Võ Trường Sơn

Lời nói đầu:

Những biến động chính trị đang diễn ra trong nội bộ các nước Cộng sản là những biến cố lịch sử đánh dấu một giai đoạn đấu tranh mới của các dân tộc bị áp bức.

Một số học giả Tây phương quen giải thích các biến cố trên bằng những lập luận cho rằng các chế độ Cộng sản đang chuyển mình trên tiến trình dân chủ hoá khiến cho các lực lượng đối lập có cơ hội vùng lên chống đối. Lập luận trên mới chỉ là “một nửa của sự thật” (Pseudo-truth), và một nửa của sự thật ở đây là một sự sai lầm, một sự lẫn lộn nguyên nhân với hậu quả.

Đúng ra, người ta phải nói rằng các lực lượng bị áp bức đã vùng lên đấu tranh và đẩy tập đoàn Cộng sản thống trị tới chỗ phải nhượng bộ từng bước một, tạm thời thoả mãn một cách hạn chế những đòi hỏi dân chủ của nhân dân bị áp bức và mặc dầu bị bắt buộc phải nhượng bộ, tập đoàn Cộng sản thống trị chỉ chịu lùi bước theo chiến thuật giai đoạn, trong khi đó vẫn luôn luôn tìm cách quật lại đối phương để giành lại ưu quyền chuyên chính, bất cứ khi nào chúng có thể làm được chuyện đó.

Một khía cạnh đặc biệt thứ hai của các biến động chính trị nói trên làcuộc đấu tranh của các lực lượng bị Cộng sản áp bức đều mang tính chất phi quy ước. Tuy hoàn cảnh đấu tranh của mỗi dân tộc và trình độ ý thức của mỗi lực lượng đấu tranh có khác nhau, nhưng bản chất chỉ là một. Một đặc điểm thứ ba của các biến động nói trên là trong các cuộc đấu tranh phi quy ước ngày nay, các chế độ Cộng sản đang ở thế thụ động, và các lực lượng quần chúng đấu tranh đang ở thế chủ động. Nghĩa là các lực lượng này đang xoáy sâu vào những điểm yếu của Cộng sản để làm cho chúng càng ngày càng suy yếu thêm và cuối cùng bị toàn dân lật đổ. Vấn đề đặt ra ở đây là các thế lực tài phiệt Tây phương vẫn có khuynh hướng chỉ nhìn thấy “một nửa của sự thật”, quen lẫn lộn nguyên nhân với hậu quả. Và như thế, liệu họ có nhảy xổ vào để cứu nguy và tiếp sức cho các tập đoàn Cộng sản thống trị phục hồi sức mạnh để tiếp tục củng cố sự đàn áp hay không? Đó là điều mà ta sẽ thảo luận trong một dịp khác.

Trong phạm vi bài này, những biến động chính trị hiện nay nhắc nhở chúng ta nhớ lại những cuộc khởi nghĩa tại Ponan, Budapest, vụ án Hồ Phong ở Trung Quốc, và vụ “Trăm Hoa Đua Nở” trên đất Bắc cùng thời với cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, cách đây 33 năm. Đó là những cuộc đấu tranh phi quy ước của các lực lượng bị áp bức, nhưng, hoàn cảnh đấu tranh thời đó đã đặt các lực lượng chống đối ở thế bị động, cô lập và bị đập tan. Mặt khác, ở Việt Nam lúc đó, Việt cộng cũng sử dụng hình thái chiến tranh phi quy ước để đàn áp, tiêu diệt các lực lượng chống đối vì lúc đó chúng đang nắm ưu thế chủ động.

Nội dung của bài nghiên cứu này và loạt bài nghiên cứu sắp tới nhằm trình bày hình thái chiến tranh phi quy ước mà Việt cộng đã sử dụng để củng cố bộ máy thống trị miền Bắc, mở rộng địa bàn “ỷ dốc” Miên-Lào trong tiến trình xâm chiếm miền Nam.

