Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Hàng năm, cứ đến ngày 02/11, bằng nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau chúng ta cử hành Lễ Giỗ thương nhớ cùng ghi ơn Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Cố Vấn Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn cùng tất cả quân nhân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh vì lý tưởng quốc gia và chính nghĩa dân tộc.

Năm nay là năm thứ 58 đánh dấu trang sử bi thương ấy, và như mọi năm, Lễ Giỗ sẽ được cử hành tại Blessed Sacrament’s Church, 14072 Olive Street, Westminster, CA 92683, ngày 2-11-2021 lúc 12:00 pm (trưa), tức đúng vào ngày Nhị Vị đã bị sát hại, 2-11-1963, và kính Lễ Các Đẳng Linh Hồn.

Đặc San 2021 sẽ được phổ biến trong dịp này.

Không phải chỉ tại Hoa Kỳ, mà tại khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở những nơi có đông đảo hậu duệ người quốc gia Việt Nam sinh sống, lễ cầu nguyện và tưởng niệm được tổ chức. Ngay cả trên quê hương Việt Nam trong thời gian gần đây, tại Nghĩa Trang Lái Thiêu, nơi có mộ phần các vị, lễ cầu hồn và tưởng niệm cũng được diễn ra trang nghiêm, kính cẩn và cảm động.

Cùng với những lễ cầu hồn, những tưởng niệm, những hội thảo, hội luận về một thời Việt Nam Cộng Hòa được diễn ra, nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà báo… cũng làm việc “ôn cố tri tân” gợi nhắc những trang sử hào hùng của một thời Việt Nam tự do, dân chủ và phú cường dù rằng đất nước ta lúc bấy giờ không ngừng bị quấy nhiễu, đánh phá bởi cả “bạn” lẫn “thù”.

Trong số các trí thức không quên tiền nhân, xin đan cử hình ảnh một trí thức đương thời trong nước: Nguyễn Lân Thắng. 

Nguyễn Lân Thắng là hậu duệ của dòng tộc Nguyễn Lân danh giá tại Việt Nam, đứng đầu là học giả Nguyễn Lân DũngNguyễn LânThắng sống dưới chế độ Cộng Sản, nhưng lại can đảm lựa chọn cho mình con đường trở thành kẻ đối đầu với Đảng Cộng Sản Việt Nam, dám nhìn thẳng vào sự thật của Chính Nghĩa Quốc Gia và can đảm truyền bá Chính Nghĩa ấy.

Nguyễn Lân Thắng không ngần ngại đưa ra cái nhìn tích cực về nội dung cuốn Chính Đề Việt Nam của ông Ngô Đình Nhu, Cố Vấn Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm, bào huynh của ông, lãnh đạo. Bài viết của Ông Thắng có nhan đề Ăn Mỳ Tôm Bàn Chuyện Đất Nước – Chính Đề Việt Nam mà cơ quan truyền thông Á Châu Tự Do (RFA) đăng tải ngày 29/4/2020. Bài của Nguyễn Lân Thắng, chúng tôi mạo muội biên tập (edit) trong cuốn Đặc San Lễ Giỗ TT Ngô Đình Diệm năm 2021 bên cạnh nhiều bài biên khảo giá trị của các tác giả khác gợi nhắc một thời chính nghĩa quốc gia sáng ngời dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Làm công việc này – hình thành Đặc San Lễ Giỗ T.T. Ngô Đình Diệm, chúng tôi chẳng những không chút ngại ngùng mà còn mạnh dạn và hãnh diện làm cái công việc mà có người mỉa mai là “Hoài Cổ, Hoài Ngô”. Vâng! Chúng tôi nhớ về một thời xưa cũ, nhớ về một chế độ đã bị vùi dập, nhớ về những vong linh đang ở một thế giới khác, nhưng những gì mà thời xa xưa ấy, chế độ cũ ấy và những con người lịch sử ấy đã để lại… có một giá trị vô cùng cao quý thiết tưởng tất cả chúng ta không thể quên, trái lại, nhớ mãi, gợi nhắc mãi, hãnh diện làm công việc hoài cổ, hoài Ngô của mình.

Một nhà trí thức vừa quá cố năm ngoái (2020) Nguyễn Trần Bạt đã từng nhìn nhận“Hoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên.” (Nguyễn Trần Bạt, “Hoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên.” Tạp Chí Chúng Ta ngày 08 Tháng Sáu, 2019).

Nguyễn Trần Bạt (1946-2020) vốn là một luật sư, học giả và là doanh nhân đáng kính nể trong nước. Ông lý luận: “Món dưa xào tóp mỡ không tạo ra giá trị đối với một kẻ ăn thô thiển, nhưng một kẻ ăn có chất lượng tinh thần thì lại thấy thích. Những người đã từng sống, đã từng ăn thì nhớ lại quá khứ của mình, những người chưa ăn bao giờ thì món ấy giúp cho người ta mường tượng ra quá khứ của cha ông mình và lấy cái đó làm tư liệu để mường tượng ra tương lai của mình…”

Ông Bạt còn chỉ rõ: “Hoài cổ tức là con người yêu cuộc sống cũ của mình, yêu lịch sử của mình, yêu ấn tượng cũ của mình. Cái gọi là chủ nghĩa hoài cổ ấy cũng là một sản phẩm tinh thần của con người, họ đi tìm lại chính họ, họ đi tìm lại vẻ đẹp họ trót bỏ quên trong quá khứ.” Theo ông, “hoài cổ không phải là một căn bệnh, hoài cổ là một khuynh hướng. Hoài cổ là một tất yếu xét về mặt triết học, là một khuynh hướng xét về mặt phát triển.”

Nguyễn Trần Bạt cho rằng “Lý tưởng hóa quá khứ là một tất yếu, bởi con người phải yêu mình…” và tất nhiên … yêu những gì thuộc về mình, do mình đã từng thiết thân với những thứ đã qua ấy.

Có người bảo “Hoài cổ tức là nhớ về những gì xưa cũ. Vậy thì rất khó để nói rằng việc hoài cổ là nên hay không nên. Bởi nếu những gì ta hoài cổ là tốt đẹp thì đương nhiên là nên, và ngược lại [không tốt đẹp, ắt không nên hoài niệm, hoài tưởng].”

Quả vậy, hoài cổ là một biểu hiện của sư HOÀI NIỆM, nhớ về những gì thuộc quá khứ, thời xa xưa… mà mình luyến tiếc. Nhưng, nếu nhớ mà không gạn đục khơi trong, trộn lẫn bừa bãi những cái hay cái dở, cái tốt cái xấu… thì sự hoài niệm càng gây bực dọc, khó chịu. Còn nếu như hoài niệm những thành tích tốt đẹp của quá khứ trong mọi lãnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, giáo dục…, thì sự hoài niệm ấy nhắc nhớ chính chúng ta và hậu duệ bảo toàn, trân quý và phát huy những tinh hoa mà tiền nhân đã để lại.

Đó là điều chúng tôi liên tục thực hiện, thậm chí lặp đi lặp lại từ bao nhiêu năm nay qua nhiều ĐẶC SAN hàng năm để tưởng nhớ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trân trọng và không ngừng tôn vinh chính sách, đường lối và thành quả quốc thái dân an, dân trí và dân sinh mà Nhà Chí Sĩ cũng như của các cộng sự viên tài năng, liêm chính của nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa đã từng thưc thị theo tôn chỉ “ích nước, lợi dân”.

Khác với những hình thái hoài cổ vô duyên lố bịch nay hãy còn nhan nhãn trên sách báo ở Việt Nam hiện nay, cụ thể như cái hình ảnh dưới đây mà người ta khua chiêng đánh trống là “văn hóa xếp hàng thời bao cấp”.

Chỉ nghe và thấy cái tên “Cửa hàng chất đốt”, người tađang phải run lên cầm cập! “Cửa hàng chất đốt thanh niên”; “Cửa hàng chất đốt phụ nữ”! Ghê thật!

“Xếp hàng văn minh thời bao cấp” (?) trên đây có đáng hoài niệm hay không với hình ảnh một cụ bà ngồi co ro bên rìa hàng chẳng ai đoái hoài. Ấy là chưa nói tới cảnh những “cục gạch xếp hàng… thay người… để chờ bán chỗ cho kẻ tới muộn mà có tiền!

Người ta nói nhiều về cái thời sau 30/4/1975, gọi đó là THỜI BAO CẤP. Thật ra, nói Thời Bao Cấp, Thời Bao Đồng, Thời Bao… gì gì đi nữa… cũng đều là “thời bao biện” của CSVN cả. Nếu phải gọi đúng tên cái thời toàn trị bằng bạo lưc sắt máu, có lẽ chẳng có tên gọi nào chính xác hơn là cái tên “THỜI BẠO TRỊ CHUYÊN CHẾ SẮT MÁU.”

Người ta mất công đi tìm một định nghĩa cho hoài cổ, hoài niệm. Sự thật, hoài cổ hay hoài niệm gì cũng đều gợi lên NỖI NHỚ, mà thường người ta thích nhớ về những người hay những điều thiết thân với mình trước. Cho nên, chúng tôi hãnh diện là những người hoài cổ, những người thích hoài niệm về một quá khứ tốt đep mà mình hay cha ông mình đã thụ hưởng do công lao của một số bậc tiền bối đáng kính đã dựng nên bằng máu của chính bản thân mình.

Tưởng nhớ, ghi lại hình ảnh Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm cùng các việc làm và sự hy sinh của Tổng Thống cũng như của tập thể Quân Cán Chính VNCH cho đất nước, cho dân tộc trong thời kỳ nhiễu nhương nhất của lịch sử nước nhà… và rồi đã ngã xuống vì Tổ Quốc thân yêu, vì lý tưởng dân tộc, chúng tôi hãnh diện đang làm công việc hoài cổ, hoài Ngô, hoài niệm công đức các đấng tiền bối ấy vậy.

Lê Thiên & Lê Tinh Thông
(02/11/2021)


Tinh Thần NGÔĐÌNHDIỆMlà một tổ chức vô vị lợi, đã được Sở Thuế Hoa Kỳ (Internal Revenue Service) công nhận và cấp chứng chỉ hoạt động IRC Section 501 (c) (3) – Tax ID 84-3869411. Ngoài các công tác bác ái, xã hội và tôn giáo, Tổ Chức này cũng yểm trợ các khóa học của giới trẻ về kỷ năng lãnh đạo, nhân quyền, dân quyền, dân tộc tự quyết, đặc biệt giới thiệu cho giới trẻ giấc mơ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm “dân giàu, nước mạnh, độc lập, phú cường và tự chủ” còn dang dở. Mọi yểm trợ tài chánh cho “Tinh Thần NgôĐìnhDiệm” đều được khấu trừ thuế lợi tức tại Hoa Kỳ.

Tinh Thần NGODINHDIEM

8316 Emerado Circle

Westminster, CA 92683

[email protected]

714-891-6216

Bài liên quan:
  • HỘI LUẬN ngày 23/11/2024. Thượng đỉnh APEC & G20: Tác động ra sao đến Trung Đông, Ukraine; Vị thế của Hoa Kỳ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chiến tranh Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tranh thế giới?
    Michael Kimmage & Hanna Notte
  • Sổ Tay Thường Dân: GIẢI GIỚI
    Tưởng Năng Tiến
  • Trung Quốc nên lo lắng về Triều Tiên
    Lee Hee-ok & Cho Sungmin
  • Tập vẫn sẽ theo đuổi “Trung Hoa Mộng” bất chấp sự trở lại của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa