
Vào ngày 2 tháng 4 năm 2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố một loạt các mức thuế quan đối ứng toàn diện nhắm vào hơn 180 quốc gia, trong đó Việt Nam phải đối mặt với mức thuế suất cao 46%, có hiệu lực từ ngày 9 tháng 4.
Thông báo này dựa trên mức thuế cơ sở 10% được áp dụng cho hầu hết các đối tác thương mại bắt đầu từ ngày 5 tháng 4, kèm mức thuế quan đối ứng bổ sung được điều chỉnh cho các quốc gia có thặng dư thương mại đáng kể với Mỹ. Đối với Việt Nam, mức thuế quan 46% này — nằm trong số các mức cao nhất— áp dụng cho hầu hết hàng hóa nhập vào Hoa Kỳ, một thị trường đã hấp thụ 142 tỷ đô la xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024, theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ.
Mức thuế này gây sốc cho Việt Nam, nhưng Hà Nội có thể sẽ dựa vào các biện pháp ngoại giao để ứng phó. Trong một thời gian, giới chức Việt Nam được cho là lạc quan thận trọng về khả năng tránh được những chính sách thương mại tồi tệ nhất của Trump. Hà Nội có thể đã cho rằng sự can dự tích cực và chủ động với chính quyền Trump sẽ làm dịu rủi ro. Ví dụ, trong chuyến thăm Washington của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên vào tháng trước, Việt Nam đã ký các thỏa thuận trị giá 4,15 tỷ đô la Mỹ với các công ty Hoa Kỳ, bao gồm các thỏa thuận cung cấp LNG với Excelerate Energy và ConocoPhillips, như một phần của gói thương mại trị giá 90,3 tỷ đô la Mỹ cho giai đoạn 2025–2030. Cuộc gọi điện sớm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm nhằm chúc mừng ông Trump sau bầu cử là một ví dụ khác cho sự can dự ngoại giao tích cực của Hà Nội. Những nỗ lực này, cùng với việc Việt Nam cắt giảm thuế quan với nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ được công bố vào ngày 31 tháng 3, được coi là những động thái phòng ngừa để đáp ứng các yêu cầu của Trump về cân bằng thương mại.

Bản thân con số 46% khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam bối rối, đặc biệt là tuyên bố của chính quyền Trump rằng nó phản ánh mức thuế quan 90% mà Việt Nam áp dụng đối với các sản phẩm Hoa Kỳ, vốn là lý do mà giới chức Hoa Kỳ viện dẫn để biện minh cho mức thuế đối ứng. Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới, mức thuế quan áp dụng trung bình của Việt Nam là 9,4%, với mức trung bình có trọng số thương mại thậm chí còn thấp hơn, ở mức 5,1%. Ngay cả khi tính thêm thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, điều mà Trump đã chỉ trích là rào cản thương mại ẩn, thì việc tính toán ra con số 90% vẫn thiếu cơ sở rõ ràng. Sự mơ hồ trong phương pháp luận của chính quyền Trump, khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent lưu ý rằng mức thuế của mỗi quốc gia “đại diện cho mức thuế quan của họ”, càng làm Hà Nội bối rối và thất vọng hơn.
Có hai động cơ cốt lõi có thể là nền tảng cho mức thuế quan nặng nề này. Thứ nhất, nó nhắm vào thặng dư thương mại 123,5 tỷ đô la Mỹ của Việt Nam với Hoa Kỳ trong năm 2024, tăng 18,1% so với năm 2023. Trump từ lâu đã lên án đây là bằng chứng về các hoạt động thương mại “không công bằng”. Các tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh rằng các mức thặng dư như vậy làm xói mòn sản xuất và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Hơn nữa, trong tờ thông tin về thuế quan mới, Nhà Trắng tuyên bố rằng Việt Nam là một trong những quốc gia “hạn chế hoặc cấm nhập khẩu hàng hóa tái chế, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường đối với các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ, đồng thời kìm hãm các nỗ lực thúc đẩy tính bền vững bằng cách ngăn cản thương mại các sản phẩm mới và tiết kiệm tài nguyên”. Phía Mỹ ước tính rằng nếu những rào cản này được gỡ bỏ, kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam và các quốc gia này sẽ tăng ít nhất 18 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Thứ hai, Washington muốn hạn chế việc trung chuyển hàng hóa Trung Quốc qua Việt Nam để né hàng rào thuế quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, hiện ở mức 54% bao gồm cả các mức thuế quan trước đó. Nikkei Asia đưa tin rằng các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã cáo buộc cụ thể Việt Nam và Campuchia đóng vai trò là trung tâm trung chuyển để Trung Quốc trốn thuế của Hoa Kỳ. Một quan chức tuyên bố rằng Campuchia xuất khẩu 39 đô la Mỹ sang Hoa Kỳ cho mỗi đô la họ nhập khẩu, chủ yếu là do Trung Quốc biến nước này thành điểm trung chuyển quan trọng. Việt Nam cũng nằm chung nhóm, khi quan chức này cáo buộc rằng các cơ sở trông như các nhà máy sản xuất thực ra là các kho hàng nơi hàng hóa Trung Quốc được dán nhãn lại thành hàng Việt Nam trước khi được vận chuyển đến Hoa Kỳ. Do đó, mức thuế quan cao áp dụng cho Việt Nam có thể được coi là một công cụ để Hoa Kỳ gây sức ép buộc Việt Nam phải hành động mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn hành vi gian lận này.

Nếu được duy trì, mức thuế 46% này sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam. Các nhà xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và dệt may, phải đối mặt với biên lợi nhuận bị giảm sút hoặc đánh mất thị phần tại Hoa Kỳ, đe dọa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của Việt Nam trong năm 2025. Các hiệu ứng lan tỏa có thể làm đình trệ sự mở rộng sản xuất công nghiệp và tạo việc làm, vốn là những trụ cột chính trong quá trình phục hồi sau đại dịch của Việt Nam. Các nhà đầu tư đa quốc gia, vốn coi Việt Nam là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, có thể xem xét lại quyết định của mình, cảnh giác với chi phí cao hơn và bất ổn thương mại. Điều này sẽ làm suy yếu sức hấp dẫn của Việt Nam như một trung tâm đầu tư trong bối cảnh sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bất chấp cú sốc này, phản ứng của Việt Nam có thể sẽ hướng tới việc tránh đối đầu. Xuất khẩu trực tiếp của Hoa Kỳ sang Việt Nam khá khiêm tốn, chỉ đạt 13,1 tỷ đô la Mỹ trong năm 2024. Điều này hạn chế đòn bẩy của Hà Nội trong việc áp dụng thuế quan trả đũa. Thay vào đó, Việt Nam có thể sẽ dựa vào ngoại giao để thuyết phục Tổng thống Trump thay đổi quyết định của mình, bao gồm mua nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư của Hoa Kỳ, đẩy nhanh hợp tác về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm, bao gồm các khoáng sản quan trọng, và chủ động giải quyết vấn đề trung chuyển hàng hóa Trung Quốc. Việt Nam cũng sẽ cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ bằng cách đàm phán các hiệp định thương mại tự do mới và tận dụng tốt hơn các hiệp định hiện tại.
Những mức thuế quan này không chỉ gây rắc rối cho Việt Nam mà còn cho thương mại toàn cầu và người tiêu dùng Hoa Kỳ. Chi phí cao hơn cho hàng hóa Việt Nam – chẳng hạn như điện thoại thông minh và hàng may mặc – sẽ ảnh hưởng đến ví tiền của người Mỹ, có thể thúc đẩy lạm phát đã được Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ dự báo sẽ tăng. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn có thể gây ra sự suy thoái kinh tế rộng hơn, với Goldman Sachs ước tính rủi ro suy thoái ở Hoa Kỳ là 35%. Mục tiêu cắt giảm thâm hụt thương mại của Trump có thể thất bại, vì dữ liệu lịch sử từ nhiệm kỳ đầu của ông cho thấy thuế quan chỉ chuyển hướng dòng chảy thương mại. Điều này đã thúc đẩy nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Mexico và Việt Nam mà không thu hẹp mức thâm hụt thương mại chung của Mỹ. Về mặt chính trị, điều này có thể phản tác dụng, khiến cử tri xa lánh chính quyền Trump nếu giá cả tăng vọt và việc làm không quay về Mỹ.
Việt Nam sẽ nỗ lực xoa dịu các mối lo ngại của Trump, nhưng thành công phụ thuộc vào việc lý tính có quay lại với chính sách thương mại Hoa Kỳ hay không. Trước mắt, Việt Nam sẽ cần phải chuẩn bị cho một chặng đường đầy biến động phía trước.
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận Fulcrum ngày 4/3/2025.
Lê Hồng Hiệp
Nguồn trích: Nghiên Cứu Quốc Tế
https://nghiencuuquocte.org/2025/04/05/viet-nam-se-ung-pho-the-nao-voi-muc-thue-quan-gay-soc-cua-trump/#more-61216
Ảnh minh hoạ: Vận Hội Mới