹ, một sự ủng hộ mà các đồng minh khác của Ukraina vẫn đánh giá là không thể thiếu.


Trung Cộng tăng ngân sách quốc phòng thêm 7,2% cho năm 2025 (RFI)

Một ngày sau Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Cộng (Chính Hiệp), hôm nay 05/03/2025 tại Bắc Kinh, bắt đầu kỳ họp hàng năm Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc Hội), với sự tham dự chủ tịch Tập Cận Bình và gần 3.000 đại biểu.

Theo AFP, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, trong báo cáo công tác thường niên, thủ tướng Trung Cộng Lý Cường thông báo ngân sách quân sự cho năm 2025 tăng 7,2%. Từ nhiều thập niên qua, Bắc Kinh liên tục tăng chi tiêu quân sự, đặc biệt là để tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương. Trung Cộng hiện giờ là nước chi tiêu nhiều cho quân sự, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

TT Lý Cường (ảnh minh hoạ)

Riêng về hồ sơ Đài Loan, 1 trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Cộng, theo Reuters, thủ tướng Lý Cường khẳng định Bắc Kinh « kiên quyết thúc đẩy » nỗ lực để « thống nhất » Đài Loan, phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài, và nỗ lực hợp tác với người dân Đài Loan để phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Người đứng đầu chính phủ cũng thông báo các ưu tiên kinh tế cho năm 2025, trong bối cảnh kinh tế Trung Cộng đang trì trệ và hàng xuất khẩu của Trung Cộng sang Mỹ bị tổng thống Donald Trump áp thêm mức thuế 20%.

Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế « khoảng 5% » cho năm 2025, bằng mức năm ngoái. Nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng mục tiêu này đầy tham vọng, bởi vì nền kinh tế Trung Cộng đang đối mặt với khủng hoảng kéo dài về bất động sản, tiêu dùng trì trệ và tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ cao.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst gửi về bài tường trình :

« Thủ tướng Lý Cường cảnh báo, nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn. Ngoại thương và công nghệ đang chịu nhiều áp lực. Chủ nghĩa bảo hộ, hàng rào thuế quan và căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ là những vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc Hội lo ngại, trong đó có Line Chunchao, đại diện cho Hồng Kông.

Ông nói : “Có những thách thức cần vượt qua, nhưng chúng tôi không sợ hãi và vẫn giữ bình tĩnh. Chúng tôi sẽ tìm ra một giải pháp tốt có lợi cho tất cả mọi người. Và vì đây là nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump, nên chúng tôi có thể dự đoán tốt hơn một chút chiến lược của ông ấy. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm một thỏa thuận, nhưng đó phải là một thỏa thuận hợp lý ».

Bắc Kinh tỏ ra tự tin, và vẫn ấn định mục tiêu tăng trưởng ở mức 5%. Một cú đặt cược đầy tham vọng vào lúc ngành bất động sản đang bị khủng hoảng và tiêu dùng đang chật vật hồi phục. Để hỗ trợ nền kinh tế, Trung Cộng dự kiến ​​thâm hụt ngân sách ở mức 4% GDP, một quyết định hiếm thấy cho thấy rõ mong muốn kích thích đầu tư và tái thúc đẩy các hoạt động.

Một ưu tiên khác là quốc phòng. Ngân sách quân sự tăng thêm 7,2% trong bối cảnh quốc tế ngày càng căng thẳng. Không muốn đối đầu nhưng Trung Cộng đang chuẩn bị cho một công cuộc cạnh tranh mạnh mẽ về kinh tế và chiến lược.

Và cuối cùng, Trung Cộng đẩy nhanh quá trình tự chủ về công nghệ để giảm lệ thuộc vào các công nghệ phương Tây, lách các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Bắc Kinh định hướng cho năm 2025 : đó là ổn định, kháng cự bền vững và tự cung tự cấp ».


