TIN THẾ GIỚI.

Giáo hoàng Phanxicô từ trần, thọ 88 tuổi (RFI)

Tòa Thánh Vatican loan báo vào  lúc 7 giờ 35 sáng ngày Thứ Hai 21/04/2025, giám mục thành Roma, thánh cha Phanxico, “đã trở về nhà của Chúa Cha”.

Giáo hoàng Phanxicô tên thật là Jorge Mario Bergoglio sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936, tại Buenos Aires, Achentina đã qua đời, sau nhiều tuần lễ phải nhập viện vì bệnh đường hô hấp.

Lãnh đạo Tòa Thánh đã xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng nhân ngày lễ Phục Sinh Chủ Nhật hôm 20/04/2025.

Ngày 13/03/2013, hồng Y Bergoglio được bầu làm giáo hoàng thứ 266 của giáo hội Công Giáo. Ngài là giáo hoàng đầu tiên đến từ tân thế giới, đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên, và là vị giáo Hoàng đầu tiên lấy danh hiệu là Phanxicô.

Đứng đầu Tòa Thánh, giáo hoàng Phanxicô đã dành chuyến viếng thăm đầu tiên đến Lampedusa – Ý, thăm hỏi người tị nạn vượt đại dương đến châu Âu, tỏ lòng nhân ái với di dân. 

Giáo hoàng được biết đến với lập trường thể hiện trách nhiệm của con người đối với môi trường sinh thái. Ngài mạnh mẽ phê phán những bất bình đẳng kinh tế, xã hội, lên án các cuộc xung đột quốc tế, ví dụ như chiến tranh Ukraina.  

Phanxicô cũng là lãnh tụ Công giáo đầu tiên thể hiện khoan dung đối với cộng đồng LGBT, nhưng Vatican vẫn coi đồng tính là tội lỗi và không chấp nhận hôn nhân đồng giới.

Thông tín viên của RFI Duy An, từng là thủ thư Thư viện Dòng Đa Minh và Quản lý tu viện Santa Sabina Roma, từ 2011-2022 cho biết thêm về tin Giáo Hoàng Phanxicô về bên Chúa và tang lễ của lãnh đạo Tòa Thánh sắp tới đây  :

« Lúc 9 giờ 45 phút sáng, giờ Roma, Đức Hồng Y Kevin Farrell, quản lý Dinh tông tòa, đã thông báo sự qua đời của Đức giáo hoàng Phanxicô vào 7 giờ 35 sáng ngày 21/04/2025.

“Cả cuộc đời ngài đã được hiến dâng để phục vụ Chúa và Hội Thánh của Người. Ngài đã dạy chúng ta sống các giá trị Tin Mừng với lòng trung tín, can đảm và tình yêu phổ quát, đặc biệt là cho những người nghèo khổ và bị gạt ra bên lề.”

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phải nhập viện vì chứng viêm phổi hôm 14 tháng hai. Và sau 38 ngày điều trị tại bệnh viện Gemelli, Roma, ngài đã trở về Vatican để dưỡng bệnh. Trong Tuần Thánh, ngài đã không chủ sự các buổi cử hành cũng như Ban Phép Lành Urbi et Orbi cho toàn thế giới vào trưa ngày chủ nhật Phục sinh. Và lần cuối Ngài đã xuất hiện trên quảng trường thánh Phêrô để chào các tín hữu hành hương sau phép lành Phục Sinh.

Ngài sẽ được an táng tại Đền Thờ Đức Bà Cả (Santa Maria Magiore) ở Roma nhưng ngoài thành Vatican » .

Năm 2013 khi lên lãnh đạo Tòa Thánh, giáo hoàng Phanxicô đã dành chuyến viếng thăm đầu tiên đến Lampedusa – Ý, thăm hỏi người tị nạn vượt đại dương đến châu Âu, tỏ lòng nhân ái với di dân. 

Cộng đồng quốc tế phân ưu 

Ngay sau khi có tin giáo hoàng Phanxicô từ trần, lãnh đạo các nước trên khắp thế giới đã đồng loạt chia buồn.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tuyên bố, « vô cùng đau buồn, vì một con người vĩ đại đã ra đi. » Hiện đang công du Mayotte, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã gửi lời “chia buồn sâu sắc nhất đến các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới“. Nhà Trắng đã đăng tải thông điệp ngắn trên mạng X : “Cầu nguyện cho giáo hoàng Phanxicô yên nghỉ.” 

Về phần mình, tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi giáo hoàng Phanxicô là “người luôn bảo vệ các giá trị cao cả của chủ nghĩa nhân văn và công lý“, “đóng vai trò tích cực trong việc phát triển đối thoại giữa Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo La Mã, cũng như trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Nga và Vatican“.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cũng đã bày tỏ lòng thương tiếc trước sự ra đi của Giáo hoàng, người “đã cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraina“. Trong khi tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thì đau buồn vì sự ra đi của “người bạn trung thành của nhân dân Palestine“, người “đã công nhận Nhà nước Palestine và cho phép treo cờ Palestine tại Vatican“. 

Không chỉ các tín hữu Công giáo, đại giáo sĩ Do Thái của Pháp cũng ca ngợi nỗ lực của Giáo hoàng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái trên khắp thế giới. 

Tại Rôma, chuông nhà thờ Vatican đã vang lên trước sự chứng kiến của hàng trăm tín hữu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô. Vatican thông báo rằng thi hài giáo hoàng sẽ được chuyển đến nhà nguyện Sainte-Marthe vào chiều nay và một buổi đọc Kinh Mân Côi cũng sẽ được tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô. 

Còn tại nhà thờ Đức Bà Paris, dòng người tưởng niệm đức giáo hoàng không ngừng đổ về. Ngay từ 11h trưa, 88 hồi chuông của nhà thờ Đức Bà, tượng trưng cho 88 năm cuộc đời Giáo hoàng, đã vang lên khắp Paris và kết thúc bằng một hồi chuông lớn vang dội. Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo cho biết tháp Eiffel sẽ tắt đèn tối nay để tưởng nhớ vị giáo hoàng quá cố và đề xuất đặt tên một địa điểm tại thành phố Paris mang tên giáo hoàng. 


Nguyên nhân cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được tiết lộ (VietCatholic)

Jasmine Kazlauskas của News.com.au vừa cho hay: Nguyên nhân cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được xác nhận khi tiết lộ rằng ngài không chết vì các vấn đề về hô hấp sau cuộc chiến với bệnh viêm phổi.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo đã qua đời ở tuổi 88, sau một thời gian ngắn chiến đấu với bệnh tật.

Theo giấy chứng tử do Vatican công bố hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời vì đột quỵ, dẫn đến hôn mê và suy tim “không thể phục hồi”.


Nhà lãnh đạo Công Giáo 88 tuổi này đã qua đời vào sáng thứ Hai, gần một tháng sau khi được xuất viện sau năm tuần nằm viện, nơi ngài gần như đã tử vong vì bệnh viêm phổi kép.

Đức Phanxicô qua đời tại căn hộ của ngài tại dinh thự Santa Marta ở Vatican. Ngài qua đời vì “đột quỵ não, hôn mê, suy tim mạch không hồi phục”, giấy chứng tử cho biết.

Đức Giáo Hoàng từng bị suy hô hấp cấp tính khi ngài bị viêm phổi kép trong bệnh viện, giấy chứng tử cho biết thêm.

Ngài cũng bị tăng huyết áp động mạch, giãn phế quản nhiều lần và tiểu đường loại 2 — một căn bệnh trước đó chưa từng được biết đến.

Giấy chứng tử được ký bởi giám đốc y tế của Thành phố Vatican, giáo sư Andrea Arcangeli.

