- 40 ngàn người bị lừa vào “bẫy” Trái Phiếu Doanh Nghiệp (TPDN) mất 1 tỷ Mỹ kim.
- 95% TPDN bán ra cho dân chúng không tài sản bảo đảm.
- 25 ngàn nạn nhân TPDN, bị Chính Phủ “đùn đẩy, phủi tay”.
- Dự đoán Thị Trường Chứng khoán (TTCK) năm 2023 chạm đáy ở mức 873 điểm.
Trong tinh huống khủng hoảng niềm tin, thị trường Tài Chánh Việt Nam chao đảo liên tục suốt năm 2022 do Cổ Phiếu lao dốc và TPDN đang dần đến vỡ nợ, nhưng đảng csVN vẫn đưa ra tuyên bố, Kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao nhất từ 11 năm qua – trên 8%. Hành động “đánh úp” này buộc các đảng viên Cộng Sản làm thống kê, nếu muốn giữ ghế, phải nhìn nhận số liệu GDP do phía đảng áp đặt vào trước Đại Lễ Giáng Sinh.
Thị Trường Chứng khoán (TTCK) gồm hai phần (i) Cổ phiếu, và (ii) Trái Phiếu. Cả hai đều có những lỗ hổng rất nghiêm trọng. Trong 365 ngày năm 2021 đến hết tháng 5 năm 2022 là 515 ngày, các cơ quan chuyên ngành của Chính Phủ sửa chữa đến 5 lần các quy luật về TPDN, nhưng vẫn bị công luận chỉ ra đầy bất cập, khiến xẩy ra thực tế phũ phàng là 95% TPDN không được xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán của các tổ chức tài chính có uy tín và không có tài sản bảo dảm. Vậy mà Chính Phủ vẫn làm ngơ suốt một năm rưỡi để Doanh Nghiệp hiên ngang in ra những tấm giấy, gọi là TPDN để bán cho dân lấy tiền.
Đưa đến việc từ cuối tháng 3 cho tới gần hết năm 2022, có bốn vụ bị cơ quan an ninh bắt và truy tố: Đỗ Anh Dũng và Trương Mỹ Lan do lừa đảo TPDN; Trịnh Văn Quyết và Phạm Thanh Tùng lừa đảo trên thị trường cổ phiếu.
TPDN và Cổ Phiếu Việt Nam khủng hoảng cả năm, đẩy hàng vạn nạn nhân tán gia bại sản, do bị dẫn dụ thành “nhà đầu tư trái phiếu bất đắc dĩ”, bởi mưu mô từ các tay trùm lừa đảo:
- Chỉ riêng vụ mất thanh khoản trái phiếu An Đông, công ty thành viên của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã ảnh hưởng đến 40.000 người dân trên khắp Việt Nam với tổng số tiền lên đến 25.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ Mỹ kim.
- Trong số hơn 25.000 khổ chủ của Vạn Thịnh Phát, báo Nhà Nước thuật rằng, ít có ai chủ động mua cổ phiếu hoặc có kiến thức về kinh doanh tài chính. Họ bị dẫn dụ do cách “mồi chài” tư vấn của nhân viên ngân hàng dẫn khách hàng vào hình thức “tiết kiệm linh hoạt”, “tiết kiệm ưu đãi dành cho khách hàng VIP của Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Saigon (Sai Gon Joint Stock Commercial Bank – SCB). Về TPDN, khách hàng cũng chỉ hiểu lơ mơ là doanh nghiệp cùng tập đoàn với SCB. Từ đó, khách hàng gởi tiết kiệm ở ngân hàng SCB trở thành “Nhà Đầu Tư bất đắc dĩ”.
Số nạn nhân này trải dài khắp nơi từ Nam ra Bắc cùng bị lừa chung một bài như nhau. Như thế, SCB đã có chủ trương “lùa gà”, biến khách hàng của mình thành “oan gia trái chủ”. Do mất tiền oan ức, số người đông đảo này hiện diện trong các clip “tụ tập đông người” đòi tiền ở các trụ sở SCB vào dịp trước Đại Lễ Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán.
Ngày 10 tháng 10, báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam dẫn lời cam kết của Bộ Trưởng Tài Chánh Hồ Đức Phước rằng: “quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc vì người đảm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư là các nhà phát hành. Khi các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn xử lý về pháp luật thì chúng tôi đã làm việc với các nhà phát hành để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Các công ty phát hành đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ. Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư”.
Đến hôm 28 tháng 11, VOA dẫn tin từ Vietnam Finance và báo Thanh Niên, theo đó, Thủ tướng Phạm minh Chính nói tại Saigon hôm 27 tháng 11: “Tất cả trái phiếu hiện nay đang có vấn đề là do phát hành không được kiểm soát. Cơ quan phải chịu trách nhiệm việc này là Bộ Tài chính và Ngân Hàng Nhà Nước”. [1]
Do các cuộc tập trung đòi nợ đông người vẫn diễn ra cho thấy, Bộ Tài Chánh đã không “đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư” như đã hứa; còn người cầm đầu Nội Các thì đã “phủi tay”.
Tổng giá trị TPDN phát hành năm 2021 đạt 623.616 tỷ đồng, tăng 34,9% so với năm 2020; trong đó khối NHTM là ngành dẫn đầu về phát hành năm 2021, chiếm 42% tổng giá trị phát hành; còn ngành Bất Động Sản (BĐS) chiếm 34,8%, tăng 36,2% so với năm 2020.
Nhìn vào số liệu trên công chúng biết rằng số NHTM có hoạt động không lành mạnh về TPDN chiếm tỷ lệ khá lớn trong Khối NHTM Việt Nam. Còn ngành BĐS có giá trị hàng triệu tỷ đồng đang lâm vào đường cùng với nguy cơ “vỡ nợ” TPDN.
Thị trường TPDN tăng trưởng “nóng” cũng dẫn tới xuất hiện những loại trái phiếu “3 không”: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy năm 2021, có tới 94,5% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là trái phiếu riêng lẻ. Trong 826 đợt phát hành TPDN thuộc 11 tháng của năm thì có tới 803 đợt phát hành riêng lẻ.
TPDN “phát hành riêng lẻ” là loại trái phiếu được phát hành “thậm thụt”- không công bố qua phương tiện thông tin đại chúng và bán cho từng nhóm dưới 100 người đầu tư không chuyên nghiệp.
Báo cáo từ Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, trong năm 2021, các doanh nghiệp BĐS phát hành 318.200 tỷ đồng TPDN. Đáng chú ý, trong số các TPDN phát hành riêng lẻ, có tới một nửa trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Một nửa còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, có tính bấp bênh rất cao và khó định giá chính xác. Thậm chí, trong số hơn 100 doanh nghiệp BĐS phát hành TPDN riêng lẻ đầu năm nay, có tới 26 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. . .
Về TTCK, từ đầu năm, VN-Index đã có tổng cộng 38 phiên khi tăng, lúc giảm từ 2% trở lên. Hôm 23 tháng 12, VN-Index lui xuống mức 1.020 điểm, giảm gần 32% so với số đầu năm và lọt vào “top 4” sàn chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới. So với mức đỉnh 1.536,45 điểm thiết lập phiên mùng 10 tháng 01 năm 2022, VN-Index đã giảm hơn 33,6%. Với đà giảm giá cổ phiếu còn tiếp diễn thì giá trị giao dịch trung bình năm 2023 cũng được dự báo giảm 35%-45% so với năm 2022.
Trong trường hợp xấu nhất của năm 2023, sau khi không thể vượt được khỏi mốc 1.000 điểm, TTCK Việt Nam nhiều khả năng sẽ rơi về quanh mức đáy của tháng 11/2022 là 873 điểm. Đây là tình huống không nhà đầu tư nào dám nghĩ tới, nhưng vẫn có thể xẩy ra.
Chỉ số Manufacturing Purchasing Managers’ Index™ (PMI®) – Nhà Quản trị Mua hàng thuộc ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global theo dõi đã giảm xuống dưới ngưỡng trung bình 50 điểm trong tháng 11. Niềm tin kinh doanh giảm mạnh do số lượng đơn đặt hàng mới giảm và những lo ngại về nhu cầu trên thị trường quốc tế. Tâm lý kinh doanh giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng. Ngành sản xuất đang bước vào “khúc quanh” gay go nhất của năm 2022.
Nhìn nhận thực tế chồng chất khó khăn, hôm 23 tháng 12, trong dịp tiếp xúc với báo chí, hàng loạt Doanh Nghiệp lên tiếng cho biết “những tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn do sụt giảm về đơn hàng, áp lực về chi phí đầu vào tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất… Điều này đang ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền Kinh Tế trong nước”.
Mặc cho nền Kinh Tế Việt Nam trong tình huống sơ lược thượng dẫn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đảng csVN vẫn tuyên bố tại Diễn Đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 hôm 17 tháng 12, “Kinh tế Việt Nam năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện; các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định, GDP đạt kỷ lục cao nhất từ 11 năm qua – dự kiến đạt mức tăng trên 8%. [2]
Năm ngày sau (21/12), tại Điễn Đàn Kinh Doanh & Pháp Luật, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lại than rằng: Nền Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những thách thức “chưa từng có” về mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cũng như việc triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. [3]
Ông Trần tuấn Anh thuộc hệ thống đảng, Phó Thủ Tướng Phạm bình Minh thuộc hệ thống Chính Phủ, cả hai đều là cán bộ cao cấp của đảng, nhưng về Kinh Tế lại nói khác nhau khiến dân chúng mất niềm tin vào khả năng điều hành Kinh Tế, Tài Chánh của csVN.
Trần nguyên Thao
December 24th, 2022
[1] https://www.voatiengviet.com/a/6853033.html
[2] https://www.sggp.org.vn/truong-ban-kinh-te-trung-uong-tran-tuan-anh-han-che-toi-da-cac-rui-ro-va-bat-on-cho-nen-kinh-te-post662825.html
[3] https://cafef.vn/nen-kinh-te-viet-nam-dang-doi-mat-voi-nhung-thach-thuc-chua-tung-co-20221221085246156.chn