Nga thuyết phục các blogger quân sự hiếu chiến chấp nhận lệnh đình chiến với Ukraina (RFI)

Một video tuyên truyền, gợi lên viễn cảnh chiến tranh ở Ukraina kết thúc, và do chính quyền thực hiện để biện minh cho việc ngừng giao tranh với Kiev đã được phát tán rộng rãi trên các kênh Telegram của Nga trong tuần qua.

Báo Pháp Le Monde hôm 01/03/2025 cho biết video được kênh Telegram Pool N3 đăng hôm thứ Bảy 22/02, rồi được các kênh Telegram ở Nga phát tán rộng rãi.

Khả năng chấm dứt chiến sự theo sáng kiến ​​của chính quyền Mỹ khiến các blogger quân sự Nga nản lòng. Những người này từng tin rằng chiến thắng đã ở trong tầm tay của Matxcơva và cần phải tiếp tục phóng thêm drone và tên lửa đạn đạo vào các thành phố của Ukraina. Một số người sửng sốt khi xem video, đến mức cho rằng đó có thể là một trò lừa bịp của cơ quan tình báo Ukraina, nhằm làm suy yếu tinh thần của các đội quân Nga.

Nhưng theo Le Monde, trên thực tế, video có nguồn gốc trực tiếp từ cơ quan tuyên truyền của điện Kremlin. Mục tiêu là nhằm định hướng dư luận, và là thông điệp mà chính quyền Puttin đang cố gắng truyền tải tới những người hiếu chiến để họ chấp nhận lệnh ngừng bắn, vốn dĩ không phải là một chiến thắng : điện Kremlin sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu chiến tranh nào, không chiếm được thủ đô Ukraina, cũng không lật đổ được « chế độ Đức Quốc xã ở Kiev » và mọi hy sinh của binh sĩ Nga cuối cùng đều là để mời Hoa Kỳ đến khai thác khoáng sản dưới lòng đất mà họ cho là « của Nga ».

Kênh Telegram Deux Majors (có 1,2 triệu người đăng ký) lưu ý video tuyên truyền nói trên cho thấy một sự thay đổi so với quan điểm ban đầu mà truyền thông Nhà nước Nga đưa ra khi « chiến dịch đặc biệt » bắt đầu.

Một sự thay đổi giọng điệu khác cũng được ghi nhận : Hồi đầu cuộc chiến, Margarita Simonian, tổng biên tập báo Nga Russia Today, cơ quan truyền thông hàng đầu của chế độ Putin, từng đưa ra lời kêu gọi « đè bẹp, nghiền nát Ukraina », nhưng gần đây giọng điệu của vị tổng biên tập này cũng thay đổi hoàn toàn : « Tôi muốn chúng ta chiếm được Kiev, Odessa, Kharkiv và tất cả những nơi còn lại, nhưng trên thực tế, điều chúng ta có thể đồng ý với Trump là giữ lại các vùng lãnh thổ của chúng ta, và chúng ta dừng lại ở chiến tuyến ». Margarita Simonian nhấn mạnh phải dựa vào « thực tế chứ không phải mơ ước ».


Hoa Kỳ áp dụng mức thuế mới và bổ sung đối với hàng hóa nhập từ Canada, Mêhicô và Trung Cộng (RFI).

Các biện pháp thuế quan mà Hoa Kỳ nhắm vào hàng hóa nhập từ Mêhicô và Canada vốn bị tạm hoãn lại, chính thức có hiệu lực vào hôm 04/03/2025. Hàng hóa Trung Cộng nhập vào Mỹ cũng bị đánh thêm 20 % thuế.

Chiều hôm 03/03/2025, tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định các biện pháp thuế có hiệu lực từ ngày 04/03, như đã được ấn định và không còn thời gian để đàm phán thêm.

Kể từ 5 giờ (GMT) hôm nay, hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mêhicô, bất chấp hiệp định tự do thương mại với Hoa Kỳ, sẽ phải chịu mức thuế 25 %. Riêng dầu hỏa Canada bị áp 10 % thuế quan. Nhà kinh tế Diane Swonk được AFP trích dẫn cho rằng “đây là mức thuế cao nhất kể từ cuối những năm 1940, chấm dứt một cách phũ phàng quá trình toàn cầu hóa”. Theo AFP, giá trị của các mặt hàng bị áp thuế lên tới 918 tỷ đôla.

