- Gần 4 tháng chỉ giải ngân được 18 ngàn tỷ đồng.
- Hết thời hạn Quốc Hội sẽ cắt ngân khoản.
- Quốc Hội quy trách nhiệm cho Nội Các.
Nến kinh tế Việt Nam hiện phụ thuộc tới 37% vào nguyên vật liệu nhập cảng từ bên ngoài, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%. Giá xăng dầu nhập cảng không ngừng tăng đã đẩy giá xăng dầu trong nước vào dịp này tăng trong khoảng 40-50% tùy loại; [1] có thể vô hiệu hóa việc chính phủ cắt giảm 2% thuế VAT (Value Added Tax) thuế giá trị gia tăng nhằm khuyến khích tiêu dùng trong dân chúng, cũng như thuế Bảo Vệ Môi Trường (BVMT) để giúp giảm giá thành hàng hóa. Hậu quả của hai loại thuế này có thể dẫn đến thất thu Ngân Sách, trong lúc trông vào phát hành Trái Phiếu Chính Phủ để có thêm tiền thì trong toàn quý I/2022 chỉ bán được 10%, bằng 41 ngàn tỷ, so với tổng dự tinh cả năm là 400 ngàn tỷ. https://vanhoimoi.org/?p=14145
Các vấn nạn khác trong nền Kinh Tế, Tài Chánh là Thị Trường Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) sắp vỡ tung; Thị Trường Chứng Khoán (TTCK), theo nhận định của Chủ Tịch Quốc Hội Vương đình Huệ thì, “rất bất thường”. Ông Huệ đặt câu hỏi ngay tại Quốc Hội; “Thị trường chứng khoán bất thường như thế, các đồng chí thấy có yên tâm không?”.
Nhịp độ giải ngân Phục Hồi Kinh Tế gần 4 tháng nay mới được 18 ngàn tỷ trong số 347.000 tỷ đồng cho năm 2022-2023. Với tư cách Chủ Tịch Quốc Hội, ông Huệ tuyên bố, “nếu hết thời hạn, không giải ngân được sẽ trình Quốc hội chấm dứt ngân khoản, chứ không có chuyện chuyển nguồn sang tài khóa kế tiếp”. Mộ tả tình trạng này, ông Huệ phàn nàn: “Giữa chúng ta nói và chúng ta làm là khác nhau”. [2]
Sau gần 4 tháng ban hành Chương Trình Phục Hồi Kinh Tế (PHKT) hậu Covid, hôm 20/5 Ba Đình mới “rặn” ra được nghị định sẽ dùng tối đa 40 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ 2% lãi suất cho nhu cầu sản xuất; với hy vọng bơm vào nền Kinh Tế, đến năm 2023 khoảng 2 triệu tỷ đồng tín dụng qua khối Ngân Hàng Thương Mại (NHTM). Tuy nhiên, mong đợi này rất khó đạt tới, vì Doanh Nghiệp đang đối mặt với 3 khó khăn lớn: giá xăng dầu tăng cao, giá thành nguyên vật liệu luôn thay đổi theo hướng chỉ thiên và nhân công khan hiếm. Thiếu các yếu tố này thì Doanh Nghiệp sẽ không dám vay tiền để kích hoạt dây chuyền sản xuất sản phẩm. Nếu Ba-Đình đẩy cho bằng được nhằm mong đạt chỉ tiêu tăng trưởng 14% tín dụng, thì nguồn tiền vay dưới danh nghĩa sản xuất lại được tuồn sang Bất Động Sản đang đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng từng phần tại một số địa phương.
Hôm 11/5, giá xăng dầu tại Việt nam đã tiến sát đến 30 ngàn đồng mỗi lit và được cho là mức tăng cao nhất trong vòng 08 năm qua. Theo đó, mỗi lít xăng E5RON92 tăng thêm 1.491 đồng, từ mức 27.469 đồng lên 28.959 đồng mỗi lít; Xăng RON95-III tăng 1.554 đồng, từ 28.433 đồng lên mức lên 29.988 đồng mỗi lít. Đây là kỳ tăng giá thứ ba liên tiếp từ cuối tháng 4. Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, ba lần giảm.