Giáo hoàng Phanxicô có tiền sử bệnh tật kéo dài trong suốt cuộc đời, một số bệnh có từ thời trẻ và một số bệnh khác phát triển trong thời gian làm giáo hoàng.

Khi 21 tuổi, ngài đã phải cắt bỏ một phần phổi do nhiễm trùng nặng, có thể là viêm phổi hoặc u nang phổi.

Mặc dù vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được cho là đã sống một cuộc sống rất năng động và không bao giờ để bệnh ảnh hưởng đáng kể đến sức sống của mình.

Ngài cũng bị đau thần kinh tọa mãn tính, một tình trạng đau thần kinh thường khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Tình trạng này khiến ngài đôi khi phải hủy các sự kiện hoặc tỏ ra khó chịu rõ rệt trong các buổi lễ dài.

Bất chấp các vấn đề sức khỏe trước đó, ngài vẫn giữ lịch trình bận rộn cho đến những tuần cuối đời.

Vào Chúa Nhật Phục sinh, Đức Giáo Hoàng đã bất ngờ xuất hiện trước công chúng tại Vatican, ban phước lành cho đám đông chỉ vài giờ trước khi qua đời vào sáng Thứ Hai.


Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đem lại làn gió mới từ tân thế giới

Chiều tối ngày 13/03/2013, trong làn mưa nhẹ và không khí se lạnh của mùa đông Roma, đoàn người đông đảo trên quảng trường Thánh Phê-rô vỗ tay vui mừng khi thấy làn khói trắng tỏa ra từ ống khói của nhà nguyện Sistine.

“Habemus papam” lời thông báo chính thức của vị hồng y tổng phó tế và vị hồng y niên trưởng đã giới thiệu với toàn thế giới vị giáo hoàng mới trên ban công của Đền Thánh Phê-rô. Đức hồng y Jorge Mario Bergoglio, tổng giám mục thủ đô Buenos Aires, Achentina, sẽ là tân giáo hoàng Phanxicô kế nhiệm đức Bênêđíctô XVI, người đã từ nhiệm một tháng trước.

Vị giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ đã thực sự đem lại làn gió mới cho giáo hội công giáo.

Người đến từ Tân Thế Giới

Jorge Mario Bergoglio sinh ra tại thủ đô Argentina vào ngày 17 tháng 12 năm 1936, trong một gia đình di dân gốc Piemonte. Cha ngài là một nhân viên đường sắt và mẹ làm nội trợ. Ngài có 5 anh chị em.

Sau khi tốt nghiệp kỹ thuật viên hoá học, ngài gia nhập Dòng Tên ngày 11 tháng 3 năm 1958. Ngài đã hoàn thành chương trình văn chương ở Chile và lấy bằng thạc sĩ triết học ở Achentina. Sau hai năm làm giáo sư văn chương và tâm lý học ở Buenos Aires, ngài tiếp tục học và lấy bằng thạc sĩ thần học năm 1970.

Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 13 tháng 12 năm 1969. Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục giáo phận Buenos Aires vào ngày 28 tháng 2 năm 1998. Và Đức Gioan Phaolô II đã tấn phong ngài làm hồng y ba năm sau.

Với tư cách là Tổng giám mục của Buenos Aires – một giáo phận có hơn ba triệu dân – ngài đã tạo nêm cộng đồng cởi mở và huynh đệ; sự tham gia tích cực và có ý thức của người giáo dân; truyền giáo tới toàn thể cư dân thành phố; hỗ trợ người nghèo và người bệnh. Ngài là khuôn mặt uy tín của giáo hội ở Mỹ La tinh trước khi được bầu làm giáo hoàng thứ 266.

Với nửa lá phổi

Năm 1957, khi là chủng sinh, ngài ngã bệnh và đã bị cắt bỏ thùy trên phổi phải. Sau khi lành bệnh, ngài đã gia nhập Dòng Tên vì bị thu hút bởi ơn gọi truyền giáo và kỷ luật của Dòng Tên trong thời gian dưỡng bệnh.

Khi bắt đầu làm giáo hoàng, ngài đã ví giáo hội như một bệnh viện dã chiến nơi chiến trường với biết bao nhiêu là vấn đề nảy sinh. Và những người mục tử của giáo hội phải mang lấy mùi chiên của những con chiên trong đàn chiên mà người ấy đang chăm sóc. Đó là phong cách của papa callejero, giáo hoàng của đường phố, như ngài vẫn giữ khi còn ở Buenos Aires.

Đi đến vùng ngoại biên (phéripherie)

Trong ngôn ngữ ngày nay, vùng ngoại biên (phéripherie) gợi lên những nơi bị quên lãng bởi chính quyền, nơi của sự nghèo đói và tệ nạn, nơi chất chứa những mối nguy hiểm. Đó không chỉ là sự tận cùng của một vùng địa lý mà còn là nơi không được chú ý. Nhưng đây lại là nơi chú ý và khuyến khích của Đức Phanxicô.

Những chuyến viếng thăm mục vụ của ngài đã đưa ngài đến những vùng đất “xa xôi”, nơi mà số lượng tín hữu ki-tô chỉ là thiểu số, như Mông Cổ, Indonesia, Papua Tân Guine, hay các nước Ả Rập vùng Vịnh. Đó chính là những nơi ngài gặp gỡ với các tôn giáo khác trong sự đối thọai trong tình huynh đệ. Đối thoại với sự thuần khiết và khẩn cấp của một không gian sống chung của cả nhân loại cần phải gìn giữ và bảo vệ. Đó chính là những gì ngài đã viết trong hai thông điệp Fratelli tutti và Laudato sì.

Vùng ngoại biên đó còn là lằn ranh giới giữa con người và máy móc (AI). Đứng trước sự phát triển mau chóng của công nghệ mới, của sự thay thế con người bằng trí thông minh nhân tạo khiến thế giới đánh mất phương hướng, thì Giáo hội phải là người bạn đồng hành của tất cả những người thiện chí đang tìm kiếm ý nghĩa trong thế giới phức tạp hiện đại của chúng ta.

Cải cách sâu rộng giáo triều (curia)

Cải tổ giáo triều (curia romana) là yêu cầu cấp thiết của công nghị hồng y trong cuộc bầu giáo hoàng. Đó là việc tiếp tục những gì mà dưới thời đức Bênêđictô đang thực hiện. Và Đức Phanxicô xem đó như là một trong những nhiệm vụ chính trong nhiệm kỳ của ngài.

Tông hiến Praedicate evangelium (19/03/2022) là kết quả của một quá trình dài và một trong những mục tiêu chính của triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô là cải cách Giáo triều Rôma. Những thay đổi về cấu trúc, những điều mới được quyết định bởi bối cảnh hiện tại, những quy trình đã được tiến hành trong nhiều năm và cuối cùng đã hoàn thành”, Đức Hồng Y Pietro Parolin đã nói về Tông hiến cải tổ Giáo triều Rôma.

Đức Hồng Y cho biết, Praedicate evangelium ra đời từ những đúc kết kinh nghiệm và điều chỉnh trong những năm qua, thực hiện những bước đi mới, để “hoàn thiện bức tranh tổng thể,” theo ba tiêu chí: sự hiệp thông của các thể chế Giáo hội, sự hợp tác trong các tương quan giữa các văn phòng, và việc điều chỉnh thái độ của mỗi cá nhân.”

