*Hạ viện do Dân chủ nắm đa số thông qua Dự Luật H.R. 1
*Theo luật hiện hành, Dự Luật sẽ bị chặn ở Thượng viện!

*Obama –  Warren đang tìm phương cách giải cứu H. R. 1
*Chuyên gia luật pháp nói sao về hành vi đảng Dân chủ ?
*Ted Cruz: Không có chỗ cho sự thỏa hiệp với DL H.R 1!

Hôm Thứ Tư, ngày 03-3-2021, ngoại trừ dân biểu Bernie Thompson cùng với toàn thể dân biểu Cộng hòa bỏ phiếu chống, các dân biểu Dân chủ còn lại đã nhất trí thông qua Dự luật H. R. 1

Với dự luật trên đây, rõ ràng đảng Dân chủ đang mưu toan luật hóa thủ đoạn lừa đảo cũ. Dựa vào những mưu đồ kiếm phiếu thiếu lương thiện, đầy tai tiếng từng được họ sử dụng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 vừa qua để tính chuyện lâu dài. Bước đầu là ngăn chặn ông Donald Trump, vị Tổng thống thứ 45 tái nhiệm, đưa cặp Biden/Harris vào tòa Bạch Ốc.

Mục tiêu cuối cùng của họ là thực hiện ý đồ xóa bỏ quá khứ, triệt hủy nền văn minh Thiên Chúa Giáo, tôn trọng quyền dân do các bậc Quốc Phụ đã dày công xây dựng, bồi dắp từ mấy thế kỷ qua.

Căn cứ vào luật lệ hiện hành, được áp dụng liên tục trong nhiều thế hệ, người ta tin rằng Dự luật vi hiến, phản lại ý dân này gần như chắc chấn sẽ chết yểu khi đựợc đưa lên sàn Thượng viện. Đó là khi thông qua dự luật, Thương viện sẽ căn cứ vào thủ tục Filibuster đòi buộc phải được 60 Nghị sĩ chuẩn thuận, thay vì theo đa số thường là trên 50.

Nội dung Dự Luật H. R 1 chứa đựng những gi?

Thái độ lừa đảo của đảng Dân chủ để che mắt người dân Hoa Kỳ được tìm thấy ngay trong cách lựa chọn tên để đặt cho Dự luật: “Luật Vì Nhân Dân” (For The People Act). Những người hiểu biết không thể không nêu lên câu hỏi: vì dân hay phản bội, lừa đảo dân?

Dự luật dày 800 trang. Được sự tiếp tay đánh bóng của truyền thông thiên tả và các phe nhóm lợi ích, các dân biểu Dân chủ đua nhau lên tiếng bốc thơm Dự luật này. Nó thể  hiện qua cung cách đánh tráo khái niệm về dân ý, dân quyền qua ngôn ngữ thậm xưng hòng che giấu những mưu thâm, kế độc tiềm ẩn trong đó.

Theo dân biểu John Sarbanes, thuộc đảng Dân chủ tiểu bang Maryland thì Dự luật H. R 1 có tác dụng lật ngược quyết định sai trái vào năm 2010 của Tối cao Pháp Viện trong vụ Citizens United chống Federal Election Commission. Trong khi ấy, dân biểu Carolyn Maloney, cũng thuộc đảng Dân chủ New York ngoa ngôn cho rằng Dự luật H. R. 1 góp phần củng cố nền móng dân chủ, chống tệ nạn tham nhũng, giúp mở rộng và bảo vệ quyền bầu cử cho mọi sắc dân vv và vv. Thực tế nó hoàn toản ngược lại điều ông ta nói.

Hệ thống truyền thông thiên tả cũng nhất loạt liên tiếp lên tiếng tô vẽ cho Dự luật này, bất chấp sự thật và sứ mệnh thiêng liêng của một ngành nghề từng được mệnh danh là Đệ Tứ Quyền, chỉ sau ba ngành Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp trong hệ thống cầm quyền Hiệp Chúng Quốc Mỹ.

Hôm Thứ Tư, 11-3 vừa qua, NBC đã có một bài bình luân nêu lên những điều được tâng bốc là tiến bộ, là mới mẻ, trong khi thực chất nó chỉ là những cái bẫy ngầm giúp cánh tả tiếp tục gian dối lươn lẹo trong các kỳ bầu cử sắp tới. Trước mắt là cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 và cuộc tổng tuyển cứ năm 2024.

Hiển nhiên đảng Con Lừa, với sự tiếp tay của truyền thông thiên tả và các thế lực ngầm đang chuẩn bị ráo riết cho những thủ đoạn gian dối mà họ từng ra công thực hiện, và nhất thời, đã thành công, trong cuộc bầu cử năm 2020. Tác giả bài bình luận trên NBC cho rằng Dự luật H. R 1 tạo điều kiện dễ dàng cho các cử tri trong việc bỏ phiếu, nhất là đã tháo gỡ nhiều khó khăn, giúp đơn giản hóa việc ghi danh cho các cử tri. Nhưng với những người tinh ý đã có kinh nghiệm đau đớn trong cuộc tổng tuyển cử năm rồi, tất cả chỉ là những chiêu trò ma mãnh để những ứng viên của đảng Con Lừa gian lận phiếu bầu mà thôi. Những điều gọi là “tạo điều kiện dễ dàng cho cử tri” và giúp “giản dị hóa việc ghi danh bầu cử” chỉ là những lời lẽ bôi trơn để che đậy cho gian kế đưa những loại cử tri thuộc dạng di dân bất hợp pháp, không phải là công dân Mỹ, kể cả thành phần tội phạm vào phòng phiếu! NBC còn trâng tráo nêu lên điều gọi là luật hóa việc công nhận quyền bầu cử của cựu tội phạm hình sự bằng mọi giá.

Lý do khiển đảng Cộng Hòa chống lại Dư luật H.R. 1

Chỉ cần căn cứ vào nội dung, qua những điểm nhấn của Dư luật cùng với kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 03-3 vừa qua, ai cũng thấy đây là một đạo luật dành riêng cho một đảng mà không mang tính toàn dân. (Toàn khối thiểu số đảng Cộng Hòa cùng với dân biểu Bernie Thompson thuộc đảng Dân chủ đã bỏ phiếu chống Dự luật này).

Theo nhận định của nguyên Phó Tổng thống Mike Pence, H.R.1 là một Dự luật vi hiến sẽ làm suy yếu hệ thống vòm bầu cử của Hiệp Chúng Quốc Mỹ.

Theo quan điểm của ông Pence, Dự luật này, nếu được thông qua, sẽ làm gia tăng cơ hội cho gian lận bầu cử tràn lan như đã từng xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 vừa qua. Nó cũng chà đạp lên Tu Chính Án thứ Nhất.

Ngoài ra, nó còn góp phần làm xói mòn niềm tin của hàng triệu cử tri vào các cuộc bầu cử tương lai của chúng ta, và sẽ vĩnh viễn làm giảm thiểu giá trị lá phiếu của những cử tri lương thiện.

Trong khi ấy, những nhà lập pháp hữu khuynh và giới lãnh đạo cao cấp đảng Cộng hòa cũng đưa ra những lời phê bình gay gắt về Dự luật vừa được Hạ viện do đảng Con lừa thông qua.

Dân biểu Tom Cole,  (R – Oklahoma) thuộc Uỷ ban Quy tắc Hạ viện đã lên tiếng mỉa mai việc đặt tên cho Dư luật là “Vì Nhân Dân – For The People” Act. Giản dị vì theo ông, nội dung của nó không giúp ích gì cho nhân dân mà còn đi ngược lại ý nguyện thâm sâu của họ, cụ thể là qua việc sử dụng quyền tự do, hợp pháp của người công dân trong các cuộc bầu cử.

Ông Cole nhấn mạnh: đích điểm hàng đầu của Dự luật H.R. 1 là tạo cơ hội bằng những thủ đoạn gian dối cho đảng Dân chủ độc chiếm quyền lãnh đạo đất nước lâu dài thông qua việc mở đường cho họ luôn dành thế thượng phong trong các cuộc bầu cử để nắm trọn quyền kiểm soát cả ba ngành Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp trong nhiều năm tới.

