_____________________________

Giữa lúc các văn kiện lập quy về gói 350 ngàn tỷ cho 2022-2023 vừa hiện hình hài để “phục hồi sản xuất; với mong ước đạt tăng trưởng GDP từ 2,58% năm 2021 lên đến bình quân 6,5 – 7% mỗi năm 2022-2023”[1], thì lại xuất hiện hai mối lo lớn nhất trong năm 2022 là nợ xấu tiềm ẩn sẽ trở thành xấu không thể khắc phục; sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính Việt nam, đồng thời lạm phát sẽ tăng cao chưa có giải pháp đối phó. Nỗi âu lo này được bà Nguyễn thị Hồng, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) loan báo như áng mây đen bao phủ Ba Đình trong dịp kỷ niệm 92 năm ngày đảng csVN thành lập (03/02/1930). [2]

Đầu Quý II, ngày 11/4/2021, nhóm chuyên gia Tài Chánh được coi là hàng đầu của chế độ đã “dạo đàn” theo quan niệm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, muốn hỗ trợ nền Kinh Tế phục hồi, phải chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách và tín dụng tăng . . . để đòi nới trần nợ công tìm vay từ 500-800 ngàn tỷ đồng [https://vanhoimoi.org/?p=12816].

Hai đề nghị đưa ra rất sớm: (i) Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) xin Chính phủ hỗ trợ 250.000 tỷ đồng, tương đương 4% GDP để phục hồi sản xuất; (ii) Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Saigon, đề nghị 410 ngàn tỷ . . . chẳng nơi nào được Trung Ương đáp ứng.

Mãi đến đầu Quý IV/2021, qua hàng loạt diễn đàn nở rộ nhiều tuần liên tiếp tìm cách thai nghén gói kích cầu, thì đêm 4/11/2021 xẩy ra vụ Đại Tướng Tô-Lâm, Bộ Trưởng Công An ăn miếng thịt bò dát vàng ở London làm dậy sóng dư luận khắp nơi. Liền sau đó, các con thoi nơi “cung đình” tăng tốc trong vòng quay quyền lực, nhiều cán bộ cao cấp thuộc Nội Các bận bịu bầy mưu tính kế “mua thời gian” để kịp chia chác hàng ngàn tỷ đồng rút từ Ngân Sách và ép dân ngoáy mũi lấy tiền qua vụ án Việt Á.

Đột nhiên, ngày 18/12/2021 bên Công An dùng chiến thuật “ngoài nhu trong cương”, đánh đòn “cân não” bắt vừa đủ số bị can có chọn lựa trước trong vụ án Việt Á. Tình thế mới đẩy “phía bên kia” rơi vào cảnh “bị động”, thương lượng trong thế yếu . . . Đến lúc này bàn dân thiên hạ mới vỡ lẽ, do “vòng xoáy tha hóa quyền lực” nên Dân Việt Nam chịu “lỡ nhịp” phục hồi sản xuất so với các nước lân bang, từng đưa ra ngân khoản lớn kích thích Kinh tế sau đai dịch, so với GDP của từng nước từ nhiều tháng trước như: Australia 19% (tháng 6/2020), Malaysia 16,3% (tháng 6/2021), Indonesia 7,9% (tháng 8/2020), Nhật Bản 56,1% (tháng 11/2021) . . .

Do các diễn biến theo thời gian như sơ lược, nên mãi đến đầu Quý I/2022, Quốc Hội qua phiên bất thường trên Zoom, mới thông qua và Chính Phủ đã ban hành nghị quyết hôm 30/01/2022 về gói kích cầu 350 ngàn tỷ cho 2022-2023 qua giải pháp phát hành Trái Phiếu Chính Phủ (TPCP) – một hình thức nới lỏng định lượng (QE*). Từ đó báo chí Nhà Nước lại chuyển sang nhiệm vụ, như từng làm trong vụ Việt Á, tô son, điểm phấn cho những chương trình phục hồi Kinh tế, trong đó đẩy mạnh đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược, trọng điểm quốc gia, với ngân khoản chưa xác định, nhưng mô tả là rất lớn. [3]

Hàng chục năm qua, các dự án đầu tư công do Nhà Nước điều hành đều là nơi để các quan chức “tùng xẻo” Ngân Sách. Phần lớn dự án đầu tư công chậm tiến độ nhiều năm và đội vốn với tỷ lệ lên cao rất nhiều lần so với mức duyệt chi ban đầu. Xin tìm hiểu thêm ở bài “Phá nát đầu tư công . . .” [ https://vanhoimoi.org/?p=10250 ]

Tổng Cục Thống Kê loan báo, hai năm qua có đến 101.552 doanh nghiệp ngưng hoạt động, trong đó riêng năm 2020 là 46.592, gấp 1,6 lần so với năm 2019, còn năm 2021 là 54.960, tiếp tục tăng 18% so với năm 2020. Đồng thời, đã có 34.205 doanh nghiệp hoàn tất giải thể, cho thấy cộng đồng doanh nghiệp còn lại cần được hỗ trợ sớm để phục hồi, nhằm chặn đứng rủi ro thiếu hụt nguồn cung sản phẩm, hàng hóa trong tương lai.

Nhằm đưa hàng triệu công nhân từng bỏ các khu công nghệ, về quê hồi tháng 10/2021 quay lại làm việc, Chính Phủ quy định hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà, trong 6 tháng đầu năm 2022 phụ cấp 1 triệu đồng mỗi người mới nhận việc, 500 nghìn đồng mỗi người đang làm việc.

Do Chính Quyền “lừa đảo” bỏ đói công nhân trong thời gian giãn cách các năm trước, giới lao động bỏ Thành Thị về quê, [https://vanhoimoi.org/?p=12211] nên khi muốn phục hồi sản xuất thì có gần 20% các công ty đang thiếu ít nhất khoảng 40% nhân công có tay nghề. Ngoài ra, giá nhu yếu phẩm đang tăng cũng là yếu tố khiến công nhân do dự chưa quay lại. Đến nay đang ở đầu tháng 02/2022, rất đông công nhân vẫn chấp nhận ở lại nông thôn, nơi họ có gia đình chòm xóm.

Ba-Đình từng có gói an sinh xã hội 62 ngàn tỷ rất sớm để giúp người lao động, nhưng rốt cuộc do các điều kiện và thủ tục khắt khe, khiến người đứng đầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Đào Ngọc Dung phải thú nhận, đã hoàn thành thống kê ngày 20/5/2020 chỉ có 15,8 triệu người thuộc đối tượng nhận được khoảng 17,5 ngàn tỷ đồng, tương đương 28%.

Khi phát hành TPCP để có tiền đồng bơm ra thị trường như Ba-Đình đang làm, chắc chắn Việt nam phải đối mặt với lạm phát. Với độ mở lớn của nền kinh tế như Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP đã lên đến 230% nên có áp lực, rủi ro “lạm phát nhập khẩu”. Việt Nam đang trong tình trạng nhập siêu phần lớn hàng hóa từ các nước đang có khuynh hướng tăng giá, nên các viên chức csVN không thể cứ cãi “chầy” là vẫn kiểm soát được lạm phát dưới 4%. Nếu giá xăng-dầu, giá điện, giá lương thực-thực phẩm, giá sắt-thép … tiếp tục tăng cao, sớm muộn sẽ có tác động đến lạm phát tại Việt Nam.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo rằng lạm phát có thể sẽ trở thành mối quan ngại đối với Việt Nam trong năm 2022, với lạm phát dự báo năm 2022 và năm 2023 lần lượt ở mức 4,2% và 5,5%.

Ngược dòng thời gian, phát biểu trước Quốc Hội hôm 12/11, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) lo ngại, năm 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực lớn vì giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới đang có xu hướng gia tăng như xăng dầu trong tháng 9.2021 đã tăng 55% so với cuối năm trước, các nước phát triển có mức lạm phát cao nhất trong lịch sử, như Mỹ tăng 5,3% trong tháng 9.2021.

Ngày 21/01/2022, giá xăng dầu trong nước đã tăng lần thứ 10 liên tiếp và hiện đã ở mức cao nhất trong vòng 7 năm. Xăng E5 RON 92-II nay là 23.590 đồng mỗi lít và xăng RON 95-III là 24.360 đồng mỗi lít. So với tháng 3/2021, mỗi lít xăng RON 95-III đã tăng 6638 đồng, tương đương 27%. Từ ngày 02/01/2022, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước mỗi 10 ngày điều chỉnh một lần thay vì 15 ngày như từ năm 2021 về trước. [4]

Chủ Tịch Hiệp Hội Thầu KhoánViệt Nam, Nguyễn Quốc Hiệp, hôm 26/11 đại diện cho 2000 nhà thầu cho biết, trong cơn đai dịch, bão giá vật liệu xây cất lên đến 40%, nhiều công ty thầu khoán không dám nhận việc, vì bão giá.

Tính đến ngày 30/9/2021, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng thương mại (NHTM) ở mức trên 113 nghìn tỷ đồng, tăng gần 26% so với đầu năm. Nợ xấu toàn khối NHTM được xác định tăng khoảng 8%, tức cao gấp đôi chỉ trong 12 tháng, so với đầu năm 2021.Nếu xét tới cả nợ tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu tại các NHTM lớn hơn nhiều so với những gì được nói tới trong báo cáo tài chính. Nợ xấu sẽ đẩy nền Tài Chánh Việt Nam vào một cuộc khủng hoảng tài chánh và góp phần vào “rủi ro lạm phát với áp lực rất lớn” trong năm 2022.

Đến cuối năm 2021, nợ xấu toàn khối tổ chức tính dụng ở tỷ lệ 3,79% do NHNN công bố có vẻ ở mức thấp. Nếu thực hiện đúng theo nguyên tắc, tính đúng tính đủ, rất có thể nợ xấu tăng tới mức “hòm hòm” 2 con số. Như vậy, nợ xấu sẽ trở thành “rất xấu” tiềm ẩn rất nguy hiểm. Hiện nay, thị trường BĐS và CK vẫn đang giữ đà tăng trưởng nên nợ xấu chưa xuất hiện. Khi hai thị trường này vỡ bong bóng, nợ xấu sẽ tung tóe không cách gì đỡ nổi.

Nhìn vào nợ xấu khối NHTM, hôm 02/02/2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng “phủi tay”, đối với nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ gia tăng, trong khi thời gian qua các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính các nguồn lực tài chính của mình. Do đó, việc gia tăng nợ xấu nếu xảy ra thì chính bản thân các tổ chức tín dụng sẽ phải dùng nguồn lực tài chính của mình để xử lý nợ xấu, mà tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng nếu suy giảm sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính Việt nam.

Yếu tố quan trọng gây ra nợ xấu ngân hàng cũng phát xuất từ quan niệm “tùng xẻo” của công hay của người khác vô tội vạ trong đảng csVN. Từ căn bản lọc lừa của chế độ khiến sản sinh ra nhiều đại gia “tay không bắt giặc”, Quý độc giả sẽ ngỡ ngàng về mánh khóe “Mỡ nó rán nó, Tay không bắt giặc” trên trang Bauxitvn, nói về mưu mô lập hồ sơ vay nợ NHTM. [5] Theo đó, con nợ chỉ nhờ “quan hệ lớn, chia chác đúng” nên làm giầu “hợp pháp” rất nhanh.

Do thực tế về dòng tín dụng tại Việt Nam như thương dẫn, nếu gói kích cầu được dùng để hỗ trợ lãi suất theo quan điểm của Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ đức Phước thì sẽ đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao, đồng nghĩa với nợ xấu tiềm ẩn sẽ tăng cao. Khi đó, Việt Nam sẽ rơi vào đúng cảnh giác của quốc tế nói rằng, “tỷ lệ nợ xấu vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng cho vay sẽ trở thành nguy cơ “đầu độc” môi trường tài chính – tín dụng trong nền Kinh Tế”.

Từ khi hô khẩu hiệu đổi mới đến nay đã gần 36 năm, nền Kinh Tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa của Việt Nam vẫn chỉ làm cho giới đảng viên thực quyền được giầu có, nhờ vào tha hoá quyền lực tuyệt đối, khiến it nhất 62% dân chúng sống lam lũ ở nông thôn phải chia đều gánh nợ nần mà quốc gia vẫn không thể ngóc đầu lên được so với nhiều nước khác.

Cứ nhìn vào công ty Việt Á từng “danh giá” một thời với tấm Huân Chương lao động hạng 3, và 4 cán bộ có chức quyền của ngành Ngoại Giao đã “vinh hạnh” nhận Bằng khen của Nhà nước, nhưng bị bắt về tôi tham nhũng chỉ vì họ không may được chọn làm “dê tế thần” trong vòng đấu đá quyền lực! Còn “tảng băng chìm” ngoài hai vụ điển hình vừa nói với hàng ngàn cán bộ mọi cấp ăn chia phúc lợi từ mấy chục năm nay qua 14 Hiệp Định Thương Mại hiệu lực, cũng như hàng ngàn dự án đầu tư công đội vốn . . . Phần lớn nguồn lực quốc gia bị đa phần đảng viên “luộc” sạch, rồi lại được csVN hợp pháp hóa lần lượt chuyển tài sản ra ngoài qua các luật liên hệ được Truyền Thông mô tả là “tham nhũng chính sách” làm “mất máu” trong Kinh Tế Việt Nam [ https://vanhoimoi.org/?p=13308 ]

Như thế, dù cho có đến bao nhiêu Đại Hội đảng sau lần thứ XIII vừa rồi thì tình huống chung, kể cả Kinh Tế, Tài Chánh sẽ tiếp tục xấu hơn.

Trần Nguyên Thao
Feb 06

Tham khảo:

[1] http://cafe.acr.vn/2022/02/chinh-thuc-ban-hanh-goi-phuc-hoi-kinh.html

[2] https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nam-moi-don-thoi-cuoc-moi-cua-thi-truong-tien-te-99391.html

[3] https://cafef.vn/chinh-thuc-ban-hanh-goi-phuc-hoi-kinh-te-350000-ty-dong-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-duoc-ho-tro-nhung-khoan-gi-20220131160030165.chn

[4] https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/tu-nam-2022-cu-10-ngay-gia-xang-se-duoc-dieu-chinh-mot-lan-676145

[5] https://boxitvn.blogspot.com/2021/12/mo-no-ran-no-va-tay-khong-bat-giac.html

(*) Quantitative Easing (QE) Ngân Hàng Nhà Nước mua một lượng Trái Phiếu Chính Phủ, để lấy tiền cho nhu cầu phục hồi sản xuất – làm tăng cung tiền trên thị trường, góp phần làm tăng lạm phát.

Bài liên quan:
  • Sổ Tay Thường Dân: Bứt Phá & Đột Phá
    Tưởng Năng Tiến
  • HỘI LUẬN ngày 14/9/2024. Tranh luận Trump & Haris: Ai thắng, ai thua? Thông điệp gì cho cử tri? Chiến tranh Ukraine đi vào khúc quanh: Giải pháp nào? Căng thẳng ở Biển Đông: Sách lược của mỗi ứng viên?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Sổ Tay Thường Dân: MẠ THỦ & CÒ MÙ
    Tưởng Năng Tiến
  • Tranh luận Trump-Harris: Cử tri gốc Việt kỳ vọng gì?
    VOA Tiếng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 8/9/2024. Putin đến Mông Cổ: Tìm kế giải vây? Diễn đàn hợp tác TC-Châu phi: Nhưng cả khách lẫn chủ đều gặp kinh tế trì trệ, nợ cao, không lối thoát?
    BS Nguyễn Trọng Việt