Mặt khác, các Hội đồng Kinh tế, Ban Thư ký Kinh tế, Văn phòng Kiểm toán. Các cơ quan này hiện “đang phục vụ cho sứ mạng”; thật vậy, chúng không phải là “nhiệm vụ cốt lõi” của Giáo triều Roma, nhưng “nhằm giúp đỡ để phục vụ sứ mạng vốn đã được thực hiện bởi nhiều bộ và ban, trong đó “điểm tham chiếu không thay đổi” chính là dựa vào Học thuyết Xã hội của Giáo Hội và “bổn phận rao giảng Tin Mừng.”

Vai trò của phụ nữ và giáo dân

Trong triều đại của Đức giáo hoàng Phanxicô, phụ nữ và người giáo dân được tham gia nhiều hơn vào việc quản trị của giáo triều. Họ không những được chỉ định giữ các chức vụ lãnh đạo ở cấp bộ mà còn trực tiếp tham gia trong việc đưa ra các quyết định của Giáo hội.

Ngày 06/01/2025, nữ tu Simona Brambilla 60 tuổi được bổ nhiệm làm Tổng trưởng của Bộ các Tu hội Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ. 

Nữ tu Raffaella Petrini sẽ làm Chủ tịch Phủ Thống đốc Vatican từ 1/3/2025. Hay trước đó, Ông Paolo Ruffini làm Tổng trưởng Bộ Truyền thông.

Đó là những ví dụ minh hoạ cho sự thay đổi trong giáo triều Roma. Những người giáo dân nam nữ và nữ tu không chỉ phục vụ với vai trò giúp việc cho các giáo sĩ nhưng nay họ tham gia một cách trực tiếp và chủ động trong các nhiệm vụ trong giáo hội.

Minh hoạ rõ nhất đó là thượng hội đồng về “Hiệp hành” kéo dài từ năm 2021 và kết thúc vào tháng 10/2024. Mà các ý kiến được thu thập từ mọi thành phần trong giáo hội. Và hai cuộc họp toàn thể vào tháng 10/2023 và 10/2024 chứng minh sự đồng hành của mọi thành phần trong giáo hội, khi các thành viên tham dự được chia đều thành từng bàn chứ không xếp theo phẩm trật như vốn thường xảy ra trong các thượng hội đồng trước.

Có thể đây là bước tiếp theo để tiếp tục nghiên cứu và suy tư về việc truyền chức cho phụ nữ và những người đã có gia đình.

Trước những bê bối trong Giáo hội

Nhưng những vụ việc ấu dâm và lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ bị phanh phui ở khắp nơi trở thành một vết nhơ trong Giáo hội Công giáo.

Đức Phanxicô đã có biện pháp triệt để bằng Tông thư dưới dạng tự sắc Vos estis lux mundi – Các con là ánh sáng thế gian công bố 9/5/2019. Và phiên bản cập nhật của Tông thư này được ban hành ngày 25/3/2023 và có hiệu lực từ ngày 30/4/2023. Cũng như, sửa đổi cuốn VI của Bộ Giáo Luật.

Theo đó, định nghĩa lại khái niệm tội phạm và những vấn đề liên quan. Mà bất cứ một giáo sĩ nào vi phạm việc này lập tức đã là tội phạm chứ không cần đến quá trình xét xử. Cũng như, những nạn nhân không chỉ là những trẻ em hay trẻ vị thành niên mà bất cứ những ai dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người khuyết tật. Bản văn cũng xác định vai trò và trách nhiệm của những người có trách nhiệm trong việc giải quyết những vụ việc này. Và cũng xác định việc hợp tác với chính quyền dân sự trong những vụ việc này.

Vấn đề giáo lý

Tháng 12/2023, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, giới thiệu Tuyên bố Fiducia supplicans  về ý nghĩa của các sự chúc lành. Điều này đã gây ra phản ứng dữ dội từ hàng giám mục của các nước Châu Phi, Hoa Kỳ và các thành phần bảo thủ trong Giáo hội.

Vì tuyên bố này gây hiểu lầm nghiêm trọng trong việc chúc lành cho các cặp đôi đồng tính, một cách nào đó là Giáo hội công nhận những cặp đôi này. Và Đức Phanxicô đã phải lên tiếng giải trình trong buổi tiếp các thành viên của bộ giáo lý đức tin ngày 26/1/2024. Trong đó, ngài nhấn mạnh việc giáo hội luôn đồng hành với hết mọi người không loại trừ bất cứ ai và việc chúc lành không phải là bí tích nhưng kéo người ta lại gần với Chúa hơn.

Vấn đề hôn nhân đồng tính và ly dị tái hôn trong giáo hội vẫn còn là vấn đề lớn. Tuy tại một số quốc gia điều này đã trở nên bình thường và được luật hoá. Là một người của mục vụ, Đức Phanxicô đã đối diện với vấn đề này bằng Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Amoris laetitia – Niềm vui Yêu thương. Trình bày những giải pháp trước những thách đố của các vấn đề hôn nhân bằng tình yêu thương trong sự phân định của Thánh Thần nơi gia đình hơn là luật pháp với những phép tính toán học.

Kết

Đức giáo hoàng Phanxicô bắt đầu triều đại của ngài khi tuổi đã cao giống như đức Gioan XXIII. Một vị giáo hoàng “chuyển tiếp” Gioan XXIII đã đem lại bầu khí mới aggiornamento của Công đồng Vatican II cho Giáo hội. Có lẽ Đức Phanxicô với nửa lá phổi của mình đã thổi vào Giáo hội một bầu khí trong lành – Buenos Aires để Giáo hội đi cùng và đi với thế giới của những con người của ngày hôm nay.

Duy Anh


Tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô được ấn định vào sáng thứ Bảy 26 Tháng Tư (VietCatholic)

Hôm Thứ Ba, 22 Tháng Tư, Vatican cho biết trong quyết định đầu tiên của Hồng Y Đoàn, tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ diễn ra vào sáng thứ Bảy 26 Tháng Tư, lúc 10 giờ sáng theo giờ địa phương Rôma, tức là 3 giờ chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam.

Điều này phù hợp với tông hiến Universi Dominici Gregis, nghĩa là “Đoàn Chiên Phổ Quát của Chúa”, do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22-02-1996. Tông hiến này quy định tang lễ của một vị Giáo Hoàng phải diễn ra trong vòng từ 4 đến 6 ngày sau khi ngài qua đời.

Lễ tang của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô. Buổi lễ sẽ do Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, 91 tuổi, người Ý, là niên trưởng Hồng Y đoàn chủ sự.

Tòa Thánh cho biết thánh lễ an táng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được tổ chức theo các quy định của Ordo Exsequiarum Romani Pontificis hay Nghi Thức An Táng Các Vị Giáo Hoàng Rôma, từ số 82 đến 109.

Vào cuối Thánh lễ, sẽ diễn ra nghi thức phó dâng và tiễn biệt. Thông thường, các vị Giáo Hoàng sẽ được chôn cất bên trong khu hầm mộ của Đền Thờ Thánh Phêrô. Cho nên, sau thánh lễ an táng, linh cữu của vị Giáo Hoàng quá cố sẽ được đưa từ quảng trường Thánh Phêrô vào Đền Thờ Thánh Phêrô và đưa đến khu hầm mộ.

Trường hợp Đức Giáo Hoàng Phanxicô có hơi khác. Theo di nguyện của ngài, ngài muốn được chôn cất tại Đền Thờ Đức Bà Cả. Thành ra, linh cữu của ngài đầu tiên sẽ được đưa vào bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô; rồi từ đó sẽ được đưa đến Đền Thờ Đức Bà Cả để chôn cất theo đúng di nguyện của ngài.


Danh sách các nhà lãnh đạo thế giới dự lễ tang Giáo hoàng Phanxicô

Nhiều nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo quốc tế đã xác nhận sẽ tham dự tang lễ của Giáo hoàng Francis vào ngày 26-4 để tiễn biệt Ngài.

