LỜI  ĐẦU của đại diện NHÓM  THÂN  HỮU đứng ra xuất bản sử liệu song ngữ “Bản Tường Trình của Phái Bộ Liên Hiệp Quốc đi tìm Sự Thật tại nam Việt Nam năm 1963

*Sử liệu quan trọng 720 trang, khổ lớn, bìa cứng này sẽ được giới thiệu trong buổi sinh hoạt có trình diễn Ca Nhạc tại Westminster Civic Center chiều Chúa Nhật ngày 14-11-2021. Ngoài ra, tập 2 tác phẩm “The Vietnam Upheaval” của GS Vũ Quý Kỳ, trong đó có đề cập nhiều chi tiết liên quan tới BTT cũng sẽ được giới thiệu cùng độc giả. Trân trọng kính mời.

Bạn đọc đang có trên tay“Toàn văn Bản Tường Trình của Phái Bộ Liên Hiệp Quốc đi tìm Sự Thật tại Nam Việt Nam năm 1963” do dịch giả Nguyễn Văn Thực, hiện định cư tại Na Uy chuyển ngữ, kèm theo bản gốc tiếng Anh cùng với ba văn kiện liên hệ:

* Thư Thượng Nghị Sĩ Thomas J. Dood thuộc UB Tư Pháp Thượng Viện Hoa Kỳ gửi đồng viện là TNS James O. Eastland, chủ tịch Tiểu Ban Nội An Thượng Viện.

* Thư ông U Thant, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc gửi Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

* Thư TT Ngô Đình Diệm trả lời ông U Thant.

(Ngoài ra là phần Phụ Lục gồm một số tài liệu nguyên bản Anh ngữ do dịch giả bỏ thì giờ, công sức tìm kiếm, được đưa vào cuối bản dịch. Chính những tài liệu này đã giúp ông chú giải vài chi tiết quan trọng trong khi chuyển ngữ phần chính.)

Sau 58 năm dài nằm yên trong văn khố LHQ và Quốc Hội Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, lần đầu tiên bản gốc tiếng Anh lộ diện. Từ đấy, cũng là lần đầu toàn văn BTT song ngữ Anh/Việt chính thức được công bố. ( [1])

Chúng tôi đã băn khoăn suy nghĩ nhiều năm trước khi quyết định ấn hành tập tài liệu lịch sử được coi là hiếm quý và quan trọng này. Hẳn độc giả sẽ nêu câu hỏi: một tài liệu lịch sử quan trọng lại hiếm quý tại sao không công bố sớm hơn mà phải trì hoãn tới nay?

Câu trả lời có hai phần.

Thứ nhất, vì BTT chỉ được hoàn tất sau cuộc binh biến đột ngột 01-11-1963, nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam sụp đổ, TT Diệm và ông Cố Vấn Nhu bị sát hại. Do đó, tại phiên họp thứ 1280, ngày 13-12-63, Đại Hội Đồng LHQ quyết định không đưa ra bàn thảo nhưng vẫn coi như một sử liệu quan trọng cần bảo lưu.

Thứ hai, khi có trong tay BTT, một vấn đề lương tâm đặt ra cho những người có trách nhiệm là phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc thiệt hơn, lợi hại trước khi quyết định phổ biến.

Để tránh những sai lầm chủ quan, trước hết, chúng tôi đã gửi bản dịch kèm bản gốc tới một số nhân sĩ, trí giả thuộc mọi khuynh hướng tư tưởng, tôn giáo để tham khảo ý kiến nên hay không nên công bố lúc này. Sau đó, chúng tôi vinh dự nhận được sự đồng thuận của đa số.

Ngoài việc lượng giá tính trung thực và giá trị tự thân của BTT, chúng tôi còn tìm được những hỗ trợ tinh thần qua nhận định chính xác, khách quan của những trí giả đương thời.

Điển hình là quan điểm của TNS Thomas J. Dood thuộc Ủy Ban Tư Pháp TV/HK qua lá thư dài gửi người đồng viện là TNS James O. Eastland, chủ tịch Tiểu Ban Nội An năm 1964 với đề nghị phân phối nội dung BTT cho các TNS tại Thượng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ hầu có thể dùng làm tài liệu nghiên cứu.

l Cố TNS Thomas J. Dood là ai và ông đã nói gì?