Những chủ đề quan trọng mà chúng ta sẽ thảo luận trong loạt bài nghiên cứu sắp tới gồm có:

– Cuộc Cải tạo Nông nghiệp tại Bắc Việt.
– Cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.
– Kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất chuẩn bị xâm chiếm miền Nam.
– Mặt trận Lào trong chiến lược xâm chiếm miền Nam.
– Đoàn hậu cần chiến lược 559 trên đường mòn Hạ Lào.
– Cuộc chiến tranh không tập tại Bắc Việt.

Vì khuôn khổ giới hạn của một bài báo, mỗi chủ đề sẽ được trình bày làm hai, ba kỳ. Ví dụ, chủ đề “Cuộc Cải tạo Nông nghiệp tại Bắc Việt” sẽ được trình bày với những tiết mục chính sau đây:

– Những vấn đề căn bản của cuộc Cải tạo Nông nghiệp.
– Bối cảnh cuộc cuộc Cải tạo Nông nghiệp.
– Chiến lược và sách lược của Việt cộng trong cuộc cải tạo Nông nghiệp.
– Diễn tiến của cuộc Cải tạo Nông nghiệp.
– Hậu quả của cuộc Cải tạo Nông nghiệp.

Trong bài phân tích này chúng ta sẽ lần lượt điểm qua một cách tổng quát ba tiết mục đầu tiên nói trên.

I. Những Vấn Đề Căn Bản Của Cuộc Cải Tạo Nông Nghiệp

Vào tháng Mười năm 1987, nông dân tại một số tỉnh thuộc đồng bằng Cửu Long đã biểu tình chống đối Việt cộng vì những hành động tham nhũng và cướp giật ruộng đất do cán bộ Việt cộng chủ xướng nhân cuộc “cải cách ruộng đất năm 1983”.

Ngày 9 tháng 11, 1987, hàng trăm nông dân từ các tỉnh miền Tây đã tổ chức biểu tình chống chính quyền Việt cộng ngay tại Sài Gòn. Pháp Tấn Xã tại Sài Gòn mô tả một tình trạng náo loạn chưa từng thấy kể từ năm 1975. (Thật ra, kể từ khi Việt cộng trục xuất các phóng viên báo chí và truyền hình ra khỏi Việt Nam vào năm 1976 thì truyền thông Tây phương hầu như mù tịt về tình hình Việt Nam. Mãi cho tới 1986, 1987, khi Nguyễn Văn Linh cho phép báo chí, truyền hình Tây phương trở lại Việt Nam trong mục đích ve vãn dư luận quốc tế, thì báo chí mới bắt đầu nhìn thấy một số hiện tượng bề ngoài với một mức độ hạn chế).

Những biến cố nói trên tương đối ôn hoà nếu ta so sánh với vụ Khởi nghĩa của Nông dân Quỳnh Lưu bị đàn áp đẫm máu vào năm 1956, vụ thanh niên Nam Bộ tập kết đốt phá bót Cảnh sát bờ hồ Hà Nội, vụ đảng viên Việt cộng tìm nhau để chém giết trả thù nhân vụ Cải tạo Nông nghiệp đưa đến biện pháp “sửa sai”. Lý do chính khiến có sự khác biệt về mức độ bạo động là vì hoàn cảnh chính trị đã khác nhiều; năm 1983, bạo quyền Việt cộng đã cực kỳ suy yếu, ruỗng nát so với năm 1956, và nhân dân ta ở trong Nam đã được tổ chức và hướng dẫn để đề kháng một cách hữu hiệu hơn thời gian 30 năm trước. Do đó, Việt cộng đã không dám thực hiện các biện pháp mạnh tay trong chính sách ruộng đất. Mặc dầu hai cuộc Cải cách Ruộng đất có khác nhau ở mức độ sắt máu; nhưng, những vấn đề căn bản của cả hai cuộc Cải cách Ruộng đất của Việt cộng chỉ là một: Đó là các vấn đề Bản Chất, Mục Tiêu và Hậu Quả.