Đối với hàng hóa từ Trung Cộng, ngoài mức thuế hiện hành, theo Reuters, Washington áp thêm 20 %, thay vì 10 % như trong tuyên bố trước đó. Quyết định này liên quan đến nhiều sản phẩm điện tử, như điện thoại thông minh, máy tính, hay máy chơi game.

Cả 3 nước liên quan ngay lập tức thông báo biện pháp “ăn miếng trả miếng” Hoa Kỳ.

Thủ tướng Canada tối qua, tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp thuế quan 25 %, nhắm vào các hàng hóa nhập từ Hoa Kỳ, trị giá khoảng 20 tỷ đô la.

Bắc Kinh hôm nay thông báo tăng thêm thuế nhập khẩu từ 10 đến 15 % đối với toàn bộ hàng hóa nhập từ Mỹ, trong đó có các nông sản như lúa mì, ngô, mà Trung Cộng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ. Biện pháp này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 10/03.

Theo Reuters, Trung Cộng cũng áp đặt các hạn chế nhập khẩu và đầu tư đối với 25 doanh nghiệp Hoa Kỳ, và giải thích là vì “an ninh quốc gia”.

Trong cuộc họp báo hôm nay, tổng thống Mêhicô Claudia Sheinbaum cho biết sẽ sớm có các biện pháp đáp trả Hoa Kỳ.


Israel nói cần đạt được thỏa thuận về việc thả con tin để gia hạn thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza (VOA)

Bộ trưởng Ngoại giao Gideon hôm 4/3 nói rằng Israel đã sẵn sàng tiến hành giai đoạn thứ hai của thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza chừng nào Hamas sẵn sàng thả thêm 59 con tin mà họ vẫn đang giam giữ.

Giao tranh ở Gaza đã dừng lại kể từ ngày 19 tháng 1 theo lệnh ngừng bắn được sắp xếp với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các nhà trung gian Qatar và Ai Cập, và Hamas đã trao đổi 33 con tin Israel và năm người Thái Lan để lấy khoảng 2.000 tù nhân và người Palestine bị giam giữ.

Nhưng lệnh ngừng bắn ban đầu kéo dài 42 ngày đã hết hạn, và Hamas cũng như Israel, nước đã chặn xe cứu trợ vào Gaza, vẫn còn cách xa nhau về các vấn đề lớn hơn bao gồm cả việc quản lý Gaza sau chiến tranh và tương lai của chính Hamas.

“Chúng tôi đã sẵn sàng tiếp tục giai đoạn hai”, ông Saar nói với các phóng viên tại Jerusalem khi các nhà lãnh đạo Ả Rập chuẩn bị họp tại Cairo để thảo luận về kế hoạch chấm dứt chiến tranh vĩnh viễn.

“Nhưng để kéo dài thời gian hoặc khuôn khổ, chúng tôi cần một thỏa thuận thả thêm con tin”.

Hamas cho biết họ muốn tiến tới giai đoạn đàm phán thứ hai mà có thể mở đường cho một kết thúc vĩnh viễn cho cuộc chiến với việc rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi vùng đất Palestine bị tàn phá và trả lại 59 con tin còn lại bị bắt trong cuộc tấn công do Hamas cầm đầu vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.

Nhưng Israel cho biết các con tin của họ phải được trao trả để lệnh ngừng bắn được gia hạn và ủng hộ kế hoạch gia hạn lệnh ngừng bắn trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào thứ Bảy, cho đến sau kỳ nghỉ lễ Vượt qua của người Do Thái vào tháng 4.

Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Steve Witkoff, dự kiến sẽ đến thăm khu vực này trong vài ngày tới để thảo luận về việc gia hạn lệnh ngừng bắn hoặc tiến tới giai đoạn hai, Bộ Ngoại giao cho biết hôm 3/3.

