Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng/Ủy viên Quốc vụ viện TQ Vương Nghị tại cuộc họp báo ở Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, ngày 23/5/2018. (AP Photo/Andrew Harnik)

VOA: Hoài Hương
11/09/2020

Các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tuột dốc xuống mức thấp nhất trong lịch sử, và hồi gần đây hai nước liên tục có hành động trả đũa lẫn nhau đi kèm với những lời tố cáo ngày càng nặng nề và ‘kém ngoại giao’ hơn. Biện pháp mới nhất khi chúng tôi thu thập thông tin cho bài viết này là khi Mỹ thu hồi visa của hơn 1000 công dân Trung Quốc để cấm cửa một số sinh viên hậu đại học hay nhà nghiên cứu bị Washington cho là “một mối đe dọa an ninh”. Động thái này lập tức bị Bắc Kinh phản bác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả hành động của Mỹ là ‘một hành động đàn áp chính trị trắng trợn, có tính cách kỳ thị sắc tộc và nghiêm trọng vi phạm quyền làm người”. Trong cuộc họp báo hàng ngày, người phát ngôn Triệu Lập Kiên không quên hăm dọa nước ông sẽ có biện pháp trả đũa.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam chủ trì các phiên họp ASEAN trực tuyến, dẫn tới Diễn đàn An ninh Khu vực vào ngày thứ Bảy sắp tới sẽ có sự tham dự của Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng leo thang các cuộc tấn công, mỗi bên đổ lỗi cho bên kia là ‘kẻ bắt nạt’ hoặc ‘đe dọa hòa bình’ trong Biển Đông.

Bắc Kinh tố cáo Mỹ là “mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình ở Biển Đông”

Vietnam ASEAN - Ngoại trưởng Trung quốc Vương Nghị phát biểu tại buổi họp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN hôm thứ Tư 9/9/2020. Ảnh chụp từ video do VTV cung cấp,
Vietnam ASEAN – Ngoại trưởng Trung quốc Vương Nghị phát biểu tại buổi họp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN hôm thứ Tư 9/9/2020. Ảnh chụp từ video do VTV cung cấp.

Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ mới là nước lớn nhất kích động quân sự hóa trong ‘Biển Nam Trung Hoa’ (Biển Đông), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra phát biểu này tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á hôm 10/9.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á quy tụ 10 nước thành viên ASEAN, cộng với Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn quốc và Hoa Kỳ.

Ông Vương nói Trung Quốc chỉ mong muốn “hòa bình và ổn định trong Biển Nam Trung Hoa”, và tố cáo Hoa Kỳ là “tạo ra căng thẳng để hưởng lợi”.

Ông nói Hoa Kỳ đã can thiệp vào các nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN để giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, và khiêu khích các nước trong khu vực đối đầu với nhau.

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương Nghị nói hôm 10/9:

“Hoa Kỳ đã trở thành yếu tố nguy hiểm nhất phương hại tới hòa bình trong Biển Nam Trung Hoa. Hòa bình và ổn định là lợi ích chiến lược lớn nhất của Trung Quốc trong Biển Nam Trung Hoa”.

Ông Vương nói thêm rằng đó cũng là khát vọng chiến lược chung của Trung Quốc và các nước ASEAN.

“Trung Quốc hy vọng rằng các nước ngoài khu vực, kể cả Hoa Kỳ, sẽ tôn trọng hoàn toàn nguyện vọng và trông đợi của các nước trong khu vực, thay vì tạo ra căng thẳng và tìm cách hưởng lợi từ đó”.

Ngoại trưởng Trung Quốc viện ra 3 lý do để phản bác lại những lời tố cáo ‘vô căn cứ’ của Mỹ về vấn đề Biển Đông:

  1. Trung Quốc có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để tuyên bố chủ quyền trên các đảo trong Biển Đông.
  2. Trung Quốc luôn luôn tuân thủ chính sách ‘láng giềng tốt’ và cam kết sẽ đóng vai trò xây dụng trong vấn đề Biển Đông.
  3. Trung Quốc luôn luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Quốc tế về Luật Biển.

Ông Vương Nghị còn nói thêm rằng Thượng đỉnh Đông Á là một diễn đàn chiến lược do các nhà lãnh đạo của tất cả các nước tham gia điều hành. Hội nghị này không phải là nơi để “can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước khác”, càng “không phải là một diễn đàn để tấn công hệ thống chính trị của các nước khác”.

Vẫn theo Tân Hoa Xã, ông Vương Nghị nói nhiệm vụ cấp bách nhất của thượng đỉnh Đông Á là tìm ra một giải pháp tương nhượng trong cuộc đấu tranh chống đại dịch Covid-19, và cổ vũ cho hợp tác để hồi sinh kinh tế, duy trì hòa bình và ổn định khu vực để phát triển. Ông kêu gọi phát động các biện pháp mới để hồi phục kinh tế và giúp vùng Đông Á trở thành một nguồn phát triển cho kinh tế thế giới trong giai đoạn ‘hậu đại dịch’.

Mỹ: Trung Quốc là kẻ bắt nạt

Trước khi hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khai mạc hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tố cáo Đảng Cộng sản Trung Quốc là “rõ rệt và ngày càng hung hăng hơn trong việc bắt nạt các nước láng giềng”.

Phát biểu hôm 10/9, ông Pompeo kêu gọi các nước ASEAN ‘hãy hành động thay vì chỉ nói suông’ chống lại các hành động bắt nạt của Trung Quốc trong Biển Đông, và ông hứa Hoa Kỳ sẽ hậu thuẫn họ.

Vietnam ASEAN- Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng các nước ASEAN hôm thứ Năm, 10/9/2020. Ảnh chụp từ màn hình do VTV cung cấp
Vietnam ASEAN- Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng các nước ASEAN hôm thứ Năm, 10/9/2020. Ảnh chụp từ màn hình do VTV cung cấp

Ông kêu gọi các nước “đừng để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm, mà phải tái xét lại các thỏa thuận thương mại với các công ty quốc doanh Trung Quốc.

“Đừng nói suông mà phải hành động, hãy xét lại các thỏa thuận với các công ty của chính nhà nước đã bắt nạt các nước ven biển của ASEAN trong Biển Đông. Đừng để Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt nạt chúng ta và nhân dân của chúng ta.”

Lên tiếng tại diễn đàn này, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi chia sẻ nỗi quan ngại sâu sắc với các nước thành viên ASEAN về các nỗ lực tiếp tục nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, nói rằng các cuộc tranh chấp đó cần được giải quyết qua tham vấn.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra thông cáo báo chí, dẫn lời ông Motegi bày tỏ quan tâm về tình hình ở Hong Kong, giữa lúc Trung Quốc đang siết chặt kềm kẹp vùng đặc khu từng là thuộc địa của Anh bằng đạo luật an ninh quốc gia, mà cộng đồng quốc tế lên án là làm xói mòn các quyền và quyền tự do của Hong Kong.

Trung Quốc: hành động không đi đôi với lời nói

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông bằng cách xây dựng các bãi cạn, bãi đá thành căn cứ quân sự đầy đủ với đường băng và bến cảng.

Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, phán rằng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh là ‘không có cơ sở pháp lý’.

Hồi tháng Bảy năm nay, Hoa Kỳ siết chặt chính sách của Mỹ về Biển Đông, cho rằng các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên trên khắp Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp.”

‘Chiến thuật vùng xám’

Tờ Washington Times hôm 10/9 dẫn lời một chuyên gia của Học viện Quốc phòng Mỹ nói rằng Quân đội Nhân dân Trung Quốc đang leo thang các hành động khiêu khích quân sự ở Châu Á trong khuôn khổ một chiến lược nhằm phóng xa sức mạnh và ảnh hưởng trên khắp khu vực.

Chuyên gia Joel Wuthnow nói rằng các hành động hiếu chiến của Trung Quốc, đẩy mạnh “chiến thuật vùng xám” nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền bằng các hoạt động có chủ đích nhằm “lách luật” quốc tế để tránh bị lên án, trong khi tìm cách hiện thực hoá yêu sách đường lưỡi bò để có thể chiếm trọn tài nguyên trong Biển Đông.

‘Chiến thuật vùng xám’ này, theo ông Wuthnow, còn được áp dụng trong các vùng biển gần Đài Loan và Nhật Bản.

Phát biểu tại một cuộc điều trần trước ủy ban quốc hội về Trung Quốc hôm 9/9, chuyên gia của Học viện Quốc phòng Mỹ nói Bắc Kinh đã phối hợp sử dụng ngoại giao với các hành động khiêu khích trong khu vực. Nhưng các hoạt động quân sự gần như che lấp chiến dịch ngoại giao.

Trên Biển Đông, lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc, hải cảnh và hải quân đã thực hiện một số hoạt động khiêu khích, hăm dọa các hoạt động dò tìm dầu khí của các nước láng giềng, kể cả Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Vị thế của ASEAN

ASEAN không muốn về phe bên nào trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc tiếp tục tăng cao, đặc biệt là trong thời gian dẫn tới các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới.

Trong một tuyên bố chung công bố vào đêm thứ Năm, các nước thành viên ASEAN nói đã có tiến bộ trong các cuộc đàm phán để soạn một bộ Quy tắc ứng xử trong Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, UNCLOS.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh hoan nghênh vai trò của Hoa Kỳ trong việc hậu thuẫn cho ước vọng hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải.

Nguồn: VOA Tiếng Việt
voatiengviet.com/a/asean-2020-hoa-ky-trung-quoc-va-tranh-chap-bien-dong/5579718.html

Bài liên quan:
  • Mỹ là đối tác tập trận chung ưa thích của các nước Đông Nam Á?
    Rahman Yaacob & Jack Sato
  • Hội Luận ngày 9/9/2023. Thượng đỉnh ASEAN: Chiến trường của Trung Cộng? Thượng đỉnh G20: Ấn-Trung tranh nhau ngôi vị lãnh đạo Global South?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 8/9/2023. Thượng đỉnh ASEAN: Đấu trường xung đột hủy diệt Mỹ-Trung? Sẽ chọn phe?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 22/7/2023. Diễn Đàn Khu Vực ASEAN: Căng thẳng, bất đồng gia tăng? Ngoại trưởng Tần Cương đang ở đâu? Qui tắc Ứng Xử Biển Đông sớm hoàn tất?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Tại sao Trung Quốc nên lo lắng về phản ứng của châu Á đối với AUKUS?
    Derek Grossman