Võ Trường Sơn –
Giai đoạn đấu tố địa chủ và lấy ruộng đất chia lại cho bần cố nông chỉ là màn I của tấn kịch Cải Cách Ruộng Đất. Mỗi bần cố nông được chia một mảnh đất nhỏ, một số nồi niêu, xoong chảo, bàn ghế, giường nằm của địa chủ, cuốc xẻng cầy bừa, kể cả chổi cùn, rế rách. Đối với bần cố nông chất phác, đây là một cuộc đổi đời chưa bao giờ họ ngờ tới. Trong thời kỳ đấu tố địa chủ, các bần cố nông bị xúi giục, bị áp lực của cán bộ Đảng đi đến chỗ đồng lõa tội ác nhúng tay vào máu địa chủ; nhưng đến giai đoạn sửa sai, họ bị trả thù khiến nhiều người phải bỏ nông thôn chạy ra thành thị đi ở đợ. Những người còn lại biết rằng số phận của họ khá bấp bênh, tuy nhiên điều mà họ không ngờ nhất là: Cuộc “đổi đời” chỉ cho họ hưởng tài sản chiếm được của địa chủ trong một thời gian rất ngắn. Họ không biết rằng Đảng cho tay này nhưng sẽ lấy lại bằng tay kia với những thủ đoạn tráo trở lừa lọc tinh vi, khiến ngay cả những người khôn ngoan, có kiến thức hoặc có thế lực còn không thể ngờ…. Sau khi đã lợi dụng bần cố nông để đạt mục tiêu chiến lược giai đoạn là đánh gục giai cấp địa chủ, Việt cộng dần dần tước hết tài sản của trung nông kể cả bần cố nông qua chính sách công hữu hóa toàn bộ ruộng đất vườn ao.
Cuộc cải cách được gọi là “long trời lở đất” ở miền Bắc đã đập nát các giai cấp, các thế lực ở nông thôn. Đối với giai cấp phú nông địa chủ, đó là một kinh nghiệm đẫm máu mà họ nhớ và sợ cho đến suốt đời. Đối với giai cấp trung nông, tuy chưa nếm mùi đau đớn nhục nhã, nhưng họ biết họ chỉ là con cá đang nằm trên thớt. Còn giới bần cố nông, những người chất phác, chưa có kinh nghiệm lãnh đạo, thì mặc dầu cuộc cải cách ruộng đất ban cho họ một số quyền lợi, họ thừa biết người đứng chủ mưu là Việt cộng. Nhưng họ không thể kết hợp thành một lực lượng nào đáng kể.
Tóm lại, ở nông thôn không có một lực lượng nào tồn tại để thách thức quyền lực của Đảng. Tất cả chỉ là những cá nhân bị bỏ rơi đơn độc, không nơi nương tựa, trừ bần cố nông được dựa vào Đảng để hưởng một số ưu thế nếu chịu làm tay sai cho Đảng. Khối dân chúng nông thôn hoàn toàn tan rã. Mặc dầu có chiến dịch sửa sai, phục hồi danh dự cho người có công với kháng chiến, nhưng chiến dịch này chỉ cứu được một số người còn sống trong tù, chứ không cứu được cả trăm ngàn người đã bị chôn dưới đất. Hơn nữa chiến dịch sửa sai không tái lập giai cấp cũ vì Việt cộng xác nhận đường lối cải cách ruộng đất là đúng, chỉ có những cá nhân phạm phải sai lầm mà thôi.
Sau khi chiến dịch sửa sai đã làm xẹp cơn thịnh nộ của quần chúng, Việt cộng phải đối phó với Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm. Mặc dầu phong trào này có đường lối quy mô (xem cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc) nhưng không có tổ chức sâu rộng và không có sức mạnh vũ trang trong tay nên sau một thời gian đã bị Việt cộng đàn áp thẳng cánh.
Giải quyết được Phong Trào Nhân Văn Giai Phẩm, Việt cộng đã triệt hạ được lực lượng căn bản chống lại đường lối vô sản chuyên chính, chúng bèn tiến hành luôn giai đoạn kế tiếp của Cải Cách Ruộng Đất. Đó là nội dung của bài nghiên cứu kỳ này.
Kể từ cuối năm 1955 và đầu năm 1956, chính sách ruộng đất ở miền Bắc của Việt cộng đã được lồng vào trong khuôn khổ đường lối công hữu hóa tư sản và tư bản được tiến hành qua nhiều bước liên tiếp nhau, gọi là những “kế hoạch” kinh tế 3 năm hoặc 5 năm. Những kế hoạch kinh tế này nhắm vào hai ngành chính là Nông Nghiệp và Công Nghiệp (Công nghiệp là danh từ Việt cộng để chỉ kỹ nghệ). Ngành Thương Nghiệp sẽ bị Việt cộng bóp chết dần theo đúng chủ trương đường lối Mác-xít không chấp nhận giới thương nhân trung gian trong guồng máy kinh tế cộng sản.
Trong giai đoạn từ 1959 tới 1970, Việt cộng đã theo đuổi những kế hoạch kinh tế sau đây:
– Kế hoạch 3 năm lần thứ nhất (1955-1957).
– Kế hoạch 3 năm lần thứ nhì (1955-1960.
– Kế hoạch hoàn thành và chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm (1960-1961).
– Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
– Kế hoạch 5 năm lần thứ nhì (1966-1970).
Trong khuôn khổ nói trên, đợt Cải Cách Ruộng Đất đưa đến “sửa sai” là một phần căn bản của kế hoạch 3 năm lần thứ nhất. Nó giúp Đảng đánh gục giai cấp địa chủ và nhất là các thành phần chống đối bị coi là nguy hiểm, để dọn đường tiến tới mục tiêu tối hậu là truất hữu toàn bộ ruộng đất tài sản của nông dân sát nhập vào tài sản Nhà Nước. Làm sao cộng sản Việt Nam có thể ăn cướp một cách trắng trợn như vậy mà nông dân lại cam chịu đắng cay, và thế giới bên ngoài hầu như hoàn toàn không biết gì hết? Để trả lời câu hỏi trên, ta cần đi lần lượt qua các giai đoạn căn bản của chính sách Công Hữu Hóa Ruộng Đất:
– Giai đoạn Tổ Đổi Công.
– Giai đoạn Hợp Tác Xã Cấp Thấp.
– Giai đoạn Hợp Tác Xã Cấp Cao.
Ba bước căn bản nói trên được tiến hành nhịp nhàng với các kế hoạch kinh tế 3 năm và 5 năm, nhưng có hai đặc điểm rất quan trọng trong việc Việt cộng thi hành đường lối chính sách mà ta cần nắm vững.
Thứ nhất: Việt cộng luôn luôn đặt ra những thí điểm để cho cán bộ học tập kinh nghiệm và dạy lẫn nhau.
Thứ hai: Mỗi chính sách, mỗi giai đoạn không nhất thiết phải được tiến hành đều khắp trên toàn miền Bắc, nhưng tùy thuộc vào điều kiện thực tế từng vùng, ví dụ: Chính sách hợp tác xã cấp thấp có thể hoàn thành tại một vùng và đẩy lên hợp tác xã cấp cao, nhưng nếu tại những vùng khác, điều kiện chưa cho phép thực hiện hợp tác xã cấp cao, thì nông dân vẫn còn ở trong hợp tác xã cấp thấp. Tình trạng này dẫn đến những quy luật không đồng đều cho mỗi vùng, chẳng hạn như tiêu chuẩn lương thực khác nhau, và thuế nông nghiệp cũng khác nhau, cho mỗi vùng.