Ông Saar phủ nhận rằng Israel đã vi phạm thỏa thuận bằng cách không tiến tới giai đoạn đàm phán thứ hai. Ông cho biết “không có sự tự động” giữa các giai đoạn và ông cho biết chính Hamas đã vi phạm thỏa thuận cho phép viện trợ vào Gaza bằng cách tự mình chiếm giữ hầu hết các nguồn trợ giúp.

Các nhóm cứu trợ đã nói rằng cướp bóc và việc tịch thu trái phép các xe tải cứu trợ vào Gaza là một vấn đề lớn nhưng Hamas, nhóm chiến binh Hồi giáo đã nắm quyền ở Gaza vào năm 2007, phủ nhận việc giữ viện trợ cho các thành viên của chính mình.

Ông Saar từ chối bình luận về một bản tin của truyền thông Israel rằng Israel đã đặt ra thời hạn 10 ngày để đạt được thỏa thuận hoặc tiếp tục chiến đấu, nhưng nói: “Nếu chúng tôi muốn làm điều đó, chúng tôi sẽ làm”.


Tàu sân bay Mỹ đầu tiên thăm Hàn Quốc dưới thời tổng thống Trump (RFI)

Ngày 02/03/2025, tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson, thuộc Nhóm tác chiến tàu sân bay số 1, đã cập cảng Busan, đánh dấu chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng Giêng. Hoạt động này tái khẳng định cam kết của Washington về việc mở rộng răn đe trước các mối đe dọa tiềm ẩn, đặc biệt là từ Bắc Triều Tiên.

Theo Yonhap, lần cập cảng Busan gần đây nhất của tàu USS Carl Vinson là vào tháng 11/2023. Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, hai nước đồng minh sẽ tăng cường khả năng tương tác và tổ chức các hoạt động hữu nghị. Tàu sân bay USS Carl Vinson được tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường USS Princeton và tàu khu trục Aegis USS Sterett hộ tống.

Phó đô đốc Lee Nam-gyu, giám đốc Trung tâm tác chiến hàng hải của Hải Quân Hàn Quốc, khẳng định « liên minh Hàn Quốc-Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực thông qua hợp tác chặt chẽ » và quân đội Hàn Quốc « sẽ phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ mối đe dọa nào từ Bắc Triều Tiên ».

Ngoài Hàn Quốc, Mỹ tiếp tục gia tăng hợp tác quân sự với đồng minh Nhật Bản để đối phó với những căng thẳng trong khu vực. Năm thứ 3 liên tiếp, thủy quân lục chiến Mỹ và Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản tổ chức cuộc tập trận thường niên Iron Fist (Quả đấm sắt).

Theo trang tin Nhật Bản NHK, một trong những cơ quan truyền thông được mời đến đưa tin ngày 01/03, Iron Fist là cuộc tập trận chung có quy mô lớn nhất hiện nay, được bắt đầu từ ngày 19/02, tại Kyushu và Okinawa, huy động hơn 4.000 người tham gia, nhằm mục đích tăng cường phòng thủ cho các quần đảo xa xôi của Nhật Bản.

Tàu khu trục Nhật Bản đi qua eo biển Đài Loan

Để thách thức những xác quyết chủ quyền của Trung Cộng, một tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ biển đã đi qua eo biển Đài Loan vào đầu tháng 02/2025. Tuy nhiên, thông tin chỉ được một nguồn tin từ chính phủ cho hãng tin Kyodo biết ngày 02/03. Tàu khu trục Akizuki (dài 151 mét, rộng 18 mét) đã di chuyển qua khu vực được coi là « điểm nóng », sau khi tham gia cuộc tập trận chung ngày 05/02 với chiến hạm của Hoa Kỳ, Úc và Philippines ở Biển Đông.

Lần cuối cùng tàu chiến Nhật Bản đi qua eo biển Đài Loan là vào tháng 09/2024, khi tàu khu trục Sazanami đi cùng tàu của Úc và New Zealand.


