Thực trạng liên quan chặt chẽ giữa những món nợ xấu đổi sang rất xấu của Khối Ngân Hàng Thương Mại (NHTM), Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) phát hành thiếu kiểm soát, đến Thị Trường Bất Động Sản (BĐS) ngày càng quay cuồng trong áp lực đảo nợ TPDN rồi đến vỡ nợ, khiến các viên chức cao cấp csVN đùn đẩy “rửa tay” làm rạn nứt hàng ngũ điều hành Kinh Tế. Trong tình huống nhậy cảm này, dù chỉ một mắt xích bị đứt cũng có khả năng kéo sập nền Tài Chánh Việt Nam, vì lòng tin của dân chúng đối với khả năng điều hành Kinh Tế Tài Chánh của Nhà Nước đang bị xói mòn nghiêm trọng.

Hậu quả của những lần “tội ác tung tóe” từ các vụ lừa đảo lớn tại các Tập Đoàn FLC (29/03/2022) đến Tân Hoàng Minh rồi Vạn Thịnh Phát. . . gần hơn là NHTM cổ phần Saigon Commercial Bank (SCB). Mới nhất, hôm 12 tháng 12 Chủ Tịch Tập Đoàn Trí Việt (TVC), Phạm Thanh Tùng bị truy tố về tội thao túng thị trường chứng khoán. . . Tất cả các tin xấu này kết lại thành tảng mây đen vần vũ đẩy thị trường Tài Chánh & Tiền Tệ Việt Nam chao đảo, rúng động đến nay gần 9 tháng vẫn liên tục rung lắc, có khả năng lan sang năm 2023 với viễn ảnh u ám hơn nhiều.

Chỉ riêng vụ mất thanh khoản trái phiếu An Đông, công ty thành viên của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã ảnh hưởng đến 40.000 người dân trên khắp Việt Nam với tổng số tiền lên đến 25.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ Mỹ kim.

Các sự thực này đẩy dân chúng bước hẳn sang làn ranh “mất niềm tin vào Chính Phủ trong việc điều hành nền Tài Chánh quốc gia”. Tình trạng này bộc lộ rõ ràng csVN là chế độ chuyên quyền thiếu mô hình điều hành Kinh Tế tương ứng.

Ngược dòng thời gian: Ngày mùng 01 tháng 01 năm 2021, Nghị Định (NĐ) 153/2020 về TPDN ra đời. Sau 1 năm áp dụng, vẫn có những lỏng lẻo trong việc phát hành TPDN trên cả nước. Trong 365 ngày năm 2021, NĐ 153/2020 bị sửa đổi đến 4 lần vẫn để lộ ra những bất cập. Từ đây công luận cho rằng tầm nhìn của các giới chức chuyên ngành có vấn đề nghiêm trọng; nặng hơn là có sự dung túng để các tập đoàn “sân sau” phát hành TPDN bừa bãi thu tiền của dân nhằm bồi đắp cho phe nhóm. (?)

Bốn tháng sau, ngày 4/1/2022, tại Quốc hội, Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ Đức Phước nhìn nhận, NĐ 153/2020 có nhiều sơ hở, để nhiều NHTM bảo lãnh cho Doanh Nghiệp âm vốn chủ sở hữu phát hành TPDN, mà không có tài sản bảo đảm và vốn phát hành gấp nhiều lần vốn điều lệ.

Một tháng sau, (5/2022) khi thực tế tồi tệ hơn, “phiên bản 5” của NĐ 153 lại chào đời tiếp tục gây ồn ào trên thị trường với nhiều bất cập được nêu ra.  

Ngày 16/9/2022, Chính phủ chịu cảnh “muối mặt” ban hành NĐ 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 153/2020 theo hướng siết chặt điều kiện phát hành TPDN, trước sự kêu khóc thảm thương của các tập đoàn ngành BĐS dẫn đến tình trạng mà cả Thủ Tướng Pham minh Chính lẫn Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ đức Phước lần lượt nhìn nhận liên quan đến Tài Chánh:

Ngày 10 tháng 10 vừa qua, báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam dẫn lời cam kết của Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ Đức Phước rằng: “quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc vì người đảm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư là các nhà phát hành. Khi các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn xử lý về pháp luật thì chúng tôi đã làm việc với các nhà phát hành để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Các công ty phát hành đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư”. [1]

Hôm mùng 5 tháng 11, Thủ tướng Phạm minh Chính nhìn nhận trước kỳ họp thứ 4 của Quốc Hội, BĐS Việt Nam gần đây “tăng trưởng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Mười tám ngày sau (23/11) Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ đức Phước, nhìn nhận trước các cơ quan thẩm quyền, 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành TPDN: “BĐS Việt Nam hiện đứng trước nguy cơ vỡ bong bóng do thiếu vốn, cũng như niềm tin của thị trường suy giảm. . . .”(https://vanhoimoi.org/?p=15539)

Năm ngày sau (28/11), VOA dẫn tin từ Vietnam Finance và báo Thanh Niên, theo đó, Thủ tướng Phạm minh Chính nói tại Saigon hôm 27 tháng 11: “Tất cả trái phiếu hiện nay đang có vấn đề là do phát hành không được kiểm soát. Cơ quan phải chịu trách nhiệm việc này là Bộ Tài chính và NHNN”.  [2]

Đến đây thì công luận đã thấy rõ, người cầm đầu Nội Các đã “rửa tay” – một cách nói “tôi vô can” trước bàn dân thiên hạ.

Trên 10 tháng trước, trong mục này, qua bài “Trái Phiếu Doanh Nghiệp Việt Nam “Bom Nổ Chậm”, Vận Hội Mới đã báo động: trong 383 nhà phát hành TPDN, có đến 296 công ty kinh doanh lỗ hoăc không có tài sản bảo đảm. Khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành. Đây chính là chỉ dấu về “sức khỏe” thị trường TPDN như quả “bom nổ chậm” vào thời điểm trái phiếu đáo hạn cận kề. Như thế “lỗ hổng” thị trường nếu không vá lấp kịp thời, những vụ vỡ nợ trái phiếu không thể tránh khỏi.

Khối ngân hàng thương mại (NHTM) và bất động sản (BĐS) mỗi bên chia đều nhau trong 70% lượng phát hành TPDN, tương đương 462 ngàn tỷ đồng. Còn lại rải rác trong 5 lãnh vực: Hàng hóa, Dịch Vụ & Tiêu Dùng 10%; Xây Dựng 8%; Tài Chính chứng khoán 6%; Năng Lượng 4%; Sản Xuất Công Nghiệp chỉ có 2%. (https://vanhoimoi.org/?p=13566)

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2021, TPDN tiếp tục tăng trưởng thần tốc lên tới 42% so với cùng kỳ, nâng khối lượng phát hành đạt kỷ lục 658.009 tỷ đồng, gấp hơn hai lần tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) tính đến ngày 17/1/2022 chỉ bán được 318.213 bằng 98%. Tỷ trọng phát hành TPDN ra công chúng chỉ có 4,58%, còn lại hơn 95%, tương đương 625.109 tỷ đồng là từ phát hành riêng lẻ, không được Nhà Nước cấp giấy phép. [3]

Từ các sự kiện trên, công luận nhận ra, trong 515 ngày (365 ngày năm 2021+150 ngày năm 2022) Chính Phủ đã tìm hiểu và sửa đổi NĐ 153/2020 đến 5 lần, cũng là thời điểm 95% TPDN, bằng 625.109 tỷ đồng bán ra cho công chúng theo lối phát hành riêng lẻ, không theo kỷ cương luật lệ nào. Thực tế này chỉ ra rằng, các cơ quan chuyên ngành biết mọi việc diễn ra ngoài luật lệ cho phép, nhưng vẫn thản nhiên để các nhà phát hành TPDN gom tiền của dân, gây ra cảnh hàng chục ngàn nạn nhân ngày nay.

Trong số hơn 25.000 khổ chủ của Vạn Thịnh Phát, báo Nhà Nước thuật rằng, ít có ai chủ động mua cổ phiếu hoặc có kiến thức về kinh doanh tài chính. Họ bị dẫn dụ do cách “mồi chài” tư vấn của nhân viên ngân hàng dẫn khách hàng vào hình thức “tiết kiệm linh hoạt”, “tiết kiệm ưu đãi dành cho khách hàng VIP của SCB. Về TPDN, khách hàng cũng chỉ hiểu lơ mơ là doanh nghiệp cùng tập đoàn với SCB. Từ đó, khách hàng gởi tiết kiệm ở ngân hàng SCB trở thành “Nhà Đầu Tư bất đắc dĩ”.

Số nạn nhân này trải dài khắp nơi từ Nam ra Bắc cùng bị lừa chung một bài như nhau. Như thế, SCB đã có chủ trương “lùa gà”, biến khách hàng của mình thành “oan gia trái chủ”. Do mất tiền oan ức, số người đông đảo này hiện diện trong các clip “tụ tập đông người” đòi tiền ở các trụ sở SCB. Có khi những nạn nhân này đã bị ghi hình để một ngày nào đó sẽ bị truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng”.

Sau các đùn đẩy và rửa tay từ người đứng đầu Chính Phủ đến người nắm “hầu bao” Nhà Nước càng đẩy BĐS Việt Nam, giá trị nhiều triệu tỷ đồng vào cảnh ế ẩm đóng băng sẽ khó còn phương cứu chữa.

Chứng khoán VCBS cho biết, trong quý 4/2022 có khoảng 85.000 tỷ đồng TPDN do các ngân hàng, và ngành BĐS phát hành phải đáo hạn, trong đó có khoảng 58.840 tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ sẽ đáo hạn trong quý 4 này. Theo ước tính của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), TPDN bất động sản đáo hạn năm 2023 là 130.000 tỷ đồng, trong đó có 110.330 tỷ đồng thuộc doanh nghiệp BĐS.

Gần đây các NHTM và Doanh Nghiệp sợ không đủ tiền thanh toán vốn và lời cho Trái Chủ, đã làm thủ tục mua lại TPDN trước khi đáo hạn hay gán nợ cho Trái Chủ bằng các BĐS hay các dự án chưa thành hình như là hình thức “cấn trừ nợ”. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, Trái Chủ phải tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của dự án BĐS mà doanh nghiệp muốn “đổi hàng”. Bởi nếu không, Trái Chủ có nguy cơ chuyển sang một tài sản rủi ro khác.

Dư luận đặt câu hỏi là có phải Chính Phủ truy tố vài tập đoàn thượng dẫn để dùng họ như “dê tế thần” nhằm phủi tay trước công luận, ngầm bảo cho dân chúng biết: ngu thì mất tiền ráng chịu, vào tù mà đòi tiền lại, đừng có ăn vạ Nhà Nước!

Những người nghỉ hưu, chị buôn thúng bán mẹt, anh nông dân. . . dành dụm chút tiền gửi tiết kiệm kiếm lãi bị ngân hàng “lừa” thành “nhà đầu tư” trái phiếu, trở thành “oan gia trái chủ” có nguy cơ mất cả vốn lẫn lời. Mới giai đoạn đầu đã có trên 25 ngàn nhà đầu tư “bất đắc dĩ” vật vã, âu lo trước nguy cơ sạch túi vào những ngày đón Tết Nguyên Đán gần kề.

Tình huống này đưa đám người cùng khốn nhìn về phía Ba-Đình, nơi tập họp những cán bộ cấp cao sống đời nhung lụa, họ từng vỗ ngực tuyên xưng là Chính Quyền của dân, do dân, vì dân lại phủi tay để mặc những kẻ “quyền lực ngầm” ngang nhiên móc túi hàng vạn nạn nhân vô tội ?

Trần nguyên Thao
Dec 14, 2022

[1] https://dangcongsan.vn/kinh-te/bo-tai-chinh-dang-tich-cuc-giam-sat-dam-bao-quyen-loi-cho-cac-nha-dau-tu-621592.html

[2] https://www.voatiengviet.com/a/6853033.html

[3] https://vneconomy.vn/khoi-luong-phat-hanh-lien-tuc-pha-dinh-vo-no-trai-phieu-khi-nao-xay-ra.htm

Bài liên quan:
  • Nhóm tin tặc Salt Typhoon của Trung Quốc gây hoang mang cho Washington
    James Palmer
  • Những ảo tưởng và lừa dối trong nhiệm kỳ tổng thống của Biden
    Bret Stephens
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 11/1/2025.Thủ tướng Trudeau từ chức: Khủng hoảng chính trị? Suy thoái kinh tế? Hồ sơ nhập cư?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Trudeau là kẻ thù tệ nhất của chính mình
    Stephen Marche
  • Năm dự đoán về Trung Quốc năm 2025
    James Palmer