Dân biểu Mo Brooks (R – Alabama) nói trên chương trình phát thanh SiriusXM của Breitbart News hôm đầu tháng Ba rằng dự luật H.R.1, nếu được ban hành thành luật, sẽ biến các cuộc bầu cử Mỹ thành các cuộc bầu cử tại Liên Xô cũ, Cuba hay Bắc Hàn.

Đồng tình với ông Brooks, người phụ trách chương trình của Breitbart Alex Marlow khẳng định: “Dự luật H.R. 1 cũng sẽ làm cho Đảng Dân chủ chiếm đa số mãi mãi. Đảng Cộng Hòa sẽ không bao giờ thắng cử được nữa nếu luật này được thông qua.

RenewedRight.com mới đây căn cứ vào bản tin của The Guardien cho hay tại phiên họp Hội đồng trao đổi Lập pháp Hoa Kỳ, Thượng Nghị sĩ Ted Cruz (R. Texas) vừa lên tiếng công kích dự luật H.R 1 và chỉ ra rằng luật của Đảng Dân chủ cấp quyền bỏ phiếu cho những kẻ phạm tội như lạm dụng tình dục trẻ em.

Vẫn theo ông Cruz, Dự luật này nếu trở thành luật sẽ bảo đảm cho đảng Dân chủ một thứ quyền phi tình phi lý là không bao giờ bị thất cử, và điều này có nghĩa là đảng Cộng Hòa sẽ vĩnh viện không thể ngóc đầu lên được. Nó cũng mang ý nghĩa là một nửa dân số Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ bị trắng trợn tước quyền  bởi một bọn cướp ngày! Do đó, không còn con đường nào khác cho cánh hữu là bằng mọi giá phải dồn nỗ lực để loại bỏ Dự luật phản dân chủ này.

Thật may mắn, H.R. 1 tuy đã được thông qua ở Hạ viện, sẽ phải đối diện với một cuộc chiến tuyệt vọng tại Thương viện – khi thủ tục “filibuster” ít nhất cũng còn hiệu lực. Tuy nhiên, điều may mắn này liệu có an toàn không? Chúng ta cần tìm hiểu tiếp những gỉ đảng Dân chủ đang toan tính hiện nay.

Đảng Dân chủ nỗ lực cứu Dự luật H. R. 1

Bài viết của Chris Enloe đăng trên Blaze Media hôm 20-3 vừa qưa cho hay, hiện đảng Dân chủ đang phát động một chiến dịch toàn diện nhằm triệt tiêu qui tắc Filibuster, một qui tắc đòi hỏi phải đạt được tối thiểu là 60 phiếu nhằm bảo vệ sự công bằng tại Thượng viện khi thông qua những Dự luật tương tự như Dự luật H. R. 1 do phe Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện chuyển lên.

Được biết, những khuôn mặt lớn trong đảng Dân chủ ở Thượng viện, tiêu biểu như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (D-Mass.) đã lên tiếng mạnh mẽ đả kích qui tắc Filibuster là “phân biệt chủng tộc”, một khẳng định đã bị chuyên gia pháp lý danh tiếng là Hans von Spakovsky phản bác.

Warren đã tuyên bố hôm Thứ Năm ngày 17-3 rằng việc thông qua -đòi hỏi 60 phiếu bầu cho hầu hết các đạo luật tại Thượng viện- là một biểu hiện cho tinh thần “phân biệt chủng tộc” và phải được bãi bỏ vì nó mang lại cho các đảng chính trị thiểu số quá nhiều quyền lực!

Bà Elizabeth Warren lập luận rằng: “Hành vi này có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và nó không được phép thực hiện chức năng đó bởi vì  nó sẽ tạo ra quyền phủ quyết cho các nhóm thiểu số. Trong một nền dân chủ, đó vốn là các quy tắc đa số”.

Vẫn theo bà Warren:“đây là dấu tích của quá khứ Jim Crow của nước Mỹ, được thiết kế để cung cấp cho miền nam khả năng phủ quyết bất kỳ luật dân quyền hiệu quả nào hoặc luật chống nới lỏng”.