Liên đoàn Ả Rập thông qua kế hoạch tái thiết Gaza do Ai Cập đề xuất (RFI)

Lãnh đạo các nước Ả Rập, trong phiên họp thượng đỉnh bất thường, ngày 04/03/2025, đã thông qua kế hoạch 53 tỷ đô la tái thiết dải Gaza do Ai Cập đề xuất. Bản kế hoạch này được cho là một giải pháp thay thế cho dự án của tổng thống Donald Trump nhằm đặt khu vực dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ.

Từ Cairo, thông tín viên Alexandre Buccianti tường thuật :

« Bản kế hoạch của Ai Cập để tái thiết Gaza mà không trục xuất người dân là văn bản chính và còn phải được các nguyên thủ quốc gia phê duyệt. Nhưng kế hoạch này đã được hầu hết các ngoại trưởng thông qua.

Văn bản bao gồm việc hình thành những khu dân cư tạm thời, dựng lều và nhà tiền chế cho người dân Gaza. Tiếp đến, các máy móc phục vụ xây dựng đến từ Ai Cập sẽ bắt đầu dọn dẹp từng khu phố để thiết lập các cơ sở hạ tầng và tái thiết các tòa nhà mà đa phần đã bị phá hủy.

Bản kế hoạch này trải dài trong 5 năm. Tuy nhiên, mọi việc chưa hẳn rõ ràng về những gì có liên quan đến việc cơ quan nào sẽ quản lý Gaza. Một ủy ban trung lập kỹ trị người Palestine đã được đề xuất. Nhưng phe Hamas vẫn chưa chính thức chấp nhận bị gạt ra khỏi bộ máy quyền lực.

Thượng đỉnh cũng sẽ kêu gọi tổ chức ở Cairo một Hội nghị Quốc tế để tài trợ tái thiết Gaza. »


TIN VIỆT NAM.

Việt Nam ve vãn các doanh nghiệp Mỹ, cam kết giảm thặng dư thương mại

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có cuộc gặp với lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ vào cuối tuần qua trong khi Việt Nam đang tìm cách xoa dịu những vấn đề về căng thẳng thương mại có thể có đối với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Ông Phạm Minh Chính nói với khoảng 40 đại diện các công ty Mỹ rằng Việt Nam đang thực hiện cá bước nhằm giảm thặng dư thương mại lớn với Mỹ, xem xét việc nhập khẩu máy bay, vũ khí, khí hóa lỏng, dược phẩm và các sản phẩm khác, tờ Tuổi Trẻ đưa tin.

Việt Nam muốn thoát khỏi số phận giống như của Trung Quốc, nước láng giềng phương Bắc hiện đang phải đối mặt với thuế xuất khẩu 20% của Mỹ do Tổng thống Mỹ để đối phó với tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại và tình trạng thuốc gây nghiện opioid từ Trung Quốc xuất khẩu trái phép vào Mỹ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục là 124 triệu đô la vào năm 2024 và Mỹ hiện thị trường xuất khẩu lớn nhất trong năm nay của Việt Nam.

Việt Nam đang phải đối mặt với thuế của Mỹ đánh trên mặt hàng thép và nhôm xuất khẩu. Từ ngày 12/3, Mỹ sẽ tăng thuế cho mặt hàng này từ 10% lên 25% sau lệnh hành pháp vào tháng 2 của Tổng thống Trump. Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu thép lớn thứ năm vào Mỹ và Mỹ là nước nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump từ năm 2016 – 2020, Việt Nam đã nhiều lần bị chỉ trích về thặng dư thương mại với Mỹ. Vào năm 2020, chính quyền của Tổng thống Trump thậm chí đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sau đó đã đưa Việt Nam khỏi danh sách này.

Giáo sư Zachary Abuza thuộc trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ nhận định với RFA:

“Kể từ năm 2016 khi ông ấy (TT Trump) nhậm chức, nhập khẩu các sản phẩm xuất xứ từ Mỹ của Việt Nam đã gần như không tăng trưởng gì và tôi nghĩ là điều này sẽ là vấn đề khó chịu lớn nhất mà theo tôi người đại diện thương mại của Mỹ sẽ nêu ra. Tôi đoán là họ sẽ xem xét lại quyết định của chính quyền Tổng thống Biden không đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm thứ bảy cũng phát biểu tại cuộc họp ở Hà Nội rằng ông muốn cấp phép nhanh cho công ty cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk – người hiện là cố vấn cho Tổng thống Trump.