Thánh lễ tang sẽ do Niên trưởng Hồng y đoàn Giovanni Battista Re chủ trì, với nghi lễ đơn giản hơn so với các vị tiền nhiệm, thể hiện tinh thần gắn bó với người nghèo và sự giản dị mà giáo hoàng đã theo đuổi suốt 12 năm trị vì.

Danh sách lãnh đạo các nước dự lễ tang Giáo hoàng Francis tính đến 11h trưa 23-4:

Châu Mỹ

Mỹ: Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania xác nhận sẽ tham dự tang lễ. 

Argentina: Văn phòng của Tổng thống Javier Milei xác nhận ông sẽ tham dự.

Brazil: Chính phủ nước này cho biết Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva sẽ tham dự cùng vợ là bà Janja. 

Liên hiệp quốc

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẽ tham dự lễ tang.

Châu Âu 

Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen và ông Antonio Costa, người đứng đầu Hội đồng châu Âu, sẽ tới Rome tham dự lễ tang.

Anh: Thủ tướng Keir Starmer sẽ tham dự, và Hoàng tử William cũng sẽ tham dự để đại diện cho Vua Charles III.

Ireland: Tổng thống Michael Higgins và phu nhân sẽ đến Rome tham dự lễ tang, cùng với Thủ tướng Micheal Martin.

Tây Ban Nha: Vua Felipe VI và Hoàng hậu Letizia của Tây Ban Nha sẽ tham dự. Quốc vương Felipe đã ca ngợi giáo hoàng là “một ngọn đèn đạo đức lớn lao của thế giới và thời đại chúng ta”.

Pháp: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã rút ngắn chuyến thăm khu vực Ấn Độ Dương sau khi giáo hoàng qua đời, xác nhận với các phóng viên rằng ông sẽ tham dự tang lễ.

Đức: Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Olaf Scholz cũng được kỳ vọng sẽ tham dự, cùng với Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, người sẽ dẫn đầu phái đoàn của Đức.

Ukraine: Tổng thống Volodymyr Zelensky, người nói rằng giáo hoàng đã “cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine”, sẽ tham dự cùng phu nhân Olena Zelenska.

Ba Lan: Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, người đã tuyên bố quốc tang ở nước này vào ngày tổ chức tang lễ giáo hoàng 26-4, xác nhận sẽ tham dự cùng phu nhân.

Bỉ: Thủ tướng Bỉ Bart De Wever sẽ tham dự cùng với Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde.

Hà Lan: Thủ tướng Dick Schoof và Bộ trưởng Ngoại giao Caspar Veldkamp sẽ tham dự lễ tang. Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Maxima – người cũng mang quốc tịch Argentina – sẽ không tham dự vì lễ kỷ niệm sinh nhật của nhà vua mặc dù họ “rất xúc động” trước sự ra đi của giáo hoàng, cung điện hoàng gia cho biết.

Bồ Đào Nha: Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa và Thủ tướng Luis Montenegro sẽ dẫn đầu phái đoàn tham dự lễ tang.

Hungary: Tổng thống Hungary Tamas Sulyok xác nhận sẽ tham dự. 

Áo: Thủ tướng Áo Christian Stocker xác nhận tham dự tang lễ. 

Thụy Sĩ: Tổng thống Karin Keller-Sutter xác nhận tham dự tang lễ.

Slovenia: Tổng thống Slovenia Natasa Pirc Musar sẽ tham dự cùng Thủ tướng Robert Golob.

Các tổng thống của ba quốc gia Baltic cũng xác nhận tham dự: Gitanas Nauseda của Litva, Edgars Rinkevics của Latvia và Alar Karis của Estonia.

Gia đình hoàng gia Monaco đã thông báo ba ngày quốc tang và nguồn tin cung điện cho biết Hoàng tử Albert II và Hoàng hậu Charlene sẽ tham dự lễ tang.

Các quốc gia châu Âu khác cũng cử lãnh đạo tham dự lễ tang bao gồm Cộng hòa Czech, Kosovo, Moldova, Romania và Slovakia.

Châu Á

Philippines: Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và phu nhân Liza Marcos sẽ tham dự lễ tang, theo thông báo từ văn phòng cung điện.

Đông Timor: Tổng thống Jose Ramos-Horta xác nhận tham gia cùng Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Bendito Freitas.


Financial Times: Putin đề nghị giữ nguyên chiến tuyến ở Ukraina (RFI)

Theo nhật báo Financial Times hôm 22/04/2025, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị với Hoa Kỳ chấm dứt cuộc chiến xâm lược Ukraina và giữ nguyên chiến tuyến như hiện nay.

Theo tờ báo Anh, trích dẫn “những người nắm rõ hồ sơ“, ông Putin đã đưa ra đề nghị nói trên trong một cuộc gặp tại Saint Petersburg vào đầu tháng 4 với đặc phái viên của tổng thống Donald Trump về chiến tranh Ukraina, ông Steve Witkoff, trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về ngừng bắn ở Ukraina. Đề nghị ngừng giao tranh và giữ nguyên chiến tuyến hiện nay có nghĩa là Matxcơva từ bỏ mục tiêu kiểm soát toàn bộ các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson et Zaporijjia mà Nga đã chiếm giữ nhiều khu vực rộng lớn. 

Theo các nguồn tin do Financial Times trích dẫn, tổng thống Putin sẵn sàng nhân nhượng như thế nếu Hoa Kỳ chấp nhận những yêu sách chính yếu của điện Kremlin, chẳng hạn như công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimée, mà Matxcơva đã sáp nhập năm 2014 và Ukraina không được gia nhập khối NATO. Theo báo chí Mỹ, tổng thống Trump, vì muốn nhanh chóng đạt được một bước đột phá ngoại giao trong hồ sơ Ukraina, sẵn sàng công nhận chủ quyền của Nga đối với vùng Crimée. 

Tuy nhiên, theo hãng tin Nga Ria Novosti, phát ngôn viên điện Kremlin hôm qua đã bác bỏ thông tin của Financial Times, cho đó là « tin giả ».

Về phần tổng thống Volodymyr Zelensky, hôm qua ông tuyên bố Ukraina sẵn sàng thảo luận trực tiếp với Matxcơva để chấm dứt chiến tranh, nhưng chỉ thảo luận sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. 

Trong khi đó, phái đoàn của Hoa Kỳ, Ukraina và Châu Âu hôm nay họp tại Luân Đôn để bàn về hưu chiến ở Ukraina. Nhưng hội nghị không diễn ra ở cấp ngoại trưởng theo dự kiến, mà chỉ có các cố vấn cao cấp họp kín. Từ Luân Đôn, thông tín viên Nguyễn Giang tường trình:

Cuộc họp dự kiến là thượng đỉnh 5 nước vì hòa bình cho Ukraina (Ukraine peace summit) đã bị hạ cấp xuống thành ‘hội đàm hòa bình’ vì không còn các bộ trưởng ngoại giao của Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Đức tham dự. Phái đoàn Ukraina tuy thế vẫn do cả bộ trưởng Ngoại Giao Andrii Sybiha, chánh văn phòng phủ tổng thống Andrii Yermak và bộ trưởng Quốc Phòng Rustem Umerov dẫn đầu, tới Luân Đôn dự họp.

Họ được ủy quyền bàn về cuộc ngưng bắn với Nga và không thể đồng ý gì về việc công nhận thuộc về Nga các phần lãnh thổ Ukraina ở phía Đông đã bị Nga chiếm, gồm bán đảo Crimée. Các vấn đề về lãnh thổ là chuyện liên quan đến hiến pháp và chủ quyền, nên Ukraina sẽ không chấp nhận bị ép phải khuất phục, theo lời tổng thống Volodymyr Zelensky vừa nói. Thế nhưng, đây lại là phần chủ chốt của kế hoạch Hoa Kỳ đưa ra, muốn công nhận Crimea thuộc Nga nhằm thuyết phục Nga đồng ý “đóng băng đường giới tuyến thực tế”, theo lời phó tổng thống Mỹ J.D. Vance vừa nói với báo chí.

Tuy vậy, việc Hoa Kỳ một mặt dọa bỏ luôn vai trò trung gian đàm phán nếu Nga và Ukraina “không đạt được thỏa thuận trong tuần này”, mặt khác vẫn cử cựu tướng Keith Kellogg tới dự họp ở Luân Đôn cho thấy Hoa Kỳ cũng muốn gây sức ép đối với Nga, đồng thời muốn Ukraina nhượng bộ về lãnh thổ và cam kết không gia nhập khối NATO. Sau hội nghị Luân Đôn, ngay trong tuần này Hoa Kỳ sẽ cử đặc sứ Steven Wittkof sang Matxcơva lần thứ tư để nói chuyện với lãnh đạo Nga.

Về phần mình, nước chủ nhà Anh Quốc vẫn đề cao cam kết của các nước châu Âu ủng hộ Ukraina không chấp nhận các yêu sách của Nga, đơn giản là vì, như lời của bộ trưởng Quốc Phòng John Healey nói trước Quốc Hội hôm 22/04, cuộc oanh kích vào Sumy giết chết 35 thường dân Ukraina vào ngày Chủ Nhật Tuần thánh cho thấy “Vladimir Putin chỉ  nói về đàm phán hòa bình để tiếp tục bắn phá” và kéo dài chiến sự. Trong khi chính quyền Trump tỏ ra tin tưởng vào ông Putin thì Anh Quốc không tin và còn gia tăng yểm trợ quân sự cho Ukraina. Các báo Anh nay đồng ý rằng việc thuyết phục Nga chấp nhận ngừng bắn 30 ngày sẽ không hề dễ dàng và con đường tới hòa bình ở Ukraina sẽ còn rất xa.”


Ngoại trưởng Rubio và đặc phái viên Mỹ bất ngờ rút khỏi đàm phán London về hòa bình cho Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và đặc phái viên Steve Witkoff thông báo sẽ không tham dự các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới với các quan chức Ukraine và châu Âu tại London.

Theo tờ The New York Times, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và đặc phái viên Steve Witkoff ngày 22-4 ra quyết định rút khỏi cuộc đàm phán hòa bình tại London diễn ra vào ngày 23-4.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (phải) và đặc phái viên Steve Witkoff

Cuộc họp tại London (Anh) là phần tiếp nối của cuộc đàm phán tại Paris (Pháp) diễn ra vào tuần trước. Theo kế hoạch, các đại diện từ Ukraine, Anh và Pháp vẫn sẽ họp vào ngày 23-4 để thảo luận về một lệnh ngừng bắn tiềm năng giữa Nga và Ukraine. 

Tờ Financial Times dẫn nguồn từ các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết tuy hai ông Rubio và Witkoff rút khỏi cuộc họp, đặc phái viên tổng thống Mỹ về Ukraine, ông Keith Kellogg vẫn sẽ tham dự.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce giải thích lý do ông Rubio rút khỏi cuộc đàm phán hòa bình là do xung đột lịch trình, đồng thời khẳng định điều này không báo hiệu sự thay đổi trong cam kết của Mỹ đối với tiến trình hòa bình.

Trước đó, vào ngày 17-4 tại Paris, phía Mỹ được cho là đã trình bày một dự thảo đề xuất hòa bình với các quan chức Ukraine và châu Âu. 

Đề xuất này được cho là công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời loại bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO để đổi lại một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Các quan chức châu Âu bày tỏ lo ngại về đề xuất hòa bình này của Mỹ. Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 22-4 cũng nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ không công nhận việc Nga chiếm đóng Crimea trong bất kỳ kịch bản nào, đồng thời khẳng định hành động Nga sáp nhập Crimea năm 2014 là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, phía Điện Kremlin đánh giá cao lập trường của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Chúng tôi đã nghe từ Washington về việc loại trừ tư cách thành viên NATO của Ukraine. Tất nhiên, đây là điều khiến chúng tôi hài lòng và phù hợp với lập trường của chúng tôi”, theo ông Dmitry Peskov.

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Nga, ông Witkoff tuy không tham dự đàm phán tại London nhưng đang có kế hoạch tới Nga vào cuối tuần này, sau 3 lần gặp Tổng thống Vladimir Putin kể từ tháng 2.


Kế hoạch hòa bình cho Ukraina: Mỹ có thể sẽ công nhận bán đảo Crimée là của Nga (RFI)

Ngày 21/04/2025, điện Kremlin hoan nghênh đề xuất của Mỹ trong kế hoạch hòa bình cho Ukraina. Nhà Trắng được cho là có thể công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimée, bị sáp nhập từ năm 2014 và loại bỏ khả năng Ukraina gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng để ngỏ khả năng đàm phán song phương với Ukraina về việc dừng tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự.

Ngày 20/04, nhật báo Wall Street Journal cho biết bản kế hoạch hòa bình được Nhà Trắng trình bày hôm 17/04, trong đó có hai điểm quan trọng : Dường như Mỹ sẽ công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée và Ukraina không được gia nhập NATO. Sau đó, đặc sứ Mỹ Keith Kellogg cũng khẳng định « không có chuyện » kết nạp Ukraina vào NATO. Còn tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội ngày 20/04 rằng ông hy vọng « Nga và Ukraina sẽ đạt được một thỏa thuận trong tuần này ».

Theo Reuters, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết là « hài lòng » về lập trường của chính quyền tổng thống Mỹ, « phù hợp với lập trường » của Nga, nhưng từ chối bình luận về hy vọng của Donald Trump về một thỏa thuận hòa bình đạt được « trong tuần này ».

Về phía tổng thống Nga Vladimir Putin, trả lời báo giới ngày 21/04, ông cho biết « để ngỏ khả năng thảo luận trực tiếp với Kiev về việc dừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự », dường như để đáp lại lời kêu gọi của tổng thống Zelensky. Đây là lần đầu tiên kể từ nhiều năm qua, ông Putin nêu khả năng đàm phán song phương với Ukraina, trong bối cảnh Mỹ gia tăng áp lực buộc cả hai bên phải nhanh chóng đạt được một thỏa thuận hòa bình.

Ông Putin khẳng định Nga « có thái độ tích cực về lệnh ngừng bắn » khi đơn phương ban hành lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục Sinh trong vòng 30 tiếng. Tuy nhiên, chính quyền Ukraina tố cáo Nga vi phạm « hơn 2.000 lần » và 74 địa điểm ở Ukraina bị tấn công ngay sau khi lệnh ngừng bắn « hết » hiệu lực. Trong đêm 21-22/04, Nga tấn công các vùng Kiev, Sumy và Odessa bằng 54 drone Shaed và nhiều loại khác.

Ngày 23/04, Ukraina sẽ tham gia họp với các quan chức Mỹ và châu Âu ở Luân Đôn, Anh, sau khi Washington cảnh báo có thể từ bỏ nỗ lực chấm dứt xung đột nếu không có dấu hiệu tiến triển.