TNS Thomas J. Dodd sinh năm 1907, mất năm 1971. Ông thuộc đảng Dân Chủ từng là Dân Biểu hai nhiệm khóa tại Hạ Viện. Sau đó, trở thành TNS thuộc Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Hoa Kỳ. Ông là một chính khách Mỹ nổi tiếng. Khác với nhiều đồng viện thuộc đảng Dân Chủ đương thời, ông ủng hộ triệt để chủ trương Mỹ tham chiến tích cực hơn ở Việt Nam để ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản và giúp đỡ nhân dân VNCH. Nội dung lá thư của TNS Dood nói lên nhiều điều, qui chiếu vào hai điểm sau.

Thứ nhất : Là một chính khách nặng lòng đối với Hiệp Chúng Quốc, sự sụp đổ của nền Đệ Nhất CHVN giúp ông nhận ra những khuất tất có dự mưu của hệ thống truyền thông Mỹ quốc cùng với sự lệ thuộc quá nhiều của chính quyền Hoa Thịnh Đốn vào những nguồn tin báo chí bất lương thời Tổng Thống John F. Kennedy.

Ông viết: “Phái Bộ, như BTT cho thấy, đã có thể phỏng vấn một số lãnh tụ Phật giáo và lãnh tụ thanh niên mà báo chí tường trình là đã bị giết trước đó. Cũng không thể tìm ra bằng cớ chứng minh cho những bài tường trình đã được đăng trên báo chí rằng các nhà sư đã bị quăng xuống đất từ những tầng trên, trong cuộc bố ráp Chùa Xá Lợi.

Điều mà tất cả những bài tường trình đạt được, theo ý kiến tôi, ấy là một lần nữa Dân Mỹ bị thông tin sai lạc một cách trầm trọng bởi một số báo chí về tình hình của một đất nước xa lạ mà rất liên quan đến họ. Chúng ta được cho biết rằng chính phủ Ô. Diệm đã có tội trong việc đàn áp tôn giáo một cách tàn bạo đến nỗi đã làm cho các thầy tăng ngây thơ vô tội buộc phải tự sát (tự thiêu – ND) để phản đối, thì bây giờ hoá ra rằng chuyện đàn áp đó hoặc không có hoặc đã bị thổi phồng rất nhiều, và rằng sự dấy động chủ yếu là sự dấy dộng chính trị.

Để chứng minh cho niềm tin của mình, TNS Dood nêu lên vài trường hợp cụ thể trong quá khứ và cả vào thời điểm lúc bấy giờ cho thấy tính chất bất lương của hệ thống báo chí Hoa Kỳ.

Đầu tiên, trong Đệ Nhị Thế Chiến, nhiều tờ báo lớn Mỹ tung tin: “Mikhailovich là một người hợp tác với Quân Đồng Minh và Tito là một nhà ái quốc Nam Tư vĩ đại theo chủ nghĩa Quốc Gia. Nhưng kết quả, tướng Mikhailovich là một người phản bội và chủ nghĩa CS được thiết lập ở Nam Tư.”

Sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, một số báo chí lại cho rằng:

“Tưởng Giới Thạch là một tên lừa đảo và những người CS Trung Quốc là những nhà cải cách ruộng đất; và kết quả là sự nhìn gà hoá cuốc này về kế hoạch hành động đã dẫn đến chuyện thiết lập chế độ CS ở Trung Quốc.”

Chưa hết, vẫn theo ông Dood: “Cũng mới đây thôi, có những tờ báo nói cho dân Mỹ biết rằng Castro không phải là một tên CS mà là một kết hợp giữa Robin Hood và Thomas Jefferson; và kết quả là một chế độ CS ra đời ở Cuba.”

Trở về với hệ quả tệ hại trước mắt của biến cố 01-11-1963, thư của TNS Thomas J. Dood  gửi TNS James O. Eastland viết với giọng mỉa mai, nhưng qua đó, cho thấy những điều ông tiên đoán đã trở thành sự thật 12 năm sau:“Bây giờ chúng ta lại trở thành nạn nhân của một trò xỏ lá khác, và rồi hậu quả của chuyện xỏ lá này là Chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị tiêu diệt, và nó đã tạo ra một tình trạng hỗn loạn này, thì khó mà chống lại chuyện CS sẽ cướp chính quyền.” (Tiếc rằng năm 1971 ông qua đời nên không được tự mình chứng kiến điều ông tiên đoán đã xảy ra cho dân tộc Việt Nam ngày 30-4-1975!)

Từ cách nhìn tiêu cực về báo chí, nói chung truyền thông Hoa Kỳ, TNS Dood quả quyết nó đã tạo ảnh hưởng quá tệ cho vấn đề an ninh nội địa Mỹ. Do đó ông đề nghị TNS Eastland in và phân phối BTT cho mỗi TNS với hy vọng là các vị này sẽ kiếm giờ để đọc và suy nghĩ một chút về các hàm ý trong đó. Ông cũng tin rằng: “…có lẽ sẽ giúp ích cho chúng ta nếu các thành viên của báo chí tự vấn về chuyện những tờ báo quan trọng Mỹ lại đã có thể làm cho chúng ta lầm đường lạc lối đến như thế về những tình hình kể trên.”

Thứ hai: Ngoài cái nhìn về khía cạnh tiêu cực của truyền thông, báo chí Mỹ hướng vào quyền lợi nước Mỹ, nội dung lá thư còn cho thấy TNS Dood đánh giá rất cao tính xác thực của BTT do Phái Bộ điều tra LHQ thực hiện.

Vì lý do BTT kết thúc khi chế độ Đệ Nhất CHVN vừa cáo chung, anh em Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu đã bị giết khiến LHQ khép lại không đưa ra Đại Hội Đồng và Phái Bộ điều tra cũng không có phán quyết chính thức, nhưng TNS Dood vẫn tin rằng: “…bất cứ người nào có cái nhìn khách quan, sau khi đã đọc nó, cũng sẽ phải kết luận rằng những báo cáo về sự bức hại lớn lao gây cho Phật giáo, nhẹ nhất, bị thổi phồng quá nhiều, và nặng nhất, là một sự dối trá bần tiện nhằm mục đích tuyên truyền”

Đề cập chủ trương của Phái Bộ không điều tra các động cơ chính trị nằm đằng sau những kẻ dẫn dắt biến cố 01-11-63, nhưng nếu ai hỏi về vấn đề này có thể tìm thấy qua lời TNS Dood: “…trả lời cho câu hỏi này là từ Thích Trí Quang, lãnh tụ Phật giáo số 1, người đã vào trốn trong Toà đại sứ Hoa Kỳ và đã trả lời cho cô Marguerite Higgins. Cô Higgins trích lời Thích Trí Quang nói với cô: ‘Chúng tôi không thể đạt được một sự thoả thuận với Miền Bắc cho tới khi chúng tôi đã loại được Diệm và Nhu.’”

Câu trả lời cô Higgins của ông Thích Trí Quang trên đây hẳn đã đủ cho công luận nhìn ra mối liên hệ giữa điều gọi là cao trào đấu tranh Phật Giáo ở Nam Việt Nam năm 1963, (ít nữa là do sự lèo lái của vài cá nhân lãnh đạo – điển hình là ông TTQ) với chế độ Cộng Sản Hà Nội như thế nào.

Đề cập nội dung cuộc phỏng vấn của hãng Thông Tấn NCWC ngày 20-11-1963 dành cho Ô. Fernando Volio Jimenez, đại sứ Costa Rica, TNS Dood nhắc lại nguyên văn lời tuyên bố của ông Volio sau đây:“Cá nhân tôi, tôi cảm thấy rằng chẳng có một chính sách chủ trương xử tệ, đàn áp, hoặc bức hại nào đối với các Phật tử vì lý do tôn giáo. Còn những chứng từ với những thông tin như thế thì thường là những lời đồn đãi, và được diễn tả bằng những lời lẽ mơ hồ hay chung chung…..”

TNS Dood kể lại trong thư gửi TNS chủ tịch Tiểu Ban Nội An TV sau cuộc gặp gỡ trực tiếp ĐS Fernando Volio Jimenez. Theo đó, đại sứ Volio nói với ông rằng sau 2 tuần điều tra cực kỳ kỹ lưỡng ở Việt Nam ông đi đến kết luận là mọi lời kết án đã hình thành trong Đại Hội Đồng trước đó nhằm chống lại chế độ Ô. Diệm không còn chấp nhận được nữa. Ông cảm thấy những bằng cớ hiển nhiên Phái Bộ thu lượm được không còn chỉ ra được có chuyện xử tệ tôn giáo hay có sự xâm phạm quyền tự do tôn giáo nào nữa.

Ngoài ra, lá thư cũng tóm lược sự kiện quan trọng sau đây trong BTT: “BTT ghi lại rất chi tiết chứng từ của một nhà sư 19 tuổi đã nói cho Phái Bộ biết là thầy ta đã bị “một toán cổ động tự sát (tự thiêu – ND)” tuyển mộ thầy như thế nào. Thầy ấy nói rằng thầy đã được nói cho biết là Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bị giết, rằng hằng trăm Phật tử bị trấn nước chết ở Sài Gòn, rằng các ni cô đã bị moi ruột, và rằng Chùa Xá Lợi đã bị đốt. Bọn đó đã hỏi liệu thầy có tình nguyện tự sát (tự thiêu – ND) vì sự nghiệp Phật giáo không, và họ trấn an thầy rằng họ sẽ cho thầy thuốc làm cho thầy không cảm thấy đau đớn, và trao cho thầy 3 lá thư đã được soạn sẵn và yêu cầu thầy ký vào đó. Thầy bị cảnh sát bắt kịp thời để sau đó thầy khám phá ra rằng những chuyện tàn ác kể trên là những chuyện bịa đặt hoàn toàn.”

l Vài suy nghĩ chót

Trước khi quyết định công bố toàn văn song ngữ Việt/Anh Bản TT của Phái Bộ LHQ đi tìm Sự Thật về nam Việt Nam năm 1963, đã đặt ra trong lương tâm những người chịu trách nhiệm những suy tư nát lòng. Nó thuộc loại chuyện “nói hay đừng.”

“Để mặc cho bụi thời gian phủ kín một sử liệu hiếm quý, hay công bố công khai dưới ánh sáng mặt trời”?

Đấy cũng là tâm trạng giáo sư triết học Đỗ Mạnh Tri (Pháp) gần một phần tư thế kỷ trước, chính xác là năm 1997, trong Lời Nói Đầu tác phẩm “Ngón Tay và Mặt Trăng”([1]) để “nói với 18 tác giả Giao Điểm” khi trước đó không lâu, nhóm này cho ra đời cuốn “Đối thoại với Giáo Hoàng Gioan Phalô II” kèm phụ đề “Nhân đọc cuốn ‘Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng’” của Giáo Hoàng.

Giữa hai trường hợp, có các điểm tương đồng, nhưng cũng có cái khác biệt nền tảng.

Tương đồng vì cả hai đều vì nhu cầu nói lên sự thật, nhân danh công đạo. Tuy nhiên cũng có điểm khác biệt.

Một đàng GS họ Đỗ do thúc đẩy “chẳng đặng đừng” của lương tri con người đã tự viết một tập sách để trả lại ý tưởng, mục đích ngay chính của cố Giáo Hoàng khi hình thành tác phẩm “Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng – Crossing The Threshold Of Hope.”

Đàng khác, ông còn có mục đích bạch hóa những mưu toan nhào nặn, vo tròn, bóp méo thiện ý, sự thật do một nhúm người tiếm danh Phật giáo ([2]) chủ trương. Trong Lời mở vào “Ngón Tay & Mặt Trăng”, GS Đỗ Mạnh Tri viết: “Vì nhiều lý do dễ hiểu, tập sách này thuộc loại ‘nói hay đừng’. Người viết ước ao như không viết và mong bạn đọc, đọc như không đọc, để cuối cùng chúng ta trả lại cho trang giấy màu trắng hàm hồ nhưng vẫn hứa hẹn của nó; màu trắng của khoảng trống chênh vênh giữa người với người. Xây ở đó một bức tường hay dọn ra đó một bàn tiệc, đào một cái hố, thắp một nén hương, trồng một cụm hồng, gieo một hạt lúa… tùy ý. Tùy thiện ý. Tuy nhiên, thiện ý không đủ. Có những vết thương chưa lành cần được băng bó…. Có những đống tro tưởng như tàn, nhưng vẫn âm ỉ sức nóng, nhiều kẻ đang thổi vào cho bốc lửa. Nên làm lơ hay tìm cách dập tắt? …”

Là một giáo sư triết, tốt nghiệp đại học Sorbone, Paris, Ông có lối viết tản mạn, sâu lắng, bảng lảng, đóng mở, gọi mời… nhẹ nhàng như hơi gió thoảng, nhưng thâm trầm, sâu sắc, đòi hỏi người đọc phải suy tư để tìm ra “ý tại ngôn ngoại – ý ở ngoài lời.”