I. Giai Đoạn Tổ Đổi Công
Như đã trình bày, giai đoạn tổ đổi công nằm trong kế hoạch 3 năm lần thứ nhất sau khi kết thúc cuộc đấu tố “long trời lở đất”. Mỗi nông dân đều được chia một mảnh đất nhỏ để canh tác, phù hợp với tinh thần tư sản thiên nhiên của con người. Trong không khí mới đó, một số đông quần chúng la bần nông đều cảm thấy hân hoan. Việt cộng khơi dậy không khí vui vẻ phấn khởi bằng cách phổ biến thơ văn của các văn nô như hai câu thơ dưới đây:
Từ đây ta có đất cày
Con ơi bưng bát cơm đầy nhớ ai
(văn nô Trần Hữu Thung)
Không phải tất cả các bần nông đều hăng hái cánh tác trên mảnh đất mới. Có một số bỏ ra thành thị sinh sống, một số khác cần tiền hoặc thiếu nông cụ sản xuất nên bán ruộng đi để làm thuê. Do đó, những người có khả năng mua lại ruộng và có khả năng canh tác trở nên sung túc hơn. Đó là điều Việt cộng kỵ nhất, vì khi có sự tích lũy tư sản trong tay một số người là có sự suy yếu quyền lực của Việt cộng. Nhưng tình trạng này không kéo dài vì Việt cộng tung hàng loạt cán bộ về nông thôn tổ chức nông hội và “Nhóm sản xuất”. Một nhóm sản xuất là một tập hợp từ 5 đến 10 hay 15 gia đình giúp nhau sản xuất trong tất cả các công tác nông nghiệp. Nhóm sản xuất là hình thức giới thiệu cho “Tổ Đổi Công”. Tổ đổi công cũng tương tự như nhóm sản xuất nhưng số gia đình tham gia lớn hơn, từ 25 đến 30 gia đình. Một sự khác biệt quan trọng ở sự giúp đỡ lẫn nhau dựa trên căn bản trao đổi ngày công.
Để hướng dẫn về tổ đổi công, cán bộ Việt cộng giải thích cho nông dân như sau:
– Một anh nông dân A không có trâu để cày hoặc bừa mảnh đất cho kịp gieo mạ, có thể mượn trâu của anh nông dân B. Khi mạ đã lên, tới lúc cần cấy lúa, anh nông dân B tuy có trâu nhưng không sử dụng vào việc cấy lúa được, mà trong gia đình lại neo người. Vậy anh nông dân B có thể mượn người trong gia đình anh nông dân A để cấy lúa, cũng trên căn bản ngày công.
Một ngày công của một người cũng tính bằng một ngày công của trâu, và có thể trả bằng lúa, ví dụ 3 kg lúa một ngày công cho người thì cũng trả như vậy cho trâu. Với tổ đổi công, Đảng ủy xã ấn định một lịch trình theo đó các gia đình trong tổ luân phiên làm giúp nhau, mang cày bừa, cuốc xẻng đi canh tác giúp, hoặc sửa nhà, lợp mái cho các gia đình trong tổ.
Quan niệm của tổ đổi công đã tạo một ấn tượng tốt trong đầu nông dân, vì nó đưa ra những tiêu chuẩn đẹp và đề cao tinh thần liên đới hỗ tương. Không những thế, nó còn có vẻ hợp lý vì giúp nông dân giải quyết được tình trạng bế tắc khi thiếu phương tiện hoặc nông cụ cánh tác để cho kịp “thời vụ”. Ví dụ nếu không kịp có trân để cày bừa thì không kịp gieo mạ lúc ruộng đang có nước. Nếu lấy sức người để cày bừa sẽ quá lâu, và sau một trận nắng lớn đất khô sẽ không cấy lúa được nữa, và ngôn ngữ Việt cộng gọi là “không kịp thời vụ”.
Ngoài ra, trên phương diện kinh tế, lối làm ăn trong tổ đổi công có các đặc điểm (trên nguyên tắc) như sau:
– Quyền tư hữu ruộng đất vẫn còn được duy trì như trước.
– Quyền làm chủ hoa màu vẫn thuộc về người chủ đất nông dân.
– Công của ai người ấy hưởng.
Duy có ba ý niệm mà Việt cộng muốn mớm cho nông dân qua hình thức tổ đổi công:
Thứ nhất: Nếu có thể sử dụng trâu bò, nông cụ của nhau, tại sao không tập trung vào một nơi để sử dụng chung (mở đầu cho giai đoạn hợp tác hóa nông nghiệp).
Thứ hai: Trong tổ đổi công, mọi người cùng chung vai làm việc tập trung nhân lực, khiến cho dân quen dần với lối làm ăn tập thể.
Thứ ba: Trong tổ đổi công có tổ trưởng, tổ phó, tổ nông hội, tổ thanh niên, tổ chức như công đoàn sau này, có sinh hoạt học tập đôn đốc chủ trương của Đảng, của nhà nước, đặc biệt là chính sách thuế nông nghiệp. Với guồng máy tổ chức này, một mặt Việt cộng gài cán bộ vào làm tai mắt theo dõi hành vi và tư tưởng chính trị của mỗi nông dân, một mặt đôn đốc chuẩn bị dân sản xuất dưới chiêu bài nhân dân làm chủ và Đảng lãnh đạo (chưa tới giai đoạn Nhà Nước Quản Lý). Trong mỗi buổi sinh hoạt tổ hoặc sinh hoạt rộng lớn hơn, thành phần Đảng viên thường len lỏi vào chiếm chừng một phần ba, thành phần cảm tình viên cũng vào khoảng một phần ba, và đã được Đảng vận động trước để ủng hộ những đề nghị có lợi cho chính sách Đảng. Như vậy bất cứ những nghị quyết nào quan trọng đều được hai phần ba biểu quyết, lợi cho Đảng mà bề ngoài Đảng vẫn khoe khoang là dân chủ vì dân quyết định mọi việc.
Trong giai đoạn Tổ Đổi Công, thuế nông nghiệp bắt đầu tăng cao. Ngay ở những vùng đất nghèo nàn cằn cỗi như phía Nam Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, thuế nông nghiệp cũng từ 20% đến 25%, nghĩa là cứ 1000 kg thóc thì phải nộp tới 250 kg, và số thóc đó phải phơi thật khô và quạt thật sạch. Ở những vùng đất tốt như Thái Bình Nam Định, thuế nông nghiệp còn cao hơn nữa, và nói chung, thuế nông nghiệp có tiêu chuẩn cố định, bất kể thiên tai, hạn hán hoặc lụt lội.
Việc tiến hành kế hoạch Tổ Đổi Công không đồng loạt và đều khắp trên toàn cõi Bắc Việt, vì Việt cộng rất dè dặt và tiến hành làm nhiều đợt tại nhiều thí điểm khác nhau. Tại khu Tự Trị Việt Bắc (xem bản đồ) gồm các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, kế hoạch tổ đổi công mãi tới năm 1964 mới bắt đầu. Như vậy, cho tới tháng 12-1958 kế hoạch tổ đổi công vẫn chưa thực hiện xong hết trên toàn miền Bắc, chỉ mới có 65% gia đình nông dân tham gia tổ đổi công. Tuy nhiên, tại những nơi mà tổ đổi công tiến triển điều hòa thì chế độ hợp tác xã cấp thấp bắt đầu được thí nghiệm.
