_________________________________

Bài bình luận của Lê Việt An
2021-06-01

Nguồn: RFA

“Về căn bản, Việt Nam đã ngăn chặn được COVID-19!” Từ cuối năm ngoái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tuyên bố như thế! Lúc ấy, thấy Mỹ và châu Âu ngụp lặn trong khó khăn, các đồng chí hí hửng, tưởng mình có thế chiến thắng đại dịch bằng tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Chả thế mà trong khi cả nước đang gồng mình trước làn sóng đại dịch thứ tư này, Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, tuy không còn tự chủ đi lại được nữa, nhưng vẫn khư khư lo bám giữ cái ghế Tổng Bí thư (TBT), sợ một vị nào đấy trong “Bộ Tam” Chính – Phúc – Huệ sẽ giật mất. Nếu không nghĩ vậy thì TBT đã không “lú” đến mức cặm cụi ngồi duyệt một bài “tràng giang đại hải” – nói duyệt là vì ông ta không thể đủ sức để chấp bút bài viết loằng ngoằng – đầy tính hoang tưởng về một thứ chủ nghĩa chưa bao giờ tồn tại, đó là CNXH.

Ngấm đòn rồi liệu có đàng hoàng hơn?

Ngày 30/5 vừa rồi, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chủ động gửi thư cho Tổng thống Mỹ Biden, nói là để trao đổi về quan hệ hai nước, nhưng nội dung chủ yếu là muốn nhờ Mỹ giúp ứng phó với đại dịch Vũ Hán. Việt Nam hiện đang chống chọi với đợt dịch thứ tư, bùng phát từ ngày 17/4 trên diện rộng và từ nhiều nguồn khác nhau. Mức độ nguy hiểm của các biến thể virus từ Anh và Ấn Độ, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, khiến chính quyền có phần rối loạn.

Bức thư nói trên, sở dĩ được gửi khẩn cấp, một phần vì sự lây lan bất thường của đại dịch, phần khác, vì trước đó, Mỹ dường như đã tỏ thiện chí sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam. Tại cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn ngày 28/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bảo đảm, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vaccine thông qua chương trình COVAX, trong đó có 80 triệu liều vaccine Mỹ sẽ cung cấp cho thế giới trong thời gian tới.

Và không chỉ cầu cứu Mỹ, trước đó, Việt Nam cũng đã phải “vái tứ phương”, thông qua các cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao từ các nước như Nhật Bản, Nga và châu Âu… Chính phủ Việt Nam đã đề nghị các nước hỗ trợ tiếp cận các nguồn vaccine, đồng thời hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng chống COVID-19. Mặc dầu tại cùng thời điểm ấy, Nguyễn Phú Trọng lại vẫn “ra rả” chửi mắng và hạ nhục chủ nghĩa tư bản “giẫy chết”.

Không chỉ đang chạy xuôi chạy ngược để mua vaccine, Hà Nội còn đề xuất sản xuất vaccine cho các tập đoàn quốc tế. Nếu như trước đây một năm, Chính quyền Hà Nội đã không nuôi ảo tưởng, với “tính ưu việt của chế độ”, có thể đánh bại được đại dịch Vũ Hán, mà chăm lo cho khả năng miễn dịch của cộng đồng, thì nay đã không phải “tá hoả tam tinh”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như các tuyên bố chọi nhau giữa các quan chức trong chính quyền.

Việt Nam cũng “cầu cứu” cả “bạn vàng” Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa ai biết chắc Trung Quốc có cung cấp cho Hà Nội vaccine “Made in China” hay không? Và kể cả khi Trung Quốc có bán thì chắc gì người dân Việt Nam đã dám dùng cái loại vaccine xuất phát từ “quê hương” mang tên Vũ Hán, nơi phát sinh virus SARS-CoV-2 làm lây lan đại dịch COVID-19.

Trung Quốc đối với Việt Nam trong đại dịch như thế nào, chẳng cần phải chờ lâu. Ngay trong những ngày này, chính truyền thông nhà nước Việt Nam, chứ không phải các “lực lượng thù địch” nào khác, loan tin cho biết, mấy tuần qua trong khi Việt Nam đang khốn đốn vì đại dịch, thì các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã dội hàng ngàn quả đạn vào các mục tiêu gần Hoàng Sa để các phi công Tàu cộng rèn luyện kỹ năng tấn công chính xác các mục tiêu trên Biển Đông, bất chấp phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Nhưng có lẽ “đòn” mà Hà Nội ngấm nhất (đang ráng chịu nhưng không dám kêu to), đó là thái độ có phần bàng quan của các nước vẫn được coi là “đối tác chiến lược” hay “đối tác toàn diện”. Các nước này chẳng mấy sốt sắng đối với việc “giải cứu” Việt Nam trong cơn hoạn nạn. Ở đây hoàn toàn có thể chia sẻ với đánh giá khách quan của nhà báo Jackhammer Nguyễn vào hôm 30/5 đã nêu thẳng vấn đề không úp mở: Nếu Việt Nam muốn chống được dịch thì phải đàng hoàng [1].

2021-05-11T075500Z_1444647981_RC2JDN9VBTJR_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM.JPG
Nhân viên y tế xếp hàng chờ được tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca ở Hải Dương hôm 8/3/2021. Reuters

Nhà báo nói trên phân tích thật chí lý khi luận giải, Việt Nam kết giao với phương Tây chủ yếu vì thị trường hàng hóa, vì sự cân bằng đối trọng với kẻ thù phương Bắc. Trong ngắn hạn, phương Tây có thể bỏ qua chuyện nhân quyền, nhưng khi gặp biến cố lớn, như đại dịch và có thể là chiến tranh nữa, các nước dân chủ không đặt ưu tiên cứu giúp một kẻ không đàng hoàng về nhân quyền, không cùng chia sẻ những giá trị với họ, không giống như cách các nước này đã và đang đối xử với Hàn Quốc và Đài Loan…

Cầu Chúa để ban lãnh đạo Hà Nội sớm nhận chân ra sự thật đơn giản này!

Bởi vì, theo giới quan sát, Hà Nội vẫn chưa chịu tỏ ra đàng hoàng trong nhiều chuyện đối với chính người dân của mình. Ép buộc dân đi bỏ phiếu cho cái Quốc hội không bầu vẫn biết trước những ai sẽ trúng cử, trong bối cảnh lây nhiễm hiện nay là cực kỳ nguy hiểm. Hay, so sánh sự khác nhau trong cách hành xử của Toà án cộng sản dành cho thường dân và quan chức cao cấp thì rõ nhất. Dư luận không khỏi bị “sốc” trước nhân thân của đại tá Nguyễn Duy Linh, con trai “bố già” – Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, trong vụ án “đưa hối lộ” có một không hai, khi mà kẻ đưa hối lộ thì bị khởi tố, còn kẻ nhận hàng triệu USD thì bóng chim tăm cá, tìm không ra. Hoặc giả tìm ra thì hắn chối bay, chối biến, xem luật pháp không là cái đinh rỉ gì cả. [2].

Có thể “tấn công” đại dịch bằng chính trị?

Câu trả lời là không thể! Không thể áp dụng phương pháp “chính trị là thống soái”, chỉ hô hào suông – kêu gọi toàn bộ hệ thống vào cuộc để giải quyết vấn đề. Cuối năm 2020, thông tin vaccine phòng chống COVID-19 có thể đạt hiệu quả hơn 90% đã mang lại hy vọng chiến thắng dịch bệnh này. Thế nhưng vài tháng nay, hy vọng đó đã nhường chỗ cho một thực tế phức tạp hơn, gây hoang mang trong xã hội. Ngoài ra, còn 2 lý do quan trọng sau đây càng khiến cho việc chủ động “tấn công” đại dịch theo lời hiệu triệu của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính là không thể. [3].

Thứ nhất, quy luật của dịch tễ học, về cơ bản, khác với quy luật của đánh giặc (tức là quy luật chiến tranh) [4]. Riêng đối với đại dịch Vũ Hán hiện nay, các nhà dịch tễ học hầu như đều thống nhất với nhau một nhận định. Đó là, đối với các chính phủ, sự xuất hiện của các biến thể mới và sự chần chừ liên quan đến việc tiếp cận các nguồn vaccine đã gây khó khăn cho kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế và áp dụng trở lại một số quy tắc thông thường.

Thứ hai, quy luật chiến tranh lại càng khác xa với quy luật thời bình. Trong thời bình, khi làm ăn kinh tế, bao giờ doanh nghiệp cũng phải tính đến “chi phí cơ hội” (opportunity cost). Đây vốn là khái niệm chìa khóa trong kinh tế học. “Chi phí cơ hội” dựa trên cơ sở là nguồn lực khan hiếm nên buộc giới kinh doanh phải thực hiện sự lựa chọn. Như vậy, không thể hô hào chống dịch như chống giặc, vì hai lẽ ấy. Dịch bệnh có quy luật riêng. Khi đánh giặc ta có thể “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, hy sinh sức người và sức của để giành độc lập. Nhưng khi phòng/chống dịch, các chuyên gia lại phải đặt sinh mệnh con người lên trên hết.

Có thể thấy, các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính đã đưa ra lời kêu gọi muộn màng. Theo thống kê của trang “Our World in Data”, Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine chống COVID-19 thấp nhất trong các nước ASEAN. Tính đến ngày 26/5, cả nước mới tiêm được 1,03 triệu liều, tương đương với khoảng 1,06% dân số. Trong khi tỷ lệ này ở Singapore là 36,1%, Campuchia 14,1%, Lào: 8,45%, ngay đến Myanmar, một quốc gia đang trên bờ vực nội chiến cũng đã có tới 3,26% dân số đã được tiêm chủng. Vậy là, Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm vaccine thấp nhất thế giới. [5].

Không đặt mua vaccine từ đầu, rõ ràng Việt Nam đã ngủ quên trên chiến thắng. Còn nhớ, khoảng tháng 10 năm ngoái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng/chống đại dịch Vũ Hán đã tuyên bố như đinh đóng cột: “Về căn bản, Việt Nam đã ngăn chặn được COVID-19”. Ngay lúc bấy giờ, một bình luận gia “gạo cội” đã mỉa mai: “Nói như thế, chẳng khác gì một người rơi từ tầng 20 của một cao ốc, khi rớt đến tầng 15, anh ta vẫn hí hửng la lớn: Trọng lực là vô hại! Và tiếp tục nói như thế cho đến tầng thứ 2!”

Bây giờ Việt Nam đang bết bát. Tin từ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, COVID-19 ở Việt Nam đang trở nên nguy cấp bất thường khi các nơi xét nghiệm thấy chủng mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và từ Anh – một biến thể nguy hiểm mà dường như chỉ có ở Việt Nam. Báo Thanh Niên trong nước đưa tin này đầu tiên. Sau đó đến Tuổi Trẻ, nhưng chỉ trong vài giờ, tất cả các tựa đề đều bị thay đổi, chỉ còn một vài tờ báo điện tử khác giữ lại nguyên trạng.

Theo các thông tin sau đó bị tẩy xoá, chủng Ấn Độ có những đột biến gen của chủng Anh. Đặc điểm của chủng này là lây nhanh, phát tán rộng, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng cao và phát tán mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn. Khi được hỏi cụ thể là loại virus vô cùng nguy hiểm này hiện có chính xác ở những vùng nào tại Việt Nam, thì ông Long thoái thác, nói sẽ sớm cập nhật mọi thứ trên bản đồ gien thế giới.

Nói cách khác, Bộ Y tế Việt Nam đang bó tay, vì không biết thật sự mọi thứ đang lây lan như thế nào. Hiện biến thể này chưa được Y tế Việt Nam đặt tên, chỉ tạm gọi đây là COVID lai giữa chủng Ấn Độ và Anh. Theo báo cáo của Bộ trưởng Long, tất cả những nguồn lây lan nguy hiểm nhất và gần như khó có thể kiểm soát được trong thời gian tới, đó sẽ là Bắc Giang, Bắc Ninh, Sài Gòn và Hà Nội. Nguồn lây lan, mà VN rất ngại tiết lộ, phần lớn xuất hiện từ các khu chế xuất, khu công nghiệp đang có từ hàng chục cho đến hàng trăm ngàn công nhân. Mỗi ngày những công nhân ở đây làm việc cật lực để duy trì sự ổn định kinh tế nhưng không hề có một quy chế gì giúp họ tránh lây nhiễm.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do. 

Bài liên quan:
  • Trung Quốc cần một cách tiếp cận mới ở Syria
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những sự kiện làm thay đổi chiến lược an ninh Châu Âu!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Netanyahu và Erdoğan đang cạnh tranh để lãnh đạo Trung Đông
    Gideon Rachman
  • HỘI LUẬN ngày 21/12/2024. Năm 2024: Những biến cố làm thay đổi thế giới!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Ba-Đình bớt “quốc tang”,“Tinh gọn” đầy “quan tái”!
    Trần nguyên Thao