__________________

Trật tự thế giới, sự ổn định toàn cầu và việc bảo vệ quyền lợi, duy trì an ninh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu của mọi lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới. Để đạt được các mục tiêu trên, các nhà lãnh đạo cùng với các chiến lược gia trên thế giới tự do sẽ phải hoạch định và xác lập mối tương quan giữa các quốc gia để định hình một trật tự chung.

Trong những năm vừa qua, những bất ổn thường xuyên xảy ra trên thế giới cùng với sự trỗi dậy hung hăng, hiếu chiến của Trung Cộng (TC) trên trường quốc tế đã dấy lên nỗi lo ngại về nền hoà bình và trật tự toàn cầu của thế giới. Trong bối cảnh phức tạp này, vai trò của Hoa Kỳ, một siêu cường thế giới, luôn được giới học thuật, tinh hoa, nhà làm chính sách quan tâm theo dõi.

Để có thể hiểu rõ hơn hiện trạng và sách lược của Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ lược qua các giai đoạn lịch sử của thế giới từ Thế Chiến thứ 2.

  1. Giai đoạn chiến tranh lạnh (Cold war era).

Sau khi Đệ nhị Thế Chiến thảm khốc vừa chấm dứt, cục diện thế giới bước vào một giai đoạn mới với cuộc chiến mới. Đó là cuộc chiến ý thức hệ gay gắt với “lằn ranh” địa chính trị khá rõ nét: một cuộc đối đầu giữa một bên là khối cộng sản với các quốc gia Đông Âu và Liên Bang Xô Viết mà Liên Xô cầm đầu và một bên là các quốc gia tư bản Tây Phương mà Hoa Kỳ đứng đầu. Trong bối cảnh chính trị hoàn toàn mới với thế đối đầu lưỡng cực (bipolarity) của chiến tranh lạnh mà đụng độ quân sự có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đại chiến lược (Grand strategy) của Hoa Kỳ phải gấp rút điều chỉnh để đối phó với một đối thủ rất hiểm độc, đáng gờm mà trước đó không lâu còn là đồng minh, đó là Liên Xô.

Bức điện tín gửi về Hoa Thịnh Đốn từ Mạc Tư Khoa của Đại sứ Hoa Kỳ George Kennan năm 1946 với chữ ký là “Mr. X”, — sau đó đã được tổng hợp thành một tiểu luận với nhan đề “The Sources of Soviet Conduct” và được đăng tải trên chuyên san Foreign Affairs vào năm 1947 — với kết luận là “Sách lược chủ yếu của Hoa Kỳ đối với Liên Xô là phải kiên quyết và sáng suốt ngăn chận mọi khuynh hướng bành trướng của CS Nga”, đã là một văn kiện nền tảng cho chiến lược của Hoa Kỳ trong suốt gần nửa thế kỷ của chiến tranh lạnh.

Nhận định của nhà ngoại giao kỳ cựu này đã là “kim chỉ nam” cho mọi chính sách được hoạch định, bắt đầu từ Tổng thống Truman, ảnh hưởng trực tiếp đến đường lối ngoại giao, kinh tế, chiến lược quân sự chung về địa chính trị trên thế giới. Vài ví dụ điển hình về ảnh hưởng của Kennan trong các sách lược sau: kế hoạch Marshall tái thiết Tây Âu; hình thành các định chế quân sự như Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên Phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization/ SEATO); áp dụng chủ thuyết Domino trong chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, phục hưng và tái thiết Nhật Bản ..v..v..

Tựu trung, trong giai đoạn chiến tranh lạnh, chiến lược là chủ động ngăn chặn (containment) và phòng thủ với mục tiêu là chống lại, ngăn cản sự bành trướng của chủ nghĩa CS xuất phát từ Liên Xô qua các hoạt động xuất cảng “cách mạng” sang Trung Cộng, các cuộc chiến tranh du kích cục bộ dưới chiêu bài “giải phóng” ở Việt Nam, Triều Tiên và các nước ở Đông Nam Á (Lào, Cam Bốt, Mã Lai, Nam Dương..), Nam Mỹ.

Đặc điểm trong sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai khối CS và tư bản chủ yếu là cuộc đối đầu quân sự với các bộ máy chiến tranh, tình báo, và chạy đua vũ trang.

Từ quan niệm nền tảng chiến lược đó, một trật tự thế giới với đối đầu lưỡng cực ý thức hệ đã được xác lập.

2. Giai đoạn hậu chiến tranh lạnh (Post Cold war era).

Vào ngày 25 tháng 12 năm 1991, Chủ tịch Liên Bang Xô Viết kiêm Tổng bí thư đảng Cộng Sản Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức, chính thức giải tán Liên Xô và trao quyền lại cho Tổng thống Nga Boris Yelsin. Lúc 7:32 tối cùng ngày, lá cờ của Liên Bang Xô Viết tại điện Cẩm Linh đã được vĩnh viễn hạ xuống và thay thế bằng lá cờ của nước Nga.

