Giang Nam (GN) nổi tiếng với bài thơ Quê Hương, viết từ năm 1960. Tác phẩm được giải thưởng của Tạp Chí Văn Nghệ, Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Nguyễn Đình Chiểu của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, và cho mãi đến nay vẫn còn có người còn nhớ được đôi câu – theo như lời kể của tác giả với phóng viên Quảng Nam Online:
Ông khoe với tôi rằng suýt nữa thì mất cái vé tàu bay từ Sài Gòn về Cam Ranh: “Tôi bị kẹt xe, lại vừa “kẹt nước ngập” nên đến sân bay làm thủ tục bị trễ. Nhân viên nhà tàu bay họ thấy ông già lớ ngớ nên hỏi “ông ơi, ông đi chuyến nào ạ?”Tôi đưa vé ra thì… tàu chuẩn bị bay rồi. Nhìn cái tên Giang Nam, cô bé nhân viên chợt hỏi: “Ủa chớ ông là nhà thơ… “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm” đó hả?” Tôi gật đầu xác nhận.
Thế là cô bé đó dặn tôi “đứng im chỗ này” và chạy đi trao đổi với ai đó một lúc khá lâu rồi quay lại: “Ông đi chuyến sau nhé”. Tôi đi vé giá rẻ, nghĩa là đến làm thủ tục trễ thì mất, phải mua tiếp chuyến sau, nhưng trong trường hợp này, tôi được… miễn mua vé lần nữa. Tôi cứ suy nghĩ mãi, không biết do cái tên trên chứng minh nhân dân là Giang Nam hay là do trời mưa ngập nước và kẹt xe nên họ “tha” cho ông già này?”
Tôi nói với ông:“Chắc là do cái tên Giang Nam chớ Sài Gòn mưa ngập và kẹt xe thì như cơm bữa, còn lâu nhà tàu bay họ mới “tha” cho chuyện hành khách đến trễ!”. Ông gật gù: “Thì ra cái “uy” nhà thơ cũng được ấy chứ, anh nhỉ?”. Nói rồi ông cười thành tiếng – điều khá hiếm ở nhà thơ đang ở tuổi 90 này.
Cái “uy” của nhà thơ – quả nhiên – “được” thật, và (rõ ràng) là đã giúp cho GN đỡ phải tốn tiền mua thêm một cái vé tầu bay. Tuy thế, cũng chính vì chút ảo tưởng về cái “uy” của mình nên thi sỹ vừa bị … lỡ một chuyến tầu đời!
Ngày 11 tháng 2 năm 2022, Bộ Văn Hóa Thông Tin có thông cáo rằng “nhà thơ Giang Nam không được xét đặc cách Giải thưởng Hồ Chí Minh” và “đề nghị Sở Văn Hoá Thể Thao Tỉnh Khánh Hoà hướng dẫn tác giả đăng ký xét tặng giải thưởng trong đợt đăng ký kế tiếp.”
“Đề nghị” oái oăm này, đối với một người đã gần đất xa trời, khiến tôi nhớ đến mấy câu thơ viết vào năm 1920 của Tản Đà (“Vèo trông lá rụng đầy sân/ Công danh phù thế có ngần ấy thôi”) khi thi sỹ vừa mới qua tuổi ba mươi. GN nay đã sắp “hai 50 rồi” mà xem chừng vẫn chưa hiểu thế nào là “công danh phù thế” vậy? Ông tiếc vì đã hy sinh quá nhiều mà nhận lại được quá ít nên vẫn cứ phải cố vớt vát, gỡ gạc được (thêm) chút nào hay chút đó chăng ?
Nếu “lỡ” đúng vậy thì e là thi nhân đã kỳ vọng hơi quá nhiều vào những câu thơ sáng tác do “lầm lẫn” của mình – theo như lời của chính ông tâm sự với phóng viên báo Thanh Niên:
Bà Phạm Thị Chiều, vợ nhà thơ Giang Nam, vừa qua đời tại Nha Trang, hưởng thọ 83 tuổi. Bà chính là “cô du kích” trong bài thơ Quê hương nổi tiếng của Giang Nam, từng lay động nhiều thế hệ những người yêu thơ suốt 53 năm qua.
“Cô du kích” trong bài thơ với tiếng cười “khúc khích” và đôi mắt “đen tròn” đã bị “giặc giết em rồi quăng mất xác”, còn bà Chiều thì vẫn gắn bó với nhà thơ Giang Nam đến tận hôm nay.
Sở dĩ có sự “vô lý” trên là do nhầm lẫn từ một nguồn tin của cơ sở trong thành báo ra. Nhà thơ Giang Nam nhớ lại: “Tôi và nhà tôi có cảm tình với nhau từ khi còn ở chiến khu Đá Bàn (Khánh Hòa) trong kháng chiến chống Pháp. Mãi đến năm 1955 chúng tôi mới cưới nhau.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ mỗi lúc một khốc liệt, để tránh sự bố ráp của kẻ thù, tổ chức phân công cả hai chúng tôi vào hoạt động tại Biên Hòa. Chẳng bao lâu sau, vợ và con gái tôi bị địch bắt giam tại nhà tù Phú Lợi.
Giữa năm 1960, tôi nghe tổ chức thông báo rằng vợ con tôi bị địch sát hại trong nhà tù này. Quá đau đớn, trong một buổi tối ở rừng, tôi đã viết xong bài thơ Quê hương. Sau này tôi mới biết, thông tin trên là do nhầm lẫn”.
Chuyện nhà tù Phú Lợi thì tôi cũng có được biết sơ sơ, qua lời của đôi ba tác giả:
- Ngô Nhật Đăng: Năm 58, ở miền Bắc có một sự kiện gây xúc động sâu sắc, đó là vụ ‘Đầu độc ở nhà tù Phú Lợi’, ‘Chính quyền Ngô Đình Diệm đã bỏ thuốc độc vào thức ăn, làm chết 4 ngàn tù nhân’. Đến năm tôi lên 6, 7 tuổi vẫn còn được nghe kể về nó, các cuộc mít-tinh đông đảo ở quảng trường Nhà hát lớn, ở nhà Đấu xảo, hàng chục ngàn người đầu chít khăn tang khóc ròng, thanh niên chích máu viết đơn xin vào Nam chiến đấu vv…
Ở trường chúng tôi được học bài thơ ‘Thù muôn đời muôn kiếp không tan’ của Tố Hữu. Sau 75 mới biết, vụ này là bịa đặt, có mấy người ăn phải thức ăn thiu, bị ngộ độc thực phẩm, ông Diệm phải cho xe chở đi cấp cứu, thế là thành chuyện…
- Thái Bá Tân: Tháng Năm năm Bảy Bảy/ Tôi đến nhà tù này/ Một khu nhà hoang vắng/ Xung quanh cỏ mọc dày/ Hỏi thì người ta nói/ Đó là chuyện tầm phào/ Không hề có chuyện ấy/ Không có thảm sát nào/ Vậy là những ngày ấy/ Chúng tôi, lũ học sinh/ Đã uổng công bỏ học/ Để tham gia biểu tình/ Khóc cho cái không có/ Căm thù cái hư vô.
Đảng nhờ vào lòng “căm thù Đế Quốc Mỹ xâm lược” của lắm người nên đã chiếm thêm được miền Nam. Còn GN thì cũng nhờ “căm thù cái hư vô” mà được “cơ cấu” làm Đại Biểu Quốc Hội Khóa VI, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Phú Khánh (1989-1993), và nhận lãnh Giải Thưởng Nhà Nước Về Văn Học Nghệ Thuật năm 2001, cùng vô số huy chương/huy hiệu khác: Huân Chương Quyết Thắng Chống Pháp, Huân Chương Chống Mỹ Cứu Nước, Huân Chương Độc Lập, Huy Chương Vì Sự Nghiệp Văn Học Nghệ Thuật, Huy Hiệu 60 Năm Tuổi Đảng …
Cùng là thi nhân nhưng Phùng Quán – một người sinh cùng thời với GN – chỉ mong có thể “vịn câu thơ và đứng dậy” vào “những phút yếu lòng” thôi, và vẫn sống âm thầm bằng “cá trộm/rượu chịu/văn chui, chớ nào có bao giờ dám nghĩ đến việc dùng thi ca để “leo trèo” trên những nấc thang danh lợi.
Thôi thì cứ tặng thêm cho GN một cái Giải Thưởng Hồ Chí Minh nữa đi cho nó vui cửa vui nhà. Hẳn là Bộ Văn Hóa cũng chả hẹp hòi hay xét nét gì đâu. Vấn đề, tuy thế, có chút trở ngại về “thủ tục hành chánh” mà thôi – theo như lời giải thích của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, vào hôm 21 tháng 2 vừa qua:
“Xét những đóng góp trong cuộc đời và sự sáng tạo trong văn chương, theo chúng tôi, nhà thơ Giang Nam hoàn toàn xứng đáng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải làm theo những quy chế đã đặt ra từ trước. Theo đó, chỉ những ai đăng ký tham dự giải thưởng Nhà nước, hoặc giải thưởng Hồ Chí Minh thì hội đồng mới có quyền bình xét.”
Té ra là như vậy. Nghe xong mà thấy “nhẹ” cả người!
Ấy thế mà tôi lại cứ tưởng là vì GN đã hết thời rồi nên không còn được “đoái hoài” gì đến. Ông tuy chưa chôn nhưng đã chết, và đã hóa ra một quả chanh khô. Tôi còn tưởng rằng Đảng và Nhà Nước không muốn dây dưa gì với hình ảnh cái mũ tai bèo, cái khăn rằn, và đám du kích nữa. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì đã mồ yên mả đẹp tự lâu. Chớ nên nhắc đến sợ giây thừng trong một gia đình đã có người thắt cổ?
Tưởng vậy mà không phải vậy. Thiệt là tưởng năng thối!
Tưởng Năng Tiến