TIN THẾ GIỚI.

Nghị trình “Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại” được định hình: Nội các của TT Trump.

Chỉ chưa đầy một tuần lễ sau ngày bầu cử, Tổng thống Trump đã loan báo thành phần nội các của ông.

Rubio Marco: Bộ trưởng Ngoại Giao.

  • Luật sư gốc Cuba
  • Cựu dân biểu tiểu bang Florida 5 nhiệm kỳ, cựu Chủ tịch Hạ Viện tiểu bang.
  • Thượng nghị sĩ liên bang từ năm 2010.

Pete Hegseth: Bộ trưởng quốc phòng.

  • Fox news host 8 năm.
  • Princeton graduate. Cao học về Chính sách công (Master of Public Policy – MPP) từ Havard
  • Sau khi tốt nghiệp từ Princeton 2003, được điều đến Guantanamo Bay trong lực lượng vệ binh quốc gia của bang Minnesota. Tình nguyện tham gia tại chiến trường Iraq, rồi Afghanistan trong hơn 10 năm. Nhận nhiều huy chương.
  • Tác giả của 4 quyển sách. Cuốn mới xuất bản năm nay: The War on Warriors: Behind the Betrayal of the Men Who Keep Us Free.

John Ratcliffe: Giám đốc CIA.

  • Cựu giám đốc tình báo quốc gia (National Intelligence)
  • Dân biểu liên bang Texas (2015-2020), Thị trưởng 4 nhiệm kỳ tại Heath, Texas
  • Luật sư
  • Lập trường cứng rắn với TC

Tulsi Gabbard: Giám đốc tình báo quốc gia.

  • Nguyên Dân biểu đảng Dân chủ ở Hawaii.

Matt Gaetz: Bộ trưởng Tư Pháp.

  • Dân biểu Florida

Krisiti Noem: Bộ trưởng An Ninh nội địa (Homeland Security).

  • Thống đốc South Dakota từ 2018.
  • Dân biểu liên bang trước khi thành thống đốc.

Michael Waltz: Cố vấn an ninh quốc gia (National Security adviser)

  • Cựu đại tá, 27 năm trong quân ngũ, thuộc lực lượng đặc biệt Mũ Xanh (Green beret ), Tốt nghiệp trường lục quân Virginia Military Institute
  • 3 nhiệm kỳ dân biểu tại Florida
  • Lập trường cứng rắn với TC

Susan Wiles: Chief of Staff – Phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này

  • 4 thập niên hoạt động chính trị (từng giúp cho McCain’s president capaign 2008, góp tiền cho Haley, Jeb Bush …, giúp Rick Scott  thắng thống đốc Florida 2010, cứu DeSantis để thắng thống đốc 2018,
  • Scheduler cho Reagan và làm việc trong Bộ Lao Động (Labor Dept) của TT Reagan

Thomas Homan: Border Czar, kiểm soát biên giới và trục xuất di dân bất hợp pháp.

  • Nguyên Quyền Giám đốc Hải quan và Di trú (ICE / Immigration & Customs Enforcement)

Lee Zeldin: Head of E.P.A (Environment Protection Agency – Bảo vệ môi trường)

Elise Stefanik: Đại sứ tại LHQ.

  • Dân biểu

William McGinley: White House Councel (Luật sư trưởng).

  • Nguyên White House cabinet secretary

Elom Musk & Vivek Ramaswamy: Department of Government Efficiency

Mike Huckabee: Đại sứ tại Do Thái

  • Cựu Thống đốc bang Arkansas
  • Mục sư

Steven Witkoff: Envoy (Sứ thần, Đặc sứ ngoại giao)  tại Trung Đông


Ông Trump gặp ông Biden tại Tòa Bạch Ốc (VOA)

Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 13/11 hân hoan trở lại Washington và bước vào Tòa Bạch Ốc lần đầu tiên sau 4 năm để gặp Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden.

Ông Biden đã mời ông Trump đến Bạch Cung theo truyền thống, một dấu hiệu của việc chuyển giao quyền lực ôn hòa vốn sẽ diễn ra vào ngày 20/1/2025 giữa lãnh đạo hiện tại của Mỹ và vị tổng thống kế nhiệm.

Cả hai ngồi trước lò sưởi bập bùng trong Phòng Bầu dục và trao đổi những lời lẽ xã giao.

Tôi mong muốn có một quá trình chuyển giao suôn sẻ và chúng tôi sẽ thảo luận về một số vấn đề đó hôm nay,” ông Biden nói.

Tổng thống đắc cử Donald Trump và Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden trao đổi những lời lẽ xã giao trong Phòng Bầu dục, 13/11/2024. Ảnh: Reuter

Cảm ơn rất nhiều,” ông Trump đáp. “Chính trị rất khắc nghiệt và trong nhiều trường hợp, nó không phải là một thế giới đẹp. Nhưng hôm nay là một thế giới đẹp và tôi rất trân trọng một cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ, sẽ suôn sẻ nhất có thể, và tôi rất cảm kích điều đó, Joe. Cảm ơn ông.

“Không có chi,” ông Biden đáp.

Đệ nhất phu nhân Jill Biden cùng Tổng thống Joe Biden đã đón Tổng thống đắc cử Donald Trump khi ông bước vào Tòa Bạch Ốc.

Tòa Bạch Ốc cho hay bà Jill Biden đã trao cho ông Trump một bức thư tay chúc mừng dành cho vợ ông Trump là bà Melania Trump, và bày tỏ sự sẵn sàng của đội ngũ hỗ trợ trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Cựu đệ nhất phu nhân, người đã sống tại Bạch Cung từ năm 2017 đến 2021 trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, không đi cùng ông đến Washington hôm nay và chưa có dấu hiệu cho biết liệu bà có kế hoạch chuyển vào Tòa Bạch Ốc khi ông Trump nhậm chức hay không.

Ông Joe Biden, ứng viên Đảng Dân chủ tái tranh cử, đã tìm cách đánh bại ông Donald Trump, ứng viên Đảng Cộng hòa, lần thứ hai, nhưng ông Biden đã kết thúc chiến dịch tranh cử hồi tháng 7 sau cuộc tranh luận với ông Trump. Sau đó, ông Biden nhanh chóng ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris ra tranh cử, nhưng ông Trump đã thắng lớn ở 7 bang chiến địa trong cuộc bầu cử hôm 5/11 và dễ dàng đánh bại bà Harris.

Khi ông Biden đánh bại ông Trump vào năm 2020, ông Trump không mời ông Biden đến Tòa Bạch Ốc trước lễ nhậm chức và ông Trump đã rời Washington hai giờ trước khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức trên bậc thềm của Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.

