Bẫy Nợ của Trung Cộng

Các khoản nợ của Chính Phủ, Doanh Nghiệp hay cá nhân vay bằng đồng Mỹ kim sẽ phải trả nợ theo lãi suất mới kể từ khi Fed quyết định tăng lãi suất điều hành liên tục từ 0,50% ngày 4/5 thêm 0,75 điểm % vào ngày 15/6, với dự báo sẽ tiếp tục điều chỉnh theo chiều hướng tăng từ nay đến đầu năm 2023, tùy theo mức lạm phát. Trường hợp Việt Nam, nếu không đủ tiền trả nổi nợ, sẽ rơi vào cảnh quốc gia ngấp nghé “ngưỡng báo động”. . .  đi dần đến vỡ nợ. Bóng ma vỡ nợ của Lào và Sri Lanka tỏ dần trên bầu trời Hà-nội, khiến nhịp độ “đấu đá”đổ lỗi cho nhau để tranh đoạt lợi quyền trong nội bộ Ba-Đình tương ứng với độ nóng mùa Hè, gần 100 độ Fahrenheit, bao phủ khắp Việt Nam.

Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang, The Federal Open Market Committee (FOMC) với nhiệm vụ hoạch định chính sách tiền tệ cho Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (Federal Reserves, viết tắt là Fed), dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên mức 3,1-3,6% vào cuối năm 2022 (cao hơn 1,5% so với ước tính hồi tháng 3) và lên 3,6-4,1% vào năm 2023 (cao hơn 1% so với dự báo trước đó). Khi Mỹ kim tăng lãi suất thì các ngoại tệ khác trong khối Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu cũng tăng theo. Tỷ giá đồng nội tệ của các nước mới nổi, trong đó có Việt Nam so với các loại ngoại tệ đều giảm giá trị.

Ngay sau khi Fed tăng lãi suất, một loạt ngân hàng trung ương các nước châu Á đã điều chỉnh lãi suất ngay lập tức, với hầu hết các ngân hàng trung ương đều tăng lãi suất từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm. Tỷ giá Mỹ kim và đồng Euro tiếp tục có xu hướng tăng tại thị trường ngân hàng. Tuần lễ cuối tháng 6/2022, giá Mỹ Kim tại các ngân hàng đã tăng thêm 50 – 70 đồng mỗi Mỹ kim ở mỗi chiều giao dịch. So với mức thấp nhất ghi nhận vào gần cuối tháng 1, tiền đồng đã mất giá khoảng 2,5%.

Vay, trả nợ nước ngoài đều tính bằng ngoại tệ. Khi đồng nội tệ bị mất giá thì cần nhiều tiền hơn để mua ngoại tệ, do đó tiền trả nợ và chi phí vay nợ phải tăng, bất kể nợ công, nợ của doanh nghiệp hay của cá nhân cũng sẽ trở thành “gánh nặng” cho con nợ. Đây là điểm làm cho doanh nghiệp và tư nhân có nhu cầu vay nợ e ngại, cân nhắc hơn khi ra quyết định đầu tư, tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất, có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu, ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế của Việt Nam.

World Bank định nghĩa nợ công gồm có nợ chính phủ, nợ chính quyền địa phương, nợ chính phủ bảo lãnh, nợ ở ngân hàng trung ương, các tổ chức công lập, các doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là các khoản chính phủ đã cam kết chi trả như lương hưu, bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Việt Nam đưa ra cách tính nợ công khác với thông lệ thế giới. Theo Luật Quản Lý Nợ Công của csVN năm 2009, nợ công chỉ bao gồm: nợ chính phủ, nợ chính quyền địa phương và nợ chính phủ bảo lãnh. Ngay khoản tiền lớn rõ ràng nhất, năm 2015 Ngân sách Nhà Nước vay của Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội lên tới 324.000 tỷ đồng, chiếm 74,46% dư nợ đầu tư, cũng chưa được tính vào nợ công, do Chính Phủ chuyển khoản vay này sang Công Phiếu.

Nếu tính đầy đủ theo thông lệ quốc tế, nợ công của Việt Nam có thể đã lên tới hơn 200% GDP, vượt quá chỉ tiêu an toàn nợ là 65% GDP, bao gồm nợ của ngân hàng trung ương và các đơn vị công lập khác. [1]

Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ National Bureau of Economic Research (NBER) cho biết, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 4% khi nợ công vượt ngưỡng 90% GDP. Khủng hoảng nợ công đầu năm 2010 là nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp, tăng tỷ lệ đói nghèo ở nước này.

Mặc dù theo cách tính khác, nhưng ngược dòng thời gian, từ năm 2016, khi còn tại chức, bộ trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng đã nhìn nhận, tốc độ tăng nợ công của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015 là 18,4% một năm, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế. Cũng theo lời ông Đinh Tiến Dũng, nếu như nợ công năm 2011 chỉ là 36,5% GDP thì đến năm 2015 đã lên tới 62,2%. Năm 2016, nợ công tăng lên mức 64%, gần đến mức trần cho phép (65% GDP), theo quy định của Quốc Hội. [2]

Dù theo cách tính của csVN, thì nợ công vẫn tăng theo thời gian, chỉ mới đến cuối năm 2020 nợ công Việt Nam đã là 3.52 triệu tỷ đồng, năm 2021 là 3.7 triệu tỷ đồng. Giai đoạn 2022 đến hết năm 2024 nợ công sẽ tiệm cận mốc 5 triệu tỷ đồng. Tính trung bình mỗi người dân Việt Nam phải gánh khoảng 50 triệu nợ công.

Giai đoạn 2022-2024 csVN phải trả vốn và lãi cho chủ nợ khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 51 tỷ Mỹ kim. https://vanhoimoi.org/?p=14431

Tháng 11-2016, với 82,39% đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo đó, quy mô nợ hằng năm giai đoạn này không quá 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP [3]

Do nhu cầu tiếp tục phải vay thêm nợ, năm 2021, Ba-Đình đánh giá lại GDP nhằm nới rộng trần nợ. Sau khi GDP được nâng lên cao, tỷ lệ nợ công tính trên GDP giảm từ 56,1% xuống còn 44,7%; nợ chính phủ trên GDP giảm từ 49,2% còn 39,2%; nợ nước ngoài trên GDP giảm từ 45,8% còn 36,5%; thâm hụt ngân sách trên GDP giảm từ 3,6% còn 2,9%.

GDP năm 2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 9 triệu tỷ đồng sau khi được Tổng cục Thống kê tiến hành đánh giá lại, điều chỉnh tăng 25,4%. Chỉ tiêu này đã được Chính phủ chính thức trình Quốc hội trong báo cáo số 530/BC-CP ngày 16/10/2020.

Cần nói rõ rằng, dù GDP được điều chỉnh theo hướng tăng cao, nhưng giá trị của nền Kinh Tế Việt Nam vẫn không thay đổi. GDP Việt Nam quý III/2021 tăng trưởng âm 6,17% – Mức giảm sâu nhất từ trước đến nay.

Trong trường hợp số thu ngân sách bị thiếu hụt, như Bộ Tài Chánh lo ngại thì khả năng trả nợ của csVN sẽ bước vào “ngưỡng rủi ro”. Ngân Sách năm 2022 có thể bội chi trên mức tính toán hiện là 372,9 nghìn tỷ đồng.

Lào, Sri Lanka hay Việt Nam đều mắc nợ qua rất nhiều dự án vay vốn của Bắc Kinh với điều kiện phải chấp nhận thuê các tổng thầu là công ty quốc doanh Trung cộng, và chịu cho công nhân Trung cộng được tới các nước “con nợ” làm việc.

Dù Bắc Kinh vẫn tuyên truyền rằng các dự án đầu tư của họ là “không ràng buộc” bất cứ điều kiện gì, nhưng thực tế cho thấy Bắc Kinh thường dùng các dự án đầu tư để dụ các quốc gia đang phát triển rơi vào bẫy nợ, sau đó ép các nước này chấp nhận các điều kiện khắc nghiệt của họ.

Tờ Vientiane Times dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nợ công và nợ do Chính Phủ Lào bảo trợ trong năm 2021 đã tăng lên mức tương đương 88% GDP. Dự trữ ngoại hối của Lào chỉ có 1,48 tỷ Mỹ kim, nhưng đến năm 2025, tổng số nợ Lào phải trả hàng năm đã xấp xỉ con số này.

Trong thập kỷ qua, chính phủ Sri Lanka thực hiện rất nhiều dự án lớn không cần thiết như cảng biển Hambantota, sân bay quốc tế Rajapakse, thành phố Colombo. . . Hầu hết các dự án này không mang lại lợi nhuận, chúng đã được thực hiện bằng các khoản vay lãi suất cao gần 8% từ Bắc Kinh. Kết quả là tổng nợ nước ngoài của Sri Lanka lên tới 51 tỷ Mỹ kim, trong khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ có 80 tỷ Mỹ kim. Do đó, Sri Lanka không trả được nợ, nên phải nhượng cảng Hambantota trong 99 năm và hàng nghìn mẫu đất nông nghiệp xung quanh cho Trung cộng.

Tại Việt nam có đến 90% các dự án tổng thầu Engineering Procurement and Construction (EPC) [*] của Việt Nam do nhà thầu Trung cộng đảm nhiệm. Trong đó, phần lớn là các dự án dầu khí, hóa chất, điện. . . . Đáng chú ý, có tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, với giá trị hàng tỷ Mỹ kim. Hầu hết dự án do nhà thầu Tầu cộng làm chủ đều chậm tiến độ từ vài ba năm đến cả chục năm và chất lượng thiết bị không đồng đều.

Tính đến tháng 11/2020, Bắc Kinh đã đầu tư tổng cộng 18 tỷ Mỹ kim vào Việt Nam với khoảng 3.087 dự án. FDI của Trung cộng có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam. [4] Thời gian 10 năm qua, csVN nhìn nhận đã kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 ngàn đảng viên; trong số này hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng. Khoảng 170 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị kỷ luật. Trong số này có 33 ủy viên Trung Ương, khoảng 50 sĩ quan cấp tướng trong quân đội.

Gần đây nhất là vụ công ty Việt Á lộ diện tham nhũng toàn hệ thống cầm quyền, cho đến nay mới lộ ra từ cấp Bộ Trưởng đến cấp Tỉnh, Thành bị truy tố, nhưng công luận tin rằng nội vụ còn có những ông trùm ở cấp cao hơn nữa chưa lộ diện. Thời gian này đang là cao điểm của vòng quay “đấu đá” tranh giành quyền lực tại Ba-Đình.

Các vụ tham nhũng bị truy tố thuộc đủ mọi loại, trong đó phổ thông hơn là các dự án đầu tư công. Trong đó, tham quan cấu kết với tổng thầu lập hồ sơ kéo dài tiến độ và đội vốn để chia chác. Tham nhũng tăng thì tỷ lệ nợ cũng tăng theo, nợ không bao giờ giảm.

Ngay cả tư nhân Việt Nam cũng mang nợ cao hơn các nước trong vùng. Có sự gia tăng rủi ro trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, đi cùng với tình hình nợ các gia đình tăng cao. Nếu như năm 2013, nợ của các gia đình chỉ chiếm 28% tổng cho vay của tại 4 ngân hàng quốc doanh, thì năm 2020, tỷ lệ này đã đạt 46%. Điều này đồng nghĩa, nợ các gia đình đã tăng nhanh từ 25% GDP lên 61% trong cùng giai đoạn. [5]

Trên thế giới có tới 15 nước mang những khoản nợ rất cao, trong đó nhiều nước có nền kinh tế phát triển, nhưng họ đều có khả năng trả nợ rất tốt. Trường hợp Việt Nam, mới đây Bộ trưởng Tài Chánh Hồ đức Phước công khai tỏ bầy lo ngại số thu sẽ giảm sút, thì khả năng trả nợ của csVN sẽ bước vào “ngưỡng rủi ro” khá cao. Tình huống này xẩy đến sẽ đẩy Việt Nam bước theo gót chân của các nước Lào, Sri Lanka.

Nếu tiếp tục chi tiêu bừa bãi, đầu tư công cứ tăng vốn và kéo dài tiến độ để cả hệ thống tham nhũng như bây giờ, thì viễn ảnh khá u ám giống như Zimbabwe vỡ nợ và lạm phát lên 200% là tiếng chuông cảnh tỉnh và bài học cho Việt Nam.

Ngày 26/6 Hoa Kỳ loan báo kế hoạch huy động 600 tỷ Mỹ kim cùng với các quốc gia đồng minh thuộc khối G7, để tạo nên một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ các quốc gia Châu Á nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cho 5 năm tới đây. Kế hoạch này nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.

Bản tin cũng nói rõ, Dù đang có nhu cầu rất lớn về vốn để cải thiện hệ thống giao thông nhưng theo các chuyên gia thì Việt Nam sẽ đặt an ninh của chế độ lên hàng đầu, nên không mấy mặn mà với đề nghị của các nước G7 do Hoa Kỳ dẫn đầu. [6]

Các giới chức scVN e ngại cũng phải, vì làm ăn với tổng thầu Trung cộng từ lâu đã xây dựng được hệ thống chia chác thành thông lệ, bây giờ xây dựng hạ tầng cơ sở với Tây Phương tuy về mặt phẩm chất và kỹ thuật khá bảo đảm, nhưng muốn “xơ múi” không phải dễ.

Từ trước đến nay, Dân Tộc Việt mất nhiều cơ hội do csVN đặt ưu tiên giữ lợi quyền.

Trần nguyên Thao

Tham khảo:

[1] https://nhipcaudautu.vn/kinh-doanh/no-world-bank-cua-viet-nam-tang-115-lan-3320705/
[2] https://1thegioi.vn/toc-do-tang-no-cong-giai-doan-2011-2015-la-18-4-nam-106049.html
[3] https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/no-cong-khong-duoc-qua-65-gdp-20161108222255836.htm
[4] https://voh.com.vn/kinh-te/nhieu-cong-ty-trung-quoc-rot-von-dau-tu-vao-viet-nam-411188.html
[5] https://vnexpress.net/hsbc-no-ho-gia-dinh-o-viet-nam-tang-cao-4275793.html
[6]https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/g7-aims-to-raise-600-billion-usd-to-counter-china-s-belt-n-oad-06292022052102.html

[*] Tổng thầu https://saigonoffice.com.vn/engineering-procurement-construction-epc-la-gi.html

Bài liên quan:
  • Không khí Ramadan u ám ở Tân Cương
    The Economist
  • Kênh Phù Nam có thể đẩy Campuchia rời xa Việt Nam về phía Trung Quốc
    Sokvy Rim
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 21/4/2024. Kênh đào Techo Funan ở Cam Bốt: TC bao vây Việt Nam, bức tử đồng bằng sông Cửu Long! Làn gió mới cho Singapore?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2024. Xung đột trực diện Israel-Iran mở màn. Chiến tranh Trung Đông lan rộng?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Từ việc Iran tấn công Israel cùng nhìn lại “Liên minh ma quỷ”
    Eliot Cohen