1. Bản Chất Của Cuộc Cải Tạo Nông Nghiệp

Quan niệm Cải cách Ruộng đất không phải là quan niệm mới mẻ. Montesquieu, trong tác phẩm “Espuis des Lois” năm 1748, có viết rằng: “Trong một nền dân chủ tốt, chia đều đất đai chưa đủ; cần phải chia nhỏ ruộng đất như người La Mã đã làm” (xem tác phẩm “Espuis des Lois”, quyển V, chương VI). Trong các chế độ dân chủ, bản chất của Cải cách Ruộng đất là hữu sản hoá dân nghèo để giúp họ có cơ hội phát triển và xây dựng đời sống kinh tế bắt đầu từ mảnh đất mà họ làm chủ, dù chỉ là một mảnh đất nhỏ.

Trong các chế độ Cộng sản, bản chất của Cải cách Ruộng đất là đảo lộn toàn bộ tổ chức xã hội bằng cách phế bỏ quyền tư hữu đối với tất cả ruộng, đất, vườn, ao, hoa màu, trâu bò và dụng cụ sản xuất như cày, bừa, cuốc, xẻng, cối xay lúa, cối giã gạo, v.v…. Nói theo ngôn ngữ Việt cộng, đó là tiến hành cuộc Cách Mạng Quan Hệ Sản Xuất trong đó có việc thay đổi quyền làm chủ đất đai, quyền làm chủ tư liệu sản xuất, và thay đổi quan hệ giữa người với người (tức là tương quan chủ – thợ). Có lẽ sự thay đổi tương quan chủ – thợ có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đối với số phận của tất cả mọi nông dân từ bần nông đến chủ đất, vì nó biến họ vĩnh viễn thành những người thợ vô sản phục vụ cho chủ nhân ông Cộng sản, trong một tương quan na ná hoặc tệ hơn một nông nô dưới chế độ phong kiến. Một hệ luận quan trọng của việc phế bỏ quyền tư hữu là sự tập trung đất đai vào tay nhà nước trong chế độ Cộng sản, thay vì chia nhỏ đất đai như trong một chế độ dân chủ. Điều này không phải là điều tình cờ phù hợp với mục tiêu của Cải cách Ruộng đất mà ta đề cập dưới đây.

2. Mục Tiêu Của Cuộc Cải Tạo Nông Nghiệp

Mục tiêu tối hậu của việc phế bỏ quyền tư hữu đất đai là để giành giật khả năng và quyền lực chính trị khỏi tay nông dân, và tập trung quyền lực chính trị đó vào tay chế độ chuyên chính vô sản. Những người thợ và trí thức vô sản bị mất hết quyền lực chính trị vì họ bị khống chế bởi tên chủ Việt cộng qua hệ thống hộ khẩu và chế độ bình công chấm điểm. Họ chỉ được đủ ăn tới một mức… lúc nào cũng còn đói, nếu họ tuân theo những quy luật do “tên chủ” Việt cộng đề ra. Trong tay họ không có tài sản, không có tiền, không có vũ khí; họ bị cô lập bởi hệ thống công an, bởi thế; về phương diện quyền lực chính trị, mỗi nông dân là một con số không trong chế độ Cộng sản. Trong một chế độ dân chủ, một nông dân dù nghèo rớt cũng còn có một chút vốn kinh tế vì họ còn làm chủ được tấm thân của họ, nghĩa là họ còn có một chút quyền lực chính trị. Đem gom góp hàng triệu những quyền lực chính trị nho nhỏ đó, người ta có thể tạo nên một thế lực tương đối lớn để tự bênh vực mình.

Trong chế độ Cộng sản, nếu đem gom góp một triệu con số không (của quyền lực chính trị của mỗi nông dân), ta cũng vẫn chỉ được một con số không thiệt to. Hiểu được như thế, ta hiểu được hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất đối với việc củng cố bộ máy đàn áp kềm kẹp của Việt cộng ở miền Bắc.

3. Hậu Quả Ngắn Hạn Của Cuộc Cải Tạo Nông Nghiệp

Qua sự tập trung đất đai, phương tiện sản xuất và đoàn ngũ hoá nông dân thành giai cấp nông nô sau cuộc Cải tạo Nông nghiệp, Việt cộng hoàn toàn nắm hết tài nguyên, lương thực, khởi sự xây dựng các nông trường quốc doanh, chuẩn bị đạo quân xâm lược Lào và miền Nam Việt Nam (Việt cộng gọi là lấy lương thực phục vụ chiến trường “C” và “B”). Hậu quả trước mắt của cuộc Cải tạo Nông nghiệp là giúp Việt cộng xây dựng cơ sở vật chất để tiến hành chiến tranh. Hậu quả pháp lý của cuộc Cải tạo Nông nghiệp là việc định chế hoá các cơ cấu quyền lực địa phương để tiến hành đấu tranh phi quy ước trong nội bộ chống lại nhân dân miền Bắc. Nói một cách rõ hơn, các hợp tác xã nông nghiệp tại địa phương chính thức trở thành các cơ sở ban phát quyền lợi, thực thi chính sách và Bí thư Hợp tác xã, Bí thư Chi bộ xã là những kẻ có toàn quyền sinh sát tại nông thôn đã biến thành các cường hào ác bá dưới triều đại xã hội chủ nghĩa của “Rợ Hồ”. Tóm lại, những hậu quả ngắn hạn và trước mắt là những điều có lợi cho việc củng cố quyền lực chính trị của giai cấp thống trị Cộng sản. Nhưng, hậu quả về lâu về dài là một vấn đề khác.

4. Hậu Quả Dài Hạn Của Cải Tạo Nông Nghiệp

Là một vấn đề mà Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và cấp đầu lãnh các Đảng Cộng sản không nhìn thấy, hoặc vì ảo tưởng trên mây nên đã nhìn sai và tiên đoán sai. Đó là những vấn đề liên quan đến năng suất lao động, năng suất đất đai, cơ cấu sản xuất và thị trường, đưa đến những bế tắc trong nền kinh tế của mọi quốc gia Cộng sản. Vì chủ quan nghĩ rằng quyền lực chính trị có thể giải quyết và “cả vú lấp miệng em” đối với mọi bài toán trong xã hội, các cấp đầu lãnh Cộng sản, và Việt cộng nói riêng, đã bị vỡ mặt khi những bế tắc kinh tế vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của Đảng và các cơ cấu quyền lực chính trị địa phương biến thành các “sứ quân” tự chuyên, tự quản nền kinh tế quốc gia. Nhưng, đây là những chi tiết mà ta sẽ thảo luận khi đi sâu vào các bài nghiên cứu sắp tới.

Một câu hỏi được đặt ra ở đây là cuộc Cải tạo Nông nghiệp tại Bắc Việt đã diễn ra trong hoàn cảnh nào? Để trả lời câu hỏi này, loạt bài nghiên cứu sắp tới sẽ trình bày về bối cảnh Địa lý, Kinh tế, Xã hội và Chính trị của giai đoạn 1949-1957 được tóm lược trong Phần II dưới đây.

II. Bối Cảnh Của Cuộc Cải Tạo Nông Nghiệp

Cuộc Cải tạo Nông nghiệp tại miền Bắc có thể được coi như bắt đầu kể từ Sắc luật Giảm tô số 78/SL ngày 14 tháng 7 năm 1949 và chính sách thuế nông nghiệp của chính quyền kháng chiến nằm trong toàn bộ của chính sách thuế khoá gồm cả thuế Công-Thương nghiệp, sát sinh, Lâm-Thổ sản, xuất nhập cảng, v.v… ra đời từ ngày 1 tháng 7 năm 1951 do Sắc luật số 42/SL của Hồ Chí Minh.