Trong giai đoạn tổ đổi công, đời sống nông thôn Bắc Việt tương đối còn tạm dễ thở. Mặc dầu có một số cá nhân đi làm thuê, nhưng những gia đình đông người nhờ nhiều nhân công đã sản xuất nhiều, trở nên sung túc, mua thêm trâu cày, mua thêm nông cụ. Những gia đình ít người, tuy sản xuất ít hơn, nhưng vì ít miệng ăn nên cũng dành dụm được ít tư sản. Đó là hiện tượng “tích lũy tư bản” mà cộng sản không chấp nhận. Thực ra, giai đoạn công hữu hóa đã được hoạch định tiếp theo để giải quyết vấn đề tích lũy tư bản này. Một ích lợi hiển nhiên trong giai đoạn tổ đổi công là Việt cộng đã có cơ hội ước lượng chính xác năng suất trung bình của nông dân, để đo lường trước xem tối thiểu có thể bóc lột được của nông dân là bao nhiêu khi bước lên giai đoạn hợp tác xã cấp thấp (danh từ Việt cộng dùng để chỉ thủ đoạn bóc lột này là: “Giải Phóng Sức Sản Xuất”).
Tổ Đổi Công
Thời điểm thực hiện | Số Tổ Đổi Công | Tỷ số gia đình tham gia | Tài Liệu |
10-1957 | 72000 | 24,3% | Báo Nhân Dân 3-10-57 |
11-1957 | 8569 | 29% | Báo Nhân Dân 28-11-57 |
01-1958 | 102000 | ||
07-1958 | 137600 | 31,6% | VNI 15-8-58 (+) |
10-1958 | 203582 | 51,1% | VNI 23-1-59 (+) |
12-1958 | 300000 (++) | 65% | Đài Hà Nội 29-12-58 |
Ghi chú:
(+) VNI: Tạp chí Viet Nam Information xuất bản ở Rangoon
(++) 300000 tổ đổi công gồm khoảng 2 đến 3 triệu gia đình nông dân
II. Giai Đoạn Hợp Tác Xã Cấp Thấp
Trong khi chế độ Tổ Đổi Công chưa hoàn tất đều khắp trên toàn cõi Bắc Việt, thì vào năm 1958, nghị quyết 14 của Trung Ương Đảng Lao Động Bắc Việt đề ra nhiệm vụ và mục đích của Kế Hoạch 3 Năm lần thứ hai là để “Xây Dựng Nền Kinh Tế Dân Chủ Nhân Dân”, khác với nền kinh tế trong giai đoạn Tổ Đổi Công mà Việt cộng gọi là Nền Kinh Tế Dân Tộc Tư Sản.
Cán bộ Việt cộng tổ chức học tập khắp nơi về nhu cầu phải vượt qua giai đoạn Kinh Tế Dân Tộc: “Cảnh Làm Thuê Cho Chủ” vẫn còn, từ đó đưa đến tình trạng bất bình đẳng, và kềm chế sức sản xuất, vậy phải tiến lên giai đoạn kinh tế dân chủ nhân dân để “giải phóng sức sản xuất và thành lập quan hệ kinh tế bình đẳng giữa con người.
Hệ thống sản xuất mới trong ngành nông nghiệp được gọi là Hợp Tác Xã Cấp Thấp. Cùng lúc với Hợp Tác Xã Cấp Thấp ở nông thôn, có cuộc cải tạo Công Thương Nghiệp Tư Bản Tư Doanh ở thành thị mà ta sẽ nghiên cứu sau này. Mặc dầu từ cuối năm 1957 trong khi các tổ đổi công chưa hoàn tất, một số Hợp Tác Xã Cấp Thấp đã được phát động làm thí điểm, nhưng chính thức vào năm 1958 phong trào Hợp Tác Xã Cấp Thấp mới ra đời, và được thực hiện sớm muộn tùy nơi. Nhất là tại Khu Tự Trị Thái Mèo và ở Việt Bắc như Tuyên Quang, Thái Nguyên v.v…, phong trào hợp tác xã được thực hiện rất muộn vì Đảng còn phải ve vuốt các nhóm thiểu số.
Khi chế độ Hợp Tác Xã mới ra đời, Việt cộng chưa bắt buộc toàn thể dân chúng phải gia nhập, và phần lớn chỉ có đảng viên, giai cấp bần nông gia nhập trước và được hưởng những ưu quyền như con em được đi học, xã viên được cấp phân bón, nông cụ v…v….
Những khẩu hiệu trong giai đoạn này là:
Đảng viên đi trước
Làng nước đi sau,
Đoàn viên đầu tàu
Vào hợp tác xã.
Việt cộng đã phát động phong trào hợp tác xã một cách rầm rộ như một đại hội, với bích chương, biểu ngữ, chiêng trống, chương trình phát thanh, báo chí, phim ảnh cổ động cho quan niệm hợp tác xã làm ăn,
- “Buôn có bạn, bán có phường
- Làm ăn có xóm có làng mới vui”
hoặc:
- “Làm ăn riêng lẻ như nghé không đàn
- Có tổ có đoàn, mạnh lắm ai ơi”
Để diễn tả sức mạnh của lối làm ăn hợp tác, các văn nô nghĩ ra những lời thơ nghe rất phấn khởi và khoái lỗ tai:
“Nghiêng đồng đổ nước ra sông”
hay là:
“Vắt đất ra nước thay trời làm mưa”
Câu trên ngợi ca cảnh tát nước từ những cánh đồng bị úng nước để cứu cho lúa khỏi chết. Câu dưới tả cảnh tát nước từ sông vào cánh đồng khô cạn để cứu hạn hán. Ngoài ra, hai câu trên còn đề cao khả năng “cải tạo thiên nhiên” của lối làm ăn tập thể.
1. Nguyên Tắc Căn Bản của Hợp Tác Xã Cấp Thấp
Hợp tác xã cấp thấp có một số khác biệt căn bản so với Tổ Đổi Công.
Thứ nhất: Trong Hợp tác xã cấp thấp, những xã viên không còn làm chủ đất đai và dụng cụ làm ruộng của mình (Việt cộng gọi là “phá vỡ quyền tư hữu tư liệu sản xuất của tư nhân”), những nông dân, sau khi được chia ruộng đất qua cuộc cải cách, được cán bộ tuyên truyền gia nhập hợp tác xã bằng cách nộp hết ruộng đất cho hợp tác xã, nông cụ được tập trung vào một nơi gọi là kho vật liệu.
Thứ hai: Ban quản trị hợp tác xã gồm những thành phần đảng viên ưu tú mà thôi. Ban quản trị này lãnh đạo việc “Phân phối sức kéo” (tức là người và trâu bò), phân phối nông cụ thành các đội hoặc tổ sản xuất. Một xã viên sẽ không còn làm việc trên mảnh đất cũ của mình, mà sẽ làm trên mảnh ruộng của hợp tác xã.
Thứ ba: người nông dân sau khi vào hợp tác xã không còn làm chủ hoa màu do mình sản xuất, không còn gánh thóc về nhà sau mỗi mùa gặt, mà gánh thóc vào kho lẫm của hợp tác xã. Thay vì hoa màu thu được, người nông dân xã viên được trả lương như một công nhân viên Nhà Nước. Tiêu chuẩn trả lương ra sao là điều ta sẽ nói tới sau.
Mặc dầu những nguyên tắc trên đi ngược lại tinh thần tư sản cố hữu của người nông dân, nhưng cán bộ Đảng đã vẽ ra trước mắt người dân quê Việt Nam một hình ảnh huy hoàng của tương lai: Nhờ hợp tác làm ăn, năng suất sẽ cao hơn trước, và người hưởng lợi trực tiếp là xã viên. Những khẩu hiệu như: “Hợp Tác, cánh đồng năm bảy tấn” trở thành những chỉ tiêu về gia tăng năng suất trong những kế hoạch 3 năm và 5 năm. Ngoài ra cán bộ Đảng còn hứa hẹn những tiến bộ kỹ thuật để nâng cao đời sống xã viên như máy cày, máy bơm nước, điện khí hóa nông thôn….
Nông dân miền Bắc nói chung vốn cầu an và có tinh thần làm ăn theo xóm theo phường, nên ban đầu cũng có nhiều người nghe lời tuyên truyền của Đảng gia nhập hợp tác xã. Có một số ít không gia nhập hợp tác xã vì lúc này chưa có sự bó buộc. Theo nông dân Lê văn Hùng, thì tại làng Hàm Cách của anh, thuộc huyện Thành Hà, tỉnh Hải Dương, ban đầu chỉ có 20% nông dân tham gia hợp tác xã cấp thấp. Những nông dân không gia nhập hợp tác xã nghĩ rằng họ có thể làm ăn riêng lẻ được, và Việt cộng cũng tạm để cho họ yên trong giai đoạn đầu.
Đối với những nông dân gia nhập hợp tác xã, chỉ trong vòng một thời gian ngắn đã vỡ mộng vì những thu hoạch mà họ mang về cho gia đình không tương xứng với một phần nhỏ của mồ hôi nước mắt mà họ nhỏ xuống gốc rạ. Họ đã phải đóng góp rất nhiều cho hợp tác xã, nhưng đến cuối mùa họ tổng kết lại thì thấy phần lớn những đóng góp của họ rơi vào một cái thùng không đáy. Sở dĩ như vậy là vì sự cách biệt quá xa giữa một bên là chế độ đóng góp (gồm có lao động, thuế, và các quỹ xã hội…), và một bên là chế độ hưởng thụ theo công điểm (ghi công làm việc của mỗi người).
Chế độ lao động ấn định mức làm việc của mỗi người. Chế độ thuế ấn định bổn phận tài chánh của mỗi công dân. Còn các quỹ đóng góp thì trên lý thuyết tượng trưng cho sự để dành hoặc sự đầu tư của nông dân giống như quỹ an sinh xã hội hoặc những quỹ bảo hiểm của các nước tự do. Chế độ công điểm ghi chép số giờ lao động mỗi người đóng góp mỗi ngày để dựa vào đó trả tiền công cho mỗi người.
Để dễ dàng nhìn thấy sự lợi hại của hợp tác xã, ta hãy đặt lên bàn cân để so sánh sự đóng góp công sức tài vật của nông dân, với những số thù lao mà họ được hưởng.
2. Chế Độ Đóng Góp Của Xã Viên
Một đặc điểm quan trọng và nổi bật của chế độ hợp tác xã là “hạch toán kinh tế”, danh từ Việt cộng chỉ mọi tính toán thu chi lời lỗ, ở đây chỉ về sự đóng góp của xã viên cũng như sự hưởng thụ của xã viên. Đây là đặc điểm quan trọng vào bậc nhất vì nó liên quan mật thiết đến sự tình trạng đói của xã viên, vì thế cho nên hầu như bất cứ hồi chánh viên nông dân nào khi được phỏng vấn cũng biết tính toán một cách rành mạch từng đồng, từng xu những đóng góp và hưởng thụ của xã viên. Vì những con số đó tượng trưng cho sự no đói của xã viên nên sẽ được trình bày khá tỉ mỉ trong bài nghiên cứu này.
a. Đóng Góp Lao Động
Trong một hợp tác xã nông nghiệp, ban quản trị gồm những người được Đảng lựa chọn từ trước và được vận động ngầm từ trước, mặc dầu cũng được bầu cho đủ hình thức dân chủ.
Sơ đồ này cho thấy cái khung của hợp tác xã gồm có những xã viên nằm trong các đội sản xuất và tổ sản xuất tượng trưng cho bộ máy sản xuất. Bộ máy này được điều khiển bởi các đội trưởng sản xuất theo nguyên tắc “làm việc tại đồng, phân công tại sở” có nghĩa là các đội trưởng trở lên ban quản trị hợp tác xã chỉ việc ngồi rung đùi tại sở để phân công tác, và các xã viên mới là những người phải đổ sức lao động ra tại đồng. Các tổ trưởng là những phần tử bần nông trung kiên vừa làm việc vừa đôn đốc, và ban kiểm soát theo dõi ở trên, đánh giá sự làm việc của mỗi người theo từng loại:
– Loại A: loại khỏe mạnh, làm nhanh, tích cực đi làm sớm.
– Loại B: là loại làm việc trung bình.
– Loại C: là loại làm việc kém, hay đi trễ, không tích cực.
Bình Công Chấm Điểm
Sau mỗi ngày làm việc, mỗi người được đánh giá lao động bằng cách Bình Công Chấm Điểm tức là dựa vào một người giỏi nhất để làm tiêu chuẩn cho điểm những người khác, và gọi tiêu chuẩn đó là “mốc khoán”. Ví dụ: Trên một mảnh ruộng do một số người làm việc gồm đủ cả 3 loại A, B và C.
Khi chấm điểm mỗi người, loại A được 10 điểm nếu làm đủ 12 giờ một ngày, loại B được 8 điểm và loại C chỉ được 6 điểm. Và số 10 điểm trong một ngày làm việc của một xã viên loại A được dùng làm chuẩn gọi là một công. Một người loại A làm việc 3 ngày được số điểm tương đương với 3 công lao động, trong khi một người loại C làm việc 3 ngày chỉ được ghi có 18 điểm, tức là chưa được 2 công lao động. Muốn đạt được 3 công, xã viên loại C chỉ có hai cách, một là làm thêm ngày, hai là tăng thêm giờ làm việc mỗi ngày. Nhưng cách thứ nhất không thể thực hiện được vì không ai có ngày nghỉ để làm bù nên xã viên loại C chỉ còn một sự lựa chọn là tăng số giờ làm mỗi ngày. Do đó mới có câu “Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”.
Tại Sao Phải Làm Cho Đủ Công?
Ban quản trị giao khoán cho từng gia đình phải làm đủ một số công điểm cho mỗi vụ mùa, và danh từ Việt cộng gọi là “mức giao điểm”, tùy theo số nhân khẩu trong mỗi gia đình.
Nếu gia đình đông người thì mức giao điểm cao. Ví dụ một gia đình có hai lao động chính và một lao động phụ thì mức giao điểm là 5000 điểm, tức là trong một vụ 6 tháng phải làm đủ 5000 điểm, tức là 500 công (10 điểm là một ngày công) mỗi lao động chính phải làm khoảng 170 công và lao động phụ 140 công.
Nghĩa là trung bình mỗi người trong gia đình đó phải làm 170 ngày trong 6 tháng (180 ngày) và mỗi ngày 12 giờ mới hy vọng đạt được mức điểm giao để được tính khẩu phần theo loại A.
Nói như vậy, có phải cứ sáu tháng thì có 10 ngày nghỉ?
Không, con số 170 ngày công là con số lao động được trả lương gọi là “lao động sản xuất” như cày, bừa, gặt, hái. Mỗi năm, nông dân còn phải làm lao động không công tức là lao động “Nghĩa Vụ”. Việt cộng đặt ra hai loại lao động nghĩa vụ chính:
– Loại A: Lao Động Thủy Lợi – đó là lao động bắt buộc như đắp bờ đập, tát nước, khai nương v…v…, mỗi năm từ 15 đến 30 công.
– Loại B: Lao Động Xã Hội – như đắp đường, xây trụ sở, xây cầu, đi gác ban đêm.
Hai loại nghĩa vụ trên không tính công để lãnh lương, trái lại chỉ có phạt nếu thiếu nghĩa vụ. Ví dụ một người được ban quản trị hợp tác xã phân công đi đắp đường mà vì lý do gì đó không đi thì bị phạt từ 1 cho tới 3 công (3 ngày công).
Như vậy, nếu gồm cả lao động nghĩa vụ với lao động sản xuất, một xã viên không có đủ số ngày trong một năm để làm cho đủ công điểm. Vì thế hầu như ai cũng phải làm thêm bằng cách ra đồng sớm hơn và ở lại tới khuya để làm thêm. Nhưng không phải ngày nào cũng có thể ở lại khuya để làm thêm, vì còn phải đi họp để học tập về chính sách nông nghiệp, học tập chính trị và đủ thứ học tập khác.
Điều đó có nghĩa là dù có muốn làm cho đủ công điểm, cũng không có đủ giờ để làm theo ý muốn. Và thiếu công điểm là thiếu ăn.
Dù có làm đủ công điểm cũng chưa có nghĩa là đủ ăn, vì đến lúc thu hoạch vào cuối mùa, hợp tác xã cộng điểm của toàn gia đình và khấu trừ ra 25% gọi là điểm Kiến Thiết Xã Hội Chủ Nghĩa, còn lại bao nhiêu mới tính ra giá bằng lúa tùy theo từng vụ. Số lúa tương ứng với mỗi công điểm cũng không nhất định, vì gặp năm mất mùa, số lúa cũng giảm theo, mặc dù công điểm không đổi.
Công dân Lê văn Hùng giải thích rất rõ như sau:
“Tiền chia cho mỗi điểm tùy theo số thu tổng kết của Hợp Tác Xã. Hợp tác xã hàng tháng cộng chung số điểm của toàn thể dân làng. Đem số tiền tổng thu chia cho số điểm chung của cả dân làng, ta có tiền cho mỗi điểm. Thí dụ hợp tác xã tổng thu được 10000 đồng và số điểm chung của hợp tác xã là 100000 điểm, như vậy mỗi điểm trị giá 10 xu. Mặt khác nếu số tổng thu chỉ có 8000 đồng, thì giá trị mỗi điểm chỉ còn có 8 xu. Tóm lại giá trị mỗi điểm tùy số tổng thu, cho nên, nếu nông dân muốn được số tổng thu cao hơn thì phải gia tăng sản xuất. Hạn hán hay mất mùa là một thảm họa cho nông dân”.
Hình thức bình công chấm điểm bắt buộc mọi người, đàn ông cũng như đàn bà, ông già cũng như bà lão phải làm việc như máy suốt ngày:
- “Mệt nhọc đến độ tình vợ chồng cũng bị ảnh hưởng, không còn sức nào mà yêu thương ân ái với nhau được nữa”. (Lời anh Lê văn Hùng)
Tuy số giờ làm việc chính thức là 12 giờ một ngày, nhưng vì ai cũng sợ đói, và nếu có một hai đứa con thì phải làm việc suốt từ 4 giờ sáng tới 10 giờ đêm (18/24 giờ một ngày) mới đủ ăn.
b. Đóng Góp Thuế Nông Nghiệp Và Thuế Đảm Phụ
Khi nhà nước đã nắm toàn bộ sinh hoạt, lợi tức của dân, thì nông dân có còn phải đóng thuế nữa không?
Câu hỏi này được anh Lê văn Hùng trả lời như sau:
“Người dân quê đâu còn gì là của riêng nữa mà đóng thuế. Nhưng trên thực tế họ vẫn gián tiếp phải đóng thuế vì hợp tác xã nhân danh tập thể đóng thuế cho nhà nước: Thuế Nông Nghiệp, Thuế đảm phụ nghĩa vụ, Thuế đảm phụ nghĩa thương.
“Khi hợp tác xã đóng thuế cho nhà nước dĩ nhiên số thóc còn lại để chia cho xã viên phải ít đi. Thí dụ cụ thể cho dễ hiểu: Tại làng Hàm Cách của tôi chẳng hạn, mỗi vụ lúa phải đóng 15 tấn thóc thuế nông nghiệp, 5 tấn thóc thuế đảm phụ nghĩa vụ và 3 tấn thóc thuế đảm phụ nghĩa thương. Tổng số thu hoạch mỗi mùa là 100 tấn thóc, đóng thuế xong chỉ còn 77 tấn. Thuế nông nghiệp ấn định là 15% sản lượng, thuế đảm phụ nghĩa vụ tùy theo tình hình chung, nhưng không quá 5% sản lượng”.
Thuế đảm phụ nghĩa vụ được cán bộ Đảng giải thích như là một thứ thuế đóng thế chân cho việc đi lính làm nghĩa vụ quân sự. Còn thuế đảm phụ nghĩa thương là để giúp cho các thương bệnh binh bị đau ốm hoặc bị thương vì đi làm nghĩa vụ quân sự.
Thuế nông nghiệp là một thứ thuế nặng nề nhất đối với nông dân Bắc Việt, và cán bộ Đảng trong hợp tác xã thi hành rất khắt khe, ví dụ một cán bộ làm thổ sản ở Thanh Thủy, tỉnh Thanh Hóa tên là Hoàng văn Kính, là cán bộ phụ trách của tỉnh, có người cha thiếu thuế hai năm liền, tức là phạm vào tội “dây dưa thuế nông nghiệp”. Anh Hoàng văn Kính đã bị Đảng thi hành biện pháp kỷ luật bằng cách khai trừ khỏi Đảng. Sau đó, anh Kính đã “thắc mắc” với chính quyền địa phương nên bị đi cải tạo.
Chẳng những thuế nông nghiệp là một sự bóc lột khắt khe, nhưng nông dân oán hận nhất là nhà nước bắt trả các thứ thuế bằng thóc, chứ không phải bằng tiền. Nông dân Nguyễn văn Hùng đã giải thích tại sao trả thuế bằng thóc lại thiệt hại cho dân hơn là trả bằng tiền:
“Nhà nước mỗi mùa lấy 23 tấn thóc (gồm thuế nông nghiệp, thuế đảm phụ nghĩa vụ và thuế đảm phụ nghĩa thương, áp dụng cho làng Hàm Cách mỗi mùa sản xuất 100 tấn phải đóng thuế 23 tấn), như vậy nghĩa là dân mất đi 23 tấn thóc mỗi mùa. Tại miền Bắc mỗi hột thóc quý như hột vàng. Nếu nhà nước lấy tiền thay thóc thì hợp tác xã thay mặt tập thể dân chúng chỉ phải đóng 6200 đồng (giá chính thức 270 đồng một tấn thóc). Như vậy đổ đồng mỗi người dân (làng tôi có 100 dân) đóng 62 đồng. Với 62 đồng đó, trên thị trường chợ đen chỉ tương đương với 70 kg thóc hay 50 kg gạo mỗi mùa. Trong khi đó nếu dân được giữ lại 23 tấn thóc (nếu đóng thuế bằng tiền) thì chia đều mỗi người được 230 kg thóc (tức là khoảng 164 kg gạo, và nếu chia cho 6 tháng thì trung bình mỗi ngày một nông dân được thêm gần 1 kg gạo tức là 4 bát cơm đầy). Giá trị một hột thóc ở chỗ đó”.
Chú thích: giá thóc chính thức là 270 đồng một tấn, trong khi giá chợ đen là khoảng 800 đồng tới 900 đồng một tấn vào lúc đó.
Sau khi đã được đóng góp sức lao động, đóng các thứ thuế “nghĩa vụ cao cả” nghe khoái lỗ tai, nông dân còn được Đảng thương cho đóng nhiều loại quỹ khác nữa.
c. Đóng Góp Cho Các Thứ Quỹ Của Hợp Tác Xã
Hợp tác xã cũng “thay mặt xã viên” để đóng vào các loại quỹ dưới đây:
Quỹ Thủy Lợi: “Ban quản trị nói là để mua dụng cụ máy móc làm công tác thủy lợi như dẫn nước vào ruộng khô, hút nước ra khỏi ruộng ngập nước, hoặc hệ thống đập nước v.v… nhân dân đóng khá nhiều cho quỹ này, nhưng trên thực tế, quỹ thủy lợi thực sự đi đâu mất tiêu và không ai thấy có bằng chứng cụ thể là quỹ thủy lợi được dùng vào mục tiêu thủy lợi. Quỹ thủy lợi đã như nước ngấm vào sa mạc hết trơn, máy bơm nước, máy hút nước không thấy đâu, chỉ thấy nông dân tiếp tục dùng gầu để tát nước thấy ông bà nội”.
Quỹ Tích Lũy: “Cán bộ Việt cộng tuyên truyền rằng quỹ này được dùng để giúp đỡ xã viên gặp hoàn cảnh khó khăn. Trên thực tế một phần nhỏ được dùng để mua dụng cụ làm việc, còn phần lớn để tổ chức những buổi liên hoan của ban quản trị hợp tác xã, tức là các ông trời con ở nông thôn”.
Quỹ Xã Hội: “Được dùng để xây trường học, xây nhà thương. Tất cả quỹ này được nộp cho xã và từ xã đưa về huyện, hoàn toàn do nhà nước nắm giữ, nhân dân làm chủ nó, nhưng không hề biết nó được chi tiêu ra sao”.
Quỹ Bảo Hiểm:
Cán bộ Việt cộng tuyên truyền cổ động như sau về quỹ bảo hiểm:
“Lao động phải an toàn.
An toàn để lao động”
Việt cộng đã lên tới đỉnh cao trong việc sản xuất những khẩu hiệu nghe qua thấy mê mẩn tâm thần, nhưng không có liên hệ gì tới thực tế của vấn đề bảo hiểm cả. Các xã viên sau khi “nhờ” hợp tác xã “đóng tiền dùm” vào các quỹ bảo hiểm, thì chẳng biết những quỹ này đi đâu, mà cũng chẳng bao giờ được hưởng những quyền lợi do quỹ này mang lại. Tuy biết rằng mất của, đa số nông dân vẫn đành để cho “của đi thay người” mà không dám thắc mắc, sợ rằng có thể được Việt cộng cho đi xa để tìm ra sự thật như trường hợp anh Hoàng văn Kính đã nói ở trên.
Tuy nhiên họ cũng phản ứng lại bằng cách khác như ta sẽ thấy sau này. Trong hiện tại nông dân còn nhẫn nhịn thì Việt cộng còn tiếp tục nhẩn nha làm tới. Việt cộng coi nông dân miền Bắc như một thứ trái cây có nhiều lớp vỏ ngọt ngào tha hồ bóc lột từ lớp vỏ này tới lớp vỏ khác để mà ăn. Từ Hồ Chí Minh cho đến tên cán bộ hạng bét của Việt cộng đều thi đua phát huy sáng kiến để bóc lột nông dân.
Sau khi bắt dân góp sức lao động, đóng các thứ thuế, góp các thứ quỹ, hợp tác xã còn “phát huy sáng kiến” ra một thứ “nhiệm vụ tình nguyện” nuôi gà, nuôi heo cho nhà nước.
Anh Lê văn Hùng kể lại như sau:
“Về chăn nuôi, mỗi gia đình bắt buộc phải nuôi một số lợn tương đương với 100 kg thịt mỗi năm để bán cho hợp tác xã. Việc nuôi lợn là việc cưỡng bách và người nuôi không được bán ra ngoài hoặc giết ăn thịt. Mỗi gia đình còn phải nuôi hai con gà cho hợp tác xã. Không ai muốn nuôi lợn vì bị lỗ vốn, nhưng vẫn bị bắt buộc phải nuôi”.
Vấn đề nuôi heo lỗ vốn đã thành quy luật của xã hội chủ nghĩa Việt cộng. Anh Lê văn Hùng giải thích lý do:
“Hợp tác xã không cung cấp lợn giống, mà cũng không bán lợn con cho dân. Vì thế, người nuôi lợn phải mua lợn giống ở ngoài với giá tự do. Những người nuôi lợn giống được bán lợn con tự do. Một con lợn con nặng 10 kg giá 30 đồng (tiền miền Bắc). Lợn ở ngoài Bắc thì nhỏ và chậm lớn. Phải nuôi tới tám chín tháng mới lớn tới 50 kg. Lợn được nuôi bằng cám, mà cám thì rất đắt. Mỗi con lợn ăn hết 4 hào tiền cám, nghĩa là 12 đồng một tháng, hay là 96 đồng trong 8 tháng. Hai con lợn mất 192 đồng tiền cám, và giá mua 2 con hết 60 đồng, tổng cộng là 252 đồng tiền vốn. Hai con lợn nặng 100 kg bán cho hợp tác xã 1 đồng mỗi kg thịt theo giá chính thức, tức là lỗ hết 152 đồng không kể công lao khó nhọc trong tám tháng. Do đó không ai muốn nuôi lợn nếu không bị cưỡng bách. 152 đồng là tiền công 4 tháng lao động cực nhọc ở ngoài đồng. Nhưng nếu không chịu nuôi lợn thì sẽ không được ăn thịt và bị kết tội là phản động chống lại xã hội chủ nghĩa, chỉ biết nghĩ đến quyền lợi ích kỷ làm hại quyền lợi chung. Ngoài ra còn bị phạt 30% số thóc được mua của hợp tác xã …”.
Lý do căn bản khiến việc nuôi lợn lỗ vốn là vì phải mua lợn con và thức ăn ở thị trường tự do (gần như chợ đen) và cuối cùng bán thịt heo giá chính thức cho nhà nước. Khi tất cả nông dân bị lỗ, thì chỉ có một bọn hưởng lời trên sức lao động của nông dân. Ai cũng đoán đước bọn đó là bọn nào. Khi anh Lê văn Hùng nói đến việc “bị phạt 30% số thóc được mua của hợp tác xã” thì các độc giả chưa nếm mùi Việt cộng có thể không hiểu điều đó nghĩa là cái gì, và có thể sẽ có người bảo “cần chi phải mua thóc của hợp tác xã?”.
Thực ra đây là căn bản của chế độ hưởng thụ, tức là vấn đề no đói của xã viên mà ta sắp phân tích dưới đây.
3. Chế Độ Hưởng Thụ Của Hợp Tác Xã Cấp Thấp
Chế độ hưởng thụ của hợp tác xã cấp thấp thay đổi theo từng mùa hay từng vụ tùy theo sự thu hoạch. Vì thế, cứ tới mùa gặt hái là tất cả ba ban kiểm soát, kế hoạch và kế toán châu đầu lại họp với ban quản trị hợp tác xã để ấn định mức hưởng thụ của xã viên, và danh từ Việt cộng gọi việc này là “làm phương án kết toán ăn chia”.
a. Định Giá Trị Của Một Công
Phương án kết toán ăn chia là đường lối đại cương mỗi vụ mùa. Sau khi phương án làm xong, ban quản trị quyết định mức ăn chia tức là mức độ hưởng thụ dựa trên giá trị của mỗi công theo cách thức mà anh Lê văn Hùng đã mô tả (một công có thể từ 8 xu tới 10 xu). Cán bộ Việt cộng đi kiểm tra tất cả các mảnh ruộng bằng cách đo năng suất mỗi mảnh, rồi từ đó tính ra mức tổng thu.
Xã viên không được trả công dựa trên mức tổng thu. Hợp tác xã trích một phần của số tổng thu để đóng các loại thuế, các loại quỹ, các loại công khác. Còn lại mới chia cho số điểm tổng cộng của toàn thể xã viên để ấn định giá trị của công điểm.
Hợp tác xã sẽ tùy theo công điểm của mỗi xã viên để trả tiền cho từng người, và với số tiền đó xã viên đến hợp tác xã để mua gạo về ăn. Dĩ nhiên ai cũng muốn mua gạo của hợp tác xã theo giá chính thức thay vì mua ở ngoài theo giá chợ đen. Nhưng điều đó không có nghĩa là “có tiền mua tiên cũng được”. Thật ra ít có xã viên nào có đủ công điểm để mua gạo theo đúng tiêu chuẩn ăn của mình. Và dù có dư công điểm, số gạo được mua cũng bị hạn chế bởi cái “mức ăn quy định” giống như gông cùm để kềm kẹp cái miệng và bao tử.
b. Mức Ăn Quy Định:
Tức là tiêu chuẩn lương thực, bao gồm những “cấp bậc ăn uống” khác nhau tùy theo khả năng lao động cũng như loại lao động. Khả năng lao động được chia theo cấp bậc A, B, C như đã nói ở trên.
Còn các loại lao động gồm có: Lao động chính: Những người sản xuất nông nghiệp. Lao động phụ: Những người làm các nghề khác như đánh cá, thủ công nghiệp, chăn nuôi, thợ nề, thợ mộc. Mất sức lao động: Những người già cả. Không lao động: Con nít dưới 8 tuổi.
Mức ăn quy định còn thay đổi tùy theo vùng và tùy theo từng giai đoạn.
Nguyễn văn Việt, một cán binh xâm nhập từ Bắc Việt vào Nam, sinh năm 1952, khi hồi chánh năm 1970 mới được 18 tuổi cho biết về vấn đề thực phẩm ở tỉnh Tuyên Quang (khu tự trị Việt Bắc là nơi anh sinh trưởng). Trước khi Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc (1965) thì anh Việt còn nhỏ tuổi nên không lưu ý về khẩu phần gạo là bao nhiêu, nhưng:
“…Sau khi người Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, đời sống của nhân dân riêng tỉnh Tuyên Quang trở nên sung túc hơn…. Tiêu chuẩn gạo hàng tháng của người dân khu tự trị Việt Bắc là 21 cân gạo (21 kg) cho một lao động chính, học sinh được 18 cân, trẻ em được 6 cân”.
Về lý do tại sao người dân ở khu tự trị được tiêu chuẩn gạo cao trong khi đa số người dân đồng bằng miền Bắc chỉ được tối đa là 13 đến 18 cân gạo, anh Việt giải thích như sau:
“Người dân ở khu tự trị Việt Bắc vốn được ăn uống tự do, nên tiêu chuẩn 21 cân gạo một tháng cũng là quá ít ỏi. Nếu phải ăn ít hơn nữa họ sẽ không tin tưởng vào nhà nước”.
Tình trạng anh Việt mô tả là tình trạng dễ thở tại khu tự trị Việt Bắc mà Việt cộng cần ve vuốt nhẹ tay để tránh sự nổi loạn. Ở những vùng khác như Thanh Hóa, vào năm 1967-1968, tiêu chuẩn lương thực đại khái như sau:
Tiêu chuẩn gạo mỗi tháng
(lao động cừ, thừa công điểm) | Loại A | Số lượng |
Lao động chính | 9,6kg | |
Lao động phụ | 7kg | |
Mất sức lao động | 6,4kg | |
(trung bình, vừa đủ công điểm) | Loại B | Số lượng |
Lao động chính | 8,4kg | |
Lao động phụ | 6kg | |
Mất sức lao động | 4,8kg | |
8 tuổi trở xuống | 4-6kg | |
(lao động kém, thiếu công điểm) | Loại C | Số lượng |
Lao động chính | 7kg | |
Lao động phụ | 5,25Kg | |
Mất sức lao động | 4kg | |
Dưới 8 tuổi | 2-3kg | |
Ở làng Hàm Cách, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, tiêu chuẩn gạo cao hơn vùng Thanh Hóa nhưng, câu hỏi đáng đặt ra ở đây là: “nếu đã trả tiền theo công điểm thì cần gì Việt cộng phải ấn định tiêu chuẩn lương thực?”
Anh Lê văn Hùng đã trả lời câu hỏi trên theo hoàn cảnh ở làng Hàm Cách, nhưng câu trả lời của anh cũng áp dụng được cho tất cả các địa phương khác:
“Vấn đề mức ăn quy định thực sự không giản dị. Nhà nước ấn định cho mỗi lao động chính là 14,4 kg gạo một tháng, lao động phụ 12 kg gạo một tháng, trẻ nhỏ dưới 10 tuổi được 6 hoặc 7 kg gạo. Thí dụ gia đình tôi 2 vợ chồng, 2 đứa con dưới 10 tuổi, tôi được quyền mua gạo theo tiêu chuẩn 14,4 kg cho tôi 12 kg cho vợ tôi, và 12 kg cho 2 đứa con, tổng cộng 38,4 kg gạo một tháng. Hợp tác xã tính công điểm trả thành tiền. Tôi lấy tiền đó mua thóc (hoặc tính ra gạo) ở hợp tác xã. Nếu tôi làm khỏe được nhiều điểm, tôi mua thóc đủ tiêu chuẩn, còn thừa tiền mang về tiêu riêng và mua thực phẩm, chứ không được quyền mua thêm quá tiêu chuẩn. Nếu chẳng may vì ốm đau hay vì một lý do nào đó tôi làm không đủ điểm, nhất định tôi không đủ tiền mua thóc, thì nguy hiểm vô cùng. Thí dụ cho dễ hiểu: Tháng X, tôi làm ít công điểm, cả gia đình chỉ đủ mua 24 kg gạo, tức là thiếu 14,4 kg gạo. Theo như tiêu chuẩn ấn định, tôi không được quyền mua 14,4 kg đó, cho dù tôi có tiền”.
Tới đây, độc giả có thể hiểu “bị phạt 30% số thóc được mua của hợp tác xã” nghĩa là gì, và hậu quả ra sao. Đó là 30% số lương thực để ăn trong cả vụ mùa. Nếu bị phạt 30% số thóc được mua của hợp tác xã, người ta phải mua bù ở chợ đen với giá cắt cổ thì chỉ có nước treo cổ lên xà nhà để tự vận (Nhưng khổ là Đảng không cho ai chết vì Đảng cần lao động để sản xuất).
4. Phản Ứng Của Nông Dân Đối Với Hợp Tác Xã Cấp Thấp
Sau khi đa số nông dân dại dột nghe theo Đảng để vào hợp tác xã cấp thấp, cuộc đời của họ tuy được sống trong những năm hòa bình và ổn định hơn thời đấu tranh sắt máu trước đó, nhưng điều kiện làm việc thật là khắt khe và sự thu hoạch về cho gia đình không đủ số dù đã làm việc như trâu bò. Hơn nữa, họ hoàn toàn mất hết quyền tư hữu, quyền tự do, lại thêm bị nhồi sọ ngày đêm về chính trị riết rồi phát khùng. Nông dân nhìn ra hợp tác xã không nhằm mục đích giúp đỡ dân, mà thực ra là để bóc lột dân đến kiệt quệ, và họ đã phản ứng.
Nhưng rút kinh nghiệm của cuộc đấu tranh cải cách ruộng đất, những nông dân bất mãn không dám tỏ ra chống đối hoặc vi phạm những quy luật chính trị mà chỉ dám phản ứng trong phạm vi có thể được. Vì Đảng nói rằng không ép buộc mọi người vào hợp tác xã nên những nông dân bất mãn đã làm đơn rút ra khỏi hợp tác xã.
Có hai loại gia đình xin ra khỏi hợp tác xã.
Loại thứ nhất gồm những gia đình có đông người mạnh khỏe, có trâu bò, và họ lại là những người lao động giỏi, siêng năng. Nhưng ở trong hợp tác xã dù làm giỏi, dư công điểm cũng phải bán hết số thu hoạch cho nhà nước theo chế độ “thu mua”.
Loại thứ hai gồm những gia đình thiếu người lao động giỏi, nên vụ mùa nào cũng thiếu điểm, mang nợ liên tiếp trong nhiều mùa, mà còn bị nhục mạ là lười biếng, ích kỷ, không tích cực đối với quyền lợi tập thể.
Khi những cá nhân riêng lẻ này rút ra khỏi hợp tác xã thì họ đã hành động đơn phương chứ không dám rủ nhau, nhưng vì nhiều người đơn phương rút ra nên tình cờ đã biến thành phong trào xảy ra khắp nơi, làm cho nhiều hợp tác xã phải giải tán. Ví dụ ở vùng Bình Cát, Thanh Thủy, Thanh Hóa, Việt cộng phải giải tán 3 hợp tác xã để gom lại làm một. Ở vùng Xích Thổ, Ninh Bình, nhiều hợp tác xã phải giải tán toàn bộ để tổ chức lại.
Đối với khu tự trị Thái Mèo, vì đồng bào thiểu số chống đối mạnh nên cho mãi tới năm 1964 vẫn chưa tiến lên được hợp tác xã cấp thấp. Nói chung trên toàn miền Bắc trước kia vẫn có một số nông dân đứng ngoài hợp tác xã và Việt cộng vẫn để yên cho họ sống. Những người này trao đi đổi lại những sản phẩm với nhau và làm thành một thứ thị trường ngoài hợp tác xã mà ta gọi là thị trường tự do và chợ đen.
Việt Cộng Đối Phó Ra Sao?
Khi những người xã viên rút ra khỏi hợp tác xã, lối làm ăn cá thể và thị trường tự do đột nhiên lớn hẳn lên và đe dọa quyền lực Đảng, do đó Việt cộng chỉ thị cho các chính quyền địa phương và ban quản trị hợp tác xã phải có biện pháp đối phó. Có ba biện pháp chính được áp dụng.
Biện pháp tuyên truyền giáo dục và dùng đoàn viên vận động với gia đình
Đối với các đoàn viên (chưa phải là đảng viên) có gia đình ra khỏi hợp tác xã, Đảng và Đoàn áp dụng biện pháp kỷ luật như phê bình kiểm thảo, áp lực để đoàn viên dùng tình cảm lôi kéo gia đình trở lại hợp tác xã. Nếu không thành công có thể dùng biện pháp khai trừ khỏi Đoàn.
Biện pháp này cũng không đạt nhiều kết quả, và Việt cộng phải tiến thêm một bước nữa.
Biện pháp cấp thẻ xã viên
Thẻ xã viên có công dụng cho xã viên có thể mua đồ dùng hay thực phẩm ở Mậu Dịch Quốc Doanh. Biện pháp này tương đối hữu hiệu hơn, vì đa số xã viên sống bằng nông nghiệp, nên khi ra khỏi hợp tác xã chỉ có thể cấy lúa. Nhưng khi muốn có muối ăn, vải mặc, họ phải tới cửa hàng mậu dịch Diêm-Nghiệp hoặc mậu dịch của hợp tác xã dệt vải để mua. (các ngành này đều được tổ chức thành hợp tác xã). Nếu không có thẻ xã viên thì không mua được muối được vải. Biện pháp này tương đối có hiệu quả hơn và đã buộc nhiều người quay trở vào hợp tác xã.
Biện pháp khoanh vùng
Nói chung, đối với những xã viên ra khỏi hợp tác xã, ban quản trị phải trả lại đất. Nhưng vì những bờ ruộng đều phá hết cả, nên không ai có thể nói rằng đất cũ của mình ở đâu. Lợi dụng tình trạng này, hợp tác xã đã đưa ra biện pháp khoanh vùng để bóp chết những nông dân này. Hợp tác xã đã dành những mảnh đất thật xấu hoặc ở những vùng cao không có nước, lại bị ruộng của hợp tác xã bao vây, muốn lấy nước vào ruộng không được vì hợp tác xã không cho nước chảy qua. Cuối cùng nhiều người đành phải trở vào hợp tác xã, và tất cả đều phải bị phạt công điểm rất nặng.
Cũng vào khoảng mùa Đông 1957, miền Bắc bị mất mùa rất trầm trọng, khắp nơi bị đói, và Đảng đã tổ chức cứu trợ, nhưng chỉ cứu những người ở trong hợp tác xã mà thôi. Dĩ nhiên, những ai ở ngoài hợp tác xã nếu muốn khỏi chết đói thì phải gia nhập hợp tác xã. Thật ra nếu năm 1957 không có nạn đói thì sớm muộn gì cũng có một nạn đói khác để giúp Đảng thanh toán hợp tác xã cấp thấp vì từ năm 1956 tới 1968 miền Bắc đã trải qua 7, 8 lần mất mùa đói kém.
Tại những nơi mà đa số nông dân bị bắt buộc phải quay trở lại hợp tác xã, Đảng bèn thừa thắng xông lên, đẩy mạnh phong trào Hợp Tác Xã Cấp Cao. Điển hình là tại làng Hàm Cách lúc này nông dân đã hoàn toàn bị đoàn ngũ hóa và Đảng đề ra chiến dịch cải tiến đợt I với khẩu hiệu “công hữu hóa ruộng đất trâu bò”, và thanh toán nốt số 5% hoa mầu mà nông dân được hưởng trong hợp tác xã cấp thấp.
+
+ +
Trong giai đoạn hợp tác xã cấp cao, Đảng đã gia tăng năng xuất nông dân như thế nào, và nông dân “sung sướng” như thế nào, đó là điều chúng ta sẽ nghiên cứu trong kỳ tới.