Cuối tháng 11, Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ đức Phước báo động “Bất Động Sản (BĐS) – khu vực chiếm tới 22% GDP của Việt Nam, trước nguy cơ vỡ bong bóng”. Lý do chính là “cạn” tín dụng, đẩy Thị Trường Tài Chánh Viêt Nam lâm vào cảnh chao đảo liên tục. Tình trạng thê thảm này chỉ được người giữ hầu bao Nhà Nước đưa ra trước công chúng sau vài tuần Thủ tướng Phạm minh Chính thừa nhận trước kỳ họp thứ 4 của Quốc Hội, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam có “nhiều rủi ro”. (https://vanhoimoi.org/?p=15539)
Trong phiên họp Nội Các đầu tháng 12, Thủ Tướng Chính lại “hạ quyết tâm” lập nhiều tổ công tác để chấn chỉnh (6) lãnh vực rất yếu kém đang làm suy sụp lòng tin dân chúng Việt nam, gồm thị trường chứng khoán (TTCK), Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN), BĐS, Tiền tệ & thanh khoản ngân hàng, Vật tư y tế, và nhiên liệu. Mỗi tổ công tác giao cho một viên chức cao cấp trong Nội Các trách nhiệm.
Thị Trường Tiền Tệ và Tín Dụng Việt Nam đang diễn biến rất phúc tạp; lãi suất thi đua tăng cao, trong lúc TTCK vừa trầm mình vào thời kỳ sụt giảm mạnh, cố phiếu mất giá tới 70%, khiến VN-Index mất 600 điểm, tương đương giảm 38% so với đầu năm 2022.
Cuối tháng 11 lãi suất gởi tiết kiệm tại một vài NHTM đã tăng trên 11% mỗi năm. Như vậy có thể thấy nguồn tín dụng bị thắt chặt. Vì phía Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) mang khối nợ xấu đến nỗi có nhiều đề nghị nên hình thành chính sách giao cho phía Công An quyền tịch thu tài sản thế chấp để trừ nợ.
Thời gian gần đây “TPDN” trở thành từ khoá nóng thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận với hàm ý rất tiêu cực, làm sói mòn niềm tin nơi nhà đầu tư đối với TPDN và cổ phiếu. Sự thể này khiến công chúng mất hẳn niềm cậy trông vào “máng” dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng qua các NHTM cho khối doanh nghiệp và nền kinh tế. Như thế, nguồn tín dụng sẽ thành khan hiếm và lãi suất chắc chắn sẽ tăng cao.
Còn đối với thị trường BĐS, sau thời gian tăng trưởng nóng thì hiện đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng do thiếu vốn.
Trước Hội Đồng Thành phố Hà-nội hôm mùng 7 tháng 12, ông Đinh Tiến Dũng, Bí Thư nhìn nhận, tình hình thị trường BĐS, tài chính, tiền tệ, chứng khoán, TPDN trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn lực cho nhu cầu phát triển của Thủ đô.
Những nét chính bi quan trong nền Tài Chánh Việt Nam được chính Bộ Trưởng Tái Chánh Hồ đức Phước phác họa như trên vào cuối tháng 11 năm 2022 trước các viên chức thẩm quyền, 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành TPDN. Đây là sự nhìn nhận rất hiếm từ chính người nắm giữ “hầu bao” của chế độ. [1]
Trong năm 2022, có nhiều vụ bắt bớ truy tố những nhóm người liên hệ đến công ty Tân Hoàng Minh, FLC, hay công ty An Đông và ngân hàng SCB về các mưu mô lừa đảo liên quan đến TPDN hay cổ phiếu. Do đó, dân chúng mang tâm lý hoang mang, mặc cho khối NHTM thi đua tăng lãi suất tiết kiệm, nhưng nhà đầu tư vẫn đua nhau đi rút tiền, khiến NHTM thiếu thanh khoản, doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn. Hậu quả các sự việc vừa nói đẩy thị trường Tài Chánh vào cảnh chao đảo liên tục.
Lãi suất gởi tiết kiệm liên tục tăng gây áp lực trên lãi suất cho vay. Hiên nay nhiều NHTM đã nâng lãi suất cho vay lên trên 12%, thậm chí, có nơi lên tới 16% mỗi năm. Nếu muốn cho hồ sơ tín dụng mau được thông qua, Doanh Nghiệp phải bỏ ra một khoản tiền mua bảo hiểm cho khoản tín dụng định vay theo mồi chài của nhân viên ngân hàng. Chi phí này làm cho phân lời tín dụng tăng cao hơn, gây khó khăn cho nhà sản xuất và làm cho giá thành sản phẩm đắt hơn, khó cạnh tranh đối với những sản phẩm xuất cảng.
Chỉ số Manufacturing Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) – Nhà Quản trị Mua hàng thuộc ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global theo dõi đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 11, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng. Kết quả PMI tháng 11 ở mức 47,4 điểm so với mức 50,6 điểm hồi tháng 10 cho thấy các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam đang suy giảm mạnh. [2]
Mặc cho tỷ giá Mỹ kim so với bạc Việt Nam đang chậm lại, nhưng thời gian dài tiền Việt Nam mất giá trước đó so với Mỹ kim là yếu tố chính dẫn đến tăng giá cả đầu vào. Trong khi chi phí đầu vào tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 11, áp lực lạm phát theo số liệu trên giấy tờ của Tổng Cục Thống Kê vẫn ở mức nhẹ nhàng. Nếu lạm phát quanh mức 4% là thật thì cũng giúp các nhà sản xuất có thể giảm giá để kích thích nhu cầu. Tuy nhiên, giá bán hàng đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020 lại cho thấy dân chúng bị mất việc hay giảm thu nhập, nên chi tiêu dè dặt hơn trước.
Niềm tin kinh doanh giảm mạnh do số lượng đơn đặt hàng mới giảm và những lo ngại về nhu cầu trên thị trường quốc tế. Tâm lý kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng. Ngành sản xuất đang bước vào “khuc quanh” gay go nhất của năm 2022.
Phiên đầu tuần tháng 12, TTCK Việt Nam có chuỗi phiên tăng điểm tích cực từ vùng đáy ngắn hạn. Đến ngày 6 tháng 12 TTCK lại trải qua một phiên lao dốc nhanh chóng mặt khi VN-Index giảm gần 45 điểm (-4,11%), mạnh nhất trong gần 6 tháng kể từ ngày 13/6. Sắc đỏ ngập tràn màn hình điện tử, nhiều nhóm, ngành cổ phiếu đều quay đầu giảm điểm. Thanh khoản thị trường giảm khá mạnh khi giá trị giao dịch trên HOSE chỉ đạt12.948 tỷ đồng trong phiên giao dịch mùng 09 tháng 12.
Do những dao động bất thường, giới chuyên ngành khuyên nhà đầu tư không nên quá hưng phấn giải ngân trong các phiên tăng để tránh rủi ro bị vướng vào các vùng điều chỉnh.
Hôm mùng 04 tháng 12, nhân dịp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại Tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng Chính yêu cầu NHNN nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả. Hôm sau (5/12) NHNN thông báo tăng mức tín dụng cho toàn hệ thống NHTM thêm 1,5-2%, ước tính quy mô tín dụng cho nền kinh tế có thể tăng thêm 156.000-200.000 tỷ đồng. Tính theo mức tín dụng mới thì năm 2022, tỷ lệ tín dụng toàn nền kinh tế Việt Nam đang ở mức 15,5-16%, thay vì 14% như cũ. [3] Quyết đinh mới này có phần đi ngược với chính sách thắt chặt tiền tệ để ngăn ngừa lạm phát tăng cao.
Do vậy, VNDirect cho rằng mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, nhưng lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do: (i) mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và (ii) sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, nhiên liệu, vận tải công cộng. . .
Từ hoàn cảnh trên, VNDirect dự báo năm 2023, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ chậm lại, chỉ loanh quanh ở khoảng 11-12%, trong khi năm 2022 tính mức mới là 16%. Bởi vì BĐS vẫn tiếp tục rủi ro, yếu kém, TPDN vẫn còn trầm lắng và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lên nhu cầu dân chúng trong một số lãnh vực quan trong. Lâu nay Việt Nam vẫn trông cậy vào xuất cảng, trong đó trên 70% dựa vào Doanh Nghiệp có vố từ FDI – Trong hoàn cảnh này, xuất cảng không còn là cột trụ tăng trưởng chính của Việt Nam, vì sẽ mất khoảng 5%, chỉ còn chừng 9%, so với 14% trong năm 2022. Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
VNDirect cho rằng, trong tình trạng thiếu tiền, năm 2023, NHNN sẽ chỉ ưu tiên cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng có cơ cấu tín dụng vững vàng, tỷ lệ an toàn vốn cao, quản trị giỏi với tài sản lành mạnh. Tỷ lệ NHTM đủ tiêu chuẩn nhận tín dụng do NHNN cung cấp chỉ xấp xỉ 30%. Còn lại khoảng 34 NHTM sẽ lâm cảnh “chen lấn tín dụng” để sống còn, đưa Việt Nam vào tình trạng dễ khủng hoảng Tài Chánh.
Những cái chết đột ngột từ các vụ bắt bớ, truy tố liên quan đến lừa đảo TPDN, TTCK diễn ra gần đây, biểu hiện các cuộc thanh toán sân sau của các “ông trùm” trong nội bộ ở Ba Đình vẫn đang sôi sục, đưa Việt Nam ngày càng tương tự với bên Tầu, nơi mà Việt Nam đang kéo dài lệ thuộc nhiều mặt trên ¾ thế kỷ. Nay, cuộc biểu dương ôn hòa mang tên “Bạch Chỉ” – The A4 Revolution, đưa hàng hàng lớp lớp người Trung Hoa xuống đường tại 19 Tỉnh, Thành đòi dàn trải nỗi uất ức quá lâu qua các tờ giấy trắng – một biểu hiện trở thành khí cụ đắc lực cho cả sinh viên trong các khuôn viên đại học hăng hái tham gia xuống đường giương cao các tấm bảng mô tả một phương trình toán học Friedmann, từ đồng âm của “freedman” – TỰ DO.
Từ thập niên 1950, Ba-Đình tôn thờ quan niệm chính trị “Bên đây biên giới là nhà. Bên kia biên giới cũng là Quê Hương”[4] để “cấm chỉ” báo chí Nhà Nước không được loan một dòng tin nào vế cuộc cách mạng “Bạch Chỉ” vẫn tiếp diễn rầm rộ ở phương Bắc từ mùng 5 tháng 11. Chiều ngày mùng 7 tháng 12, Băc Kinh phải từ bỏ phần lớn chính sách “Zero CoVid”. Cuộc biểu tình “Bạch Chỉ” của Dân Tộc Trung Hoa đã thắng keo đầu.
Sự nhượng bộ bước đầu của Bắc Kinh cho Ba-Đình nhận ra rằng, Dân Tộc Việt từng bị Ba-Đình dùng công an trị trong Kinh Tế để nắn bóp dạ dầy người dân từ hàng chục năm nay, cũng sẽ có ngày Ba-Đình không ngăn được phương trình toán học Friedmann diễn ra ở Việt Nam.
Trần nguyên Thao
(09 Dec)
[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bo-tai-chinh-hop-ban-ve-thi-truong-chung-khoan-trai-phieu-doanh-nghiep-119221123172514084.htm
[2] https://markettimes.vn/pmi-viet-nam-thang-11-giam-con-47-4-diem-do-dieu-kien-kinh-te-the-gioi-xau-di-10135.html
[3] https://baomoi.com/nhnn-noi-room-tin-dung-1-5-2-cho-toan-he-thong/c/44466068.epi
[4] https://poem.tkaraoke.com/37082/ben_nay_ben_kia_deu_la_que_huong.html