Chính sách thuế Nông nghiệp là phát súng khởi đầu cho các chiến dịch “phân mảnh định hạng” các loại ruộng, “bình sản lượng”, “bình diện tích” mỗi mảnh đất để làm căn bản tính thuế, sau đó tiến lên chiến dịch “chống phản động”, “đấu tranh giảm tô” kéo dài tới năm 1954 chỉ được tạm chấm dứt khi chiến trường Điện Biên Phủ bắt đầu nghiêm trọng và đưa đến Hiệp định Genève. Sau đó, Việt cộng miền Bắc đã tạm ngưng cuộc đấu tranh Cải cách Ruộng đất tới cuối năm 1955, đầu năm 1956, vì ba lý do:

– Việt cộng còn bận lo đón tiếp bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc.
– Việt cộng còn phải đối phó với phong trào di cư và cuộc đàn áp dân Ba Làng v.v….
– Việt cộng còn phải che dấu thủ đoạn tàn bạo để trấn an lòng dân, che mắt các quan sát viên quốc tế, và ổn định tình hình nội bộ.

Giai đoạn thứ hai của đấu tranh Cải cách Ruộng đất bắt đầu từ cuối năm 1955 đầu 1956 trong đợt phóng tay phát động quần chúng đấu tranh Cải cách Ruộng đấtlên đến mức độ tàn bạo nhất trong đợt cải cách Điện Biên Phủ. Để cho cuộc Cải cách Ruộng đất được nhanh chóng và đồng đều, tại những vùng mới tiếp thu và đồng bằng sông Nhị Hà, Việt cộng đã tiến hành hai cuộc “đấu tranh giảm tô” và “đấu tranh Cải cách Ruộng đất” vào một lần. Thể thức đấu tranh cải cách ruộng đất cũng giống như đấu tranh giảm tô, chỉ kháng ở mức độ tàn bạo gia tăng và con số nạn nhân cũng gia tăng do sự “càn đi, quét lại” và “tích tỷ lệ” mà ta sẽ được giải thích trong những bài phân tích sắp tới.

Điều đáng chú ý là chính sách Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc đã rập khuôn chính sách Cải cách Ruộng đất của Trung Quốc mà không có sự chế biến cho hợp với hoàn cảnh và tình trạng nông nghiệp ở nước ta.

Các cán bộ Việt cộng có nhiệm vụ trong cuộc Cải cách Ruộng đất đã học tập kinh nghiệm của cán bộ Cộng sản Trung Quốc trong cuộc Cải cách Ruộng đất ở Hồ Nam, quê hương của Mao Trạch Đông. Tại Trung Quốc, gia cấp địa chủ điển hình còn mang nặng tính chất phong kiến lãnh chúa. Ngoài đồng ruộng thẳng cánh cò bay, một địa chủ điển hình còn có lâu đài, dinh cơ vàquân lính riêng để bảo vệ sản nghiệp cũng như để đàn áp, bóc lột nhân dân. Trong cuộc Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc, một số lớn những người bị gán là “địa chủ đại gian đại ác” thường chỉ có mấy mẫu ruộng hoặc ít hơn, nhưng thuộc thành phần có uy tín ở nông thôn, và có thể trở thành chống đối Đảng và Nhà nước.

Vậy, yếu tố giành giật độc quyền chính trị là yếu tố quan trọng nhất của Cải cách Ruộng đất, và do đó, Cải cách Ruộng đất là cơ hội ngàn năm một thuở để Việt cộng đánh quỵ cả thế lực tinh thần của Giáo hội Công giáo. Nhiều vị Linh mục Công giáo cũng bị bắt, bị tra khảo và bị giết, trong đó có Cha Thanh, đã từng là Linh mục giảng huấn tại Tiểu Chủng viện Ba Làng năm 1949-1950, một vị chân tu, hiền lành và đạo đức cũng bị sát hại một cách dã man trong tù.

