Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi’s leftward shift to a socialist China is for real”, Nikkei Asia, 26/08/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên
Việc Tập Cận Bình thanh trừng một đồng minh ở căn cứ quyền lực Chiết Giang khiến cả nước rùng mình.
Cú sốc làm rung chuyển Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, cũng như khắp Trung Quốc, rõ ràng là rất lớn.
Hôm thứ Bảy, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc cho biết vị lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố, Bí thư Thành ủy Hàng Châu Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng các quy tắc và kỷ luật đảng.
Người đàn ông 53 tuổi này được cho là thành viên của phái Chiết Giang đầy quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình, còn được gọi là nhóm “Chiết Giang tân quân” (Quân đội Chiết Giang mới).
Trong khi chi tiết về các cáo buộc chống lại ông Chu vẫn chưa rõ ràng, các quan chức, chuyên gia và những người theo dõi Trung Quốc đã ngay lập tức kết nối các sự kiện với nhau.
Như độc giả thường xuyên của chuyên mục này đều biết, thành phố Hàng Châu và tỉnh Chiết Giang có vai trò đặc biệt vì hai lý do.
Thứ nhất, Hàng Châu là cơ sở chính trị của ông Tập. Là quan chức hàng đầu của tỉnh Chiết Giang, ông từng sống trong nhiều năm ở thủ phủ nhiều danh lam thắng cảnh này – nổi tiếng với khu Tây Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Các quan chức hàng đầu hiện nay của các thành phố trực thuộc Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh, đều là cấp dưới của ông Tập từ thời ông còn ở Chiết Giang; họ cùng nhau thành lập nhóm “Chiết Giang tân quân”.
Chu Giang Dũng nhanh chóng thăng tiến qua các cấp bậc ở Chiết Giang, và được coi là người thân cận của ông Tập.
Một số chuyên gia chính trị đã dự đoán rằng, với tư cách là một nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo đầy triển vọng trong phe Chiết Giang, Chu sẽ sớm được thăng chức tỉnh trưởng của một tỉnh khác.
Thứ hai, tỉnh Chiết Giang được biết đến là nơi sản sinh ra các công ty tư nhân lớn của đất nước. Khu vực này đã đạt được sự phát triển kinh tế tự chủ mà không phụ thuộc vào các công ty nhà nước hoặc các cơ quan hành chính.
Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc, Alibaba, có trụ sở chính đặt tại Hàng Châu.
Đây có thể là một manh mối về cuộc điều tra đối với Chu. Chu thân thiết với người sáng lập Alibaba Jack Ma. Do nền kinh tế Hàng Châu phụ thuộc rất nhiều vào Alibaba, nên không có gì ngạc nhiên khi Chu, quan chức hàng đầu của thành phố, có liên hệ chặt chẽ với Jack Ma.
Vào ngày 17 tháng 8, bốn ngày trước khi công bố cuộc điều tra đối với Chu, ông Tập đã có một bài phát biểu quan trọng, sẽ có tác động đáng kể đến tiến trình tương lai của Trung Quốc.
Bài phát biểu tại Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương của đảng là lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng của ông Tập sau kỳ nghỉ hè, trong đó ông và các lãnh đạo đương nhiệm được cho là đã gặp các quan chức đã nghỉ hưu, tại “cuộc họp Bắc Đới Hà” thường niên, tại khu nghỉ mát bên bờ biển tỉnh Hà Bắc.
Ông Tập đã sử dụng thuật ngữ “thịnh vượng chung” tới 15 lần. Không khó để tưởng tượng rằng vị chủ tịch nước, kiêm tổng bí thư của đảng, đã nhận được sự chấp thuận để thúc đẩy chính sách này ở Bắc Đới Hà.
Nhằm thúc đẩy chính sách “thịnh vượng chung”, Tập tuyên bố sẽ mở rộng quy mô của nhóm thu nhập trung bình, tăng thu nhập của nhóm thu nhập thấp, và “điều chỉnh nhóm thu nhập quá cao”, bao gồm thông qua hệ thống thuế và phân phối lại thu nhập ba giai đoạn.
Những biện pháp này có thể sẽ trở thành một chính sách cơ bản trong tương lai khi chính quyền ông Tập theo dõi hội nghị toàn thể lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 19 vào mùa thu này, và sau đó là đại hội toàn quốc tiếp theo của đảng vào mùa thu năm 2022.
