(DĐGD – tháng Sáu – 2008 & VNNB – 06/21/08)
Trước đây, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn gửi ra một bức thư ngỏ gây nhiều xôn xao trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Trong ấy, có một điều được xem là nhức nhối, cho cả cộng sản Hà Nội lẫn nhân dân Việt Nam, bất kể trong hay ngoài nước, ông đã nói đến một ý niệm biểu tượng của lá cờ. Mặc dù Đức Hồng Y không nói rõ ràng là nên triệt hạ lá cờ đỏ hay lá cờ vàng, nhưng ông đã có nói rằng, chính những lá cờ này đã gây sự phân cách, dù nó là biểu tượng cho một chế độ, một quốc gia hay “chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng”.
Mỗi biểu tượng đều mang tính chất thiêng liêng của nó, không thể phủ nhận được. Cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tuợng của người Việt Nam yêu chuộng tự do. Dù là người Việt ở trong hay ở ngoài nước. Cờ vàng là biểu tượng của đại đa số nhân dân Việt Nam. Cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của người cộng sản, của đảng cộng sản, một thứ biểu tượng mang màu máu. Không ai có thể chối cãi được điều này. Nguyên văn một đoạn trong thư của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn gửi ra khắp nơi trước khi ông lên đường đi dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008, được tổ chức vào những ngày từ 15 đến 20 tháng Bảy, 2008, tại Sydney, Australia. Đức Hồng Y viết:
“Một lá cờ biểu tượng cho điều gì? Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng cho một đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng một chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia… Có lúc chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng. Giám mục của tôi, cách đây hơn 30 năm, lúc còn sinh thời, đã để lại cho các tín hữu và cho bản thân tôi bài học lịch sử nầy: người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là nguời mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân VN, vẫn là người mẹ đã để lại cho dân tộc VN một di sản vô giá. Di sản đó là truyền thống văn hoá của dân tộc VN, một nền văn hoá khá phong phú với những giá trị tinh thần và đạo đức. (như Tứ hải giai huynh đệ; Chuyện hôn nhân là chuyện trăm năm, là mối tình chung thuỷ; Lá lành đùm lá rách…)”.
Cờ Vàng là biểu tượng của Tự Do và Cờ Vàng là biểu tượng của những người đối kháng với Cộng Sản. Không thể nói khác hơn được.
Dù phải nói cách này hay cách khác, tựu trung, Đức Hồng Y cũng đã công nhận cờ vàng là một biểu tượng của người Việt chống cộng sản, và cờ đỏ là của đảng cộng sản, không thể nói khác được. Người ta cầm cờ vàng là biểu hiện một ý niệm chống cộng sản và ôm ắp niềm mơ ước giành lại Tự Do cho cả một dân tộc Việt Nam. Họ ôm ắp biểu tượng ấy hơn nửa thế kỷ qua.
Giả thử, có người nào thắc mắc về biểu tượng thánh giá mà người theo đạo Chúa vẫn tôn vinh. Chắc chắn sẽ làm cho các Kitô hữu buồn lòng nếu có ai đem biểu tượng của họ ra mà đặt vấn đề. Khi Chúa Giêxu bị đóng đinh trên thập giá ở núi Sọ, hai bên cũng có hai thập giá khác. Trên hai thập giá đó là hai tên trộm phải mang hình phạt của chế độ La Mã, bị đóng đinh trên thập giá. Nhưng chỉ có thập giá ở giữa, là thập giá có Chúa Giêxu bị đóng đinh đã trở thành biểu tượng của người theo đạo Chúa. Họ gọi đó là Thánh Giá (thập giá có chất Thánh), biểu trưng cho công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêxu. Điều này sẽ rất khó hiểu đối với những người không phải là tín hữu Kitô giáo. Không ai có thể bắt người theo đạo Chúa phải bỏ biểu tượng thánh giá của họ được. Còn biết bao biểu tượng khác đã trở thành quen thuộc và được tôn thờ.
Người Việt Nam tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại đã chọn Cờ Vàng làm biểu tượng và có lẽ họ sẽ mang theo suốt đời, không thể xa rời. Người quốc gia ở trong nước, chưa thoát được nanh vuốt của cộng sàn nhưng đã chọn biểu tượng Cờ Vàng, cho dù họ chỉ sử dụng trong âm thầm và vẫn canh cánh bên lòng. Làm sao tước đoạt được của họ?
Cờ đỏ là biểu tượng của đảng cộng sản Việt Nam. Họ chỉ là thiểu số rất ít so với toàn thể nhân dân. Đảng cộng sản là kẻ cướp chính quyền từ tay nhân dân và lên ngôi thống trị toàn cõi đất nước. Nhân dân Việt Nam là đại đa số quần chúng thuộc thành phần bị trị và phản kháng lại chế độ cộng sản hà khắc. Biểu tượng của thành phần phản kháng với chế độ chắc chắn phải “mang tính đối kháng”. Đó là Cờ Vàng của đa số nhân dân Việt Nam, là những người đối kháng với chế độ cộng sản. Một sự phân ranh rõ ràng không thể nói khác được.
Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, dù muốn hay không, cũng không thể nào nói khác được. Đức Hồng Y đưa ra câu hỏi: Một lá cờ biểu tượng cho điều gì? Rồi tiếp theo sau đó, chính Đức Hồng Y lại giải thích trong ý niệm biểu tượng của hai bên. Thật vậy, Cờ Vàng là biểu tượng của Tự Do và Cờ Vàng là biểu tượng của những người đối kháng với Cộng Sản. Không thể nói khác hơn được.
Sơn Hà
(14 tháng Sáu – 2008)