Theo bản tin của RFI, ngày 16/12/2020, Trung Cộng một lần nữa lại cho phi cơ quân sự xâm nhập vùng nhận dạng phòng không phía tây nam của Đài Loan, ở một khu vực nằm giữa hòn đảo và quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông, hiện do Đài Loan kiểm soát.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết đây là một hành động leo thang rõ nét vì lần đầu tiên có đến 4 phi cơ do thám Trung Cộng cùng lúc tiến vào khu vực từ đầu tháng 12 đến nay, và đó là lần thứ 11 trong không đầy nửa tháng.
Theo phân tích của giới chuyên gia, những hành động hù dọa quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Đài Loan có thể là dấu hiệu cho thấy là Hoa Lục sẵn sàng tung ra một cuộc tấn công, khiến vùng eo biển Đài Loan mất ổn định.
Trên tập san chuyên về chính trị của Nhật Bản, The Diplomat ngày 10/12/2020, giáo sư Yoshiyuki Ogasawara thuộc Khoa Nghiên Cứu Toàn Cầu, Đại Học Ngoại Ngữ Tokyo cho rằng loại từ ngữ hung hăng mà các phương tiện truyền thông Hoa Lục sử dụng hiện nay khi nói đến các biện pháp “trừng phạt Đài Loan” đã làm dấy lên lo ngại về khả năng Trung Cộng tiến hành ít ra là một loại hành động quân sự nào đó chống Đài Loan.
Theo nhà nghiên cứu Nhật, vào lúc này, quân đội Trung Cộng không thể tung quân đổ bộ đánh chiếm Đài Loan vì không thể bảo đảm được một chiến dịch quân sự thành công với thương vong tối thiểu. Tuy nhiên, Trung Quốc có các lựa chọn khác, một trong số đó là gây áp lực hoặc chiếm đóng quần đảo Đông Sa.
Cũng theo RFI, đối với giới quan sát, dù ít được nói tới, quần đảo Đông Sa nhỏ bé ở phía bắc-đông-bắc Biển Đông, cách Hồng Kông 310 km và cách cảng Cao Hùng ở cực nam Đài Loan 430 km về phía nam, có một tầm quan trọng chiến lược đối với Đài Loan, có vị trí lý tưởng để đưa ra cảnh báo sớm cho Đài Loan về bất kỳ cuộc tấn công nào mà Trung Cộng có thể thực hiện từ phía nam.
Theo Viện Nghiên Cứu Chính Sách Đối Ngoại FPRI của Mỹ, Đài Loan duy trì trên quần đảo này một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến khoảng 500 người, sống trong một hệ thống boongke ngầm dưới đất. Ngoài ra còn có một số nhân sự của lực lượng Cảnh Sát Biển Đài Loan và các nhà nghiên cứu hoạt động trên đảo.
Một phi đạo dài 1.500 m tại Đông Sa cung cấp cho Đài Loan một cơ sở tốt để tiến hành các nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm trong trường hợp Trung Cộng cố gắng phong tỏa Cao Hùng. Và dĩ nhiên, Đông Sa là gạch nối duy nhất giữa Đài Loan và một tiền đồn khác trên Biển Đông là đảo Ba Bình (tên quốc tế là Itu Aba, tên tiếng Hoa là Thái Bình), cách đấy khoảng 1.175 km về phía nam.
Với những gì đang diễn ra tại Biển Đông và tại vùng eo biển Đài Loan, với tầm quan trọng của Biển Đông ngày càng tăng, giá trị chiến lược của quần đảo Đông Sa cũng tăng lên. Theo chuyên gia Ogasawara, nếu bị Bắc Kinh kiểm soát, quần đảo này có thể đóng vai trò một lính canh giám sát tàu và máy bay của Mỹ và các quốc gia khác đi vào Biển Đông từ Thái Bình Dương.
Kể từ tháng 8, quân đội Hoa Lục đã liên tục tập trận trong khu vực, phi cơ Trung Cộng tuần tra gần như hàng ngày trong một nỗ lực rõ ràng nhằm cắt đứt đường tiếp tế giữa quần đảo Pratas và đảo Đài Loan. Vào tháng 10, một phi cơ Đài Loan bay từ Cao Hùng chở hàng tiếp tế đến quần đảo Pratas đã bị kiểm soát không lưu Hồng Kông cảnh báo là không được vào không phận do Hồng Kông quản lý và phải quay trở lại Đài Loan.
Theo giáo sư Ogasawara, Trung Cộng có thể nắm quyền kiểm soát quần đảo Đông Sa bất cứ lúc nào họ muốn, và điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hoa Lục.
(1) Chứng tỏ quyết tâm và năng lực của Trung Cộng đối với Đài Loan và các nước láng giềng khác.
(2) Trung Cộng có thể quân sự hóa hòn đảo này như là một phần trong kế hoạch biến toàn bộ Biển Đông thành vùng “nội thủy” của họ.
(3) Phá hoại những ngày đầu của chính quyền Biden (nếu Biden đắc cử) bằng cách giành lại quyền chủ động từ Hoa Kỳ sau bốn năm phải chịu đựng dưới thời tổng thống Donald Trump.
(4) Tập Cận Bình đã tại vị được tám năm, nhưng việc thống nhất Đài Loan vẫn xa vời. Việc đánh chiếm quần đảo Pratas có thể nhằm che đậy “sự thật phiền phức” đó, và có thể được sử dụng để kích động cuộc chiến tuyên truyền rằng triển vọng “thống nhất đất nước đang đến gần” ở cả trong và ngoài nước.
Đối với việc giành quyền kiểm soát quần đảo Pratas, Trung Cộng có rất nhiều lựa chọn.
Họ có thể tiến hành một cuộc đổ bộ bất ngờ, buộc các đơn vị đồn trú của Đài Loan phải đầu hàng. Họ có thể phong tỏa các đảo bằng đường hàng không và đường biển, khiến binh lính Đài Loan bị kiệt quệ. Ngoài ra, họ có thể chỉ cần tuyên bố giáo đầu về một cuộc tấn công hoặc phong tỏa, để buộc các đơn vị đồn trú của Đài Loan phải rút lui.
Trong một chiến thuật lâu dài hơn, Hoa Lục có thể sử dụng các hành vi ngăn chận, can thiệp ngầm nhằm vào tàu và máy bay Đài Loan để làm tê liệt đường tiếp tế. Hoặc có thể bình thường hóa các cuộc tập trận quanh các đảo để tạo áp lực tâm lý lên người dân Đài Loan.
Đối với Tập, người sẽ chủ trì lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2021, Đại Hội Đảng lần thứ XX vào năm 2022, và dự kiến kéo dài nhiệm kỳ của mình, điều mong muốn và thậm chí cần thiết là thể hiện một số “tiến bộ” về sự thống nhất Đài Loan.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tâm lý chống Trung Cộng gia tăng ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước dân chủ khác. Bất kỳ cuộc tấn công nào vào Đài Loan vào lúc này chắc chắn sẽ bị phản đối kịch liệt. Ông Tập chắc chắn nhận thức được thiệt hại về uy tín của Bắc Kinh mà hành động quân sự sẽ gây ra.
Nhưng đối với quần đảo Đông Sa, tình hình có thể khác vì rất ít người bên ngoài khu vực biết đến các đảo này. Giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể tính toán rằng phản ứng quốc tế đối với việc chiếm Đông Sa sẽ không dữ dội như phản ứng chắc chắn xảy ra sau một cuộc tấn công vào chính Đài Loan.
Hơn nữa, Bắc Kinh có thể thử nghiệm, dọ dẫm các phương án khác nhau đã nêu ở trên và đo lường phản ứng của Hoa Thịnh Đốn. Ví dụ, trong khi theo dõi phản ứng ở Washington, Trung Cộng có thể bắt đầu tăng cường các cuộc tập trận, trước khi chuyển sang việc gián đoạn đường tiếp tế.
Nếu chỉ gặp phản ứng yếu ớt từ chính quyền Biden, Trung Cộng có thể leo thang. Nếu phản ứng của Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn, Bắc Kinh có thể tránh leo thang và tiếp tục gây áp lực lên Đài Loan bằng việc can thiệp vào đường tiếp tế.
Việc chiếm được quần đảo Pratas, đối với Trung Cộng quả là “nhất cử tam tứ tiện”. Nếu thành công, điều đó có thể giúp Tập Cận Bình siết chặt quyền khống chế đối với đảng Cộng Sản Tầu. Chính vì vậy mà quần đảo này là một điểm nóng tiềm tàng mà Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước dân chủ khác phải chú ý theo dõi.
Nguồn: Trích RFI và tổng hợp