Những gợi ý rằng Đảng đang nhắm mục tiêu vào người giàu đi ngược lại chính sách “để một số người làm giàu trước” của cựu lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình, và báo hiệu một sự chuyển hướng thiên tả mạnh mẽ, hướng tới một Trung Quốc xã hội chủ nghĩa.
Điểm quan trọng là Chiết Giang đã được xác định là khu vực kiểu mẫu để đạt được sự thịnh vượng chung này.
Ông Tập biết rất rõ về Chiết Giang nói chung và Hàng Châu nói riêng. Ông có thể đã hình dung ra một kịch bản mà trong đó, các công ty tư nhân khổng lồ không còn thống trị nữa. Điều này có thể sẽ diễn ra ở Hàng Châu trước, và sau đó là trên toàn quốc.
Đó là lý do tại sao Chiết Giang, nơi có nhiều công ty tư nhân lớn, được chọn thay vì Bắc Kinh, thành trì của các công ty nhà nước, làm khu vực kiểu mẫu cho sự thịnh vượng chung.
Để nhắm vào người giàu, không thể để tồn tại chuyện chính quyền địa phương Hàng Châu cấu kết với các công ty lớn mà chính quyền muốn nhắm tới.
Khi đó, cuộc đàn áp đối với Chu có khả năng là một nỗ lực để chứng tỏ sự nghiêm túc của việc quay lại chủ nghĩa xã hội. Mặc dù cuộc thanh trừng một thành viên thân tín có thể gây đau đớn cho nhóm, nhưng đó là một sự hy sinh cần thiết.
Về phần Chu, ông đã tính toán sai khoảng cách phù hợp giữa lãnh đạo chính trị và các công ty tư nhân.
Một tờ báo Hồng Kông đưa tin cáo buộc rằng, gia đình Chu đã mua cổ phần của Ant Group, công ty con về tài chính của Alibaba, trước khi công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Ant Group đã đưa ra một tuyên bố vào tối Chủ nhật, một ngày sau khi thông báo điều tra được ban hành, phủ nhận dứt khoát việc gia đình Chu mua cổ phần công ty này.
Ant Group “tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và các quy định” trong một quy trình chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng “công khai và minh bạch”, công ty cho biết. Thông báo nói thêm rằng, “Tin đồn về [một] người nào đó nắm giữ cổ phần trong công ty là sai sự thật, chưa kể đến việc mua cổ phần đột ngột hoặc được hoàn lại tiền.”
Cùng với cuộc điều tra về Chu, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng thông báo họ đã phát động một chiến dịch rộng lớn để loại bỏ các mối quan hệ không phù hợp giữa chính phủ và doanh nghiệp. Khoảng 25.000 quan chức có khả năng sẽ bị điều tra.
Thông báo này báo hiệu rằng sẽ không có ai được bỏ qua. Cuộc điều tra sẽ không chỉ nhắm vào các quan chức địa phương mà còn cả vợ/chồng, con cái của họ, vợ hoặc chồng của con cái họ, và các cựu quan chức địa phương đã nghỉ hưu trong vòng ba năm qua.
“Chiết Giang là khu vực có nền kinh tế do khu vực tư nhân lãnh đạo phát triển nhất”, một doanh nhân Trung Quốc am hiểu tình hình địa phương giải thích. “Có vô số gia đình có anh trai làm quan chức, và em trai là giám đốc điều hành doanh nghiệp cực kỳ thành công. Nếu mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp được xem xét kỹ lưỡng, các vấn đề lớn nhỏ, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến các thành viên trong gia đình, chắc chắn sẽ xuất hiện.”
Khoảng 5 năm trước, ông Tập bắt đầu ủng hộ một “kiểu quan hệ mới giữa chính quyền và doanh nghiệp.” Điều này có nghĩa là trong khi lắng nghe tiếng nói của các công ty tư nhân đang gặp khó khăn với sự thấu hiểu và nghiêm túc, và trong khi giải quyết vấn đề, các chính trị gia phải giữ được sự trong sạch, không lợi dụng quyền lực để trục lợi.
Chắc chắn là các hướng dẫn đó hoàn toàn đúng đắn. Nhưng làm thế nào Trung Quốc có thể vừa “điều chỉnh những người có thu nhập quá mức”, vừa duy trì sức mạnh của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn?
Quả thực, nói thì dễ hơn làm.
Katsuji Nakazawa
Cựu trưởng văn phòng của Nikkei tại Trung Quốc.