Trọng Việt
09/2020
Half the truth is often a whole lie.
Benjamin Franklin
Một nửa của sự thật thì thường là toàn dối trá.
Benjamin Franklin
Trong thời đại ngày nay, các biến cố xảy ra dồn dập và tin tức được loan truyền đi khắp nơi vô cùng nhanh chóng. Số lượng tin khổng lồ mỗi ngày, đến từ đủ mọi loại nguồn, qua đủ các phương tiện từ cổ điển và quen thuộc như báo chí, truyền thanh, truyền hình cho đến dụng cụ kỹ thuật số như máy tính điện tử, điện thoại thông minh khiến người dân bị choáng ngợp.
Trong số các tin tức này, có những tin trung thực, khả tín nhưng cũng có những tin “vịt”, tin giả (fake news); có những mẩu tin quan trọng đáng lưu ý nhưng cũng có những tin vô bổ, tin “lá cải”; có những tin thính hợp với người này nhưng lại gây phản cảm với kẻ khác; có những tin được nhóm này tán thưởng thì lại bị nhóm khác phản đối. Trong hoàn cảnh này, một người dân bình thường chắc chắn sẽ cảm thấy bối rối, giống như bị lạc vào một khu rừng rậm khó tìm lối ra; không biết tin vào ai; khó phân định được đúng sai. Tất cả như quay cuồng trong một thế giới đảo điên, hỗn độn.
Ngoài ra, trong bối cảnh chính trị tại Hoa Kỳ ngày nay, khi sự phân cực trong cộng đồng xã hội ngày càng gay gắt khiến vai trò của truyền thông càng vô cùng quan trọng. Truyền thông một mặt có thể giúp người dân nắm bắt tình hình bằng những tin tức trung thực, khách quan vô tư, nhưng mặt khác cũng có thể gây ra thêm phân hóa, đào sâu rộng hơn những hận thù, chia rẽ trong xã hội.
Vào tháng 3 năm 2017, dân biểu liên bang Adam Schiff, đảng Dân Chủ, chủ tịch Ủy ban Tình Báo Hạ Viện Hoa Kỳ đã khẳng định trên đài truyền hình quốc gia MSNBC rằng ông ta có trong tay đầy đủ bằng chứng rất hiển nhiên về sự “thông đồng giữa Tổng Thống Trump và nước Nga” (Russia-Trump collusion). Việc đưa ra tuyên bố này được thực hiện trước khi có cuộc điều tra của Công Tố Viên Độc Lập Robert Mueller cũng để điều tra, xem xét hồ sơ “thông đồng” này. Cuộc điều tra của Mueller bắt đầu vào ngày 17 tháng 5 năm 2017.
Được mẩu tin “động trời” này như bắt được vàng, đúng là một tin hết sức “giật gân” và có giá trị “câu view” rất lớn nên các đài truyền hình quốc gia CBS, CNN, ABC, NBC, MSNBC và các đài địa phương đua nhau chạy tít. Adam Schiff được mời phỏng vấn liên tục, thậm chí cả trong các chương trình truyền hình “Hài buổi tối” (Nightlight show). Các bình luận gia của các đài “dòng chính” này thay phiên nhau bàn tán không ngớt trên tuyền hình, trên mặt báo trong nhiều tháng. Thậm chí, họ còn bàn rộng thêm xem những hệ lụy của sự “thông đồng” này, mức độ vi phạm pháp luật đến đâu, “tội lỗi” này của ông Trump nghiêm trọng đến mức nào, liệu có thêm yếu tố để đàn hặc tổng thống chăng, hành vi “thông đồng” này gây nguy hại cho nền dân chủ ra sao ..v..v..
Cáo buộc của Adam Schiff được nhắc đi nhắc lại, bởi các cơ quan truyền thông “dòng chính” CNN, NBC, ABC, CBS, MSNBC ..v..v.., ngày này sang ngày khác, khiến khẳng định của Schiff dần dần trở thành .. “sự thật không thể chối cãi được.” Thật đáng buồn vì quần chúng Hoa Kỳ có lẽ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Cuộc điều tra của Công Tố Viên Độc Lập kết thúc vào ngày 22 tháng 3 năm 2019, sau 2 năm dài làm việc. Hai ngày sau, bản tóm tắt báo cáo dài 44 trang của Bộ Trưởng Tư Pháp được gửi sang quốc hội. Kết quả là Robert Mueller đã không tìm thấy bất cứ một chứng cớ nào cho thấy có sự thông đồng giữa Tổng Thống Trump và nước Nga. Sự thật đã sáng tỏ!
Điều mà Adam Schiff đã khẳng định trước đây là hoàn toàn dối trá, bịa đặt và đây là một hành vi vu cáo trắng trợn.
Chưa nói đến ở đây là nỗi hàm oan và những tổn thương mà Tổng Thống Trump đã phải gánh chịu vì bị đánh phá trong suốt thời gian qua, với tư cách là những người làm truyền thông, các ông các bà bình luận gia, các bỉnh bút, các ban biên tập (editorial board), các ký giả của các đài CNN, ABC, MSNBC, CBS, CNBC đã làm gì khi biết mình đã loan và khai thác tin giả, “fake news”? Với lương tâm và đạo đức chức nghiệp (professional ethics) trong việc đi tìm sự thật, họ có tìm gặp lại dân biểu Schiff để điều tra cho ra lẽ? Nếu còn một chút liêm sỉ, khi thấy mình sai, họ có một lời xin lỗi TT Trump?
Câu trả lời là Không!
Tại sao giới truyền thông của Hoa Kỳ lại tha hóa đến mức này? Đệ Tứ Quyền của quốc gia này lại có thể biến chất đến như vậy hay sao?
Những đức tính căn bản của những người làm truyền thông như vô tư, khách quan, độc lập, không thiên kiến (unbiased), trung thực, và đa chiều có còn là tiêu chuẩn không? Sự thật có còn là mục tiêu tối thượng cho người làm truyền thông?
Ta sẽ tìm hiểu tiếp những yếu tố đã ảnh hưởng đến sự biến chất của ngành truyền thông tại Hoa kỳ.
Hệ tư tưởng: Tả khuynh, cấp tiến.
Để bảo đảm được sự công bằng, vô tư, người dân bình thường sẽ trông chờ ở các cơ quan truyền thông một thái độ khách quan và một chỗ đứng trung dung (centrist) khi hành nghề. Dĩ nhiên, trong sinh hoạt chính trị quốc gia, bất kỳ ai cũng có thể chọn cho mình một đảng chính trị để theo và ủng hộ khi thấy đường lối, sách lược (kinh tế, chính trị, ngoại giao ..v..v..) của đảng này phù hợp với quan niệm và nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, khi loan tải tin tức, hành nghề truyền thông, họ cần phải giữ được sự khách quan, không thiên kiến, có nghĩa là họ không thể ngả theo cấp tiến, tả khuynh phóng túng (liberal, progressive, left-wing) như đảng Dân Chủ, cũng như không thể nghiêng về phía bảo thủ và hữu khuynh (conservative, natural law, right-wing) như đảng Cộng Hòa.
Thực tế là tính công bằng, không thiên vị và trung dung đó đã không còn.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện bởi hai đại học Arizona State University và Texas A&M University trên những người làm truyền thông, ký giả tại Hoa Kỳ thì có 58.47% là thuộc thành phần cấp tiến, tả khuynh, thiên về chủ nghĩa xã hội (với 17.63% là cực tả), 37.12% là thành phần trung dung. Hậu quả là phần đông các ký giả viết tường thuật về các ứng cử viên và cuộc bầu cử năm 2018 đã cố gắng giúp các ứng cử viên của đảng Dân Chủ, 45% cử tri nghĩ như vậy theo báo cáo thăm dò trước ngày bỏ phiếu của Rasmussen.
Cũng theo nhận xét của Peter Lucas trên báo Boston Herald, số ra ngày 3 tháng 6 năm 2020, vì giới truyền thông thù ghét Tổng Thống Trump lúc này, cũng giống như các thế hệ truyền thông trước đây thù ghét chiến tranh Việt Nam, họ đã tường thuật tin tức với đầy rẫy thiên kiến và dối trá. Cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân năm 1968 là một thất bại to lớn của CS Bắc Việt và là một chiến thắng của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa nhưng dưới cái nhìn của truyền thông Mỹ, thì đó là một thất bại của Hoa Kỳ. Tương tự, những thành tựu đáng kể của Tổng Thống Trump (kinh tế tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm ..v..v..) đều không được nhắc đến và ngược lại, mọi chuyện xấu xảy ra trên nước Mỹ đều là lỗi của ông Trump.
Điển hình là khi Tổng Thống Trump không đeo khẩu trang trong cuộc họp báo, giới truyền thông tả khuynh đả kích mạnh mẽ và cho rằng ông đã đi ngược lại với những khuyến dụ của giới chuyên gia y tế. Nhưng đến khi ông Trump đeo khẩu trang thì họ lại nói rằng đó là chỉ dấu của sự thất bại trong việc chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán của tòa Bạch Ốc.
Biểu đồ dưới đây cho thấy tuyệt đại đa số các cơ quan truyền thông dòng chính (mainstream) của Hoa Kỳ là khuynh tả cấp tiến, theo xã hội chủ nghĩa (liberal). Chỉ có FOX News là bảo thủ hữu khuynh (Conservative).
Chính trị hóa.
Do khuynh hướng cấp tiến, tả khuynh có sẵn trong tư tưởng, người làm truyền thông sẽ dễ dàng ngả theo đảng phái có cùng một khuynh hướng chính trị với mình ngoài xã hội. Tại Hoa Kỳ thì đó là đảng Dân Chủ cấp tiến, tả khuynh, theo hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là lý do để giải thích là trong cuộc bầu cử năm 2016, có hơn 240 Ban Biên Tập (editorial board) của các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ ủng hộ cho ứng cử viên Hillary Clinton và chỉ có 19 Ban BiênTập ủng hộ cho Donald Trump.
Vì vậy, giới truyền thông dòng chính tả khuynh ủng hộ, cổ võ, vận động cho đảng Dân Chủ với chủ trương xã hội chủ nghĩa và chống lại Tổng Thống Trump là điều hiển nhiên.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, thuộc đảng Dân Chủ, nổi tiếng vì những đề nghị cải cách hoang tưởng đã từng nhiều lần tự xưng là người theo chủ nghĩa xã hội.
Không khách quan, đầy thiên kiến (bias).
Một nghiên cứu của Trung Tâm Shorenstein về Truyền Thông, Chính Trị và Chính Sách Công Cộng (The Shoreinstein Center on Media, Politics and Public Policy) thuộc đại học Harvard phân tích các tường thuật về Tổng thống Trump trong 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức của 10 đài truyền hình và báo chí lớn nhất của Mỹ cho thấy 98% các tường thuật đều với luận điệu tiêu cực và thù nghịch.
Một ví dụ khác là sau khi bão Harvey đổ xuống Houston, đài truyền hình MSNBC đã gay gắt chỉ trích Tổng Thống Trump đã đến thị sát thành phố quá … sớm! (Và cũng MSNBC đã lại đả kích Tổng Thống Bush đã đến thăm New Orleans sau trận bão Katrina quá … trễ!). Tệ hơn nữa, họ còn “lên lớp” Đệ Nhất Phu Nhân Melania vì bà đi giầy .. cao gót khi đến Houston, mặc dù bà đã thay giầy thường trước khi ra hiện trường.
Theo nhà báo lão thành Bernard Goldberg, trước đây đối với một ký giả khi loan tin, có một lằn ranh giữa việc loan tin, cung cấp dữ kiện trung thực và việc bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng của mình. Việc trình bày ý kiến của mình cần giới hạn để tránh bớt ảnh hưởng đến khán giả hay độc giả bởi lẽ chính độc giả mới là người rút ra nhận định sau cùng.
Nhưng ngày nay, việc công khai bày tỏ thiên kiến (bias) trở nên tự nhiên, không cần che đậy, theo Kimberley Strassel, tác giả cuốn sách “Resistance (at All Costs)”(Chống đối bằng mọi giá) xuất bản năm 2019. Bà cho biết thêm là trong “Thời đại Trump”, các hãng truyền thông được gọi là dòng chính đều tham gia vào chiến dịch “Chống đối” (The Resistance) để chống lại Tổng Thống Trump. Điều tệ hại nhất là họ cảm thấy không “có vấn đề”, “lương tâm rất yên ổn” khi làm việc này.
Đây quả là một điều rất nguy hiểm cùng với những tác hại lâu dài trong ngành truyền thông vì sự thật chỉ còn là mục tiêu mờ nhạt của họ.
Sự tín nhiệm của người dân.
Người dân Hoa Kỳ cũng nhận thức rất rõ sự xuống dốc và phá sản đạo đức nghề nghiệp của ngành truyền thông. Theo báo cáo của viện Gallup và The Knight Foundation khi thăm dò 20.000 người Mỹ trong năm 2020 cho thấy người dân bi quan hơn bao giờ hết khi thấy tính khách quan đã bị thui chột và các cơ quan đều có những mưu đồ nghị sự riêng. Có 49% cho là truyền thông đều có thiên kiến (bias) và 75% cho là chủ nhân của hãng tin đã ảnh hưởng lên việc loan tin; 54% cho là các ký giả đã cố tình làm sai lạc, bóp méo dữ kiện; và 28% cho là ký giả đã hoàn toàn bịa ra tin (fake news).
Uy tín và sự tin tưởng của người dân vào giới truyền thông dòng chính đã xuống thật thấp và chỉ còn 41% như biểu đồ dưới đây:
Người dân khi ý thức được sự tệ hại, thiên kiến, bất công của giới truyền thông tả khuynh nói chung, họ cũng đã tìm hiểu, cân nhắc và lựa chọn. Biểu đồ dưới đây cho thấy FOX News dẫn đầu số người xem:
CNN là một đài truyền hình nổi tiếng với thành tích chống Tổng Thống Trump bền bỉ nhất và thống kê dưới đây cho thấy sự lựa chọn của người dân. Số khán giả xem CNN đã đi xuống một cách thảm hại.
Ngoài ra, 84% người dân Hoa Kỳ cho rằng giới truyền thông phải chịu trách nhiệm rất lớn trong việc gây ra sự phân hóa chính trị của quốc gia do sự thiếu vô tư, bất công và không trung thực.
Thật vậy, giới truyền thông tả khuynh cấp tiến đã rời bỏ những tiêu chuẩn của ngành truyền thông đúng nghĩa, đã vùi Đệ Tứ Quyền xuống bùn nhơ, và đã góp phần không nhỏ làm suy yếu nền dân chủ pháp trị cao đẹp của quốc gia Hoa Kỳ này.
Kết luận.
Trước thực trạng đáng buồn của giới truyền thông Hoa Kỳ hiện nay, người dân Mỹ nói chung và người Việt nói riêng, cũng đã trưởng thành hơn, và thận trọng hơn. Chúng ta biết tìm hiểu khuynh hướng tư tưởng, chính trị của các hãng tin; biết điều tra nguồn tin và biết phối kiểm; biết tìm đến với nhau để trao đổi chia sẻ, và biết giúp nhau tìm ra sự thật, chân lý.
Sau cùng, lương tâm và các giá trị vĩnh cửu chính là những thước đo vô giá giúp chúng ta phân định được phải-trái, đúng-sai, tốt-xấu trong cơn hỏa mù hỗn độn hôm nay, đồng thời cũng giúp ta mạnh dạn góp phần cải tạo xã hội nhân ái, an hòa tốt đẹp hơn.
Mùa Hè 2020