Sự việc giá xăng dầu tăng liên tục làm đảo ngược giải pháp của Bộ Tài Chánh chủ trương giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) từ ngày 01/4 đối với nhiên liệu, để giúp sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Giảm mức thuế BVMT, theo Bộ Tài Chánh thì số thu ngân sách nhà nước năm 2022 sẽ giảm khoảng 23.954 tỷ đồng.
Chính sách giảm thuế VAT 2% [3] không có tác động nhiều tới vận chuyển, tiêu dùng. Giám đốc Taxi Thăng Long, Nguyễn Thành Long nhận xét, tỷ lệ giảm thuế VTA 2% chưa đủ mức để doanh nghiệp điều chỉnh lại giá. Hơn nữa, đợt này xăng dầu lại tăng phi mã tới 40 – 50%, mức giảm 2% chưa thấm tháp gì so với chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra. Chính vì thế, thời điểm này, doanh nghiệp vẫn “án binh bất động”, để tránh gây hiệu ứng xấu với khách hàng.
Ngược lại với thực tế, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giảm giá bán hàng hóa dịch vụ thông qua giảm thuế VAT 2% được cho là giải pháp cần thiết giúp kích cầu tiêu dùng trong nước, từng bước vực dậy nền kinh tế vượt qua khủng hoảng do đại dịch.
Năm 2021, tổng giá trị TPDN phát hành đạt 720.000 tỉ đồng, tăng hơn 52% so với năm 2020. Hầu hết TPDN, nhất là của ngành bất động sản, phát hành thuộc về các DN chưa niêm yết, sức khỏe các doanh nghiệp phát hành trái phiếu rất yếu kém, không có tài sản bảo đảm.
Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội yêu cầu “Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu DN thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các DN không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết”.
Về tình trạng này, Chủ Tịch Quốc Hội Vương đình Huệ đòi làm rõ nguyên nhân vì sao thị trường trái phiếu DN “quá nóng”, đề nghị báo cáo cho Quốc Hội biết tổng số trái phiếu DN phát hành năm 2021, trong đó cho bất động sản là bao nhiêu, nợ đến hạn, nợ đến hạn không có khả năng thanh toán là bao nhiêu?
Ngoài ra, ông Huệ không chấp nhận tình trạng “Nghị định vừa ban hành, các đồng chí đã nói không chặt chẽ, sơ hở thì ai chịu trách nhiệm chỗ này? Đừng có đổ thừa cho khách quan. Lỗi chủ quan thì phải quy được trách nhiệm, cơ quan nào, ai chịu trách nhiệm chuyện này chứ không thể nói chung chung”.
Về thực trạng Thị Trường Chứng Khoán (TTCK) Việt Nam; căn cứ vào bảng liệt kê dưới đây cho thấy, VN-Index đã trải qua 11 lần giảm điểm ít nhất là 6 tuần liên tiếp, nhưng chưa có lần nào khốc liệt, thê thảm như Mùa Xuân năm 2022. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm 2021, VN-Index mất mốc 1.200 điểm.
Lý giải về nguyên nhân của đà lao dốc liên miên này, SGI Capital cho rằng nhà đầu tư đang phải chịu rất nhiều sức ép. Từ lạm phát cao, đến lãi suất tăng, Nga xâm lăng Ukraine, giá năng lượng và hàng hóa đều tăng. Bên cạnh đó, các động thái mạnh mẽ từ chính phủ trong việc siết tín dụng bất động sản, ngăn chặn nạn đầu cơ, bắt bớ nhiều đại gia thao túng chứng khoán. . . là những nhân tố khiến nhà đầu tư hoang mang.
Riêng việc bắt bớ hàng loạt đại gia đỏ trước khi diễn ra Hội Nghi 5 (4-10/5), được suy diễn rất khác biệt trong dư luận: giới “thạo tin” thì diễn giải là nhóm giầu có bị bắt gần đây đều thuộc “sân sau” của các “ông trùm ngã ngựa”. Các cuộc truy tố đã mở màn cho chiến dịch đấu đá cấp cao tranh giành quyền, tiền chằng chéo trong nội tình đảng csVN.
Tuy nhiên, về thực tế, hàng loạt săn lùng truy tố một tỷ lệ rất nhỏ các đại gia đỏ thuộc “phe bên kia”, dù có trễ và vì mục đích gì, thì cũng vẫn giúp giảm tỷ lệ phát hành TPDN nhỏ lẻ đến 33% trong tháng 4, so với cùng kỳ năm ngoái.