Liên Bang Xô Viết, cái nôi và là thành trì của chủ nghĩa CS trên thế giới, đã thực sự cáo chung và cuộc chiến tranh lạnh cũng chính thức chấm dứt từ đó. Mối lo sợ của nhân loại về hiểm họa chiến tranh, những đe dọa về cuộc xung đột vũ khí nguyên tử, những đối đầu quân sự đầy bất trắc bỗng bất ngờ biến mất.

Sự xụp đổ của chủ nghĩa cộng sản thực sự đã là biến cố lớn nhất trong thế kỷ 20. Quả là một thắng lợi vĩ đại của của khát vọng dân chủ tự do và quyền con người.

Dân chủ hóa không chỉ khu trú ở các quốc gia Đông Âu (Đông Đức, Ba Lan, Hung, Tiệp, Bulgary) hay Ukraina, Litunia, Latvia, Georgia. Nó đã trở thành một chuyển động toàn cầu, lan đến Nam Phi (bầu TT Mendela, 1994), Chí Lợi.

Năm 1992, học giả Francis Fukuyama đã xuất bản cuốn sách nhan đề “Điểm Tận của Lịch Sử và Con Người Cuối Cùng”(The End of the History and the Last man), một tổng hợp các biên khảo chính trị đã được tác giả viết trong tạp chí The National Interest từ năm 1989. Tác giả cho rằng thế giới đã chuyển sang giai đoạn “Hậu Ý thức hệ” (post ideological era) khi nền dân chủ tự do chiến thắng và cuộc đụng độ ý thức hệ đã cáo chung, loài người sẽ tiến đến một hình thái chính phủ cuối cùng, và cũng đồng nghĩa với sự chấm dứt của lịch sử.

Nếu nói George Kennan là “kiến trúc sư” của nền ngoại giao của Mỹ trong chiến tranh lạnh, thì Francis Fukuyama có thể được xem là người đóng góp cho triết lý tổng quan về đường lối ngoại giao Hoa Kỳ thời “hậu chiến tranh lạnh”.

Thế giới đã thực sự bước sang một hoàn cảnh mới, một bất ngờ khi chuyển đổi đột ngột từ đối đầu lưỡng cực sang đơn cực (Unipolarity). Hoa Kỳ trở thành đệ nhất siêu cường trên thế giới về mọi phương diện: kinh tế, quân sự, khoa học, tài chính, công nghệ ..v..v.. Từ đó, Mỹ đóng vai trò lãnh đạo thế giới trên đường kiến tạo hòa bình, củng cố sự hợp tác đa diện của mọi tác nhân quốc gia và đẩy mạnh sự phát triển và duy trì trật tự, ổn định trên thế giới.

Trong tâm thức chung với niềm cực kỳ phấn khởi khi chủ nghĩa CS sụp đổ và xu thế dân chủ tự do trên thế giới chiến thắng vẻ vang, các nhà ngoại giao, các nhà làm chính sách, giới tinh hoa, học thuật Hoa Kỳ đều đồng ý rằng sự trật tự và ổn định trên thế giới sẽ được xác lập do sự hợp lưu hội tụ của dân chủ tự do. Nói cách khác, trên đồng thuận dân chủ tự do, một nền hòa bình trật tự trên toàn thế giới sẽ hình thành.

Chính vì vậy, Tổng thống George H W Bush đã gọi ‘trật tự thế giới mới’ (new world order) này là kỷ nguyên “Hòa bình phổ quát” (Pax Universalis). Chủ thuyết của TT Bill Clinton: “Tham gia và mở rộng dân chủ sẽ mang lại sự ổn định về chính trị, giải quyết những tranh chấp trong hòa bình, và đem lại hy vọng và phẩm giá cho các dân tộc trên thế giới” đã củng cố thêm quan niệm căn bản trên.

Trật tự mới này của thế giới, lãnh đạo bởi Hoa Kỳ, được cấu thành trên ba nền tảng căn bản. Đó là những giá trị của tự do, dân chủ về thể chế chính trị, và kinh tế thị trường tự do.

Điều quan trọng là sự hình thành kỷ nguyên “Hòa bình phổ quát” này được đặt trên một giả định là mọi quốc gia sẽ đồng ý và chấp nhận tuân thủ ba nền tảng căn bản đề cập ở trên vì đó được xem là xu thế tất yếu của lịch sử. Và từ giả định đó đã dẫn đến hệ luận –mà các nhà làm chính sách đều tán thành và đeo đuổi — là nếu một quốc gia độc tài đồng ý mở cửa cho kinh tế thị trường, tuân thủ các luật lệ, tôn trọng các nguyên tắc vận hành chung, cùng hội nhập với cộng đồng thế giới thì nước đó sẽ có cơ hội phát triển, đồng thời sẽ tiến đến việc dân chủ hóa về chính trị, xã hội cởi mở tự do, nhân quyền được đề cao.

Trên bình diện thế giới, các nhà ngoại giao cũng tin tưởng rằng việc đồng thuận về dân chủ sẽ mang lại một trật tự quốc tế ổn định, hòa bình, và các vấn đề của thế giới sẽ được giải quyết qua các định chế quốc tế.

Trật tự thế giới mới” đã được các chính phủ Hoa Kỳ, qua 4 đời tổng thống, từ George H W Bush (cha), Clinton, Bush (con) đến Obama, cụ thể hóa bằng chính sách ngoại giao hòa dịu, can dự và hợp tác (constructive engagement) kéo dài gần ba thập niên với cách nhìn về mọi “tác nhân quốc gia” như là đối tác (partners) hơn là đối thủ cạnh tranh (rivals).

Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này, chúng tôi sẽ chú trọng nhiều đến sách lược của Hoa Kỳ trước sự trỗi dậy của Trung Cộng (TC).

Khởi đi từ TT George H W Bush khi chiến tranh lạnh kết thúc, với phản ứng chiếu lệ trước cuộc thảm sát kinh hoàng tại Thiên An Môn năm 1989 đã cho thấy chính sách rất “gượng nhẹ” của Mỹ đối với Hoa Lục, dù cả thế giới đều lên án Bắc Kinh. Chỉ một tháng sau biến cố, Cố vấn An ninh quốc gia Brent Scowcroft đã bí mật đi Tầu, đem thông điệp của TT Bush sang cho họ Đặng với cam kết là mối quan hệ Mỹ-Hoa sẽ tiếp tục được củng cố. Chưa đến 1 năm sau, quy chế ‘Tối huệ quốc’ của Mỹ lại được tái xác nhận cho TC bất chấp các phản đối của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Hoa Kỳ đã tìm mọi cách vận động để TC được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) năm 2001.

Năm 2005, cuộc điều trần của Bộ Ngoại Giao trước thượng viện Hoa Kỳ đã cho thấy chính quyền Mỹ trong hơn 1 thập niên, đã tích cực trợ giúp TC trên mọi lãnh vực từ kinh tế, tài chính, ngân hàng đến khoa học công nghệ, quân sự, cố vấn, với sự tham gia của bộ Lao Động, bộ Tài Chính, bộ Quốc Phòng. Thậm chí cả Cục Quản Lý Hàng Không Liên Bang (Federal Aviation Administration) cũng có những chương trình giúp đỡ bằng tài chính, đào tạo chuyên viên, cung cấp kiến năng cho các hãng sản xuất máy bay của Hoa Lục. Hoa Kỳ đã tài trợ xây dựng 8 viện nghiên cứu cấp quốc gia tập trung vào siêu máy tính (supercomputer), thông minh nhân tạo (AI), robots, công nghệ tự động hóa, công nghệ hàng không không gian, máy bay, chế tạo vũ khí, hỏa tiễn ..v..v.. cho Bắc Kinh.

Chỉ sau hơn một phần tư thế kỷ, TC đã thay đổi từ một quốc gia lạc hậu, nghèo đói trở thành cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới, đứng thứ nhì sau Hoa Kỳ. Hơn 600 triệu dân thoát cảnh nghèo đói. Lợi tức bình quân mỗi đầu người đã được nâng từ 300 đô la/năm vào năm 1978 lên 8.300 đô la/năm vào năm 2019. GDP là 14.300 tỷ đô la năm 2019. Rất nhiều công trình hạ tầng cơ sở và đô thị được xây dựng. Cả nước trở thành “công xưởng thế giới” và nắm giữ những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, số lượng sinh viên và nghiên cứu sinh được gửi đi du học nước ngoài gia tăng đều đặn hàng năm, chỉ riêng trong năm 2015– 2016, lên đến hơn 328.000 tại Hoa Kỳ.

Điều đáng lưu ý là song song với việc phát triển kinh tế, TC đã đầu tư rất nhiều công của vào việc phát triển khí tài, xây dựng quân đội, gia tăng sức mạnh quân sự, vượt xa tất cả các quốc gia trên thế giới.

Theo Dan Blumenthal trong cuốn “The China Nightmare” vừa xuất bản năm 2020, thì vào năm 2014, TC đã hạ thủy số lượng tiềm thủy đĩnh, chiến hạm (khu trục hạm, tuần dương hạm, hộ tống hạm), hàng không mẫu hạm, tầu đổ bộ nhiều hơn tổng số chiến hạm của các quốc gia Đức, Anh Quốc, Tây Ba Nha, Ấn Độ và Đài Loan cộng lại.

Giải phóng quân của Hoa Lục đã đi trước, bỏ xa quân đội Hoa Kỳ trong việc sản xuất và xử dụng các thiết bị ‘không người lái’, trên không và dưới nước, trong công tác phòng vệ và tác chiến. Tiềm thủy đĩnh của TC được trang bị ngư lôi Shkvals, với tầm tác xạ 4 dậm, di chuyển với tốc độ kinh khiếp 230 dậm/giờ, một ‘sát thủ chống hạm’ mà đến nay, Hoa Kỳ chưa có vũ khí hay biện pháp nào để chế ngự.

Năm 2007, TC đã phóng một hỏa tiễn và phá nổ thành công một vệ tinh khí tượng của họ ở trên quỹ đạo trái đất, tức là họ đã phát triển được hỏa tiễn chống vệ tinh (an-tisatellite missile). Đối với các nhà quan sát thì đây chính là phát súng cảnh cáo đầu tiên cho Ngũ Giác Đài, vì mọi vệ tinh chiến lược tối quan trọng của Hoa Kỳ đều có thể trở thành mục tiêu.

Hiện nay, TC đã sáng chế được các hỏa tiễn hành trình tầm xa DF-26B với tầm tác xạ 4.000 cây số và DF-21D với tầm bắn 1.800 cây số để áp dụng trong chiến thuật “Chống xâm nhập, Ngăn tiếp cận” (Anti-access, Area denial) nhằm kiểm soát Tây Thái Bình Dương, Biển Đông, Biển Hoa Đông, đẩy lui chiến hạm Mỹ ra khỏi chuỗi đảo 1 (tuyến phòng thủ 1 của TC).

Với một vài ví dụ điển hình trong vô số các dữ kiện khác bên trên, một câu hỏi không khỏi làm bận tâm nhiều người là tại sao không có một chiến lược gia Mỹ nào thắc mắc là trong “kỷ nguyên hòa bình”, không còn đối đầu ‘quốc-cộng’, TC không bị đe dọa hay xâm lăng bởi bất cứ quốc gia nào, mà Bắc Kinh lại đeo đuổi mục tiêu phát triển năng lực quốc phòng tiên tiến, hùng hậu và mạnh mẽ đến như vậy? 

Trung tướng McMaster, cựu cố vấn An Ninh Quốc Gia, trong cuốn “Battlegrounds” đã nhận định là Hoa Kỳ và các quốc gia tự do đã quên rằng để bảo vệ tự do, thịnh vượng và an ninh, họ phải cạnh tranh thường trực. Tức là Hoa Kỳ và Phương Tây đã đánh mất tinh thần đề cao cảnh giác cần thiết.

3. Những bất cập của đường lối ngoại giao hợp tác, hòa dịu.

Trong khi cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên tưởng chừng như hòa bình sau chiến tranh lạnh, qua hơn hai thập niên qua, ta đã chứng kiến sự xuất hiện những thành tố tạo ra những khủng hoảng, làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và đe dọa làm đảo lộn trật tự toàn cầu. Thành tố tiêu biểu có thể kể ra là Nga và nỗ lực giành lại vị trí siêu cường; Bắc Hàn với sự đe dọa vũ khí nguyên tử; các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan; Iran qua sự can thiệp ở Trung Đông qua các “cuộc chiến ủy nhiệm”; Trung Cộng bằng cuộc trỗi dậy hiếu chiến hung hăng..v..v..

Sự xuất hiện những thành tố mới trỗi dậy cùng với những biến đổi, cạnh tranh quyền lực trên bàn cờ khu vực và thế giới đã để lộ ra những bất cập trong chiến lược khi Hoa Kỳ dựa trên đồng thuận của kỷ nguyên “hòa bình phổ quát” để đề ra đối sách ứng phó với các đe dọa và thách thức.

Đối với Trung Cộng, học giả Michael Pillsbury, giám đốc Trung Tâm chiến lược Trung Hoa thuộc viện nghiên cứu Hudson, chuyên gia kỳ cựu về Trung Hoa, trong cuốn ‘The Hundred-Year Marathon’, đã đúc kết những giả định sai lầm mà các nhà làm chính sách và ngoại giao, giới tinh hoa Hoa Kỳ đã phạm phải qua nhiều đời tổng thống. Một số tóm tắt sau:

  • Sai lầm 1: Sự tham gia và can dự sẽ mang lại sự hợp tác toàn diện (Engagement brings complete cooperation). Trung Cộng đã dùng mọi cách để cấu kết với các quốc gia đồng minh của Hoa kỳ để một mặt xây dựng một mạng lưới thế lực xung quanh mình, mặt khác làm suy yếu phe đồng minh, và chống lại các hoạt động, đường lối mà chính phủ Mỹ đeo đuổi. Ví dụ: trong khi Hoa Kỳ tìm mọi cách ngăn chận kiểm soát việc phát triển vũ khí giết người hàng loạt (weapons of mass destruction) như vũ khí hóa học, nguyên tử trên thế giới thì TC lại là nước “xuất cảng” kiến năng và phương tiện để giúp phát triển khả năng nguyên tử cho Bắc Hàn và Iran để đối đầu với Hoa Kỳ. Tham gia và giúp đỡ TC nhưng chỉ nhận lại những chống phá!
  • Sai lầm 2: Trung Cộng đang trên con đường dân chủ hóa đất nước. Ngược lại, TC đang củng cố một thứ chủ nghĩa tư bản độc tài, độc đảng dưới chiêu bài cộng sản và chủ nghĩa dân tộc. Học giả Andrew Nathan gọi đó là chế độ độc tài bền bỉ (authoritarian resilience). Đảng CS đã kiểm soát toàn diện người dân Hoa Lục một cách tinh vi và thâm hiểm qua việc áp dụng nguồn dữ liệu khổng lồ (Big data) và tiến bộ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) để thực hiện “Hệ thống tín nhiệm xã hội” (Social Credit & Rating system). Từ đó, mọi người dân tầu, nhất cử nhất động, đều bị theo dõi, kiểm soát. Dân chủ của người dân Tầu hiện chỉ còn là giấc mơ.
  • Sai lầm 3: TC là một “đóa hoa mong manh”. Trong khi âm thầm xây dựng thực lực, củng cố ảnh hưởng trên thế giới, họ Đặng đã tiến hành thành công chiến lược “Thâu quang, dưỡng hối”, “giấu mình chờ thời” một cách nhuần nhuyễn và tinh vi khiến Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây đều bị “che mắt” và tin là TC thật đáng thương, đầy thiện chí, rất yếu kém cần được tích cực giúp đỡ một cách thiện cảm, và “hào sảng”. Giả dạng “con nhà nghèo đáng thương” đúng là một “tuyệt chiêu” của Tầu!
  • Sai lầm 4: TC muốn trở thành- và sẽ-như Mỹ. Trong niềm tự tin cao độ, quá tự tin đến độ ngạo mạn, các chiến lược gia và giới tinh hoa Mỹ đều tin rằng mọi quốc gia, kể cả TC đều mong muốn sẽ trở nên giống như nước Mỹ. Đó chính là suy nghĩ và sách lược “xuất cảng dân chủ” mà TT Bush (con) và giới ‘Tân bảo thủ’ (Neocon) đem ra thực hiện và thất bại ở Iraq và Afghanistan trong thập niên 2000. Đối với TC, thực tế đã chứng minh hoàn toàn ngược lại.

Tất cả chỉ là ảo tưởng! Hoa Kỳ và thế giới tự do đã lầm to, đã trúng kế thâm hiểm của Tầu. Vì quá tự tin lạc quan đến độ tự mãn, Hoa Kỳ đã “ngủ quên”, mất cảnh giác, bởi lẽ “trật tự và hòa bình phổ quát” không bao giờ là đích đến của TC.

Các giả định sai lầm trên đã dẫn đến các sai lầm chiến lược nghiêm trọng nhất trong thời hậu chiến tranh lạnh, nhất là khi đối phó với TC.

Hoa Kỳ đã có những sách lược bất nhất khiến tư thế và ảnh hưởng đối ngoại của Hoa Kỳ sa sút trên trường quốc tế.

Xin điểm qua một số thất bại ngoại giao trong hơn một thập niên qua:

Tháng 9, 2012, cuôc bạo loạn với tham dự của Al-Qeada tại Bengazi, Libya tấn công Đại sứ quán Hoa Kỳ khiến Đại sứ Mỹ Chris Stevens và 3 thủy quân lục chiến bị thảm sát. Một thất bại của Obama trong việc bảo vệ sứ quán và ông Đại Sứ dù từ trước đã nhận được báo cáo rất rõ và đầy đủ về tình hình hỗn loạn và yêu cầu được tăng cường bảo vệ.

Năm 2012, trong một gặp gỡ nhân cuộc họp thượng đỉnh về ‘An ninh nguyên tử’ (Nuclear Security summit) tại Hán Thành, Nam Hàn, TT Obama đã hứa hẹn với TT Nga Dmitry Medvedev rằng sau cuộc bầu cử ông sẽ “uyển chuyển” hơn trong quan hệ với Nga. Năm 2014, Nga ngang nhiên đem quân xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine bất chấp phản đối của thế giới. Quả nhiên, Obama đã lên tiếng phản đối và dọa tẩy chay hội nghị G9 sẽ tổ chức ở Sochi, Nga. Chỉ có vậy. Không làm thêm gì khác và cũng chẳng yêu cầu triệu tập Hội Đồng Bảo An LHQ.

Năm 2012, Syria dùng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến và giết hại hơn 1500 thường dân. Hoa Kỳ đã giàn xếp với Nga để “cấm” TT Bashar ai-Assad của Syria xử dụng vũ khí này và giao nộp toàn bộ số lượng hóa chất độc hại cho Nga. Đồng thời TT Obama vạch ra “lằn ranh đỏ” cho TT Assad. Hai năm sau, Assad lại dùng vũ khí hóa học chống lại lực lượng nổi dậy. Cuộc điều tra của LHQ xác nhận dữ kiện này. Hội đồng Bảo An LHQ ra nghị quyết lên án Syria. TT Obama tuyên bố TT Assad phải “ra đi” vì đã vượt qua “lằn ranh đỏ”. Kết quả là TT Assad vẫn tại vị cho đến hôm nay, qua sự chống lưng của Nga. Obama tiếp tục im lặng!

Đối với Trung Cộng, từ năm 2013, TC đã ngang nhiên cải tạo các đảo đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông và đến năm 2017 đã biến 7 thực thể thành các căn cứ quân sự với quân cảng và phi cảng và còn lăm le công bố vùng nhận dạng phòng không tại những nơi này để khẳng định chủ quyền. trong khi chính quyền Obama vẫn ‘án binh bất động’, phản đối chiếu lệ. Trong 8 năm cầm quyền của Obama, hạm đội Mỹ chỉ tuần tra trên biển Đông có 7 lần. Chính sách xoay trục về Thái Bình Dương và ‘Tái cân bằng’ năm 2015 của Obama chỉ có trên giấy tờ.

Về quân sự, ngân sách quốc phòng vào thập niên 1950 của Hoa Kỳ là 10-12% GDP. Giữa 1990s, giảm xuống còn 4%. Sau 2 cuộc chiến dai dẳng và tốn kém ở Afghanistan và Iraq, ngân sách quốc phòng lại bị cắt giảm đáng kể dưới 3% GDP trong các năm cầm quyền của Obama. Tướng Mark Milley, tham mưu trưởng lục quân, năm 2016, đã thẳng thừng cho biết chỉ còn 1/3 lực lượng là trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

4. Hậu quả.

Để bành trướng ảnh hưởng của TC tại Đông Nam Á, năm 2014, họ Tập đã đưa ra khẩu hiệu “Người Châu Á làm ăn kinh doanh ở Á châu, giải quyết các vấn đề của Á Châu, và bảo đảm an ninh cho Á Châu”. Từ năm 2013, họ Tập đã công bố công khai, không cần che đậy, ý đồ bá quyền qua các ‘Lợi ích cốt lõi’ cần phải chiếm đoạt mà cụ thể là Đài Loan và Biển Đông, cùng với chiến lược bành trướng ‘Vành đai, con đường’.

TC đã hung hăng hành xử như một “nước lớn” trong khu vực, ngang nhiên xâm chiếm bất hợp pháp Biển Đông bất chấp những phản đối của tất cả các quốc gia trong khu vực; thường xuyên xâm phạm không –hải phận của Nhật Bản, Đài Loan; gây bất ổn căng thẳng với Ấn Độ tại biên giới Ấn-Hoa; xem thường phán quyết của Tòa Án Quốc Tế La Haye; ngang ngược trên trường quốc tế với nền ngoại giao chiến lang; mua chuộc và chèn ép các nước nhỏ qua ngoại giao bẫy nợ.

Tóm lại, cho đến nay, chưa bao giờ TC muốn hội nhập với Phương Tây, chưa bao giờ TC tuân thủ trật tự thế giới hiện hành. Sẽ không bao giờ TC chấp nhận giá trị của tự do dân chủ nhân quyền của thế giới, chấp nhận dân chủ hóa chính trị, và tuân thủ quy luật kinh tế thị trường. TC vẫn xem Hoa Kỳ là kẻ thù số một và sẽ phải trả mối quốc nhục của họ. Căn bản là TC và đảng CS muốn khẳng định vai trò cường quốc số 1 lãnh đạo thế giới, thay thế Hoa Kỳ, và thiết lập một trật tự khác, một trật tự mà mọi quốc gia sẽ phải khấu đầu qui phục TC, tức “Đồng thuận Bắc Kinh” vào năm 2049. Đó chính là tầm nhìn “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình.

Trớ trêu thay, những chỉ dấu cho việc trỗi dậy hung hăng, những báo động về tham vọng bành trướng hiếu chiến của Bắc Kinh đã xuất hiện và được cảnh báo bởi một số học giả từ hơn một thập niên. Nhưng đáng kinh ngạc thay! Chiến lược của Hoa Kỳ vẫn không thay đổi cho đến những năm gần đây.

5. Hướng đi của giai đoạn hiện nay.

Trước tiên, cần phải nhận định rõ thực tế, dứt khoát loại bỏ các định kiến sai lầm và các ảo tưởng trình bày trên.

Cạnh tranh (đối đầu) chiến lược giữa các quốc gia là vĩnh viễn và địa chính trị sẽ thay đổi từ sự tương tác giữa các cạnh tranh quyền lực, ảnh hưởng của các quốc gia liên hệ. Vì vậy, chiến lược tổng thể của Hoa Kỳ cần phải đặt trên quan niệm ngăn ngừa các hành động có thể gây nguy hại cho quyền lợi hoặc những giá trị thay vì dùng kế sách để mong thay đổi đối phương. Để thực hiện điều trên, chiến lược cần phải hướng đến việc duy trì thăng bằng quyền lực trong khu vực và dứt khoát ngăn chận các thế lực hiếu chiến.

Cần phải xác định rõ rằng TC là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất của Hoa Kỳ, và trật tự toàn cầu hôm nay và nhiều thập niên trước mặt, như John Ratcliffe, giám đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia Hoa Kỳ đã nhận định.

Đối với Hoa Kỳ, cuộc đối đầu trong giai đoạn này không phải giữa 2 phe quốc-cộng như thời chiến tranh lạnh cũ mà là với 2 cường quốc đang trỗi dậy muốn khẳng định vị trí trên bàn cờ thế giới là Nga và Trung Cộng; không phải chỉ trong lãnh vực quân sự mà còn là một cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện trên mọi bình diện: kinh tế, tài chính, thương mại, quân sự, công nghệ và địa chính trị.

Do mối quan hệ về kinh tế thương mại đầu tư giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng đã ăn sâu, bén rễ từ nhiều thập niên với quyền lợi đan xen chặt chẽ, khiến cho cuộc chiến sẽ rất phức tạp bao trùm lên mọi mặt và không có lằn ranh rõ rệt. Mặt khác, Nga và Trung Cộng cũng có những mối liên hệ chính trị, kinh tế ..v..v.. với các quốc gia Phương Tây và những nước khác mà rất nhiều trong số đó lại là đồng minh của Hoa Kỳ. Vì vậy, đây là một cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt với đối thủ và là cuộc giằng co, tranh thủ với đồng minh nên việc tìm sự quân bình khi quyền lợi tròng chéo sẽ phức tạp, khó khăn gấp bội phần.

Tuy nhiên, việc nhận định tập trung vào cạnh tranh chiến lược không có nghĩa là quân sự hóa ngoại giao hay theo đường lối chủ chiến. Nhưng cạnh tranh chiến lược trong địa chính trị đòi hỏi nền tảng sức mạnh quân sự trổi vượt có khả năng răn đe, kết hợp với ngoại giao và kinh tế.

Có thể nói, sau ba thập niên, thế giới đã bước sang giai đoạn cạnh tranh đa cực (Multipolarity) mà trong đó cạnh tranh quân sự giữa các đại cường đã quay trở lại. Theo một số nhà quan sát, sẽ không sai nếu ta xem giai đoạn mới này là “Cuộc chiến tranh lạnh mới” (new cold war).

6. Kết luận.

Trong bốn năm qua, Tổng thống Donald Trump đã thức tỉnh Phương Tây ra khỏi các ảo tưởng sai lầm và đã tiến hành các thay đổi chiến lược cần thiết một cách nhất quán và xuyên suốt. Sử gia Hal Brands thuộc đại học Johns Hopkins trong cuốn “Đại chiến lược Hoa Kỳ dưới thời Trump” nhìn nhận là Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của TT Trump đã lấy lại phong độ một cường quốc thành công. Một số hồ sơ chính:

  • Xây dựng sức mạnh quốc phòng, gia tăng ngân sách lên 4% GDP, thành lập Quân Chủng Không Gian (Space Force), chú trọng đến ‘chiến tranh mạng’ (cyberwafare), gia tăng nghiên cứu và phát triển vũ khí ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
  • Xác định rõ đối thủ chiến lược là Trung Cộng. Phát biểu của Phó TT Pence tại Viện Nghiên Cứu Hudson tháng 10, năm 2018 đã khẳng định điều này và được đánh giá là thẳng thắn và cứng rắn nhất về mối quan hệ Mỹ-Hoa trong 50 năm.
  • Năm 2020, tại Trung Đông, xây dựng được thế liên kết giữa Do Thái với 4 quốc gia Ả Rập qua Hòa Ước Do Thái và Bahrain, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Sudan và Morocco. Lần đầu tiên kể từ Hòa Ước giữa Do Thái và Jordan năm 1994.
  • Tiến hành chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở, thường xuyên tuần tra Biển Đông, thực hiện nhiều cuộc tập trận với Ấn Độ, Nhật bản, Úc.
  • Gia tăng hỗ trợ Đài Loan, và đặc biệt Tập trận với Đài Loan năm 2020, lần đầu tiên sau hơn 40 năm.
  • Củng cố và tăng cường quan hệ với ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Philippines, Nam Dương.
  • Tham dự và hỗ trợ các quốc gia trong dự án bảo vệ hạ nguồn sông Mê Kông. Thành lập đối tác Mê Kông-Hoa Kỳ.
  • Đối với TC, để bảo vệ quyền lợi, Hoa Kỳ đã mở đầu bằng cuộc thương chiến năm 2018. Sự đối đầu đã mở rộng sang các lãnh vực tài chính, kinh tế. Đồng thời, Mỹ đã đóng cửa Tòa Lãnh Sự TC, ổ gián điệp, ở Houston; ngăn chận kế hoạch “Ngàn nhân tài” mua chuộc trí thức Mỹ, truy tố các gián điệp trí thức; trừng phạt các quan chức cao cấp TC; đưa các đại công ty công nghệ quốc doanh TC vào ‘danh sách đen’ của Bộ Thương Mại Mỹ; hủy niêm yết một số tập đoàn công nghệ khổng lồ của Bắc Kinh trên sàn chứng khoán NYSE..v..v..

Ngày 13 tháng 1, 2021, chính phủ Hoa Kỳ cho giải mã và công bố văn kiện chiến lược quan trọng. Tài liệu gồm 10 trang, ký ban hành vào tháng 2/2018 được xếp vào loại “mật”, để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Cộng. Tác giả chính của chiến lược này là Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, và Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSC) phụ trách châu Á Matt Pottinger.

Văn kiện xác định:

  • An ninh và thịnh vượng của Hoa Kỳ tùy thuộc vào sự tham gia tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở – sẽ là động cơ cho tăng trưởng của Mỹ, khu vực và toàn cầu.
  • Hoa Kỳ không thể để cho Trung Cộng thống trị trên không và trên biển tại chuỗi đảo đầu tiên (bao gồm các quần đảo Kuril, Nhật Bản, Lưu Cầu và Đài Loan, Bắc Philippines và Borneo).
  • Hoa Kỳ cần phải hỗ trợ sự trỗi dậy của Ấn Độ, tăng cường bộ Tứ Ấn-Nhật-Úc-Mỹ.
  • Hoa Kỳ sẽ giúp hiện đại hóa lực lượng phòng vệ Nhật Bản và tăng khả năng tự vệ của Đài Loan.
  • Tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Mỹ muốn nâng cao vai trò của ASEAN, thắt chặt mối quan hệ với Việt Nam, Singapore, Malaysia, Indonesia.

Mối đe dọa và thách thức của TC trong khu vực ngày càng tăng. Sự căng thẳng mỗi lúc một nhiều do sự leo thang đối đầu của Bắc Kinh như đang chực chờ bùng nổ một cuộc chiến tranh. TC dường như đang cố dấn tới từng bước để thăm dò phản ứng của Mỹ.

 Chiến lược để đối phó với TC của Hoa Kỳ đã được hình thành và đang được thực hiện hiệu quả và thành công. Chiến lược này cần được duy trì và tiếp tục tiến hành với nhịp độ nhanh, liên tục và đồng bộ với ba nước chủ lực là Ấn Độ,Nhật Bản và Úc trong những thập niên tới.

Trước mặt, liệu chính quyền Hoa Kỳ sẽ tiếp tục con đường đã vạch chăng, hay lại quay trở lại chính sách hòa dịu với TC của Obama vốn đã thất bại nghiêm trọng?

Trọng Việt
California, Tháng 1 năm 2021

Tài liệu tham khảo:

Michael Pillsbury, The Hundred Year Marathon, Macmillan Corporate, 2015.

Robert Blackwill,  Trump’s Foreign Policies Are Better Than It Seems, Council on Foreign Relations, April-2019.

H. R. McMaster, Battlegrounds, HarperCollins Publishers Inc., 2020.

Timothy J. Lynch, In The Shadow of Cold War – American Foreign Policy from George Bush Sr. to Donald Trump, Cambridge University Press, 2020.

Sebastian Strangio, In The Dragon Shadow – Southeast Asia in the Chinese Century, Yale University Press, 2020.

Dan Blumenthal, The China Nightmare, The AEI Press, 2020.

Geoff Dyer, The Contest of the Century, published by Alfred Knopf, 2014.

Vice President Mike Pence’s Remarks on the Administration’s Policy Towards China, Hudson Institude, 10-04-2018

Remarks by Vice President Pence at the Frederic V. Malek Memorial Lecture, 10-24-2019

Hal Brands, American Grand Strategy in the Age of Trump, Brookings Institution Press, 2018.

Tập Cận Bình: Giấc mộng Trung Hoa hay ác mộng của cùng tác giả trên Vận Hội Mới.

Đài Loan: Thế Tiến Thoái Lưỡng Nan Của Trung Cộng của cùng tác giả trên Vận Hội Mới.

Bài liên quan:
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 22/9/2024. Phi dời tàu khỏi bãi cạn Sabina: Chấp nhận thua, nhượng bộ TC hay chuẩn bị đối sách chiến lược dài hạn?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Tại sao căng thẳng ở Biển Đông lại đang củng cố liên minh Mỹ – Philippines?
    Joshua Kurlantzick và Abigail McGowan
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 14/9/2024. Tranh luận sôi nổi giữa Trump & Haris: Ai thắng, ai thua? Điều hợp viên thiên vị? Thông điệp gì cho cử tri?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • HỘI LUẬN ngày 14/9/2024. Tranh luận Trump & Haris: Ai thắng, ai thua? Thông điệp gì cho cử tri? Chiến tranh Ukraine đi vào khúc quanh: Giải pháp nào? Căng thẳng ở Biển Đông: Sách lược của mỗi ứng viên?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 1/9/2024. Sóng gió Biển Đông gia tăng: TC tiếp tục gây sự với Phi; Bãi cạn Sabina thành ‘tâm bão’? Cố vấn Sullivan đi TC: Xoa dịu tình tình?
    BS Nguyễn Trọng Việt