Bài viết này được đăng làm 4 kỳ trên Nghiên Cứu Quốc Tế.
Vận Hội Mới xin đăng lại thành trọn 1 bài để gửi đến bạn đọc.
Greg Miller, “The intelligence coup of the century”, The Washington Post, 11/02/2020.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Một báo cáo gây chấn động làng tình báo thế giới
Trong hơn nửa thế kỷ, các chính phủ khắp thế giới tin tưởng trao toàn bộ những giao tiếp bí mật về ngoại giao, quân đội, và tình báo vào tay đúng một công ty duy nhất.
Công ty ấy, Crypto AG, ra đời với bản hợp đồng xây dựng các máy tạo mã cho quân đội Mỹ hồi Thế chiến II. Thu được nhiều tiền mặt, họ trở thành nhà sản xuất thiết bị mã hóa thống trị suốt nhiều thập niên, dẫn đầu làn sóng công nghệ từ các thiết bị cơ học cho đến vi mạch điện tử, và cuối cùng, là chip bán dẫn và phần mềm máy tính.
Công ty Thụy Sĩ này đã kiếm được hàng triệu đô bằng cách bán thiết bị của mình cho 120 quốc gia cho đến tận thế kỷ 21. Khách hàng của họ bao gồm Iran, các chế độ độc tài quân sự ở Mỹ Latinh, các đối thủ hạt nhân Ấn Độ và Pakistan, thậm chí là cả Vatican.
Song một điều không vị khách nào hay biết đó là Crypto AG thuộc sở hữu bí mật của CIA thông qua mối quan hệ hợp tác tuyệt mật với tình báo Tây Đức. Các cơ quan tình báo này tùy chỉnh thiết bị của công ty, cho phép họ dễ dàng giải mã các bức điện mật của các nước.
Mối hợp tác nhiều thập niên này, thuộc vào hàng các bí mật lớn nhất Chiến tranh Lạnh, được công khai trong một tài liệu đầy đủ, tuyệt mật của CIA, được The Washington Post (TWP) và ZDF, một công ty phát sóng Đức, cùng thu thập được trong một dự án chung.
Tài liệu này xác định danh tính các quan chức CIA vận hành chương trình và các lãnh đạo công ty được giao thực hiện nó. Tài liệu đi tìm nguồn gốc chương trình và các xung đột nội bộ suýt làm công ty thất bại. Tài liệu miêu tả cách Hoa Kỳ và các đồng minh lạm dụng sự ngây thơ của các nước khác, cuỗm đi tiền bạc và ăn cắp bí mật của họ.
Chương trình ấy, đầu tiên được biết với tên mã “Thesaurus” và sau đó “Rubicon”, là một trong những thứ táo bạo nhất trong lịch sử CIA.
“Đó là chương trình tình báo thế kỷ”, bản báo cáo của CIA kết luận. “Các chính phủ nước ngoài trả những khoản tiền lớn cho Hoa Kỳ và Tây Đức chỉ để cho các bức điện mật của mình bị đọc lén bởi hai (hay thậm chí là năm hoặc sáu) nước khác”.
Kể từ năm 1970, CIA và người anh em song sinh trong ngành phá mã của mình, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), kiểm soát gần như toàn bộ mọi mặt hoạt động của Crypto – cùng với các đối tác người Đức quyết định các vấn đề nhân sự, thiết kế công nghệ, điều khiển các thuật toán và quyết định chỉ tiêu doanh số.
Sau đó, các điệp viên Mỹ và Tây Đức nghe ngóng.
Họ nghe lén các giáo chủ Iran giữa cuộc khủng hoảng con tin 1979, cung cấp cho Anh các nguồn tin quân sự của Argentina giữa Chiến tranh Falklands, theo dõi các chiến dịch ám sát các nhà độc tài Nam Mỹ và phát hiện các quan chức Libya ăn mừng sau vụ đánh bom một sàn disco Berlin năm 1986.
Song chương trình này cũng có giới hạn. Các đối thủ chính của Mỹ, bao gồm Liên Xô và Trung Quốc, chưa từng mua thiết bị của Crypto. Thái độ ngờ vực sâu sắc về quan hệ của công ty này với phương Tây đã giúp họ tránh bị lộ bí mật, mặc dù bản báo cáo của CIA có ngụ ý rằng tình báo Mỹ đã thu thập được rất nhiều thông tin bằng cách theo dõi các bức điện giữa các nước khác với Moskva và Bắc Kinh.
Đã có những vụ rò rỉ an ninh đặt Crypto vào thế bị nghi ngờ. Các tài liệu công bố vào những năm 1970 cho thấy những trao đổi liên tục và không được che đậy cẩn thận giữa một điệp viên thời đầu của NSA và nhà sáng lập Crypto. Các mục tiêu nước ngoài bị công khai bởi tuyên bố vô tình của các quan chức, kể cả Tổng thống Ronald Reagan. Và vụ bắt giữ một nhân viên bán hàng của Crypto năm 1992 ở Iran, người khi ấy không hề hay biết mình đang bán các thiết bị đã bị can thiệp, đã châm ngòi cho một “cơn bão công luận” tai hại, theo tài liệu của CIA.
Nhưng bản chất thực sự của quan hệ hợp tác giữa công ty với CIA và cơ quan đồng cấp Đức mãi cho đến ngày nay mới được công bố.
Cơ quan tình báo Đức, BND, nhận ra nguy cơ bị phơi bày bí mật là quá lớn, đã quyết định rời bỏ chương trình vào đầu những năm 1990. Song CIA đã mua lại số cổ phần này và tiếp tục thu thập toàn bộ các thông tin tình báo của Crypto mãi cho đến năm 2018, khi họ quyết định bán tài sản công ty, theo lời các quan chức hiện tại cũng như trước đây.
Kể từ đó, tầm quan trọng của công ty trên thị trường an ninh toàn cầu sụt giảm, phần vì ảnh hưởng bởi làn sóng công nghệ mã hóa online. Từng một thời là lãnh địa riêng của các chính phủ và tập đoàn khổng lồ, mã hóa bảo mật giờ đã trở nên phổ biến như chính các ứng dụng điện thoại.
Dù vậy, chương trình Crypto vẫn còn nguyên giá trị đối với ngành tình báo hiện đại. Tầm hoạt động và thời gian tồn tại lâu dài của nó giúp giải thích tại sao Mỹ lại muốn phát triển một mạng lưới giám sát toàn cầu như Edward Snowden đã phơi bày hồi năm 2013. Và vẫn còn đó dư âm của câu chuyện Crypto trong những ngờ vực xoay quanh quan hệ giữa các công ty với các chính phủ ngày nay, bao gồm hãng chống virus máy tính Nga Kaspersky, một ứng dụng nhắn tin có liên hệ với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, và gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.
Bài viết này dựa trên bản báo cáo của CIA và cả BND, đều được thu thập bởi The Washington Post và ZDF, bên cạnh các cuộc phỏng vấn với các đương kim và cựu quan chức tình báo phương Tây cũng như các nhân viên Crypto. Nhiều người muốn ẩn danh, vì sự nhạy cảm của chủ đề.
Lịch sử của CIA và BND rất ấn tượng. Các hồ sơ tình báo nhạy cảm thường được giải mã và công bố cho công chúng theo định kỳ. Song rất hiếm, thậm chí chưa từng có tiền lệ, khi họ công bố cả một tập báo cáo nội bộ về toàn bộ một chương trình tình báo bí mật. TWP đã đọc qua tất cả các tài liệu, song nguồn tư liệu khẳng định rằng phần được công bố chỉ là các đoạn trích.
CIA và BND từ chối bình luận, mặc dù các quan chức Mỹ và Đức không hề bác bỏ sự xác thật của các tài liệu. Tài liệu đầu là báo cáo 96 trang của chương trình được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Tình báo CIA, một ban nghiên cứu lịch sử nội bộ của cơ quan này, vào năm 2004. Tài liệu thứ hai là một báo cáo lịch sử truyền miệng được tập hợp bởi các quan chức tình báo Đức hồi năm 2008.
Các tình tiết trùng khớp nhau cho thấy bất đồng giữa hai đối tác về tiền bạc, kiểm soát và các giới hạn đạo đức, với việc người Tây Đức thường hoảng sợ trước mức độ hăng hái của tình báo Mỹ khi nhắm vào các đồng minh của chính mình.
Tuy vậy, cả hai bên đều miêu tả chương trình là thành công hơn cả những mong đợi lạc quan nhất của họ. Trong nhiều thời điểm, bao gồm những năm 1980, Crypto chiếm tới 40 phần trăm số thông tin liên lạc ngoại giao và các giao tiếp khác của các chính phủ nước ngoài được chuyên gia mã hóa của NSA giải mã và dùng cho thu thập tình báo, theo các tài liệu.
Trong khi đó, Crypto thu hàng triệu đô lợi nhuận, số tiền sẽ được chia chác và dùng bởi CIA và BND cho các chương trình khác.
Các sản phẩm của Crypto hiện vẫn còn được dùng ở hơn chục nước trên thế giới, và biểu tượng màu cam-trắng của họ vẫn còn phát sáng trên tường trụ sở gần Zug, Thụy Sĩ (hình đầu bài). Song công ty đã bị chia nhỏ vào năm 2018, được thanh lý bởi các cổ đông mà danh tính của họ sẽ mãi mãi được giữ kín bởi các điều luật phức tạp của Liechtenstein, quốc gia châu Âu nhỏ bé với danh tiếng sánh ngang Quần đảo Cayman về bảo mật tài chính.
Có hai công ty mua phần lớn tài sản của Crypto. Công ty đầu, CyOne Security, được thành lập nhằm thực hiện vụ thôn tính và hiện đang cung cấp các hệ thống an ninh chỉ riêng cho chính phủ Thụy Sĩ. Công ty còn lại, Crypto International, tiếp quản thương hiệu và mảng kinh doanh quốc tế của Crypto cũ.
Cả hai đều khẳng định không còn mối liên hệ nào với tình báo, song chỉ một công ty tuyên bố là họ không hay biết gì về cổ phần của CIA trước đây. Đó là tuyên bố của họ khi trả lời TWP, ZDF, và hãng phát sóng Thụy Sĩ SRF, bên cũng có quyền truy cập các tài liệu này.
CyOne có nhiều liên hệ đáng kể với Crypto cũ hơn, bao gồm việc giám đốc điều hành của họ cũng từng nắm vị trí tương tự ở Crypto suốt gần hai thập niên khi CIA còn giữ quyền sở hữu.
Một người phát ngôn của CyOne từ chối bình luận về bất kì khía cạnh lịch sử nào của Crypto AG, song nói hãng mới “không có liên hệ với bất kì cơ quan tình báo nước ngoài nào.”
Andreas Linde, chủ tịch của công ty hiện giữ quyền đối với các sản phẩm và mảng kinh doanh quốc tế của Crypto, nói ông không hề hay biết về mối quan hệ giữa công ty với CIA và BND trước khi các tài liệu được công bố.
“Chúng tôi tại Crypto International không hề có bất kì quan hệ nào với CIA và BND – và xin hãy trích nguyên lời tôi,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nếu những gì các bạn nói là sự thật, thì tôi hoàn toàn cảm thấy bị phản bội, và gia đình tôi thấy bị phản bội, và tôi cho rằng rất nhiều nhân viên cũng như khách hàng cũng sẽ thấy bị phản bội.”
Chính phủ Thụy Sĩ nói hồi thứ Ba (11/02/2020) rằng họ đang mở một cuộc điều tra vào mối liên hệ giữa Crypto AG với CIA và BND. Đầu tháng này, các quan chức Thụy Sĩ đã thu hồi giấy phép xuất khẩu của Crypto International.
Thời điểm Thụy Sĩ có động thái này rất đáng ngờ. Tài liệu CIA và BND cho thấy các quan chức Thụy Sĩ đã phải biết từ lâu về quan hệ giữa Crypto với các cơ quan tình báo Mỹ và Đức, song họ chỉ can thiệp sau khi phát hiện báo đài sắp sửa phơi bày vụ việc.
Các báo cáo, không hề nói rõ khi nào hoặc liệu CIA có chấm dứt sự tham gia của mình hay không, phản ánh thái độ thiên vị rõ ràng thường thấy của các tài liệu được viết dựa trên quan điểm của các kiến trúc sư chương trình. Họ miêu tả Rubicon (tên mật của chương trình) là một thắng lợi tình báo, giúp Hoa Kỳ đạt ưu thế trong Chiến tranh Lạnh, kiểm soát hàng chục chế độ độc tài và bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ cùng các đồng minh.
Các tài liệu phần lớn không đề cập đến các câu hỏi khó hơn, bao gồm việc Mỹ đã biết gì – và họ đã làm hoặc không làm gì – về những nước có sử dụng máy móc của Crypto trong khi tham gia vào các kế hoạch ám sát, các chiến dịch thanh lọc sắc tộc và vi phạm nhân quyền.
Tiết lộ từ các tài liệu có thể khiến ta quay lại đặt câu hỏi rằng liệu Mỹ có ở thế có thể can thiệp vào, hay chí ít là công khai, các thảm họa quốc tế, và liệu Mỹ có từng từ chối làm vậy nhằm tránh để lộ nguồn tin tình báo vô giá của mình hay không.
Các tài liệu cũng không hề đề cập đến các vấn đề đạo đức hiển hiện từ trong cốt lõi của chương trình: lừa dối và khai thác các đối thủ, đồng minh, và qua mặt hàng trăm nhân viên của Crypto. Nhiều người đi khắp thế giới chào bán các hệ thống đã bị can thiệp mà không hề hay biết rằng điều này đe dọa sự an toàn của chính họ.
Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, các nhân viên bị lừa dối – kể cả những người bắt đầu hoài nghi từ khi còn làm việc rằng công ty của họ đang hợp tác với tình báo phương Tây – cho biết việc phơi bày các tài liệu đã làm sâu sắc cảm giác bị phản bội, của chính họ và các khách hàng.
“Bạn nghĩ bạn đang làm việc tốt và đang giúp bảo mật,” theo lời Juerg Spoerndli, một kĩ sư điện tử làm việc 16 năm cho Crypto. “Và rồi bạn nhận ra bạn đã lừa dối các khách hàng này.”
Những người vận hành chương trình siêu bí mật này tiếp tục thể hiện thái độ không tiếc nuối.
“Liệu tôi có tí dằn vặt nào không ư? Không!” theo lời Bobby Ray Inman, giám đốc NSA và phó giám đốc CIA giai đoạn cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. “Đó là một nguồn tin tình báo đầy giá trị về một phần lớn thế giới, có vai trò quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ.”
Chiến dịch “chống tiếp cận”
Chương trình tinh vi, phức tạp này khởi nguồn từ nhu cầu có một thiết bị mã hóa đơn giản nhưng gọn nhẹ của quân đội Mỹ.
Boris Hagelin, nhà sáng lập Crypto, là một doanh nhân và nhà phát minh sinh ở Nga, nhưng chạy đến Thụy Điển sau khi phe Bolshevik nắm quyền. Ông di cư một lần nữa đến Hoa Kỳ khi phát xít Đức chiếm Na-uy vào năm 1940.
Người đàn ông này mang theo mình một chiếc máy mã hóa trông giống một hộp nhạc được gia cố, với một lắp quay tay đóng chắc bên hông cùng các cấu trúc và chong chóng kim loại đặt dưới vỏ hộp kim loại cứng.
Vật này không tinh vi, hay bảo mật, như các máy Enigma của Phát xít Đức. Song máy M-209 của Hagelin lại nhỏ gọn, chạy cơ tay và hữu dụng cho binh sĩ trên đường hành quân. Các bức hình ghi lại cho thấy binh lính mang những chiếc hộp nặng 4kg – cùng cỡ với một cuốn sách lớn – buộc xuống dưới gối. Nhiều thiết bị của Hagelin vẫn còn được giữ lại tại một bảo tàng tư nhân ở Eindhoven, Hà Lan.
Để gửi được một thông điệp mật từ thiết bị này rất tốn công. Người dùng sẽ phải xoay vòng quay chữ, từng chữ một, và xoay mạnh lắp quay tay. Các bộ phận bên trong sẽ xoay và đưa ra một thông điệp đã mã hóa trên một mảnh giấy. Một sĩ quan thông tin sau đó truyền thông điệp này bằng mã Morse tới người nhận, người sẽ làm ngược lại quy trình để đọc mã.
Mức độ bảo mật của nó yếu tới nỗi gần như ai cũng tin rằng bất kì kẻ địch nào cũng sẽ có thể giải được mã nếu có đủ thời gian. Song việc này mất hàng giờ. Và bởi vì các máy này chỉ được dùng để gửi các thông điệp chiến thuật về hướng tiến quân, nên đến khi Phát xít Đức giải mã được thì giá trị của nó đã không còn.
Trong suốt cuộc chiến, khoảng 140.000 máy M-209 đã được chế tạo tại nhà máy đánh chữ Smith Corona ở Syracuse, bang New York, thông qua một hợp đồng giữa Crypto với quân đội Mỹ trị giá 8,6 triệu đô. Sau cuộc chiến, Hagelin quay về Thụy Điển để mở lại nhà máy của ông, mang theo một tài sản cá nhân lớn và một lòng trung thành suốt đời với nước Mỹ.
Dù vậy, các đặc vụ Mỹ vẫn cảnh giác với các hoạt động hậu chiến của ông. Đầu những năm 1950, ông phát triển một phiên bản tốt hơn của chiếc máy thời chiến với trình tự đọc mã cơ mới, “khác thường” mà trong một khoảng thời gian đã làm bất ngờ các nhà giải mã Mỹ.
Cảnh giác trước khả năng của chiếc máy CX-52 mới và các thiết bị khác đang được Crypto lên kế hoạch, các quan chức Mỹ bắt đầu thảo luận về “vấn đề Hagelin.”
Đó là “Những ngày Đen tối của ngành cơ yếu Hoa Kỳ,” theo báo cáo của CIA. Liên Xô, Trung Quốc, và Bắc Triều Tiên dùng các hệ thống tạo mã gần như không thể xuyên thủng được. Các cơ quan tình báo Mỹ lo ngại phần còn lại của thế giới cũng sẽ “đen tối đi” nếu các nước có thể mua thiết bị bảo mật của Hagelin.
Người Mỹ có nhiều đòn bẩy ảnh hưởng đối với Hagelin: ông thân thuộc với ý thức hệ của Mỹ, ông hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục là một khách hàng lớn, cùng với mối đe dọa tiềm tàng rằng người Mỹ có thể gây hại cho tương lai công ty ông bằng cách bán tháo các máy M-209 dư thừa sau cuộc chiến.
Hoa Kỳ còn có một át chủ bài: William Friedman. Thường được công nhận là cha đẻ của ngành mã học Mỹ, Friedman quen biết Hagelin từ những năm 1930. Họ có một tình bạn lâu dài vì cùng một xuất thân và đam mê, tức cùng gốc Nga và cùng say mê sự phức tạp của công việc mã hóa.
Có lẽ đã chẳng có Chương trình Rubicon nếu hai người đàn ông này không bắt tay nhau về một thỏa thuận mật đầu tiên giữa Hagelin và tình báo Mỹ tại một bữa ăn tối ở quán Cosmos ở Washington năm 1951.
Thỏa thuận yêu cầu Hagelin, người đã chuyển công ty sang Thụy Sĩ, chỉ bán các thiết bị tinh vi nhất của hãng cho các quốc gia được chấp thuận bởi Mỹ. Các nước không có trong danh sách sẽ chỉ được bán các hệ thống cũ và yếu hơn. Hagelin sẽ được đền bù cho phần doanh thu tổn thất: 700.000 đô trả trước.
Phải mất vài năm để Hoa Kỳ định rõ đường đi nước bước của mình, khi mà các quan chức hàng đầu ở CIA và NSA mãi cãi nhau về các điều khoản và lợi ích của chương trình. Nhưng Hagelin tôn trọng thỏa thuận ngay từ đầu, và trong vòng hai thập niên kế tiếp, mối quan hệ bí mật của ông với các cơ quan tình báo Mỹ càng sâu sắc hơn.
Năm 1960, CIA và Hagelin đồng ý với một “thỏa thuận cấp phép” chi trả cho ông 855.000 đô để ông tiếp tục kế hoạch ban đầu. Sau đó, cơ quan này trả khoản phí duy trì 70.000 đô mỗi năm và bắt đầu bơm cho công ty các khoản 10.000 đô phí “tiếp thị” để bảo đảm rằng Crypto – chứ không phải các công ty mới nổi trên thị trường mã hóa – mới là bên kí được các hợp đồng bảo mật với các chính phủ trên khắp thế giới.
Đó là một “chiến dịch chống tiếp cận” điển hình theo cách nói của giới tình báo, một kế hoạch được lập nên nhằm ngăn chặn kẻ thù sở hữu các loại vũ khí hoặc công nghệ sẽ mang lại lợi thế cho họ. Dù vậy, đó chỉ mới là bước khởi đầu của mối hợp tác giữa Crypto và tình báo Mỹ. Trong vòng một thập niên tiếp theo, toàn bộ chương trình rơi vào tay CIA và BND.
Một thế giới mới tươi đẹp
Các quan chức Mỹ ngay từ đầu đã thăm dò xem liệu Hagelin có sẵn sàng để các nhà mã học Mỹ tùy chỉnh các thiết bị của ông hay không. Song Friedman cản họ, tin rằng Hagelin sẽ xem đó là một bước quá xa.
CIA và NSA nhận thấy một cơ hội mới vào giữa những năm 1960, khi sự lan truyền của mạch điện tử buộc Hagelin phải chấp nhận hỗ trợ từ bên ngoài để thích nghi với công nghệ mới, hoặc dần đi vào suy thoái nếu tiếp tục bám lấy thiết bị cơ học.
Các nhà mã học của NSA cũng đồng thời nhận thấy ảnh hưởng tiềm tàng của vi mạch, thứ dường như sẽ mở ra thời kỳ của công nghệ mã hóa không thể bị phá. Song một trong những nhà phân tích cấp cao của cơ quan này, Peter Jenks, lại xác định được một lỗ hổng tiềm năng.
Nếu “được thiết kế một cách cẩn thận bởi một nhà toán học – mã học thông minh,” ông nói, một hệ thống dựa trên mạch điện tử có thể trông như một chuỗi vô tận các ký tự ngẫu nhiên, trong khi trên thực tế nó lặp lại chính mình với các khoảng đủ ngắn để chuyên gia của NSA – và những chiếc máy tính mạnh mẽ của họ – có thể giải mã.
Hai năm sau, năm 1967, Crypto ra mắt dòng máy mới, hoàn toàn điện tử, máy H-460, với toàn bộ phần lõi bên trong được thiết kế bởi NSA.
Báo cáo của CIA rất hả hê khi nói về bước phát triển này. “Hãy tưởng tượng chính phủ Mỹ thuyết phục được một nhà sản suất nước ngoài tùy chỉnh thiết bị của mình theo ý Mỹ,” báo cáo nói. “Hãy nói về một thế giới mới tươi đẹp.”
NSA đã không cài đặt các “cửa hậu” hay bí mật lập trình để các thiết bị làm lộ chìa khóa mã. Và cơ quan này vẫn phải đối mặt với công việc khó khăn là chặn được các liên lạc mật của các chính phủ, bất kể là tín hiệu truyền trong không khí, hay trong những năm sau này, là can thiệp vào đường dẫn cáp quang.
Nhưng việc thao túng các thuật toán của Crypto đã giúp hợp lý hóa quy trình phá mã, đôi khi giúp giảm quy trình xuống chỉ còn vài giây một công việc vốn đã từng tiêu tốn hàng tháng trời. Công ty luôn sản xuất ít nhất hai phiên bản của các sản phẩm – dòng bảo mật bán cho các chính phủ thân thiện (với Mỹ), và dòng bị tùy chỉnh bán cho phần còn lại của thế giới.
Trong quá trình này, mối hợp tác Hoa Kỳ-Hagelin đã tiến hóa từ “chống tiếp cận” sang “biện pháp chủ động”. Crypto không còn chỉ bán các thiết bị tốt nhất, mà giờ đây còn bán các thiết bị đã được tùy chỉnh để phản bội chính khách hàng của mình.
Lợi ích của việc này không chỉ dừng lại ở quyền theo dõi các thiết bị. Bước chuyển của Crypto sang hệ thống điện tử giúp doanh thu tăng trưởng lớn đến nỗi họ trở nên ưa thích việc phụ thuộc vào NSA. Các chính phủ nước ngoài cũng thích các thiết bị mới vốn trông tốt hơn hẳn các máy cơ nặng nề, không hề biết rằng chúng dễ bị tình báo Mỹ theo dõi hơn.
Cái bắt tay Đức-Mỹ
Cuối những năm 1960, Hagelin đã gần 80 tuổi và trăn trở cách bảo vệ tương lai của công ty, bấy giờ đã thuê tới 180 nhân viên. Các quan chức CIA cũng lo lắng về tương lai của chương trình nếu Hagelin bất ngờ bán công ty hoặc qua đời.
Hagelin từng muốn con trai mình, Bo, kế tục. Nhưng các quan chức tình báo Mỹ chỉ xem anh này là “kẻ ngoài lề” và cố gắng che đậy mối hợp tác khỏi mắt Bo. Bo Hagelin chết trong một tai nạn xe hơi ở Đường vành đai Washington vào năm 1970. Không có dấu hiệu chơi xấu.
Các quan chức tình báo Mỹ thảo luận việc mua Crypto suốt nhiều năm, song tranh cãi giữa NSA và CIA ngăn trở kế hoạch này mãi cho đến khi chương trình chào đón thêm hai cơ quan tình báo mới.
Người Pháp, Tây Đức và các cơ quan tình báo Châu Âu khác đã được nghe nói về hợp tác giữa Mỹ với Crypto, hoặc đã tự mình phát hiện ra. Một số đã ganh tỵ và tìm cách đạt được một thỏa thuận tương tự cho chính mình.
Năm 1967, Hagelin được cơ quan tình báo Pháp đề nghị mua lại công ty trong một liên doanh với tình báo Đức. Hagelin từ chối và báo về cho CIA. Nhưng rồi 2 năm sau, người Đức quay lại với lời đề nghị hợp tác mới, lần này với sự ủng hộ của người Mỹ.
Trong một cuộc gặp đầu năm 1969 tại Đại sứ quán Tây Đức ở Washington, người đứng đầu cơ quan mật mã của nước này, Wilhelm Goeing, đưa ra đề nghị và đánh tiếng xem liệu người Mỹ “có hứng thú cùng trở thành đối tác không.”
Vài tháng sau, Giám đốc CIA Richard Helms chấp thuận kế hoạch mua Crypto và cử một cấp dưới đến Bonn (thủ đô Tây Đức) để vạch rõ các điều khoản cùng một điều kiện tiên quyết: người Pháp phải bị “dẹp qua một bên,” theo lời các quan chức CIA nói với Goeing.
Tây Đức đồng ý với Mỹ, và thỏa thuận giữa hai cơ quan tình báo được ghi lại trong một bản ghi nhớ vào tháng 6 năm 1970, trong đó bao gồm chữ ký run run của một quan chức CIA cấp cao ở Munich, người lúc đó đang ở kì đầu của bệnh Parkinson, bên cạnh chữ ký không tài nào đọc được của người đồng cấp BND.
Hai cơ quan đồng ý góp số vốn bằng nhau để mua số cổ phần của Hagelin với giá khoảng 5,75 triệu đô, song CIA gần như tín thác cho người Đức việc che giấu giao dịch này khỏi mắt công chúng.
Một hãng luật Liechtenstein, Marxer and Goop, đã giúp che giấu danh tính của những người sở hữu mới bằng một loạt các công ty vỏ bọc và loại cổ phiếu không yêu cầu danh tính trong tài liệu đăng ký. Hãng này được trả một khoản tiền hàng năm “không phải vì công việc nặng nhọc mà nhằm khiến họ im lặng và chấp nhận,” báo cáo của BND nói. Hãng này, giờ mang tên Marxer and Partner, từ chối bình luận.
Một hội đồng quản trị mới được thành lập để quản lý công ty. Chỉ một thành viên của nó, Sture Nyberg, người từng được Hagelin ủy thác quản lý công việc hằng ngày, biết việc CIA có tham gia. “Thông qua cơ chế này,” báo cáo của CIA viết, “CIA và BND kiểm soát các hoạt động” của Crypto. Nyberg rời công ty vào năm 1976. Chúng tôi không thể tìm ra và cũng không thể xác định được liệu ông còn sống hay không.
Hai cơ quan tình báo tổ chức họp thường kỳ để quản lý chương trình. CIA dùng một căn cứ bí mật ở Munich, ban đầu tại một cơ sở được dùng bởi quân đội Mỹ và về sau nằm trong tầng mái của một tòa nhà gần lãnh sự quán Mỹ, làm tổng hành dinh của chương trình.
CIA và BND thống nhất tên bí mật của chương trình và các cấu thành của nó. Crypto được gọi là “Minerva,” đồng thời cũng là tên bản báo cáo của CIA. Chương trình có tên bí mật ban đầu là “Thesaurus,” và từ những năm 1980 gọi là “Rubicon.”
Mỗi năm, CIA và BND phân chia số lợi nhuận Crypto mang lại, theo báo cáo của Đức; BND lo việc kế toán và chuyển tiền cho CIA tại một hầm ga-ra đỗ xe.
Từ đầu, mối hợp tác bị bao phủ bởi bất đồng và căng thẳng lặt vặt. Đối với các điệp viên CIA, BND trông quá tập trung vào lợi nhuận, và người Mỹ phải “liên tục nhắc nhở người Đức rằng đây là một chương trình tình báo, không phải công việc làm ăn.” Trong khi đó, người Đức choáng váng với việc Mỹ sẵn sàng do thám tất cả chỉ trừ các đồng minh thân cận nhất, trong số mục tiêu có cả các đồng minh NATO như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ý.
Nhận thức rõ hạn chế của mình trong việc vận hành một hãng công nghệ, hai cơ quan mang vào chương trình các công ty tư nhân. Người Đức bổ sung Siemens, một tập đoàn đóng ở Munich, để cố vấn cho Crypto về các vấn đề kinh doanh và công nghệ, đổi lấy 5% doanh số của công ty. Ở chiều ngược lại, Mỹ bổ sung Motorola để sửa các thiết bị dính lỗi, đánh một tín hiệu rõ ràng cho vị CEO rằng việc này được thực hiện cho tình báo Mỹ. Siemens từ chối bình luận. Các quan chức Motorola cũng không phản hồi yêu cầu bình luận.
Dù không hài lòng, Đức chưa bao giờ được kết nạp vào nhóm “Five Eyes” nức tiếng, liên minh tình báo lâu đời giữa Mỹ, Anh, Úc, Canada, và New Zealand. Nhưng với cái bắt tay Crypto, Đức tiến gần vào vòng thân cận với tình báo Mỹ hơn so với khi Thế chiến 2 vừa kết thúc. Với sự hậu thuẫn bí mật của hai cơ quan tình báo hàng đầu thế giới và hỗ trợ từ hai trong số các công ty lớn nhất thế giới, việc kinh doanh của Crypto nở rộ.
Một bảng kê trong báo cáo của CIA cho thấy doanh số tăng từ 15 triệu Franc Thụy Sĩ vào năm 1970 lên hơn 51 triệu vào năm 1975 (19 triệu đô). Bảng lương của công ty giờ có tới 250 nhân viên.
“Vụ mua lại Minerva đã mang lại một khoản lợi nhuận tốt,” bản báo cáo CIA bình luận về giai đoạn này. Chương trình từ đây bước vào hai thập niên do thám chưa từng có đối với liên lạc của các chính phủ nước ngoài.
Iran nghi ngờ
Đế chế nghe lén khổng lồ của NSA trong nhiều năm được tổ chức xoay quanh ba mục tiêu địa lý chủ yếu, theo mã alphabet: A cho Liên Xô, B cho châu Á, và G cho phần còn lại.
Đầu những năm 1980, hơn một nửa tin tình báo của nhóm G được gửi về từ thiết bị của Crypto, trở thành điểm tựa của các quan chức Mỹ hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác.
Năm 1978, khi các lãnh đạo của Ai Cập, Israel, và Hoa Kỳ gặp nhau ở Trại David bàn luận về một thỏa thuận hòa bình, NSA đã bí mật theo dõi giao tiếp giữa Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và thủ đô Cairo.
Một năm sau, sau khi các tay súng Iran tấn công đại sứ quán Mỹ và bắt 52 người làm con tin, chính quyền Carter đã tìm cách giải cứu họ bằng các kênh bí mật thông qua Algeria (cụ thể theo báo cáo, Mỹ đã nghe lén các giao tiếp bí mật của Algeria, nước lúc ấy đóng vai trò trung gian, để xác định thái độ thật của Iran). Inman, người khi ấy là giám đốc NSA, nói Tổng thống Jimmy Carter thường xuyên gọi điện hỏi ông về phản ứng của Ayatollah Khomeini đối với các thông điệp mới nhất (từ phía Mỹ).
“Chúng tôi có thể trả lời 85% số câu hỏi của ông ấy,” theo lời Inman. Đó là vì Iran và Algeria dùng thiết bị của Crypto.
Inman nói chương trình đã đặt ông vào thế khó nhất trong suốt sự nghiệp công chức của mình. Tại một thời điểm, NSA đã phát hiện các giao tiếp của Libya cho thấy em trai của tổng thống, Billy Carter, đang vận động cho lợi ích của Libya ở Washington và được trả lương bởi Moammar Gaddafi.
Inman thông báo sự việc cho Bộ Tư pháp. FBI mở một cuộc điều tra vào Billy Carter, người bác bỏ việc có nhận lương. Cuối cùng, ông này không bị xét xử nhưng đồng ý đăng ký làm một người vận động hành lang cho chính phủ nước ngoài.
Trong những năm 1980, danh sách khách hàng của Crypto trông hệt như các điểm nóng toàn cầu. Trong năm 1981, Saudi Arabia là khách hàng lớn nhất của Crypto, theo sau là Iran, Italy, Indonesia, Iraq, Libya, Jordan, và Hàn Quốc.
Để bảo vệ vị thế thị trường, Crypto và các cổ đông bí mật tiến hành chơi bẩn các đối thủ kinh doanh, theo tài liệu, và hối lộ các quan chức chính phủ. Crypto từng gửi một quản lý đến Riyadh, Saudi Arabia, với 10 chiếc đồng hồ Rolex trong hành lý, theo báo cáo của BND; sau đó, người này tổ chức một chương trình đào tạo cho các quan chức Saudi ở Thụy Sĩ, nơi “thú vui yêu thích của họ là đến thăm các nhà thổ, được chi trả bởi công ty.”
Đã có lúc, động lực bán hàng dẫn đến việc bán cho cả các nước không được trang bị tốt để vận hành các hệ thống phức tạp. Nigeria từng mua một lô lớn máy móc của Crypto, để rồi hai năm sau, khi chẳng thấy có thu thập tình báo gì, công ty đã gửi một đại diện đến tìm hiểu. “Người này phát hiện các thiết bị được để trong kho và vẫn còn nguyên kiện,” theo tài liệu của Đức.
Năm 1982, chính quyền Reagan đã lợi dụng việc Argentina phụ thuộc vào thiết bị của Crypto để mớm tin tình báo cho Anh về cuộc chiến ngắn ngày ở Quần đảo Falklands, theo tài liệu của CIA (song không nói rõ người Anh đã nhận được thông tin gì). Các báo cáo chủ yếu nói khái quát về các tin tình báo mà không nói cụ thể nó đã được dùng ra sao.
Reagan suýt làm lộ chương trình Crypto sau khi Libya dính vào vụ đánh bom một sàn disco ở Tây Berlin thường được lính Mỹ đóng tại Tây Đức lui tới hồi năm 1986 (trong hình). Hai lính Mỹ và một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.
Reagan ra lệnh ném bom trả đũa Libya trong 10 ngày tiếp theo. Trong số các nạn nhân được ghi nhận có một cô con gái của Gaddafi. Trong bài phát biểu trước toàn quốc thông báo về vụ không kích, Reagan nói Mỹ có bằng chứng “cụ thể, chính xác, và không thể chối cãi” về tội đồng lõa của Libya.
Chứng cứ này, Reagan nói, cho thấy sứ quán Libya ở Đông Berlin nhận được chỉ thị tiến hành cuộc tấn công một tuần trước sự kiện. Một ngày sau vụ đánh bom, “họ báo cáo về Tripoli rằng chiến dịch đã thành công mỹ mãn.”
Câu văn của Reagan cho thấy giao tiếp giữa Tripoli và sứ quán ở Đông Berlin đã bị chặn và giải mã. Song Libya không phải là bên duy nhất để ý đến lời của Reagan.
Iran, bên biết rõ Libya cũng dùng các thiết bị của Crypto, đã cực kỳ lo lắng về khả năng bảo mật của thiết bị họ đang dùng. Nhưng Tehran không có phản ứng nào dù nghi ngờ, cho đến tận 6 năm sau.
Kẻ không thể thay thế
Sau vụ mua lại của CIA và BND, một trong những vấn đề nhức nhối nhất của các đối tác bí mật này là giữ cho nhân viên của Crypto luôn tuân phục và không nghi ngờ.
Dù hoạt động ngầm, hai cơ quan vẫn cố gắng duy trì cách tiếp cận nhân hậu của Hagelin trong việc quản lý công ty. Các nhân viên được trả rất khá và có vô số đãi ngộ, bao gồm quyền sử dụng một con thuyền buồm neo ở Hồ Zug gần trụ sở công ty.
Dù vậy, những người tiếp cận gần nhất với công đoạn thiết kế mã hóa cũng đã có vô số lần suýt khám phá ra bí mật lớn nhất của công ty. Các kỹ sư và nhà thiết kế chịu trách nhiệm phát triển các nguyên mẫu sản phẩm thường xuyên nghi ngờ những thuật toán bỗng được lén đưa vào bởi một thực thể bí ẩn bên ngoài.
Các quản lý của Crypto thường làm cho nhân viên tin rằng các thiết kế được thêm vào là một phần của thỏa thuận tư vấn với Siemens. Và ngay cả như thế, tại sao các lỗ hổng mã hóa lại dễ bị phát hiện như vậy, và tại sao các kĩ sư của Crypto thường xuyên bị chặn không được sửa chúng?
Năm 1977, Heinz Wager, giám đốc điều hành của Crypto, người nắm rõ vai trò của CIA và BND, đột ngột sa thải một kĩ sư cứng đầu sau khi NSA than phiền rằng giao tiếp ngoại giao từ Syria bỗng không thể đọc được. Kĩ sư này, Peter Frutiger, từ lâu đã nghi ngờ Crypto bắt tay với tình báo Đức. Ông đã đến Damascus nhiều lần để giải quyết những than phiền về sản phẩm của Crypto và dĩ nhiên đã tự mình sửa các thiết bị mà không hỏi ý tổng hành dinh.
Frutiger “đã phát hiện ra bí mật Minerva và do đó anh ta không an toàn,” theo báo cáo của CIA. Dẫu thế, cơ quan này đã rất hài lòng khi Wagner sa thải luôn Frutiger thay vì chỉ tìm cách bịt miệng ông. Frutiger từ chối bình luận về câu chuyện.
Các quan chức Mỹ còn cảnh giác hơn nữa khi Wagner thuê một kĩ sư điện tài năng vào năm 1978, Mengia Caflisch. Bà này trước đó từng là nhà nghiên cứu thiên văn vô tuyến lâu năm ở Đại học Maryland, Mỹ, trước khi quay về Thụy Sĩ và nộp đơn vào Crypto. Wagner chớp ngay cơ hội thuê bà. Song các quan chức NSA mau chóng e ngại bà “quá giỏi để có thể bị thao túng”.
Lời cảnh giác thành hiện thực khi Caflisch sớm đi vào điều tra các lỗ hổng trên sản phẩm của công ty. Bà cùng với Spoerndli, một đồng nghiệp ở phòng nghiên cứu, đã chạy nhiều bài kiểm tra và các cuộc tấn công đoán mã trên các thiết bị bao gồm cả máy điện báo đánh chữ HC-570, dòng máy được sản xuất dựa trên công nghệ của Motorola, Spoerndli nói trong một lần trả lời phỏng vấn.
“Chúng tôi điều tra cách vận hành bên trong, và các phụ thuộc của từng bước,” theo lời Spoerndli, và nhận ra rằng họ có thể giải mã chỉ bằng cách so sánh 100 kí tự mã hóa với một thông điệp ẩn, chưa mã hóa. Một mức bảo mật cực kì thấp, Spoerndli nói trong cuộc phỏng vấn tháng trước, nhưng điều đó không có gì bất thường.
“Các thuật toán,” theo bà, “luôn trông rất đáng ngờ.”
Trong những năm kế tiếp, Caflisch tiếp tục tạo ra rắc rối. Có thời điểm, bà thiết kế một thuận toán mạnh đến nỗi các quan chức NSA lo ngại sẽ không thể đọc được. Thiết kế này đã được gắn vào 50 máy HC-740 sắp xuất xưởng cho đến khi ban lãnh đạo phát hiện và cho ngừng.
“Tôi chỉ nghĩ rằng có gì đó rất lạ,” Caflisch chia sẻ trong buổi phỏng vấn tháng trước khi được hỏi về nguyên do khiến bà nghi ngờ. Rõ ràng là cuộc điều tra của bà không được hoan nghênh, bà nói. “Không phải câu hỏi nào cũng được họ mong chờ.”
Công ty đã khôi phục thuật toán được tùy chỉnh lên phần còn lại của lô hàng và bán 50 máy có bảo mật đến các ngân hàng để khỏi lọt vào tay các chính phủ nước ngoài. Bởi vì các sáng kiến như thế của bà không dễ để bảo vệ, Wagner từng nói với một nhóm nhân viên thân cận của phòng nghiên cứu và phát triển rằng Crypto “không thể hoàn toàn tự ý làm điều mình muốn.”
Lời tuyên bố này dường như nhằm xoa dịu các kỹ sư, những người xem nó như một sự xác nhận rằng công nghệ của công ty bị kiểm soát bởi chính phủ Đức. Song CIA và BND ngày càng tin rằng sự can thiệp thường xuyên và đáng ngờ của họ sẽ khó kéo dài.
Crypto trở nên hệt như bộ phim “Phù thủy xứ Oz”, nơi mà các nhân viên cố tìm xem điều gì ẩn sau bức màn. Khi thập niên 1970 dần kết thúc, hai bên đối tác quyết định tìm một nhân vật phù thủy có thể giúp sửa các lỗ hổng thuật toán để chúng trở nên tinh vi hơn và khó bị phát hiện hơn, một người đủ am hiểu về mã học để khống chế phòng nghiên cứu.
Hai đối tác đã dò hỏi các cơ quan tình báo khác để tìm ứng viên tiềm năng trước khi quyết định đồng hành với một người do tình báo Thụy Điển đề cử. Vì mối quan hệ mật thiết giữa Hagelin với nước này, Thụy Điển biết về chương trình từ những ngày đầu tiên.
Kjell-Ove Widman, một giáo sư toán học ở Stockholm, đã nổi danh khắp giới học thuật Châu Âu vì các nghiên cứu của ông trong ngành mã học. Widman đồng thời là một lính dự bị và đã làm việc cùng các quan chức tình báo Thụy Điển.
Đối với CIA, Widman còn có một lợi thế quan trọng khác: thái độ thân Mỹ mà ông có được từ hồi làm sinh viên trao đổi ở bang Washington.
Thời đó, gia đình giám hộ của Widman không thể đọc được tên ông nên đã gọi ông là “Henry,” một biệt danh về sau được ông dùng để giao tiếp với các đặc vụ CIA.
Các quan chức có tham gia vào quy trình tuyển dụng Widman cho biết họ gần như chẳng phải làm gì. Sau khi được các đặc vụ Thụy Điển giới thiệu, ông được đưa tới Munich vào năm 1979 cho vòng phỏng vấn với các quan chức Crypto và Siemens.
Câu chuyện kể rằng Widman được phỏng vấn bởi khoảng nửa tá đàn ông ngồi quanh một chiếc bàn trong một phòng hội nghị khách sạn. Khi họ giải lao, hai quan chức yêu cầu Widman ở lại để trò chuyện riêng.
“Ông biết ZfCh là gì không?” là câu hỏi của Jelto Burmeister, đặc vụ quản lý của BND, dùng các chữ cái đầu trong tên của cơ quan tình báo mật mã Đức. Khi Widman nói ông biết, Burmeister nói, “Giờ thì, ông có biết ai thực sự sở hữu Crypto AG không?”
Đến lúc này, Widman được giới thiệu với Richard Schroeder, một quan chức CIA đóng ở Munich để quản lý công việc của CIA ở Crypto. Widman về sau này nói với các sử gia nội bộ (của các cơ quan) rằng “thế giới của tôi quay cuồng” tại thời điểm đó.
Thế nhưng ông không hề lưỡng lự ghi tên mình vào chương trình.
Thậm chí không phải rời căn phòng, Widman kết thúc buổi tuyển dụng với một cú bắt tay. Khi ba người tham gia cùng những người còn lại trong nhóm để ăn trưa, dấu hiệu ngón tay cái chỉ lên trời của một người đã biến cuộc họp thành một buổi ăn mừng.
Crypto đặt Widman làm “cố vấn khoa học,” báo cáo trực tiếp lên Wagner. Ông trở thành điệp viên bên trong công ty của hai cơ quan mật vụ, rời Zug mỗi 6 tuần để bí mật gặp các đại diện từ NSA và ZfCh. Schroeder, vị quan chức CIA, sẽ đến dự nhưng không tham gia vào các buổi tranh luận công nghệ của họ.
Họ sẽ nhất trí về các sửa đổi và thảo luận xây dựng trình tự mã hóa mới. Widman sau đó đem thiết kế đến cho các kỹ sư Crypto. Báo cáo của CIA gọi ông là “kẻ không thể thay thế,” và “vụ tuyển dụng quan trọng nhất trong lịch sử của chương trình Minerva.”
Lý lịch của ông khiến cấp dưới không thể chống cự, khiến ông có được “một sự nổi trội về mặt công nghệ không người nào ở CAG có thể thách thức.” Nó cũng giúp xua tan những nghi ngờ cùa các chính phủ nước ngoài. Với việc Widman tham gia, các đối tác bí mật xây dựng một chuỗi quy tắc cho các thuật toán tùy chỉnh, theo báo cáo của BND. Chúng phải “không thể bị phát hiện bởi các bài test thống kê thông thường” và nếu bị phát hiện, phải “dễ dàng bị xem là do lỗi con người.”
Nói cách khác, nếu bị dồn vào chân tường, Crypto chỉ cần đổ lỗi cho nhân viên cẩu thả hoặc người dùng thiếu kiến thức.
Năm 1982, khi Argentina tin rằng các thiết bị của Crypto đã mớm các thông tin bí mật cho lực lượng Anh trong Chiến tranh Falklands, Widman đã được cử đến Buenos Aires. Widman nói với họ rằng khả năng cao NSA đã truy cập một thiết bị ghi âm cũ Argentina đang dùng, còn thiết bị chính họ mua từ Crypto, máy CAG 500, vẫn “không thể bị xuyên thủng.”
“Nó đã hiệu quả,” theo báo cáo của CIA. “Người Argentina khó chấp nhận lời giải thích, nhưng tiếp tục mua thiết bị của CAG.”
Widman đã nghỉ hưu từ lâu và hiện sống ở Thụy Điển. Ông từ chối bình luận. Nhiều năm sau khi nghỉ, ông nói với các quan chức Mỹ rằng ông thấy mình “tham gia vào một cuộc chiến quan trọng vì lợi ích của tình báo phương Tây,” theo tài liệu của CIA. “Theo ông, đó là một khoảnh khắc ông thấy mình như ở nhà. Đây là sứ mệnh của cuộc đời ông ấy.”
Cùng năm ấy, Hagelin, lúc đó 90 tuổi, bị ốm trong một chuyến đi Thụy Điển và phải nhập viện. Ông hồi phục đủ để quay về Thụy Sĩ, song các quan chức CIA lo ngại về bộ sưu tập đồ sộ các giấy tờ kinh doanh và tài liệu cá nhân của Hagelin tại văn phòng của ông ở Zug.
Schroeder, với sự cho phép của Hagelin, đã mang một va-li đến và dành nhiều ngày xem xét số giấy tờ. Với khách đến, ông được giới thiệu là một sử gia đang nghiên cứu cuộc đời của Hagelin. Schroeder lấy ra các tài liệu “đủ buộc tội,” theo báo cáo, và chuyển chúng về tổng hành dinh CIA, “nơi chúng được lưu trữ cho đến ngày nay.”
Hagelin tiếp tục nằm liệt giường cho đến khi qua đời năm 1983. TWP không thể tìm thấy Wagner và không biết liệu ông này còn sống không. Schroeder nghỉ hưu hơn một thập niên trước và dạy bán thời gian ở Đại học Georgetown. Khi được liên hệ bởi TWP, ông từ chối bình luận.
Khủng hoảng Hydra
Crypto trải qua nhiều năm thua lỗ trong thập niên 1980, song thông tin tình báo chảy vào vẫn mạnh mẽ. Các cơ quan mật vụ Mỹ chặn được hơn 19.000 giao tiếp của Iran gửi qua các thiết bị của Crypto trong suốt cuộc chiến tranh dài cả thập niên giữa Iran và Iraq, đem đến cho họ thông tin về các mối liên hệ với khủng bố của Tehran và âm mưu đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Đối với mật vụ Mỹ, các giao tiếp của Iran “có thể đọc được từ 80 cho tới 90%,” theo tài liệu của CIA, một con số có thể đã giảm xuống chỉ còn dưới 10% nếu nước này không dùng các thiết bị đã bị điều chỉnh của Crypto.
Năm 1989, việc Vatican dùng thiết bị của Crypto đã trở nên hữu ích cho Mỹ trong cuộc săn lùng nhà lãnh đạo Panama, Manuel Antonio Noriega. Khi nhà độc tài này trú ẩn trong một sứ quán của Tòa thánh, tung tích của ông đã bị lộ khi tòa đại sứ gửi tin về Vatican.
Dù vậy, năm 1992, chương trình Crypto đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên: Iran, hành động muộn màng dù đã nghi ngờ từ lâu, bắt giữ một nhân viên bán hàng của công ty.
Hans Buehler, khi ấy 51 tuổi, được xem như một trong những nhân viên bán hàng giỏi nhất của hãng. Iran là một trong các đối tác lớn nhất của công ty, và Buehler đến thăm Tehran trong suốt nhiều năm. Đã có những khoảng khắc căng thẳng, bao gồm lần ông bị các quan chức Iran tra hỏi sau vụ ném bom sàn disco và các vụ không kích của Mỹ lên đất Libya.
Sáu năm sau, ông lên một chuyến bay của Swissair để đến Tehran song không trở về theo lịch trình. Khi không thấy ông, Crypto hỏi thăm giới chức Thụy Sĩ và được biết ông đã bị Iran bắt. Các quan chức lãnh sự Thụy Sĩ được đến thăm Buehler nói ông ở trong “tình trạng tinh thần xấu,” theo tài liệu của CIA.
Buehler cuối cùng được thả 9 tháng sau, sau khi Crypto đồng ý trả cho Iran 1 triệu đô, khoản tiền được bí mật cung cấp bởi BND, theo các tài liệu. CIA từ chối can dự vào, biện luận rằng chính sách của Mỹ là không thỏa hiệp với các yêu cầu đòi tiền chuộc con tin.
Buehler không hề biết về mối quan hệ giữa Crypto với CIA và BND hay lỗ hổng trên các thiết bị. Ông về nước trong tâm trạng bàng hoàng và nghi ngờ rằng người Iran còn biết về công ty của ông nhiều hơn chính ông. Buehler bắt đầu trả lời phỏng vấn các tờ báo Thụy Sĩ về vụ bắt giữ và mối nghi ngờ ngày càng tăng của mình.
Báo giới khơi gợi lên những đầu mối đã bị bỏ quên từ lâu, bao gồm một “chương trình Boris” trong mớ tài liệu cá nhân khổng lồ của Friedman, vốn được quyên góp cho Học viện Quân sự Virginia khi ông qua đời vào năm 1969. Nằm trong 72 chiếc hộp được chuyển đến Lexington, bang Virginia, là các bản ghi lại mối quan hệ lâu dài của ông với Hagelin.
Năm 1994, cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn khi Buehler xuất hiện trên truyền hình Thụy Sĩ trong một chương trình có cả Frutiger với thân phận được che giấu khỏi khán giả. Buehler qua đời năm 2018. Frutiger, vị kỹ sư đã bị sa thải vì sửa các hệ thống mã hóa của Syria nhiều năm trước, từ chối bình luận.
Michael Grupe, người kế vị giám đốc điều hành Wagner, đồng ý xuất hiện trên truyền hình Thụy Sĩ để phân trần cho các cáo buộc mà chính ông biết là sự thật. “Pha diễn của Grupe đã tạo tin tưởng, và có thể đã cứu vãn cả chương trình,” theo tài liệu của CIA. Grupe cũng từ chối bình luận.
Dù vậy, phải mất vài năm để cuộc tranh cãi rơi vào quên lãng. Năm 1995, tờ Baltimore Sun đăng một chuỗi các câu chuyện điều tra về NSA, bao gồm một bài có tên “Rigging the Game” nhắm vào quan hệ của cơ quan này với Crypto.
Bài báo nói các quan chức NSA đã đến Zug vào giữa thập niên 1970 để họp bí mật với các lãnh đạo Crypto. Các quan chức ngụy trang dưới mác chuyên gia tư vấn của một công ty bình phong có tên “Intercomm Associates” nhưng sau đó đã giới thiệu tên thật của mình – theo bản ghi nhớ cuộc họp của một nhân viên công ty.
Giữa cuộc khủng hoảng hình ảnh công ty, một số nhân viên bắt đầu đi tìm việc khác. Và ít nhất nửa tá quốc gia – bao gồm Argentina, Italy, Arab Saudi, Ai Cập và Indonesia – đã hủy hoặc hoãn các hợp đồng với Crypto.
Đáng ngạc nhiên, Iran lại không có trong số này, theo tài liệu của CIA, và “trở lại mua thiết bị của Crypto gần như ngay lập tức.”
Tổn thất lớn nhất mà khủng hoảng “Hydra,” tên mã được đặt cho vụ Buehler, gây ra là cho mối quan hệ đối tác giữa CIA và BND.
Suốt nhiều năm, các quan chức BND đã bất đồng với việc các đối tác Mỹ từ chối phân biệt đồng minh và kẻ thù. Hai bên thường tranh cãi xem nước nào xứng đáng được nhận phiên bản bảo mật (không bị tùy chỉnh), với việc người Mỹ thường khăng khăng rằng thiết bị tùy chỉnh phải được bán cho tất cả các nước chịu mua – bất kể đồng minh hay không.
Theo báo cáo của Đức, Wolbert Smidt, cựu giám đốc BND, than phiền rằng Hoa Kỳ “muốn đối xử với các đồng minh theo cách tương tự như họ đối xử với các nước Thế giới Thứ Ba.” Một quan chức khác của BND bổ sung thêm, nói rằng đối với người Mỹ, “trong thế giới tình báo không hề có bạn bè.”
Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt, Bức tường Berlin đã bị phá bỏ và giờ đây nước Đức thống nhất có những ưu tiên và quan tâm khác xưa. Họ thấy mình sẽ bị tổn hại nhiều hơn nếu chương trình Crypto bị lộ. Vụ Hydra đã làm người Đức bối rối vì tin rằng sự can dự của họ bị công khai sẽ gây phẫn nộ khắp châu Âu và dẫn đến hệ quả kinh tế, chính trị lớn.
Năm 1993, giám đốc BND Konrad Porzner nói rõ với giám đốc CIA James Woolsey rằng sự ủng hộ của thượng tầng chính phủ Đức đang lung lay và người Đức có thể muốn rút khỏi Crypto. Ngày 9 tháng 9, trưởng cơ quan CIA ở Đức, Milton Bearden, đạt thỏa thuận với các quan chức BND về việc CIA mua lại số cổ phần của Đức với giá 17 triệu đô, theo báo cáo của CIA.
Các quan chức tình báo Đức hối tiếc về việt rút lui khỏi một chương trình họ đã dày công tạo nên. Theo báo cáo của Đức, các lãnh đạo tình báo đổ lỗi cho các lãnh đạo chính trị vì đã chấm dứt một trong những chiến dịch tình báo thành công nhất mà BND từng tham gia.
Sau khi rút khỏi chương trình, người Đức sớm bị cắt đứt khỏi các tin tình báo mà Mỹ tiếp tục thu thập. Theo báo cáo của Đức, Burmeister đã băn khoăn không biết Đức có còn thuộc “số ít các nước không bị Mỹ theo dõi” hay không.
Về sau này, các tài liệu của Snowden cho ta một câu trả lời, đó là các cơ quan tình báo Mỹ không chỉ xem Đức như một mục tiêu mà thậm chí còn nghe lén điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel.
Vẫn sống tốt
Báo cáo của CIA gần như kết thúc tại thời điểm Đức rời chương trình, mặc dù đến 2004 nó mới được viết xong và chương trình vẫn tiếp diễn.
Chẳng hạn, báo cáo miêu tả vụ Buehler là “vụ rò rỉ an ninh nghiêm trọng nhất trong lịch sử chương trình” song không phải đòn chí mạng. “Nó đã không giết chết chương trình,” báo cáo tiếp tục, “và tại thời điểm thế kỷ mới mở ra Miverva vẫn sống tốt.”
Trên thực tế, chương trình dường như rơi vào một thời kỳ sụt giảm kéo dài. Giữa những năm 1990, “những ngày ngập trong lợi nhuận đã là quá khứ,” và Crypto “có thể đã phá sản nếu chính phủ Mỹ không bơm tiền.”
Kết quả là, CIA mất nhiều năm chống đỡ cho một tổ chức có sức sống chủ yếu về mặt tình báo hơn là về kinh doanh. Sản xuất, doanh thu, và cả số khách hàng đều giảm.
Song dòng thông tin tình báo vẫn tiếp tục chảy vào, theo lời các đương kim và cựu quan chức, một phần vì sức ì quan liêu. Nhiều chính phủ chỉ đơn giản là không bao giờ thay các thiết bị của Crypto bằng những hệ thống mã hóa mới được sản xuất trong những năm 1990 và sau này. Điều này đặc biệt đúng với các nước kém phát triển hơn, theo các tài liệu.
Phần lớn các nhân viên được nhắc tới trong báo cáo của CIA và BND hiện đang ở độ tuổi 70 và 80, một số đã qua đời. Trong các cuộc phỏng vấn ở Thụy Sĩ năm ngoái, nhiều cựu nhân viên Crypto được nhắc đến trong báo cáo miêu tả cảm giác bất an vì đã từng làm việc ở công ty.
Họ chưa bao giờ được biết về mối quan hệ thực sự giữa công ty với các cơ quan tình báo. Song họ có mối nghi ngờ sâu sắc và vẫn còn áy náy về mặt đạo đức vì tiếp tục ở lại một công ty mà họ tin là tham gia vào hành vi lừa dối khách hàng.
“Bạn chỉ có thể rời đi hoặc chấp nhận,” theo lời Caflisch, người giờ 75 tuổi và đã rời công ty vào năm 1995 song tiếp tục ở lại ngoại ô Zug trong một nhà máy dệt được cải tiến, nơi bà và gia đình tổ chức nhiều buổi diễn opera bán chuyên trong nhà kho. “Có lý do để tôi rời đi,” bà nói, bao gồm nỗi nghi ngờ của bà về Crypto và mong muốn được ở nhà nhiều hơn cùng lũ trẻ. Sau khi các tài liệu được công bố gần đây, bà nói “Nó khiến tôi nghĩ có lẽ tôi nên nghỉ sớm hơn.”
Còn Spoerndli thì nói ông hối tiếc về cách suy nghĩ của mình.
“Tôi tự nhủ rằng đôi khi sẽ tốt hơn nếu để những người tốt ở Mỹ biết chuyện gì đang diễn ra giữa các nhà độc tài ở Thế giới Thứ ba,” ông nói. “Nhưng đó là lời tự bào chữa rẻ tiền. Cuối cùng, đó không phải cách.”
Phần lớn các quản lý trực tiếp can dự vào chương trình được thôi thúc bởi niềm tin ý thức hệ và từ chối bất kỳ khoản thưởng nào vượt quá mức lương mà Crypto trả, theo tài liệu. Widman là một trong những ngoại lệ. “Khi gần nghỉ hưu, tiền lương bí mật của ông tăng cao,” báo cáo của CIA nói. Ông cũng được trao một huy chương đính huy hiệu CIA.
Sau khi BND rời đi, CIA mở rộng bộ sưu tập các công ty trong lĩnh vực mã hóa, theo một số cựu quan chức tình báo phương Tây. Dùng số tiền thu được từ chương trình Crypto, cơ quan này bí mật mua một hãng khác và dựng lên một hãng thứ ba. Các tài liệu không đề cập bất kì chi tiết nào về các thực thể này. Song báo cáo của BND có ghi nhận rằng một trong những đối thủ lâu đời của Crypto – Gretag AG, cũng đặt trụ sở ở Thụy Sĩ – đã “bị mua lại bởi một [người hoặc thực thể] ‘Mỹ’ và, sau khi đổi tên vào năm 2004, đã bị thanh lý.”
Crypto vẫn tồn tại. Nó đã sống sót qua cuộc chuyển giao từ các hộp sắt sang mạch điện tử, từ máy điện báo đánh chữ sang hệ thống mã hóa giọng nói. Nhưng hãng giờ phải vật lộn khi thị trường mã hóa chuyển từ phần cứng sang phần mềm. Các cơ quan tình báo Mỹ có vẻ đã đồng ý để chương trình Crypto tiếp tục, dù NSA giờ đã chuyển trọng tâm sang tìm cách khai thác hoạt động có quy mô toàn cầu của Google, Microsoft, Verizon và các công ty công nghệ Mỹ khác.
Năm 2017, trụ sở lâu năm của Crypto gần Zug đã bị bán cho một công ty bất động sản thương mại. Năm 2018, các tài sản còn lại của công ty – những mảnh ghép mấu chốt của thương hiệu mã hóa ra đời gần một thế kỷ trước – cũng bị chia tách và bán.
Các giao dịch đã được thiết kế để che đậy sự rút lui của CIA.
Vụ mua lại của CyOne đối với chi nhánh Thụy Sĩ của công ty được cơ cấu như một vụ thôn tính hội đồng quản trị, cho phép các lãnh đạo Crypto chuyển đến một công ty mới không liên quan đến các rủi ro tình báo và có một nguồn doanh thu ổn định. Chính phủ Thụy Sĩ, bên luôn được bán các máy không bị tùy chỉnh của Crypto, giờ là khách hàng duy nhất của CyOne.
Giuliano Otth, CEO của Crypto AG từ 2001 cho đến khi nó bị giải thể, đảm nhiệm vị trí tương tự ở CyOne sau khi công ty mua lại các tài sản ở Thụy Sĩ [của Crypto AG]. Với nhiệm kỳ của ông ở Crypto, khả năng cao ông biết về sở hữu của CIA ở công ty, như mọi người tiền nhiệm của ông.
“Cả CyOne Security AG và ông Otth đều không có bình luận gì về lịch sử của Crypto AG,” hãng này nói trong một công bố.
Các tài khoản và tài sản kinh doanh quốc tế của Crypto được bán cho Linde, một doanh nhân Thụy Điển xuất thân từ một gia đình giàu có sở hữu nhiều bất động sản thương mại.
Trong một cuộc gặp ở Zurich tháng trước, Linde nói ông chú ý tới công ty một phần vì nguồn gốc của nó và mối liên hệ với Hagelin, một quá khứ vẫn còn được quan tâm ở Thụy Điển. Sau vụ mua lại, Linde thậm chí đưa một số thiết bị mang tính lịch sử của Hagelin ra khỏi kho và trưng bày tại một lối đi của nhà máy.
Khi được kể về bằng chứng cho thấy Crypto đã được sở hữu bởi CIA và BND, Linde run rẩy, và nói rằng trong lúc thương lượng ông không hề biết về danh tính các chủ sở hữu của công ty. Ông hỏi khi nào câu chuyện sẽ được lên báo, nói rằng ông có nhân viên ở nước ngoài và lo ngại cho sự an toàn của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, Linde nói công ty đang điều tra mọi sản phẩm đang bán để xác định liệu chúng có lỗ hổng nào không. “Chúng tôi phải cắt đứt mọi thứ có liên hệ với Crypto nhanh nhất có thể,” ông nói.
Khi được hỏi vì sao ông không gặp Otth và những người khác tham gia vào giao dịch và hỏi về bản chất các lời cáo buộc xưa nay nhắm vào Crypto, Linde nói ông xem chúng “chỉ là lời đồn.”
Ông nói ông an tâm vì thấy Crypto tiếp tục kí được nhiều hợp đồng lớn với các chính phủ nước ngoài, những nước mà ông cho rằng đã thử nghiệm các sản phẩm của công ty nhiều lần và sẽ ngưng mua nếu phát hiện chúng bị tùy chỉnh.
“Tôi thậm chí còn mua tên thương hiệu, ‘Crypto’,” ông nói, cho thấy ông tin tưởng vào tương lai công ty. Với việc các thông tin này được đưa ra ánh sáng, ông nói đây “có thể là một trong những quyết định ngu ngốc nhất sự nghiệp của tôi.”
Việc thanh lý công ty được tiến hành bởi chính hãng luật Liechtenstein mà trước đây đã che giấu vụ bán lại của Hagelin cho CIA và BND 48 năm trước. Các điều khoản giao dịch năm 2018 không được công bố, song các đương kim và cựu quan chức ước tính tổng giá trị rơi vào khoảng 50-70 triệu đô.
Đối với CIA, đó có thể là phần thưởng cuối cùng họ nhận được từ Minerva.
Tác giả Greg Miller là phóng viên chuyên mục an ninh quốc gia của The Washington Post và là chủ nhân của hai giải thưởng Pulitzer.
Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế
http://nghiencuuquocte.org/2020/03/05/crypto-ag-chuong-trinh-tinh-bao-the-ky-cua-cia-p1/