Phó Thủ tướng đặc trách Kinh Tế, ông Lê Minh Khái cho rằng thực tế “liên thông nhau” trong thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường tiền tệ và thị trường bất động sản chưa cân bằng giữa cung và cầu, nên đã dẫn đến việc đầu cơ, mua bán, găm giữ… và vốn chảy vào thị trường này còn nhiều vấn đề. Thị trường vốn, kể cả thị trường tiền tệ cũng trong tình trạng tương tự.
Thay vì nhìn nhận yếu kém trong việc đưa ra giải pháp thích hợp, ông Lê minh Khái nói “Đây là bất cập rất lớn” – Chính phủ đã đánh giá, chỉ đạo các bộ, ngành để làm sao kiểm soát được thị trường vì nếu không sẽ ảnh hưởng tới vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát lạm phát sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Hôm thứ Tư, 4/5, Fed đã tăng lãi suất 0,5%, mức tăng cao nhất trong vòng 22 năm. Sau quyết định này, lãi suất tại Mỹ sẽ tạm giới hạn 0,75%-1%. Theo dữ liệu của CME Group, dự đoán lãi suất sẽ tăng lên mức 2,75%-3% vào cuối năm nay.
Việt Nam sẽ ảnh hưởng khi vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng đồng Mỹ kim; tới tỷ giá đồng bạc Việt Nam tính bằng Mỹ kim; tới dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài, khi rất có thể một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ Việt Nam quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác, nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước. Cũng có thể việc này làm trì trệ ngành xuất cảng Việt nam vì các nước giao thương bằng đồng Mỹ kim giảm nhập cảng hàng hóa.
Việt nam cũng sẽ phải tăng lãi suất, dấu chỉ Doanh Nghiệp Việt Nam sẽ vay vốn khó khăn; đối mặt với giá thành sản phẩm tăng cao khó bán; sản xuất sẽ đình đốn hơn nữa. Nếu Việt Nam không tăng lãi suất huy động, dân chúng chọn cách đầu tư an toàn bằng việc mua vàng. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), số vàng do người Việt Nam mua vào tăng từ 18,6 tấn trong quý 4 năm 2021 lên 19,6 tấn trong quý 1 năm 2022. [4] https://vanhoimoi.org/?p=14145
Thị trường giao dịch cho vay bất động sản và phát hành TPDN ở tỷ lệ khá cao: trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, số dư đầu tư TPDN của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh hơn; đến cuối tháng 3/2022, toàn hệ thống có 40 TCTD đầu tư TPDN với tổng số dư là 326,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,0% so với cuối năm 2021.
Trước đó, tính đến hết tháng 3/2021, tổng số dư đầu tư TPDN liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống TCTD là 160,6 nghìn tỷ đồng (tăng 24,1% so với cuối năm 2021), chiếm tỷ trọng 49,2% so với tổng đầu tư TPDN của toàn hệ thống.
Hôm 18/5, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Carolyn Turk nhận định “GDP theo đầu người của Việt Nam đã tăng gấp năm lần sau ba thập kỷ qua, trong khi thể chế của quốc gia chưa thích ứng với tốc độ thay đổi đó kể từ thời kỳ Đổi mới vào cuối thập kỷ 1980”. [5]
Rõ ràng nền Kinh Tế theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa được csVN hãnh diện ca tụng lâu nay không giải quyết được tình huống hiện tại của Kinh Tế Việt Nam.
Trần nguyên Thao
Tham khảo:
[1] https://logistics.gov.vn/dich-vu-logistics/van-tai/giam-2-thue-vat-gia-cuoc-van-tai-co-giam
[2] https://baomoi.com/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-qua-nong-vi-sao/c/42568617.epi
[3] https://logistics.gov.vn/dich-vu-logistics/van-tai/giam-2-thue-vat-gia-cuoc-van-tai-co-giam
[4] https://congthuong.vn/3-thang-dau-nam-nguoi-dan-viet-nam-tieu-thu-196-tan-vang-176830.html
[5] https://www.worldbank.org/vi/news/press-release/2022/05/18/effective-policy-implementation-is-crucial-for-vietnam-to-reach-high-income-status-by-2045-world-bank-group-report-says