Sau cuộc họp, trang tin Chính phủ cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhanh chóng cấp phép cho Starlink trên cơ sở thử nghiệm.


Việt Nam chuẩn bị mua vệ tinh của Israel để do thám Trung Quốc

Thỏa thuận mua bán này có thể giúp Hà Nội giám sát các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, theo báo của Israel

Vệ tinh quan sát quang học của IAI (Israel) OPTSAT 3000 (Israel Aerospace Industries)

Vệ tinh quan sát quang học của IAI (Israel) OPTSAT 3000

Tập đoàn Israel Aerospace Industries vừa ký hợp đồng bán cho quân đội Việt Nam hai vệ tinh giám sát trị giá 680 triệu đô la, tờ báo Haaretz của Israel đưa tin.

Hai vệ tinh quan sát này sẽ giúp Việt Nam “đối phó với sự lấn lướt của Trung Quốc trước các nước láng giềng ở Biển Đông”, tờ báo dẫn lời các nguồn tin công nghiệp quốc phòng không nêu danh tính cho biết.

RFA hiện chưa thể xác nhận thông tin này.

Một nguồn tin từ phía Việt Nam đề nghị không nêu danh tính vì sự nhạy cảm của vấn đề, cho biết công ty nhà nước Israel Aerospace Industries (IAI) đã có một lịch sử hợp tác với Việt Nam và thông tin về những đàm phán giữa hai bên liên quan đến thỏa thuân mua vệ tinh này đã xuất hiện từ hồi đầu năm 2018.

Theo Haaretz, ngoài IAI, các công ty Thales của Pháp và Lockheed Martin của Mỹ cũng đề nghị bán vệ tinh do thám cho Việt Nam và “đó có thể vẫn là vấn đề” đối với nhà thầu Israel.

Tờ báo dẫn các nguồn từ Israel cho biết Việt Nam là một “khách hàng khó nhằn” và các thỏa thuận có thể thất bại vì sự cạnh tranh nội địa và sức ép từ các nhà thầu nước ngoài khác.

Khách hàng Việt Nam được cho biết là Tổng cục II của Bộ Quốc phòng (còn được biết đến là Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng), theo tờ báo của Israel. (RFA)


Việt Nam và Anh phối hợp trục xuất người Việt tới Anh bất hợp pháp 

Anh và Việt Nam hôm 4/3 đã ký thông cáo chung tại Đối thoại Di cư và Xuất nhập cảnh Anh-Việt lần thứ ba, được tổ chức tại Hà Nội, nhất trí củng cố nỗ lực chung nhằm ngăn chặn tình trạng bóc lột người di cư bất hợp pháp, phá vỡ hoạt động của các băng đảng tội phạm, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và hồi hương những người không có quyền ở lại Anh.

Theo Bộ Nội vụ Anh, thông cáo chung bao gồm một loạt các cam kết về việc hợp tác hơn nữa nhằm ngăn chặn và ứng phó với tình trạng công dân Việt Nam di cư trái phép đến Anh thông qua việc nâng cao nhận thức về các tuyến đường hợp pháp và hợp tác cùng nhau để giải quyết nạn buôn người.

Ngoài ra, tin cho hay, hai bên còn tăng cường hợp tác trong thực thi pháp luật, đặc biệt là tội phạm nhập cư, chia sẻ thông tin về nạn buôn người và phá vỡ các băng nhóm tội phạm.

Bộ Nội vụ Anh cho biết rằng hai nước cũng sẽ phối hợp đưa trở về Việt Nam những công dân Việt Nam ở Anh trái phép.

Theo Tuổi Trẻ, bà Angela Eagle, Thứ trưởng Phụ trách An ninh Biên giới và Tị nạn thuộc Bộ Nội vụ Anh, khuyến cáo người dân Việt Nam về vấn nạn các băng nhóm tội phạm xây dựng các kịch bản, các câu chuyện để thực hiện hành vi lừa đảo thông qua việc sử dụng mạng xã hội, nhằm thu lợi bất chính.

Bà Eagle được dẫn lời nói rằng “chúng ta sẽ không để những băng nhóm tội phạm đưa người di cư vào tình cảnh tính mạng bị đe dọa” và rằng “đã có quá nhiều người thiệt mạng trong hành trình vượt biển vào Anh”.

“Chúng ta sẽ đưa các đối tượng này ra ánh sáng”, bà Eagle nói, theo báo Tuổi Trẻ.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, hồi đầu năm ngoái, con số di dân lậu là người Việt đi trên các con thuyền nhỏ, mong manh vượt Eo biển Manche để vào Anh chiếm số lượng đông hơn bất cứ nhóm quốc tịch nào khác.

Nhiều báo Anh đưa tin rằng người Việt đi lậu qua con đường nguy hiểm chiếm số lượng nhiều nhất, vượt qua cả các nhóm người Afghanistan – đông nhất năm 2023 – và Iraq, Iran.

Trong 5 năm từ 2018 đến hết năm 2023, dữ liệu của chính phủ Anh cho thấy 3.356 người Việt đến Anh bằng thuyền nhỏ, đưa Việt Nam vào top 10 nước dẫn đầu các quốc gia có di dân bất hợp pháp vào Anh bằng phương thức nguy hiểm này. (VOA)


EU kêu gọi Việt Nam bảo vệ quyền tự do lập hội, tự do ngôn luận

Liên hiệp châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại về việc bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, các chuyên gia về quyền lao động, khí hậu và môi trường tại Việt Nam, điều mà EU cho rằng “có tác động làm giảm sút” quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do lập hội.

Đại sứ EU Lotte Knudsen, Trưởng phái đoàn EU tại Liên Hiệp Quốc, cho biết như trên trong một tuyên bố hôm 3/3 khi bà đại diện khối này phát biểu tại phiên họp thứ 58 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva.

Đại sứ Lotte Knudsen, Trưởng phái đoàn EU tại LHQ, phát biểu tại phiên họp thứ 58 của Hội đồng Nhân quyền, ngày 3-3-2025.

“Chúng tôi vẫn vô cùng quan ngại về việc bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền cũng như các chuyên gia về quyền lao động, khí hậu và môi trường tại Việt Nam, có tác động làm giảm sút quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do lập hội”, Đại sứ Knudsen bày tỏ, nói rõ rằng bà đại diện cho 25 quốc gia ở châu Âu.

EU kêu gọi Việt Nam đảm bảo rằng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản được bảo vệ để xã hội dân sự có thể tự do tham gia vào mọi khía cạnh của quá trình phát triển mà không bị quấy rối, đe dọa và trả thù, đồng thời trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa.

Vị đại sứ của EU nhắc lại lời kêu gọi Việt Nam đưa ra lệnh hoãn thi hành án tử hình nhằm mục đích xóa bỏ án tử hình. Ngoài ra, EU cũng kêu gọi Hà Nội phê chuẩn các công ước của ILO như Công ước số 87 về Tự do lập hội và Bảo vệ quyền được tổ chức.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về tuyên bố nêu trên của EU, nhưng chưa được phản hồi.

Giới hoạt động cho rằng tuyên bố EU có ý nghĩa quan trọng khi khối này vẫn đề cao giá trị nhân quyền trong bối cảnh thế giới đang bị chi phối bởi xung đột, chiến tranh, cạnh tranh thương mại.

“25 nước trong EU vẫn tiếp tục quan tâm đến vấn đề nhân quyền Việt Nam. Những điều mà họ nêu là lặp lại các khuyến nghị trong kỳ rà soát định kỳ phổ quát (UPR) đối với Việt Nam vào năm ngoái”, nhà hoạt động Trần Đức Tuấn Sơn ở Pháp, nêu nhận định với VOA.

