__________________________________

Ba cuộc họp kín giữa Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) với hàng chục Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) đã diển ra trong 3 ngày đầu tháng 11 đẩy cả hai bên vào thái độ “nín như thóc ngâm” được phần lớn báo Nhà Nước “im lặng đồng cảm theo thượng lệnh”. . . Mãi đến hôm mùng 7 tháng 11, NHNN mới khoe là thanh khoản trong khối NHTM vẫn tốt, có dư thừa. Nhưng lại “lỡ miệng” nhìn nhận thị trường tài chánh “có điểm nghẽn thanh khoản”.

Tuy báo Nhà Nước không loan tin gì vào dịp trên, nhưng nội dung 3 lần họp kín được đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm mùng 04 tháng 11 dẫn thuật tiết lộ từ nguồn tin được mô tả là “chưa bao giờ vẩn đục” của Reuters nói là, cả ba cuộc họp kín chỉ để giải quyết “khó khăn” về thanh khoản trong khối NHTM do hậu quả lãi suất và Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) gây ra.[1]  

“Bật mí” về tình huống ám ảnh kinh hoàng của thanh khoản, hôm mùng 2 tháng 11, bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng Giám Đốc VPBank tiết lộ, theo số liệu của NHNN cho thấy, 9 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng gần 11% trong khi huy động vốn chỉ tăng 4,04%. Huy động vốn tăng thấp hơn cùng kỳ và chênh lệch lớn với tín dụng đưa đến áp lực thanh khoản lớn trong hệ thống NHTM.

Dù khối NHTM đang thi nhau tăng cao lãi suất gởi tiết kiệm lên đến 11% mỗi năm, nhưng số tiền của dân chúng gởi vào hệ thống NHTM lại giảm. Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng tiền gửi khách hàng vào các tổ chức tín dụng trong 9 tháng năm 2022 đang thấp hơn con số 6 tháng đầu năm là 4,77%.

Thực tế này diễn tả rằng, dân chúng đang mất lòng tin hay nhẹ nhất cũng là những người có tiền đang muốn đổi tiền đồng ra Mỹ kim để cất giữ an toàn hơn gởi tiền Việt vào NHTM.

Do nghị định 153/2020/NĐ-CP hiệu lực từ đầu năm 2021, buộc doanh nghiệp phải mua lại TPDN trước hạn như là cách “hoãn trả nợ” vì vi phạm pháp luật do phát hành TPDN “riêng lẻ”. Vì vậy nhiều doanh nghiệp lớn phải vội vã mua lại TPDN trước đáo hạn; đưa đến tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư trái phiếu, tạo áp lực thanh khoản lên thị trường liên ngân hàng. . . Từ sau vụ đại Tập Đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát bị đổ bể vì lừa đảo, chiếm đoạt tài sản . . . đám cầm đầu bị bắt khiến nhiều Doanh Nghiệp phải mua lại TPDN trước kỳ đáo hạn ngày càng trở nên rầm rộ. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị TPDN đã được các doanh nghiệp mua lại lên đến hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo chí trong hệ thống Nhà Nước dù chưa dám nhìn nhận “thanh khoản trong hệ thống NHTM đang gặp khó khăn”, nhưng vẫn giải nghĩa xa gần là, thanh khoản tại khối NHTM lúc nào cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng, vì nếu không có giải pháp thì nguy cơ nợ xấu sẽ xuất hiện làm suy sụp hệ thống NHTM Việt Nam.

Lý do được công luận âu lo, vì tổng giá trị Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) sẽ lần lượt đáo hạn trong quý các tháng cuối năm 2022 đạt mức 58.840 tỷ đồng, Trong đó, tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản là 27%, và nhóm NHTM chiếm tới 53%. [2] Đến năm 2023 và 2024 TPDN sẽ đáo hạn trị giá tới 790.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa giá trị khối lượng TPDN đang lưu hành. Các đợt TPDN đáo hạn cần được công ty phát hành thanh toán cả vốn lẫn lãi cho trái chủ. Nếu NHTM hay công ty phát hành trái phiếu thiếu thanh khoản sẽ là nỗi ám ảnh đưa đến xáo trộn gây nhiễu loạn trong xã hội.

Suốt 7 ngày “rút vào tĩnh lặng”, hôm mùng 07 tháng 11, Thống Đốc NHNN, Nguyễn thị Hồng tiếp xúc với báo chí nói là “thanh khoản của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn tốt và có dư thừa”. Lời tuyên bố của bà Hồng đưa ra đúng dịp NHNN bơm vào thị trường 74 ngàn tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở Open Market Operations (OMO) với lãi suất qua đêm tăng 1,80 điểm bách phân, so với tuần trước. [3]

Trước đó, chỉ hai ngày mùng 1 và 2 tháng 11, NHNN đã cung ứng thêm cho NHTM vay tới 49.631 tỷ đồng. Tổng lượng cung ứng thanh khoản của NHNN cộng chung tháng 10/2022 với đầu tháng 11 là 291.163 tỷ đồng. Lãi suất vay mượn bình quân tại kỳ hạn 1 tháng đã lên tới 11,25% mỗi năm cho phiên 1/11 và 10,88% mỗi năm vào phiên 2/11. Mức lãi suất vay nóng giữa các ngân hàng được coi là cao nhất trong 10 năm qua.

Trên thực tế, trong cuộc họp với các NHTM gần đây, NHNN nhìn nhận có điểm nghẽn thanh khoản của thị trường, và yêu cầu các NHTM nên tăng cường hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống và của từng ngân hàng. Cũng trong cuộc tiếp xuc với báo chí, bà Hồng cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng biến động trong tháng 10 mới đây đến từ yếu tố tâm lý. Mỗi khi thị trường ngoại hối biến động, NHNN đã bán ra số lượng lớn Mỹ kim để làm nguội thị trường, nhưng sau đó đã mua trở lại nhằm tăng mức an toàn ngoại hối trong kho bạc nhà nước.

Trong dịp này NHNN không xác nhận an toàn ngoại hối của Việt Nam là bao nhiêu, nhưng theo số liệu từ cuối tháng 9 vừa qua của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thì Qũy An Toàn Ngoại Hối (QATNH) của Việt Nam chỉ còn khoảng 85 tỷ Mỹ kim, bao gồm: tiền giấy, tiền gửi, tiền mua trái phiếu nơi Chính Phủ Mỹ, tín phiếu kho bạc, vàng . . .  [4] tổng cộng lại chỉ tương đương 11 tuần nhập cảng, trong khi dự phòng an toàn cho nhu cầu nhập cảng đòi hỏi từ 12 đến 14 tuần lễ. (https://vanhoimoi.org/?p=15341).

Tháng 10 năm 2021, Ba-Đình khoe Việt Nam đang là chủ “nợ lớn” thứ 32 của Hoa kỳ, theo đó Ba-Đình đã mua của Chính Phũ Mỹ 39 tỷ Mỹ kim trái phiếu để lấy tiền lãi. Nếu kể số Mỹ kim thuộc Trái Phiếu của Mỹ trong thành phần Quỹ an toàn ngoại hối, thì đồng bạc Xanh trong tay Việt Nam còn rất ít. Có thể vì vậy mà Ba Đình “lờ đi” không huênh hoang gì trong dịp này. [5]

Cùng dịp, báo Nhà Nước dẫn lời Thống Đốc NHNN loan báo rằng, chính phủ sẽ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng cường sản xuất để hỗ trợ xuất khẩu, thu hút các dòng vốn… giúp cải thiện cung cầu của thị trường ngoại tệ cũng như giảm bớt áp lực tỷ giá. Qua đó sẽ giúp giảm bớt áp lực tiền tệ và tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Tổng số vốn cần được giải ngân cho các dự án đầu tư công năm 2022 là 542 ngàn tỷ đồng, nhưng đến 31 tháng 7 năm 2022 cả nước mới giải ngân được 177,8 ngàn tỷ đồng, đạt 29,74%.

Chính phủ Việt Nam mới trả nợ trong và ngoài nước khoảng hơn 240 ngàn tỷ đồng, bằng 71,8% kế hoạch. Số tiền lớn này có ảnh hưởng gì đến các dự àn đầu tư công hay không, chưa có nguồn tin nào xác nhận.

Về sản xuất sẽ bị sút giảm, vì lạm phát ở các nước Âu, Mỹ đang gia tăng khiến sức mua của người dân tại các thị trường Việt Nam vẫn bán được nhiều hàng, nay không còn như trước. . .

Ngày mùng 8 Tháng 11, báo Dân Trí loan tin, ít nhất có 51 xí nghiệp sản xuất để xuất cảng ở các khu công nghiệp tại Sài Gòn “thiếu đơn đặt hàng”. Hậu quả, khoảng 6,000 công nhân phần lớn làm tại các hãng sản xuất “thương hiệu có tiếng về da giày, quần áo trên thế giới” bị ảnh hưởng. Theo Tạp Chí Tài Chánh, trong 10 tháng của năm 2022, bình quân một tháng có gần 10 ngàn doanh nghiệp phá sản hay tự ý rút lui khỏi thị trường. Đây là một phần lý do khiến Bộ Công thương đã chính thức loan báo xuất khẩu quý 4/2022 sẽ tăng trưởng âm 3,5%.

Việt Nam hiện lâm vào tình trạng xăng dầu khan hiếm, các cây xăng đóng của hàng loạt phát sinh ra phong trào bán xăng lẻ ở lề đường, mà trong nước gọi nôm na là “cây xăng cục gạch” thấp thoáng mọi nơi, biểu tượng của thời bao cấp, ngăn song cách chợ, mà người bán xăng phải nhanh mắt để tránh bị an ninh rượt đuổi.

Điểm qua tình hình doanh nghiệp và sản xuất như thượng dẫn thì lấy đâu ra giải pháp tăng cường sản xuất để hỗ trợ xuất khẩu, thu hút dòng vốn, giảm áp lực tỷ giá như bà Thống Đốc NHNN Nguyễn thị Hồng ước vọng!

Trần nguyên Thao
Nov 08, 2022

Tham khảo:

[1] https://www.voatiengviet.com/a/6820052.html

[2] https://vnfinance.vn/doanh-nghiep-o-at-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-dieu-gi-dang-xay-ra-47876.html

[3] [3] https://vietnambiz.vn/nhnn-bom-rong-74000-ty-dong-thong-qua-hoat-dong-omo-trong-tuan-truoc-20221171590875.htm

[4] https://cryptoviet.com/du-tru-ngoai-hoi-la-gi#du-tru-ngoai-hoi-cua-viet-nam

[5] https://sputniknews.vn/20211007/dang-sau-viec-viet-nam-la-chu-no-lon-thu-32-cua-my-12009129.html

Bài liên quan:
  • Quan hệ Tập–Putin gặp nguy hiểm khi người Trung Quốc tràn vào Nga
    Katsuji Nakazawa
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 24/3/2024. Bầu cử ở Nga: Putin nắm trọn quyền lực, tiêu diệt đối lập, đẩy nước Nga vào kiệt quệ, nhận chìm thế giới trong khủng hoảng, mở rộng đế chế Nga.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 23/3/2024. Đỉnh điểm đấu đá quyền lực: VN thay ngựa giữa dòng, bất chấp thể diện quốc gia!
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Nguyễn Phú Trọng đốt ‘Đoàn Phái’
    Ngô Nhân Dụng (VOA Tiếng Việt)
  • HỘI LUẬN ngày 23/3/2024. VN Đổi ngựa giữa dòng: CT Võ Văn Thưởng ngã ngựa. Tranh quyền hay Đốt lò? Putin thừa thắng xông lên, tiếp tục mở rộng đế chế Nga? Ấn Độ nhập cuộc chống TC!
    BS Nguyễn Trọng Việt