Một cuộc cải cách tàn bạo, dã man nhất trong lịch sử Việt Nam từ hồi lập quốc do chính người Việt Nam để đàn áp chính người Việt Nam, tại sao có thể thành công được? Câu trả lời nằm trong chiến lược và sách lược của Việt cộng trong Cải cách Ruộng đất.

III. Chiến Lược Và Sách Lược Cải Cách Ruộng Đất

Những cuộc nghiên cứu qua các nhân chứng của cuộc cải cách ruộng đất đã cho người ta một tầm nhìn sâu và rộng đối với quan niệm chiến lược của Việt cộng. Một số cán binh Việt cộng xâm nhập từ Bắc vào Nam và sau đó ra hồi chánh đã cung cấp những dữ kiện vừa phong phú, vừa chi tiết và cụ thể giúp ta nhìn thấy những đường đi, nước bước có lớp lang của Việt cộng, những chuẩn bị rất công phu, những mưu mô lừa bịp tinh vi, che mắt ngay cả những đảng viên Việt cộng từng vào sinh ra tử trong kháng chiến.

Hồi chánh viên Nguyễn Văn Thân, Kỹ sư Thuỷ Lợi, thuộc Bộ Thuỷ Lợi Bắc Việt, trước kia đã tham gia cải cách ruộng đất tại Xóm Chuối tỉnh Ninh Bình, tóm tắt quan niệm chiến lược của Việt cộng như sau:

“Theo tài liệu của Đại hội Đảng chuẩn bị cho cải cách ruộng đất thì việc đấu tranh giai cấp giữa địa chủ và nông dân đã được đặt ra ngay từ khi thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. Họ nhận xét rằng từ 90% đến 95% dân chúng Việt Nam là nông gia chuyên nghiệp, và trong số này thì chỉ có khoảng 5% là địa chủ phú nông, còn đa số đều là kẻ làm thuê, làm mướn, tá canh, tá điền; do đó, nếu muốn làm cách mạng xã hội, họ phải lôi cuốn được khối đa số đó, phải thỏa mãn khối đa số đó bằng quyền lợi để sau này nắm chặt khối đa số đó bằng sắt máu…”.

Lời tiết lộ ở trên chẳng những tóm tắt quan niệm chiến lược mà còn phát hiện cả sách lược của Việt cộng. Như ta đã từng định nghĩa:

Chiến lược là toàn bộ một kế hoạch nhằm vận dụng sức mạnh căn bản để đánh trúng địch bằng những đòn chí tử cho tới khi nó gục ngã.

Và sách lược cũng là toàn bộ một kế hoạch như chiến lược, duy có một điểm khác là để đạt mục tiêu, toàn bộ kế hoạch sử dụng những mưu kế để lừa địch, dụ khị địch và qua mặt địch.

Khi quan niệm rằng đa số dân Việt Nam là nông dân và đa số nông dân là khối người nghèo và cần phải lôi cuốn được đa số đó, Việt cộng đã nói lên được khía cạnh chiến lược của vấn đề. Sau hết, khi chủ trương phải thỏa mãn khối đa số đó bằng quyền lợi để sau này nắm chặt khối đa số đó bằng sắt máu, Việt cộng nói lên khía cạnh sách lược tức là phương án lừa bịp và dụ khị, qua mặt địch. Lừa bịp, dụ khị và qua mặt địch như thế nào thì đó là những chi tiết kế hoạch sẽ được trình bày trong nhiều bài sắp tới….


  1. Cuộc cải tạo Nông Nghiệp tại miền Bắc
  2. Những giai đoạn đấu tranh trước 1954
  3. Giai đoạn đấu tranh sắt máu sau 1954
  4. Mục tiêu của Hợp Tác Hóa Nông Nghiệp
  5. Xây dựng lực luợng để xâm chiếm miền Nam