“Các nước EU yêu cầu Việt Nam cải tổ một số điều về nhân quyền: ngưng án tử hình, trả tự do cho các tù nhân lương tâm, thay đổi các điều luật chuyên dùng để bắt người khi nọ lên tiếng vì quyền tự do ngôn luận, cho phép thành lập công đoàn độc lập thông qua các công ước quốc tế…”, ông Sơn nhắc lại.

Sau kỳ UPR vào tháng 5/2024, Nhóm công tác về Kiểm điểm định kỳ phổ quát thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc công bố bản báo cáo tổng hợp với 320 khuyến nghị từ 133 quốc gia nhằm giúp cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, Hà Nội chỉ tiếp nhận 271/320 khuyến nghị.

“Trong 49 khuyến nghị mà họ từ chối, có những vấn đề mấu chốt, những vấn đề rất quan trọng. Nếu tiếp tục bác bỏ các khuyến nghị này, Việt Nam sẽ không bao giờ có nhân quyền”, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch của VCHR, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, nêu nhận định với VOA trong cuộc phỏng vấn trước đây.

Giới hoạt động bày tỏ sự thất vọng rằng những khuyến nghị quan trọng như kêu gọi sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều luật của Việt Nam, bao gồm Điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự, “thường được sử dụng để trừng phạt các cá nhân vì thực hiện quyền con người của họ”, đã không được Hà Nội chấp nhận.


Việt Nam: Chính quyền “chậm chạp” trong việc đối phó với ô nhiễm không khí

Hà Nội thường xuyên nằm trong danh sách những thành phố bị ô nhiễm nhất thế giới từ đầu mùa đông. Tuy nhiên, theo AFP ngày 01/03/2025, chính quyền vẫn không có chính sách hiệu quả để giải quyết gốc rễ của vấn đề, trong khi hàng năm có khoảng 70.000 người chết ở Việt Nam liên quan đến ô nhiễm không khí, như đột quỵ, các bệnh tim mạch, ung thư phổi hoặc hen suyễn.

« Tình hình hiện đang rất cấp bách » tại Việt Nam, theo kinh tế gia trưởng Muthukumara Mani của Ngân hàng Thế giới khi trả lời AFP. Vấn đề đã được đưa lên « thượng tầng lãnh đạo » và nhiều quan chức thành phố Hà Nội đã đến Bắc Kinh học kinh nghiệm chống ô nhiễm. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, cho dù các kế hoạch đầy tham vọng đã được công bố nhưng hầu hết các biện pháp không được áp dụng.

Theo giải thích của AFP, vào mùa đông, không khí lạnh tích tụ có xu hướng giữ khí độc hại do hoạt động của con người thải ra. Ví dụ nông dân vẫn đốt rơm rạ ngoài đồng, dù bị cấm ở Việt Nam từ năm 2022, trong khi đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm, tiếp theo là đốt rác, khí thải của phương tiện giao thông, các nhà máy nhiệt điện, hoạt động xây dựng và sản xuất của các nhà máy.

Dù bị ô nhiễm nghiêm trọng, trường học ở Hà Nội không đóng cửa, trái với quyết định ở Bangkok (Thái Lan) khi ô nhiễm lên đỉnh điểm. Sau nhiều năm im lặng, truyền thông Nhà nước, do chính quyền kiểm soát, cũng đã phải lên tiếng. Tháng 01/2025, trang VietnamNet, thuộc bộ Thông Tin Truyền Thông, đã đăng lời kêu gọi hành động hiếm hoi trước “cuộc khủng hoảng cần được chú ý ngay lập tức”.

Trong khi đó, nhiều nhà báo, nhà đấu tranh vì môi trường ở Việt Nam lại bị cầm tù trong những năm vừa qua. Ông Ben Swanton, đồng giám đốc nhóm Project88, nhận định với AFP : “Cuộc đàn áp đã có tác động răn đe khiến việc vận động chính phủ giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trở nên gần như bất khả thi”. (RFI)