Thị trường Tài Chánh Việt Nam vừa trầm mình trong những ngày hỏang loạn khởi đi từ Ngân hàng SCB, tài sản 761 ngàn tỷ đồng, với tên đầy đủ là Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Sài Gòn. Do biến cố này mà Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN), các cơ quan an ninh và Kinh Tế phải vật vã đối phó suốt mấy ngày để làm nguội trào lưu hàng hàng lớp lớp người dân tuốn đến hàng trăm chi nhánh SCB đòi rút tiền sớm hơn thời hạn. Đây mới chỉ là bước đầu của cuộc khủng hoảng Tài Chánh rộng lớn, mà nhiều NHTM tại Việt Nam đang trong tình huống cầm cự để tránh “xiêu vẹo” như ngân hàng SCB.

Điểm âu lo của Ba-Đình không chỉ riêng ở vụ hoảng loạn gây ra bởi ngân hàng SCB mà là nơi rất nhiều Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) Việt Nam bảo lãnh hay phối hợp với những Doanh Nghiệp không đủ điều kiện bảo chứng mà vẫn phát hành Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) để thu tiền trong dân chúng. Nhiều NHTM hiện nay trầm mình trong khối tỷ lệ nợ xấu đến mức 10,58% (https://vanhoimoi.org/?p=14312). Các NHTM rơi vào tình huống không “lành mạnh” về nghiệp vụ tài chánh giống như SCB, sẽ có thể sa chân vào khủng hoảng bất cứ lúc nào.

Việt Nam hiện có 49 ngân hàng, bao gồm: 31 ngân hàng Thương Mại Cổ Phần, 4 ngân hàng 100% vốn nhà nước, 2 ngân hàng chính sách, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 1 ngân hàng hợp tác xã. Trong tổng số NHTM hoạt động tại Việt Nam, có đến 69% không được cấp “room” tín dụng hôm mùng 08 tháng 9 năm 2022. Lý do vì 34 NHTM còn lại tại Việt Nam bị NHNN coi là “kém khả năng quản trị, thiếu an toàn vốn và không góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng”. (https://vanhoimoi.org/?p=14994)

Ngân hàng SCB có tới 238 chi nhánh tại 28 tỉnh thành thuộc các vùng kinh tế trọng điểm trên toàn quốc, cùng với đội ngũ nhân sự 6.700 người. Tính đến ngày 31/3/2022, Ngân hàng SCB hiện có vốn điều lệ hơn 20.200 tỷ đồng, với tổng tài sản hơn 761.000 tỷ đồng.

Nguồn cơn xảy ra biến cố ngân hàng SCB là do ngày mùng 7 tháng 10 phía Công An bắt giữ nữ đại gia Chủ Tịch Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan. Bản tin được Báo cand.com.vn loan một đoạn nguyên văn “Đáng nói, Vạn Thịnh Phát và nữ đại gia Trương Mỹ Lan đã được nhắc đến nhiều và được cho là nhóm cổ đông chính của ngân hàng SBC.” [1]

Lời xác nhận của Báo cand.com.vn đã dẫn đến tinh hình nóng bỏng trên Google Trends – công cụ khảo sát các tần suất xuất hiện của các từ khóa liên tục tìm kiếm trên màn hình điện toán; cho thấy dân chúng không ngớt hoang mang hoảng loạn: tính tới chiều ngày 7/10, giờ Việt Nam, liên quan từ khóa “SCB” với hơn 1 triệu lượt, “SCB phá sản” hơn 200.000 lượt, “Chứng khoán Tân Việt” hơn 20.000 lượt. Từ đây tình trạng người dân dồn dập kéo đến các chi nhánh ngân hàng SCB rút tiền vào sáng sớm ngày hôm sau, mùng 08 tháng 10.

NHNN nhìn nhận, cuộc hoảng loạn khởi đầu từ hàng loạt thông tin tiêu cực về ngân hàng SCB đã xuất hiện trên mạng xã hội từ sáng sớm hôm 07 tháng 10.  Đến thứ Bảy 8/10/2022 dân Sài Gòn xôn xao bàn tán, khi trên mạng tràn ngập tin bà Trương Mỹ Lan bị bắt hôm 07/10 đã như nguồn thác đẩy lũ lượt dân chúng liên tục tuốn đến các chi nhánh ngân hàng SCB đòi rút tiền trước thời hạn. Phía ngoài các chi nhánh SCB tràn ngập người đến nỗi đám đông phải tự lập danh sách kẻ trước người sau để tránh chen lấn gây ra cảnh đáng tiếc!

Trước đó đêm mùng 06 tháng 10, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) công bố hung tin: Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Thành  50 tuổi, cũng là thành viên hội đồng quản trị độc lập tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đột ngột qua đời. Công Ty Tân Việt vội bổ nhiệm thành viên HĐQT Nguyễn Việt Cường đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, thay thế ông Thành kể từ ngày 7/10.

Theo baoxaydung.com.vn từ tối 7/10, dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng 24/7 trên ứng dụng SCB đã bị khoá, khiến khách hàng lo ngại sẽ có rủi ro cho các khoản tiền của họ gửi tại SCB. Cho đến sáng ngày 8 tháng 10, tin tức xác nhận bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt tối hôm trước 7/10 do hành vi “lừa đảo” trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian 2018 – 2019, đã gây xôn xao hơn trong dân chúng.

Liên quan đến nội vụ, 3 người sau đây đã bị bắt cùng tội danh:

+ Trương Huệ Vân (cháu của bà Trương Mỹ Lan, vợ ca sĩ Thanh Bùi) – tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor;

+ Nguyễn Phương Hồng (1984) – trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng SCB.

 + Hồ Bửu Phương – nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Cả 4 người cùng bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. (BBC11/10). Các tin này được công bố càng khiến khách hàng không yên tâm về tài sản của mình được gửi ở SCB.

Tối ngày 10/10, nhiều báo Nhà Nước như Pháp luật Saigon, Vietnamnet, Vietstock, Viez. . . bất ngờ loan tin về cái chết bí ẩn của bà Nguyễn Phương Hồng. Từ khoá “Nguyễn Phương Hồng” trở nên “nóng” bất thường, xếp vị trí thứ nhất trên ứng dụng Google trong suốt nhiều giờ. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, tin tức này cũng như thông tin về bà Phương Hồng trên trang web của Ngân hàng SCB cũng đột nhiên bị gỡ khỏi các trang báo và trên Facebook, càng khiến dư luận hoang mang.

Trả lời BBC News Tiếng Việt, luật sư Phùng Thanh Sơn phân tích, theo luật định, nếu một vụ án có nhiều nghi can nhưng chỉ có một hoặc một vài nghi can bị chết trong quá trình điều tra thì cơ quan điều tra vẫn phải khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với các nghi can còn sống.

Đối với nghi can đã chết thì sẽ đình chỉ điều tra. [2] Vậy là “hết chuyện” ?

Mấu chốt cuộc khủng hoảng được chính báo Báo cand.com.vn nhìn nhận cộng với các biến chuyển dồn dập xẩy ra công khai như trên đưa đến việc (4) Facebookers tại tổng hợp lại để thông tin cho bà con ở Việt Nam biết sự việc mà hành động kịp thời để bảo vệ tài sản của mình, thì lại bị Công an Việt Nam bắt và tra vấn vì tội “đăng thông tin sai sự thật trên các trang mạng xả hội”.

Liên quan đến vụ việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công An có quyết định khởi tố bị can đối với bà Trương Mỹ Lan vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) trưa 8/10 cho biết: Ngân hàng này đã rà soát và khẳng định Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của ngân hàng SCB!

Về phía dân chúng lại được biết giống như tường thuật của trithucvn.org: hôm  mùng 8 tháng 10, Chứng Khoán TVSI và SCB có nhiều mối quan hệ hợp tác. Đầu tháng 3 vừa qua, SCB đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Tân Việt (TVFM) cam kết ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch vụ của nhau (SCB xem TVFM là đối tác ưu tiên trong các giao dịch huy động vốn, thu xếp tài chính trong và ngoài nước, giao dịch đầu tư, hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư và quản lý tài sản cho SCB và khách hàng của SCB). TVSI đang bảo lãnh phát hành và tư vấn trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có SCB.

Sáng ngày 08 tháng 10, trước khi cuộc họp báo diễn ra tại Saigon, NHNN đăng thông cáo báo chí khuyên người dân “không nên rút tiền trước hạn” tại các chi nhánh của ngân hàng SCB. Sau đó, âu lo về hiện tượng “Domino” lan sang các ngân hàng khác, nên NHNN liên tục phát ra lời trấn an người dân đừng rút tiền tiết kiệm tại ngân hàng trước thời hạn để tránh thiệt hại.

Cùng ngày mùng 08 tháng 10, qua báo chí Phó Thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú cam kết rằng, NHNN tiếp tục “đảm bảo an toàn” đối với các khoản tiền người dân gửi tiền tại ngân hàng SCB.

Ngay sau khi NHNN đưa ra lời cam kết nói trên, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Đoàn luật sư Hà Nội (https://tgslaw.vn/) cho biết, khi khách hàng có mua bảo hiểm tiền gửi, nếu ngân hàng phá sản, người gửi tiền sẽ được chi trả một khoản tiền trong mức quy định. Trước đây, hạn mức tối đa là 75 triệu đồng. Tuy nhiên, tại Quyết định 32/2021/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 12/12/2021 thì số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng là 125 triệu đồng.

Trường hợp khách hàng, gửi vào ngân hàng 500 triệu nhưng nếu ngân hàng phá sản, thì chỉ được đền bù tối đa 125 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo quy định của luật phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng khi phá sản sẽ được ưu tiên chi trả lần lượt theo ưu tiên như sau: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi của người lao động. Sau đó mới đến các khoản tiền gửi. [3]

Sự việc có thể rất tồi tệ cho nền Tài Chánh Việt Nam trong trường hợp ngân hàng hay Doanh Nghiệp phát hành trái phiếu không thể hoàn lại vốn và lời cho trái chủ. Vì theo VNDirect, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV năm 2022 đạt mức 58.840 tỷ đồng, Trong đó, tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản là 34,1%, và 5 NHTM lớn chiếm 32,9%. Đến năm 2023 và 2024 số tiến sẽ đáo hạn từ TPDN lên đến 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa trị giá khối lượng TPDN đang lưu hành.

Tương quan lớn về tình trạng yếu kém của NHTM với các động thái nới lỏng hay thắt chặt dòng tiền rất bất thường đã làm cho nhà đầu tư trong nước và khối đầu tư ngoại quốc hết sức do dự, khiến Thị Trường Chứng Khoán VN rơi từ mức 1501 điểm vào tháng 11 năm ngoái xuống qua đáy 1200 điểm và đang ở 1.061 điểm, ngày 15 tháng 10 năm 2022.

Nếu mối liên hệ giữa an toàn vốn, cung cách quản trị và tính lành mạnh của đa số NHTM với các cơ chế phát hành TPDN mà lộ ra “không đủ khả năng trả tiền cho trái chủ” vào lúc TPDN đáo hạn thì “vết nứt” từ Ngân hàng SCB chắc chắn sẽ “ngấm” vào hệ thống ngân hàng Việt Nam đưa đến cuộc khủng hoảng tài chánh không tránh khỏi.  

Trần nguyên Thao
(16 Oct)

Tham khảo:

[1] https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/vi-sao-tap-doan-van-thinh-phat-bi-thanh-tra-neu-ten-trong-cac-du-an-chuyen-doi-nha-dat–i670106/

[2] https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c72j6n4vjjxo

[3] https://hieuluat.vn/hoi-dap-phap-luat/ngan-hang-pha-san-duoc-den-bu-bao-nhieu-559-43567-article.html

Bài liên quan:
  • Nhóm tin tặc Salt Typhoon của Trung Quốc gây hoang mang cho Washington
    James Palmer
  • Những ảo tưởng và lừa dối trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden
    Bret Stephens
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 11/1/2025.Thủ tướng Trudeau từ chức: Khủng hoảng chính trị? Suy thoái kinh tế? Hồ sơ nhập cư?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trudeau là kẻ thù tệ nhất của chính mình
    Stephen Marche
  • Năm dự đoán về Trung Quốc năm 2025
    James Palmer