Sau khi Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75% nữa vào ngày 27/7, [1] đồng Mỹ kim lục tục quay về “nguyên quán” để vừa an toàn lại có thêm lợi nhuận, khiến giá Mỹ kim tại cả hai thị trường chợ đen và chính thức ở Việt Nam tăng giá. Nguồn cung Mỹ kim cho nhu cầu Việt Nam không thuận lợi làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư và giá nguyên nhiên, vật liệu tăng bào mòn thặng dư thương mại đặc biệt tại khối doanh nghiệp trong nước. Đồng thời Mỹ kim trong Kho Bạc Nhà Nước (KBNN) cũng không thể duy trì ở mức “khoe khoang” như cách đây trên 8 tháng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, FED đã 4 lần tăng lãi suất: 0,25% trong cuộc họp tháng 3, sau đó tăng thêm 0,5% trong cuộc họp tháng 5, rồi lại tăng tới 0,75% trong cuộc họp tháng 6 và tăng thêm 0,75% trong cuộc họp tháng 7, nâng phạm vi lãi suất điều hành lên ngưỡng 2,25% đến 2,5%. Và “không loại bỏ khả năng một đợt tăng lãi suất cao bất thường khác sẽ được thực hiện trong cuộc họp lần tới”.
Tạp Chí Tài Chính Việt Nam, trực thuộc Bộ Tài Chánh nhìn nhận, FED ngừng thu mua trái phiếu và nâng lãi suất nhiều lần trong năm 2022, khiến nguồn cung đồng Mỹ Kim suy giảm và từ đó, tăng mạnh giá trị đồng tiền này trên toàn cầu.
Trước khi Fed tăng lãi suất 2 ngày, Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt nam phiên đầu tuần (25/7) đã giảm đến hơn 10 điểm. Áp lực bán tháo được thể hiện rất rõ ngay trên bảng điện tử với sắc đỏ tràn ngập trong 321 mã giảm điểm, gấp gần 3 lần số mã tăng điểm.
Nhiều tuần lễ liên tiếp chứng khoán tiếp tục nhì nhằng, đi ngang với thanh khoản càng lúc càng nhỏ giọt, tạo ra cảm giác thị trường “hết tiền”. Nhu cầu bán trong ngắn hạn bất ngờ tăng sẽ dễ dàng khiến giá cổ phiếu giảm xuống. Biến động giá dựa trên khối lượng giao dịch nhỏ thì độ tin cậy cũng dần “teo lại”. Nhà đầu tư chứng khoán chỉ ước mơ VNIndex giữ được mốc 1.200 điểm, nhưng bất thành.
Các chuyển biến mới đẩy tỷ lệ dự trữ đồng Mỹ kim trong KBNN vơi nhanh so với trước đây. Trên 8 tháng trước (11/2021), báo Nhà Nước còn khoe “mức an toàn” ngoại tệ của Việt Nam trong KBNN lúc đó lên đến 105 tỷ Mỹ kim. [2] (https://vanhoimoi.org/?p=14431)
Vì đồng bạc Việt Nam không có giá trị quốc tế, nên Chính Phủ phải bòn mót đồng nội tệ để mua Mỹ Kim dùng vào việc nhập cảng hàng hóa, trả đống nợ nần cao như núi, và tích cóp để dành chút “vốn” ở nước ngoài cho chế độ phòng thân. . . Khi Fed tăng lãi suất thì điều kiện vay, trả nợ, lãi suất và mọi chi phí đều phải tăng theo tỷ lệ thuận.
Từ cuối năm 2021, tỷ giá Mỹ kim tại thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,3% và tỷ giá niêm yết tăng khoảng 2,5% – mức tăng giá cao nhất trong vòng 4 năm gần đây.
Ngày 27/7 ngay trong lúc FED còn đang họp, chưa có tin gì lọt ra ngoài, thì chỉ số Dollar Index (DXY) đã có tỷ giá cao hơn khoảng 0,55 điểm (51%) so với phiên giao dịch trước, ở 6 đồng tiền chủ chốt, gồm: JPY, GBP, CAD, SEK, CHF. Do tình hình thực tế đang diễn ra, một số nhà phân tích nhận định, “không nhìn thấy rào cản đối với đồng Mỹ kim nên khả năng tăng giá sẽ còn tiếp tục”.
