Hai Chính Phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đang bước vào một cuộc chạy đua không chính thức, nhằm tiết giảm ngân sách, tinh gọn bộ máy hành chánh. Trong lúc phía Việt Nam có Bộ chính Trị, gồm toàn hạt giống đỏ thuộc giới “elite”kiêu kỳ – nhưng mù mờ kinh tế; sẽ phải rối như mớ bong bong khi đối mặt với chính sách đòi cân bằng thương mại của Tổng Thống Donald Trump, vào đầu năm 2025.

Việt Nam hiện có số liệu thặng dư thương mại với Mỹ khá cao: Tính hết tháng 10 năm 2024, Việt Nam đã xuất cảng sang Mỹ đến 98,4 tỷ Mỹ kim, trong khi nhập cảng từ Mỹ chỉ có 12,3 tỷ Mỹ kim, thành ra xuất siêu sang Mỹ tới 86,1 tỷ Mỹ kim tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. [1]

Phân tích từ số liệu hiện có cho thấy, hàng hóa từ Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ chiếm 22,1% GDP của Việt Nam, trong đó tổng kim ngạch xuất cảng chiếm hơn 80% GDP, khiến Việt Nam rất dễ bị tổn thương do lệ thuộc khá lớn vào khối doanh nghiệp đầu tư ngoại quốc, Foreign Direct Investment (FDI).

Số liệu thăng dư thương mại với Hoa Kỳ năm 2023.

Do số liệu thặng dư thương mại với Mỹ hiện khá cao, Việt Nam khó mà thoát khỏi tầm ngắm của các biện pháp bảo hộ mà ông Trump có thể đề ra trong nhiệm kỳ thứ hai.

Trong trường hợp xấu nhất xẩy ra thì các ngành dệt may, điện tử, sản xuất đồ nội thất sẽ gánh tổn hại to lớn. Hậu quả là Đôla thu về qua xuất cảng giảm sút, xí nghiệp liên quan giảm sản xuất, công nhân giảm thu nhập, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP.

Việc Mỹ “tính sổ” với Việt Nam về thặng dư thương mại chưa xẩy ra, nhưng 10 tháng qua đã có hơn 92.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, trung bình mỗi tháng có khoảng 17.300 xí nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tình thế này sẽ gây hao mòn tính chính danh của csVN cần có để trấn áp cai trị dân chúng.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn khả năng tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng đầu tư và xu hướng chuyển dịch dây chuyển sản xuất của các doanh nghiệp ra khỏi Trung cộng. Bởi vì, trong suốt thời gian tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa nhập cảng từ Trung cộng – cao hơn nhiều so với mức 7,5-25% ở nhiệm kỳ đầu tiên.

Ngay từ năm 2019, khi còn ở nhiệm kỳ đầu, Tổng Thống Donald Trump đã tỏ thái độ không hài lòng vì thặng dư thương mại ngày càng tăng của Việt Nam đối với Mỹ: Việt Nam gần như là quốc gia nhỏ hơn nhiều so với Trung cộng – nhưng gần như là quốc gia lạm dụng thương mại tồi tệ nhất.

Trong dịp phát biểu ở Hội Nghị APEC hôm 14 tháng 11, Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường nhận xét rằng bảo hộ, chiến tranh thương mại dẫn đến suy thoái, nghèo đói. Mặc dù Tướng Lương Cường không nêu đích danh ông Trump trong khi phát biểu, nhưng hãng tin kinh tế-tài chính Bloomberg cho rằng đó là một trong những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về đường lối thương mại của ông Trump. [2]

Trước ngày tổng tuyển cử ở Mỹ (mùng 5 tháng 11), giới lãnh đạo Việt Nam từng tiết lộ qua Reuters về  ước vọng duy trì nguyên trạng trong “chính sách thương mại ổn định từ tổng thống Dân Chủ hơn là sự khó đoán của ông Trump”.

Tiết lộ một cách “hớ hênh” vừa kể đưa csVN vào hoàn cảnh “khó xử” khi ông Trump đắc cử với số phiếu cả phổ thông lẫn cử tri đoàn áp đảo so với đối thủ là bà Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ, đương kim Phó Tổng Thống. Thực tế này lại trùng hợp với lòng mong ước ông Trump thắng cử của 80% độc giả của nhiều tờ báo quốc doanh trong nước thăm dò ý kiến.

Hai ngày sau khi ông Trump thắng cử, hôm mùng 07 tháng 11, theo tin chính thức của Việt Nam: Tổng bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi điện chúc mừng ông Donald Trump đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ và khẳng định vị thế đối tác chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam. (https://vanhoimoi.org/?p=23059).

Tứ trụ: (từ trái) Chính, Cường, Lâm và Mẫn

Thế nhưng, giới lãnh đạo csVN cảm thấy như chưa “tâng bốc” đủ, nên hôm 11 tháng 11, báo quốc doanh lại thuật tin: Tổng Bí Tô Lâm, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam, đã điện đàm chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump. Truyền thông lề phải dẫn thuật rằng, Tổng Thống Trump: “tin tưởng quan hệ hữu nghị giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển” và “chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về nhân dân Việt Nam” cũng như “nhắc lại kỷ niệm với đất nước, con người Việt Nam qua 2 chuyến thăm trước đây”. Dịp này, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi việc thúc đẩy, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Hiện csVN muốn hai điều nơi Mỹ: (i) tái vận động để xin cho được quy chế kinh tế thị trường, (ii) tiếp tục theo đuổi hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Trong tình thế này, csVN không hy vọng nhiều cho cả hai điều vừa nói, it nhất là trong năm đầu nhiệm kỳ của TT Trump.

Giữa tháng 10, TBT Tô Lâm hô hào tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của đảng csVN. “Chống lãng phí” là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go và mang tính cấp bách. . . tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức . . .

Hôm 14 tháng 11, Tổng Thống đắc cử Donald Trum giao cho tỷ phú Elon Musk trách nhiệm cơ quan Hiệu Quả Chính Phủ, với mục đich nghiên cứu, đề nghị giải pháp “cắt gọn chi tiêu lãng phí, tinh gọn guồng máy Chính Phủ Liên Bang Hoa Kỳ. Trách nhiệm của ông Musk chính thức bắt đầu cuối tháng Giêng 2025.  

Musk và Ramaswamy sẽ phá huỷ tệ quan liêu hành chánh

Việt Nam và Mỹ đều có cùng một chủ trương tiết kiệm ngân sách tối đa nhằm đưa nguồn tài lực quốc gia vào phát triển kinh tế, nâng mức sống cao hơn nhằm đem thêm hạnh phúc cho dân chúng.

Trong cuộc chạy đua không chính thức này, Việt Nam có nhiều điểm lợi: (i) đảng csVN từ 80 năm nay độc chiếm ngôi vị “đỉnh cao trí tuệ loài người”; (ii) TBT Tô Lâm đề xướng chống lãng phí ngay từ giữa tháng 10, khỏang 100 ngày trước trước khi Nội Các của Tổng Thống Trump nhận trách nhiệm chính thức.

Dân chúng hai nước Việt Nam và Mỹ có dịp “chấm điểm” hai Chính Phủ nước nào sẽ đạt được mục đích.

Hiện nay, đảng Cộng Hòa Mỹ kiểm soát cả Hành Pháp, gồm Tổng Thống, Phó Tổng Thống và hai viện Quốc Hội. Nếu phía Mỹ không tiết kiệm thêm ngân sách thì dân chúng đều biết, đảng Cộng Hòa sẽ mất quyền điều hành đất nước trong kỳ bầu cử tối đa 4 năm nữa.

Còn tại Việt Nam, 80 năm qua đảng csVN vẫn độc tài thống trị, nhờ vào an ninh dầy đặc, nhà tù mở rộng và cây súng tối tân . . . Năm 1956, ông Hồ chí Minh từng khóc lóc công khai, xin sửa sai . .  Cho mãi đến hậu duệ vẫn thỉnh thoảng nhận sai mà không sửa. Đảng csVN phần lớn tham nhũng từ cấp Chủ Tịch Nước xuống đến cán bộ Xã, Ấp. Ngân sách dành đến 70% để nuôi cán bộ trong hai hệ thống Nhà Nước và đảng csVN song hành. . . Và còn công khai nhìn nhận chi tiêu hoang phí, trong 5 năm nhiệm khóa XII đã tiêu sai 250 ngàn tỷ đồng.  [3] (https://vanhoimoi.org/?p=22782)

Vì vậy, nếu TBT Tô Lâm không chống nổi lãng phí, thua ông Elon Musk trong cuộc đua, thì chỉ cần xây thêm nhà tù; đảng csVN cũng vẫn “trí tuệ”, chả mất mát gì!

Trần nguyên Thao
Nov 16, 2024

[1] https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2024/11/xuat-nhap-khau-hang-hoa-duy-tri-muc-tang-cao-diem-sang-khu-vuc-kinh-te-trong-nuoc/

[2] https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-viet-nam-chi-trich-trump-chien-tranh-thuong-mai-dan-den-ngheo-doi/7865985.html

[3] https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/moi-nam-tieu-sai-50000-ti-dong-thi-khong-no-nan-moi-la-855601.ldo

Bài liên quan:
  • Doanh nghiệp ở hai bờ Thái Bình Dương ứng phó trước tác động của thương chiến
    James Palmer
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 20/4/2025. Tháng Tư Đen: Những tuần lễ cuối của Miền Nam năm 1975! Đàm phán nguyên tử Mỹ-Iran đi về đâu?
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Sổ Tay Thường Dân: TUẪN TIẾT
    Tưởng Năng Tiến
  • SBTN NHẬN ĐỊNH THỜI CUỘC ngày 19/4/2025. Đối phó với ‘cú sốc’ thuế quan của Mỹ, Tập vội vã đi tìm đồng minh ở Đông Nam Á.
    BS Nguyễn Trọng Việt
  • Chiến lược ba lớp của Trung Quốc cho cuộc thương chiến kéo dài
    Lizzi C. Lee