Còn nhớ năm ngoái, cựu Tổng thống Barack Obama đã từng tuyên bố rằng thủ tục Filibuster là một “di tích của Jim Crow” cần được loại bỏ để bảo vệ quyền của cử tri. Và tuần này, sau bà Warren, Dân biểu Joaquin Castro (D – Texas) đã lặp lại luận cứ lên án vửa nói của ông cựu Tổng thống Obama.

Phản ứng của công luận & chuyên gia pháp lý

Ngay sau khi Thượng Nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren và Dân biểu Joaquin Castro (D-Texas) lên tiếng đả kích qui tắc Filiburg, cùng với công luận, chuyên gia pháp lý Hans von Spakovsky, người quản lý Sáng kiến ​​Cải cách Luật Bầu cử của Tổ chức Di sản và là thành viên pháp lý cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý và Tư pháp Meese, đã lên án các đảng viên Dân chủ về hành vi gian dối, phủ nhận sự thật của họ,

Lên tiếng trên tờ Washington Examiner, Spakovsky cho rằng:

“Đó là những phát ngôn phi lý và không chính xác về mặt lịch sử, Nó không liên quan gì đến Jim Crow. Trên thực tế, hãy nhớ rằng, nó bắt đầu vào năm 1806, khi chế độ nô lệ trở thành hợp pháp trên toàn nước Mỹ.”

Dựa vào quan điểm của Viện Brookings, Spalovsky nhận định: trên thực tế, vụ án hình thành có thể ví như “một vấn đề dọn dẹp nhà cửa đơn giản”, xuất hiện vào năm 1806. Theo khuyến cáo của Phó Tổng thống Aaron Burr khi ấy, Thượng viện loại bỏ các quy tắc của nó một điều khoản (chính thức được gọi là chuyển động câu hỏi trước đó) cho phép đa số đơn giản buộc bỏ phiếu cho câu hỏi cơ bản đang được tranh luận. Quyết định này không phải là một quyết định chiến lược và cũng không phải là quyết định chính trị – đó là một vấn đề quản lý nội bộ đơn giản, vì Thượng viện không thường xuyên sử dụng đề nghị này và có sẵn các động thái khác để thực hiện điều tương tự.

Cuối cùng, Hans von Spakovsky nói rằng việc bãi bỏ qui tắc Filiburg sẽ ngăn Thượng viện trở thành một cơ quan lập pháp mang đặc nét riêng, điều mà những người sáng lập đã dự định ban đầu. Và sự kiện này, theo chuyên gia pháp lý Stakovsky: Nó sẽ biến Thượng viện thành Hạ viện, và đó không phải là một điều tốt. Ông nhấn mạnh:

“Sẽ có sự thiếu tôn trọng đối với các luật chỉ được thông qua bởi một đảng chính trị bởi vì sẽ bị coi là một khí cụ mang tính đảng phái chứ không phải được áp dụng cho toàn thể công dân Mỹ” như dự kiến ban đầu.

Đôi điều trước khi kết thúc

Trong ngót nửa thế kỷ có mặt trên đất Mỹ, cũng như nhiều đồng hương tị nạn đặt chân lên xứ sở này trong đợt đầu khi cộng quân xâm chiếm Sàigòn, chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến những chuyện dị kỳ như đã và đang xảy ra trong vòng 4 năm qua. Đặc biệt là những hành vi công khai bóp nghẹt tự do, dân chủ và trò hề dối trá, lừa đảo trước, trong khi và sau cuộc tổng tuyển cử ngày 03 tháng 11 năm 2020 vừa qua.

Tuồng như tất cả những huyền thoại, những lời xưng tụng thế giới dành cho Hiệp Chúng Quốc Hoa kỳ về những thành quả vĩ đại mà qua các chính quyền và người dân nơi đây thực hiện được đã quảng đại cung hiến cho nhân quần xã hội, bỗng dưng bị sụp đổ trong sớm chiều!

Còn đâu là biểu tượng cao đẹp của một đất nước tự do, khoáng đạt với một nền dân chủ mẫu mực thể hiện qua ngọn đuốc cháy sáng trong cánh tay vươn cao của Nữ Thần Tự Do tại eo biển Thái Bình Dương mở vào miền Đông Mỹ quốc?