Sử liệu quý vị đang có trong tay, khá giản dị, tự nó nói lên những khác biệt nền tảng.

Nó không phải là những ý niệm trừu tượng thuộc lãnh vực triết học, tinh thần, tâm linh. Trái lại, nó là những sự kiện, những vấn đề cụ thể, quen thuộc diễn ra hàng ngày trong đời thường, cho dẫu diễn ra trong bối cảnh thiêng liêng cao cả là quốc gia, dân tộc.

Nó không được viết như một tập truyện, một bản nhận định, phê phán của riêng một người, một nhóm người. Trái lại nó là kết quả một cuộc điều tra nghiêm chỉnh của một Phái Bộ gồm nhiều đại biểu thuộc các quốc gia Á Phi thành viên LHQ, do tổ chức quốc tế này đặc cử nhân lời mời của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa khi ấy, với sứ mạng tìm ra sự thật về những lời cáo buộc được gọi là “chính sách kỳ thị/đàn áp Phật Giáo thời Đệ Nhất Cộng Hòa.”

Với một lịch trình làm việc cẩn trọng, chi tiết được đề cập trong phần đầu BTT, ngay sau khi tới Việt Nam, Phái Bộ bắt tay ngay vào việc với tinh thần kỷ luật cao độ, nhất quán để bảo đảm tính cách vô tư tuyệt đối trong tiến trình điều tra và phỏng vấn các nhân chứng. Trong đó bao gồm các nhân vật trong chính quyền, giới Tăng Sĩ Phật giáo và mọi thành phần dân chúng liên hệ, được ấn định ngay từ đầu, trước khi qua Việt Nam.

Điều bất hạnh cho đất nước khi ấy là cuộc điều tra vừa kết thúc với BTT nghiêm cẩn, chi tiết thì cuộc đảo chính xảy ra. Đệ Nhất CHVN sụp đổ. Hai anh em TT Diệm bị giết.

Trước sự đã rồi, Đại Hội Đồng LHQ quyết định đóng hồ sơ, coi BTT như một tài liệu mật và chỉ được công khai hóa ba thập niên sau. Trên phương vị cá nhân, gia tộc, người ta có thể coi nó như một tập sách bình thường ghi lại biến cố đau đớn một thời để luyến nhớ, tiếc thương. Mặt khác, một nỗi oan khiên thế kỷ của những khuôn mặt lịch sử đương đại cần được bạch hóa, minh giải trước công luận. Nhưng, nếu nhìn BTT như một sử liệu quan trọng -như tự thân nó vốn là- ở vị trí vượt lên trên quyền lợi riêng tư, gắn kết với sinh mệnh dân tộc, thì sự quan tâm thuộc về đại chúng, về 90 triệu đồng bào quốc nội cũng như hải ngoại. Trong tinh thần ấy, việc công bố sử liệu này, có mục đích giúp toàn dân, cách riêng thế hệ trẻ, nhìn ra sự thật, hầu tìm một lối ra cho đất nước sau ngót nửa thế kỷ bị áp đặt dưới ách thống trị cực kỳ man rợ của tập đoàn Cộng Sản không tim óc. Từ đấy nó không nhằm phục hồi một chế độ của một thời, cho dù vàng son, nhưng đã trở thành quá khứ.

Trong niềm xác tín vào giá trị tuyệt đối của “sự thật trần trụi” không che đậy hay bóp méo, một “Sự Thật Sẽ Giải Phóng Anh Em” như lời Kinh Thánh, thay mặt nhóm chịu trách nhiệm ấn hành toàn văn BTT Anh ngữ gốc kèm bản dịch tiếng Việt này, chúng tôi trân trọng mời quý độc giả đón đọc để tự mình nhận ra giá trị nội tại của nó.

Trước khi kết thúc, chúng tôi có vài điều cần minh định.

a/ Đây không phải là một tập biên khảo, phê bình hay nhận định của một hay nhiều tác giả với những trích đoạn rải rác trong BTT gốc theo chủ quan người viết.

b/ Nó cũng không phải là bản tóm lược hay phỏng dịch, mà là một sản phẩm dịch thuật nghiêm chỉnh của dịch giả Nguyễn Văn Thực từ bản gốc Anh ngữ được in kèm như một tác phẩm song ngữ Anh/Việt để người đọc tiện tra cứu, đối chiếu, khi cần.

c/ Quyết định công bố tài liệu lịch sử quan trọng này, nhóm chủ trương chỉ có một mục đích duy nhất là trả lại sự thật cho cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và các cộng sự viên đã cống hiến biết bao công lao huyết hãn cho công trình kiến lập nền Cộng Hòa Việt Nam. Đây quả là một bước đi bảy dặm mang tính khai phá mà không một quốc gia nào trong vùng có được điều may mắn ấy. Nếu tình trạng hỗn loạn không xảy ra dẫn tới cuộc binh biến ngày 01-11 năm 1963 thì hẳn rằng Việt Nam ngày nay đã khác.

        Trân trọng,

NGUYN VĂN LIÊM

NGUYN VĂN THC

TRN PHONG VŨ

__________

([1]) Chúng tôi nhấn mạnh “lần đầu tiên toàn văn BTT được công bố” vì cho đến nay, chúng tôi chưa hề nghe biết trọn vẹn bản gốc hay bản dịch sử liệu này đã được cá nhân hay tổ hợp nào xuất bản. Hiện chúng tôi đang có trên tay tập sách mỏng chỉ vỏn vẹn 110 trang ruột với tựa đề “Phúc Trình A/5630” cùng hàng chữ bên dưới: “Phúc Trình Của Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc Về Đàn Áp Phật Giáo Tại Việt Nam 1963” với danh tính người thực hiện là Nguyễn Minh Tiến. Sách ghi năm 2018 do NXB Liên Phật Hội (United Buddhist Publisher) ấn hành, đăng ký tại Quốc Hội Hoa Kỳ mang số ISBN-13: 978-1986803953 ISBN-10: 1986803953 Copyright by UB Publisher (United Buddhist Publisher – NXB Liên Phật Hội). Tìm kiếm nhưng không thấy địa chỉ trụ sở hay điện thoại, ngoài địa chỉ ảo trên mạng www.lienphathoi.org và www.rongmotamhon.net. Tập sách 110 trang với  tựa đề na ná như dịch thoát từ bản gốc tiếng Anh  (Report Of United Nations Fact-Finding Mission to South Viet-Nam – 1963), nhưng nội dung   à  không chuyển ngữ trọn vẹn từ bản phúc trình gốc Anh ngữ 93 trang lớn khổ 81/2 x 11, size chữ 7 của Phái Bộ Điều Tra LHQ. Trái lại đây chỉ là một bản nhận định theo quan điểm người viết với một số trích dẫn có chọn lựa từ nguyên bản theo định hướng riêng của tác giả ký danh Nguyễn Minh Tiến.

([2]) Tập sách mang tên “Ngón Tay và Mặt Trăng” do GS Triết học Đỗ Mạnh Tri (Paris, Pháp quốc) biên soạn và được nguyệt san Đường Sống tái bản lần đầu 3000 cuốn ở miền nam tiểu bang California, Hoa Kỳ năm 1997.

     Tác phẩm dày 232 trang, trình bày đơn giản, trang nhã. Buổi giới thiệu sách được tổ chức tại Westminster Civic Center thuộc thành phố Westminster, vùng Tiểu Sài Gòn. Hai vị nhận đọc và giới thiệu tác phẩm hôm ấy là Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng và giáo sư LưuTrung Khảo. Cả hai đều là những nhân sĩ uy tín trong Cộng Đồng Phật Giáo hải ngoại.([1]) Chúng tôi không tin là Phật Giáo, một Giáo Hội của Đức Thế Tôn được truyền thừa tới Việt Nam hàng ngàn năm trước lại là tác nhân của những hành vi từng gây ra nhiều tranh cãi trước và sau năm 1963 thế kỷ trước. Chắc hẳn nó chỉ là sản phẩm của một thiểu số những phần tử tiếm danh tôn giáo này cho những tham vọng chính trị nhất thời mà thôi.

([3]) Chúng tôi không tin là Phật Giáo, một Giáo Hội của Đức Thế Tôn được truyền thừa tới Việt Nam hàng ngàn năm trước lại là tác nhân của những hành vi từng gây ra nhiều tranh cãi trước và sau năm 1963 thế kỷ trước. Chắc hẳn nó chỉ là sản phẩm của một thiểu số những phần tử tiếm danh tôn giáo này cho những tham vọng chính trị nhất thời mà thôi.

Bài liên quan:
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen