Nguồn: Suyash Desai, “Flashpoints on the Periphery: Understanding China’s Neighborhood Opportunism”, The Diplomat, 28/05/2020.

Biên dịch: Nguyễn Vũ Thắng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch để theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại như thế nào?

Căng thẳng ở vùng ngoại vi xung quanh Trung Quốc trong vài tháng gần đây đã gia tăng đáng kể khi Bắc Kinh tăng cường sử dụng các công cụ quân sự và ngoại giao trong khu vực lân cận. Tần suất các sự kiện có liên quan các tác nhân Trung Quốc, đặc biệt vào nửa cuối tháng Ba, đã tăng lên khi tình trạng bình thường quay lại đại lục sau sự bùng phát COVID-19.

Điều này làm dấy lên một vài câu hỏi. Thứ nhất, phải chăng đây là bằng chứng về chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc khi Hoa Kỳ đang lúng túng duy trì sự hiện diện của mình tại các khu vực Đông và Đông Nam Á? Thứ hai, có phải Bắc Kinh đã theo đuổi một cách tiếp cận hung hăng hơn cho giai đoạn hậu đại dịch? Thứ ba, sự gia tăng đột biến các hoạt động gần đây có ảnh hưởng đến trật tự khu vực hay không?

Trước khi trả lời những câu hỏi trên, quan trọng là phải hiểu được thứ tự thời gian của các sự kiện đã dẫn đến những căng thẳng hiện nay tại các vùng ngoại vi Trung Quốc. Indonesia là quốc gia đầu tiên đối mặt với sự o ép của Trung Quốc sau khi virus bùng phát. Vào tháng 12/2019, Hàng chục tàu cá Trung Quốc cùng tàu cảnh sát biển hộ tống đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Natuna, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Jakarta. Đây cũng là vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố yêu sách, do đó dẫn đến một cuộc đối đầu kéo dài cả tháng trời giữa hai nước. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng tham gia vào nhiều cuộc tập trận xung quanh Đài Loan từ tháng 01/2020. Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân cũng triển khai một nhiệm vụ ban đêm bất thường tại vùng biển phía tây nam Đài Loan vào ngày 16/3/2020. Sự gia tăng hoạt động quân sự chiến thuật này đi kèm với những luận điệu cứng rắn, đặc biệt kể từ sau khi Tổng thống Thái Anh Văn tái đắc cử ngày 11/01/2020.

Hơn nữa, vào tuần cuối tháng Ba, một tàu đánh cá Trung Quốc đã va chạm và gây thiệt hại cho một tàu khu trục Nhật Bản tại biển Hoa Đông. Cũng trong tuần đó, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam tại Biển Đông. Đây là những diễn biến bên lề các hoạt động “nghiên cứu và khảo sát” của tàu thăm dò Haiyang Dizhi 8 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Malaysia. Con tàu thăm dò này, tiến vào vùng EEZ của Malaysia với sự hộ tống của các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, đã đối đầu với một tàu thăm dò thăm dò dầu khí được thuê bởi Petronas, công ty năng lượng nhà nước của Malaysia.

Ngoài ra, Bộ Dân chính Trung Quốc trong một động thái gần đây đã phê duyệt việc thành lập các quận Tây Sa (Xisha) và Nam Sa (Nansha), là các phân khu của thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam. Tây Sa sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa và vùng biển xung quanh, trong khi Nam Sa sẽ phụ trách quần đảo Trường Sa và vùng biển lân cận. Trung Quốc sau đó đặt tên lại cho hơn 80 thực thể ở Biển Đông, một động thái nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực tranh chấp. Trước kia, Bắc Kinh đã có nước đi tương tự vào năm 1983 khi xác định 287 thực thể tại khu vực Biển Đông. Trong khi đó, nhóm đặc nhiệm tàu sân bay Liêu Ninh cũng đi qua các Biển Hoa Đông và Biển Đông, thực hiện các cuộc tập trận kéo dài một tháng trước khi trở về cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông.

Gần đây, Trung Quốc đã tham gia vào một vài cuộc xô xát với Ấn Độ tại nhiều điểm dọc Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control – LAC). Điều này đã dẫn đến một cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai quốc gia tại 3 điểm trên LAC: khu vực Thung lũng Galwan, hồ Pangong, và Demchok. Tình hình vẫn đang căng thẳng. Có lẽ, không chỉ là chủ nghĩa cơ hội hậu đại dịch, những sự kiện trên tuyến LAC liên quan nhiều hơn đến sự bất an gia tăng của Trung Quốc trước cơ sở hạ tầng biên giới được cải thiện của Ấn Độ tại những khu vực này. Một báo cáo gần đây trên một tờ báo Ấn Độ đã chỉ ra sự tăng đột biến số lần vi phạm của Trung Quốc dọc tuyến LAC so với cùng kỳ năm 2019.

Phần lớn các vi phạm này, đặc biệt kể từ khi COVID-19 bùng phát, cho thấy một mẫu hình rõ ràng về thái độ ngày một cứng rắn của Trung Quốc trong khu vực lân cận. Trung Quốc nhận thấy một thời cơ để khẳng định yêu sách của mình tại các khu vực tranh chấp tại vùng ngoại vi, đặc biệt là ở Biển Đông, khi Mỹ đang phải tập trung chống chọi với COVID-19 ở trong nước. Bên cạnh đó, tầm đảm bảo an ninh tại Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, vốn là biện pháp trấn an cho nhiều nước Đông và Đông Nam Á, đã tạm thời bị suy yếu vì một loạt các ca nhiễm COVID-19 tại các căn cứ quân sự và tàu hải quân tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Ví dụ, USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan, hai tàu sân bay Mỹ hiện đang ở Tây Thái Bình Dương, đã phải ngừng hoạt động vì các trường hợp nhiễm COVID-19 của thủy thủ đoàn. Trước một nước Mỹ suy yếu và mất tập trung, Trung Quốc tìm cách khai thác một cơ hội hiếm có để ép các quốc gia trong khu vực tuân theo mình thông qua các công cụ quân sự và dân sự trong khu vực.

Tư thế cứng rắn cũng giúp Trung Quốc củng cố tuyên truyền trong nước và khẳng định quan niệm rằng dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Ngoài ra, an ninh chế độ là tối quan trọng đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và thường xuyên được biểu hiện qua các chính sách đối ngoại và an ninh của đại lục. Những hành động gần đây trong khu vực lân cận cũng giúp Trung Quốc tạo một cảm nhận giả tạo về chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc nhằm kiểu soát tốt hơn làn sóng phản đối thất bại của ĐCSTQ trong xử lý dịch COVID-19 giai đoạn ban đầu.

Nhưng, như Abraham Denmark, Charles Edel và Siddharth Mohandas lập luận trên trang War on the Rock, hành vi hung hăng hậu đại dịch của Bắc Kinh không có gì mới. “Điều này nhất quán với phương châm của Tổng Bí thư Tập Cận Bình: linh hoạt, quyết đoán và quyết tâm khai thác điểm yếu của kẻ địch”. Tuy nhiên, khác với thời gian gần đây, Trung Quốc lần này đã đối đầu với toàn bộ các nước trong và ngoài khu vực cùng lúc ở Biển Hoa Đông và lẫn BiểnĐông. Bắc Kinh, trong bối cảnh bình thường, hay sử dụng công cụ dân sự như tàu cá vũ trang ở Biển Đông; các công cụ quân sự và ngoại giao với trường hợp Đài Loan để khẳng định các yêu sách chủ quyền. Nhưng lần này, Trung Quốc dùng đến cả ba công cụ – quân sự, dân sự và ngoại giao – để thúc đẩy yêu sách chủ quyền của mình tại các khu vực tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, khiến tư thế của họ trông hung hăng hơn hẳn.

Trong khi Trung Quốc đang cố tận dụng cơ hội để khẳng định chủ quyền ở khu vực lân cận, thì Mỹ, mặc dù đã bị yếu đi do các ca nhiễm tại các căn cứ và tàu quân sự, cũng tìm cách khai thác sự phẫn nộ trước tham vọng của Bắc Kinh. Nước này đã đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc bằng cách triển khai bốn chiến dịch tự do hàng hải (FONOPs) xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ tháng 01/2020. Đáp trả các hành động gần đây của Trung Quốc, Mỹ cho triển khai một tàu đổ bộ tấn công, tàu USS America, cùng một tàu tuần dương tên lửa, tàu Bunker Hill, tại các vùng biển tranh chấp của Malaysia. Một tàu khu trục Úc, HMAS Parramatta, và một tàu thứ ba của Mỹ, USS Barry, cũng tham gia cùng hai tàu chiến nói trên của Mỹ tại Biển Đông. Như M. Taylor Fravel lập luận trong bài viết mới nhất cho tờ Washington Post, cách tiếp cận này phản ánh tính liên tục trong hoạt động của Mỹ tại khu vực bất chấp đại dịch.

Ứng xử hậu đại dịch của Bắc Kinh cũng làm “xù lông” một vài chủ thể trong và ngoài khu vực Đông và Đông Nam Á. Trong một chỉ trích hiếm hoi, Philippines của Rodrigo Duterte đã lên án Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng những sự cố như vậy làm suy yếu tiềm năng xây dựng một mối quan hệ thật sự sâu sắc và đáng tin cậy giữa ASEAN và Trung Quốc. Cả Việt Nam và Malaysia, hai quốc gia bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, đã nhấn mạnh hành vi hung hăng của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã cố gắng thuyết phục các nước ASEAN cùng lên án sự hung hăng của Trung Quốc. Nhưng sẽ khó tưởng tượng các quốc gia này sẽ công khai chống lại Trung Quốc và theo đó cố gắng thay đổi trật tự khu vực.

Chỉ những nước đi leo thang căng thẳng từ Bắc Kinh – ví dụ như những hành động cố thay đổi nguyên trạng bằng cách chiếm các đảo mà Việt Nam hay Philippines đang nắm giữ, thiết lập các năng lực đổ bộ tại Biển Đông, hay tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông – mới có thể đẩy các quốc gia khu vực công khai cân bằng lạiTrung Quốc trong tương lai. Còn không, khả năng những sự kiện hiện tại tác động đến hiện trạng trật tự khu vực là rất thấp.

Vì vậy, Mỹ và các đồng minh cần hiểu rằng chủ nghĩa cơ hội của Trung Quốc trong khu vực không phải là một cách tiếp cận mới mà là sự tiếp tục chính sách cứng rắn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với sự bổ sung một vài yếu tố mới. Trật tự khu vực chỉ bị ảnh hưởng khi Bắc Kinh có bước đi leo thang, điều có vẻ ít khả năng xảy ra trong tương lai gần.

SuyashDesai là nhà phân tích về chính sách ngoại giao và quốc phòng Trung Quốc tại Viện Takshashila, Bangalore, Ấn Độ.

Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế

nghiencuuquocte.org/2020/06/05/giai-ma-chu-nghia-co-hoi-cua-trung-quoc-doi-voi-cac-nuoc-lang-gieng/

Bài liên quan:
  • Mỹ là đối tác tập trận chung ưa thích của các nước Đông Nam Á?
    Rahman Yaacob & Jack Sato
  • Hội Luận ngày 9/9/2023. Thượng đỉnh ASEAN: Chiến trường của Trung Cộng? Thượng đỉnh G20: Ấn-Trung tranh nhau ngôi vị lãnh đạo Global South?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 8/9/2023. Thượng đỉnh ASEAN: Đấu trường xung đột hủy diệt Mỹ-Trung? Sẽ chọn phe?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 22/7/2023. Diễn Đàn Khu Vực ASEAN: Căng thẳng, bất đồng gia tăng? Ngoại trưởng Tần Cương đang ở đâu? Qui tắc Ứng Xử Biển Đông sớm hoàn tất?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Tại sao Trung Quốc nên lo lắng về phản ứng của châu Á đối với AUKUS?
    Derek Grossman