Lần đầu tiên, các thế hệ những người Mỹ thuộc đủ mọi sắc dân trên thế giới có mặt trên đất nước này bị rơi vào tình trạng hoảng loạn, hụt hẫng. Riêng lớp người từng sống dưới các chế độ độc tài, bất khoan dung -phong kiến, quân phiệt, vô thần cộng sản- như Miến Điện, các nước Phi châu, Hoa Lục, Việt Nam, Cuba …., không khỏi băn khoăn, lo lắng trước một tương lai vô định!

Chưa bao giờ người dân Mỹ phải chứng kiến cảnh tượng, một ông Tổng thống được dân bầu chọn qua một cuộc bầu cử hợp hiến, hợp pháp mà ngay sau ngày tuyên thệ nhậm chức đã bị người tiền nhiệm cùng với phe đảng của ông ta mở chiến dịch “đuổi cùng diệt tận”!

Vừa dành được quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2018, với sự tiếp tay tận tình của hệ thống truyền thông thiên tả, đảng Dân chủ bắt đầu ngụy tạo hồ sơ truất phế ông Trump với tội danh ‘phản quốc’, vu cáo thông đồng với Nga sô gian lận bầu cử năm 2016!

Sau thất bại bẽ bàng trong vụ đàn hặc lần thứ nhất, bước vào đầu năm 2020, lợi dụng sự bùng phát của đại dịch lan ra từ Vũ Hán-Trung cộng, Obama, Hillary, Pelosi dồn mọi áp lực lên chính quyền đương thời, thổi phồng những con số lây nhiễm, chết chóc vì dịch bệnh đế trút mọi trách nhiệm cho người cầm đầu đất nước. Trong khi ấy, họ cố tình quên đi sự kiện ngay từ những ngày đầu đại dịch vừa bùng phát, tòa Bạch Ốc đã ra lệnh cấm tất cả các chuyến bay từ Hoa Lục.

Điều cả thế giới kinh hoàng là Big Tech đứng đàng sau đảng Dân chủ và các thế lực ngầm còn ngang ngược dành quyền kiểm duyệt bịt miệng người dân lên tiếng, không chừa cả ông Trump, Tổng thống của đại cường Hoa Kỳ!!!

Cùng lúc, đảng Dân chủ và truyền thông thiên tả hoàn toàn ngậm miệng trước những thành quả hiển nhiên mà chính quyền Cộng hòa đã đạt được trong ba năm nhiệm kỳ đầu về cả hai phương diện nội trị lẫn ngoại giao. Kinh tế phát triển mạnh, thị trường chứng khoán lên cao chưa từng thấy trong cả thập niên trước đó, tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp nhất. Giá nhu yếu phẩm, cụ thể là nhiên liệu luôn ở mức dễ chịu so với lợi tức của người dân lao động

Trên bình diện quốc tế, khó ai có thể phủ nhân những thành quả của ông Trump trong nỗ lực giảm thiểu mối đe dọa về vũ khí hạt nhân của hai kẻ thù nguy hiểm, bất trắc là Bắc Triều Tiên và Iran. Sự linh hoạt trong việc giải quyết vấn đề Trung Đông đưa tới sự ổn định của vùng trời này và thái độ cương quyết của ông Trump trong cuộc chiến thương mại với Tập Cận Bình, người cầm đầu Đảng CSTQ, cũng là một kỳ tích so với nhiều đời Tổng thống trước.

Trong những điều kiện thuận lợi như thế, cho dù phải đối đầu với đại dịch Vũ Hán, nếu không gặp giòng nước ngược của đảng Con Lừa với sự tiếp tay trâng tráo của Big Tech và những thê lực ngầm, chưa nói tới những thủ đoạn ném đá giấu tay thâm hiểm của ĐCSTQ, chuyện ông Trump tái cử nhiệm kỳ hai là chuyện đương nhiên.

Nhưng rồi, kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 2020 đã diễn ra như thế nào chúng ta đã biết. Và sự nghịch đảo mỉa mai, trái thường, nghịch lý ấy do đâu và vì sao xảy ra, dư luận quần chúng lương thiện trên thế giới, nhất là những người công chính, luôn tôn trọng sự thật cũng đã thấy và có câu trả lời.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “chó chết, hết chuyện”. 

Ngày ông Donald Trump cùng bầu đoàn thê tử rời tòa Bạch Ốc về nghỉ ở tiểu bang Florida, tiếp theo là cặp Joe Biden/Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46, người ta tưởng những chuyện chó má, tầm phào, lọc lừa, thù vặt như đã trình bày sẽ tự nó cáo chung.

Nhưng không. Dư luận đã lầm! Một quả lầm vĩ đại!

Đầu tiên, Hạ viện dưới quyền kiểm soát của đảng Dân chủ do bà Pelosi làm Chủ tích đã trơ trẽn thông qua cuộc ‘đàn hặc’ lần thứ hai nhắm vào cựu Tổng thống Donald Trump, cho dù lúc này ông dã trở về đời sống của một thường dân!

Kết cuộc, những gì người ta cố tình thêu dệt để buộc tội ông Trump đã được công lý xóa trắng, để lại cho đảng Con lừa thêm một vết nhơ khó tẩy sạch.

Thù hận vốn là căn bệnh kinh niên của những kẻ đam mê quyền lực. Và cũng vì tham quyền nên sau khi dùng những thủ đoạn gian dối, lừa đảo để chiếm được nó trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, đảng Dân chủ khởi sự một loạt những mưu toan bất chính để củng cố lâu dài quyền lãnh đạo họ nắm được hiện nay.

Từ việc ông Biden mau chóng ký ban hành hàng loạt sắc lệnh hành chánh lật ngược những biện pháp an sinh, đem lại ổn định lâu dài tại biên giới Mỹ/Mễ, tạo đà phát triển cho người dân, từ các đại xí nghiệp, thương nghiệp, doanh gia lớn nhỏ, tới các sắc dân thiểu số…, đưa tới tình trạng khủng hoảng chưa từng có tại biên thùy phía nam giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ hiện nay.

Đây là việc làm có chủ ý của chính quyền Biden/Harris. Ngoài tính mị dân, hành vi tiếp rước đám tị nạn ô hợp, dầy dẫy những thành phần bất hảo vào phá hoại an ninh nước Mỹ, vẫn không ngoài mục tiêu gom chung với hàng chục ngàn tị nạn bất hợp pháp đang được họ hứa hẹn ban quyền công dân để tăng thêm số cử tri tiềm năng cho đảng Con Lừa trong những cuộc bầu cử tương lai từ địa phương tới trung ương. Như đã từng cảnh báo, trước mắt là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 và cuộc tổng tuyển cừ năm 2024.

Xa hơn và cũng thâm độc hơn là việc Hạ viện do Dân chủ chiếm đa số vừa thông qua Dự luật H.R. 1 đầu tháng Ba vừa qua. Đây là một thủ đoạn nhằm luật pháp hóa những việc làm khuất tất trong các cuộc bầu cử trước đây -cụ thể là cuộc bầu cứ tháng 11 năm 2020, như chuyện bỏ phiếu bằng thư, cử tri tới phòng phiếu không cần xuất trình căn cước chứng minh tính hợp pháp, cũng không cần biết họ đã di chuyển qua các địa phương khác, một cách dung dưỡng cho ý đồ xấu là một cử tri có thể bỏ phiếu cho ứng viên Dân chủ ở hơn một thành phố, một quận hạt, một tiểu bang trong một trật!

Trước chỉ dấu luật H.R. 1 có khả năng bị loại ở sàn Thượng viện vì qui tắc Filiburg, trong những ngày qua, cùng với hệ thống truyền thông thiên tả, các giới chức hành chánh, dân cử trong chính quyền Dân chủ đã mở chiến dịch đồng loạt chỉ trích qui tắc lâu đời này. Trong điều kiện như thế, liệu đảng Cộng hòa và những công dân yêu chuộng tự do, dân chủ phải làm gì để bảo vệ vị thế Thượng viện khõi bị mặc nhiên xếp chung hàng với Hạ viện, cũng như đáp ứng tiếng nói, nguyện vọng của toàn dân qua hệ thống lưỡng đảng, tam quyền phân lập?

          
Trần Phong Vũ
Miền nam California, ngày Thứ Tư, 24-3-2020