_______________________________

Trời đã sang xuân, ngàn hoa khoe sắc thắm như mời gọi những cánh bướm muôn màu tụ về bay lượn nhởn nhơ, tô thêm và làm tăng vẻ đẹp của thiên nhiên trong khu vườn sau nhà. Tản bộ trong vườn vào những buổi sáng hít thở bầu khí trong lành và ngắm cảnh bình minh, hoặc chiều về thưởng thức cảnh đẹp thơ mộng của những cánh bướm nhởn nhơ trên những cánh hoa đang rung rinh trước gió là một thú vui tao nhã.

Hoa và bướm. Cả hai diễn tả những gì là đẹp, là thơ, là thanh thoát, huyền hoặc. Phải có giờ cho những thưởng thức này, ta mới thấy những điều kỳ diệu của bàn tay Tạo Hóa.    Tiếc thay số phận của chúng lại rất mong manh, “sớm nở tối tàn” như hoa và lao đao trong gió như bướm!

Nhắc đến bướm khiến tôi nhớ lại câu chuyện mà tôi đã trao đổi với người nha sỹ quen biết nhân một lần ghé thăm phòng khám. Hôm đó, có lẽ để tôi bớt cảm thấy đau hoặc buồn chán khi phải để chị làm sạch hàm răng của mình, chị đã chia sẻ với tôi về một suy tư cuộc đời mà vô tình có liên quan đến thân phận của loài bướm. Tôi thì không nói năng gì được, nhưng chỉ nằm đó nghe:

-Anh biết không con người ta sinh ra trên đời này nghĩ cũng kỳ. Còn bé thì mong chóng lớn. Ngày tháng tuổi thơ trôi mau trước mắt người lớn, nhưng lại rất chậm đối với tuổi trẻ. Lớn lớn một chút thì mong học hành, đỗ đạt, có công danh sự nghiệp, vợ đẹp, con khôn. Nhưng khi được rồi thì lại thấy chán. Nhất là khi về già nhìn vào gương thấy da dẻ nhăn nheo, mắt mờ, chân chậm, bệnh tật đâm ra hoang mang không biết kết quả đời mình sẽ ra làm sao, đi về đâu? Hàng trăm loại thuốc trường sinh bất lão được chế biến, giới thiệu để tăng tuổi thọ. Hàng ngàn trung tâm thẩm mỹ được mở ra mong kéo dài nét đẹp thanh xuân. Nhưng rồi người già vẫn già, và thọ lắm thì cũng 90, 100 là cùng.

Rồi chị ngừng một chút và hỏi tôi:

-Thế anh nghĩ gì về cuộc đời này? Không lẽ chỉ có vậy sao? Không sống lâu thì người đời gọi mình là yểu mệnh, nhưng sống già mà lúc chết về bên kia thế giới với bộ mặt nhăn nheo, với hàm răng “chiếc rụng, chiếc lung lay”, hoặc tệ hơn với hàm răng giả thì anh nghĩ có chán lắm không?  

Câu hỏi của chị cũng kết thúc việc làm sạch hàm răng của mình, và tôi được dịp trả lời:

-Không đâu chị, con người là một kỳ quan của Tạo Hóa, cuộc sống mỗi người trên trái đất là một huyền nhiệm, nhưng bề ngoài nó cũng giống như loài bướm. Có thời gian làm con sâu róm xấu xí, ai cũng sợ, cũng tránh xa. Có thời gian thu mình im lìm trong vỏ kén   như không mang lại một sức sống hay ích lợi gì. Nhưng sau cùng, khi thời gian đã chín mùi, sự phát triển, chuyển biến đã đến thời kỳ, thì một cánh bướm muôn màu sắc, đẹp đẽ, lung linh xuất hiện.

-Anh nói vậy nghĩa là gì? Chẳng lẽ sau khi chết, con người ta hóa kiếp trở thành những thần linh đẹp đẽ và sáng ngời như những vì sao lung linh, lấp lánh trên bầu trời? Thế còn luân hồi thì sao?

-Tôi không tin vào luân hồi. Nhưng tôi tin vào đời sau. Và cái kết thúc của cuộc hành trình trên dương thế này sẽ là kết quả biến hình mà mình có được khi bước vào cõi vĩnh hằng.

Chị nhìn đồng hồ và nói:

-Xin lỗi anh, chúng mình sẽ nói chuyện con bướm sau, bây giờ tôi có bệnh nhân khác đang chờ…

Câu chuyện của loài bướm như đi vào quên lãng, và tôi cũng không nhắc lại dù những lần sau gặp chị tại phòng khám. Nhưng hôm nay hình ảnh những con bướm lại đến với tôi đúng lúc trong không gian và thời gian bên ngoài có nhiều bướm. Nó khơi lên trong tôi về một tương lai, về một đời sau đẹp đẽ và viên mãn. Mùa này cũng là mùa những người Kitô giáo gọi là Mùa Chay. Họ đang chuẩn bị đón mừng một mầu nhiệm vượt qua tâm linh, loan báo cho một bắt đầu của thế giới mới nhờ vào cuộc phục sinh của Đức Giêsu Kitô từ cõi chết.

Đời người là một hành trình đi về viên miễn. Người Việt Nam có câu: “Sống gửi thác về”. Cuộc sống này chỉ là tạm thời, mau qua như kiếp tầm gửi, mong manh như cánh bướm, sớm nở tối tàn như hoa phù dung. Và nếu ra đi bỏ lại cuộc đời này để về với miền đất cực lạc, nơi không còn những tiếng khóc, không còn những vành khăn tang, không còn bệnh tật, không còn bất công, không còn chết chóc nữa thì có khác gì một cuộc chuyển đổi từ một con sâu róm thành một con bướm. Như vậy thì cái già nua, cái nhăn nheo, hàm răng chiếc còn chiếc mất, hoặc bất cứ một khuyết tật thể lý nào cũng sẽ được đền bù, sẽ được biến đổi.

Triết lý sống về loài bướm còn đem lại một cái nhìn thực tế và tích cực về cuộc sống: Đời người cũng có những lo toan, khó khăn, thử thách, vất vả và vấp ngã giống hình ảnh xấu xí của một con sâu róm. Nhưng cũng có lúc phải nhìn lại, buông bỏ và tu tỉnh từ trong nội tâm sâu thẳm như con kén. Và rồi, cũng có lúc phải vươn ra làm đẹp cho đời, mang lại niềm vui và tiếng cười cho người như một cánh bướm.

Ngoài kia những cánh bướm đang nhởn nhơ bay lượn trong nắng sớm. Chúng nhắc ta về giá trị cuộc đời này, giá trị của những thử thách, và giá trị của những cố gắng cần phải vượt qua. Rồi ra, sau những biến đổi, những tôi luyện của năm tháng, ngày mà cánh bướm tâm linh xuất hiện cũng là ngày ta từ giã cõi đời này. Và mỗi người chúng ta sẽ là một cánh bướm trong vườn hoa vĩnh cửu.

TS Trần Mỹ Duyệt