Ông Trump, người đến nay vẫn tuyên bố sai sự thật rằng ông bị gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020 do gian lận bỏ phiếu, là tổng thống đầu tiên không chứng kiến lễ nhậm chức của người kế nhiệm kể từ khi ông Andrew Johnson bỏ qua lễ tuyên thệ của ông Ulysses S. Grant vào năm 1869.

Ông Biden đã nói rằng ông dự định sẽ chứng kiến lễ nhậm chức của ông Trump.

Ông Trump cũng đã gặp các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Đảng Cộng hòa đang nắm đa số mong manh trong Hạ viện của Quốc hội hiện tại và gần đạt được quyền kiểm soát đa số trong tân Quốc hội vốn sẽ tuyên thệ vào ngày 3/1/2025, nhưng kết quả của hơn một chục cuộc đua vào Hạ viện vẫn chưa ngã ngũ.


Tổng thống Ukraina: Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk và chuẩn bị tấn công (RFI)

Trong bài phát biểu hàng ngày trước quốc dân, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, hôm 11/11/2024, cho biết Nga đã điều 50.000 quân tới khu vực Kursk, hiện đang bị lực lượng Ukraina chiếm đóng một phần.

Hãng tin Đức DW, dẫn lời nguyên thủ Ukraina, cho biết “tiếp tục kìm chân nhóm địch gần 50.000 người” ở khu vực tây nam nước Nga. Theo ước tính trước khi Kiev tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực này hồi tháng 8, chỉ có khoảng 11.000 binh lính đồn trú ở đó.

Về phần mình, Hoa Kỳ, hôm qua 12/11, xác nhận binh sĩ Bắc Triều Tiên đã được triển khai ở Kursk và bắt đầu tham chiến chống Ukraina, mặc dù chính phủ Hàn Quốc vẫn thận trọng chưa đưa ra khẳng định nào.

Phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Vedant Patel, đưa ra nhận xét này trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc triển khai quân đội Bắc Triều Tiên có thể kéo dài cuộc chiến của Nga ở Ukraina và tác động về an ninh đối với toàn bộ châu Âu cũng như khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Vẫn về chiến sự, chính quyền Ukraina, hôm nay 13/11, đã kích hoạt báo động phòng không trên toàn quốc, để đối phó với cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhắm vào Kiev. Lần cuối cùng thủ đô Ukraina hứng chịu những cuộc oanh kích của Kremlin là hồi tháng 8. Trước đó, trong đêm 09 rạng sáng 10/11, Ukraina đã trở thành mục tiêu tấn công của 145 drone của Nga, số lượng cao “kỷ lục”, theo ông Zelensky.

Theo Kiev và Washington, Nga đang chuẩn bị cho một cuộc phản công quy mô lớn trong vùng Kursk, nơi một phần nằm dưới sự kiểm soát của Ukraina kể từ cuộc tấn công bất ngờ được thực hiện vào đầu tháng 8. Ý đồ của Vladimir Putin là tạo thế mạnh trên bàn đàm phán trước khi Donald Trump vào Nhà Trắng.

Mặc dù lực lượng Nga đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các vị trí của Ukraina bằng hỏa lực tên lửa và pháo binh nhưng đây là lần đầu tiên họ chuẩn bị mở một cuộc phản công lớn.

Tướng Oleksandr Syrskyi, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraina, sau khi thị sát mặt trận ở Kursk cho biết trên Facebook hôm thứ Hai: “Quân Nga đang thực thi mệnh lệnh của chỉ huy cố gắng đẩy lùi quân đội chúng ta và tiến vào lãnh thổ mà chúng ta kiểm soát”.

Tướng Dominique Trinquand, cựu lãnh đạo phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, giải thích: « Đó là một lực lượng dày đặc, có lẽ 1/5 trong đó là lính Bắc Triều Tiên. Đối mặt với họ, lực lượng Ukraina ước tính khoảng 10.000 quân cùng các vị trí phòng thủ đã được chuẩn bị từ trước ».

Theo Washington, trong khi Nga đang khó khăn để đạt mục tiêu mỗi tháng tuyển mộ khoảng 25.000 binh sĩ thì, sự hiện diện của những binh sĩ Bắc Triều Tiên này có tầm quan trọng đặc biệt đối với Matxcơva. Tuy nhiên, vẫn khó dự đoán sự đóng góp tác chiến của binh sĩ Bắc Triều Tiên. Dù có trong tay một trong những đội quân lớn nhất thế giới, nhưng quân đội Bắc Triều Tiên từ nhiều thập kỷ nay đã không tham gia chiến đấu.


Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực sang chính quyền Trump (VOA)

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Tư (13/11) đảm bảo với NATO rằng chính quyền Biden sẽ tăng cường sự ủng hộ của mình đối với Ukraine trong vài tháng trước khi ông Donald Trump trở lại làm tổng thống và sẽ cố gắng củng cố liên minh trong thời gian đó.

Gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Brussels, ông Blinken cũng cho biết việc quân đội Triều Tiên được triển khai để giúp Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine “đòi hỏi và sẽ nhận được phản ứng cứng rắn”.

Tổng thống đắc cử Trump, người đã đặt câu hỏi về sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine, cho biết ông sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến của Nga mà không nói rõ bằng cách nào, làm dấy lên mối lo ngại trong số các đồng minh của Hoa Kỳ rằng ông có thể sẽ cố gắng buộc Kyiv phải chấp nhận hòa bình theo các điều kiện của Moscow. Ông Biden sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1.

Sau khi gặp ông Rutte tại trụ sở liên minh, ông Blinken cho biết họ đã thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, nơi lực lượng Nga đã giành được lợi thế ở tiền tuyến phía đông, và công việc NATO phải làm để củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình.

Ông cho biết chính quyền Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm sẽ “tiếp tục củng cố mọi thứ chúng tôi đang làm cho Ukraine” để đảm bảo rằng họ có thể chiến đấu hiệu quả vào năm tới hoặc đàm phán hòa bình với Nga từ vị thế mạnh mẽ.

Ông Biden sẽ “dùng từng ngày để tiếp tục làm những gì chúng tôi đã làm trong bốn năm qua, đó là củng cố liên minh này”, ông Blinken cho biết, đồng thời nói thêm rằng các quan chức của ông Biden đang nỗ lực cung cấp tất cả các khoản viện trợ đã được Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt cho Ukraine trước khi rời nhiệm sở.

