Sơn Hà (tháng Tám – 2018)
Trên bán nguyệt san National Review số ra đầu tháng Bảy-2018, có bài quan điểm nhan đề “China’s Debt-Trap Diplomacy”, có thể dịch là “Chính sách ngoại giao gài bẫy nợ của Trung cộng”, cho thấy mưu mô gian manh Trung cộng trong kế hoạch xây dựng con đường tơ lụa mới gọi là “nhất đới nhất lộ” (Belt and Road Initiative – BRI hay One Belt One Road – OBOR). Mở đầu,“Muốn hiểu về tham vọng chính trị của Trung cộng, hãy đến Sri Lanka”, bài quan điểm đưa ra bối cảnh của Sri Lanka dưới thời Tổng Thống Mahinda Rajapaksa. Kể từ năm 2005, sau khi nhậm chức, ông được Trung cộng hứa hẹn cho vay nợ để tái thiết đất nước sau khi chấm dứt cuộc nội chiến 26 năm với lực lượng sắc tộc Hổ Tamil. Đến năm 2015, ông thất cử, không được tiếp tục làm tổng thống. Sri Lanka vất vả vật lộn với khối nợ hơn nhiều tỷ Đô La. Để rồi đến tháng 12 năm 2017, Sri Lanka phải dâng cho Trung cộng hải cảng Hambantota, là một hải cảng chiến lược nằm ở miền nam của đảo quốc Sri Lanka, cùng với 15,000 mẫu đất chung quanh hải cảng, để trừ một số nợ.
Gài Bẫy Để Chiếm Mục Tiêu
Trên nhật báo New York Times, bài “How China Got Sri Lanka to Cough Up a Port” (Làm Sao Trung cộng ép Sri Lanka dâng nạp hải cảng), bài của Maria Abi-Habib phổ biến ngày 25 tháng Sáu – 2018, đúc kết từ các cuộc phỏng vấn các giới chức Sri Lanka và Ấn Độ cùng với tài liệu được tiết lộ bởi Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ qua ngã WikiLeaks, cho biết món nợ đầu tiên, Sri Lanka vay từ ngân hàng Export-Import Bank của Trung cộng hay còn được gọi là Exim Bank. Số tiền là 307 triệu Đô La. Nhưng, để được vay số tiền này, Sri Lanka phải chấp nhận đòi hỏi của Bắc Kinh là phải để cho công ty China Harbor đấu thầu. Công ty China Harbor là công ty quốc doanh của Trung cộng chuyên xây cất các hải cảng. Sau món nợ đầu tiên, Trung cộng bắt đầu đòi nợ và đưa ra các cuộc điều đình. Các cuộc điều đình này là xin khất nợ. Nợ cũ chưa trả lại xin vay thêm vì các cuộc xây dựng còn dở dang. Trung cộng xóa nợ cho Sri Lanka 1 tỷ Đô La trong các khoản nợ tiền xây cất các hải cảng. Rồi Trung cộng tăng phân lời trên các khoản vay mới.
Mục tiêu của Trung cộng nhắm tới là chiếm cho được hải cảng chiến lược Hambantota, ở phía nam đảo quốc Sri Lanka. Trung cộng làm cho Sri Lanka trở thành con nợ mỗi ngày lún sâu trong khối nợ nần không thể thoát ra. Tiền vay từ ngân hàng của Trung cộng, trả cho công ty quốc doanh cũng của Trung cộng, chuyên xây dựng hải cảng. Hambantota là hải cảng chiến lược có tầm vóc quốc tế, là hải cảng nằm trên chuỗi các hải cảng trên thủy lộ của “nhất đới nhất lộ” của Trung cộng. Tiền nợ mỗi ngày mỗi nhiều hơn và tiền lời cứ tăng lên để cuối cùng hải cảng thuộc về Trung cộng với hợp đồng 99 năm. Khi đem cảng Hambantota dâng cho Trung cộng thì nó lại đòi phải bán cho nó 15,000 mẫu đất chung hải cảng thì nó mới chịu.(hình 1) Sau khi giành được quyền kiểm soát hải cảng, Trung cộng mặc nhiên mở rộng thêm quyền kiểm soát vài trăm cây số ra khơi và lăm le xâm lấn vào lãnh hải của Ấn Độ, rồi vươn tay đi vào vùng Ấn Độ Dương, nối dài và mở rộng con đường thủy lộ của tham vọng độc bá thế giới trong lãnh vực thương mại và quân sự.
Nhất Đới Nhất Lộ – One Belt One Road
Cả thế giới bắt đầu e ngại về tham vọng leo lên ngôi vị số một của hoàn cầu về mặt kinh tế. Về mặt quân sự, Trung cộng cũng mau lẹ lợi dụng nội tình Hoa Kỳ đang có mâu thuẫn quyền lực giữa hai đảng cầm quyền để xây dựng căn cứ quân sự và tân trang vũ khí. Trung cộng chế tạo thêm tàu ngầm và hàng không mẫu hạm, chạy đua võ trang với Hoa Kỳ trước khi đến ngày kỷ niệm 100 năm kể từ cái năm 1949, cái ngày đảng cộng sản của Mao Trạch Đông chiếm trọn Trung quốc. Nhất đới nhất lộ sẽ giúp Trung cộng thống lĩnh thế giới trong lãnh vực mậu dịch và thương mại. Sau đó, chính con đường này sẽ là đường nối các cứ điểm then chốt của vành đai quân sự.
Hoa Kỳ chú ý nhiều hơn về kế hoạch “nhất đới nhất lộ” của Trung cộng. Nó là “Một vành đai, Một thủy lộ”. Một vành đai được cải tiến từ “con đường tơ lụa” đã có trước đây, là chuỗi dài các căn cứ trên đất liền, là các đặc khu kinh tế, trải dài từ lục địa Trung Hoa qua đến Âu châu đi xuyên các quốc gia như Kyrgystan, Kazakhstan, Iran,… các nước Đông Âu rồi tiến vào Âu Châu bằng các xa lộ và đường xe lửa cao tốc.
Một thủy lộ, đường biển từ Bắc Á xuống vùng Đông Nam Á, biển Thái Bình Dương qua các eo biển đến Ấn Độ Dương, qua Hồng Hải, Địa Trung Hải rồi vào Đại Tây Dương. Để tạo ra con đường thủy lộ đó, Trung cộng cần có các hải cảng có toàn quyền kiểm soát. Trung cộng nuôi giấc mộng trở thành một cường quốc đại dương nên quyết tâm xây dựng thủy lộ đi từ bắc xuống nam, đông qua tây.
Thủy lộ này bắt đầu từ các hải cảng dọc duyên hải của Trung Hoa xuống vùng Đông Hải của Việt Nam. Các hải đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã chiếm của Việt Nam chưa đủ để kiểm soát con đường đi qua Đông Hải. Trung cộng nhất định chiếm đoạt 3 hải cảng của Việt Nam là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc để khống chế Đông Hải. Thủy lộ tiếp tục xuyên qua eo biển Malacca tiến vào Vịnh Benga, đến cảng Hambantota của Sri Lanka (vừa mới thuộc về Trung cộng 99 năm, bắt đầu từ tháng 12 năm 2017). Đến Tanzania, Kenya ở Phi Châu qua Hồng Hải, Địa Trung Hải rồi tiến vào Đại Tây Dương. (hình 2)
Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc Mở Đầu Thủy Lộ
“Con đường tơ lụa” đời xưa được cải tiến thành “Một vành đai, Một thủy lộ” (Nhất đới nhất lộ – One belt One road). Trung cộng đầu tư vào hạ tầng cơ sở tại các điểm chiến lược trên con đường, là đặc khu kinh tế. Bước đầu, ngân hàng Trung cộng cho vay tiền nhẹ lãi với điều kiện phải mướn công ty của Trung cộng để xây dựng hạ tầng cơ sở. Kết quả xây dựng không nhất thiết có lợi cho quốc gia chủ nhà mà là quyền lợi của Trung cộng qua “con đường tơ lụa”. Chi phí phải trả cho cơ sở hạ tầng ấy lại là món nợ của quốc gia chủ nhà phải trả cho Trung cộng. Nếu không trả nổi nợ thì cơ sở ấy thuộc quyền kiểm soát của Trung cộng. Cho thuê 99 năm là một giải pháp.
Con đường thủy lộ bắt đầu từ các thành phố duyên hải ở Trung quốc, tiến vào Vịnh Bắc Việt của Việt Nam là đoạn đường đầu tiên. Từ Vịnh Bắc Việt đổ xuống phía nam xuyên qua Đông Hải, đi qua biển Malacca, Trung cộng phải chiếm cho được ba hải cảng chiến lược của Việt Nam. Đó là Vân Đồn ở miền Bắc, Bắc Vân Phong ở miền Trung và Phú Quốc ở miền Nam Việt Nam.(hình 4). Chiếm được ba hải cảng chiến lược ấy, Trung cộng sẽ tìm cách chiếm thêm vùng đất và biển chung quanh hải cảng, mở rộng vùng kiểm soát trong đất liền cũng như trên biển. Không may cho dân tộc Việt Nam là đảng cộng sản Việt Nam (CSVN) đang cầm quyền, sẵn sàng cấu kết với Trung cộng cõng rắn vào nhà. Bị áp lực của Trung cộng, CSVN đã hủy bỏ các hợp đồng với các công ty ngoại quốc khai thác dầu khí trong hải phận Việt Nam. Ngư dân Việt Nam không được đánh bắt hải sản ngay trong lãnh hải của Việt Nam. Hải quân Trung cộng mặc nhiên bắn chết ngư dân mà Hải quân Việt cộng làm ngơ.
Vẫn còn một số đại biểu trong quốc hội của CSVN kịp thấy sự nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành tô giới của Trung cộng nếu để đảng cộng sản bán cho Trung cộng các hải cảng chiến lược. Họ đã tri hô cho dân chúng khắp nơi biết âm mưu của hai đảng cộng sản anh em Việt cộng và Trung cộng.
Khắp các tỉnh thành Việt Nam đã có các cuộc xuống đường chống đối dự luật bán ba hải cảng cho Trung cộng 99 năm: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Vì mang dòng máu chống ngoại xâm phương Bắc nên người dân không thể ngồi yên. Làn sóng nổi dậy dữ dội khiến quốc hội CSVN phải hoãn lại dự luật bán hải cảng 99 năm. Nếu làn sóng chống đối lắng xuống thì đảng cộng sản lại đem ra bàn thảo để bán cho Trung cộng hầu có thể thực hiện con đường thủy lộ như đã định.
Nhớ lại lịch sử Việt Nam thời nhà Trần vào thế kỷ thứ 13. Sau khi giặc Nguyên Mông chiếm trọn Trung Hoa lục địa rồi kéo xuống đánh chiếm Việt Nam, dùng Việt Nam làm bàn đạp tấn chiếm trọn vùng phía đông và phía nam Á châu. Thế nhưng giặc Mông Cổ đã bị quân dân Việt Nam đánh bại, phá tan kế hoạch bá chủ Đông Á và Nam Á của giặc Nguyên Mông.
Vấn Đề Của Thế Giới
Vấn đề đặc khu kinh tế, nhất đới nhất lộ, trở thành vấn đề của thế giới, không phải của riêng Việt Nam. Ngày nay, nếu thành công, các cứ điểm trên “nhất đới nhất lộ” sẽ trở thành tô giới của Tàu cộng. Các hải cảng đã mua 99 năm sẽ trở thành hải cảng quân sự của Hải Quân Trung cộng. Các căn cứ trên đường bộ cũng sẽ trở thành các căn cứ và công sự của các đoàn chiến xa và pháo binh của Tàu cộng. Trung cộng quyết tâm bước lên ngôi vị bá chủ thế giới trong lãnh vực kinh tế và quân sự.
Các chiến lược gia tại Hoa Kỳ đang chú ý nhiều hơn về con đường thủy lộ của Trung cộng. Báo chí tại Hoa Kỳ cũng có thêm các bài phân tích rõ ràng để dư luận hiểu biết về âm mưu của Trung cộng. Chính phủ Hoa Kỳ đang lập kế hoạch ngăn chặn âm mưu ma giáo của Trung cộng để xây dựng con đường tơ lụa kiểu mới này. Dân chúng Hoa Kỳ và thế giới đã mở mắt. Cố vấn quốc gia của Hoa Kỳ đề nghị chính phủ Hoa Kỳ nên có chương trình giúp đỡ các quốc gia kém phát triển thoát được hoàn cảnh nợ nần. Vấn đề là chính quyền các quốc gia đang làm ăn với Trung cộng có sáng suốt để thấy mối nguy sinh tử, sớm tránh được nợ nần trước khi sa lầy, phải đem dâng nạp lãnh thổ cho giặc Tàu để trừ nợ. Đó cũng là lý do Hoa Kỳ đến gần với Việt Nam.
Sơn Hà (tháng Tám – 2018)