________________________

Ở California, thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe người dân bản xứ nói đôi câu (cũng quen quen) nhưng không hiểu rõ ý :

  • We’re turning into our parents.
  • We all become our mothers.

Sao kỳ vậy cà?

Sao chúng ta lại có thể trở thành phụ mẫu của mình được chớ? Thì cũng tự hỏi (thầm) thế thôi nhưng rồi lần nào cũng tặc lưỡi cho qua. Là dân tị nạn nên tôi xem Hoa Kỳ chỉ là chỗ tạm dung. Sống đỡ ngày nào hay ngày đó, chả hơi đâu mà quan tâm đến phong tục, tập quán, văn hóa và ngôn ngữ nơi đất lạ xứ người. Phải lo chuẩn bị chuyện hồi hương để xây dựng lại đất nước mình mới là điều thực sự cần thiết.

Vậy mà tui cứ ở cái xứ sở này cho mãi tới giờ luôn và đường về thì vẫn chưa có lối. Với thời gian, tự nhiên, rồi tôi hiểu ra tại sao chúng ta lại trở nên như những đấng sinh thành.

Rõ ràng, càng già tôi càng giống song thân. Hay nói theo kiểu Mỹ là tôi trở thành y như cha mẹ của mình. Má tui có cái tính rất hay kiêng. Bả kiêng đủ thứ hết trơn:

  • Không cho ai dao kéo, sợ tình cảm bị chia cắt.
  • Không quét nhà vào ngày mồng một tết, sợ hất tài lộc ra khỏi cửa.
  • Không phơi quần áo vào ban đêm, sợ ma quỷ mặc lầm.
  • Không lượm tiền rơi, sợ lỡ đụng tiền cúng cô hồn là xui tận mạng.

Ba tôi thì không thường kiêng nhưng lại rất hay kỵ. Bà chị lớn lấy chồng xa, hý hửng ôm con sơ sinh về nhà khoe là thằng cháu đích tôn vừa được ông nội đặt tên Bình. Vậy là mặt ông ngoại xa xầm, lầu bầu/lầm bầm (“hỗn láo, hỗn láo, hỗn láo”) một chập rồi gằn giọng: “Gọi nó là Bường nghe chưa!”

Ổng còn cấm tụi tui nhiều chuyện nữa. Cấm không đứa nào được nói duуệt binh, duуệt ᴠõ mà phải đổi thành dợt binh, dợt ᴠõ ᴠì kỵ húу của … Đức Tả Quân Lê Văn Duуệt!

Quan niệm sống (“có kiêng có lành”) của cả hai người được tui thừa hưởng trọn vẹn và phát huy tối đa, cùng với tuổi đời. Đám con cháu mà mở miệng nói bất bình (thay vì bất bằng) là tui tát cho phù mỏ liền tức khắc.

Gần đây, tui còn “tham khảo” sách vở để mở mang thêm kiến thức nữa nha. Trong cuốn Phong Tục Việt Nam (Khai Trí – 1969) Toan Ánh chỉ viết đôi dòng, rất sơ lược, về chuyện “kiêng khem” thôi. Việt Nam Phong Tục ( Khai Trí – 1973) của Phan Kế Bính ghi chép tỉ mỉ hơn chút xíu :

  • Người trẻ tuổi kiêng tôi vôi, e chóng bạc đầu.
  • Trẻ thơ, kiêng khen tốt đẹp béo đẫy, e quở quang.
  • Trẻ con kiêng đội nón trong nhà, e lùn…
  • Ra ngõ kiêng gặp gái, e bất lợi.
  • Uống rượu kiêng úp chén và dốc ngược chai, e say rượu.
  • Con hùm kiêng gọi là ông ba mươi, con rắn kiêng gọi là ông lốt, con voi kiêng gọi là ông vâm.

Duy có câu kết luận của tác giả khiến tôi… hơi bị chưng hửng, và thoáng chút ngượng ngùng :

Lạ quá! Những sự nên kiêng thế nào cho khỏi ngu dốt, kiêng thế nào cho khỏi yếu đau, kiêng thế nào cho khỏi nghèo hèn, kiêng thế nào cho khỏi nhục nhân cách, thì không mấy người tìm cách mà kiêng, đi kiêng những điều vụn vặt, những sự vu vơ, nào kiêng ngày kiêng tháng, nào kiêng đứng kiêng ngồi, nào kiêng ăn kiêng mặc, nào kiêng cười kiêng nói, kiêng cả đến ra ngõ gặp gái, kiêng cả đến sáng sớm đòi nợ, sao mà kiêng lắm điều lạ lùng làm vậy?

Phan Kế Bính từ trần hồi đầu thế kỷ XX (năm 1921) nên chắc chắn không thể nào mường tượng được rằng, sau này, xứ Việt còn có “lắm điều kiêng kỵ lạ lùng” hơn nữa. Nhà Nước bỗng “kiêng” tên nước láng giềng Trung Quốc :

  • RFA: “Trong các tập in văn kiện năm 1979, 1980, những phần liên quan đến cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979, từ ‘Trung Quốc’ bị cắt bỏ, thay bằng dấu ba chấm (…).
  • BBC: “Hôm 16/2, Việt Nam diễn ra một số hoạt động kỷ niệm ‘42 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc’ nhưng dường như nhiều tờ báo vẫn tránh đưa tên ‘Trung Quốc’ vào bài tường thuật.

Tin tức phát đi từ những cơ quan truyền thông của nhà nước VN cũng thế, cũng … kiêng kỵ (và kiêng khem) rất kỹ :

  • Bị tàu ‘lạ’ đâm chìm giữa biển, 6 người Bình Định may mắn được cứu   
  • Tàu câu mực ở Quảng Ngãi bị tàu lạ đâm chìm        
  • Tàu lạ đâm tàu cá Nghệ An, 8 người rơi xuống biển, 1 người tử vong   
  • Thanh Hóa: Tàu cá bị tàu lạ đâm chìm, 1 ngư dân bị chết 
  • Cà Mau: Bị tàu lạ đâm chìm, 4 ngư dân cá mất tích
  • Tàu cá ngư dân Khánh Hòa bị tàu lạ đâm chìm

Tuy dân chúng bị bách hại hay sát hại ở rất nhiều nơi trong hải phận của xứ sở nhưng chính phủ hiện hành không hề có bất cứ một phản ứng nào đáng kể. Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Việt Nam luôn chỉ bầy tỏ sự quan ngại (vu vơ) thôi vì … không rõ chính xác kẻ thủ ác là ai, ngoài chi tiết rất lơ mơ là chúng thuộc …  nước ngoài!

Tình trạng này kéo dài từ nhiều thập niên qua, và đã trở nên một đề tài giễu cợt quen thuộc cho những người thích chuyện tiếu lâm. Cô giáo Thảo Dân bỡn cợt :

– Xám ơi, giặc NƯỚC NGOÀI là giặc nào nhỉ?
– Là nước lạ đó.
– Nước lạ là nước nào?
– Là nước có đường biên giới chung với Quảng Ninh.
– Nước có đường biên giới chung với Quảng Ninh nước nào?
– Là nước gây ra chiến tranh biên giới đấy thây.
– Cơ mà tên thật của nó là gì? Làm gì có thằng giặc nào không có tên?
– Bố mày còn chả dám nói tên, toàn phiếm chỉ huống hồ là quần cộc chân chì như tao. Mày hỏi gì hỏi lắm thế hả Đỏ.

Nhà văn Lao Ta đùa chơi:

Chưa biết thâm ý và viễn kiến của tướng Trần Việt Khoa đến đâu khi gọi Trung Quốc là nước ngoài. Cũng chưa biết ông gọi thế là theo chỉ đạo của ai, cấp nào. Nhưng hệ lụy của thứ sáng tạo thuộc bản quyền không thể tranh cãi của Quốc hội Việt Nam thì nhãn tiền ngay tức khắc.

Chẳng hạn, theo cách của ông Khoa, thì hàng loạt văn bản hoàn toàn có thể có những câu sau đây:

  • Nước cộng hòa nhân dân Nước Ngoài. (Có thể khiến nhiều người hiểu thế giới đã đến giai đoạn đại đồng) 
  • Đảng cộng sản Nước Ngoài. (Dễ bị hiểu sang một hình thức mới của Quốc tế cộng sản, tổ chức đã tử vong từ lâu)
  • Tình hữu nghị Việt Nam-Nước Ngoài đời đời bền vững. (Sẽ có người thắc mắc chính đáng: Chả lẽ thế giới chỉ còn hai nước?)

 Ha ha, Quốc hội mình vui phết, hơn đứt xới chèo!

Vui thế nhưng vẫn có người nhất định không cười, hoặc cười không nổi:

  •  Du Uyên: “Không biết từ bao chừ, ở trên báo nhà nước, cứ cái gì ‘lạ’ là nó cho thấy sự  hèn hạ của rất nhiều tập thể.”
  • Huy Đức: “Tầu thì lạ nhưng sự hèn hạ thì rất quen.”

Đã cam phận chư hầu thì ở nơi đâu và thời nào cũng phải thế thôi. Thế quỳ mà.

Việt Nam vốn không có Bộ Ngoại Giao mà chỉ có Đảng Ngoại Giao thôi. Gần đây, chính sách đối ngoại của Đảng còn phải lệ thuộc vào một cái Đảng (khác) nữa cơ. Rắc rối như vậy nên mới có chuyện kiêng/kỵ lôi thôi như thế!

Đây là vấn đề khá tế nhị nhưng rất ít người thông hiểu (và thông cảm) nên lắm kẻ đã lên tiếng chỉ trích việc Đảng CSVN bỏ phiếu chống lại nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên Hội Đồng Nhân Quyền của Nga, vào hôm 7 tháng 4 vừa qua :

  • G.S Nguyễn Khắc Mai – RFA: “Cái xấu mà thế giới người ta lên án, mà rõ ràng là nó xấu rồi, nó độc ác rồi… mà cũng không dám lên tiếng.”
  • Blogger Hoàng Trường – VOA : “Ngoại giao phản dân làm nhục cả dân tộc lẫn quốc thể.”
  • FB Thương Hồ – THOIBAO.DE : “Lần này CSVN tự làm khó mình rồi.”
  • G.S Carlyle Thayer – RFA: “VN đã tự bắn vào chân mình.”

Nó biểu bắn vô đầu cũng chưa chắc đã dám cãi, chứ tay chân thì có nhằm nhò chi đâu mà um xùm dữ vậy – mấy cha!

Tưởng Năng Tiến

Bài liên quan:
  • HỘI LUẬN ngày 23/11/2024. Thượng đỉnh APEC & G20: Tác động ra sao đến Trung Đông, Ukraine; Vị thế của Hoa Kỳ?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chiến tranh Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tranh thế giới?
    Michael Kimmage & Hanna Notte
  • Sổ Tay Thường Dân: GIẢI GIỚI
    Tưởng Năng Tiến
  • Trung Quốc nên lo lắng về Triều Tiên
    Lee Hee-ok & Cho Sungmin
  • Tập vẫn sẽ theo đuổi “Trung Hoa Mộng” bất chấp sự trở lại của Donald Trump
    Katsuji Nakazawa