Gặp ông Blinken tại Brussels, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha nói cuộc chiến đang ở thời điểm quan trọng và kêu gọi “sức mạnh” thay vì “sự xoa dịu” đối với Nga.

Ông nói thêm rằng “Không thể trì hoãn việc phòng thủ của Ukraine và chờ đợi… Chúng ta cần đẩy nhanh mọi quyết định quan trọng”.

Nói về việc quân đội Triều Tiên được triển khai để hỗ trợ Nga, ông Blinken nói với các phóng viên rằng mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng là “con đường hai chiều” và có “mối quan ngại sâu sắc về những gì Nga đang hoặc có thể làm để tăng cường năng lực của Triều Tiên” bao gồm cả năng lực hạt nhân của nước này.

Ông Blinken cũng đã gặp Tổng tư lệnh NATO tại châu Âu, Tướng Christopher Cavoli, các quan chức cấp cao của EU và Ngoại trưởng Anh David Lammy tại Brussels vào thứ Tư.


Chiến tranh tiếp tục lan rộng tại Liban (RFI)

Hôm qua, 11/11/2024, trong lúc ngoại trưởng Israel khẳng định đã đạt được tiến triển trong đàm phán đình chiến với Hezbollah, điều mà nhóm Hồi giáo Shia bác bỏ, quân đội của Nhà nước Do Thái tiếp tục tấn công vào nhiều khu vực ở Liban, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng.

Do Thái không kích Lebanon, 9-2024

Hôm qua, lần đầu tiên Nhà nước Do Thái tấn công vào khu vực Akkar ở miền bắc Liban, từ khi mở chiến dịch tấn công nhằm tiêu diệt nhóm Hezbollah. Điều này khiến toàn nước Liban chìm trong cuộc chiến đẫm máu. Sáng nay, quân đội Israel đã tấn công vào một số khu vực ngoại ô Beyrouth, sau khi Israel kêu gọi người dân sơ tán, vì ở trong khu vực hoạt động của Hezbollah.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường trình :

« Không còn nơi nào an toàn ở Liban. Tối thứ Hai, vùng Akkar, giáp với Syria ở phía bắc nước này đã bị Israel tấn công và hiện toàn bộ lãnh thổ Liban bị chiến tranh nhấn chìm. Các cuộc không kích của Israel đã nhắm vào một khu vực có chủ yếu người theo đạo Hồi nhánh Sunni, hiện đang tiếp đón hàng chục người Hồi giáo Shia ở miền nam nước này.

Không quân Israel cũng đã tấn công dữ dội vào hàng chục thị trấn ở miền nam Liban, khiến 21 ngôi làng phải sơ tán. Nhiều người dân trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công này, những người vẫn ở lại dù các vụ tấn công của Israel gia tăng.

Về phần mình, Hezbollah đã nã vào phía bắc Israel hơn 250 tên lửa hạng nặng. Đây là con số kỷ lục kể từ khi Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ vào Liban hôm 01/10 vừa qua, chưa kể các cuộc tấn công bằng drone. Hôm qua, Hezbollah đã tuyên bố thực hiện 22 vụ oanh kích.

Các khu vực như Safah, Acre, Haïfa, ở phía bắc Israel đã bị Hezbollah tấn công vào hôm qua. Hezbollah đã bắn hàng loạt tên lửa từ các ngôi làng ở khu vực biên giới, vốn được cho là đã được quân đội Israel « dọn dẹp », kiểm soát sau 50 ngày tấn công trên bộ ».


Các nước Ả Rập họp hội nghị cấp cao khẩn cấp về xung đột tại Trung Đông (RFI)

Ngày 11/11/2024, Liên đoàn các quốc gia Ả Rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã họp hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp tại Ả Rập Xê Út. Hơn 70 đại diện các nước đã đến dự để thảo luận và bày tỏ lập trường về cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra giữa Israel với lực lượng Hamas tại Gaza và Hezbollah tại Liban, sau nhiều nỗ lực của các nước Hồi Giáo cũng như phương Tây không mang lại được ngừng bắn.

Thông tín viên Joseph Clément, tại Riyadh tường trình :

Khi nói đến diệt chủng và thảm sát mà theo ông là nhắm vào người Palestine và Liban, thái tử Mohammed Ben Salman đã cho thấy thái độ của thượng đỉnh đối với Israel.

Ông nói : « Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm buộc Israel tôn trọng hòa bình, an ninh, chấm dứt cuộc xâm lược chống lại những người anh em của Palestine và Liban của chúng ta. Cộng đồng quốc tế phải bảo đảm buộc Israel tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Iran và răn đe Israel tấn công vào lãnh thổ Iran ».

Tiếp sau đó, đại diện của Palestine, Mahmoud Abbas và của Liban Najib Mikati lên phát biểu và được hoan nghênh. Cuối phiên họp, ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, hoàng tử Faisal tỏ ý muốn phương Tây phải có trách nhiệm.

Ông Faisal tuyên bố : « Chúng ta sẽ tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng những nguyên tắc mà chính cộng đồng đã đặt ra. Chúng ta sẽ tiếp tục làm việc để đạt được ngừng bắn. Chúng ta không từ bỏ con đường ngoại giao. Chúng ta tin tưởng vào hòa bình, sống trong hòa bình, an ninh nhờ con đường ngoại giao. Chúng ta sẽ tiếp sử dụng ngoại giao để đạt được hòa bình mà tất cả chúng ta xứng đáng được hưởng ».

Tuyên bố chung kết thúc thượng đỉnh kêu gọi Israel rút ra khỏi toàn bộ những vùng lãnh thổ mà nước này chiếm đóng từ năm 1967. Phía Israel đánh giá lời kêu gọi này là không thực tế.


Donald Trump chọn nhân sự cứng rắn với Trung Cộng vào các vị trí chủ chốt cho chính quyền mới (RFI)

Tổng thống đắc cử Donald Trump khẩn trương chọn lựa nhân sự cho chính quyền mới, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/01/2025. Những ngày qua, nhiều nguồn thạo tin đã tiết lộ với báo chí những cái tên được ông Trump nhắm tới cho các vị trí quan trọng, như Ngoại Giao và An Ninh Quốc Gia. Đó là những nhân vật trung thành với ông Trump và có lập trường cứng rắn với Trung Cộng.

Thông tín viên Guillaume Naudin tại Washington cho biết chi tiết :

Giống như trong lĩnh vực nhập cư, Donald Trump tìm trong số những người trung thành để giao các vị trí chủ chốt ở lĩnh vực đối ngoại. Là người từng chạy đua chức phó tổng thống, nhưng ở chặng cuối bị JD Vance vượt lên, thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida được nắm chức ngoại trưởng, nhật báo New York Times dẫn nguồn tin thân cận với tổng thống đắc cử cho biết.

Là con của một gia đình nhập cư từ Cuba, Marco Rubio được biết đến là một người có quan điểm cứng rắn đối với các chế độ độc tài nói chung và nhất là chống Trung Cộng. Là phó chủ tịch Ủy ban Tình báo tại Thượng Viện, ban đầu ông không đồng quan điểm với tổng thống đắc cử về chiến tranh Ukraina cũng như về việc cần phải gây sức ép với Kiev để chấm dứt chiến tranh, nhưng cuối cùng ông đã thích ứng.

Ông cũng đồng quan điểm với lãnh đạo của mình về vấn đề chi phí quốc phòng của châu Âu, theo đó châu Âu phải tự lo cho mình là chính.

Với vị trí cố vấn an ninh quốc gia, Donald Trump có vẻ như đã chọn một nhân vật diều hâu khác, một dân biểu của Florida, Mike Waltz. Nhân vật này cũng nổi tiếng với lập trường cứng rắn đối với Trung Cộng.

Mike Waltz là cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, từng nhiều lần được điều đến Afghanistan, Trung Đông và châu Phi. Ông cũng đã nhiều lần được tặng thưởng huân huy chương cho quân nhân dũng cảm.

Cùng với việc tuyển chọn nhân sự, tổng thống đắc cử Mỹ muốn chính quyền mới được thành lập nhanh chóng, không có sự cản trở. Donald Trump hôm Chủ nhật đã yêu cầu Thượng Viện miễn thủ tục phê chuẩn, việc bổ nhiệm các quan chức cao nhất trong chính quyền tương lai của ông. Một điều khoản của Hiến Pháp Hoa Kỳ cho phép tổng thống bổ nhiệm mà không cần sự chấp thuận của Thượng Viện khi Thượng Viện không họp. Nhưng quy định hiếm khi được áp dụng, vì các thượng nghị sĩ thường sắp xếp họp vào thời điểm đề cử và do đó thực hiện quyền kiểm soát của họ đối với cơ quan hành pháp.


APEC 2024: Peru bắt đầu tuần lễ Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương

Hôm 10/11/2024, tuần lễ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31 được bắt đầu tại Lima, thủ đô Peru, với sự tham dự của đại diện đến từ 21 quốc gia trong khu vực, trong đó có sự hiện diện của nguyên thủ hai cường quốc hàng đầu thế giới là chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Joe Biden.

Theo trang Bernama, đây là lần thứ ba quốc gia Nam Mỹ này, với khoảng 34 triệu dân, chủ trì Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC. Nhân thượng đỉnh này, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình cũng sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tại Lima và sẽ ký kết một thỏa thuận tăng cường trao đổi tự do mậu dịch và khánh thành cảng biển rộng lớn Chancay do tập đoàn Trung Cộng Cosco Shipping Port điều hành.

Tuy nhiên, thông tín viên đài RFI, Martin Chabal từ Lima ghi nhận Peru tổ chức thượng đỉnh APEC lần này trong bầu không khí bất bình ở trong nước :

« Đối với Peru, sự có mặt của chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Joe Biden là một sự kiện lớn. Tại đây, Trung Cộng hy vọng củng cố tầm ảnh hưởng của mình tại hai châu lục bị ngăn cách bởi đại dương. Ông Tập Cận Bình sẽ khánh thành một cảng biển khổng lồ của Trung Cộng, do một doanh nghiệp Trung Cộng ở phía bắc Lima khai thác. Một trong những cảng biển lớn nhất Nam Mỹ này sẽ cho phép Trung Cộng xuất khẩu nhiều hơn nữa hàng hóa của mình sang khu vực.

Tại một những chuyến công du sau cùng trước khi đến Brazil dự hội nghị G20, Joe Biden chắc chắn sẽ nỗ lực trấn an Đài Loan. Thắng lợi bầu cử vừa qua của Donald Trump có thể tạo ra một động lực mới trong khu vực, không nhất thiết là có lợi cho Đài Loan trước Trung Cộng.

Cuối cùng là vai trò của Nga trong hội nghị cấp cao APEC lần này. Đây là câu hỏi lớn vào lúc sự kiện bắt đầu hôm nay. Thứ Sáu, 08/11, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov, thông báo sự tham dự của phó thủ tướng Nga Alexei Overchuk mà không biết rõ là ông ấy sẽ có những chương trình gì ở đó. Người ta cũng không biết là tổng thống Nga Vladimir Putin có sẽ gởi một thông điệp gì đến đồng nhiệm Mỹ hay không.

Về phần mình, Peru – nước chủ nhà, có nguy cơ đối mặt với một cuộc biểu tình và những cuộc đình công lớn. Người dân Peru, bất bình về chính sách do nữ tổng thống Dina Boluarte tiến hành trong nước, đã kêu gọi phong tỏa đất nước nhân kỳ thượng đỉnh ».


Nhật Bản: Hạ Viện mới bầu lại ông Shigeru Ishiba giữ chức thủ tướng (RFI)

Hạ Viện mới của Nhật Bản trong phiên khai mạc hôm 11/11/2024, đã quyết định để thủ tướng Shigeru Ishiba tiếp tục lãnh đạo chính phủ. Trong cuộc bầu cử trước thời hạn diễn ra vào tháng trước, đảng Dân Chủ Tự Do của ông đã mất đa số tuyệt đối lần đầu tiên kể từ năm 2012 tại Hạ Viện.

Thủ tướng Shigeru Ishiba

Thủ tướng Nhật nắm giữ quyền lực trong thế mong manh. Trên bình diện quốc tế, chiến thắng của Donald Trump ở Mỹ cũng có thể làm phức tạp thêm nhiệm vụ của cựu bộ trưởng Quốc Phòng.

Thông tín viên RFI Frédéric Charles tại Tokyo tường trình :

“Thủ tướng Shigeru Ishiba đang trong hoàn cảnh bấp bênh như trường hợp của thủ tướng Đức Olaf Scholz. Đảng Dân Chủ Nhân Dân, ban đầu cho biết sẵn sàng hợp tác trong từng vụ việc với đảng của thủ tướng, nhưng sau đã không bầu cho ông.

Sự khác biệt giữa hại đảng là rất lớn. Đảng Dân Chủ Nhân Dân yêu cầu giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để phục hồi sức mua cho người dân Nhật. Đảng bảo thủ thì lại muốn tăng thuế này để kiềm chế khoản nợ công tai hại. Bất cứ lúc nào, đảng trung hữu nhỏ có thể bỏ phiếu về bất tín nhiệm chính phủ và như vậy ông Shigeru Ishiba sẽ phải từ chức.

Thủ tướng hiện nay có nhiều kẻ thủ trong đảng của mình. Các thành phần chống đối đó không bỏ qua cho ông việc đã liều lĩnh tổ chức bầu cử Quốc Hội trước thời hạn. Shigeru Ishiba đã đánh giá thấp nỗi phẫn nộ của người dân Nhật trước một đảng đang suy yếu vì vụ bê bối quỹ đen và có liên hệ với Giáo Hội Thống Nhất hay giáo phái Moon.

Bị suy yếu, Shigeru Ishiba khó có thể cho thông qua bất kỳ một cải cách nào cho dù là nhỏ nhất, cũng như khó cưỡng lại các đòi hỏi của Hoa Kỳ vừa là đồng minh vừa là người bảo vệ, với sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump.” 


Mỹ yêu cầu TSMC ngừng cung cấp lô hàng chip bán dẫn cho Trung Cộng (RFI)

Hoa Kỳ đã ra lệnh cho hãng TSMC của Đài Loan, ngừng vận chuyển các lô hàng linh kiện bán dẫn tiên tiến cho các khách hàng Trung Cộng, thường được sử dụng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Lệnh cấm có hiệu lực ngay từ ngày 11/11/2024.

Reuters hôm 10/11/2024, dẫn một nguồn thạo tin cho biết bộ Thương Mại Hoa Kỳ đã gởi thư đến hãng Taiwan Semiconductor Manufactoring Co – TSMC, áp đặt các hạn chế xuất khẩu sang Trung Cộng đối với một số loại chip tinh vi, có thiết kế tiên tiến 7 nanomet, để cung cấp năng lượng cho bộ tăng tốc AI và bộ xử lý đồ họa (GPU).

Yêu cầu này được đưa ra sau việc cách nay vài tuần TSMC thông báo cho bộ Thương Mại biết rằng một trong số các linh kiện bán dẫn của họ đã được tìm thấy trong bộ xử ý AI của Huawei. Hãng tin Anh cho biết không thể xác định được con chip này đã xuất hiện trên chip Ascend 910B của Huawei như thế nào. Chúng được phát hành ra thị trường vào năm 2022, và đây được xem là loại chip AI tiên tiến nhất hiện có từ một công ty Trung Cộng.

Lệnh cấm mới này sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty và cho phép Hoa Kỳ thẩm định liệu các công ty khác có chuyển hướng chip sang Huawei để sản xuất bộ xử lý AI cho họ hay không. Theo nguồn tin trên, TSMC sau khi nhận thư yêu cầu từ Mỹ đã thông báo cho những khách hàng bị ảnh hưởng rằng họ sẽ đình chỉ chuyển giao các lô hàng chip bắt đầu từ ngày 11/11/2024.

Bộ Thương Mại và TSCM từ chối bình luận về vụ việc. Hãng linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới này chỉ cho biết thêm rằng TSCM tuân thủ pháp luật, cam kết tuân thủ mọi quy tắc và quy định hiện hành, kể cả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện hành.


Philippines lên án Trung Cộng gây áp lực trong hồ sơ chủ quyền ở Biển Đông (RFI)

Trong lúc quân đội Trung Cộng tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật, dọc theo bờ biển đông nam, hôm  12/11/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro khẳng định Trung Cộng đang ngày càng gia tăng áp lực để buộc Philippines nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro

Trả lời báo giới về căng thẳng ở Biển Đông mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ khu vực, gây tranh chấp với Manila và nhiều nước khác trong khu vực, lãnh đạo quốc phòng Philippines nhấn mạnh « chúng tôi là nạn nhân trực tiếp từ các cuộc gây hấn của Trung Cộng ». Ông Gilberto Teodoro cho biết « Bắc Kinh ngày càng yêu cầu chúng tôi phải nhượng bộ các quyền chủ quyền trong khu vực, từ bỏ các nhu cầu khai thác tài nguyên của chúng tôi », theo trích dẫn từ The Manila Times.

Trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Quốc Phòng Úc Richard Marles tại Canberra, lãnh đạo Quốc Phòng Philippines khẳng định các tuyên bố và hành vi của Bắc Kinh trái với luật pháp quốc tế. Do vậy, việc thiết lập các thỏa thuận quốc phòng với các đối tác như Úc là « phương cách quan trọng để ngăn chặn các cuộc xâm nhập của Trung Cộng ».

Bộ trưởng Quốc Phòng Úc, Richard Marles, về phần mình, bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với ngành công nghiệp quốc phòng Philippines và sẽ cử một nhóm đánh giá kỹ thuật đến nước này vào đầu năm sau.

Hồi tháng 09/2023, theo Reuters, Úc và Philippines đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược và tổ chức cuộc tuần tra chung đầu tiên trên biển và trên không ở Biển Đông một vài tháng sau đó. Lãnh đạo quốc phòng hai nước cũng đã gặp nhau 15 lần kể từ năm 2023.

Ngoài việc thắt chặt quan hệ với Úc và Hoa Kỳ, gần đây, Philippines cũng có kế hoạch chi khoảng 33 tỷ đô la mua sắm các loại vụ khí mới, gồm các máy bay chiến đấu tiên tiến và tên lửa tầm trung.


TIN VIỆT NAM.

Tô Lâm – Donald Trump: cuộc điện đàm dự báo mối quan hệ

Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với ông Donald Trump vào ngày 11/11 để chúc mừng ông Trump thắng cử, mời ông Trump tới thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới.

Nguồn: BBC

Một số chủ đề được trao đổi trong cuộc điện đàm là việc thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, kinh tế, thương mại và đầu tư, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam.

Các quan chức và chuyên gia chuỗi cung ứng đã nói với Reuters rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt những biến động thương mại trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump.

Giới lãnh đạo Việt Nam muốn một chính sách thương mại ổn định từ một tổng thống Dân chủ hơn là sự bất định của ông Trump, hai quan chức cấp cao nói với Reuters trước ngày bầu cử 5/11. Lý do chính cho sự quan ngại là thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Mỹ, điều mà ông Trump từng phàn nàn trong nhiệm kỳ thứ nhất.

Điểm sáng cho Việt Nam vẫn là khả năng tiếp tục, hoặc tăng cường, hưởng lợi từ làn sóng đầu tưxu hướng chuyển dịch dây chuyển sản xuất của các doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc.

Ngoài vấn đề hợp tác kinh tế, ông Trump cũng đề cập tới hai chuyến thăm của ông tới Việt Nam vào năm 2017 và năm 2019.

Ông Tô Lâm đã mời ông Trump tới thăm Việt Nam, ông Trump đồng ý và đưa ra lời mời tương tự dành cho ông Tô Lâm, báo Chính phủ đưa tin.

Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống đắc cử Donald Trump dự báo kênh giao thiệp giữa lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam – lãnh đạo Chính phủ Mỹ là điều mà Việt Nam muốn tiếp tục đẩy mạnh và phía Mỹ cũng sẵn sàng chấp nhận. (Trích BBC)


Chile trục xuất viên chức an ninh Việt Nam vì tấn công tình dục

Một tòa án Chile đã ra lệnh cho một thành viên trong đội an ninh của Chủ tịch Lương Cường phải rời khỏi đất nước này sau khi người này bị cáo buộc tấn công tình dục trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Việt Nam tới quốc gia Nam Mỹ.

Ông Cường đến Chile hôm 9/11 để thăm chính thức quốc gia này trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại nước láng giềng Peru, dự kiến được tổ chức trong tuần này.

Bộ ngoại giao Chile cho biết cận vệ của ông Cường, cũng là công dân Việt Nam, đã bị bắt vào đêm ngày 10/11 sau khi bị cáo buộc tấn công tình dục.

Người cận vệ này đã bị đưa ra xét xử tại tòa vào chiều ngày 11/11 nhưng thay vì đưa ra cáo buộc, chính quyền Chile đã ra lệnh cho ông ta rời khỏi đất nước và cấm ông quay trở lại trong hai năm.

Công tố viên Felix Rojas cho biết đây là thỏa thuận “một lần”, được nạn nhân, là một công dân Chile, chấp nhận.

Báo La Tercera của Chile đã đăng hình cận vệ người Việt bị đưa ra toà án.

Vị công tố viên này nói thêm rằng luật pháp Chile cho phép “các giải pháp thay thế trong một số trường hợp nhất định” trong các trường hợp bị cáo buộc lạm dụng tình dục.

Cuộc gặp của ông Cường với Tổng thống Chile Gabriel Boric vào ngày 11/11 đã diễn ra sau khi cận vệ của ông bị bắt.

Bộ trưởng Ngoại giao Chile Alberto van Klaveren cho biết vụ việc “không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Chile và Việt Nam” và người đồng cấp Việt Nam của ông đã xin lỗi về “sự cố rất đáng tiếc này”.

Truyền thông Việt Nam do nhà nước quản lý không đưa tin về vụ việc này. VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Báo Chính phủ cho biết rằng Tổng thống Boric đã “nhiệt liệt chào mừng” ông Cường cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Chile, khẳng định chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, đồng thời là chuyến thăm đầu tiên ở cấp nguyên thủ quốc gia Việt Nam trong vòng 15 năm qua.

Sự im lặng này tương phản hoàn toàn với một số vụ tương tự trong quá khứ, chẳng hạn vụ việc năm 2022 khi hai nam nghệ sĩ ở Hà Nội vướng vào cáo buộc “tấn công tình dục” một nữ du khách 17 tuổi trong một khách sạn ở Majorca, Tây Ban Nha.

Vào thời điểm đó, dù mới chỉ là cáo buộc và chỉ có một số báo tiếng Tây Ban Nha đưa tin nhưng không nêu tên mà chỉ đề cập đến “hai nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam,” truyền thông Việt Nam đã lập tức đăng tải rầm rộ và nêu đích danh họ, thậm chí có nhiều báo còn đưa tin về người thân của họ.

Một số bạn đọc đặt câu hỏi: Phải chăng báo chí tiêu chuẩn kép, chỉ phản ánh những chuyện mà họ cảm thấy an toàn, còn đụng tới chính trị thì im lặng?

Trên Facebook cá nhân, tác giả Thái Hạo cho rằng việc báo chí đăng công khai vụ sĩ quan an ninh Việt Nam bị cáo buộc lạm dụng tình dục ở Chile sẽ cho thấy một sự thay đổi thật lòng về cái gọi là “kỷ nguyên mới”. Theo ông, điều này “sẽ cho thấy tinh thần minh bạch và thái độ thẳng thắn đối diện với những cái sai cái cái xấu. Thế giới đã phẳng, im lặng hay phớt lờ đã không còn được coi khôn ngoan nữa. Lên tiếng, đừng để vuột mất cơ hội.”

Nhà văn Châu Đoàn viết trên Facebook cá nhân: “Báo chí ở xứ giãy chết đua nhau đưa tin, cả hãng thông tấn Mỹ, AP, là hãng tôi hợp tác làm phóng viên ảnh cho mấy chục năm cũng vậy, rồi lại thêm các bạn trên mạng xã hội… tất cả đang xôn xao về việc một cán bộ cảnh vệ tháp tùng Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Chile vừa bị bắt vì bị tố cáo lạm dụng tình dục hôm Thứ Hai, ngày 11/11…”

…Sự việc nó cũng chỉ có vậy, tôi cũng không phải là hả hê gì khi quốc thể bị ảnh hưởng nhưng nên nhìn vào sự thật để mà sửa. Các vị nên nhìn ra thực trạng cán bộ. Tham nhũng tràn lan, đạo đức và văn hóa quá thấp kém, các doanh nghiệp phải khốn khổ để bôi trơn cho hoạt động, các công trình công cộng thì chưa dùng đã nát.

Tác giả Châu Đoàn viết tiếp: “Người cầm bút như tôi có nhận xét vài câu khách quan, chính trực thì bị quy chụp đủ điều, lại bị dọa bắt bớ. Có ai trong số đã bị bắt tham nhũng đồng nào của ngân sách đâu. Có ai đủ khả năng để gây ra một vụ bê bối đáng xấu hổ như đồng chí cán bộ cảnh vệ vụ này đâu.”

Và ông kết luận: “Không có thế lực thù địch và phản động nào nguy hiểm bằng chính các đồng chí, cán bộ trong bộ máy của các vị. Nên đối xử công bằng với những người cầm bút chính trực.

Bác sĩ Vũ Hồng Nguyên từ Mỹ viết trên Facebook cá nhân: “Báo chí Việt Nam có lẽ sốc quá nên chưa biết nói thế nào! Search [tìm kiếm] tên bác ấy và Chile chỉ thấy nói về ‘nâng tầm quan hệ’… Những việc đình đám như này thì ‘báo chí cắt mạng’ im lặng tuyệt đối.


Chính phủ khẳng định với LHQ không trả thù luật sư Đặng Đình Mạnh

Luật sư Đặng Đình Mạnh (thứ hai từ trái sang) và bốn luật sư khác bào chữa cho Thiền am bên bờ vũ trụ

Chính phủ Việt Nam gửi thư trả lời Liên Hiệp quốc (LHQ) phản bác cáo buộc “trả thù” đối với luật sư Đặng Đình Mạnh nhưng vị luật sư này nói Hà Nội không trung thực.

Thư trả lời đề ngày 01/11, hơn 20 tháng sau khi nhận Thư chung cáo buộc của ba báo cáo viên đặc biệt của LHQ về “trả thù” đối với luật sư Mạnh, một trong năm người bào chữa cho các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai (tức Thiền am bên bờ vũ trụ) trong vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ” năm 2022.

Luật Sư Đặng Đình Mạnh (thứ hai, bên trái) cùng bốn luật sư khác tham gia bào chữa vụ án “Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.” (Hình: FB Đặng Đình Mạnh)

Đầu năm 2023, công an tỉnh Long An đã nhiều lần gửi giấy triệu tập cho ông Mạnh và đồng nghiệp Nguyễn Văn Miếng với lý do có tin báo tội phạm từ Cục An ninh mạng & Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05-Bộ Công an) nói rằng đã phát hiện hai luật sư này có hành vi phát tán trên mạng video clip hình ảnh, bài viết bị cho có dấu hiệu “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Trong thư gửi LHQ, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế tại Geneva nói chính quyền Việt Nam chưa khởi xướng bất kỳ cuộc điều tra hình sự hoặc hoạt động tố tụng nào đối với ông Mạnh và những cá nhân liên quan mà mới chỉ mời họ hợp tác cung cấp thông tin, làm rõ sự việc theo đúng luật pháp.

Chính phủ khẳng định việc ông Mạnh sợ bị bắt nếu đi gặp theo giấy triệu tập là không có căn cứ vì các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra và xác minh báo cáo, tuy nhiên chưa đưa ra bất kỳ kết luận chính thức nào, do đó không có cơ sở để bắt giữ hoặc truy tố.

Luật sư Mạnh không đồng ý với phản hồi của chính phủ nhưng không ngạc nhiên về việc Hà Nội phủ nhận việc điều tra hình sự đối với ông là hành vi trả đũa vì quá trình hành nghề luật sư của ông.

Vị luật sư từng bào chữa cho nhiều nhà hoạt động trong nhiều năm trước khi đào thoát sang tị nạn tại Mỹ nói với RFA trong ngày 12/11:

Tôi là nạn nhân và là nhân chứng trong việc bị chính quyền Việt Nam trả đũa, đàn áp chỉ vì đã công khai tố cáo việc khuất tất của các cơ quan an ninh trong các vụ án chính trị, trong đó, gồm cả việc tố cáo Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Long An dàn dựng chứng cứ giả mạo để đàn áp tôn giáo đối với cơ sở tu tại gia Thiền am bên bờ vũ trụ.”

Trong thư gửi LHQ, Chính phủ Việt Nam nói rằng Cơ quan An ninh Điều tra đã ra quyết định tạm dừng điều tra tin báo tội phạm trong trường hợp của ông Mạnh từ ngày 03/06/2023. Tuy nhiên, ông Mạnh cho hay cơ quan này vẫn triệu tập hai luật sư khác trong nhóm sau ngày này.


CSVN buộc người dùng mạng xã hội phải định danh mới được livestream

Kể từ ngày 25/12, người ở Việt Nam dùng mạng xã hội của nước ngoài phải xác thực trang cá nhân mới được phát trực tiếp/livestream.

Chính phủ Việt Nam hôm 9/11 ban hành Nghị định số 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng, quy định các đơn vị cung cấp thông tin xuyên biên giới phải thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam hoặc bằng số định danh cá nhân.

Bản đồ về tự do báo chí 2024 của RSF: Việt Nam ở trong vùng đỏ- không có tự do báo chí

Người dùng sẽ phải thực hiện việc xác thực tài khoản trong vòng 90 ngày, sau đó, chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, phát trực tiếp/livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Một luật sư ở Hà Nội, người không muốn công khai danh tính vì lý do an ninh, cho rằng quy định xác thực tài khoản mạng xã hội khiến người dùng có trách nhiệm hơn với phát ngôn của mình, nhưng mặt khác sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận trong trường hợp người dùng muốn ẩn danh trước những vấn đề chính trị “nhạy cảm.”

Từ Sài Gòn, nhà thơ, dịch giả, nhà báo Hoàng Hưng đồng tình với quy định trên nhưng ông băn khoăn trước việc trao quyền cho Bộ Thông tin Truyền thông xác định nội dung nào vi phạm nhưng thiếu cơ chế phân xử ở toà án.

Ông Phil Robertson, Giám đốc của tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA), nói trong tin nhắn gửi RFA ngày 12/11:

Đây là một cuộc tấn công trắng trợn vào quyền tự do ngôn luận của người dân Việt Nam sử dụng Internet. Nó một lần nữa cho thấy Internet của Việt Nam đang ngày càng trở nên kém tự do hơn và đang tiến gần đến tình trạng ở Trung Quốc.”

Phóng viên gửi email cho Meta và Google để hỏi về khả năng tuân thủ quy định mới này của Việt Nam nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Một số điểm đáng chú ý khác của Nghị định 147 là buộc các mạng xã hội nước ngoài phải thực hiện thỏa thuận hợp tác về nội dung với các cơ quan báo chí Việt Nam khi cung cấp thông tin dẫn lại từ báo chí Việt Nam trên cơ sở quy định về sở hữu trí tuệ, nếu thỏa thuận không thành sẽ không được sử dụng hoặc không hiển thị thông tin dẫn lại từ cơ quan báo chí Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới bị buộc phải cung cấp thông tin của người dùng Việt Nam cho Bộ thông tin và truyền thông, Bộ công an, cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu bằng văn bản. (RFA)


Bài liên quan:
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 18-19-20/11/2024.
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
  • Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
  • Ukraine lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa của Mỹ vào ngày thứ 1.000 của cuộc chiến
  • Bắc Triều Tiên cung cấp cho Nga tên lửa và pháo tầm xa
  • Đặc phái viên Mỹ: Khả năng chấm dứt chiến tranh Israel-Hezbollah 'trong tầm tay'
  • An ninh Đông Á bị tác động nghiêm trọng vì lính Bắc Triều Tiên can dự chiến tranh Ukraina
  • Nhóm 5 nước lớn nhất châu Âu "ủng hộ" trái phiếu quốc phòng
  • Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraina dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
  • Thượng đỉnh G20 khép lại với tuyên bố chung chống nạn đói toàn cầu
  • Manila tố cáo Trung Cộng ngụy trang tàu chiến thành tàu cá xâm chiếm biển Philippines
  • Ba tù nhân chính trị đang thụ án 26 năm tù được trao Giải Nhân quyền Việt Nam 2024
  • Giám đốc Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA tuyên bố ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Mỹ xác định Việt Nam ‘không thao túng tiền tệ’.
  • Nghiên cứu mới: 99% quần đảo Trường Sa nằm trong tầm với của Bắc Kinh
  • Mỹ cho Việt Nam 5 máy bay huần luyện
  • Hà Nội dự kiến hạn chế xe máy vào nội thành
  • TIN ĐẶC BIỆT: BẦU CỬ HOA KỲ 2024. Tổng Thống Donald Trump Đắc Cử Vẻ Vang
  • Foreign Policy: Nước Mỹ đã quyết định
  • RFI: Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ
  • BBC: Donald Trump đã chiến thắng, một sự trở lại ngoạn mục
  • BBC: Những phát biểu đặc sắc của TT Trump
  • Tổng thống Biden gọi điện chúc mừng ông Trump
  • Nhiều nước chúc mừng chiến thắng của Donald Trump
  • Cựu Tổng thống Bush chúc mừng ông Trump
  • Kamala Harris: thua cuộc nhưng không từ bỏ
  • Bầu cử Mỹ: Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Thượng Viện
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 28-29-30/10/2024.
  • Ukraina huy động thêm 160.000 binh sĩ
  • Kiev và Seoul sẽ tăng cường hợp tác chống quân Bắc Triều Tiên tham chiến ở Ukraina
  • Hamas nói sẵn sàng bàn thảo thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Gaza
  • Mỹ cho phép Ukraina dùng vũ khí không giới hạn nếu lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ Nga
  • Tổng thống Ai Cập đề xuất hưu chiến tại Gaza để phóng thích các con tin Israel
  • Hezbollah chọn Naim Qassem làm thủ lĩnh kế nhiệm ông Nasrallah
  • Bầu cử Quốc Hội Gruzia: Cơ quan Công tố mở điều tra về "gian lận" quy mô lớn
  • Brazil trở thành quốc gia BRICS thứ hai không tham gia dự án BRI của TC
  • Mỹ ban hành các quy định hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ tiên tiến của TC
  • Nhật Bản: Đảng cầm quyền mất đa số tại Hạ Viện, thủ tướng Ishiba không định từ chức
  • Việt Nam “sẵn sàng” hợp tác với BRICS
  • Tổ chức nhân quyền Canada kêu gọi trừng phạt 14 quan chức Việt Nam
  • UAE tính xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ sản phẩm dầu mỏ tại VN
  • Giới hoạt động đánh giá cao việc LHQ xác nhận người Thượng là dân tộc bản địa
  • Nhóm công tác của LHQ: Việt Nam bắt giữ tùy tiện có hệ thống
  • Blogger Đường Văn Thái bị kết án 12 năm tù giam trong phiên toà kín
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN 21-22-23/10/2024.
  • Gia nhập NATO: Ukraina trông đợi vào kết quả bầu cử Mỹ
  • Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tới Ukraina để thể hiện tình đoàn kết
  • Israel tăng cường tấn công ở Gaza, Lebanon sau khi thủ lĩnh Hamas bị diệt
  • BRICS: Tổng thống Nga phá thế cô lập, tiếp đón hơn 20 nguyên thủ quốc gia
  • Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên đang ở Nga
  • Nam Hàn có thể cân nhắc cấp vũ khí cho Ukraine do ‘thông đồng quân sự’ Nga-Triều
  • EU lấy 35 tỷ euro tài sản bị đóng băng của Nga để cho Ukraine vay
  • Đài Bắc theo dõi sát sao tàu sân bay Trung Cộng Liêu Ninh đi qua eo biển Đài Loan
  • Mỹ - Nhật khởi động tập trận chung
  • Indonesia: Prabowo nhậm chức tổng thống
  • Modi nói với Putin: ‘Ấn Độ muốn hòa bình ở Ukraine’
  • Tướng Mỹ: Triển khai phi đạn Mỹ tới Philippines là ‘cực kỳ quan trọng’
  • Việt Nam có tân chủ tịch nước xuất thân từ tướng quân đội
  • HRF, KKF kêu gọi LHQ can thiệp vụ hai nhà hoạt động Khmer bị VN giam cầm
  • LHQ kêu gọi Việt Nam phóng thích nhà báo Phạm Chí Dũng
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị BRICS, khẳng định tình bạn thủy chung với Nga
  • Bão Trà Mi hướng vào Việt Nam, miền Trung sẽ mưa lớn diện rộng
  • TIN CHÍNH TRONG TUẦN ngày 30/9, 1-2/10/2024
  • Tranh luận ứng viên phó tổng thống Mỹ: Ai thắng, ai thua?
  • Chiến tranh Ukraina: ‘‘Có bằng chứng hiển nhiên’’ về việc vũ khí Trung Cộng được bí mật cấp cho Nga
  • Trung Đông tăng nhiệt: Iran phóng phi đạn qua Israel
  • Giới phân tích dự đoán Israel sẽ phản ứng mạnh với Iran
  • Cựu bộ trưởng Ishiba chính thức được bầu làm thủ tướng Nhật Bản
  • Mỹ thông báo viện trợ hơn nửa tỷ đô la hỗ trợ quốc phòng Đài Loan
  • Khủng hoảng Israel-Iran: Pháp điều tàu chiến, Đức cảnh báo, Ý sắp họp G7
  • Nam Hàn trình làng tên lửa “quái vật” nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội
  • Tàu Trung cộng tấn công ngư thuyền Việt Nam tại Hoàng Sa
  • Chưa chọn Việt Nam, Google đầu tư hàng tỷ đô la vào Malaysia, Thái Lan; vì sao?
  • Sản xuất ở Việt Nam suy yếu
  • Bị cáo buộc âm mưu "khủng bố" vì tham gia tổ chức của ông Đào Minh Quân
  • Báo cáo viên LHQ bày tỏ quan ngại việc TS Nguyễn Quang A bị Công an mời làm việc
  • Tòa án Thái Lan ra phán quyết dẫn độ ông Y Quynh Bdap, nhà hoạt động người Thượng về Việt Nam
  • Mỹ áp thuế gần 300% trên pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam