Trong 6 bài đầu, người viết tập chú vào những căn nguyên liên hệ tới sự xung đột về ngoại giao giữa hai đối tác Hoa Kỳ và Đệ Nhất CHVN dưới quyền điều hành của TT Diệm.
Như đã có lần đề cập, cho dù sự hỗ trợ về mọi phương diện của cường quốc Hoa Kỳ, một đồng minh dẫn đầu thế giới tự do là cần thiết, nhưng căn nguyên chủ yếu dẫn đến hệ quả đau đớn là sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam vẫn không thể bỏ qua những vấn đề nội bộ. Chúng tôi muốn nói tới tham vọng, thiển cận của nhóm phản tướng trong QLVNCH và một thiểu số lãnh đạo mượn danh nghĩa Phật Giáo.
Hai thế lực liên đới tương tác lẫn nhau. Thiếu một, biến cố bi thảm ngày 01-11-1963, xô đẩy đất nước, dân tộc tới tình trạng tuyệt vọng ngày nay, sẽ không dễ xảy ra.
Dĩ nhiên, chúng ta cũng không thể không nói tới tham vọng bành trướng của cộng sản quốc tế mà họ Hồ và tập đoàn bán nước xoay quanh ông ta là tay sai đắc lực của chúng.
Nhìn vấn đề bao quát như thế, chúng ta liên tưởng ngay tới mối quan hệ thầm lén từ lâu giữa ông Dương Văn Minh với người em là Dương Văn Nhật lúc bấy giờ đang là người của chế độ CSBV. Bên cạnh Dương Văn Minh còn có một vài khuôn mặt mà một thời từng coi ông Diệm như cha, điển hình như Đỗ Mậu, một kẻ chỉ vỉ không được lên tướng vì trình độ học vấn quá thấp kém, từng ngoi lên từ lính khố xanh, khố đỏ thời Pháp, nên bất mãn sinh lòng hận thù theo đuôi kẻ chủ mưu cuộc đảo chính để mong có cơ hội thỏa mãn tham vọng cá nhân.
Trong khi ấy, Hoà thượng Thích Trí Độ, Giám đốc Viện Nghiên Cứu Phật Học tại Huế, theo những tài liệu tìm được, qua chương 10 tập2 tác phẩm “VietNam Upheaval” tác giả GS Vũ Quy Kỳ cho hay: vị lãnh đạo PG cao cấp này đã gia nhập đảng cộng sản năm 1941. Điều quan trọng HT Trí Độ cũng là người chăm lo cho anh em ông Phạm Quang từ tấm bé và chính ngài đã chọn Phật danh Thích Trí Quang đặt cho đương sự.
Theo những tài liệu của Pháp còn để lại ở bản doanh công an Thừa Thiên, Huế thì thày Trí Quang đã được nhận vào đảng CS tại một căn cứ bí mật Lương Miêu Dương Hoa dưới sự chủ tọa của Tố Hữu một dại diện cao cấp của đảng CSVN năm 1949*. Lương Miêu Dương Hoa là một địa danh cách thành phố Huế khoảng sáu mươi km về phía Tây Nam, trong một thung lũng rộng lớn được bao bọc bởi cảnh đồi núi bát ngát, là khu căn cứ của Tỉnh ủy (Tỉnh Bế) và Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đội Thừa Thiên.
Sau ngày 30-4-1975 cộng sản thôn tính miền nam, một người quen tỏ ra hết sức bàng hoàng khi đối diện ông Thích Trí Quang đã phải thốt lên câu nói xót xa: Tôi không thể tưởng tượng Thượng tọa lại là một người cộng sản!?
Trước câu tán thán ấy, ông Trí Quang giữ thái độ im lặng**.
Trong “Thích Trí Quang Tự Truyện” (Truyện kể về bản thân của Trí Quang), ông cho biết, vào năm 1946 ông “đã gửi cho Hồ Chí Minh bản đề nghị về việc Thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng với bản Hiến chương cho Giáo Hội do chính ông soạn thảo. Vì thế, mùa hè năm ấy, ông được mời ra Hànội cùng với Thích Trí Độ để tiến hành việc thành lập Viện Nghiên cứu Phật học … Tuy nhiên đề nghị của ông không có tiến triển như mong đợi.
Theo tác giả “The Vietnam Upheaval” các hoạt động ủng hộ cộng sản của Thượng tọa Thích Trí Quang trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã thu hút sự theo dõi của sở Mật Thám của Pháp. Sự kiện này đưa tới hậu quả là ông Trí Quang, tức Phạm Quang đã bị bắt giam hai lần trước khi được trả tự do với điều kiện ông phải viết bản cam kết từ nay không tái phạm. Sau vụ này, ông nhận ra Đồng Hới không còn an toàn cho các hoạt động bí mật của ông, vì thế ông tìm về cố đô Huế.
Mặc dù trình độ học vấn của ông chỉ ở bậc tiểu học, tuy nhiên do sự thúc đẩy, bảo kê bởi một thế lực nào đó, ông Trí Quang lại là nhân vật quan trọng đứng ra hỗ trợ tích cực cho sự ra đời của Phong trào Bảo vệ Hòa bình gồm những nhân vật nổi tiếng để chuẩn bị cho Hội nghị Genève sắp diễn ra. Phong trào Hòa bình này do Thượng tọa Thích Trí Độ lãnh đạo, và toàn bộ phong trào do Đảng Cộng sản dàn dựng và kiểm soát.
Sau Hiệp định Genève dẫn đến chia cắt Việt Nam, nhiều phong trào hòa bình đã được hình thành, và phong trào hòa bình ở miền Trung Việt Nam do Tiến sĩ Lê Khắc Quyến cầm đầu. Các thành viên lãnh đạo của phong trào là các điệp viên thân cộng dưới sự kiểm soát và lãnh đạo của Chi bộ Thuận Hóa. Họ đã được cơ quan an ninh Việt Nam chỉ danh là: Nguyễn Cao Thăng, Tôn Thất Dương Kỵ, Phạm Văn Huyến, Nguyễn Văn Đẳng, và nhiều thành phần trong giới trí thức do Lê Khắc Quyến làm Bí thư chi bộ.
Đối với những ai hiểu biết tường tận về cơ cấu tổ chức trong nội bộ đảng Cộng sản, bao gồm cả những đơn vị hành chánh, quân sự trong guồng máy nhà nước, dù là một ủy ban hay đơn vị chi hội hoặc cao hơn nữa, nhân vật nào được trao chức danh bí thư là nhân vật có quyền lực cao nhất. Người cầm đầu toàn bộ hệ thống đảng cộng sản được gọi là Tổng Bí Thư.
Điều này cho thấy nguồn gốc cái tổ chức có tên là Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình xuất phát từ đâu. Khi đã biết xuất xứ của tổ chức, thì những khuôn mặt hiện diện trong đó, từ bí thư trở xuống là quốc gia hay cộng sản, hẳn mọi người đều rõ.
Để giúp người đọc có thêm dữ kiện về các khuynh hướng khác nhau trong quần chúng Phật tử Việt Nam, cách riêng ở miền nam, dựa vào các nguồn khác nhau, tác giả họ Vũ cho hay: một cuộc khảo sát ghi nhận, đám đông Phật tử tại miền nam chia làm 3 nhóm.
*Nhóm A bao gồm những người theo đuổi sự học hỏi và thực hành lòng từ bi và làm việc thiện, mặc dầu họ có thể chỉ am hiểu mơ hồ về ý nghĩa của “vô ngã” và giác ngộ. Do đó, là người bình thường, họ không hoàn toàn gạt bỏ hẳn vọng tưởng về cái hào quang bề ngoài của “Tánh” (appearance), và quên mất cái thực chất của “Tướng” là đạt tới giác ngộ”. Vì thế, ở cương vị con người, họ chưa hoàn toàn tách rời bản ngã ra khỏi những hào quang thế tục bên ngoài. Cũng vì thế lập trường của họ không đồng nhất nên rất dễ dàng bị thay đổi khi có những biến động chính trị ít nhiều dính líu đến Phật Giáo, bất kể vì nguyên do nào.
*Nhóm B gồm một số lượng nhỏ hơn nhưng lại là các Phật tử thuần thành, chân chính, những người đã đạt tới trình độ giáo lý Phật giáo với tiêu chí giác ngộ cao hơn. Nhờ vậy họ hiểu được bản chất cốt yếu của con người và mục tiêu cuối cùng của nhận thức về bản ngã thoáng qua. Nhóm Phật tử này thoát khỏi sự ràng buộc của thế gian và sự phấn khích vô ích vốn không giúp ích gì cho bước đường giác ngộ của người Con Phật.
Họ sở hữu một tầm nhìn rõ ràng về sự hỗn loạn, cụ thể là hỗn loạn chính trị đang diễn ra xung quanh họ. Suy nghĩ và hành động của họ không bị ảnh hưởng bởi sự xúi giục hoặc kích động cảm xúc thường tình, vốn là sản phẩm của vô minh. Họ quan tâm nhất đến tính trung thực của tất cả mọi chuyện liên quan tới đời sống, và ít bị ảnh hưởng bởi sự phấn khích do tin tức truyền thông mang lại. Theo họ, đó chỉ là những thứ rác rười mà trong thực tế, thường chứa đựng những điều bịa đặt hoặc xuyên tạc, trái hẳn với giáo lý Nhà Phật.
*Nhóm C, khác với nhóm A, là một thành phần thiểu số rất nhỏ những người trên danh nghĩa bề ngoài được gọi là tín đồ Phật giáo. Trên thực tế, những tín đồ này tự xưng là Phật Tử vì những lý do thế tục, nhưng thiếu những hiểu biết cần thiết về những yêu cầu cơ bản để trở thành một Phật Tử chân chính (như lòng từ bi, từ chối bạo lực, gạt bỏ hư danh và quyền lực thế tục). Nhóm này dễ bị kích động bởi những lời kêu gọi gây hận thù nhân danh một mục đích tôn giáo. v.v... Nhóm này dễ dàng bị kích động bởi những lời kêu gọi gây thù hận, nhân danh một mục đích tôn giáo. Nhóm cũng bao gồm những cá nhân tự nhận là Phật tử mà không có giấy tờ chứng minh. Trong bối cảnh cơ cấu giáo hội Phật giáo Việt Nam thiếu tổ chức đến mức tuyệt vọng, bất kỳ ai cũng có thể tự xưng là Phật tử mà không cần ai khác thách thức họ. Bất kỳ ai cũng có thể xuống tóc và mặc một chiếc áo choàng màu vàng hoặc nâu sau đó tự xưng mình là một nhà sư. Họ làm điều đó vì những lý do hoàn toàn chính trị hoặc bị mua chuộc để làm như vậy, hoặc vì họ là những kẻ lạc đường theo CS hành động theo những chỉ thị của chúng.
Tác giả họ Vũ nghĩ rằng nhóm B là những người đại diện chân chính làm sáng tỏ triết lý chân thật và cao xa của Phật Giáo. Trong khi đó, nhóm C là thành phần phản bội lại những dậy dỗ căn bản của Nhà Phật, sẵn sàng tham gia vào những hành vi chính trị có tính cách lường gạt, gây căm thù, và nhân danh Phật Giáo để gây bạo động, có lợi cho hoạt động đầu tranh của Cộng Sản.
Các nhóm Phật tử A, B và C khác nhau ở trên đã có những phản ứng khác nhau trong cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963, một cách tự nhiên. Trên thực tế, nhóm C do Hòa thượng Thích Trí Quang dẫn đầu và là động lực gây ra cuộc khủng hoảng (Những chi tiết phân loại này trong Phụ Lục 4 cuối tập 2 tác phẩm “The Vietnam Upheaval”),
Vì nắm được những tài liệu cho thấy hầu hết những thành viên của Phong Trào Bảo Vệ Hòa Bình là những kẻ theo cộng hay ít nhất thân cộng nên chính quyền của TT Diệm đã quyết định bắt giữ và ra lệnh dẫn độ tất cả 26 người ra Bắc. Nhưng cuối cùng Thượng tọa Thích Trí Quang, Bác sĩ Lê Khắc Quyến, Dược sĩ Nguyễn Cao Thăng và Nguyễn Văn Đẳng đã được tha và có cơ hội phục hồi chính trị.
Điều oái oăm là chính ông Ngô Đình Cẩn, người được mặc nhiên coi là cố vấn chính trị ở miền Trung lại công khai bao che cho Thích Trí Quang và BS Lê Khắc Quyến. Ông mặc nhiên tán đồng việc Thích Trí Quang trụ trì chùa Từ đàm. Lâu lâu ông tới chùa dùng cơm chay với vị tăng này. Cùng lúc ông chọn BS Quyến làm BS riêng săn sóc sức khoẻ cho thân mẫu là bà cố Ngô Đình Khả. Chưa hết, chính ông Cẩn đã giúp BS Quyến được LM Cao Văn Luận Viện Trưởng Viện Đại Học Huế mời đương sự giữ chức Khoa trưởng Y khoa.
Có người cho rằng vì nắm trong tay những chứng cứ không chối cãi được về mối liên hệ với CSBV của hai nhân vật này, ông Cẩn chủ quan nghĩ rằng họ sẽ không dám phản ông. Hơn thế ông còn tự tin là đang đánh ván cờ cao để dụ họ tự nguyện trở về với chính nghĩa quốc gia. dân tộc. Tuy nhiên, những người hiểu biết không tin như thế. Họ cho rằng ông Cẩn đang chơi với lửa: “nuôi ong tay áo”, có ngày sẽ rước họa vào thân***.
Thiết tưởng không thể không nói tới một khuôn mặt trí thức trở cờ vào phút chót là ông Vũ Văn Mẫu, người có học vị Tiến Sĩ Luật (agrégé en droit) tại đại học Paris (Pháp Quốc) và từng giữ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính quyền của TT Diệm cho đến áp chót.
Bắt mạch thấy tình hình không khá trước áp lực của Hoa Kỳ và một thiểu số sư sãi đấu tranh, ông Mẫu chơi trò “xuống tóc” cho hợp “khẩu vị” các Thày, nói là để chống lại chính quyền của ông Diệm, một chính quyền ông đã cúc cung phụng sự từ ngày ông Diệm về nước thành lập chính phủ. Ông đã viết một cuốn sách có tựa đề “Sáu Tháng Pháp Nạn” (Sáu Tháng Tôn Giáo Thọ nạn) công khai bày tỏ lập trường ủng hộ phái Thích Trí Quang chống lại ông Diệm. Trong một bài thuyết trình, ông đã nỗ lực miêu tả Phật giáo Việt Nam như một quốc giáo được hơn 80% người Việt Nam tin theo. Ông đã đưa ra các tuyên bố của mình ít nhất bốn lần ở các trang 39, 43, 48 và 54. Để bày tỏ quan điểm cá nhân, ông tuyên bố “mọi người đều biết rằng hơn 80% người Việt Nam là Phật tử” (cuối trang 39 và trang 48). Khi công khai tuyên bố trước đám đông khán thích giả như vậy, ông không đưa ra bất kỳ số liệu thống kê khả tín nào để chứng minh cho lởi khẳng định của ông.
Nhằm mục đích cáo buộc TT Diệm thiên vị tôn giáo trên cơ sở pháp lý cơ bản, Giáo sư Vũ Văn Mẫu đã trích dẫn một phát biểu ngắn trong phần mở đầu hiến pháp Đệ nhất Cộng hòa, về cơ bản: “… nhân dân chúng ta đã chuẩn bị để tiếp nhận các trường phái tư tưởng tiến bộ khác nhau để hoàn thành sứ mệnh mà Tạo hóa và loài người giao phó trong việc xây dựng một nền văn minh nhân văn nhằm giải phóng con người một cách trọn vẹn nhất… ” Giáo sư Mẫu nhấn mạnh từ “Tạo hóa” có nghĩa là Thiên Chúa, Kitô giáo hay Thiên Chúa Công giáo. Với tư cách là một giáo sư đại học, Giáo sư Mậu đã mắc một sai lầm ngu xuẩn khi hiểu thuật ngữ “Tạo Hóa” trong tiếng Việt là Thiên Chúa của Cơ đốc giáo. Không hiểu vì vô tình hay cố ý, ông quên rằng thuật ngữ “Tạo Hóa” đã được sử dụng nhiều trong văn học cổ và hiện đại Việt Nam và nói chung chỉ để nói tới một vị Thần phương Đông, từ rất lâu trước khi Thiên Chúa giáo được truyền đến Việt Nam.
Nhằm mục tiêu khẳng định Phật giáo là một tôn giáo có tư tưởng cởi mở, Giáo sư Vũ Văn Mẫu viết “Đạo Phật không phải là một “tôn giáo giáo điều” và ở bất cứ nơi nào nó lan tỏa ảnh hưởng của mình, chưa bao giờ có trường hợp xung đột với các tôn giáo khác”.
Có hai vấn đề cần được đặt ra.
Khi tuyên bố như vậy, một là ông không hiểu gì về Phật Giáo. Hai là ông biết nhưng cố tình hiểu sai vì khi ấy ông có nhu cầu phải đề cao đạo Phật.
Là một giáo sư đại học lại là một Ngoại trưởng nhiều năm không lẽ ông không nghe, biết về lịch sử Miến Điện (nay được gọi là Myanmar), nơi những người Hồi giáo bị ngược đãi và thậm chí bị bức hại như những công dân hạng hai trong nhiều thế kỷ cho đến thời hiện đại. Liên Hiệp Quốc từng là một diễn đàn lên án chống lại Phật giáo Miến Điện vì những hành động tàn bạo đối với tín đồ các tôn giáo, cách riêng đạo Hồi.
Khi nhắc tới chuyện ông Mẫu cho số tín đồ Phật Giáo chiếm 80% dân số nam Việt Nam, chúng ta cũng đừng quên Roger Hilsman, một viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Chính Hilsman, ngay từ năm 1960 cũng vì ủng hộ nhóm Phật Giáo quá khích của Trí Quang đã tăng tỉ lệ tín hữu Nhà Phật lên tới 98%, một con số không những không ai tin mà còn là một trò cười cho con nít.
Thực tế cho đến khi đất nước bị chia đôi chưa có một thống kê chính thức nào được cho biết chính xác con số những người theo đạo Phật ở Việt Nam.
Trong phần chú thích ở cuối bài thứ 6, chúng tôi có đưa ra chi tiết những con số do nhà báo Marguerite Higgins tìm được trong “Pocket Guide to Vietnam”, theo đó sau khi trừ con số tín đồ các tôn giáo như Công Giáo, các hệ phái Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Ấn Giáo, Hối Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo, các tôn giáo thuộc các sắc tộc miền núi tổng cộng là 10 triệu 500 ngàn. Đem tổng số dân chúng toàn miền Nam khi ấy là 14 triệu trừ đi 10 triệu 500 ngàn, còn lại tín đồ Phật giáo là 3 triệu 500 ngàn, tức 25% dân số miền Nam.
Như đã đề cập trong loạt bài đọc tác phẩm “The Vietnam Upheaval”, chúng tôi nhìn vụ Phật Giáo do nhóm Trí Quang kích động như là đỉnh điểm tạo thế liên hoàn làm nên sự sụp để nền Đệ Nhất CHVN và cái chết thảm khốc của TT Diệm và ông Nhu. Thế liên hoàn này dẫn khởi từ thái độ hãnh tiến “gia trưởng” của một số chính khách Bộ Ngoại Giáo Mỹ cầm đầu bởi Averell Harriman với sự “theo đóm ăn tàn” của nhóm phản tướng do Big Minh lãnh đạo, nhân vật khi ấy được công luận coi là người của phe Ấn Quang.
Chắc chắn ông Thích Trí Quang không tối dạ đến mức không nhận ra chính ông và nhóm ông đã bị gián tiếp dẫn giắt bởi người Mỹ. Theo GS họ Vũ, trong tác phẩm “Why The Vietnam War?” ông Hoàng Ngọc Thành đã chỉ ra rằng:
Thượng tọa Thích Trí Quang và phong trào của ông không chỉ bị Cộng sản mả cỏn cả những thành phần bất hảo trong Bộ Ngoại Giao và Sứ quan Mỹ tại Sàigòn thao túng, cộng với các phần tử cơ hội, đã gây thiệt hại không ít cho thanh danh Phật Giáo.
Theo tác giả họ Hoàng, bám sát Trí Quang là Võ Đình Cường, môn sinh TS Lê Đình Thám, được coi là “chiến lược gia” của nhà sư này, theo chỉ thị của Khu ủy Trị Thiên Huế. Sát cánh với Võ Đình Cường là Nguyễn Trực, Đảng ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thuận Hóa, chịu trách nhiệm thu thập thông tin và báo cáo Tỉnh ủy Thuận Hóa.
Biến cố xảy ra ngày 8–5–1963 trước Đài Phát thanh Huế là động thái có chủ đích của ông Thích Trí Quang để đánh động dư luận quốc tế và lôi cuốn đám đông Phật tử còn lừng chừng, tích cực tham gia các cuộc xuống đường chống TT Diệm và chế độ của ông.
Với sự tiếp tay cách này cách khác của các cán bộ CS và một số chính khách hoạt đầu Mỹ, phải nói là mục tiêu của ông Trí Quang đã đạt được thành công nhất định nào đó. Đây là bước đẩu để chuẩn bị cho những bước kế tiếp của ông ngay tại Thủ đô Sàigòn sau đó.
Bất chấp những nỗ lực hòa giải của TT Diệm, nhiều kịch bản ngoạn mục như những buổi sinh hoạt mệnh danh thuyết pháp nhưng thực tế là những màn bịa đặt, tố cáo chính quyền đàn áp Phật Giáo được tổ chức liên tiếp trong khuôn viên chùa Xá Lợi. Để gây thêm lòng hận thù, người ta đã trắng trợn công bố danh tính một số cao tăng bị chính quyền thủ tiêu, trong số có những sư sãi bị trấn nước đến chết. Không chờ tới sau đảo chính, nhiều tên tuổi nói là đã chết đã được Phái Bộ Liên Hiệp Quốc qua VN tìm hiểu Sự Thật chỉ ra trong bản tường trình hoàn tất cuối tháng 11-63 là họ vẫn còn sống.
Cao điểm của một loạt những trò gian dối này là vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quang Đức ngay trước tòa đại sứ Căm Bột sáng ngày 11-6-63 với sự có mặt đông đảo bất bình thường của giàn báo chí quốc tế, đặc biệt hệ thống truyền thông thiên tả Hoa Kỳ. Chúng tôi nói “bất bình thường” để lưu ý độc giả về mối liên minh vì lợi ích riêng giữa ba đối tác là nhóm quá khích Trí Quang với giới truyền thông và tập đoàn những người Mỹ chủ trương thay thế ông Diệm, lật đổ Đệ Nhất CHVN để mặc tình múa gậy vườn hoang.
Dư luận quần chúng yêu nước khi ấy coi vụ gọi là tự thiêu này như một vở kịch vừa bi vừa hài. “Bi” vì những kẻ nhân danh đạo Phật đế giết oan một mạng người cách công khai đã thản nhiên phạm vào giới sát của Đức Phật. “Hài” vì sự giàn dựng quá lộ liễu với hai vai diễn là Trần Quang Thuận và Nguyễn Công Hoan, những nhân vật lợi dụng vị thế dân cử của mình, kẻ lái xe chở nạn nhân đi thiêu, người tiếp tay một tăng nhân trẻ vô danh tưới xăng và bật lửa thiêu sống nạn nhân. (Một đoạn phim ngắn đã ghi lại cảnh này).
Và họ đã thành công. “Họ” ở đây, ban đầu là Hoa Kỳ, nhưng rốt cuộc chính Hànội, nói chung Cộng sản quốc tế mới là kẻ thắng lớn. Riêng phe ông Trí Quang hoàn toàn trắng tay, trong khi thanh danh đạo của Đức Thế Tôn bị xúc phạm nghiêm trọng.****
Sau khi Đệ Nhất CHVN sụp đổ là mấy năm dài hỗn loạn. Hơn một lần đám phản tướng đảo chính lẫn nhau để tranh giành ngôi thứ. Khi thấy mình bị gạt ra bên lề, ông Trí Quang tiếp tục lợi dụng danh nghĩa Phật Giáo để xuống đường chống chế độ quân phiệt. Lần này ông thay đổi chiến pháp bằng cách liều lĩnh mang Bàn Thờ Phật xuống đường. Vì tuyệt đại đa số Phật tử chân chính không hưởng ứng lại gặp hai tướng Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan quyết tâm dẹp loạn, bất chấp mọi trở ngại, nên ông đành thúc thủ.
Tiếp theo là Đệ Nhị CH ra đời. Đây là thời gian người Mỹ đạt được điều họ mong muốn mà trước ngày 01-11-63 họ không làm được vì lòng yêu nước, nhất quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, cố TT Diệm dứt khoát chống lại bằng mọi giá. Đó là tham vọng làm chủ cuộc chiến chống cộng, với trên dưới nửa triệu quân Mỹ lần lượt đổ vào miền nam. Từ đấy chiến tranh ngày một thêm mở rộng.
Từ tòa Bạch Ốc tới Bộ Ngoại Giao và đoàn quân viễn chinh Mỹ, bị rơi vào tình trạng tứ bề thọ địch. Trong khi Hoa Thịnh Đốn phải gánh chịu áp lực của phong trào phản chiến khắp nơi, của truyền thông thiên tả đòi phải sớm kết thúc chiến tranh thì nửa triệu lính Mỹ ngày càng bị sa lầy vào một cuộc chiến phức tạp. Hiệp định Paris ra đời vào năm 1973 đem lại một viễn ảnh mới tuy không vinh dự gì cho một cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng nó cũng mở ra một lối thoát để người Mỹ miễn cưỡng đề ra một kế sách kỳ quặc mệnh danh là “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” nhằm tái trang bị cho QLVNCH tạo điều kiện rút dần binh lính về nước.
Ngay từ lúc ấy, số phận miền nam tuồng như đã được an bài.
Trần Phong Vũ
Miền nam California, Thứ Sáu ngày 24-9-2021
______________________________________
*According to French security archives left behind in the headquarters of the National Police Center of Archive in Thua-Thien, Hue, Thich Tri Quang was recruited to the Communist Party after a ceremony held in the Communist secret base of Luong Mieu Duong Hoa, under the presiding presence of To Huu, a high-ranking representative of the Communist Party, in 1949.
**After April 30, 1975, an acquaintance encountered Thích Trí Quang and expressed her shocking surprise: “I never could believed you are a communist”. Confronting the comment, Venerable Thích Trí Quang remained silent.
*** Biến cố ngày 01-11-1963 đã chứng minh hơn cả điểu bất cứ ai có thể nghĩ tới: không những hai bào huynh của ông Cẩn là TT Diệm, Cố vấn Nhu bị giết một cách dã man, thảm khốc trong lòng một thiết giáp xa, sau đó không lâu chính ông Cẩn đã bị điệu ra pháp trường lãnh án chết, Đấy là chưa nói tới cảnh tranh giành ngôi thứ giữa đám phản tướng và chiến tranh kéo dài, để cuối cùng toàn dân miền nam bị bị rơi vào vực thẳm cùng với mấy chục triệu đồng bào miền Bắc phải sống dưới chế độ cộng sản tham tàn, độc ác cho tới nay…
****Những đoạn tô đậm hoặc đáy là do người viết muốn nhấn mạnh.