 Chiến tranh thương mại: Trung Cộng dọa nạt các đối tác tìm kiếm thỏa hiệp với Mỹ

Bắc Kinh sẽ « không chấp nhận bất kỳ một thỏa thuận thương mại và kinh tế nào giữa các đối tác với Hoa Kỳ gây bất lợi cho Trung Cộng ». Bộ Thương Mại Trung Cộng ngày 21/04/2025 cảnh cáo như trên vào lúc châu Á đang hối hả tìm cách đàm phán với chính quyền Trump để tránh bị áp thuế « đối ứng ».

Đây là thông điệp của Bắc Kinh gửi đến Washington và nhất là nhằm răn đe các nước khác trên thế giới đứng về phe Mỹ, để cô lập Trung Cộng. Lời đe dọa này cũng là một cuộc trắc nghiệm về ảnh hưởng của Bắc Kinh với châu Á-Thái Bình Dương.

Việc Trung Cộng hù dọa là một diễn biến mới vào lúc « có nhiều dấu hiệu khả quan » về việc các đối tác chủ chốt của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương chóng đạt được đồng thuận và phần nào hóa giải được biện pháp « thuế đối ứng » chính quyền Trump ban hành.

Trung Cộng sợ mất ảnh hưởng

Một phái đoàn Hàn Quốc chuẩn bị đến Washington nội trong tuần này để đàm phán với phía Mỹ. Trước đó, đích thân tổng thống Trump đã tiếp trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản và để ngỏ khả năng Mỹ-Nhật nhanh chóng « tìm được đồng thuận » về thương mại. Tại Tokyo thủ tướng Shigeru Ishiba thậm chí cho là « đối thoại Mỹ-Nhật có thể là một khuôn mẫu cho mọi nền kinh tế cần thương lượng với Washington ». Phó tổng thống Hoa Kỳ JD Vance bắt đầu chuyến công du Ấn Độ trong bốn ngày, kể từ hôm nay, với trọng tâm là « đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương ».

Đài Loan đã liên tục thông báo ý định mua thêm trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ. Việt Nam có thặng dư mậu dịch lớn với Hoa Kỳ, chịu mức thuế đối ứng đến 46 %, đã vội vã điều một phó thủ tướng đến Washington họp với bộ trưởng Tài Chính Mỹ Scott Bessent ngày 09/04/2025. Từ Malaysia đến Thái Lan, từ Singapore đến Indonesia đều hối hả bày tỏ thiện chí thu hẹp xuất siêu với Hoa Kỳ. Chính quyền Bangkok loan báo sẽ mua thêm khí hóa lỏng của Mỹ…

Do vậy, theo hãng tin Mỹ Bloomberg, Trung Cộng cảm thấy ảnh hưởng của mình với các đối tác châu Á có thể bị suy giảm nếu Mỹ dùng đòn thuế quan đòi ASEAN hay các nước Đông Bắc Á giảm bớt giao dịch với Bắc Kinh.

Chiến thuật vừa đấm vừa xoa

Thông cáo sáng nay 21/04/2025 của bộ Thương Mại Trung Cộng lên án chính quyền Trump « lạm dụng » thuế hải quan để uy hiếp và bắt chẹt các đối tác kinh tế và thương mại, lôi kép họ về phía Mỹ nhằm « cô lập » Bắc Kinh. Do vậy Trung Cộng sẽ « đáp trả mạnh mẽ và một cách tương xứng » mọi quyết định của một nền kinh tế thương lượng với Hoa Kỳ « trên lưng Trung Cộng ». Hãng tin Anh Reuters ghi nhận lời lẽ cứng rắn này xuất phát từ việc nhiều nguồn tin thông thạo cho biết Nhà Trắng đang « chuẩn bị siết chặt thêm gọng kềm » nhắm vào Bắc Kinh.

Theo quan điểm của một chuyên gia Trung Cộng được Reuters trích dẫn, lời lẽ này trước hết đặt châu Á trong thế kẹt, vì thực ra « không một quốc gia nào muốn phải chọn phe » mà « phần lớn các nước Đông Nam Á thì lại lệ thuộc nhiều vào hàng hóa, đầu tư, công nghệ và cả tiêu thụ của Trung Cộng ».

Giọng điệu hù dọa này được đưa ra ngay sau khi chủ tịch Tập Cận Bình vừa kết thúc vòng công du ba nước Đông Nam Á, qua Việt Nam, Malaysia và Cam Bốt. Tại mỗi chặng dừng vừa qua lãnh đạo Trung Cộng vừa quảng bá hình ảnh một đất nước Trung Cộng ổn định và ôn hòa, vừa kêu gọi thành lập một liên minh chống lại chính sách bảo hộ của Mỹ.

Tuy nhiên báo chí phương Tây cho rằng, Bắc Kinh đang lo Hoa Kỳ mượn tay các đối tác kinh tế của Mỹ để cô lập Trung Cộng. Hiện tại nhiều phái đoàn từ Indonesia đến Thái Lan, Đài Loan … gần như đang túc trực sẵn tại Washington. Indonesia đang lên kế hoạch tăng nhập khẩu thực phẩm và hàng hóa của Mỹ.

Châu Á lâm vào thế « phải chọn phe »

Riêng ASEAN bị kẹt giữa cuộc chiến thuế quan Trung-Mỹ. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Cộng  234 tỷ đô la trong quý một 2025. Còn với Mỹ là gần 480 tỷ cho cả năm. Nhưng Hoa Kỳ chỉ là « đối tác thương mại lớn thứ tư của khối khu vực này » theo các thống kê của Washington.

Một điểm thứ nhì được ghi nhận sau thông cáo hôm nay của bộ Thương Mại Trung Cộng là một khi mà chính quyền Trump dùng thuế hải quan như một công cụ để phục vụ các mục tiêu địa chính trị, và thậm chí là như một loại vũ khí để trừng trị thiên hạ thì coi như Mỹ cũng đang « vẽ đường cho hươu (Trung Cộng) chạy ».  Chỉ có ASEAN, các nước mang nợ Trung Cộng hay phụ thuộc vào công nghệ của Trung Cộng là bị đẩy vào thế phải « chọn phe ». Đây là điều mà từ hàng chục năm nay các nước Đông Nam Á hết sức tránh né. Từ Singapore đến Philippines nổi tiếng là gần gũi với Hoa Kỳ đã cố gắng tránh né tối đa để bị đẩy vào tình huống này.   


Philippines và Mỹ tập trận với kịch bản “chiến đấu quy mô lớn” tại Biển Đông (RFI)

Cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Balikatan” (tức “Vai kề vai”) giữa quân đội Mỹ và Philippines đã bắt đầu vào hôm 21/04/2025 và sẽ kéo dài ba tuần. Đây là cuộc tập trận đầu tiên mà hai nước thực hiện mô phỏng phối hợp giữa hệ thống phòng thủ trên không và chống tên lửa.

Cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 17.000 binh sĩ với các vũ khí tinh vi của Mỹ, bao gồm cả hệ thống tên lửa chống tàu NMESIS “có tính cơ động cao”, đặc biệt là trong vùng biển ngăn cách phía bắc Philippines với đảo Đài Loan. Phát biểu trong buổi lễ khai mạc hôm nay tại Manila, thiếu tướng thủy quân lục chiến Mỹ James Glynn nhấn mạnh : “Chúng ta không chỉ thể hiện quyết tâm tuân thủ hiệp ước phòng thủ chung đã có từ năm 1951, mà còn thể hiện khả năng vô song trong việc thực hiện điều đó.” Về phần mình, tướng Philippines Francisco Lorenzo cho biết các cuộc tập trận sẽ tăng cường khả năng của Philippines đối phó với các “thách thức an ninh đương đại.”

Theo ghi nhận của hãng tin AFP, mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines đã được tăng cường đáng kể từ khi tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức vào năm 2022. Trong chuyến thăm Manila vào cuối tháng 3, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố rằng Washington “đang gia tăng nỗ lực” để củng cố liên minh với Philippines. Mỹ cũng đã thông báo phê duyệt dự án bán 20 máy bay chiến đấu F-16 cho Philippines hồi đầu tháng này. 

Cũng trong cùng khoảng thời gian này, khi Trung Cộng tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn mô phỏng việc phong tỏa Đài Loan, tư lệnh quân đội Philippines Romeo Brawner cho rằng các lực lượng của nước này “sẽ không thể tránh khỏi” bị lôi kéo nếu Đài Loan bị xâm lược. Manila sau đó giải thích rằng những nhận xét này chỉ đề cập đến việc triển khai quân đội để đưa công dân Philippines từ Đài Loan về nước trong trường hợp có xung đột.


TIN VIỆT NAM.

Tổng thống Trump yêu cầu quan chức không dự kỷ niệm 30/4 ở Việt Nam, điều này có ý nghĩa gì? (Trích BBC)

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tại Việt Nam không tham gia các sự kiện kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh – một động thái mà Việt Nam có lẽ cần xem xét nghiêm túc.

Bốn quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên nói với báo The New York Times rằng Washington gần đây đã chỉ đạo các nhà ngoại giao cấp cao — bao gồm cả Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper — tránh tham gia các hoạt động liên quan đến lễ kỷ niệm 30/4.

Đây là ngày kết thúc của cuộc chiến mà Việt Nam gọi là Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc chiến này được biết đến từ phía Mỹ và báo chí phương Tây với tên gọi Chiến tranh Việt Nam – Vietnam War.

Ông Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam từ năm 2022, là con trai của một cựu chiến binh thời Chiến tranh Việt Nam. Trên cương vị chính thức, ông Knapper luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ với sứ mệnh ngoại giao, đó là nỗ lực củng cố quan hệ giữa hai nước.

The New York Times thông tin thêm rằng các hoạt động được đề cập tới bao gồm một buổi tiệc chiêu đãi tại khách sạn vào ngày 29/4 với sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao trong chính quyền Việt Nam, cũng như một cuộc diễu hành quy mô lớn vào ngày 30/4.

Các cựu chiến binh Mỹ quay trở lại Việt Nam cũng được thông báo rằng họ phải tự mình lo liệu cho các cuộc tọa đàm công khai do họ tổ chức về chiến tranh, hòa giải và các sự kiện kỷ niệm.

Ngôn ngữ của ‘bên thắng cuộc’

Từ trước tới nay, chính quyền Việt Nam và báo chí luôn tự hào về sự phát triển trong quan hệ hai nước.

Ví dụ, vào tháng 9/2023, trong tiệc chiêu đãi Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu “nhấn mạnh sự phát triển của quan hệ hai nước, từ cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, cho rằng đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh”, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Nhưng với cuộc chiến trong quá khứ, về phía Việt Nam, mỗi khi tới lễ kỷ niệm 30/4, những diễn ngôn về “cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước” và “lên án tội ác” của Mỹ lại tràn ngập trên các mặt báo.

Lần này, tròn 50 năm kết thúc chiến tranh, Việt Nam đang thực hiện một lễ diễu binh quy mô lớn chưa từng có, với sự tham gia của Campuchia, Lào và Trung Quốc.

Theo dự kiến, lộ trình diễu binh ngày 30/4 sẽ bắt đầu từ giao lộ Nguyễn Bình Khiêm, đi dọc đường Lê Duẩn, ngang qua Dinh Độc Lập và sau đó chia thành bốn hướng. Do đó, đoàn diễu binh sẽ đi qua tòa Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP HCM nằm ở đường Lê Duẩn.

Cột mốc 50 năm kết thúc chiến tranh là một dịp quan trọng và phía Việt Nam có đầy đủ lý do để tổ chức một lễ ăn mừng hoành tráng, như họ đang làm. Tuy nhiên, xét bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang cần giữ cân bằng trong quan hệ với các cường quốc, trong đó việc củng cố quan hệ với Mỹ là một trong những ưu tiên. Trước mắt, Việt Nam cần thuyết phục để Tổng thống Donald Trump hạ mức thuế quan 46% dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng Bảy tới. Và trong dài hạn, với vị thế là một cường quốc kinh tế, công nghệ, là thị trường dẫn đầu toàn cầu, Mỹ vẫn là đối tác mà Việt Nam cần xây dựng một mối quan hệ gần gũi.

Do đó, phản ứng của Tổng thống Donald Trump, ra lệnh cho quan chức ngoại giao không “dính đến” hoạt động kỷ niệm 30/4 của Việt Nam, là một động thái mà phía Hà Nội cần phải lưu tâm suy xét.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt về chủ đề 30/4, khi hỏi đến mối quan hệ Việt-Mỹ thì nhà nghiên cứu Nayan Chanda (Ấn Độ) nhắc đến Washington đã ra lệnh cho phái bộ của mình tại Việt Nam không tham gia lễ kỷ niệm.

Ông bình luận: “Điều đó cho thấy một thái độ rất khác so với trước đây của Hoa Kỳ. Tôi không biết, thật khó nói, nhưng có lẽ điều này sẽ cản trở tiến trình củng cố quan hệ, phần nào làm gián đoạn quá trình tiếp tục hòa giải.”

Viết trên Facebook cá nhân, Kiến trúc sư Dương Quốc Chính từ Hà Nội cho rằng động thái này “sẽ khiến cho chương trình kỷ niệm 50 năm của Việt Nam cần được xem xét lại một cách cực kỳ cẩn trọng”.

“Chủ yếu sẽ là những nội dung tuyên truyền chửi Mỹ nên được cân nhắc để lọc bỏ những nội dung thô thiển (nếu có). Các nhà ngoại giao Mỹ không thể tham gia sự kiện mà lại có những nội dung kiểu đó,” ông viết.

‘Kháng chiến chống Mỹ’ và ‘Chiến tranh biên giới’

Trên mặt trận truyền thông chính thống, Việt Nam lâu nay thường mô tả các cuộc chiến với Mỹ và Trung Quốc theo những cách khác nhau.

Khi nói tới Mỹ, truyền thông Việt Nam thường không ngần ngại nêu bật tính phi nghĩa của Mỹ, nhấn mạnh các tội ác của Mỹ trong cuộc chiến quá khứ.

Còn Trung Cộng vốn là một nhà bảo trợ của Việt Nam trong cuộc chiến với Mỹ và cùng ý thức hệ cộng sản, Việt Nam có cách tiếp cận khác khi nhắc lại các cuộc xung đột quân sự giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Khi nói tới cuộc chiến với Trung Cộng vào năm 1979, tên gọi thường được biết đến nhiều nhất là Chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979. Tên của “kẻ thù Trung Cộng” cũng ít được nhắc đến một cách chính thức, như cách mà chính quyền Việt Nam hay nhắc tới Mỹ trong cuộc chiến trước đó.

Trên thực tế, cuộc xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Cộng không chỉ diễn ra vài tháng vào năm 1979 mà còn kéo dài suốt thập niên 1980, với các vụ đụng độ giữa bộ binh và các màn pháo kích liên miên giữa hai bên.

Xung đột chỉ thực sự chấm dứt khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1991.

Các lễ kỷ niệm cuộc chiến với Trung Cộng không được tổ chức long trọng, với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao nhất của trung ương như các lễ mừng chiến thắng trong cuộc chiến với Mỹ.

Diễn ngôn đã dần thay đổi trong những năm gần đây, với việc tên kẻ thù “Trung Quốc” được đề cập, nhưng chỉ đạo từ chính quyền vẫn luôn là “tránh làm căng thẳng quan hệ hai nước”.

Trở lại quan hệ với Mỹ, vào tháng 9/2023, hai cựu thù đã trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, cấp quan hệ ngoại giao cao nhất trong các thang bậc ngoại giao của Việt Nam.

Tính đến nay, về mặt kinh tế, Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam.

Về mặt quân sự, từ vị trí ở hai chiến tuyến đối nghịch, hai nước đã có nhiều hoạt động giao lưu, xây dựng quan hệ và hợp tác quốc phòng. Việt Nam trong những năm gần đây đã nhận các tàu loại biên của Tuần duyên Mỹ để trang bị cho Cảnh sát biển, cũng như đã mua máy bay huấn luyện của Mỹ. Một số thông tin cho biết Việt Nam hiện đang đàm phán mua máy bay vận tải quân sự C-130 và chiến đấu cơ F-16.

Giữa tất cả những tiến triển tích cực ấy, việc Washington “né tránh” sự kiện 30/4 mà Việt Nam đang rầm rộ tổ chức có thể được coi là một nốt trầm trong quan hệ, mà chắc chắn Hà Nội không thể phớt lờ.


Việt Nam tăng cường đàn áp các nhà bất đồng chính kiến

Tổ chức Human Rights Watch, trong thông cáo công bố hôm nay 22/04/2025, tố cáo, « Việt Nam dưới thời Tô Lâm » tăng cường đàn áp những người bầy tỏ bất đồng chính kiến, chỉ trích chính quyền trên mạng.

Trong báo cáo dài 26 trang, được mở đầu bằng trích dẫn của nhà thơ Việt Nam Hoàng Nhuận Cầm : « Tất cả chúng ta đều bị theo dõi. Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi », tổ chức Human Rights Watch nêu ra những trường hợp mà chính phủ Việt Nam, sử dụng điều 331 của Luật Hình sự để trấn áp những người sử dụng mạng xã hội hoặc các phương tiện khác, để công khai chỉ trích các vi phạm quyền tự do tôn giáo, lạm dụng quyền sử dụng đất đai, tình trạng tham nhũng trong chính phủ.

Phó giám đốc của tổ chức, phụ trách khu vực châu Á khẳng định rằng điều 331 là công cụ mà chính phủ Việt Nam đã « lạm dụng để xâm phạm các quyền cơ bản của công dân », không chỉ đàn áp những nhà đối lập chính trị, mà nay, nhắm cả vào thường dân « phàn nàn về dịch vụ công kém chất lượng hay tố cáo tình trạng lạm quyền của cảnh sát ».

Từ năm 2018 đến 2025, theo ước tính của HRW, Việt Nam đã sử dụng điều 331 của luật hình sự, kết án tù nặng nề đối với 124 người vì có những hành vi « ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước ». Con số này cao hơn gấp 4 lần trong giai đoạn 2011-2017 (28 trường hợp).  

Theo HRW, cách cai trị đất nước 100 triệu dân, kiểu « không khoan dung đối với bất cứ chỉ trích nào », « phản ánh sự thất bại của chính phủ » trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, mặc dù Hà Nội ngày càng có uy tín trên trường quốc tế và cũng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.(RFI)


Thuế mới trên tấm pin mặt trời

 Chính phủ Hoa Kỳ hôm qua, 21/04/2025, thông báo ý định áp thuế lên tới 3.521% đối với các tấm pin năng lượng Mặt trời từ 4 nước Đông Nam Á, được sản xuất với sự hỗ trợ của Trung cộng. Theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA), một cơ quan thuộc bộ Thương Mại Hoa Kỳ, mức thuế quan này sẽ được áp dụng đối với các công ty có trụ sở tại Cam Bốt, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, những công ty bị xem là đã « hưởng lợi một cách không công bằng từ các khoản trợ cấp chính phủ » để xuất khẩu tấm pin năng lượng Mặt trời. (RFI)


Thủ Tướng Nhật thăm Việt Nam và Phi

(NHK) – Thủ tướng Nhật Bản công du Việt Nam và Philippines bàn về thuế hải quan của Mỹ. Chuyến công du dự kiến diễn ra vào tuần tới nhưng chưa có thời gian cụ thể. Ngoài hồ sơ thuế quan của Mỹ, thủ tướng Nhật Bản cũng sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế tự do và cởi mở, dựa trên Nhà nước pháp quyền, cũng như tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác an ninh với hai nước Việt Nam và Philippines trong bối cảnh Trung cộng gia tăng hoạt động trên biển. (RFI)


Giá vàng tại Việt Nam vọt tăng lên mốc chưa từng có

Giá vàng trong nước bật tăng trong bối cảnh giá kim loại quý thế giới lập kỷ lục, lần đầu vượt 3.400 USD/ounce. Chỉ sau một ngày, giá tăng 6 triệu đồng/lượng.

Cập nhật đến 15h ngày 22/4 cho thấy, các doanh nghiệp lớn tiếp tục điều chỉnh giá vàng giá vàng SJC lên mức 122-124 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng tiếp 1,5 triệu đồng/lượng so với trước đó, lập kỷ lục mới.

Trước đó, lúc 11h, các doanh nghiệp lớn tiếp tục điều chỉnh giá vàng giá vàng SJC lên mức 120,5-122,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 1,5 triệu đồng/lượng so với thời điểm mở cửa phiên. Chênh lệch giá mua và bán giữ nguyên ở vùng 2 triệu đồng/lượng. Mức giá này là mức kỷ lục mới của vàng miếng SJC.

Giá vàng nhẫn trơn được giữ nguyên ở mức 116,5-119,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 3 triệu đồng mỗi chiều so với thời điểm mở cửa phiên sáng.

Còn giá lúc mở cửa phiên giao dịch là 119-121 triệu đồng/lượng (mua – bán). Các thương hiệu lớn khác cũng nâng giá vàng miếng lên tương ứng. Chênh lệch giá mua và bán giữ nguyên ở vùng 2 triệu đồng/lượng. Mức giá này là mức kỷ lục của vàng miếng SJC. Giá vàng nhẫn trơn được giữ nguyên ở mức 113-116 triệu đồng/lượng (mua – bán).

Giá vàng biến động mạnh song nguồn cung trên thị trường rất khan hiếm. Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, sau nhiều ngày ghi nhận lượng người xếp hàng đông đúc, không ít cửa tiệm ở Hà Nội đã phải thông báo hết sạch vàng. Các cửa hàng không bán ra, chỉ thu mua cho đến khi có thông báo mới.

Giá vàng trong nước bật tăng trong bối cảnh giá vàng thế giới lập kỷ lục mới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay giao dịch quanh 3.414 USD/ounce, lập kỷ lục mới. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, giá vàng thế giới tương đương 107 triệu đồng/lượng.

Kim loại quý liên tục lập kỷ lục trong năm nay nhờ vào dòng tiền trú ẩn an toàn. Chính sách áp thuế trên diện rộng của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng những bất ổn xoay quanh chiến lược thương mại đã gây xáo trộn trên thị trường toàn cầu, làm lu mờ triển vọng kinh tế Mỹ. Điều này khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi các tài sản Mỹ.

Tổng thống Donald Trump trước đó cũng đã phát động một loạt các đòn công kích nhằm vào Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, đồng thời nhóm của ông đang đánh giá khả năng cách chức ông Jerome Powel – một động thái có ảnh hưởng lớn đến tính độc lập của ngân hàng trung ương và thị trường toàn cầu.

Đồng USD xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm, cũng là nguyên nhân khiến vàng định giá bằng USD trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài. (Dân Trí)