Trình bày về mối quan hệ giữa Việt nam và Hoa Kỳ, trong chương 10 tập 2 tác phẩm “The Vietnam Upheaval”, tác giả nhìn nhận là rất đa dạng. Hàm ẩn trong nhận định trên là câu hỏi kèm theo: Ai là người thật sự điều hành chính sách của Mỹ tại tòa Bạch Ốc?
Dưới tầm nhìn của tác giả họ Vũ, tính đa dạng này khơi nguồn từ cơ chế lưỡng đảng của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ với hai đảng chính trị lớn là Cộng Hòa và Dân Chủ, không kể mấy đảng nhỏ với tỷ lệ cử tri khiêm tốn không ảnh hưởng bao nhiêu tới chính trị nước Mỹ. Trên nguyên tắc, đảng Cộng Hòa theo đường lối bảo thủ khác hẳn với tinh thần cấp tiến, nếu không muốn nói là khuynh tả của đảng Dân Chủ.
Chính vì thế, đường lối chính sách của hai đảng này khác nhau rất nhiều về cả hai phương diện nội trị cũng như ngoại giao. Do đó, mối tương tác nồng ấm/thuận thảo hay nguội lạnh/ bất trắc về quan hệ ngoại giao giữa Sàigòn và Hoa Thịnh Đốn thường có những thay đổi nhiều hay ít tùy thuộc vào chủ nhân tòa Bạch Ốc do đảng nào nắm giữ. Ngoài ra, nó không chỉ hệ tại nơi vị Tổng Thống đương nhiệm mà còn cả những khuôn mặt lớn nhỏ trong nội các, nhất là những giới chức thân cận với vị Tổng Thống trong bộ ngoại giao và có thể bao gồm cả bộ quốc phòng như trường hợp miền nam Việt Nam đang lâm chiến mà Hiệp Chúng Quốc lại là đồng minh sắm vai trò bảo hộ.
Tổng thống Eisenhower thuộc đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ khởi đầu nhiệm kỳ thứ nhất của ông vào năm 1953 và kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 năm 1961. Tại miền nam Việt Nam, ba ngày sau cuộc trưng cầu dân ý 23-10-1955, chí sĩ Ngô Đình Diệm được quân dân cán chính miền nam suy tôn làm Tổng thống đầu tiên Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. Đây là một sự trùng hợp đặc biệt về thời gian tại vị của hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trong tác phẩm “Tổng Thống Kennedy và Việt Nam”, sử gia John M. Newman đã ghi lại chi tiết đáng chú ý sau đây:
“Khoảng đầu năm 1957, ông Diệm lúc ấy với tư cách Quốc Trưởng đã dùng quyền hành của mình để chế ngự các Giáo phái bất phục tùng và nghiền nát các chi bộ Việt Minh ở đồng bằng sông Cửu Long. Những thành tích này đã khiến TT Eisenhower ca tụng ông là ‘Con Người Thần Kỳ’ ở Á Châu.”
(Nguyên văn: “By 1957 Diem, now the chief of state, has used his power to subdue the dissenting religious sects and smash the Viet minh cells in the Mekong Delta, accomplishments which let Eisenhower to hail Diem as the “Miracle Man” of Asia.”)
Trên thực tế, trước ngày chấm dứt tệ nạn sứ quân, dẹp bỏ các địa điểm ăn chơi, đàng điếm, bài bạc, như Kim Chung, Đại Thế Giới do Bảy Viễn, thủ lãnh Bình Xuyên làm chủ, trả lại biệt danh Hòn Ngọc Viễn Đông cho thủ đô Sàigòn, ông Diệm vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nguyên do vì những hành vi phá hoại ngầm của thực dân Pháp qua đám tay chân của họ còn rơi rớt lại. Ngoài những đòn phép ‘ném đá giấu tay’, sau khi phải cuốn gói rời bỏ miền nam, họ còn bỏ nhỏ vào tai các nhà ngoại giao Mỹ những định kiến không hay về đường lối chính sách của chính quyền VNCH kể cả cá nhân TT Diệm.
Điều may mắn là khi ấy Hoa Thịnh Đốn đã có một cái nhìn thiện cảm với Đệ Nhất CHVN dưới quyền lãnh đạo của TT Diệm, người đã được TT Eisenhower công khai bày tỏ lòng kính trọng như trong bài 4 chúng tôi đã đề cãp.
Trong bản phúc trình gửi TT Eisenhower vào tháng 5 năm 1955, thời gian ông Diệm đang gặp khó khăn trước áp lực của vài giáo phái cực đoan cùng với những thúc ép cải tổ của QT Bảo Đại, Ngoại trưởng Foster Dulles* nhấn mạnh, Mỹ quốc cần có một chính sách tôn trọng và nương nhẹ đối với nam Việt Nam. Ông tin rằng, nếu đi theo đường lối cũ của người Pháp, ông Diệm sẽ không thể có được lòng tin của đồng bào ông.
Trả lời khuyến cáo của người Pháp, ông Dulles thẳng thắn trả lời: Washington không thể sai khiến TT Diệm. Giản dị vì đang là người lãnh đạo một đất nước có chủ quyền, ông ấy có đủ lý do để không phải nghe ai, nếu ông không muốn.
Ông nhấn mạnh: “bất kỳ người đàn ông nào chấp nhận để cho Hoa Kỳ lèo lái một cách mù quáng sẽ không đáng được chúng tôi ủng hộ”.
Chính vì thế, ngay từ đầu, tòa Bạch Ốc thời TT Eisenhower, qua đường lối của Bộ Ngoại Giao, đã dành một không gian đủ rộng cho chính quyền của TT Diệm để điều động và thực hiện một cách độc lập, chặt chẽ, tự do đối với chế độ của ông.
Trên đường dài, chính quyền Cộng Hòa Dwight Eisenhower mong muốn thấy TT Diệm thiết lập được một chế độ vững mạnh ở miền Nam Việt Nam, để cuối cùng nó được chuẩn bị dung nạp một thể loại chính quyền cứng rắn, nghiêm túc nhưng vẫn trong tinh thần nhân bản được quảng đại quần chúng nhân dân chấp nhận.
Điều này đã được Catton nhấn mạnh trong “Thất bại cuối cùng của Diệm” và được Giáo sư Vũ Quý Kỳ đề cập trong chương 10 tập 2 bộ sách lớn của ông dự kiến sẽ ra mắt độc giả Mỹ Việt vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 cuối năm nay.
Tuy vậy, không phải lúc nào mối giao hảo giữa hai bên đối tác Mỹ -Việt cũng diễn ra một cách êm ả, thuận buồm xuôi gió như những gì đã được thuật lại trên đây, dưới thời Tổng Thống Eisenhower làm chủ tòa Bạch Ốc.
TT Eisenhower bổ nhiệm ông Elbridge Durbrow làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Sàigòn vào tháng tư năm 1957. Nhiệm kỳ của ông kéo dài đến tháng 5 năm 1961.
Đại sứ Durbrown được người đương thời coi là một nhà ngoại giao ôn hòa và có tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, cũng như phần đông các chính khách Hoa Kỳ thời ấy, ông không phải là người am hiểu sâu xa về hoàn cảnh đặc thù của các quốc gia Đông Nam Á Châu, cách riêng Việt Nam.
Vì thế, tuy không có ác cảm với chính quyền của TT Diệm, nhưng trong báo cáo dịp cuối năm đầu nhận chức vụ Đại sứ ở Sàigòn (1957), ông nêu nhận định cá nhân hàm ẩn như một lời khuyến nghị là ông Diệm cần phải làm nhiều hơn nữa để tạo thêm sức hấp dẫn về phương diện chính trị trong chính quyền của ông. Điều này mang ý nghĩa là TT Diệm cần quan tâm tới khía cạnh chính trị hơn là chỉ lo về mặt an ninh quốc phòng.
Trong khi ấy, theo nhận xét của Catton được tác giả họ Vũ trưng dẫn trong “The Vietnam Upheaval” thì, Tướng Samuel T. Williams, trưởng Nhóm Cố vấn Quân sự Hoa Kỳ (MAAG), đã từ chối không công nhận khuyến nghị của Đại sứ Durbrown.
Vẫn theo Catton, quan điểm của Tướng Williams, các lượng định, cân nhắc về phương diện an ninh cần được ưu tiên hơn các cải cách chính trị trong tình thế khi ấy.
Nếu am hiểu tính đa diện và phức tạp trong mối quan hệ giữa hai đối tác Việt-Mỹ, đặc biệt về phía Hoa Thịnh Đốn, người ta sẽ dễ dàng nhận ra sự xung khắc gần như triền miên về quan điểm giải quyết chiến tranh Việt Nam. Dù dưới triều đại do đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa làm chủ Bạch Cung thì những mâu thuẫn, va chạm này vẫn tồn tại.
Hai cơ quan chính đại diện chính phủ Hoa Kỳ tại Sài Gòn là Đại sứ quán và Nhóm Cố vấn Hỗ trợ Quân sự (MAAG) lúc nào cũng có quan điểm đối nghịch nhau về đường hướng phát triển đất nước và giải quyết chiến cuộc ở Việt Nam. Trong khi tòa Đại sứ lúc nào cũng đặt vấn đề chính trị lên hàng đầu, thì MAAG lại coi chuyện giải quyết chiến cuộc cần cấp hơn.
Catton lưu ý thêm, vào năm 1960, những quan điểm mâu thuẫn như vậy đã tạo nên tình trạng chia rẽ rõ ràng giữa các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Thịnh Đốn. Nó không chỉ giới hạn trong nội bộ các chính quyền Hoa Kỳ, hoặc giữa Hoa Kỳ và nam Việt Nam, mà còn hiện hữu giữa Tổng thống Diệm và những cộng sự viên của ông trong chính quyền miền nam, liên quan đến việc xây dựng đất nước, cung cách chống lại chiến tranh từ kẻ thù phương Bắc, và ưu tiên giữa việc giành chiến thắng trong cuộc chiến trước, hay cải cách chính trị trước.
Sau khi Tổng thống Dwight Eisenhower bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa, thời gian đầu mới tiếp nhận nhiệm vụ, do những hiểu lầm không thể tránh, tân đại sứ Durbrow cũng gặp khá nhiều khó khăn trong khi giao tiếp với chính quyền của TT Diệm. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc chung, tình hình căng thẳng ban đầu dần dần đã được cải thiện.
Trước cuộc âm mưu đảo chính của nhóm Nguyễn Chánh Thi/Vương Văn Đông vào năm 1960, nhóm tướng tá phản loạn đã nhiều lần kín đáo liên lạc với Elbridge Durbrow yêu cầu gây áp lực lên TT Ngô Đình Diệm và chính quyền của ông. Tuy nhiên, Durbrow dù ít nhiều vẫn còn có những điểm không hài lòng với ông Diệm, nhưng vẫn tôn trọng lập trường của chính phủ Mỹ khi ấy nên bác bỏ mọi yêu cầu của phe đảo chính.
Đi sâu vào căn cốt mối quan hệ giữa Hoa Thịnh Đốn và Sàigòn trong 9 năm Đệ Nhất CHVN, chúng ta sẽ nhận ra nó hết sức đa dạng và phức tạp đến mức không thể hiểu nổi.
Sau biến cố 1-11-63, chế độ miền nam sụp đổ, anh em TT Diệm bị thảm sát, nhóm phản tướng cầm đầu bởi Dương Văn Minh nhận tiền của CIA tiếp tay bọn du kích CS phá nát Ấp Chiến Lược bằng cách đi bước trước qua quyết định loại bỏ quốc sách này. Tiếp theo là những cuộc đảo chính như cơm bữa tạo nên một tình huống nhiễu nhương chưa từng thấy. Trước khi Đệ Nhị Cộng Hòa ra đời, lần hồi nửa triệu quân Mỹ đã có mặt trên chiến trường miền nam.
Từ đấy bộ mặt Sàigòn, Thủ Đô của chế độ miền nam Việt Nam, các tỉnh thị Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Cần Thơ… tràn ngập bóng dáng những quân nhân Mỹ và đồng minh trên đường phố, trong các quán Bar, nhất là vào dịp cuối tuần.
Chính vào lúc ấy, những sự thật trần trụi bị che giấu tạo nên những áng mây mù hoài nghi pha lẫn âu lo, sợ hãi, bắt đầu lộ diện dưới ánh sáng mặt trời khi người ta nhớ lại những năm cuối Đệ Nhất CHVN.
Nhớ lại lời Ngoại Trưởng John Foster Dulles gián tiếp bác bỏ lời khuyến cáo của một quan chức Pháp trước khi cuốn gói rời khỏi Việt Nam: Washington không thể sai khiến TT Diệm. Giản dị vì đang là người lãnh đạo một đất nước có chủ quyền, ông ấy có đủ lý do để không phải nghe ai, nếu ông không muốn…..
Có thể ông Dulles thật lòng khi phát biểu những lời lẽ trên đây. Tuy vậy, có điều chắc chắn nó không phản ánh trung thực tâm lý và mặc cảm tự tôn “nước lớn” của đa số chính trị gia Mỹ qua năm tháng, dù thuộc đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa. Đã đành, khác với thực dân Pháp, khi tham gia vào các cuộc viễn chinh, các chính quyền Mỹ không có tham vọng chiếm đất giành dân. Kinh qua hai cuộc thế chiến thế kỷ trước đã chứng minh điều ấy.
Tuy nhiên, ở vị trí một cường quốc đứng đầu thế giới, không nhiều thì ít đã tạo cho các chính trị gia Mỹ não trạng ‘gia trưởng’ khi tiếp xúc với các đối tác nhược tiểu.
Trong “The Vietnam Upheaval”, tác giả họ Vũ đã bàn sâu vào vấn đề này một cách nghiêm túc. Theo ông, ngay sau những thành công vang dội TT Diệm đạt được từ cuối năm 1955, TT Hoa Kỳ Eisenhower đã không ngần ngại bày tỏ thái độ tích cực ủng hộ nền Cộng Hòa son trẻ của nam Việt Nam. Nhiều giới quan sát cho rằng sự ủng hộ này không phải ngẫu nhiên mà có. Thật ra nó đã được Hoa Thịnh Đốn cân đo kỹ lưỡng, sau khi quan sát tình hình chung để nhận ra phương sách điều hành đất nước của ông Diệm khi ấy khá phù hợp với tiêu chuẩn bất thành văn của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Trong vài năm đầu chưa ai nhận ra, nhưng sau đó, tuy không quá lộ liễu nhưng đã có chỉ dấu cho thấy những khác biệt khó tưởng tượng về tương quan giữa hai đối tác Việt.Mỹ.
Theo ghi nhận của Catton trong “Thất bại cuối cùng của ông Diệm”, mối quan hệ này trở thành một thứ gì đó có phần khá mỉa mai. Nó tương tự như một sự “thuận mua vừa bán” giữa khách hàng và ông chủ, kẻ giữ hầu bao, biểu hiện một thứ quan hệ được đánh bóng bằng ngôn ngữ ngoại giao qua tuyên bố môi mép ‘tôn trọng chủ quyền quốc gia’, trong khi về phía Hoa Kỳ đã có những hành vi xem thường đối tác Việt Nam. Nhìn bề ngoài có vẻ rất đẹp, nhưng thực chất hóa ra chỉ là một màn kịch chứa đầy dối trá được phấn son che phủ!
Đầu tiên là sự gia tăng bất bình thường về con số cố vấn Mỹ gửi qua nam Việt Nam trong vòng ngót 3 năm tính từ 1961. Đầu năm chỉ có 680 đến cuối năm tăng lên 3,205. Chẵn một năm sau tức cuối năm 1962 tăng lên 9,000, và đến biến cố 1-11- 63 vượt lên tới 16.000!
Sự kiện này khiến TT Diệm không khỏi có thái độ bất bình là TT Kennedy đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Trong cuốn “Why The Vietnam War?”, tác giả Hoàng Ngọc Thành ghi lại sự kiện này như sau: Các Cố vấn Mỹ đến Việt Nam không có sổ Thông Hành cũng không có giấy phép nhập cảnh, một hành vi tỏ ra không tôn trọng chủ quyền Việt Nam. Nhiều Cố vấn Mỹ đã phải chờ đợi tại phi trường Tân Sơn Nhất vì quá đông, không kịp phân phối theo nhu cầu.
Hẳn mọi người chưa quên, kể từ những năm 60/61, hơn một lần Hoa Thịnh Đốn đã bắn tiếng, hoặc dùng áp lực để thuyết phục ông Diệm cho họ đưa quân tác chiến vào miền Nam, nhưng đều không được đáp ứng. Tuy không nói thẳng ra trong các cuộc thương thảo với phía Hoa Kỳ, nhưng với những nhân vật thân tín trong nội các, TT Diệm dứt khoát nói lên lập trường bất di dịch của ông. Theo đó, ngày nào ông còn tại vị, sẽ không có chuyện binh lính ngoại quốc đến đây cầm súng chống cộng thay cho người Việt Nam. Vì như thế còn đâu là thể thống quốc gia, còn đâu là chính nghĩa dân tộc?
Từ sự kiện trên đây, người ta hiểu được tại sao, không lâu sau cuộc chính biến ngày 1 tháng 11 năm 63, dòng họ Ngô Đình bị truy diệt, hơn nửa triệu quân Mỹ đã ồ ạt đố vào miền nam, Và để tránh sự đàm tiếu của công luận thế giới, người Mỹ đã khoác cho cuộc chiến mang màu sắc quốc tế bằng cách mời gọi sự có mặt của một số đơn vị tác chiến của Phi Luật Tân và Đại Hàn Dân Quốc.
Trần Phong Vũ
Miền nam California Thứ Ba ngày 08-9-2021
*NT John Foster Dulles (1888 – 1959) sinh ra ở Washington, D.C. là đảng viên đảng Cộng hòa Hoa Kỳ. Ông từng phục vụ Ban Công nghiệp Chiến tranh hồi đệ nhất thế chiến. Ông cũng là một luật sư Hoa Kỳ tại Hội nghị Hoà bình Paris 1919.
Dulles gia nhập công ty luật thành phố New York Sullivan & Cromwell sau khi tốt nghiệp Trường luật Đại học George Washington. Sau khi Eisenhower đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1952, ông đã chọn Dulles làm Ngoại trưởng. Là Ngoại trưởng, Dulles đã tập trung xây dựng và tăng cường các liên minh Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Ông là kiến trúc sư của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á, một liên minh phòng thủ chống lại Cộng sản. Ông ủng hộ một chiến lược trả đũa lớn để đáp lại sự xâm lược của Liên Xô. Ông ủng hộ Pháp trong cuộc chiến chống lại Việt Minh ở Đông Dương nhưng đã bác bỏ Hiệp định Genève với định kiến rằng Pháp và cộng sản đã đồng ý, và thay vào đó hỗ trợ Nam Việt Nam sau Hội nghị Genève năm 1954. Bị ung thư ruột, Dulles từ chức 1959 và qua đời vào cuối năm đó.
**Elbridge Durbrow sinh ra tại San Francisco, California, tốt nghiệp Đại học Yale năm 1926 với bằng cử nhân triết học. Sau đó, ông tiếp tục việc học tại Đại học Stanford, Đại học Dijon, Pháp; Viện Luật quốc tế Haag tại Hà Lan, École Libre des Sciences Politiques ở Paris và cuối cùng của Đại học Chicago, nơi ông nghiên cứu kinh tế và tài chính quốc tế.
Durbrow đã bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ với chức vụ Phó lãnh sự tại Đại sứ quán Mỹ tại Warsaw, Ba Lan. Năm 1944, Durbrow đã được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận Đông Âu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Washington, DC. Năm 1946, ông kế nhiệm George F. Kennan là Tham tán của Đại sứ quán và Phó Đại sứ tại Moscow. Trong vai trò này, ông cảnh báo Smith và những người khác của chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô và những nỗ lực phá vỡ thế giới phương Tây. Từ năm 1948 đến 1950, ông làm cố vấn cho trường Cao đẳng Quốc gia ở Washington, DC. Năm 1954, ông được thăng hàm ngoại giao của Công sứ chuyên nghiệp.
Năm 1957 TT Eisenhower bổ nhiệm ông vào chức vụ Đại sứ tại miền nam Việt Nam.