Tại thị trường Việt Nam, ngay trong ngày FED tăng 0,75% lãi suất (27/7) giá mỗi Mỹ kim bán ra trung bình tại liên ngân hàng là 23.510 đồng, mức cao nhất từ tháng 5/2022. Nhưng tại thị trường chợ đen, mỗi Mỹ kim bán ra là 24.410 đồng. Do tiền Việt Nam so với Mỹ kim đang trên đà mất giá, các chuyên gia dự báo vào các tháng cuối năm 2022 đồng bạc Việt Nam sẽ mất giá ít ra khoảng 3%. Vì vậy, dù cho số Mỹ kim trong KBNN được công bố vẫn còn nhiều (?), Chính Phủ vẫn không ngại bỏ ra nhiều tiền hơn trước để mua thêm đồng bạc xanh.
Mới đến tháng 7/2022 KBNN đã mua tới đợt thứ 7 và 8 với khối lượng Mỹ kim lần lượt mua vào là 90 triệu và 35 triệu. Trước đó, từ tháng 3 đến tháng 5, KBNN đã mua vào nhiều đợt với số lượng Mỹ kim khá lớn từ 200-250 triệu mỗi đợt. Do hiện tượng KBNN liên tục mua vào số lượng lớn Mỹ kim, dân chúng biết đồng bạc xanh đang khan hiếm.
Hiện tượng khan hiếm Mỹ kim cũng là lý do nhà đầu tư nước ngoài rút dần ngoại tệ khỏi TTCK Việt Nam để quay về trú ẩn nơi an toàn hơn.
Giá bán Mỹ kim ở thị trường tự do cao hơn nhiều, nhưng dân chúng vẫn săn tìm, mua vào cất giữ, hòng khi “có biến” mà phòng thân. Mấy tháng nay, dân chúng nhìn Tầu mà nghĩ đến Ta. Biết đâu có ngày dân Việt lập lại hình ảnh người Trung Hoa lũ lượt kéo nhau xô xát với công an trước cửa nhà băng để rút tiền của chính mình mà không được, vì ngân hàng đã hết tiền, do hậu quả vỡ nợ từ ngành Bất Động Sản (BĐS). Tại Việt Nam BĐS đang bước vào giai đoạn “xì hơi”, kế tiếp sẽ xẹp bong bóng – BĐS vỡ nợ!
Các nhà quan sát phân tích rằng, con số 105 tỷ Mỹ kim trong KBNN không phải là hoàn toàn tiền mặt (cash). Bởi vì trên nguyên tắc, Việt Nam phải nhập cảng hàng hóa mỗi tháng khoảng 31 tỷ Mỹ kim. Theo luật lệ, Việt Nam phải có trong kho bạc 3 tháng dự trữ an toàn cho nhu cầu nhập cảng, bằng 93 tỷ. Mỗi năm phải trả nợ + lãi trên 17 tỷ, tính ra mỗi tháng khoảng 1,5 tỷ Mỹ kim nữa. [3]
Vậy số Mỹ kim 105 tỷ hay hơn nữa trong KBNN phải kể cả 39.2 tỷ Mỹ kim của Việt Nam mua công khố phiếu tại Hoa Kỳ như “của để dành” nhằm lấy lãi, và gồm cả các cấu phần khác nhau tính thành ngoại tệ như: vàng, trái phiếu chính phủ nước ngoài, và các giấy tờ nắm giữ của các NHTM gởi trong KBNN…
Từ lâu nay đảng csVN đã “nhào nặn” các số liệu, đặc biệt về Kinh Tế, Tài Chính nặng tính mỵ dân, đánh bóng chế độ; khiến Tổ chức Minh bạch Quốc tế Transparency International (TI) xếp Việt Nam vào nhóm thấp nhất về độ “tin cậy”. Khi Nhà Nước“make up”số liệu Kinh Tế thì cũng đồng thời đẩy giới doanh nhân vào hoàn cảnh phải tham khảo các thông tin “méo mó” khiến họ định hướng sai lầm kế hoạch sản xuất kinh doanh của Doanh Nghiệp Việt Nam. Đây chính là một trong những lý do nhiều năm nay, năm nào cũng có hàng trăm ngàn công ty phá sản.
Công luận cho rằng, đồng Mỹ kim đang tăng giá gần như khắp thế giới, nhưng nước Mỹ vẫn lạm phát đến 9,1%, trong khi đồng tiền Việt Nam đang mất giá so với Mỹ kim, đặc biệt tại thị trường chợ đen, nhưng lạm phát của Việt Nam năm 2022 được Tạp Chí Tài Chánh chính thức công bố đầu tháng 5/2022 “nhiều khả năng vẫn được duy trì ở mức thấp, khoảng 2-2,5%, bất chấp giá xăng dầu có thể được neo ở mức cao như hiện nay”.
Cũng như Việt Nam, tình trạng chênh lệch lãi suất ảnh hưởng lớn hơn đến diễn biến dòng vốn tại các thị trường chứng khoán Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc đều bị rút vốn ròng từ tháng 5 vừa qua khi FED tăng lãi suất liên tục nhiều đợt từ đầu năm 2022. Dù vậy, 5 nền kinh tế gồm Nam Dương, Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba và Phi Luật Tân, vẫn còn khá hơn Việt Nam. Trong khi Việt nam phải chịu đựng chẳng những sự hao mòn vốn ngoại trong chứng khoán mà còn chịu tác động bong bóng Bất Động Sản xì hơi, làm cho Kinh Tế Việt Nam chỉ hơn được Miến Điện, Cao Mên, Lào và Brunei.
Trong báo cáo “Cập nhật triển vọng kinh tế thế giới” được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), công bố vào tháng 7/2022 thì quy mô GDP của Indonesia sẽ dẫn đầu trong khu vực ASEAN, đạt 1.290 tỷ Mỹ kim, theo sau là Thái Lan với 522,01 tỷ Mỹ kim. [4]
Bốn nước khác lần lượt từ khá đến kém hơn gồm: Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam có quy mô GDP đạt lần lượt là 439,37 tỷ Mỹ kim, 424,43 tỷ Mỹ kim, 411,98 tỷ Mỹ kim và 408,95 tỷ Mỹ kim. Như vậy, quy mô GDP Việt Nam năm 2022 theo dự báo của IMF đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN.
Việt Nam còn một vấn đề nhức nhối khác được chính NHNN tiết lộ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ từ hôm 11/6 đã quyết định đưa Việt Nam trở lại “danh sách giám sát” về các chính sách ngoại hối, do không còn đáp ứng cả 3 tiêu chí, gồm: thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ, thặng dư cán cân vãng lai và kéo dài nghiệp vụ can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều. https://vanhoimoi.org/?p=14404
Trong tình huống tỷ giá Mỹ kim trên tiền đồng Việt Nam dễ dàng thay đổi, là lúc Mỹ có lý do để tăng mức độ theo dõi, và nếu bị xếp vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ thì rất bất lợi cho Việt Nam, vì bước kê tiếp Việt Nam sẽ rất vất vả để chứng minh nhằm thoát các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ sau đó.
Tuy nhiên vào lúc này, đảng csVN xem nhẹ việc điều hành Kinh Tế hơn là thu vén quyền lực đưa hoàn toàn vào tay đảng qua chiến dịch “tranh giành ý thức hệ” mà chống tham nhũng hiện chỉ là “cái cớ lót đường”. Khi đảng csVN nắm trọn quyền điều hành guồng máy quốc gia, như trước thời mở cửa nền Kinh Tế 36 năm trước (1986), thì khi đó “chiếc loa phường” là tiếng nói duy nhất “rất rè” dù không thích nhưng vẫn phải nghe, thì mọi số liệu về Kinh Tế, Tài Chánh do Việt Nam đưa ra còn đáng nghi ngờ hơn nữa.
Trần nguyên Thao
(July 27)
Tham khảo :
[1] https://www.reuters.com/article/usa-fed/wrapup-5-fed-raise-rates-again-says-will-not-relent-in-inflation-fight-idUSL1N2Z71DY
[2] https://finance24h.vn/kinh-te/du-tru-ngoai-hoi-cua-viet-nam-dat-ky-luc-moi-105-ty-usd.html
[3] https://tuoitre.vn/trong-3-nam-toi-viet-nam-vay-hon-2-trieu-ti-dong-phai-tra-no-1-1-trieu-ti-20220413155948029.htm
[4] https://cafef.vn/quy-mo-gdp-viet-nam-nam-2022-xep-thu-may-trong-khoi-asean-theo-du-bao-cua-cac-to-chuc-quoc-te-20220726110101617.chn