Ám ảnh về vấn đề nhân số

Một trong những âu lo của con người, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây, là nạn nhân mãn. (Nói trắng ra là mối sợ hãi về cảnh tượng gia tăng nhân khẩu, giành giật miếng ăn giữa con người và con người trên mặt địa cầu!)

Qua những con số, những thống kê về tỉ lệ sinh tử của con người trên mặt đất, cùng với viễn tượng thiếu chỗ ở, khan hiếm thực phẩm, các giới hữu quyền trên thế giới, nhất là các siêu cường mà cầm đầu là Mỹ quốc, thường lên tiếng cảnh báo về điều được gọi là một sự bùng nổ về nhân số đáng ngại khi loài người bước vào ngưỡng cửa đệ tam thiên niên. Và theo họ, điều này sẽ là một trở ngại rất lớn cho công cuộc phát triển tại nhiều khu vực trên thế giới, cụ thể là thế giới đệ tam. Để đề phòng, người ta đưa ra những khuyến cáo nhằm giảm bớt mức độ tăng trưởng về sinh xuất tại các quốc gia, nhất là các nước chậm phát triển ở Á châu, Phi châu và nam Mỹ. Những phương pháp ngừa thai thông dụng như phân phối bao cao su, các loại thuốc khử tinh trùng, đặt vòng xoắn vào bộ phận sinh dục phụ nữ, cột tử cung, cắt ống dẫn tinh nơi nam giới vân vân… được phổ biến rầm rộ tại học đường, qua các hệ thống truyền thông đại chúng. Những ngân khoản kếch sù được người ta hứa hẹn nhằm tài trợ cho việc quảng bá và đẩy mạnh kế hoạch này tại các nước kém mở mang.

Dấn thêm một bước, phong trào phá thai, nạo thai bắt đầu bùng nổ và được sự khuyến khích công khai của luật pháp. Tại các nước cộng sản như Trung Cộng, Việt Nam, những khẩu hiệu đại loại như “Ba Khoan”, “Một khoan; Hai đủ; Ba thừa” _ được các nhà nước trám vào cửa miệng dân chúng, cán bộ. Một phần vì sợ bị trừng phạt, phần khác vì sinh kế khó khăn eo hẹp, nạn phá thai, nạo thai đã gia tăng một cách đáng ngại. Qua báo chí và những tài liệu chính thức được phổ biến tại Việt Nam gần đây đã chứng minh điều ấy.

Tại các quốc gia tự do mà tiêu biểu là Hoa Kỳ, phong trào pro-choice (tán thành quyền tự do chọn lựa) được đề cao. Và cho đến khi vấn đề toàn cầu hóa được đặt ra thì chuyện ngừa thai, phá thai cũng được các siêu cường kinh tế mở chiến dịch vận động trên quy mô thế giới. Dưới áp lực của các cường quốc Tây Phương mà dẫn đầu là Mỹ, trong thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai, tổ chức Liên Hiệp Quốc đã triệu tập hai hội nghị quốc tế quan trọng: Hội Nghị về dân số và phát triển ở Cairo, Ai Cập tháng 9- 1994_ và Hội Nghị Phụ Nữ ở Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 9-1995. Hội nghị thứ nhất đặt trọng tâm vào vấn đề giới hạn dân số như một điều kiện cần thiết không thể thiếu để phát triển, và hội nghị thứ hai tuy trên danh nghĩa bàn về quyền hạn của người phụ nữ nói chung, nhưng cũng không ngoài mục  tiêu quảng bá cho phong trào pro- choice như một cách khuyến khích và đề cao quyền chọn lựa sinh con hay không, phá thai hay giữ thai của nữ giới.

Cùng với tệ nạn ngừa thai, phá thai vô trách nhiệm, những cuộc hôn nhân đồng phái tính cũng gia tăng khắp nơi. Tình trạng này đã là nguyên nhân thôi thúc những thành phần phò sự sống (pro-life), phục hồi giá trị truyền thống trong gia đình, mà hầu hết thuộc các tập thể tôn giáo, phải lên tiếng. Tại Mỹ cũng như tại nhiều quốc gia, phong trào pro-life rầm rộ ra đời.

Khi Giáo Hoàng lên tiếng

Ngay từ khi vừa được chọn làm người kế vị thánh Phêrô trông coi Hội Thánh, Giáo Chủ Gioan Phaolô II đã nhiệt thành cổ võ cho điều mà trong những bài giảng thuyết cũng như những tông thư, thông điệp ngài mệnh danh là nền “Văn Minh Sự Sống” Mục  tiêu trước mắt là để chống trả lại nền “Văn Minh Sự Chết” phát sinh từ lối sống buông thả, sa đọa, hưởng thụ, thiên trọng về vật chất trong xã hội ngày nay. Trong các chuyến du hành mục vụ    khắp nơi, nhất là trong những Ngày Giới Trẻ Thế Giới, Giáo Chủ Gioan Phaolô II không ngớt đề cao giá trị sự sống của con người, từ khi còn là một bào thai trong lòng mẹ cho đến lúc chết. Bằng những lời lẽ cứng rắn, ngài lên án những hành vi phá thai, trợ tử cũng như phong trào đồng tính luyến ái. Với tâm tình yêu thương của người cha giầu lòng nhân ái, ngài cũng khuyến khích những người trẻ tập sống một cuộc sống anh hùng, cao thượng, xa tránh những cạm bẫy của nền văn hóa đồi trụy, chết chóc đang càng ngày càng tràn lan trong xã hội.

Cao điểm của những cuộc vận động phò sự sống của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là những nỗ lực không mệt mỏi của ngài nhằm ngăn chặn những áp đặt của chính quyền Clinton trên nghị trình hội nghị về dân số ở thủ đô Ai Cập. Theo trình thuật của George Weigel, tác giả Witness To Hope, The Biography of Pope John Paul II (Chứng Nhân Hy Vọng, Tiểu Sử Giáo Hoàng Gioan Phaolô II)_ thì ngay sau ngày lễ nhận chức hôm 20-01-1993, tân tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã ký sắc lệnh cho phép tài trợ những khoản tiền lớn cho những dịch vụ phá thai. Bốn ngày sau, tờ L’Osservatore Romano, tiếng nói chính thức của Vatican đã đăng một bài xã luận quan trọng. Nội dung bài xã luận cực lực lên án hành vi của chính quyền Clinton là đã mở đường cho chiến dịch sát nhân, bạo động chống lại những hài nhi vô tội.

Điều khó khăn nhất cho Giáo Hoàng là ngài không chỉ phải đương đầu với một mình chính quyền Clinton mà còn cả với Liên Hiệp Quốc và một số những tổ chức phi chính phủ có những hoạt động liên hệ. Cuộc gặp gỡ giữa đại diện Tòa Thánh là tổng giám mục Jean-Louis Tauran với thứ trưởng ngoại giao Mỹ Timothy Wirth ngày 16-11-1993 là một trong những thách đố đầu tiên cho nỗ lực vận động của Giáo Hoàng. Timothy Wirth vốn là nguyên nghị sĩ, người từng tích cực hỗ trợ chủ trương kiểm soát dân số với bất cứ giá nào. Lúc ấy ông ta đang đặc trách những vấn đề quốc tế tại Bộ Ngoại Giao Mỹ. Trên bàn giấy của Wirth được trang trí bằng một cây giả treo lủng lẳng những bao cao su chung quanh, gọi là “condom tree”. Khi tiếp tổng giám mục Tauran, vật trang trí dị kỳ này được mang đi nơi khác.

Khởi đầu cuộc gặp gỡ, Wirth trình bày về vấn nạn mang thai, sanh con của những vị thành niên mà ông ta gọi là “con nít có con” tại Mỹ (children having children in the US) để biện minh cho lập trường của Hoa Kỳ là cần phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết để kiểm soát dân số. Về phần tổng giám mục Tauran, ngài không phủ nhận tệ nạn này, nhưng đồng thời cũng đưa ra những luận cứ vững chắc về tính khả thi của những phương pháp giáo dục luân lý nếu có sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức tôn giáo, các cơ quan công quyền nhà nước cùng các tổ chức nhân đạo thế giới. Dù vậy, quan điểm này không lay chuyển được thái độ của Timothy Wirth. Theo ông ta, đây chỉ là vấn đề liên quan tới những thông tin về sinh vật học. Tắt một lời, ông nói trắng ra là “Điều những người trẻ cần phải biết là chính những gì tiềm tàng trong cơ thể của họ”. Wirth coi chuyện luân lý và giáo dục luân lý hoàn toàn vô hiệu năng trong lãnh vực này.

Song hành với những cuộc vận động tại Hoa Thịnh Đốn, cố Giáo Hoàng Gioan Phaololô II không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để lên tiếng về vấn đề bảo vệ quyền sống của thai nhi. Một mặt ngài chỉ trích những âm mưu của các cường quốc giàu có nhằm áp đặt những biện pháp vô nhân đạo trên các quốc gia nghèo, kém phát triển qua chiêu bài kiểm soát dân số với những hứa hẹn viện trợ. Mặt khác, ngài không ngớt lưu ý quần chúng, cách riêng các bậc phụ huynh, quan tâm tới những giá trị đạo đức trong mối liên hệ từ trong gia đình, giữa người vợ, người chồng, người cha, người mẹ, cho tới ngoài xã hội.

Trong giờ nguyện Kinh Truyền Tin tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 12-6-1994, ngài nhấn mạnh tới những nguyên lý về quyền được sống sót của con người từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Chúa Nhật tiếp theo, ngài nhắc tới sứ mạng truyền sinh mà Thượng Đế trao cho những người nam và người nữ. Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Hôn nhân là sự kết hợp vững chắc giữa hai người nam nữ, những người đã cam kết đón nhận quà tặng chung để mở đường cho những mầm sống mới được sinh ta”. Theo Ngài, đó không phải là một khái niệm phe phái mà là “giá trị khởi thủy của nguyên lý tạo dựng”.

Trong buổi tiếp kiến khách hành hương ngày Thứ Tư 22-6, sau khi phác họa những nét đặc trưng nơi phái nữ, Giáo Hoàng công khai lên tiếng bênh vực quyền bình đẳng của nữ giới. Ngài nói tới giá trị tiên thiên của họ và cho rằng giá trị này không thể bị làm suy giảm bằng thái độ của nam giới coi người khác phái như món đồ giải trí. Theo quan điểm của cố Giáo Chủ Gioan Phaolô II thì “sự khác biệt và tính bình đẳng của người phụ nữ cần phải được nhìn nhận” trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội.

Chúa Nhật 03-7-1994, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở thế giới về những đặc tính tiêu biểu của hôn nhân bao gồm sự trung tín, sự kết nối nhân vị và thông hiệp sự sống vốn là những đặc tính mang giá trị hôn ước thiêng liêng chứ không chỉ đơn thuần là thứ hợp đồng sống chung giữa hai người nam nữ.

Chúa Nhật 10-7, ngài lên tiếng xác quyết rằng sự bền vững của hôn nhân là nhân tố quan yếu cho sự an sinh của trẻ em, đối tượng hàng đầu mà lẽ ra hội nghị thế giới về nhân số và phát triển tại Cairo, Ai Cập phải quan tâm.

Chúa Nhật 17-7, vị Giáo Chủ của thế giới Công Giáo  trực diện với luận điệu chỉ trích lập trường Giáo Hội về vấn đề chống phá thai và ngừa thai bằng mọi giá. Những chỉ trích này trong nhiều trường hợp còn đụng chạm tới chủ trương đề cao và quyết tâm bảo vệ hệ thống gia đình của Giáo Hội. Như một cách gián tiếp trả lời, trong tâm thư gửi các gia đình nhân dịp Liên Hiệp Quốc chọn năm 1994 làm Năm Gia Đình_, Giáo Hoàng viết:

“Con trẻ sinh ra nhiều khi chỉ được coi là một dữ kiện thống kê đơn thuần, được ghi lại như bao dữ kiện khác trong sổ liệt kê về dân số… thực trạng đó đưa tới cám dỗ không muốn sinh con. Trong một số khung cảnh xã hội, văn hóa, thứ cám dỗ này nhiều khi trở nên rất mãnh liệt…

Tại sao Giáo Hội vẫn tiếp tục làm công việc đó? – công việc bảo vệ những giá trị truyền thống của hôn nhân, gia đình, chống lại chủ trương kế hoạch hóa gia đình bằng mọi giá –. Phải chăng Giáo Hội không ý thức được những vấn đề được khơi dậy do những người đang khuyến dụ Giáo Hội nhượng bộ những lãnh vực này? Thậm chí họ còn cố gắng dùng áp lực phi lý, kể cả hăm dọa! Huấn quyền Giáo Hội thường bị chê trách là lỗi thời, là khép kín trước những nhắc bảo của tinh thần thời đại tân tiến, là cổ võ đường lối hành động di hại cho nhân loại và tự di hại cho chính Giáo Hội…”_

Chúa Nhật 24-7, ngài cực lực lên tiếng bác bỏ mọi chủ trương, chính sách nhằm kế hoạch hóa gia đình một cách độc đoán, xâm phạm tới nền tảng nhân quyền trong lãnh vực hôn nhân. Một tuần sau, Giáo Hoàng thành khẩn nhắc lại quan điểm của Giáo Hội trước sự kiện một đứa bé được hoài thai. Theo ngài, chúng mang sẵn một giá trị nhân bản tiên thiên, tự hữu mà không một ai, kể cả cha mẹ chúng, có thể tước đoạt hoặc coi như sở hữu của mình, rồi muốn làm gì thì làm trên sinh mạng của chúng, điều chỉ một mình Thượng Đế (Thiên Chúa) mới có quyền quyết định.

Chúa Nhật đầu tháng 8-1994, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành riêng để nhấn mạnh tới những khía cạnh của tệ nạn phá thai ngày càng gia tăng trong xã hội. Giáo Hoàng tuyên bố: nền móng công lý công cộng đã bị xói mòn bởi vì nhà nước không nhìn nhận sự sống của những đứa trẻ khi chúng còn trong lòng mẹ để bảo vệ chúng. Qua Chúa Nhật 14-8, ngài nói riêng về tình trạng nữ giới không được xã hội tôn trọng đúng mức. Theo Giáo Hoàng thì thái độ kỳ thị người phụ nữ tại sở làm, trong các phạm trù văn hóa cũng như chính trị hiện nay, cần phải được ngăn chặn và loại bỏ.

Bên cạnh những nỗ lực riêng, vị Giáo Chủ Giáo Hội Công Giáo còn chỉ thị cho người phát ngôn của ngài là tiến sĩ Joaquin Navarro-Walls bám sát tất cả động tĩnh trong ngoài hội nghị Cairo. Ngày 25-8-1994, trong bài phát biểu tại câu lạc bộ báo chí ở Hoa Thịnh Đốn, phó tổng thống Al Gore, người được chính quyền Clinton chỉ định cầm đầu phái đoàn Hoa Kỳ tại hội nghị Cairo, tuyên bố là Mỹ đã, đang và sẽ không mưu tìm việc thiết lập quyền phá thai trên căn bản quốc tế. Sáu ngày sau, tiến sĩ Navarro-Walls đã công khai vạch rõ những mưu toan ẩn giấu bên trong những văn kiện của hội nghị được dư luận coi là chịu ảnh hưởng lập trường của Mỹ. Theo ông, có những ngôn từ nhân danh vấn đề an sinh của con người nhưng thực chất nhằm chống lại quyền được sống của những thai nhi còn nằm trong bụng mẹ. Ông cũng cho biết nội dung văn kiện sơ thảo tiền hội nghị được sự bảo trợ của Hoa Thịnh Đốn. Điều này cho thấy nó hoàn toàn trái nghịch với lời tuyên bố của phó tổng thống Hoa Kỳ Al Gore.

Ý thức rằng để đánh động lương tâm nhân loại và nhất là để cho Liên Hiệp Quốc quan tâm đúng mức tới vấn đề trọng đại này, tiếng nói của cá nhân không đủ, cho dẫu cá nhân đó là Giáo Hoàng một tôn giáo lớn. Do đó, ngay từ cuối tháng ba, cố Giáo Chủ Gioan Phaolô II đã chỉ thị cho bộ ngoại giao Tòa Thánh triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các vị đại sứ tại Vatican để giải thích lập trường và quan điểm của Giáo Hội đối với nội dung những vấn đề được thảo luận tại hội nghị Cairo. Chưa hết, ngày 03-4 ngài còn nói cho mọi người hay là ngài đã viết một lá thư gửi cho tất cả các nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới. Trong thư, Đức Thánh Cha yêu cầu họ dùng tất cả quyền lực, khả năng và thiện chí để ngăn chặn những quyết định phản lại quyền sống của những thai nhi, mà vì quyền lợi riêng, những cường quốc kinh tế đang mưu toan áp đặt. Ngài viết: “Gia đình mãi mãi là nguồn năng lực chính của nhân loại. Vì thế mọi quốc gia, dân tộc phải coi gia đình như một kho tàng quý giá nhất để bảo vệ”_.

Cùng lúc, một chiến dịch vận động quy mô tại các quốc gia Á châu, Phi châu và nam Mỹ cũng được Tòa Thánh vạch ra.

Cuối cùng, nhiệt tâm bảo vệ thai nhi – thành phần yếu đuối, câm lặng không có tiếng nói – của vị Giáo Hoàng thứ 264 Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ đã thức tỉnh lương tâm của những người thiện chí. Ngay từ tuần lễ đầu hội nghị đã có sự thống nhất quan điểm của nhiều phái đoàn là phá thai không thể coi là một phương thế được quyền sử dụng trong kế hoạch hóa gia đình. Nhờ thế, trong phúc trình đúc kết, Hội Nghị về Dân Số và Phát Triển Quốc Tế tại Cairo, tháng 9-1994 đã phải nhìn nhận quyền năng và trách nhiệm đối với con trẻ thuộc về các bậc phụ huynh_.

Tầm nhìn xa của Giáo Chủ Gioan Phaolô II

Nhìn sâu vào tâm ý của Giáo Hoàng cùng những hoạt động không mỏi mệt của ngài trong nỗ lực bảo vệ sự sống, xây dựng nền văn minh tình thương chống lại thứ văn minh chết chóc, chúng ta không thể không chú ý tới những mục tiêu dài hạn mà ngài theo đuổi trong suốt hơn một phần tư thế kỷ vừa qua. Chỉ cần nhìn vào những gì cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gieo rắc và kỳ vọng tại các Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã đủ để chúng ta thấy được viễn kiến và hướng đi của ngài.

Hơn ai hết, Giáo Hoàng biết rất rõ là vấn đề bảo vệ sự sống của con người từ khi còn là một bào thai cho đến khi chết không thể được giải quyết dứt khoát và lâu dài bằng những định chế hành chánh hay luật pháp xã hội. Hơn tất cả, nó phải được nuôi dưỡng và xây dựng trên tâm thức và sức mạnh của niềm tin mà con người đặt để nơi Thiên Chúa, Đấng là uyên nguyên và là cứu cánh cho sự tìm kiếm của nhân loại qua không gian và thời gian. Đấy là căn nguyên sâu xa thúc đẩy Đức Thánh Cha không bỏ lỡ một cơ hội nào để cố gắng đưa vào tâm óc những người trẻ – mà ngài luôn trân trọng coi là tương lai của Giáo Hội, của nhân loại nói chung – một quan niệm hướng thượng về tình yêu con người, tình yêu gia đình, đôi lứa.

Không phải chờ tới khi được bầu vào ngôi vị Giáo Hoàng, ngay từ khi còn là một linh mục, một giám mục ở quê hương Ba Lan, cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã tỏ ra hết sức quan tâm tới vấn đề này. Ngoài những dịp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các học sinh, sinh viên nam nữ trong giáo xứ, nơi học đường, trong các cuộc bơi thuyền, leo núi, chơi thể thao, cắm trại với mục tiêu tìm hiểu hầu đáp ứng những khao khát kiếm tìm của giới trẻ về mọi vấn đề liên quan tới đời sống – kể cả vấn đề yêu đương, tính dục – , ngài còn đưa ý niệm này vào lãnh vực văn chương, kịch nghệ qua những tác phẩm do ngài thực hiện lúc bấy giờ.

Như thế, những gì Đức Thánh Cha muốn thổi vào tâm hồn giới trẻ qua các cuộc tập hợp tầng lớp thanh thiếu niên trên quy mô quốc tế sau khi ngài trở thành vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Giáo Hội Công Giáo vẫn không vượt ra ngoài ý hướng nhắc nhở họ trở về với tính bản thiện, tinh ròng của mình, để từ đấy can đảm đứng lên chống lại sự ác. Và khi chọn một cường quốc hàng đầu như Hoa Kỳ để tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 1993, nhất là lại chọn chủ đề “Tuyên Dương Sự Sống” cho Đại Hội này, rõ ràng là vị Cha Chung của thế giới Công Giáo muốn công khai nói lên với mọi thế lực trên hoàn vũ niềm tin tưởng mà ngài đặt để nơi những người trẻ. Trong mắt và trong tâm tưởng ngài, chính những người trẻ sẽ là thành phần chủ yếu đóng góp phần quyết định vào nỗ lực thay đổi bộ mặt thế giới. Chính họ, những thành phần trẻ, cũng sẽ là những người đi bước trước trong nỗ lực bảo vệ sự sống con người.

Trong phần kết thúc diễn từ đáp lại lời chào mừng của tổng thống Clinton khi vừa đặt chân tới Denver, Colorado, nơi tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 1993, Giáo Hoàng đã lập lại lời phát biểu của ngài tại Detroit năm 1987 như sau:

“Hỡi Mỹ quốc.

Các bạn thật xinh tươi và được chúc phúc trên nhiều phương diện… Nhưng nét đẹp nhất của các bạn và lời chúc phúc phong phú nhất của các bạn được tìm thấy trong mỗi cá thể con người: trong mỗi người nam, người nữ và trẻ em, nơi từng người di dân, nơi từng người con trai con gái sinh ra tại đây… Thử nghiệm tuyệt đỉnh của vẻ cao cả nơi các bạn chính là cách thức các bạn đối xử với từng người, đặc biệt với những người yếu hèn, cô thế. Những truyền thống cao đẹp nhất của đất nước các bạn chiếm được niềm tôn trọng đối với những ai không thể bảo vệ được chính mình.

Nếu các bạn muốn mưu tìm sự bình đẳng cho mọi người, nếu các bạn muốn có hoà bình và tự do thực sự miên viễn, thì hỡi Mỹ quốc, các bạn hãy bảo vệ sự sống! Tất cả những gì vĩ đại mà các bạn sở hữu hôm nay chỉ có ý nghĩa, nếu các bạn dùng chúng để bảo đảm quyền làm người và bảo vệ sự sống của con người”_

Và trong những lần lên tiếng trước đám đông những người trẻ từ khắp nơi tựu về Denver trong Đại Hội Giới Trẻ năm ấy, Giáo Hoàng không ngừng mời gọi họ tiếp sức ngài trong cố gắng chống lại nền văn hóa sự chết. Để làm được điều này, những người trẻ phải tự chứng tỏ quyết tâm dám lội ngược giòng. Giữa một xã hội gian dối, ác độc, vị kỷ, họ phải có can đảm sống theo tinh thần Tin Mừng, sẵn sàng đối đầu với những khuynh hướng thời thượng trong xã hội hưởng thụ ngày nay. Ngài nói:

“Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 8 tại Denver này là một ngày đại lễ để tuyên dương sự sống. Đây là cơ hội để các con đào sâu Lời Chúa Giêsu: “Ta đến để chúng được sống và sống sung mãn’ (Gio. 10:10). Từ khắp các vùng trời thế giới về đây, các con hãy mở toang cánh cửa tâm hồn đón nhận chân lý về lời hứa ban sự sống… Cuộc chiến đấu này song song với cuộc chiến đấu khải huyền được mô tả trong bài đọc thứ nhất của thánh lễ hôm nay: sự chết chống lại sự sống. Nền văn hóa chết chóc đang tìm cách chế ngự và chi phối niềm ao ước của các con được sống, và sống sung mãn.Có những người đang chối bỏ ánh sáng đời sống. Họ ưa thích “những việc làm vô bổ của bóng tối’ (Eph. 5:11). Mùa gặt hái của họ là bất công, kỳ thị, trục lợi, lừa đảo và bạo lực. Trong thời đại này, những thành công của họ gây ra chết chóc cho những kẻ vô tội. Khác với mọi thời kỳ, nền văn hóa chết chóc thời nay được những định chế xã hội và luật pháp a tòng để hợp thức hóa những tội trạng khủng khiếp chống lại con người, cướp đi sự sống trước khi được sinh ra hoặc trước khi chấp nhận cái chết tự nhiên…

Các con thân mến,

Gia đình đang bị tấn công. Những hình thức thánh thiện của cuộc sống con người đang bị ruồng bỏ. Trong tình huống ấy, những thành phần yếu đuối nhất của xã hội là những thành phần đang gặp nguy hiểm nhất: các thai nhi, các trẻ em, những người bệnh hoạn, tật nguyền, những ông già bà cả, những người thất nghiệp, những nạn nhân chiến tranh, những người nghéo đói thiếu nơi ăn chốn ở nơi miền nam bán cầu…

Hỡi những người trẻ,

Chúa Kitô cần tới các con để thắp sáng địa cầu, để chỉ cho nhân loại “nẻo đường đi tìm sự sống (Ps. 16:11. Thách thức mới là các con cần phải thể hiện sự có mặt của Giáo Hội Chúa bằng chính cuộc đời và lối sống cụ thể của các con. Các con hãy sắp sẵn trí khôn, tài năng, lòng nhiệt thành và tình thương của các con để đối diện với đời sống và phục vụ đời sống. (…)

Các con đừng sợ xuống đường để đi tới những nơi công cộng như các thánh Tông Đồ xưa. Giờ không còn là thời điểm để các con xấu hổ vì Phúc Âm (cf. Rom. 1:16) Giờ là thời điểm để các con rao giảng từ trên mái nhà (cf. Mt. 10:27). Các con đừng sợ phá vỡ nếp sống tiện nghi và thói quen để chấp nhận thách đố, làm thế nào để khuôn mặt Chúa Giêsu được thế gian biết đến?”_

Điều cần ghi nhận là những lời trên đây của người lãnh đạo tinh thần tối cao của thế giới Công Giáo đã được cất lên trước hàng trăm ngàn những người trẻ và ngay trong lòng Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, nơi được coi là trung tâm điểm của quyền lực vật chất và cũng là nơi đang đặt ra cho những người chủ trương xây dựng và phát huy một nên văn hóa sự sống những thách đố nghiêm trọng.

Chẵn bốn năm sau, tại kinh đô ánh sáng Paris, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới đã được triệu tập với con số tham dự viên gây bất ngờ cho hết thảy mọi người. Và tại nơi ấy, những lời lẽ tương tự của Đức Thánh Cha đã được cất cao. Vẫn chỉ là những lời khẩn thiết kêu mời những người trẻ đến từ khắp các vòm trời thế giới hãy trở về với Tin Mừng Sự Sống_.


Trở về trang Trần Phong Vũ


Bài liên quan:
  • Trả lại DANH DỰ cho Cố Thi Sĩ NGUYỄN CHÍ THIỆN
    -Trần Phong Vũ
  • Lễ Húy Nhật Thứ 8: Tưởng Niệm Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện (1939-2012)
  • Tủ sách Tiếng Quê Hương với 3 tác phẩm mới
  • Cảm nhận sau khi đọc “Nguyễn Chí Thiện – Trái Tim Hồng” của Trần Phong Vũ
  • Thơ: Dấu chân trên cát, Dạo bước bên Thầy….