GS Đàm Trung Pháp
THE OLD MAN AND THE SEA
ERNEST HEMINGWAY
Sinh năm 1899 tại Illinois, Ernest Hemingway được coi là một trong các nhà văn lỗi lạc nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ XX, và được thế giới biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm A Farewell to Arms và The Old Man and the Sea. Ông tự kết liễu đời mình năm 1961 ngay trước cửa nhà tại Idaho. Dùng một khẩu súng săn chim muông hai nòng, Hemingway tự bắn vào trán óc văng tung tóe, sau những năm mải mê – ngoài lãnh vực văn chương ra – với chiến trận, săn bắn dã thú, câu cá ngoài biển cả, toàn là những hoạt động hiểm nguy đầy nam tính và thách thức cuộc đời. Văn phong ngắn gọn và trong sáng của ông đã ảnh hưởng lớn lao đến lối viết của nhiều nhà văn Hoa Kỳ và Anh Quốc trong thời đại ông. Lối viết đó thường chỉ sử dụng các câu đơn giản với ít mệnh đề, tránh xa các câu phức tạp dài lòng thòng với nhiều mệnh đề. Các câu ấy sử dụng danh từ và động từ nhiều hơn các tính từ và trạng từ có mục đích làm huê dạng câu văn; chúng cũng ít khi biểu lộ cảm tính. Đây là một thí dụ trích từ tác phẩm này của Hemingway: “Every day is a new day. It is better to be lucky. But I would rather be exact. Then when luck comes you are ready.” Lối viết độc đáo này phản ánh trung thành cái Iceberg Theory (Lý Thuyết Băng Đảo) của chính Hemingway. Theo đó phần đỉnh băng đảo trên mặt nước là nơi chứa đựng văn viết sơ sài không trang điểm với nhiều yếu tố tác giả “cố tình bỏ lửng” và phần đáy băng đảo chìm dưới nước là nơi người đọc tự tìm ra hàm ý của những yếu tố đã bị tác giả khéo léo “bỏ lửng” ở bên trên. Kiệt tác The Old Man and the Sea cũnglà sự đóng góp sau cùng và đáng kể nhất của Hemingway vào nền văn học Hoa Kỳ nói riêng và văn học thế giới nói chung.
Nội dung của tuyệt tác chỉ là câu chuyện giản dị về một ngư phủ già (mang tên Santiago) sau gần 3 tháng không may mắn ngoài biển thì câu được một con cá khổng lồ. Con cá chống cự mãnh liệt trong suốt 3 ngày và đêm, kéo thuyền của Santiago ra tuốt ngoài khơi Cuba. Sau nhiều hiểm nguy và thương tích đầy người, Santiago không bỏ cuộc, để rồi cuối cùng đã giết con cá bằng cách dùng cây lao dài đầu nhọn (harpoon) đâm vào tim nó. Cột chặt con cá vào sườn thuyền, ông già dương buồm để vào bờ. Nhưng máu con cá hòa trong nước biển đã lôi cuốn một bầy cá mập bơi tới, tranh nhau xỉa hết thịt nó. Con cá mập nguy hiểm nhất cũng bị Santiago đâm chết. Ông cụ buồn bã trở về cùng với bộ xương con cá còn cột vào sườn chiếc thuyền, rồi nằm ngủ một giấc dài mơ thấy nhiều cảnh hạnh phúc. Nhiều người coi tiểu thuyết sơ sài này, viết theo “lý thuyết băng đảo,” là một tập hợp các ngụ ngôn và chuyên chở nhiều ẩn dụ cho tôn giáo cũng như cho đời thường. Ta thấy về tôn giáo thì Santiago là ẩn dụ rõ rệt cho Đấng Cứu Thế – ba ngày vật vã ngoài biển khơi với con cá lớn hơn cả chiếc thuyền của mình nhắc ta đến ba ngày mà Ngài bị đóng đinh và chết trên một thánh giá để chuộc tội cho nhân loại. Con cá mắc mồi câu của Santiago hàm ý những nét quý phái, mạnh mẽ, đáng nể phục. Bầy cá mập rõ là hiện thân của phá hoại, của ma quỷ. Và Santiago một mình trong chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé cũ kỹ giữa biển cả cho thấy vị thế quá mong manh (vulnerable) của con người trong thiên nhiên vô tận.For Whom the Bell Tolls được xuất bản năm 1940, tức là hơn một thập kỷ trước khi The Old Man and the Seaxuất hiện năm 1952. Trong khoảng thời gian 12 năm im lặng giữa hai tuyệt tác, Hemingway bị văn giới coi như đã “hết thời” – một điều làm ông khó chịu vô cùng. Nhưng thành công rực rỡ của The Old Man and the Sea đã “giải tỏa” được hết nỗi niềm bực tức bấy lâu cho ông. William Faulkner (1897-1962, khôi nguyên Nobel văn chương 1949) rất ngưỡng mộ The Old Man and the Sea với nhận định rằng đã từ lâu Hemingway thường cho các nhân vật trong tiểu thuyết tự tạo ra mình, được hay thua là nằm trong bàn tay của mình để xem ai là nhân vật “chì” (tough) nhất trong đám. Nhưng nay Hemingway đã khám phá ra Ơn Trên mới là thẩm quyền tạo ra mọi sự, và đã biết đến lòng thương xót (pity) – như khi viết một cách thành tâm về nỗi buồn của ông già Santiago đã mất con cá lớn (đáng giá một lợi nhuận to) vào bụng lũ cá mập dữ dằn.
Ông già Santiago trong truyện được Hemingway mô tả dựa vào nhân dạng thật của Gregorio Fuentes – thân mình khắc khổ gầy còm với khuôn mặt phong sương – là người bạn chí thân thường đi câu cá lớn trên biển cả với tác giả. Con cá khổng lồ Santiago “câu” được tên tiếng Anh là Atlantic blue marlin là một trong những loại cá lớn nhất ở đai dương, có thể dài đến 14 feet và nặng đến 2 ngàn pounds. Con cá mập dữ dằn đáng sợ đã bị Santiago đâm chết tên tiếng Anh là mako shark. Loại cá mập này bơi nhanh nhất và uyển chuyển đến nỗi có thể nhảy vào thuyền để tấn công ngư phủ. Chúng cũng đã sát hại nhiều người, ngang ngửa với loại cá mập great white sharks, thường được coi như là bá chủ đại dương.
Nguyệt san LIFE tháng 9 năm 1952 có trích đăng một đoạn của The Old Man and the Sea và chỉ trong có 2 ngày thôi mà tất cả 5 triệu cuốn nguyệt san ấy đã bán hết sạch! Giới phê bình ca ngợi cuốn tiểu thuyết ấy lên đến trời xanh. Nó cũng là lý do chính để Hemingway được giải Nobel văn chương 1954 với lời giải thích súc tích và chính xác của ban tuyển chọn giải Nobel đầy uy tín: “Giải Nobel văn chương 1954 được trao cho Ernest Hemingway căn cứ vào khả năng viết văn kiệt xuất, như mới đây đã chứng tỏ trong The Old Man and the Sea và vào ảnh hưởng của ông đến văn phong thời đại.” Và ngay năm sau đó nó cũng đã được giới thiệu qua nghệ thuật điện ảnh, với tài tử Spencer Tracy thủ vai ngư ông Santiago một cách xuất sắc.
___________________________
DEMAIN, DÈS L’AUBE
Victor Hugo
Tuyển tập LES CONTEMPLATIONS (Chiêu Niệm) của VICTOR HUGO (1802-1885) chứa đựng 158 bài thơ ghi lại các kỷ niệm của ông về những chuyện vui buồn trong đời sống thường nhật, gồm cả nỗi đớn đau khôn lường do cái chết mang lại. Tất cả được thi hào sáng tác trong khoảng thời gian từ 1830 đến 1855 và cho xuất bản năm 1856. Trong số những bài ghi lại nỗi đớn đau vì tử biệt trong Les Contemplations, vô số độc giả trong cũng như ngoài nước Pháp đã coi bài DEMAIN, DÈS L’AUBE (Ngày mai, từ lúc rạng đông) như một tuyệt tác mà có người đã học thuộc lòng ngay sau lần đọc đầu tiên. Victor Hugo viết bài ấy trong dịp tưởng niệm hàng năm lần thứ tư sự qua đời quá sớm của cô con gái đầu lòng LÉOPOLDINE. Tuyệt tác chỉ gồm 12 dòng thơ chia làm 3 đoạn (strophes) giản dị trong sáng nhưng đậm nét sầu thương dùng để dựng lên trong tâm trí thi hào một chuyến sắp đi thăm mộ cô con gái thương yêu nhất của ông.
Mời quý độc giả xem bản dịch bài thơ Demain, dès l’aube sang tiếng Việt của tôi, với kỳ vọng nó “đã không làm mất đi” ý nghĩa nguyên thủy một tuyệt tác lẫy lừng của vị đệ nhất thi hào Pháp Quốc. Để tiện việc so sánh và lưu trữ làm tài liệu, nguyên tác tiếng Pháp xuất hiện ngay dưới bản dịch. Khi làm công việc “liều lĩnh” này, tôi biết mình “có cơ nguy” bị lên án là dám “phản bội” một tuyệt tác, như lời cảnh cáo chí lý từ lâu của dân tộc Pháp – traduire, c’est trahir. Vì thế, nếu có điều gì thất thố làm phiền lòng bạn đọc, tôi xin được miễn chấp trước.
Ngày mai, lúc rạng đông, khi vùng quê bừng sáng,
Cha sẽ lên đường. Con ơi, cha biết con nóng lòng chờ đợi.
Cha sẽ đi qua rừng, cha sẽ đi qua núi.
Cha không thể nào lâu hơn nữa ở xa con.
* * *
Cha sẽ bước đi, mắt chìm sâu trong suy nghĩ,
Không nhìn quanh, chẳng nghe động tĩnh chi,
Cô đơn, lạc lõng, lưng khòm tay chắp,
Lòng sầu đau, ngày với cha sẽ tối như đêm.
* * *
Cha sẽ không ngắm ánh chiều vàng rơi xuống,
Cũng như cánh buồm xa thẳm hướng Harfleur.
Và khi tới cha sẽ đặt cho con trên mộ,
Chùm ô rô xanh lá và thạch thảo trổ hoa.
Demain, dès l’aube, à l’heure où blanchit la campagne
Je partirai. Vois-tu, je sais que tu m’attends.
J’irai par la forêt, j’irai par la montagne
Je ne puis demeurer loin de toi plus longtemps.
* * *
Je marcherai, les yeux fixés sur mes pensées,
Sans rien voir au dehors, sans entendre aucun bruit,
Seul, inconnu, le dos courbé, les mains croisées,
Triste, et le jour pour moi sera comme la nuit
* * *
Je ne regarderai ni l’or du soir qui tombe
Ni les voiles au loin descendant vers Harfleur
Et quand j’arriverai, je mettrai sur ta tombe
Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur.
Bài thơ dẫn người đọc đi xuyên qua miền đồng quê vùng Normandie phía tây bắc nước Pháp, nhưng tác giả chưa cho biết chuyến đi sẽ dẫn tới nơi nào. Rồi lần lượt người đọc thấy tác giả thì thầm những lời âu yếm với một người nào đó đang chờ mong ông, tiếp theo là một hình ảnh đăm chiêu của ông với lưng khom và đôi tay khoanh trước ngực như đang cầu nguyện một điều gì trên đường đi hành hương đến một nơi nào chưa rõ. Qua nguyên tác bằng tiếng Pháp, cho đến hết 10 dòng thơ đầu, người đọc nhiều phần sẽ “đoán” đây là một cuộc hẹn hò của hai tình nhân, vì hai đại từ nhân xưng thân mật “JE” và “TU”rất hợp cho hoàn cảnh này. (Buồn thay, bản dịch của tôi đã “làm mất đi” lời đoán thú vị đó, chỉ vì hai đại từ nhân xưng “CHA” và “CON” của tiếng Việt không thể nào áp dụng cho hai tình nhân được! Tôi chỉ còn có nước “đổ tội” cho sự khác biệt trong cách sử dụng đại từ xưng hô giữa tiếng Pháp và tiếng Việt mà thôi).
Mãi tới khi bàng hoàng với hai dòng thơ chót, người đọc mới thấy được cuộc hẹn hò lạ thường này thiêng liêng và cận kề trái tim Victor Hugo bội phần hơn bất cứ một cuộc hò hẹn nào khác trong đời của vị đệ nhất văn thi sĩ nước Pháp.Léopoldine là trưởng nữ và cũng là cô con gái yêu dấu nhất (có thể so với “con gái rượu” trong nếp sống dân Việt) của Victor Hugo. Bốn năm về trước, khi cô 19 tuổi và người chồng mới cưới đã chết đuối trong dòng sông Seine ở khúc gần thị trấn nhỏ Villequier vì chiếc thuyền của họ bị lật. Ông bố Victor lúc ấy đang du lịch với tình nhân ở miền nam nước Pháp và chỉ được biết muộn màng về cái chết thảm của con gái khi ông ngồi xem nhật trình trong một quán cà phê!
Nỗi đoạn trường ấy đã được Victor Hugo thổ lộ trong bài thơ À VILLEQUIER cũng trong tuyển tập Les Contemplations. Bên mộ Léopoldine tại Villequier sát bờ sông Seine thơ mộng, nơi cô tử nạn bốn năm về trước, thi hào đã than thân với Đấng Vô Cùng:
Thượng Đế hỡi! vết thương này rướm máu đã quá lâu
Trong hồn tôi nỗi xót xa mỗi lúc chỉ thêm sâu
Và trái tim tôi chịu thua, nhưng chưa hề cam phận
Ô mon Dieu! cette plaie a si longtemps saigné
L’angoisse dans mon âme est toujours la plus forte
Et mon cœur est soumis, mais il n’est pas résigné
Demain, dès l’aube là bài thơ trữ tình chất ngất nỗi tiếc thương mà người cha Victor Hugo viết cho cô con gái yêu dấu nhất của mình đã phải lìa đời quá trẻ. Câu kết tuyệt chiêu của bài thơ là một ước ao BẤT TỬ HÓA cuộc đời tươi đẹp nhưng vắn số của ái nữ Léopoldine. Còn gì khác có thể đóng vai một ẩn dụ toàn bích hơn là chùm ô rô LÁ MÃI XANH MÀU và cụm thạch thảo HOA MUÔN ĐỜI NỞ đã được người cha lẫy lừng tên tuổi âu yếm đặt trên mộ để người đời không bao giờ quên được nàng? Nếu như khẳng định của thi hào Alfred de Musset (1810-1857) rằng “Les plus désespérés sont les chants les plus beaux” (Những bài ca tuyệt vọng nhất là những bài ca đẹp nhất) lúc nào cũng đáng tin cậy, thì Demain, dès l’aube của Victor Hugo phải là một điều minh chứng hùng hồn và vĩnh cửu.
________________________
DIE LEIDEN DES JUNGEN WERTHER
JOHANN WOLFGANG VON GOETHE
Johann Wolfgang von Goethe (1749 -1832) là vị văn sĩ, thi sĩ, kịch tác gia, triết gia, khoa học gia lừng lẫy nhất của Đức Quốc. Trong vô số những tác phẩm quan trọng của Goethe, vở bi kịch tràng giang mang tên Faust được coi là vĩ đại nhất. Trong đó vai chính Faust là một tay đại bịp thành công to nhưng chưa thỏa mãn với đời, cho nên hắn đã bán linh hồn cho quỷ để có được kiến thức lớn lao và tận hưởng thú vui vật chất. Nhưng lạ thay, khi nói đến văn thi hào Goethe thì nhiều người dân Đức nghĩ ngay tới cuốn tiểu thuyết đầu tay do ông sáng tác khi còn là một thanh niên, mang tên Die Leiden des jungen Werther (Nỗi u sầu của chàng trai Werther), dựa vào tâm tư thực sự của tác giả và trình bầy theo lối “biên thư” riêng tư và lôi cuốn. Tiểu thuyết theo lối viết độc đáo này được mệnh danh là “Briefroman” (Đức), “epistolary” (Anh).
Die Leiden des jungen Werther là một tiểu thuyết tâm lý và tình cảm về một “cuộc tình tay ba” bi thảm giữa ba nhân vật Werther, Albert, Lotte – với Werther đóng vai chính. Ba người ba tính tình hoàn toàn khác biệt. Werther thông minh nhưng kiêu căng, nghệ sĩ tính nhưng ít hứng thú, lại đa sầu đa cảm và không hài lòng với cuộc đời. Tinh thần Werther thay đổi giữa trạng thái vui tươi quá mức và trạng thái u sầu đến tận cùng. Anh ở trong một thế giới quay cuồng sau khi gặp và mê cô Lotte ngay lần đầu. Duyên dáng, đảm đang và tử tế, Lotte đã đính hôn với Albert lớn hơn nàng cả chục tuổi. Cô có nhiều cảm tình với Werther, nhưng cô biết “điều chỉnh” xúc cảm và chỉ coi anh như một người bạn thôi. Còn Albert, vị hôn phu của Lotte, là một người đàn ông bình tĩnh, thân thiện, và có trách nhiệm – hoàn toàn trái ngược với Werther. Mới đầu Werther và Albert khá thân thiện với nhau, mãi cho đến khi sự mê say và chú ý đến Lotte của Werther đã đi tới mức quá lố như điên loạn. Mối tình say đắm “một chiều” này cuối cùng đã dẫn tới thảm kịch Werther tự tử bằng khẩu súng mà anh mượn của Albert, nói dối là để đi săn bắn giải sầu.
Ta thử đọc đôi lời than thân khóc phận mà Werther* diễn tả trong những lá thư gửi cho người bạn Wilhelm thân nhất của anh:
“Đôi khi tôi không hiểu tại sao là một người nam có thể yêu nàng hoặc được phép yêu nàng, bởi vì tôi yêu nàng trọn vẹn rồi, yêu đến nỗi tôi chẳng còn ham gì, chẳng còn biết gì, tôi chẳng có gì cả, tôi chỉ có nàng thôi!”
“Cả hàng trăm lần rồi tôi gần như sắp được ôm nàng. Trời ơi, thực là một sự hành hạ đau đớn mỗi khi thấy nàng đi qua đi tới với bao duyên dáng mà mình không dám chạm tay đến! Chạm vào nhau là cái bản năng tự nhiên nhất của loài người mà. Trẻ nít luôn đòi có trong tay mọi vật chúng nhìn thấy và thích thú, phải không? Nhưng còn tôi, thì ….”
“Trời biết đấy, tôi đã bao lần nằm trên giường với lời ước rằng tôi sẽ không thức dậy. Và trong buổi sáng, khi tôi ngắm mặt trời thêm một lần nữa, lòng tôi càng tan nát thêm!”
Ngay sau khi được xuất bản năm 1774, Die Leiden des jungen Werthers đã làm rung động Âu châu và đưa Goethe lên đỉnh cao danh vọng lúc mới 24 tuổi đời. Tuyệt tác ấy là một “bestseller” tại Đức, Anh, và Pháp quốc và đã được dịch sang ngôn ngữ của hầu hết các quốc gia kế cận. Tên tuổi lớn nhất đã công khai ca ngợi cuốn sách và tác giả chính là Napoléon Bonaparte, vị hoàng đế yêu văn chương, đã đọc nó nhiều lần, ngay cả trong lúc tuần du. Nó cũng là khởi điểm cho trào lưu Sturm und Drang (cuồng phong và thúc hối), trong đó trên hết là yếu tố Selbstausdruck (tự ngã biểu hiện). Văn thi sĩ thả cửa thốt ra trong văn chương những cảm xúc thầm kín nhất cũng như những thành quả vinh quang nhất của mình một cách ngay thẳng và chân thành. Chủ quan tính cũng được tán thành trong giai đoạn “cuồng phong và thúc hối” này. Cái trào lưu nhấn mạnh và nâng cao những xúc cảm riêng tư này cũng chính là tiền thân của trào lưu Romantik (lãng mạn) bên Âu châu.
Goethe xa lánh và nhạt nhẽo với thành công văn chương vĩ đại này của mình khi thấy nó đã gây ra Wertherfieber (cơn sốt Werther), trong đó một số độc giả mang tâm sự đau thương tương tự đã theo gương Werther trong truyện để tự kết liễu đời mình – với cuốn sách ấy còn để trong túi! Cũng vì lẽ đó ông cũng không thiết tha gì lắm với trào lưu Sturm und Drang và Romantik sau đó. Ông thất vọng vì thấy có người đã theo lối sống của Werther, một cá nhân mà ông cho thấy đã biểu hiện “tất cả những gì bệnh hoạn nhất” trong tâm trí loài người.
*Các bác sĩ tâm thần (psychiatrists) ngày nay, sau khi quan sát tâm trạng và hành vi của Werther, có lẽ sẽ kết luận chàng mắc chứng “rối loạn tâm thần lưỡng cực” (bipolar mental disorder). Tâm thần người bị chứng bệnh này luân phiên giữa “rối loạn hưng cảm” (mania disorder) và “rối loạn trầm cảm” (depression disorder), với mỗi giai đoạn rối loạn kéo dài khoảng vài tuần lễ. Trong giai đoạn hưng cảm, người bệnh thấy mình lên tinh thần, thêm nhiều nghị lực, và thích hành động sôi nổi quá mức bình thường (như lúc Werther tiếp tục mê say theo đuổi Lotte, mặc dù biết rõ nàng đã là vị hôn thê của Albert). Trái lại, giai đoạn trầm cảm chỉ mang đến cho người bệnh những u sầu, mệt mỏi, tuyệt vọng, và ý muốn rời bỏ cuộc đời (mạnh đến nỗi Werther đã tự tử).